Chương 1: Tranh chấp
Edit: Heo con.
Nguồn: congchuakhangiay.
Đậu Chiêu cảm thấy mình không sống được bao lâu nữa.
Cổ nhân có câu: "Sinh dữ tử lành".
Mấy hôm nay nàng luôn mơ về quá khứ, ngồi dưới gốc tử đằng đang độ nở hoa, đung đưa đôi chân mũm mĩm, nhũ mẫu mập mạp như bánh bao đang dỗ nàng ăn cơm.
Có làn gió thổi qua, những dây hoa tử đằng rủ xuống rối vào nhau, những dây hoa buồn bã rung động thành một cụm như một tiểu cô nương đang khe khẽ thì thầm.
Nàng thấy thú vị, cười hì hì chạy đến, bắt lấy một dây, thuận tay ngắt đi một đóa hoa tử đằng đang nở rộ.
Nhũ mẫu đuổi theo:
- Tứ tiểu thư ngoan nào, ăn một miếng đi. Thất gia sắp từ kinh thành về rồi, đến lúc đó sẽ mua rất nhiều đồ ăn ngon cho tứ tiểu thư, còn cả giầy xinh nữa...
Nàng không thèm nhìn nhũ mẫu, tránh chiếc thìa bạc nhũ mẫu đưa tới, lại nắm lấy một dây hoa tử đằng khác.
Bên tai truyền đến một giọng nói thanh thúy:
- Sao vậy? Tứ tiểu thư lại không nghe lời?
Nhũ mẫu vội xoay người về phía giọng nói đó, kính cẩn gọi:
- Thất phu nhân.
Nàng cầm hoa tử đằng chạy qua:
- Mẫu thân, mẫu thân.
Thiếu phụ dịu dàng ôm lấy nàng.
Nàng đưa hoa tử đằng trên tay cho mẫu thân như thể đang dâng hiến vật quý.
Ánh mặt trời ngày xuân chiếu lên trâm vàng cài trên tóc mẫu thân và tay áo đỏ thẫm thêu kim tuyến, phản ra ánh sáng chói mắt. Người mẫu thân như dát một lớp vàng lóa mắt, mà mặt của mẫu thân cũng chìm trong ánh vàng đó khiến nàng không thấy được biểu cảm của người.
- Mẫu thân, mẫu thân...
Nàng cố nén cảm giác cay cay khóe mắt, ngửa đầu lên muốn nhìn rõ mẫu thân.
Gương mặt mẫu thân lại càng mơ hồ.
Có một tiểu a hoàn chạy tới, vui mừng bẩm:
- Thất phu nhân, thất gia đã từ kinh thành trở về!
- Thật sao!
Mẫu thân vui mừng đứng dậy, nhấc váy chạy ra ngoài.
Nàng cũng bạch bạch đôi chân ngắn cũn đuổi theo:
- Mẫu thân, mẫu thân!
Mẫu thân càng chạy nhanh, nháy mắt sẽ biến mất trong ngày xuân.
Nàng rướn người nhìn theo bóng mẫu thân, lớn tiếng la hét:
- Mẫu thân, mẫu thân! Phụ thân không trở về một mình đâu, phụ thân còn dẫn theo về một người đàn bà nữa. Nàng ta sẽ đoạt vị trí chính thê của người, dồn người đến bước đường cùng rồi tự tử bỏ mình...
Chẳng biết vì sao, tới câu nói quan trọng nhất này, lời nói lại dội lại trong đầu nàng mà miệng lưỡi thì ngơ ngẩn, không thể nói thành câu. Nàng chỉ có thể trơ mắt nhìn bóng dáng mẫu thân càng lúc càng xa, dần biến mất trong tầm mắt mình.
Lòng nóng như lửa đốt, chạy khắp nơi tìm mẫu thân.
Trong luồng sáng trắng, có tiếng người lớn cãi cọ không ngớt.
Nàng chạy qua.
Vừa rẽ đám người vừa lo lắng hỏi:
- Các người thấy mẫu thân ta không? Các người thấy mẫu thân ta không?
Bọn họ chỉ lo cãi nhau, không ai để ý tới nàng.
Mẫu thân đi đâu rồi?
Nàng hoang mang nhìn chung quanh, đột nhiên thấy sau tấm bình phong rực rỡ ánh ngọc lưu ly trong phòng khách, chắn lại cửa phòng như có bóng người loáng qua.
Chẳng lẽ mẫu thân trốn ở đó?
Nàng vui sướng chạy qua, đẩy tấm bình phong ra.
Làn váy đỏ thẫm thêu kim tuyến lay động trong không trung, váy rủ xuống lộ ra hai chân. Một chân chỉ mang chiếc tất trắng như tuyết, chân còn lại đeo giày đỏ thêu uyên ương hí thủy...
Nàng hét chói tai, mồ hôi đầm đìa, bừng tỉnh khỏi ác mộng.
Đập vào mắt lại là chiếc đèn cung đình bát giác quen thuộc đặt bên góc tường đang tản ra ánh sáng nhu hòa mà rực rỡ.
Trong phòng lặng yên không một tiếng động, đại a hoàn Thúy Lãnh đang ngồi lim dim trên ghế con ở đầu giường
Đậu Chiêu hít sâu một hơi!
Thì ra tiếng hét chói tai đó là ở trong mơ!
Nàng cố gắng áp chế sự sợ hãi trong lòng.
Mình bị bệnh, trong nhà hỗn loạn, người ngã ngựa đổ. Nhất là những a hoàn hầu hạ bên người phải ngày đêm bận rộn, mắt cũng không dám chớp dù chỉ một chút, chắc chắn là rất mệt mỏi.
Đậu Chiêu không gọi Thúy Lãnh, nhìn ngọn đèn ở góc tường, kìm lòng không được lại nghĩ về giấc mộng khi nãy.
Khi mẫu thân qua đời, nàng mới một tuổi mười một tháng, không nhớ nổi chuyện gì. Nếu không phải Thỏa Nương luôn trung thành với mẫu thân tìm đến nàng thì có lẽ ngay cả mẫu thân chết thế nào nàng cũng không rõ thì sao có thể biết được những suy nghĩ này.
Có lẽ do ban ngày nàng suy nghĩ quá nhiều, ngày nghĩ gì đêm mơ đó, nghe những lời của Thỏa Nương mới tưởng tượng ra như vậy!
Đậu Chiêu cảm thấy rất buồn, khó chịu đến không thở nổi, không nhịn được lại trở mình.
Tiếng vải sột soạt trong ban đêm yên tĩnh rất rõ ràng.
Thúy Lãnh bừng tỉnh, nghĩ mình trực đêm mà lại ngủ gật, sợ hãi gọi:
- Phu nhân!
Đậu Chiêu cười trấn an nàng:
- Ta hơi khát!
- Để nô tỳ châm trà cho phu nhân.
Thúy Lãnh đứng dậy, thở phải nhẹ nhõm.
Đậu Chiêu uống một ngụm trà nóng, hỏi nàng:
- Giờ là lúc nào? Hầu gia đã về chưa?
- Vừa qua giờ Tý ạ.
Thúy Lãnh ấp a ấp úng:
- Hầu gia... còn... còn chưa về!
Có vẻ rất bất an.
Ánh mắt Đậu Chiêu không khỏi trầm xuống.
Ngày tết trùng dương, nàng đến quý phủ chị chồng - phu nhân Ngụy Đình Trân của thế tử Cảnh Quốc công ngắm cúc thì nhiễm phong hàn, sau có hơi sốt. Lúc ban đầu cũng chẳng ai để ý kể cả Đậu Chiêu. Nghĩ mời ngự y đến kê thuốc là được. Ai ngờ uống thuốc rồi, bệnh chẳng những không thối lui mà lại càng nghiêm trọng. Mười ngày trước nằm liệt trên giường không dậy nổi, lúc đó mọi người mới hoảng hốt mời đại phu, thầy cùng, lễ bái thần phật, cả nhà gà bay chó sủa, trượng phu nàng là Tế Ninh hầu Ngụy Đình Du thậm chí còn đặt thêm giường ở ngoài bình phong cho nha hoàn hầu hạ nàng ban đêm.
Chiều hôm qua, tứ gia Uông Thanh Hải nhà Duyên An hầu đến tìm Ngụy Đình Du. Hai người thì thầm to nhỏ hồi lâu rồi Ngụy Đình Du lấy cớ đi ăn cơm với Uông Thanh Hải để ra ngoài, đến bây giờ còn chưa trở về.
Uông Thanh Hải tự là Đại Hà, đều xuất thân trong nhà công hầu giống Ngụy Đình Du, từ nhỏ lớn lên bên nhau, đều thích cưỡi ngựa, bắn cung, đá bóng (bóng ngày xưa), quan hệ rất tốt. Nếu là bình thường, Đậu Chiêu cũng mặc kệ, tiếp tục kê cao gối ngủ. Nhưng nửa tháng trước, nhạc phụ của Uông Thanh Hải là Đông Bình bá Chu Thiếu Xuyên vì tham ô nên bị hoàng thượng xét nhà đoạt tước, giam vào ngục tối. Hắn tới chạy lui vì việc của nhạc phụ. Nàng sợ Ngụy Đình Du cũng bị kéo vào.
- Ngươi bảo hầu gia đang canh cửa ra ngoại viện xem sao, có phải hầu gia nghỉ tại thư phòng không?
Đậu Chiêu lo lắng nói:
- Nếu hầu gia không ở thư phòng thì ra hỏi người đang canh cổng. Lúc nào hầu gia về, mời hầu gia đến phòng ta.
Thúy Lãnh vâng một tiếng rồi đi.
Chỉ mất khoảng một chung trà, nàng đã vội vã trở về:
- Phu nhân, hầu gia đã về!
Nàng nói xong, ngữ khí dồn dập, lại bổ sung một câu:
- Hầu gia vừa từ ngoài về, lát nữa sẽ đến phòng phu nhân.
- Ta biết rồi!
Đậu Chiêu chật vật ngồi dậy.
Thúy Lãnh đang định chải tóc lại cho nàng thì Ngụy Đình Du đã vào đến trong phòng.
Tuy rằng đã trở thành bậc công hầu từ lâu nhưng Ngụy Đình Du cũng không giống những công hầu bá khanh sống trong tửu sắc mà tinh thần uể oải hay sống trong an nhàn mà bụng béo mặt phị. Người hắn cao lớn, ngũ quan tuấn tú, động tác nhanh nhẹn, mỗi lần giơ tay nhấc chân đều tràn ngập sức sống, thần thái ngược lại càng thêm trẻ trung, nếu thấy thì cũng chỉ nghĩ hắn hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, là mỹ nam nổi danh kinh thành.
Thấy Đậu Chiêu khoác áo ngồi dậy, hắn kinh ngạc nói:
- Sao nàng còn chưa ngủ?
Đậu Chiêu lại hỏi:
- Uông tứ gia tìm hầu gia có chuyện gì?
- À!
Ngụy Đình Du đảo mắt lảng tránh:
- Không có việc gì, chỉ là buồn bã nên tìm ta uống rượu...
- Hầu gia!
Đậu Chiêu hắng giọng, không khách khí cắt ngang lời Ngụy Đình Du:
- Uông tứ gia đến nhờ hầu gia giúp đỡ đúng không? Hầu gia từng nghĩ vì sao Đông Bình bá phải vào tù chưa? Nếu hầu gia chen chân vào chốn nước đục này, làm bề trên tức giận thì sẽ gặp phiền phức gì? Dù hầu gia không nghĩ đến thiếp đây nhưng mẫu thân đã lớn tuổi, con vẫn còn nhỏ, hầu gia mặc kệ mọi thứ sao?
- Nàng đừng coi ta giống trẻ lên ba nữa!
Ngụy Đình Du cười nói:
- Đông Bình bá chẳng qua là say rượu nói nhảm mấy câu, nhắc đến những kẻ từng làm phản nên mới bị bắt giam. Đừng nói là ta, khắp kinh thành có ai không biết? Nàng đừng lo lắng. Ta tự có tính toán của riêng mình, sẽ không liên lụy đến nàng và bọn trẻ.
Giọng điệu nói như có lệ.
Đương kim hoàng thượng qua một vụ cung biến mà lên ngôi, kỵ nhất là người khác lén bàn đến chuyện này. Cái gọi là Đông Bình bá say rượu nói nhảm chỉ sợ cũng từ đấy mà ra.
Mười mấy năm vợ chồng, tính Ngụy Đình Du thế nào, Đậu Chiêu hiểu rõ như lòng bàn tay.
Hắn nói như vậy, Đậu Chiêu càng lo lắng, không bắt Ngụy Đình Du hứa hẹn là không an tâm:
- Phàm những chuyện liên quan đến Chu gia thì chàng đừng nhúng tay!
Ngụy Đình Du nghe vậy tức giận nói:
- Nàng có ý gì? Đại Hà là bạn tri kỉ của ta, giờ hắn xảy ra chuyện ta lại mặc kệ, đó còn là con người nữa sao?
Sau đó cười mỉa mai:
- May mà Đại Hà không bảo ta đến nhờ nhạc phụ, bằng không chẳng phải nàng đã trở mặt với ta rồi sao!
Phụ thân Đậu Chiêu là Đậu Thế Anh, ông là học sĩ Hàn Lâm viện, Chiêm Sự phủ (một chức quan giúp việc cho thái tử), chức quan chưa quá tứ phẩm nhưng lại rất được hoàng thượng coi trọng, thường được hoàng thượng triệu tiến cung, giảng bài cho thái tử và các hoàng tử.
Nghe những lời trách cứ này, nàng giận đến suýt không thở nổi.
Ngụy Đình Du thấy thế thì hoảng hốt, thấp giọng nói:
- Nàng biết Đại Hà tìm ta làm gì không?
Nói xong, hắn trợn trừng mắt, giận dữ nói:
- Tên cẩu tặc Tống Mặc kia lại dám bắt thập tam tiểu thư và thập tứ tiểu thư của Chu gia về nhà!
Đậu Chiêu sợ hãi:
- Thế Chu phu nhân đâu?
- Cũng ở trong phủ.
Giọng Ngụy Đình Du nhỏ như muỗi, xấu hổ nói.
Đậu Chiêu như hít phải khí lạnh.
Chu phu nhân là vợ kế của Đông Bình bá, là cháu gái của chỉ huy sứ Mật Vân vệ - Tào Tiệp, năm nay ba mươi hai tuổi, dung mạo xinh đẹp. Thập tam, thập tứ tiểu thư của nhà họ Chu là đôi tỷ muội do Chu phu nhân sinh ra, thanh xuất ư lam, xinh đẹp hơn cả mẫu thân, còn chưa cập kê mà những người muốn cầu hôn đã đạp hỏng cổng nhà.
- Hắn bỏ qua đạo đức, đi ngược thế tục mà hoàng thượng cũng không quản sao?
Ngụy Đình Du cười lạnh:
- Hắn giết cha sát đệ, hoàng thượng cũng chỉ phạt hắn ba năm bổng lộc, cách chức hắn nhưng vẫn cho hắn cơ hội lập công chuộc tội. Nàng cho là hoàng thượng sẽ vì chuyện này mà chỉ trích hắn sao?
Đậu Chiêu im lặng.
Chương 2: Bất đồng
Edit: Heo con
Nguồn: congchuakhangiay
Tống Mặc, tự Nghiên Đường, là trưởng tử của Anh Quốc công Tống Nghi Xuân, mẫu thân là Tưởng thị, em gái ruột của Định Quốc công Tưởng Mai Tôn. Xuất thân cực kì hiển hách, năm tuổi đã được phong làm thế tử. Mười bốn tuổi, trong thời gian chịu tang mẹ mà lại để thông phòng có thai nên bị ngự sử buộc tội. Sau khi bị Anh Quốc công đuổi khỏi nhà, hắn không rõ tung tích. Thái Bình năm thứ mười ba, hoàng đế Mục Tông sinh bệnh, ngũ hoàng tử Liêu vương trấn tại Liêu Đông nhờ mẹ là Vạn hoàng hậu nói tốt nên được hồi kinh thăm bệnh, sau đó phát động cung biến, bắn chết thái tử do Cố hoàng hậu Thẩm thị sinh hạ rồi giam lỏng hoàng thượng, tự mình gánh vác đại nghiệp.
Tống Mặc sớm đã trở thành người chỉ còn xuất hiện trong mỗi lần trà dư tửu hậu giờ lại trở thành cánh tay đắc lực của hoàng thượng, xuất hiện trước mặt mọi người.
Hắn đơn thương độc mã rút kiếm xông vào phủ Anh Quốc công, trước mặt phụ thân chặt đứt tứ chi của em trai là Tống Hàn, để phụ thân trơ mắt nhìn Tống Hàn chết trong vũng máu rồi mới chém đầu phụ thân. Thủ đoạn tàn nhẫn, hành vi bạo ngược khiến cả kinh thành xôn xao. Vì thế bao năm qua, tên hắn đã trở thành cái tên để dọa trẻ con trong kinh thành.
Ngự sử đều dâng sớ đề nghị hoàng thượng bắt lấy hung phạm, giữ nghiêm luật pháp.
Hoàng thượng trừng phạt Tống Mặc qua loa rồi nhốt hắn vào Tây Uyển đại nội.
Sau sáu tháng, Tống Mặc vào Cẩm Y vệ, trở thành một lính nhỏ canh giác phủ Bắc Trấn, chức quan thất phẩm.
Một năm sau, Tống Mặc đã trở thành chỉ huy sứ Cẩm Y vệ, là quan tam phẩm.
Mọi người đồn rằng Tống Mặc có công lớn bắn chết thái tử trong vụ cung biến năm nào nên hoàng thượng mới ưu ái như vậy.
Như để xác minh những lời này, trong mười hai năm hoàng thượng tại vị, bất kể hắn tham ô, vu hãm trung lương, thao túng quan ngự sử, mua quan bán tước, ức hiếp kẻ yếu, hoành hành ngang ngược, thậm chí là tham dâm háo sắc mà Tống Mặc vẫn cao cao tại thượng, thậm chí những ngôn quan từng kết tội hắn đều bị hoàng thượng tránh mắng, cách chức, phạt trượng.
Thấy người như vậy, chuyện như vậy, Đậu Chiêu không thể không nản chí. Nhưng nếu bỏ mặc Ngụy Đình Du châu chấu đá xe thì sẽ hại cả nhà, thậm chí có thể liên lụy đến cả dòng tộc.
Nàng lẩm bẩm:
- Nhà họ Chu đổ còn có nhà họ Tào, sao đến lượt chàng và Uông tứ gia? Đừng tự chuốc họa vào thân! Theo thiếp, chúng ta nên thận trọng thì hơn.
Không đợi nàng dứt lời, Ngụy Đình Du đã hừ một tiếng, khinh thường nói:
- Sao ta tính toán được nhiều như nàng. Ta chỉ biết quân tử có chuyện nên làm, có chuyện không nên làm. Ta nhất định phải can thiệp vào chuyện này!
Cũng như nàng ý chí sắt đá, vì an nguy của bản thân mà thờ ơ với mẹ con nhà họ Chu vậy.