Cửu Thiên Tuế - Tú Sinh

Chương 37




Sao ngươi biết rõ suy nghĩ của nạn dân thế?
Đương nhiên là vì...hắn đã từng trải qua tất cả những điều đó.
Năm ấy, huyện Ngư Đài gặp lũ lụt, kéo theo sau đó là dịch bệnh bùng phát. Chính vì thế, huyện lệnh lập tức ra lệnh phong tỏa cả thành. Nạn dân bị nhốt bên trong thành vừa không có lương thực vừa lo sợ bệnh dịch, cuối cùng phải rơi vào tình cảnh hệt như bây giờ.
Khi con người đã đến bước đường cùng, họ sẽ bất chấp làm những điều mà họ chưa bao giờ dám làm. Ví dụ như dân chúng hiền lành chân chất khi không còn đường sống cũng sẽ nổi dậy cướp lấy kho lương thực của quan phủ, hay sẽ cùng nhau hô hào chiếm đoạt lương thực dự trữ của những nhà có tiền.
Hắn đã từng đứng trong đám đông người đó.
Năm đó, khi thái tử mới vào thành để cứu tế, có vài nạn dân hợp nhau lại nổi dậy hòng cướp đoạt lương thực vì nghe ngóng được việc kho được chất đầy ắp. Nhưng do có rất nhiều thủ vệ ở kho lương thực, mà những người còn sống sót chỉ là nạn dân bữa đói bữa no cho nên không thể đánh lại được. Cuối cùng, bọn họ đành thôi.
Tình cảnh hôm nay gợi nhớ về chuyện xưa cũ, hắn hoảng hốt tưởng chừng như mình vẫn đang sống trong địa ngục khi ấy.
Sợ tất cả những gì đã trải qua chỉ là một giấc mộng hão huyền trước khi chết mà thôi.
Tiết Thứ quay đi, không nhìn vào ánh mắt uy hiếp của Ân Thừa Ngọc nữa. Hắn vẫn im lặng không đáp.
Thấy thế, Ân Thừa Ngọc càng thêm chắc chắn là hắn đang giấu một bí mật nào đó.
Y chợt cúi sát người xuống, như thể đang thì thầm với hắn:
- Ngươi cứ việc im lặng...Dù sao, sớm muộn gì Cô cũng biết được.
Hai người đứng bên ngoài kho lương thực, dựa sát vào nhau. Bởi vì Ân Thừa Ngọc cố tình nhỏ giọng, cho nên không ai nghe được bọn họ nói gì. Trong mắt người ngoài, có lẽ bọn họ đang thảo luận chuyện gì đó.
Chỉ có Tiết Thứ biết, hơi thở bên tai nóng hôi hổi, lời nói thì thầm mềm mại tựa như không khí chui vào tai, cuối cùng khắc sâu vào trong lòng của hắn.
- Vì sao Điện hạ lại để ý đến quá khứ của thần đến thế?
Tiết Thứ ngẩng đầu, nhìn thẳng vào y, hai tay xuôi bên hông nắm thật chặt, căng thẳng bày ra vẻ phòng bị.
Hệt như một con thú bị xâm phạm lãnh thổ nhưng không dám tấn công, mà chỉ nóng nảy ép sát người xuống đất đề phòng, cố gắng bảo vệ những gì còn sót lại.
Ân Thừa Ngọc nhìn hắn, thấy rõ ràng nét kháng cự trên mặt hắn.
Nhưng y chưa bao giờ là người thông cảm cho người khác, nhất là với Tiết Thứ. Hắn càng muốn giấu thì y càng muốn biết.
Đời này, y không cho phép Tiết Thứ giấu giếm một bí mật nào.
Ân Thừa Ngọc bật cười, bóng râm che khuất khuôn mặt khiến nét mặt y tối tăm hơn ngày thường, đôi mắt phượng híp lại, chứa đầy vẻ xấu xa.
Không hề giống thái tử điềm đạm trước đây mà có phần giống Cửu Thiên Tuế quỷ quyệt khó đoán của đời trước.
- Cô không thích người bên cạnh Cô giấu giếm bí mật.
Y giơ tay ra vờ như vỗ vai, nhưng ngón tay lạnh lẽo lại lơ đãng mà sờ lên gáy hắn. Thấy Tiết Thứ cứng đờ cả người, y mới mỉm cười, nói tiếp:
- Đặc biệt là ngươi, hiểu không?
Dứt lời, y buông tay chắp ra đằng sau lưng, thỏa mãn nhìn Tiết Thứ. Đoạn, y lớn giọng:
- Giám quan Tiết nói có lý lắm. Chỉ huy sứ Hách, tối nay sắp xếp vài người đi canh giữ xung quanh kho lương thực, phòng ngừa có người đến cướp.
Nói xong, y chậm rãi đi cùng với Đô chỉ huy sứ Hách Thành thảo luận về việc canh phòng kho lương thực.
Bỏ lại Tiết Thứ đứng yên tại chỗ nhìn theo bóng dáng y.
Vừa chật vật vừa vui mừng.
Hắn chợt nhớ tới chuyện ở Thiên Tân Vệ dạo trước.
Khi ấy điện hạ chỉ nói "Cô chưa hết giận đâu" nhưng lại không nói không thích, cũng chưa từng vì thế mà trách phạt hắn.
Đối với hắn, điện hạ không giống với người nào khác.
Tiết Thứ liếm môi, hai mắt như phát sáng.
Nếu điện hạ thật sự muốn biết về những chuyện xưa cũ thối nát chôn sâu trong lòng ta, ngài nên lấy gì đổi lấy đây?
Tiết Thứ sờ khăn tay đang cất trong ngực, thầm cười.
Một hạt giống đầy dã tâm cùng với hy vọng xa vời, được nuôi trong khát khao khôn cùng và nuông chiều vô cớ, cuối cùng cũng phá xác nảy mầm, mạnh mẽ sinh sôi.
*
Theo đề nghị của Tiết Thứ, Ân Thừa Ngọc sai Đô chỉ huy sứ Hách Thành làm ra vẻ phỏng thủ lỏng lẻo song phải âm thầm tăng số thủ vệ, giăng một cái bẫy chờ cho nạn dân đang trốn xung quanh chủ động xuất hiện.
Đêm nay, Ân Thừa Ngọc không ngủ. Y và đám Tiết Thứ cùng nhau nấp trong bóng tối chờ con mồi tự sa vào lưới.
Đến canh ba, bên ngoài kho lương thực bỗng có tiếng náo loạn hô hào.
Ba mươi mấy người xông ra từ bốn phía, vật ngã thủ vệ rồi hò nhau phá cửa.
Cửa kho cực kỳ chắc chắn, bọn họ phá mãi vẫn không được. Hết cách, bọn họ đành tính toán leo lên đỉnh, muốn đi vào từ nóc nhà.
Người đầu tiên leo lên là một thiếu niên tuy gầy nhưng lại rất linh hoạt. Nó vừa leo lên xong, đang chuẩn bị dỡ mái ngói ra thì lại nhìn thấy một đám binh lính ồ ạt đánh tới từ phía trước không xa.
Nó la thất thanh:
- Chết rồi, binh lính tới!
Vừa nghe được, những người còn lại tức khắc cảnh giác nhìn xung quanh, thấy mấy trăm binh sĩ bịt mũi miệng, cầm đao thương xông tới.
Trong ba mươi mấy nạn dân có thanh niên trai tráng khỏe mạnh, có người già gầy yếu và thiếu niên, thậm chí còn có vài người phụ nữ to khỏe. Nhưng cho dù là già hay trẻ, tất cả bọn họ đều có điểm chung là khuôn mặt gầy còm, xanh xao vàng vọt.
Bọn họ vốn chỉ muốn cướp lương thực song không ngờ lại có binh lính coi chừng, cho nên ai nấy đều hốt hoảng.
Có vài nạn dân cầm chặt đao trong tay, muốn liều mạng phá vòng vây lao ra, chợt nghe thủ lĩnh đám binh sĩ lớn giọng nói:
- Buông đao xuống. Không buông, giết.
Thủ lĩnh hô mấy lần, không tàn sát bừa bãi, chỉ bao vây ba mươi mấy người nạn dân.
Những nạn dân thấy bọn họ không có ý đánh giết thì lại chần chờ.
Thấy đám người đã dao động, thủ lĩnh ra dấu để tất cả binh sĩ buông vũ khí, đoạn lớn tiếng nói theo những gì Ân Thừa Ngọc đã dặn:
- Hôm nay thái tử điện hạ đã đích thân đến phủ Thái Nguyên cứu tế. Lương thực trong kho này để ngày mai phát cho nạn dân, tội gì các người phải đi cướp đâu?
Nói xong, hắn đẩy một đại phu già nua ra, tiếp tục khuyên:
- Nếu các người bỏ vũ khí xuống, chúng tôi sẽ bỏ qua chuyện đêm nay. Mỗi người bước đến đây để đại phu bắt mạch. Người không nhiễm bệnh có thể ra cửa thành xếp hàng chờ, nửa giờ sau sẽ bắt đầu phát cháo ở đó.
Ba mươi mấy nạn dân người này nhìn người nọ, vừa tin lại vừa không dám tin.
- Thật sự có chuyện tốt thế sao?
- Không phải là phương pháp bắt người mới đó chứ?"
- Hình như lúc tôi vào đây có thấy dựng lều trước cửa thành.
- Bọn họ nói là thái tử tới, có lẽ là triều đình thực sự phái người tới đó...
- ...
Đám người thì thầm thảo luận một hồi. Cuối cùng, mặc dù chưa đầu hàng nhưng bầu không khí lại không còn căng như dây đàn nữa.
Thủ lĩnh lặp lại những lời kêu gọi đầu hàng đã nói, đại phu cũng bày bàn ra, ngồi xuống.
Người đại phu này là người của Đồng Nhân đường trong thành Thái Nguyên, tuổi đã cao, trông khá bình tĩnh, không có sức đe dọa. Không thấy ai bước đến, ông cố ý kéo khăn bịt mặt ra một chút, nói:
- Trong mấy ông còn có người lén đi tìm tôi bốc thuốc đấy, sao tôi có thể cấu kết với binh lính hại các ông được, đúng không? Thái tử điện hạ đích thân đến cứu tế, sau này sẽ không bắt người nữa.
Không ít người biết mặt đại phu này, bọn họ lại do dự một hồi. Cuối cùng, có người buông vũ khí, ngập ngừng bước lên để đại phu bắt mạch.
Có người tiên phong, mấy người sau đó cũng tiến hành thuận lợi.
Những nạn dân có khả năng đi ra ngoài kiếm lương thực đều là người khỏe mạnh. Sau một hồi kiểm tra, bọn họ đều được thả ra, có binh sĩ tới dẫn đường ra nơi phát cháo ở cửa thành.
Thấy thế, Ân Thừa Ngọc thở phào nhẹ nhõm: . 𝖳𝗋uyện‎ chính‎ ở‎ ﹛‎ 𝖳𝗋𝗨𝑚𝖳‎ 𝗋uyện.𝗏n‎ ﹜
- Rốt cuộc cũng xong rồi.
- Còn mấy người bị bắt khác đâu? Mau dẫn Cô đi xem.
Cùng lúc đó, ở hiệu thuốc cất chứa dược liệu cũng gặp phải cướp.
Dựa theo hành động của nạn dân ở kho lương thực, hình như hai đám người này không cùng một nhóm.
Ân Thừa Ngọc đeo khăn vải huân thảo dược lên, đi tới hiệu thuốc.
Bởi vì bọn họ đều tập trung vào canh giữ kho lương thực, lại không ngờ hiệu thuốc cũng gặp phải cướp. Đợi đến lúc binh sĩ phát hiện ra, đã có mấy nạn dân xông vào bên trong.
Trong lúc hai bên giằng co, vô tình hất đổ thuốc xuống đất. Khi Ân Thừa Ngọc bước vào, có năm, sáu nạn dân bị trói tay chân trừng mắt nhìn.
Tiết Thứ cau mày, ngăn cản Ân Thừa Ngọc bước tới gần rồi ra hiệu cho thái y đến bắt mạch:
- Ông đi kiểm tra xem có nhiễm bệnh hay không.
Thái y bước tới, cẩn thận kiểm tra một hồi. Đoạn, lắc đầu.
Tiết Thứ lập tức sai người cởi trói cho đám người, lại nói:
- Bọn họ không nhiễm bệnh nhưng lại liều mạng đi trộm thuốc, chắc có lẽ trong nhà có người bệnh, cần thuốc gấp.
Bây giờ, hiệu thuốc trong thành đều đã đóng cửa, thuốc còn sót lại cũng bị cướp sạch. Nếu không vì có thân nhân cần phải dùng thuốc gấp, không có ai dám liều mạng đến trộm của quan phủ.
Nghe thế, mấy nạn dân hốt hoảng đầy mặt.
Ân Thừa Ngọc giật mình:
- Trong thành vẫn còn người nhiễm bệnh sao? Các ngươi giấu bọn họ đi rồi?
Không có ai đáp lời y.
Ân Thừa Ngọc đang nghĩ cách khuyên bọn họ nói ra, chợt nghe Tiết Thứ nói:
- Các người dám liều mạng đi trộm thuốc, chắc không còn thuốc dự trữ đâu, đúng không? Nếu hôm nay không trộm được thuốc, người bệnh chỉ còn cách nằm chờ chết.
Có nạn dân căm tức nhìn hắn, lại không dám nói gì.
Tiết Thứ bình tĩnh nói tiếp:
- Lương thực và thuốc này đều là đồ cứu tế cho nạn dân. Nếu các người dẫn chúng tôi đến đó kiểm tra tình hình, thân nhân sẽ có hy vọng được sống.
Hắn nhấc cái sọt thuốc đổ trên mặt đất lên, nhặt thuốc rơi vãi khắp nơi đặt vào trong tay một người phụ nữ đang quỳ ở hàng sau:
- Đại hoàng, phát tiêu, chỉ thực, xuyên phác... Đây là phương thuốc trị dịch, cô là đại phu.
Nghe giọng điệu khẳng định của hắn, người phụ nữ đang cúi thấp đầu bỗng ngẩng lên, nhìn Ân Thừa Ngọc:
- Các người thật sự đến đây để cứu nạn sao?
Ân Thừa Ngọc gật đầu:
- Đúng.
Dường như người phụ nữ đang đắn đo gì đó. Một lúc lâu sau, nàng ta cắn môi, yêu cầu:
- Cho tôi hai sọt thảo dược, tôi sẽ dẫn mấy người qua đó.
Ân Thừa Ngọc gật đầu. Có phiên dịch đi lấy đủ thuốc người phụ nữ cần, cõng sọt đi sau lưng nàng ta.
Người phụ nữ nhìn binh sĩ xung quanh, cuối cùng nàng ta đi trước dẫn đường, dẫn theo đám người đằng sau.
- -------------------
Cún: Khăn tay bị dơ rồi. T_T