Cửu Phượng Triều Hoàng: Tuyệt Sắc Thú Phi Nghịch Thiên Hạ

Chương 8: Tiến về Hàm Đan




Dịch: Trần Anh Nhi

***

“Hahaha!” Huyết Hoàng cười lớn, “Ngươi cũng chỉ là một nhân loại mà thôi, không thể hiểu ta được. Ta đã sống bao lâu trên đời này rồi, ký kết khế ước với ta đâu phải chỉ có mình hắn. Nếu ai ta cũng lưu luyến thì sao có thể sống tới tận bây giờ?”

Trọng Quỳ cũng bật cười, nói: “Không sao, ngươi như thế thì lại là chuyện tốt.”

“Ngươi cảm thấy vui sao?” Huyết Hoàng không lường trước được điều này, không phải nàng ta nên âu sầu lo lắng mới đúng chứ?

“Trời đất là quán trọ của muôn loài, tháng ngày là du khách của thiên thu, nhân sinh tựa như mộng, vui thú quá mấy hồi[1]? Mong ước lớn nhất trong đời ta cũng chỉ gói lại trong vỏn vẹn bốn chữ mà thôi.”

Huyết Hoàng cúi đầu, nhìn chằm chằm đứa bé mới chín tuổi đầu này. Hai mắt nàng sáng rực rỡ, trong cảnh đêm tĩnh mịch không sao không trăng như hôm nay, chúng sáng tựa lấp lánh hai vầng trăng tròn.

Hào khí như này, khi Công Tôn Khởi còn trẻ Huyết Hoàng cũng đã cảm nhận được. Họ cùng nhau xâm chiếm thiên hạ, diệt sát tứ phương, lập công cũng thế, gây tội cũng vậy, chỉ mong không hổ thẹn một kiếp nhân sinh.

Nhưng chẳng chờ được trăm năm, Công Tôn Khởi cũng chẳng thoát được gông xiềng sinh tử.

Lưu luyến ư? Đời này cũng chỉ tựa phù du, đến chừng nào mới thấy đủ hạnh phúc?

Trọng Quỳ cười hờ hững, quyết liệt nói ra bốn chữ kia: “Tuyệt không hối hận.”

Huyết Hoàng nghe vậy, đơ ra.

“Nếu có một ngày ta cũng rời khỏi thế giới này, hãy lấy xác ta mà dục hoả trùng sinh, tiếp tục sống và đi tìm một người nữa ký kết khế ước với ngươi. Ta không sợ chết, ta chỉ sợ một điều duy nhất trên đời này, đó là trăm năm sau nhìn lại thấy mình sống một đời quá tầm thường.”

Huyết Hoàng ngẩng đầu, ánh mắt từ người Trọng Quỳ chuyển sang không trung miên man rộng mởtrước mặt, cảm thán: “Thật ra ta rất tò mò, không biết một trăm nữa cuộc đời của ngươi sẽ ra sao.”

“Được lắm! Nếu trăm năm nữa ngươi vẫn còn bên cạnh ta, vậy thì Trọng Quỳ ta xin thề rằng trăm năm sau, bốn chữ “tuyệt không hối hận” cũng là hồi báo của ta tặng cho ngươi.”

“Hahahaha!” Huyết Hoàng cười vang trời, “Hay, rất hay! Một trăm năm mà thôi, ta chắc chắn sẽ chờ ngươi.”

Trăm năm sau sẽ có những gì xảy ra đây?

Nàng vẫn là Trọng Quỳ ư? Có thể lúc này tóc đen đã bạc trắng một màu, cũng có thể đã nằm yên dưới đất...

Đời là phù du, vui bao nhiêu mới là đủ?

...

Sáng sớm hôm nay tiết trời đã đẹp hơn rất nhiều, gió nhẹ ấm áp, tuyết đọng cũng dần tan, trên những cành cây khẳng khiu trơ trọi dần xuất hiện những mầm xuân đầu tiên, báo hiệu cho sự sống cũng đang bắt đầu đâm chồi nảy lộc.

Trọng phủ cũng đang chuẩn bị xuất phát, khởi hành tiến về Hàm Đan.

Đã chuẩn bị rời đi đến nơi mà trong phòng, Trọng Quỳ còn thấy Thanh Đồng đang ngồi xổm bên ngăn tủ, lén lút lấy một cái gì đó.

Thấy bóng Trọng Quỳ tiến lại gần, Thanh Đồng vội vã đứng bật dậy, giấu tay ra sau lưng.

“Ngươi giấu cái gì, bỏ ra đây cho ta xem.” Trọng Quỳ nhìn nàng, lạnh nhạt nói

“Tiểu... tiểu chủ nhân... không có gì cả.”

“Bỏ ra đây. “ Trọng Quỳ cao giọng, nghiêm nghị nói.

Thanh Đồng giật bắn mình, không dám giấu diếm nữa, đành chậm chạp đưa bàn tay đang giấu sau lưng của mình ra trước mặt.

Trong tay của Thanh Đồng là một con ngựa gỗ lớn cỡ một lòng bàn tay.

Nó chẳng đẹp như con chim gỗ của Diệp Lan San, càng không sang quý được bằng ná vàng của Trọng Quỳ.

Đó chỉ là một con ngựa gỗ được chạm khắc vô cùng cục mịch, thô kệch mà thôi.

“Khi tiểu chủ nhân còn nhỏ, đại nhân đã tự tay làm con ngựa nhỏ này cho ngài, tiểu chủ nhân rất thích nó nên nô tỳ muốn mang theo, để nếu sau này tiểu chủ nhân còn muốn lấy nó ra thì...”

“Thanh Đồng, ta không còn nhỏ nữa rồi.” Trọng Quỳ nghe Thanh Đồng nghẹn ngào giải thích, đành ngắt lời nàng.

Thanh Đồng ngẩn ra trong chốc lát, gương mặt nhỏ đã ướt đẫm nước mắt. Nàng gật gật đầu, nói: “Đúng rồi, tiểu chủ nhân đã lớn rồi, không còn nhỏ nữa, con ngựa gỗ này đã đến lúc phải bỏ đi rồi...”

“Đưa ta đi.” Trọng Quỳ duỗi tay cầm lấy, tuy rằng người làm ra nó chẳng khéo tay tẹo nào, nhưng mặt gỗ đáng ra phải sần sùi nay cũng đã nhẵn thín.

Đúng là Trọng Quỳ trước đây hẳn phải yêu quý con ngựa gỗ nhỏ bé này vô cùng, vô cùng...

Có lẽ nàng yêu quý con ngựa gỗ này đến vậy cũng chỉ là vì mỗi khi nhìn ngắm nó, nàng mới nguôi ngoai đi nỗi nhớ mong người cha đã lâu chưa được gặp.

Vẫn là cơ thể này, nhưng cuộc đời và vận mệnh đã hoàn toàn khác xưa rồi.

“Đi thôi nào.”

Hai người bọn họ cùng leo lên xe ngựa. Tổng cộng đội ngũ Trọng gia chỉ có mười xe ngựa mà thôi, riêng chiếc của Trọng Quỳ đi ở giữa, được bảo vệ cẩn mật vô cùng, đi trước là xe của Vu Ly, mà theo ngay sau là xe của Phong Mạch và Tiêu Sơ Lâu.

Những chiếc xe còn lại chỉ có chút hành lý tối quan trọng và một vài món đồ quý giá, còn đâu đều là lương thực và vài con ngựa chở nước và cỏ khô.

Đối với gia đình tiền tiêu không xuể như Trọng gia thì với đội ngũ lèo tèo như vậy, nói họ hơi keo kiệt vẫn còn khách khí chán.

Nhưng so sánh với đội ngũ lèo tèo của Trọng Quỳ thì đội xe của Diệp gia còn thê thảm hơn, giống như của một gia đình nghèo kiết xác vậy.

Vết thương trên mặt của Diệp Lan San tới nay vẫn chưa khỏi, trên mặt vẫn còn sưng tím, xung quanh là những vết máu bầm ghê người. Nàng ta không dám ra ngoài gặp ai, chỉ rầu rĩ ngồi trong xe ngựa một mình.

Còn Diệp phu nhân lại không có gì khác thường, vẫn cư xử ân cần với Trọng Quỳ như trước.

Dọc đường họ không dừng chân quá nhiều mà tập trung đi nhanh nhất có thể, ngoại trừ lúc ăn và lúc nghỉ ra thì gần như vó ngựa chưa bao giờ ngừng vang.

Đường từ thành An Bình đến Hàm Đan cũng không “an bình” cho lắm, khắp nơi đều là dân tị nạn và cướp đường.

Chẳng qua hộ vệ còn sót lại của Trọng gia ai nấy đều khoẻ mạnh cường tráng, nhìn qua là biết không dễ dàng trêu chọc. Mà quan trọng nhất là trên xe của Vu Ly có cắm một cái cờ hiệu màu đỏ, trên là hoa văn hình ngọn lửa tượng trưng cho thân phận luyện dược sư của hắn. Địa vị của luyện dược sư thì không phài bàn cãi, có cho vàng bạc hay bảo vật cũng không ai dám đụng vào.

Vì thế dọc đường họ chẳng gặp chút phiền toái nào mà đi vô cùng thuận lợi.

Đi được chừng mười ngày thì khoảng cách đến Hàm Đan cũng không còn xa nữa.

Các khu thành thị lân cận ảnh hưởng vô cùng nặng nề từ chiến tranh, dân chúng nơi nơi lầm than, thậm chí nhiều người còn bán cả con mình đi, cảnh tượng thê thảm đến độ rúng động lòng người. Những khu ruộng đất xung quanh đều đã bị huỷ hoại, dê bò chết sạch, không ít người vì sinh tồn mà phải gặm vỏ cây, đào tìm rễ cỏ để kiếm cái ăn sống qua ngày.

Trọng Quỳ lớn lên ở trong căn cứ của lính đánh thuê, chiến tranh ở thời hiện đại xem nhiều đã quen, nhưng chưa bao giờ tận mắt trông thấy chiến tranh thời cổ đại nó ra sao.

Nàng chưa từng nghĩ rằng nó sẽ tàn khốc đến như vậy, có lẽ địa ngục cũng chỉ tới mức này là cùng thôi.

“Tiểu chủ nhân đừng nhìn kẻo tối gặp ác mộng.”

Thanh Đồng thấy Trọng Quỳ cứ xốc rèm lên quan sát bên nhoài bèn cất giọng khuyên nhủ.

“Hừm, dân đau khổ, thiệt mạng, dân đau khổ...” Trọng Quỳ lầm bầm.

“Tiểu chủ nhân đang nói gì thế?” Thanh Đồng không nghe rõ lời của Trọng Quỳ, hỏi lại.

“Không có gì đâu.” Trọng Quỳ lắc đầu, vừa định buông rèm xuống thì không biết có một người từ đâu lao tới, bám chặt lấy xe ngựa của nàng.

“To gan! Mau kéo kẻ này ra, đừng để nó làm phiền chủ nhân!” Đám hộ vệ lấy vũ khí ra, lôi người kia ra ngoài.

“Quý nhân, ta van ngài, van xin ngài hãy cứu đệ đệ của ta, hắn sắp chết rồi. Ta van ngài, ngài nhất định sẽ sống lâu trăm tuổi...”

Bóng người kia là một cô bé trạc tuổi Trọng Quỳ, người dơ dáy bẩn thỉu, chân tay còn mưng mủ nhìn vô cùng kinh tởm.

Tuy bị hộ vệ xông tới can ngăn nhưng nàng ta vẫn quỳ rạp trên mặt đất, không ngừng cầu khẩn, đôi mắt tuyệt vọng giàn giụa nước mắt.

“Chờ chút.” Trông thấy hộ vệ định lôi nàng ta đi, Trọng Quỳ cất giọng ngăn họ lại.

Đôi mắt của thiếu nữ kia bừng sáng, đầu dập liên tiếp xuống mặt đất.

“Van ngài cứu đệ đệ của ta, ta sẽ làm trâu làm ngựa báo đáp cho ngài.”

“Vu Ly, ngươi cứu người đi, dược liệu chúng ta mang theo cứ sử dụng tuỳ ý.” Trọng Quỳ nhìn thoáng qua Vu Ly đang bước từ trên xe ngựa xuống.

Hắn là luyện dược sư tinh thông y thuật, đương nhiên là người thích hợp ra tay cứu chữa nhất.

[1]: “Trời đất là quán trọ muôn loài, tháng ngày là du khách của thiên thu, nhân sinh tựa như mộng, vui thú quá mấy hồi?” Nguyên văn là “Phù, thiên địa giả, vạn vật chi nghịch lữ, quang âm giả, bách đại chi quá khách. Nhi phù sinh nhược mộng, vi hoan kỷ hà?” được trích từ “Xuân dạ yến đào lý viên tự” tức “Bài tự đêm xuân uống rượu trong vườn đào” của Thi Tiên Lý Bạch.