Cửu Dung

Quyển 2 - Chương 17: Bách thanh chim yến tách đàn (1)




Tôi quay sang nói với Bảo Bảo: “Bảo Bảo, sức khỏe của Đại công tử thường ngày vẫn phải phiền em chăm sóc. Đến Thanh minh lễ tết, em nhớ đốt thêm nhiều tiền giấy cho Băng Nhi”.

Bảo Bảo không hiểu chuyện gì đang xảy ra bèn nhìn tôi một lúc, mới chậm rãi nói: “Thiếu phu nhân, đây vốn là việc cô nên làm, phó thác cho em làm gì? Chẳng lẽ cô có chuyện gì à?”.

Tôi phì cười: “Nha đầu này, em nghĩ đi đây vậy! Chẳng qua ta chỉ nói vài câu bình thường dặn dò em thôi, em lại có thể cãi nhau với ta, quả nhiên là thường ngày nuông chiều em đến nỗi đuôi vểnh cả lên trời rồi”. Tôi vừa nói những câu mập mờ để che giấu, vừa lấy ra mười hai lượng bạc, đặt vào tay Bảo Bảo nói: “Ta gả vào Thẩm gia, cũng dành dụm được kha khá bạc, mười hai lượng này thưởng cho em”. Sắc mặt Bảo Bảo càng trở nên quái dị. Tôi biết đầu óc cô bé nhanh nhẹn thông minh, cũng không dám nói nhiều, vội tìm mấy câu qua quýt cho xong, khuyên cô bé nhận bạc. Tôi nói hết nước hết cái một lúc lâu, cô bé mới nhận năm lượng.

Đẩy Minh Nguyệt Hân Nhi và Bảo Bảo đi, lòng dạ tôi lại trở nên trống rỗng lạc lõng. Lúc này, có người đến gõ cửa phòng , tôi mở cửa, thì ra là nha hoàn A Thanh bên cạnh Lão phu nhân. Trong tay A Thanh cầm một cuộn giấy, đứng trước cửa phòng tôi, ngó trước ngó sau thấy không có ai, mới lách người tiến vào.

A Thanh nói: “Thiếu phu nhân, tôi phụng mệnh của Lão phu nhân đến đưa cái này cho cô”, nói xong, nhét cuộn giấy trong tay vào tay tôi. Tôi nhận lấy mở ra đọc, đọc xong, sắc mặt nhất thời tái mét, bước đi cũng trở nên chao đảo. Tôi vịn vào bàn, gắng gượng ngồi xuống.

Trên cuộc giấy viết: “Tôi, Lãnh Cửu Dung, tự nguyện cắt đứt tất cả mọi quan hệ với Thẩm gia, tự nguyện đoạn tuyệt mọi qua lại với Thẩm Hồng, từ nay về sau sinh lão bệnh tử, hôn nhân cưới gả, không liên quan gì đến nhau”.

A Thanh thấy tôi ngơ ngác sợ sệt không thôi, cũng không làm phiền, hồi lâu sau mới trấn an tôi: “Thiếu phu nhân, Lão phu nhân lệnh cho cô sao tờ giấy này ra một phần, phía trên đề tên của cô, cô có thể rời khỏi Thẩm gia rồi”. Thấy tôi vẫn còn ngẩn ngơ không nói gì, A Thanh khuyên giải: “Thiếu phu nhân, cô cũng đừng đau lòng quá. Cả đời người, ai cũng khó tránh khỏi phải làm một số chuyện bản thân không muốn. Ngày còn nhỏ, mẹ tôi dạy tôi phải làm người tốt, không được làm trái với lương tâm mình. Nhưng đến khi tôi trưởng thành vào Thẩm gia làm nha hoàn, tôi mới biết rằng, có một số chuyện bản thân không thể quyết định được. A Thanh tôi cũng không muốn làm chuyện trái với lương tâm này, nhưng còn cách nào khác đây?”.

Nghe xong mấy câu A Thanh nói, ban đầu tôi chỉ cảm thấy có phần dở khóc dở cười. Nhưng ngẫm lại, lại càng thấy những câu nói bình thường nhất này thật sự có lý. Tôi gật đầu: “A Thanh, cô trở về nói với Lão phu nhân, thứ đồ này, ta đồng ý nhận. Nhưng ta có một điều kiện”.

“Thiếu phu nhân, điều kiện của cô là gì? Tôi về sẽ nói với Lão phu nhân”.

“Ta muốn một trăm lượng bạc”. Tôi thản nhiên nói.

A Thanh nghe tôi nói vậy, hình như cũng có hơi bất ngờ. Ngữ khí cũng lạnh nhạt hẳn đi, cô nói: “Tôi về sẽ nói với Lão phu nhân”. Nói xong, cô đẩy cửa ra ngoài. Trong lòng tôi nghĩ, giờ phút này, A Thanh rất có thể đang nhủ, thì ra Lãnh Cửu Dung là một người như vậy. Thế nhưng tất cả không còn quan trọng nữa, Lãnh Cửu Dung tôi vốn là người lạnh nhạt trời sinh, người khác nhìn tôi thế nào thì có liên quan gì?

Không bao lâu sau, A Thanh đã trở lại. Cô rút ra một tấm ngân phiếu từ trong tay áo, đặt lên bàn trước mặt tôi, nói: “Thiếu phu nhân, đây là một trăm lượng bạc cô muốn. Khang Mông tiền trang có thể đổi ra bạc thật. Đây là tờ biên nhận Lão phu nhân đưa, phiền cô ký tên đi”.

Tôi mở tấm ngân phiếu ra nhìn, quả nhiên là một trăm lượng. Bèn mỉm cười, nhấc bút lên, viết ba chữ “Lãnh Cửu Dung” lên tờ biên nhận. Sau đó cầm lấy cuộc giấy A Thanh mang đến chép lại một lần nữa, rồi đặt vào tay A Thanh. A Thanh nhận giấy, nhìn lướt một lần, xoay người bỏ đi. Tôi đóng cửa lại, quay trở vào ngồi lên giường, chỉ cảm thấy tấm thân này đã không còn là của mình nữa. Nhớ trong kinh thi có câu rằng “Ai người hiểu tấm lòng tôi, ắt hẳn sẽ nói bời bời sầu bi, còn ai không hiểu điều gì, bảo tôi vẫn ước mong chi đây mà. Trời xanh thăm thẳm bao xa, hỡi ai đã khiến thành ra thế này? [1]” quả thực là hợp với tâm tình của tôi lúc này. Nghĩ vậy, trong tích tắc tôi chợt rất đỗi ngạc nhiên. Tôi vốn không quan tâm đến những người khác nghĩ gì, nhưng sao hiện giờ lại trở nên như thế này? Chẳng lẽ Lãnh Cửu Dung tôi đã thật sự thay đổi rồi ư?

[1] Trích những câu thơ trong bài Thử ly 3 của Khổng Tử, trong tập Kinh thi.

Tôi đang suy nghĩ lung tung, lại nghe có người gõ cửa, thanh âm hết sức nhẹ nhàng. Tôi dừng một chút, vội giấu kỹ tờ ngân phiếu, nói: “Đến đây”.

Người tới là Thẩm Hồng.

Nhìn thấy tôi, chàng cười bảo: “Dung Nhi, thân thể nàng dễ dàng mệt nhọc như thế, chỉ e là do thể hư [2]. Ta đặc biệt bảo lão Trương ở phòng bếp chưng một bát canh tổ yến, mang đến cho nàng bồi bổ thân thể. Ta còn sợ quấy nhiễu nàng nghỉ ngơi, không ngờ nàng đã tỉnh rồi”.

[2] Từ dùng trong Đông y, để chỉ thể chất hư nhược

Tôi gượng cười, chỉ cảm thấy nước mắt sắp rơi, vội xoay người sang chỗ khác, nói: “Cảm ơn chàng, tướng công”.

Thẩm Hồng nói: “Nàng cũng gọi ta là tướng công rồi, nếu đã là phu thê, còn khách khí làm gì?”. Chàng vừa nói vừa đi vào, đóng cửa lại. Chàng đưa bát canh tổ yến đến trước mặt tôi: “Dung Nhi, tranh thủ còn nóng mau uống đi”. Tôi gật gật đầu, bưng lấy bát, quả là còn nóng hổi. Tôi bưng lên miệng uống, chỉ cảm thấy yết hầu nghẹn lại, không rõ là mùi vị gì, trong phút chốc chợt ngổn ngang trăm mối.

Thẩm Hồng hỏi: “Dung Nhi, sao mắt nàng đỏ thế, nàng khóc à?”.

Tôi cười nói: “Tướng công nói đùa rồi. Đang yên đang lành, sao không dưng thiếp lại khóc chứ? Chỉ là vừa rồi không cẩn thận có con côn trùng bay vào mắt, lúc Minh Nguyệt Hân Nhi giúp thiếp thổi ra thì làm mắt thiếp đau thôi”.

Thẩm Hồng cũng cười nói: “Nàng cũng thật là. Chuyện tỉ mỉ như vậy cũng để cho Minh Nguyệt Hân Nhi làm, nàng đâu phải không biết, con bé ấy là một nha đầu bộp chộp. Sau này nếu còn có chuyện như thế nữa, cứ tìm Bảo Bảo là được. Hoặc là, hoặc là trực tiếp tìm ta cũng được mà”.

Tôi cười, không nói gì.

Thẩm Hồng lại thêm: “Dung Nhi, ta đã nghĩ rồi. Trước kia mẹ từng nhận lời, chỉ cần nàng mang thai thì sẽ bảo ta đưa nàng lên làm chính thất. Ta suy đi nghĩ lại, cảm thấy phu thê có con cũng là chuyện sớm muộn. Dù không vội vàng làm ngay lúc này. Song việc lên làm chính thất thì vẫn càng sớm càng tốt. Dung Nhi, ý nàng ra sao?”.

Tôi mỉm cười, vẫn không nói gì, nhưng trong lòng quặn thắt không thôi.

Thẩm Hồng vỗ vào đầu, trên mặt biểu lộ vẻ tỉnh ngộ, nói: “Chuyện này còn phải hỏi sao? Đương nhiên là để ta nói với mẹ”.

Tôi lẳng lặng nhìn Thẩm Hồng, lúc lâu sau mới nói: “Tướng công, chẳng lẽ trong lòng chàng đã quên Vũ Tương tỷ tỷ rồi sao?”.

Biểu cảm vốn vui vẻ của Thẩm Hồng nhất thời trở nên ảm đạm. Chàng cũng không nói gì, căn phòng lớn nhường này bỗng chốc yên tĩnh, yên tĩnh đến mức làm người ta nghẹt thở.

Hồi lâu sau, Thẩm Hồng nở nụ cười, nói: “Dung Nhi, trong lòng nàng vẫn còn lo lắng vì việc của Tương Nhi à? Tương Nhi đã là chuyện quá khứ rồi. ‘Phóng mắt non sông nhớ chi xa, gió mưa hoa rụng tiếc xuân qua, chẳng thà thương lấy người trước măt’, Dung Nhi…” Thẩm Hồng nắm lấy tay tôi nói: “Trong lòng ta, hiện giờ chỉ có mình Dung Nhi nàng”.

Tôi chăm chú nhìn vào mắt chàng, đôi mắt trong suốt sáng tỏ. Tôi biết tính tình chàng đôn hậu, những gì miệng nói ra tuyệt đối đều là suy nghĩ trong lòng.

“Nếu một ngày kia, Vũ Tương tỷ tỷ đột nhiên sống lại, trở về thì sao?”. Tôi vốn không muốn nói, nhưng lại cầm lòng không đặng nêu câu hỏi.