Cướp Anh Từ Tay Định Mệnh!

Chương 47: Chương 48




Bà Ái Lê ngồi lặng trong phòng làm việc sau cú điện thoại từ luật sư. Nhã Thư 18 tuổi rồi sao? Mọi thứ phải trả lại đúng vị trí của nó rồi! Dù tâm can con bé đã tha thứ cho bà, cho Thụy Dương nhưng liệu rằng lòng hận thù ấy có đang ngấm ngầm hành hạ con bé. Không! Không! Nhã Thư không phải người như thế! Bà hiểu nó hơn ai hết! Bà Ái Lê ngả người ra ghế. Lúc này đây, vị trí giám đốc này bà cũng không cần nữa, cổ phần của công ty bà không muốn, tiền bạc, danh vọng với bà mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Bà chỉ muốn sống những ngày bình dị như những năm vừa qua, đừng biến cố, đừng thử thách bà thêm nữa. Việc đã đến nước này, có lẽ Nhã Thư đi càng nhanh càng có đỡ tổn thương cho cả nó, Thụy Dương và Vũ Huy. Nhưng không ngày ấy ông ta là một thằng đểu, có chắc hôm nay con trai ông ta không đểu. Nhã Thư làm sao theo họ sang nơi đất khách quê người ấy một mình. Bà Lê ngả người ra ghế. Lúc này tạm thời bà không nghĩ được gì hơn nữa.
Có tiếng gõ cửa, bà Lê chưa kịp phản ứng, cửa đã bật mở. Ông Ngọc đứng ngay giữa cửa. Tay chống một chiếc gậy trúc, nhìn xoáy vào trong. Cô thư kí luống cuống:
- Xin lỗi giám đốc! Tôi đã ngăn ông ấy lại! Mời ông ra cho, mời ông! Nếu không tôi sẽ gọi bảo vệ!
Ông Ngọc vẫn đứng im, không nhúc nhích. Dù bị tật ở chân nhưng cô thư kí vẫn chẳng là gì cả, ông hoàn toàn không quan tâm, mắt ông vẫn nhìn sâu vào mắt bà Lê đang thất thần kia. Năm phút, mười phút… Bà Lê nghiêng người, cúi đầu rồi đưa tay lên:
- Để ông ta vào!
Cô thư kí vội vàng bước ra ngoài, thở phào vì không bị quở trách như mọi khi. Dạo này giám đốc của cô hiền hơn mọi khi thì phải.
- Đóng cửa lại!
Cánh cửa vừa khéo lại, bà Lê đi thẳng lại phía ông Ngọc đang ngồi trên bộ salong tiếp khách. Mặt bà giãn ra, nhanh chóng lây lại sự bình tĩnh cần thiết.
- Xin hỏi! Ông đên đây có việc gì?
Ông Ngọc liếm môi tự rót nước trong bình uống chậm.
- Bao nhiêu năm rồi! Bà vẫn nguy hiểm như vậy sao? Đừng nói với tôi, bà không nhận ra tôi là ai?
Bà Lê không trả lời, tim muốn quặn lại. Lúc này bà đã yếu ớt lắm rồi, đâu còn là Lê “vại” việc gì cũng dám làm trước đây. Giọng bà uể oải:

- Ông muốn gì ở tôi?
Ông Ngọc nhấp chén nước rồi đặt xuống:
- Chẳng muốn gì ở bà cả! Là 2 cô con gái bà!
Mắt bà tròn lên nhìn ông Ngọc, sự bình tĩnh cố tạo không còn nữa.
- Cả hai?
- Ừ! Cả hai! Thụy Dương là con tôi! Đương nhiên nó phải đi cùng tôi! Còn Nhã Thư… tôi biết nó nói dối nhưng nó đã chọn Vũ Huy, đó là lựa chọn của nó. Các thủ tục của nó cũng đã gần như xong hết!
- Bỉ ổi!
Chén nước trên tay hắt mạnh vào mặt người đàn ông đang ngồi đối diện mình, bà đứng bật dậy, gương mặt đỏ gay mất bình tĩnh. Ông Ngọc nhìn bà Lê hồi lâu, đưa tay lau mặt, vẫn dịu giọng:
- Ngày trẻ tôi bồng bột, nông nổi bà đánh cũng được, hận cũng được. Nhưng giờ tôi không còn là thằng Ngọc “máu” ngày ấy nữa, con tôi tôi phải nhận. Thụy Dương sẽ được đền bù xứng đáng!
- Đền bù? Ông đền cho nó cái gì đây? Ngày ấy, tôi bụng mang dạ chửa, dẹp tự trọng sang một bên, quỳ lạy, bò theo ông xin ông đừng bỏ tôi và nó. Ông đạp phăng tôi đi để đi. Không để lại cho tôi một đồng một cắc, bơ vơ giữa vỉa hè. Thụy Dương nó sinh ra nơi bãi phế liệu, nếu không được người ta cứu đã chết từ đỏ hỏn rồi. Lúc nó nhiễm trùng, ốm sốt đủ kiểu, ông biết tôi nuôi nó thế nào không? Tôi nuôi nó bằng thân xác của một con đàn bà không biết nhục này đây!
Ông Ngọc nhìn những giọt nước mắt trên gương mặt bà Lê, bỗng im bặt. Quá khứ và tội lỗi! Hiện tại và nỗi đau! Lật tung lên chỉ thấy nước mắt mặn chát mà thôi.

- Giờ ông về, đòi đem đi là đem đi sao? Tôi không yêu nó! Tôi căm ghét nó như ông vậy! Nhưng tôi thà chết chứ không thà mất nó! Tôi thà giết ông còn hơn nhìn thấy con tôi theo ông!
Ông Ngọc giữ bà Lê lại rồi dịu giọng:
- Bình tĩnh lại! Chúng ta cùng đi! Cùng bắt đầu một cuộc sống khác! Tôi sẽ bù đắp cho bà, cho Thụy Dương. Bà sẽ có 2 đứa con gái và tất cả.
Bà Lê lùi lại, ngồi phịch xuống ghế, lắc đầu:
- Không! Không được! Không đi được!
- Không có gì là không được hết! Tôi sẽ đi nói chuyện với Thụy Dương! Con bé sẽ đi với tôi! Nó là con gái tôi!
- Không được! Ông không có quyền!
Ông Ngọc im lặng một lúc rồi trầm ngâm:
- Chúng ta đã già cả rồi! Chuyện quá khứ đừng nhắc lại nữa! Hận thù rồi cũng qua thôi! Đúng tôi không có quyền giành con từ bà nhưng tôi có quyền bù đắp cho Thụy Dương chứ! Hãy để con bé tự quyết định.
- Không được!
Bà Lê khụy xuống sàn. Ngước đôi mắt đỏ au lên nhìn ông Ngọc.

- Không được để con bé biết sự thật này! 19 năm qua nó đã sống đủ đau khổ rồi! Nó bất cần, bất mãn với đời nhiều lắm. Giờ đến cả người con trai nó yêu cũng trở thành… em trai nó. Mạnh mẽ đến mấy thì nó cũng sẽ chết mất! Không được.
Ông Ngọc lặng lại! Định mệnh trớ trêu hay lỗi lầm ở quá khứ? Có lẽ cả hai! Người đau lòng nhất chẳng phải là Thụy Dương sao? Người khốn đốn,tuyệt vọng nhất chẳng phải là nó sao?
- Vậy em định giấu những điều này đến bao giờ đây?
- Mãi mãi!
Cả hai người cùng quay lại, cánh cửa đã được mở ra từ bao giờ cũng đóng lại từ bao giờ. Nhã Thư đứng đó, tà váy khẽ bay, gương mặt thánh thiện thoáng buồn.
- Mọi người nghe con nói rõ không ạ! Là mãi mãi! Chị con không mạnh mẽ như mọi người nghĩ đâu! Chị ấy đau đớn tổn thương quá đủ rồi! Hãy để mọi việc trở lại như cũ. Và bác chỉ là ba của Vũ Huy, là ba chồng tương lai của con thôi! Mẹ cũng ở lại với chị Dương đi!
Nhã Thư nói chậm rồi ngồi xuống ghế trong ánh mắt bất ngờ và đau đớn của bà Lê:
- Nhã Thư!
- Mẹ à! Đó là cách tốt nhất bây giờ! Để mọi người không ai bị tổn thương hết! Chị Dương đã hi sinh cả tình yêu của mình vì mẹ, vì con, vì mọi người. Chúng ta không thể chỉ vì yêu thương ích kỉ mà không quan tâm đến chị ấy được!
Bà Lê òa khóc.
- Không được! Thụy Dương là con gái bác! Nó phải về với bác! Bác phải bù đắp cho nó.
Nhã Thư nhìn ông Ngọc hồi lâu rồi mới lên tiếng:
- Bác sẽ không bù đắp được gì đâu! Có chăng chỉ là nước mắt và nỗi đau thôi ạ! Nếu bác công khai tất cả, bác nói rõ mọi chuyện. Người biết không chỉ là Thụy Dương mà còn cả Vũ Huy. Và có chắc bác sẽ giữ được bí mật thật lâu về mối quan hệ của họ. Lúc đó, bác không chỉ mất Thụy Dương mà Vũ Huy, chính anh ấy cũng không vượt qua nổi đâu.

Ông Ngọc đưa mắt nhìn Nhã Thư rồi lại nhìn bà Lê, mắt bà vẫn u buồn nhìn vô định ở một phương nào đó. Giọng bà thều thào:
- Không được! Không ai được đi hết! Cả con cũng ở lại! Mẹ không đồng ý cho con theo người đàn ông này! Cũng không chấp nhận cho con hi sinh cuộc đời mình!
- Con không hi sinh, con thấy mình hạnh phúc.
Bà vẫn không nhìn Nhã Thư, gương mặt nhăn lại những nếp nhăn của nỗi lòng không thỏa hết:
- Con đã bao giờ nghĩ đến một ngày Vũ Huy nhớ ra tất cả chưa? Nó sẽ căm thù con, sẽ ruồng bỏ con như cái cách ba nó đã làm với mẹ!
Nhã Thư lùi lại, vịn tay vào ghế, nhắm mắt rồi lấy lại bình tĩnh:
- Mẹ đã từng dạy con, cái gì là của mình thì phải giữ, cái gì không là của mình muốn có thì phải cướp. Giờ tình yêu của con, Vũ Huy của con đã trong tay con rồi, con nhất định sẽ biến nó thành tình yêu thật sự! Ánh mắt cậu ấy, nụ cười cậu ấy lúc này cho con biết cậu ấy yêu con! Sau này dù thế nào con cũng sẽ đối mặt. Giành anh ấy lại cho mình!
- Tại sao con không nghĩ đến việc cả đời nó không thể đứng lên được?
Bà Lê và ông Ngọc cùng đứng bật dậy. Câu hỏi như hét lên của bà Lê khiến Thư hơi choáng váng. Cô nuốt nước bọt, mím môi rồi trả lời:
- Thì con vẫn ở bên cậu ấy!
Có lẽ bà chưa bao giờ nhìn thấy đứa con gái yếu ớt mỏng manh của mình mạnh mẽ như lúc này bao giờ. Dũng cảm ư? Hay chỉ là mù quáng của tuổi trẻ? Không! Bà tin đó là dũng cảm? Chỉ có tình yêu mới cho con người ta được nhiều động lực đến vậy.
- Tôi lấy tính mạng mình ra đảm bảo sẽ chăm sóc Nhã Thư thay cho bà. Nó cần thằng Huy, thằng Huy cũng cần nó. Nhã Thư nói đúng, đây là cách giải quyết gọn gàng nhất.