Cuộc Sống Ở Nhà Máy Những Năm 80

Chương 11




Biên tập: Sabi

Beta: Qin Zồ

Sáng sớm hôm sau, Tôn Biền tỉnh dậy giữa tiếng gà trống gáy ngoài cửa sổ.

Khi cô tỉnh vẫn giống như trước, vô thức cà đầu vào gối thì cứ có cảm giác không đúng thế nào, lúc này mới chợt nhớ ra đêm qua mình không ở nhà. Ý thức được điều ấy, Tôn Biền không dám tìm cách nằm ỳ nữa, ngoan ngoãn bò dậy từ trên giường sưởi.

Ngày hè, lúc gà gáy cũng hơn năm giờ rồi, ngoài trời cũng đã sáng, mẹ con nhà họ Điền chuẩn bị bữa sáng trong phòng xong thì kêu bọn nhỏ mau mau ra ăn cơm.

“Ông ngoại đâu ạ?” Tôn Biền vừa chải đầu vừa hỏi mẹ.

“Sang chỗ ông chú hai rồi, sáng nay bên đó phải mổ heo, ông ngoại và cậu cả con đều qua giúp một tay.”

Mổ heo là chuyện lớn dưới nông thôn, nhất là trong thời đại này, mỗi hộ nông dân bình thường quanh năm suốt tháng cũng chỉ vào lúc sau Tết mới có cơ hội giết một con heo, ăn mấy miếng thịt mỡ.

Ngoại lệ duy nhất chính là gia đình có chuyện vui, dưới quê hiện nay, dù là gả hay cưới vợ cho con bình thường đều đính hôn vào mùa xuân, tổ chức hôn lễ vào mùa đông. Nguyên nhân phải làm như vậy, ngoài giúp đôi vợ chồng chưa cưới có thời gian tìm hiểu sâu hơn, thì còn để trong khoảng xấp xỉ một năm đó có thời gian tích cóp những đồ vật khi kết hôn phải dùng.

Thanh niên ngày nay kết hôn đang thịnh hành “ba quay một phát”, đó chính là xe đạp, máy may, đồng hồ và còn có radio. Muốn gom góp mấy thứ này thật không hề dễ dàng, không nói đến chuyện có tiền hay không, chỉ riêng việc kiếm vé công nghiệp không thôi cũng đủ làm người hai gia đình nhức đầu.

Vé công nghiệp chính là phiếu dùng để mua sắm sản phẩm công nghiệp, có tác dụng tương đương phiếu lương thực và phiếu vải vóc, đều phải có những thứ này rồi sau đó mới dùng tiền đi mua sắm hàng hóa tương ứng được.

Hiện tại vé công nghiệp được tính chiếu theo tiền lương công nhân, mỗi tháng tiền lương mà từng người khai, cứ đủ hai mươi đồng là tương ứng một tờ vé công nghiệp.

Một tháng lương của bố Tôn đủ để được phát hai vé công nghiệp. Mẹ cô lương tháng không tới bốn mươi, cũng chỉ có một tờ. Mà mua một chiếc xe đạp cần phải có một trăm tờ vé công nghiệp lận.

Thế nên nhà nào có con cái muốn kết hôn, điều đầu tiên phải làm chính là đi mượn vé công nghiệp ở khắp nơi. Mấy nhà góp lại cho một nhà dùng, sau đó đợi đến khi nhà tiếp theo cần thì lại góp chung. Thời đại này hầu như mọi gia đình đều làm như thế.

Chỗ nhà máy điện cũng không thuộc thành phố lớn tuyến một hay gì cả, năng lực kinh tế cũng có hạn. Bởi thế lúc các thanh niên muốn kết hôn, mấy cái “ba quay một phát” kia cứ liệu sức mà làm. Nhưng tiệc cưới thì nhất định không thể qua loa cho xong.

Bất kể nhà trai hay nhà gái trong thôn, sau khi đính hôn nhất định sẽ bắt một con heo đem về, hết lòng nuôi nấng suốt từ mùa xuân đến mùa đông để cho ra những món thịt trên bàn tiệc cưới. Lại càng khỏi bàn đến nhà ông chú hai muốn mổ con heo mập kia, vì con gái út, ông hai chăm bẵm nó cả một năm rưỡi cũng chỉ đợi ngày hôm nay.

Tôn Ký vốn đang rửa mặt, vừa nghe thấy nhà ông chú hai muốn mổ heo thì tinh thần tỉnh táo hẳn, cơm cũng không buồn ăn, vung khăn mặt lên muốn ra ngoài xem trò vui ngay.

Mẹ Tôn bưng chén sứ lên bàn, vừa thấy thằng con út muốn chạy là lập tức hô: “Làm gì đó hả? Không lo ăn cơm đi này?”

“Mẹ, nhà ông chú hai mổ heo kìa, con muốn đi xem.”

“Mổ heo có gì đáng xem đâu? Chọc máu phun ra sợ chết đi được, mau lại đây ăn cơm đàng hoàng coi.”

Tôn Ký bị mẹ trấn áp không dám nhiều lời nữa, thay vào đó thành thật leo lên giường sưởi ngồi ăn cơm trên bàn, có điều ánh mắt vẫn không ngừng nhìn ra ngoài cửa sổ chỗ nhà ông chú hai. Cơm còn chưa ăn được mấy miếng, mọi người đã nghe thấy tiếng heo kêu thảm thiết từ trước sân truyền tới, thảm thương đến độ da đầu Tôn Biền cũng tê buốt.

Trong khi đó bà ngoại vô cùng bình tĩnh, vừa chia trứng gà cho cháu trai, cháu gái vừa nói: “Được rồi, đã giết xong, Tiểu Ký con cũng không cần nghĩ tới nữa, yên tâm mà dùng cơm đi.”

Loáng một cái đã ăn sáng xong, người nhà họ Điền rửa chén đũa sạch sẽ, sắp xếp đồ trong nhà chỉnh tề, sau đó bà cụ kêu đám con cháu giúp khuân đồ ra trước sân.

Vào thời đại này vẫn chưa có mấy nhóm người chuyên đảm nhận việc hiếu hỷ, bình thường nhà nào làm tiệc cũng tự mời đầu bếp, vật liệu cũng tự mình chuẩn bị, mà nồi chén muôi các thứ cũng chỉ có thể mượn của nhà bạn bè họ hàng.

Hơn nữa không chỉ đồ vật thôi đâu, mà người cũng mượn luôn, đầu bếp được mời đến chỉ phụ trách nấu nướng, còn những công việc như rửa rau, thái đồ ăn, mang thức ăn lên, xem tình hình rồi lui xuống, rửa chén… đều do người thân nhà mình tới phụ.

Do đó, nếu nhà ai không có quan hệ tốt ở nông thôn thì rất khó sống, lúc có việc không ai đến giúp đỡ, dựa hết vào người nhà thì mệt chết đi được, công việc bề bộn cũng không tốt, nói không chừng còn làm người khác chế giễu.  

Hai anh em Tôn Tuấn và Tôn Ký khiêng một cái bàn đi ở phía trước. Mợ cả và mẹ Tôn cùng dùng đòn gánh hợp sức nâng một cái sọt tre lớn, trong sọt đựng mấy cái đĩa với chén đũa, đi phía sau hai cu cậu. Tôn Biền ôm một chồng ghế theo sát mẹ, bà ngoại Điền thì mang một rổ trứng gà đi cuối đoàn người.

Đến trước sân nhà ông chú hai, bên đây đã có tiếng người huyên náo rồi, nhóm bạn bè người thân sang giúp đỡ chật hết cả sân. Mấy đấng mày râu bận rộn phụ đồ tể mổ heo, hoặc chẻ củi, dựng bếp… Các chị em thì vội vàng nấu nước, lặt rau, xắt rau củ, rửa sạch chén đũa…

Những cái bàn được chuyển tới đều bị chất lên cùng một chỗ, một rổ trứng gà thì cầm đến sau bếp, mợ cả cũng sang giúp một tay. Tôn Tuấn và Tôn Ký chạy qua chỗ đồ tể nhìn heo, còn hai mẹ con Tôn Biền thì bị bà hai kéo thẳng vào gian mái Tây.

Bên đây là căn phòng của dì nhỏ Tôn Biền, một đống lớn các bọc quần áo đủ màu sắc được chất trên giường sưởi. Bên trong chứa cả chăn đệm quần áo nhà mẹ đẻ sửa soạn cho con gái, với vài món đồ linh tinh mà cô dâu tự chuẩn bị.

Điền Thục Phân mặc đồ đỏ thẫm cả người, nửa thân trên mặc áo tay ngắn bằng sợi tổng hợp màu đỏ, nửa thân dưới thì là quần bông dài màu đỏ, chân xỏ đôi giày da mẹ Tôn Biền mang về cũng màu đỏ nốt.

Thấy hai mẹ con Tôn Biền vào đây, mặt Điền Thục Phân vui lắm, vội nói: “Chị, mau tới giúp em trang điểm với, tự em trang với chả điểm thấy chẳng ra làm sao cả.”

Cũng không trách Điền Thục Phân không biết làm mấy cái này, cơ hội được trang điểm đậm của đám con gái nhà đứng đắn ngày nay, trừ lúc biểu diễn trên sân khấu thì cũng chỉ còn dịp đám cưới lấy chồng thôi.

Mẹ Tôn Biền nghe thế mới vội đi tới, thấy rõ mặt cô em họ thì không nhịn được cười ra tiếng, vừa cười vừa hỏi: “Ai da, cô dâu mới biến thành Trương Phi(1) rồi à? Em làm thế nào hay vậy?”

Tôn Biền bèn tới gần xem thử, thấy trên mặt dì nhỏ có một đôi lông mày đen sẫm thô to vẽ tùy tiện trên mặt. Mấu chốt là chỉ thô với đen thì thôi, cặp lông mày kia còn bên dài bên ngắn, vừa không hài hòa lại còn vô cùng buồn cười.

Tôn Biền cố nhịn cười, da mặt cũng vì kìm nén mà run run không ngừng, tự nhủ hèn chi vừa nãy bà hai mới trông thấy mẹ cô là như thấy cứu tinh. Nếu cô dâu đi ra ngoài như thế này, kiểu gì mọi người cũng cười đến rụng răng đấy.

“Chị, đừng cười nữa mau giúp em làm đi, cây bút vẽ mày này cũng chẳng biết có chuyện gì, kẻ lông mày ra bên thô bên mảnh. Em muốn làm cho hai bên giống nhau thì cuối cùng lại biến thành thế kia.”

Điền Thục Lệ đỡ eo cười mém xóc hông, đẩy con gái mình nói: “Tiểu Biền, mau ra ngoài mang một chậu nước ấm đến đây cho dì con, rửa mặt trang điểm lại một lần nữa.”

Thời đại hiện nay, trong nhà mỗi người cũng không có mỹ phẩm các kiểu, dù là trang điểm cho cô dâu, trên bàn trang điểm dì nhỏ của cô ngoài kem bảo vệ da cũng chỉ có một hộp phấn thơm, một cây bút vẽ mày và một thỏi son môi.

Đợi tới khi cô em họ rửa mặt sạch sẽ xong, đầu tiên mẹ Tôn lấy hộp phấn thơm kia ra, mở nắp rồi lấy phấn bên trong vỗ vỗ lên mặt em mình.

Tôn Biền sống ở đời sau cũng chưa từng nhìn thấy loại phấn thơm này. Khi thấy mẹ đánh phấn thơm cô mới tò mò đi sang nhìn, hộp phấn thơm trang điểm bằng vải nhung đỏ hình lục giác, trên mặt hộp có viết tên nhãn hiệu “Vạn Tử Thiên Hồng” màu vàng, trong hộp thì chia ra làm hai bộ phận trên dưới.

Nửa phần trên là nắp hộp được nạm một tấm gương nhỏ. Nửa phần dưới thì là lớp giấy mỏng đâm đầy các lỗ nhỏ, toàn bộ dưới lớp giấy là thứ bột phấn màu trắng tinh tế có mùi thơm. Khi dùng, mọi người chỉ cần lấy miếng mút nhung đỏ nhẹ nhàng vỗ vỗ lên trên lớp giấy mấy lần, bột phấn bên dưới sẽ bay ra dính lên miếng mút.

Tôn Biền càng nhìn càng thấy cấu tạo và tác dụng của thứ đồ này thật quen mắt, nghĩ nghĩ một lúc mới phát hiện, không phải là phấn phủ dạng nén của đời sau đây sao?

Bất kể lòng yêu mến vào lúc nào đi chăng nữa, thì nền tảng đầu tiên của trang điểm cũng chính là các động tác cơ bản.

Mẹ Tôn vội tô son điểm phấn cho cô em, không mảy may để ý đến mấy việc mờ ám của con gái bên kia. Em họ nhỏ của bà lo làm việc nhà nông quanh năm suốt tháng, da bị phơi nắng có hơn đen sần. Bà cố ý dùng phấn để che khuyết điểm cho con bé, nhưng không dám xài quá nhiều. Nhỡ đâu đánh quá dày, màu da ở cổ với ở mặt chênh nhau quá rõ thì khó coi lắm.

Đánh phấn thơm xong lại sửa dáng lông mày, vẽ xong thì thoa son môi, rồi sau đó lấy kẹp tóc màu đen đeo hoa cài đầu lên cho cô dâu, cứ thế mà hoàn thiện các bước trang điểm đơn giản.

Điền Thục Phân vô cùng hài lòng với tay nghề của chị họ, lúc Tôn Biền giơ gương lên cho dì soi thì cô ấy còn không ngừng hỏi lại: “Tiểu Biền, con thấy dì nhỏ trông có được không?”

Tôn Biền nhìn dì nhỏ tính tình luôn cởi mở, hào phóng nay lại có ánh nhìn ngượng ngùng và mong đợi, thế là lập tức đáp: “Hôm nay dì xinh đẹp nhất.”

Lời nói vừa là nịnh vừa là thật, bởi dáng người dì nhỏ cô khỏe đẹp cân đối, ngũ quan sáng sủa, dù không phải đại mỹ nhân khiến hai mắt người ta tỏa sáng, nhưng tuyệt đối phù hợp với tiêu chuẩn lựa chọn con dâu mà người trong thôn hiện nay muốn tìm.

Hơn nữa dì nhỏ cô còn trẻ tuổi, trạng thái tinh thần tốt, rõ là trang điểm thế nào đẹp thế nấy.

Hết chương 11.