Cuộc Sống Ở Nhà Máy Những Năm 80

Chương 10




Biên tập: Sabi

Beta: Qin Zồ

Khi hai chị em họ Điền còn đang đưa đẩy nhau, bỗng trước sân nhà Điền Thục Phân có một bà thím già đứng bên tường, nhìn về phía sân nhà họ hô: “Thục Phân, sao con còn chưa về? Mau lên, khách đến nhà này.”

Người đang gọi chính là mẹ Thục Phân. Hiện tại tuy đã có cả xe hơi lẫn đường trải nhựa, nhưng để không trễ nải, gia đình mấy người thân ở khá xa vẫn sẽ đến sớm hơn một ngày. Bởi thế nên hôm nay trong nhà Điền Thục Phân có không ít họ hàng tới sớm chúc phúc và hỗ trợ, phần lớn đều là người bên nhà ngoại.

Nghe mẹ kêu, Điền Thục Phân cũng không từ chối nữa, nhanh chóng nhận đôi giày da xinh đẹp kia, ôm vào trong ngực rồi bảo: “Em xin nhận tấm lòng của hai chị, giờ bên nhà nhiều người nhiều việc quá, chờ khi nào lại mặt, em lại tâm sự tiếp với các chị nhé.”

Nói đoạn, Điền Thục Phân ôm hộp giày ra ngoài, vừa đi vừa nghĩ phải về hỏi bố mình xem có phải chị Thục Mỹ và Thục Lệ nhà bác cả thiếu gia đình họ ân tình gì không. Chẳng thế thì sao lại tặng phần quà lớn vậy chứ.

Chẳng mấy chốc trời đã tối, Điền Thục Lệ giúp mợ cả và bà ngoại thổi lửa nấu cơm, còn đuổi thằng cả đến sân nhà chú hai hỏi thử, xem mấy người đàn ông đang giúp nhà chú ấy làm việc buổi tối có về ăn cơm không.

Tôn Tuấn nghe lời ra cửa, chưa được vài phút đã chạy về báo tin: “Mẹ, ông ngoại với mấy người cậu cả nói là còn công chuyện, chưa làm xong thì sẽ không qua đâu. Ông chú hai bảo thức ăn bên đó có hết rồi, kêu nhà mình cũng sang dùng bữa đi.”

Tôn Biền đang dọn bát đũa kế bên mẹ, nghe bà trả lời: “Thôi khỏi, bên kia nhiều người cũng lộn xộn, chúng ta đã làm cơm xong rồi thì ăn luôn đi.”

“Dạ, ông ngoại với ông chú hai cũng bảo thế đó mẹ.” Tôn Tuấn nói tiếp.

“Tiểu Tuấn, con có trông thấy bọn Vĩnh Phú ở bên kia không?” Mợ cả hỏi.

Ba đứa nhà cậu cả với mợ đều là con trai, Vĩnh Phú, Vĩnh Thọ giờ tuổi tác tương đối lớn, đã bắt đầu đi theo cậu cả và ông ngoại học tay nghề, còn đứa nhỏ nhất thì đang học cấp 3 trên thị trấn.

“Con có thấy anh Vĩnh Thọ, còn Vĩnh Phú thì không để ý.”

“Cái thằng hư đốn kia, không ăn cơm mà chạy đi đâu không biết. Đừng để ý tới nó, chúng ta dùng bữa đi.”

Mợ cả nói rồi đặt cái bàn thấp lên trên giường sưởi, Tôn Ký thì đã thắp sáng đèn, sau đó đi mở tivi đen trắng trong hộc tủ. Thời đại hiện nay chẳng được mấy thôn có điện, về cơ bản đều ở những khu vực ngoại ô thành phố.

Tại mấy thôn nhà họ Điền bên này, đại đội và cả thị trấn nữa, nhờ nằm rất gần nhà máy điện nên đã sớm được sử dụng. Cái tivi đen trắng đó do ông ngoại mang về từ cửa hàng vào năm ngoái, bảo là bà ngoại thích. Sau khi mua về, chẳng những bà vui mà nam nữ già trẻ gì trong thôn cũng vui vẻ, mỗi ngày ăn cơm xong mọi người nhất định sẽ đến xem.

Có điều, cũng hơi tiếc là các kênh mà tivi này có thể thu được quá ít, chỉ hai kênh, một kênh trung ương một kênh địa phương. Còn không bằng radio có thể nhận được nhiều băng tần hơn.

Tôn Biền lại phải cảm thán một lần nữa, cái cảm giác không cận thị thật là tốt. Dù ngồi tận bên trong cùng giường sưởi thì cô vẫn thấy rõ mặt mũi hai người dẫn chương trình trên mà hình tivi đen trắng 17inch hiệu Gấu Trúc. Cắn bánh bột, ăn cải thìa rồi xem bản tin thời sự, vậy mà Tôn Biền không hề có cảm giác nhàm chán tý nào.

Sau bữa tối, quả nhiên người trong thôn tốp năm tốp ba ghé nhà chờ xem phim truyền hình. Với lại, bọn họ không đến tay không mà còn tự chuẩn bị ghế đẩu, đệm cói các thứ… Có mấy người lười cầm đồ trong nhà, cứ tìm một tảng đá bằng phẳng trên đường hoặc cái đòn gỗ trong sân rồi dùng luôn.

Thứ mọi người đang trông đợi chính là “Đại hiệp Hoắc Nguyên Giáp”, bộ phim này đã từng chiếu trước đó rồi, nhưng đáng tiếc lúc ấy trong thôn không có tivi nên cũng chẳng ai được xem. Bây giờ đài địa phương mới phát lại, bộ phim nhanh chóng nhận được sự quan tâm của già trẻ cả thôn. Bàn về khả năng đu phim, Tôn Biền thấy mấy người bên cạnh cô còn cuồng nhiệt hơn so với thời đại sau này.

Hơn nữa không chỉ có mấy người cùng thôn thôi đâu, Tôn Biền rất nhanh đã phát hiện, e là thằng em cũng sẽ trở thành một trong những người đu phim đó đấy. Tôn Ký, người vốn chỉ gặp dịp mới muốn góp vui với mọi người, thì giờ đây lại mặt mày hớn hở ngồi trên mép giường.

Ánh mắt cu cậu chăm chú vào màn hình, khi thì siết chặt nắm đấm, lúc thì giãn lông mày ra, xem chừng rất nhập tâm vào kịch bản. Thật ra không chỉ Tôn Ký mà bản thân Tôn Biền cũng cảm thấy rất thú vị. Đáng ra đối với một người đã được đắm mình trong đủ loại phim truyền hình, tiểu thuyết, phim điện ảnh các nước ở đời sau như cô, thì xem loại phim nhựa những năm 80 đó có thể bắt ra một đống khuyết điểm.

Nhưng dù trong lòng đang phỉ nhổ như thế nào đi chăng nữa, Tôn Biền cũng phải thừa nhận rằng lúc xem, nhất là khi khúc nhạc “Vạn Lý Trường Thành mãi không đổ xuống” vốn xa lạ nhưng chẳng hiểu sao lại rất quen thuộc vang lên, thậm chí trong cô còn dâng lên nhiệt huyết sôi trào.

“Vạn Lý Trường Thành mãi không đổ xuống, cuồn cuộn nước sông Hoàng Hà ngàn dặm …”

Màu sắc trắng đen, động tác cứng ngắc, lời thoại nhân vật thì công thức hóa, nhưng lại khiến mọi người thưởng thức yêu thích đến tận xương tủy.

Sau khi phim truyền hình phát sóng xong, bà con chào hỏi rồi cũng rời đi hết, Tôn Biền giúp đỡ mợ cả và mẹ cùng dọn dẹp phòng. Những người trẻ tuổi đời sau rất khó chịu với việc mỗi ngày đều có cả một đoàn người như thế đến nhà mình, tán gẫu cười đùa xem tivi, uống nước làm việc hay thậm chí là hút thuốc. Người ta đi rồi mình còn phải thu dọn nền nhà bừa bộn.

Một hai lần thì còn được, chứ mỗi ngày đến một lần không mấy ai chịu nổi. Nhưng vào lúc này đây cũng là chuyện hết sức bình thường ở nông thôn mà thôi.

Chẳng những bình thường mà còn là chuyện tốt nữa kìa, chứng minh rằng người nhà này đối nhân xử thế trong thôn rất tốt, có tình, điều này rất quan trọng ở dưới quê. Bình thường có thể bạn không cảm nhận được, chỉ khi nào trong nhà có chuyện lớn chuyện nhỏ gì, sẽ thấy được hai loại kết quả khác biệt rõ rệt giữa nhà có nhân duyên tốt và nhà không có.

Tôn Biền không biết nơi khác như thế nào, nhưng với người Đông Bắc ưa sĩ diện mà nói, nếu nhà làm tiệc đãi khách mà dùng hết bàn chuẩn bị còn phải thêm băng ghế, tàn tiệc rồi đồ ăn với cơm đều dùng sạch loáng, chủ nhà đó sẽ vô cùng có mặt mũi. Hơn nữa, người nhà này đảm bảo dù làm chuyện gì đi chăng nữa thì chắc chắn sẽ thuận lợi, bởi vì gia đình họ nhiều ân tình nên luôn có người quen quan tâm giúp đỡ.

Nếu nhà nọ chuẩn bị mười bàn tiệc mà kết quả đến năm bàn còn không ngồi hết, sắc mặt chủ nhà chắc chắn rất khó coi, hơn nữa nếu người thân ông ấy không nghĩ cách thay đổi, thì dù không đến mức chẳng thể sinh hoạt trong thôn, nhưng sống cũng không thoải mái lắm đâu.

Vào cái thời đại mà nhân lực vẫn còn còn là sức lao động chính, gần như một nửa người ở thôn đều mù chữ, điều cuộc đời này dạy cho ta chính là trước khi làm việc phải kể ân tình, “ân tình” tương đương với “chuyện hữu dụng”.

Hôm nay phòng cũ nhà họ Điền tắt đèn hơi trễ, mấy đứa nhóc Tôn Biền đều đã đi ngủ trước, còn người lớn thì ngồi dưới đèn tâm sự mấy chuyện linh tinh, các bà đang chờ đám đàn ông trong nhà về.

Trước khi sắp đi ngủ, Tôn Biền đang xõa tóc ra xoay vài vòng trong phòng, khi vào ổ chăn vẫn còn đang hỏi: “Bà ngoại, sao Đại Hoàng còn chưa trở về?”

Dù nghe tên hệt như chó nhưng Đại Hoàng là một con mèo mà bà ngoại Điền nuôi, giống mèo Li Hoa màu vàng, dùng cách nói phổ biến của đời sau để hình dung nó thì chính là một con mèo cam.

Nghe nói mười con mèo cam thì có đến chín con béo, còn một con đè sập giường. Thế nhưng nhà bà ngoại Tôn Biền nuôi con mèo Li Hoa này lại không béo chút nào, chẳng những không béo mà dáng dấp của nó còn khá tráng kiện nữa đó, chỉ có tính cách hơi hoang dã một tẹo thôi.

Bà cụ Điền đang làm giày mới cho ông bạn già, nghe thế mới liếc nhìn cháu ngoại bên kia, vừa xe chỉ luồn kim vừa trả lời: “Chẳng ai biết được, nó vốn thích rong chơi, hai, ba hôm không về nhà là chuyện thường ấy mà.”

Tôn Biền thất vọng nằm xuống, xem ra ý định ôm mèo ngủ của cô không thể thực hiện được rồi. Chẳng mấy chốc, chiếc đồng hồ kiểu cũ đặt trên tủ gõ mười tiếng coong coong coong, ngày thường vào khoảng thời gian này người trong nhà đã sớm nghỉ ngơi.

Bà Điền khâu đế giày, nhưng đầu óc lại không đặt lên công việc trên tay. Bà ngẩng đầu nhìn ra bên ngoài cửa sổ nhiều lần, xuyên qua tấm kính thủy tinh có một khoảng sân cũng đèn đuốc sáng trưng nằm cách đó không xa.

“Mẹ, chúng ta đi ngủ sớm đi, chắc mấy người bọn bố còn phải bận rộn một lúc nữa.” Điền Thục Lệ đã rất buồn ngủ lấy tay che miệng, vừa ngáp to một cái vừa nói thế.

“Cứ chờ đi, bọn họ không mang theo đèn pin, đèn tắt không còn sáng nữa mẹ sợ nhìn không rõ đường.”

“Để lại đèn trong sân cho họ không được ạ? Ngày mai chú hai gả con gái, không chừng còn giữ lại mấy người bọn bố ở bên kia nữa kìa.”

“Ở sân trước sân sau như thế thì giữ lại cái gì? Nếu con mệt cứ đi ngủ trước đi, thế thôi mà không nhịn được thì cũng chịu. Chẳng biết làm sao mà trực ca đêm ở bệnh viện được nữa.”

Điền Thục Lệ bất đắc dĩ liếc mắt, biết mẹ mình chắc là thấy bố chưa về nên chờ sốt ruột, lại không nói thẳng được nên mới trút giận lên bà.

Thôi, không chọc nổi, không chọc nổi, mình đi ôm con gái ngủ thôi.

Ban đêm đồng hồ gõ chuông điểm mười một giờ, mợ cả Điền cũng đã không đợi nổi nữa, về phòng đi ngủ rồi. Hiện tại trong phòng của hai cụ vẫn còn sáng đèn.

Mắt thấy sắp tới nửa đêm, cuối cùng mấy người đàn ông nhà họ Điền cũng trở về. Cậu cả Điền dắt mấy đứa nhà mình sang nhìn bà ngoại một cái, thấy em gái và các cháu đều đã ngủ thì không quấy rầy, dẫn con về phòng.

Trong phòng cũ, ông ngoại Điền vắt khăn mặt lau mồ hôi trên người, rồi trèo lên giường sưởi chui vào ổ chăn của bà nhà mình.

“Sao trễ thế ông mới về?” Bà ngoại Điền chờ cả một đêm hỏi ông bạn già.

“Trễ việc, còn có khách mời bên đó nữa, trò chuyện một lúc cũng khuya luôn rồi. Bà mau ngủ đi, sáng sớm bên ấy sẽ phải mổ heo, chúng ta còn phải sang sớm một chút.”

Trong phòng nhà họ Điền, đèn sáng cả đêm cuối cùng cũng đã tắt.

Hết chương 10.