Cuộc Sống Ở Bắc Tống

Chương 15: Tìm cách kiếm tiền




Ngắn ngủi mấy ngày, Lâm Y đã dồn đủ một xâu tiền đổi sang tiền giấy và năm trăm văn lẻ, nàng gấp tiền giấy thật nhỏ giấu trong người, năm trăm văn kia chia làm hai phần, trong đó ba trăm văn chôn vào hố đào dưới giường, hai trăm văn còn lại giấu vào bình đồng để tiêu dùng hàng ngày.

Qua mấy ngày, chợ phiên lại mở, nàng cầm tiền giấy nhờ thím Dương đi chợ phiên xả vài thước vải làm áo bông. Thím Dương đồng ý luôn miệng, đi chợ phiên mua cho nàng một tấm vải bông đỏ và một bị bông, ngay ngày hôm đó liền cắt áo, ngồi trong băng ghế nhỏ phòng bếp khâu vá.

Đã nhiều ngày, Lâm Y sống thật sự thuận lợi, nút thắt bán chạy, lập tức sẽ có đồ mới mặc, nàng ngâm nga ngồi bên cạnh bàn kết nút thắt, đầy mặt tươi cười. Có lần Trương lão thái gia gọi nàng đi, hỏi chuyện Phương thị đòi tiền nàng. Lâm Y nghĩ lúc Phương thị đoạt tiền của nàng đã nói lý do hoàn toàn chính đáng, lúc này nếu cáo trạng thì có vẻ chính nàng mới là người nhỏ nhen, vì thế chỉ nói Phương thị là muốn tốt cho nàng, thay nàng bảo quản tiền. Trương lão thái gia tuổi tác đã cao, lười nhìn sâu vào sự việc, nghe nàng nói vậy cũng tin, không gặng hỏi nữa.

Nửa tháng sau, Trương Lương chuẩn bị xong hành lý vào kinh đi thi, lúc này ông ta nghe Phương thị, không mang theo Ngân Tỷ, lẻ loi lên đường. Phương thị có được cơ hội tốt, một khắc cũng không muốn Ngân Tỷ rời khỏi tầm mắt, nơi nơi chốn chốn bắt cô ta hầu hạ, thậm chí đặt luôn một tấm nệm dưới đất trong phòng ngủ, để buổi tối Ngân Tỷ ngủ dưới đất, hầu hạ bưng trà đưa nước ban đêm.

Trương Lương không ở, Ngân Tỷ ngay cả người để tố khổ cũng không có, đừng nói gì che chở cô ta, mọi việc phải nhẫn nhục chịu đựng, khổ thân không nói nổi. Từ lúc cô ta dời tới phòng Phương thị ở, thím Nhâm thím Dương thu nhập thiếu hẳn, rất là không quen, thừa dịp xuống bếp nấu cơm, oán giận không ngừng.

Thím Dương nhét củi vào bếp, nói. “Lần trước Nhị phu nhân suýt bán Ngân di nương, Nhị lão gia còn đang trách móc đây, sao lúc này lại nghe Nhị phu nhân không mang theo Ngân di nương?”.

Thím Nhâm hung hăng bằm dao, thớt gỗ nẩy đùng đùng. “Làm gì có chuyện nghe lời Nhị phu nhân, là sợ dẫn Ngân di nương theo, gây trở ngại việc tìm Kim di nương Đồng di nương kìa”.

Thím Dương lo lắng nói. “Nhị phu nhân sẽ không thừa dịp này bán Ngân di nương chứ? Trong nhà thiếu cô ta, làm sao chúng ta kiếm tiền?”.

Thím Nhâm nói. “Cái đó thì không, Nhị lão gia trước khi đi đã nói, nếu trở về không thấy Ngân di nương yên yên ổn ổn trong nhà, sẽ bỏ Nhị phu nhân”.

Thím Dương thoáng an tâm, phủi bụi hai tay, đứng dậy ra cửa nhìn, thở dài. “Cũng không biết Nhị phu nhân khi nào mới thả Ngân di nương đây, thả cô ta ra chúng ta mới có tiền mà kiếm chứ, mà bà thì lo gì nữa, lần trước mật báo cho Ngân di nương lời nhiều tiền lắm phải không?”.

Thím Nhâm bị chọc bể bí mật, sắc mặt lập tức biến đổi, cả giận nói. “Đừng có nói hưu nói vượn”. Nói đoạn quăng dao bằm lại, đẩy ra thím Dương, về phòng.

Lâm Y ngay tại phòng để dụng cụ làm nông cách vách, nghe lời hai bà nói rành mạch, thầm nghĩ, thím Dương nhưng thật ra có ý tốt muốn bao che cho thím Nhâm, nhưng chuyện này quan hệ trọng đại, thím Nhâm làm sao nói ra dễ dàng được, có hỏi cũng là hỏi không. Thói đời là thế, không thể đối xử thành thật với nhau được, nếu làm được thì thế gian đâu có ai ấm ức khổ não nữa.

Lâm Y thở dài, dọn xong cái cuộc cuối cùng, đóng cửa về phòng tiếp tục kết nút thắt, tương lai trước sau mịt mờ như nàng thì tiêu phí thời gian vạch trần thím Nhâm còn không bằng để dành kết thêm vài cái nút thắt bán lấy tiền. Mười ngày sau, lại một hộp nút thắt đã kết xong, nàng tìm đến Trương Trọng Vi như cũ, nhờ chàng bán dùm.

Trương Trọng Vi nhận hộp gỗ, không biết trên mặt là biểu tình gì, do dự luôn mãi mới đề nghị. “Tam nương, sao em cứ kết nút thắt mãi thế, đổi làm cái khác được không?”.

Lâm Y không hiểu ý chàng, ngạc nhiên nói. “Tay nghề của em, chỉ có thứ này kiếm được tiền nhất, nếu không thì bán cái gì?”.

Trương Trọng Vi rất muốn nói nút thắt trong phòng tôi đã chồng chất như núi, tuy tôi không ngại tiếp tục “thu mua”, nhưng có thể phiền em đổi thứ khác được không… Chàng vừa nghĩ, vừa thói quen vuốt bông hoa mai toàn tâm bên hông, trong đầu đột nhiên lóe sáng. “Vật có tốt mấy, đáng giá mấy thì làm mãi dần dần cũng bán không được giá nữa, không bằng làm túi đựng tiền, túi hương và đai lưng, chắc còn bán được nhiều tiền hơn”.

Lâm Y ngượng ngùng nói. “Anh nói có lý, nhưng em không biết thêu hoa”.

Trương Trọng Vi lúc này mới nhớ tới mẹ chàng không muốn nàng khéo tay, phàm là việc con gái phải học bà sẽ không dạy, cách kết nút thắt này vẫn là Trương Bát nương vụng trộm dạy nàng. Chàng biết mình lỡ miệng, cảm thấy áy náy vô cùng, im lặng một lúc lâu, đột nhiên nói. “Em yên tâm”.

Lâm Y còn đang cân nhắc ý tứ của chàng, chàng đã giấu hộp nút thắt vào ống tay áo, xoay người đi xa.

Trương Trọng Vi về phòng, Trương Bá Lâm tiết kiệm dầu thắp đèn, đang ở trong phòng chàng mượn đèn đọc sách, nhìn thấy chàng mặt mày ủ dột ôm hộp gỗ đi vào, giật mình hỏi. “Đừng nói lại là nút thắt đó nhé?”. Anh ta bỏ sách xuống, đoạt lấy hộp mở ra, cười đến gập bụng lăn ra. “Lão Nhị ơi là lão Nhị, chú em tính mở tiệm bán nút thắt sao, ngăn tủ sắp không nhét vào nổi nữa”.

Trương Trọng Vi bị anh trai cười đến đỏ mặt, nhưng lời nên nói vẫn không lọt nửa chữ. “Anh, có còn tiền không, cho em mượn”.

Trương Bá Lâm bật người lên, vội la. “Cậu tính vẫn nhận lấy đấy à?”.

Trương Trọng Vi mở tủ, bỏ nút thắt mới vào, nói. “Dù sao em không nỡ bán”.

Trương Bá Lâm khổ khuyên. “Lão Nhị, đúng là nên giúp Lâm Tam nương, nhưng không phải cách này, cậu cứ nhận lấy nữa, tiền ở đâu ra đây?”.

Trương Trọng Vi trầm tư một lát, đột nhiên ngẩng đầu nói. “Anh nói phải, muốn nhận nút thắt của Tam nương, trước phải tìm cách kiếm tiền đã, vừa hay hai ngày thư viện cho nghỉ, em đi trong thành dạo chợ, xem có cách nào kiếm tiền hay không”.

Trương Bá Lâm bị lời này làm nghẹn, trừng mắt nhìn chàng hồi lâu, vô cùng đau đớn nói. “Đường đường là người đọc sách, là học sinh châu học, không lo nghĩ viết văn sao cho hay, chỉ lo ra ngoài kiếm tiền, thật sự xấu hổ chết người”.

Xuất phát từ sự tôn trọng huynh trưởng, Trương Trọng Vi không tranh luận, nhưng chàng không hiểu văn chương và kiếm tiền xung đột mâu thuẫn chỗ nào, đợi thư viện cho nghỉ, liền đi nói Phương thị muốn vào thành dạo. Phương thị đang vội nghĩ cách chèn ép Ngân Tỷ đây, làm gì có thời gian quản chàng, hỏi cũng chưa hỏi liền gật đầu cho đi.

Thư viện Thọ Xương nằm ngay phố núi Mi Châu, ngày nào Trương Trọng Vi cũng vào thành, nhưng mỗi lần đều vùi đầu chạy đi học, chưa từng tản bộ dạo chơi, hôm nay có mục đích trong đầu, chàng thả chậm cước bộ, vừa đi vừa đánh giá chung quanh.

Hai bên ngã tư đường, kinh doanh nhiều nhất là trà tửu điếm, tức là chỗ vừa bán trà bán rượu vừa bán cả thức ăn, một đôi đũa – một phần rượu và đồ nhắm. Có chút dân chúng tầm thường, vì kiếm vài đồng tiền trinh, chỉ cần thấy có các công tử nhà giàu đến uống rượu mua vui, sẽ chạy lại xu nịnh, sau đó chắp tay đứng thẳng hầu hạ cẩn thận, xem có chuyện gì cần người chạy một chân, hoặc đi mua đồ, hoặc đi tìm kỹ nữ, đều được thưởng chút tiền, người đương thời gọi là “Nhàn hán”. Lại có người tiến lên giúp đổi nước sôi châm rượu, ca hát mua vui, đốt hương châm thuốc, gọi là “Tư ba”.

*Nhàn hán : nhàn – rảnh rỗi, hán – đàn ông. Tư ba : nam đầy tớ.

Trương Trọng Vi tốt xấu cũng là thiếu gia, lại là người đọc sách, làm sao chịu làm việc như vậy, lắc lắc đầu tiếp tục đi về phía trước.

Có vài đứa trẻ mặc áo sam trắng, cột khăn hoa văn, ôm bình sứ đựng đồ ăn, vừa đi vừa hét quảng cáo món rau củ muối dầm của nhà mình. Nông thôn Mi Châu, nhà nào cũng biết muối dầm rau củ, nhà họ Trương cũng không ngoại lệ, Trương Trọng Vi hơi động tâm, nhưng nghĩ tới bản thân hết năm nay đã tròn mười bảy tuổi, là người lớn, ôm bình sứ chạy khắp nơi cũng không thích hợp, lại đành thôi.

Đi thêm một đoạn, ven đường có mấy người bán dược liệu, hương liệu, trái cây, vân vân, gặp người liền cứng rắn dúi hàng hóa, xong thì đòi tiền, mặc kệ người ta có muốn mua hay không, Trương Trọng Vi sợ bị chèo kéo, vội đi nhanh qua phố khác dạo.

Phố này đa số là hộ gia đình, không có bao nhiêu cửa hàng, chàng đang chuẩn bị xoay người rời đi, đột nhiên nhìn thấy trong sân một nhà, mấy cô gái đang tụm năm tụm ba đá cầu, đá trong đá ngoài, đầu gối đá bụng tiếp cầu, đỉnh đầu đỡ cầu, lò cò đá,… thân thủ vô cùng linh hoạt, quả cầu tung bay từ chỗ này sang chỗ khác, chàng đang nhìn xem thú vị, một cô phát hiện ra, đi tới đuổi chàng. “Anh là ai, đừng đứng tần ngần trước cổng nhà người khác chứ”.

Trương Trọng Vi vội thở dài. “Nhà tôi có cô em gái cũng thích đá cầu, tôi định làm tặng một cái, nhưng không biết cách, tôi thấy quả cầu các cô đá đẹp quá, không biết làm thế nào vậy?”.

Cô gái thấy chàng hỏi thay em gái, liền hào phóng đưa cho chàng xem thử, cười. “Nhà trong thành phố, làm sao làm được cái này, chúng tôi đều mua trong tiệm cả”.

Trương Trọng Vi nhận quả cầu, nhìn cẩn thận, quả cầu phần đế là một vòng tròn sắt, mặt trên có trang trí lông gà, màu sắc sặc sỡ. Đúng rồi, người thành phố đâu có nuôi gà, làm sao có lông gà làm cầu, nhưng thật ra ở nông thôn có rất nhiều.

Lâm Y kết nút thắt là vật tư, chàng không thích người khác có, nhưng quả cầu là đồ chơi, có bán cho người khác cũng có gì đâu? Trương Trọng Vi bất tri bất giác mỉm cười, cầm khư khư quả cầu quên trả, cũng là cô gái kia mất kiên nhẫn thúc giục vài câu chàng mới phục hồi tinh thần trả lại quả cầu, nói cảm ơn, đi đến ngã tư đường nhộn nhịp, vào một cửa hàng bán đồ chơi, mua một quả cầu lông gà.

Chàng tìm được cách kiếm tiền, nhưng không về nhà ngay, thầm nghĩ : mình chuẩn bị đi kiếm tiền là để cho Lâm Y dùng, nếu nói cô ấy tự làm thì còn nói làm chi nữa. Vì thế chân không ngừng nghỉ, tiếp tục đi. Mùa thu ngày ngắn đêm dài, chàng vòng vo mấy vòng, sắc trời liền vào chiều, đang định về nhà ngày mai lại đến, ven đường có vị thư sinh chuyên viết thư thuê gợi ý cho chàng. “Tôi thấy cậu cũng giống tôi, đều là văn nhân, sao không tìm quán trà nào đó bán vài trang toan văn, cũng kiếm được vài đồng dưỡng gia sống tạm”.

Trương Trọng Vi nghe anh ta nói “dưỡng gia sống tạm”, nghĩ ở nhà có Lâm Y đang chờ đợi, đột nhiên hào hứng vạn trượng, lập tức nhắm thẳng quán trà đi tới.

Cái gọi là “bán toan văn”, một là chỉ những người biết chút chữ nghĩa, trí tuệ nhạy bén, châm biếm thế thời, chế tạo tràng cười, viết vài câu văn hoặc mấy câu thơ, kiếm tiền sống tạm; hai là kỹ nghệ nhân, chuyên viết chuyện buồn cười, châm chọc giải trí lấy lòng người ta, cũng gọi là “toan văn”. Trương Trọng Vi đường đường học sinh châu học, đương nhiên là loại người thứ nhất.

*Toan văn : chữ “Toan” có nghĩa lóng là “nghèo nàn”, ý chỉ những văn nhân vì quá nghèo mà đi bán văn kiếm tiền.