Cuộc Sống Làm Nông Của Tống Đàm

Chương 64: Công dụng của quả Kim Anh Tử.




Ông lão Lý có công việc mới, hệt như sống lại thời kỳ thanh xuân lần thứ hai. Giờ đây ông không còn ngủ gà gật trên đồng nữa mà đi tới lui quanh bờ ruộng, như thể đã lên kế hoạch cụ thể cho cả cánh đồng lúa.

Còn Tống Đàm thì đi ngược lên ngọn đồi phía sau, cẩn thận quan sát năm thùng ong vừa mua.

Mang về, cô đã dùng nước đường nuôi hai ngày. Ngay trước cửa, cây anh đào bung nở những chùm hoa hồng trắng, nở rộ rất vui mắt.

Chỉ có điều... chỉ có mỗi một cây.

Dù có trộn linh khí vào thì cũng không đủ cho đàn ong ăn.

Nguyên cả cây được Tống Đàm dùng linh khí duy trì, ngày nào cũng bị đàn ong bu quanh, nhìn từ xa mà phát hoảng.

Nhưng tình hình này cũng sẽ không kéo dài lâu.

Khi tháng tư dần đến, hoa dại trên núi cũng sẽ nở rộ nhiều hơn. Tống Đàm đã dự định rằng, qua tháng tư, mỗi ngày sẽ thúc nở một mảnh đồng hoa cho ong hút mật trong nửa tháng, sau đó lại cày lật.

Hy vọng đến cuối tháng tư có thể cấy lúa xong, chính thức bước vào mùa trồng rau.

Còn con ong đất thì sao nhỉ, giờ nó vẫn đang ấp con kia!

Con ong đất này đúng là xui xẻo, vừa ra khỏi tổ chưa kịp ăn phấn hoa đã bị Kiều Kiều bắt sống.

Lúc đầu còn sống nhờ nước đường, giờ thì ngày nào cũng phải hút đầy linh khí mới đủ.

Trong khi đám trứng trong cái tổ bằng sáp vẫn chưa lớn, thân hình nó đã mập ra thêm một vòng, giờ trông còn tròn trịa hơn ngón cái.

Chỉ có đôi cánh mỏng manh của nó là không thay đổi, không thể nâng nổi thân mình quá nặng, ngày ngày vẫn vỗ cánh một cách vô vọng khiến Tống Đàm không khỏi lo lắng.

Mập thế này, đến lúc đi hút mật chắc nó sẽ đè bẹp luôn cả bông hoa mất?

Cô lo lắng, nhưng tay lại không nhịn được mà lại xoa lên cái m.ô.n.g tròn mượt mà, lông đen vàng xen kẽ của nó.

Có vẻ như con ong đất đã quen được cô vuốt ve. Cô vuốt mạnh, ngay cả cái tổ bằng sáp cũng lăn lông lốc, mà nó không hề rút đốt ra phản ứng, dường như đã đạt đến cảnh giới "phật hệ".



---

Tống Tam Thành lại quảy đòn gánh đi đổ thức ăn cho lợn.

Năm con lợn con ăn suốt ngày, may mà sức vóc ông tốt, chứ không ngày nào cũng gánh lắm thức ăn như thế, sợ rằng chẳng chịu nổi. Thêm nữa là một bầy gà vịt bên cạnh kêu chiêm chiếp…

Cảnh tượng vừa vui vừa lo.

Vui vì đám nhỏ mạnh khỏe, trông như rất ngon lành.

Lo là vì chúng còn lâu mới lớn, công cuộc nuôi lợn này, e rằng sẽ kéo dài cả năm.

Kiều Kiều trong vườn rau mồ hôi mồ kê, chăm chỉ và ngoan ngoãn. Cả nhà họ Tống bận bịu từ sáng đến tối.

Ngoại trừ Trương Yến Bình.

Lúc này, anh ta đang ngồi trên ghế, gác chân chơi điện thoại. Thấy Tống Đàm cau mày quay lại, không khỏi trêu: "Ối chà, cô nông dân của chúng ta đang phiền não chuyện gì đấy?”

Tống Đàm cũng chẳng che giấu:

“Trên núi nhà em chỗ nào cũng quây lưới rồi, phía sau núi còn có thể trông chừng được, nhưng bên rừng cây sồi em để nhiều nấm mộc nhĩ và tuyết nhĩ, chỉ dùng lưới nylon rào lại. Em lo đến lúc thu hoạch không ngăn được ai cả.”

Rừng sồi ấy là một dải đất dốc thoai thoải, có đường đi xuống đi lên, lại cách nhà Tống Đàm một khoảng khá xa. Giờ cây sồi vẫn còn đang mọc lá, mộc nhĩ vẫn trong giai đoạn ủ thông gió, tạm thời dùng lưới quây lại thì không sao.

Nhưng chỉ sợ đến khi mộc nhĩ và tuyết nhĩ thành hình, sẽ có kẻ tiện tay lấy trộm.

Đồ nhà cô, đã ăn thử một lần rồi thì chẳng ai mà không thòm thèm.

Nói cho Trương Yến Bình nghe cũng vì muốn tìm người giúp sức, không thì sẽ nhờ anh họ dẫn ba con c.h.ó con đi tuần núi.

Thêm một chú ‘chó’ Đại Bạch nữa là xong.

Chuyện làm ruộng thì Trương Yến Bình không giỏi, anh ta cũng chẳng để ý đến ý tưởng đáng gờm của Tống Đàm.

Những chú c.h.ó nhỏ đang rên rỉ, dùng răng sữa gặm ngón tay, mà cũng đưa đi tuần núi được sao?



Nếu gặp kẻ trộm, không phải là đem "thịt" đến cho người ta sao?

Nhưng anh ta không biết gì cả, ngẫm nghĩ một lúc, cũng nghĩ ra một cách:

“Không phải muốn ngăn người à? Chuyện đó đơn giản mà! Em cứ trồng một ít dây leo có gai xung quanh núi, tốt nhất là loại nhiều gai, chẳng ai xuống tay nổi.”

“Đừng tính đến việc hái nấm làm gì, em nên xác định nhu cầu chính của mình là gì đã, muốn phòng vệ thì cứ tập trung vào phòng vệ thôi.”

Anh ta nhướng mày, đắc ý nói: “Đàm Đàm, pha cho anh thêm một ấm trà đi. Một ấm nữa là anh sẽ chỉ cho em một cách hay.”

Tống Đàm không tiếc trà cho người nhà, nhưng với Trương Yến Bình thì không!

Vị anh họ này còn chưa hề xuống đồng lần nào.

“Không được. Cùng lắm là lúc về tôi bọc cho anh vài lạng.”

Vậy là đủ rồi! Đòi hỏi gì hơn nữa chứ?

Trương Yến Bình lập tức nghiêm túc nói:

“Em rảnh thì cũng nên lên mạng xem vài video đi.”

“Anh thấy có một video giới thiệu về quả kim anh tử, chẳng phải là dây gai mọc dọc đường làng chúng ta sao? Nhưng giờ loại này gần như đã biến mất.”

“Loại đó, hoa nở rất đẹp, nhưng toàn gai! Quả cũng đầy gai lông, dây leo chằng chịt, không tài nào chạm vào được.”

“Và vỏ quả của nó có thể ăn được, còn làm dược liệu, ngâm rượu, giá trị kinh tế và công dụng thuốc đều khá cao.”

“Lưới rào thì không cần tháo, chỉ cần đóng thêm cọc vững chắc một chút, vòng trong vòng ngoài trồng thêm một dải kim anh tử nữa. Vừa ngăn kẻ xấu, lại có thêm thu nhập.”

Nói rồi, anh ta cười hì hì:

“Đàm Đàm à, đến khi kim anh tử thu hoạch nhiều, nếu không bán hết thì đừng lo, anh tìm người mua giúp cho.”



Tống Đàm nghi hoặc liếc anh họ một cái, rồi lên mạng tìm thử.

Ồ, chẳng trách Trương Yến Bình lại có biểu cảm kỳ quặc thế!

Thì ra công dụng phổ biến nhất của loại quả này là ngâm rượu, để bổ thận cố tinh, cường dương!

Cô đánh giá Trương Yến Bình với vẻ suy tư:

“Anh à, chẳng trách dì bảo anh phải về quê rèn luyện lao động. Ngày nào cũng nằm nhà chơi điện thoại thì yếu đi là phải.”

Trương Yến Bình lập tức phản ứng dữ dội:

“Yếu gì chứ? Một cô gái như em biết gì? Yếu hay không anh tự biết!”

Tống Đàm hừ một tiếng: “Gái thì sao? Em không lên mạng, không học hỏi kiến thức à? Anh bị chạm nọc nên tức tối chứ gì.”

Người tu luyện như cô đã thấy qua bao nhiêu chuyện!

Cô nói rồi nhấc cái cuốc lên:

“Nhưng mà, anh à, vì cái ý tưởng kim anh tử khá ổn nên chờ đợt tới hẹ của em mọc tốt, em sẽ cắt thêm cho anh một đợt.”

Trên đường về cô ghé qua làng, tình cờ thấy một nhà đang chỉnh lại vườn, bảo rằng trồng nhiều hẹ quá, giờ không bón phân thì cũng không tốt, lười chăm sóc nữa, đành chuyển qua trồng thứ khác.

Tống Đàm chẳng chê bai, cõng một cây mộc nhĩ từ trên núi xuống đổi lấy một đám rễ hẹ lớn, dự định lát nữa sẽ đem ra ruộng cỏ đậu tím trồng.

Trương Yến Bình sững người trong chốc lát, rồi đột nhiên nhận ra, mặt đỏ bừng trắng bệch.

Hẹ cũng nổi tiếng với công dụng: cường dương!

Anh ta còn trẻ, sao lại có thể nghe chuyện này được!