Cuộc Sống Làm Nông Của Tống Đàm

Chương 199: Lại tiếp tục bán rau nào!




Ngô Lan vui vẻ rút điện thoại ra:

“Mai con đi lúc mấy giờ? Mẹ sẽ bảo họ ở nhà chờ sẵn.”

Tống Đàm nghĩ một chút rồi đáp:

“Hay là bảo thím Bảo Ni sáng mai qua giúp con dọn rau đi, trả năm mươi tệ, mẹ thấy thế nào?”

Thế nào được?

“Cũng ổn đấy.”

Giờ Ngô Lan chẳng còn coi năm mươi tệ là tiền nữa.

Dẫu sao thì bà đã dần nhận ra giá trị của những thứ trong nhà mình. Hơn nữa, ai cũng có việc để làm, kể cả bà.

Bỏ năm mươi tệ thuê người giúp dọn rau, còn hơn là làm lỡ thời gian hái trà.

Ngô Lan tính toán tỉ mỉ, giọng nhắn tin qua điện thoại nghe cũng rất hồ hởi:

“Thím Bảo Ni, tôi vừa bàn với Đàm Đàm rồi. Sáng mai con bé đi bán rau sẽ tiện chở vợ chồng thím vào thị trấn. Nhưng nếu sáng mai thím rảnh, có thể sáu giờ qua ruộng rau giúp con bé dọn rau không? Tầm một hai tiếng là xong, công năm mươi tệ.”

Không lâu sau, giọng thím Bảo Ni vang lên qua điện thoại:

“Sao mà nhận tiền công được? Đàm Đàm chở chúng tôi vào thành phố, tôi còn chẳng nhắc chuyện tiền nong nữa cơ…”

Hai người qua lại một hồi, cuối cùng Tống Đàm đành chuyển sang một chỗ khác, tự mình soạn lại thông báo trong nhóm:

[Bán rau đây! Sáng mai, 9h30 tại chợ ven sông: hành lá, tỏi tây, rau mùi, rau tía tô. Vẫn như cũ: 20 tệ một bó. Để đảm bảo rau tươi, không rửa sạch bùn, mỗi bó nặng khoảng một cân hai lạng.

[Ngoài ra, sáng mai tôi sẽ quay video quay cảnh ruộng rau để mọi người xem. Rau xanh nhà trồng, hoàn toàn tự nhiên, không phân bón, không thuốc trừ sâu.]

Thông báo vừa đăng, cả nhóm lập tức sôi nổi hẳn lên.

Từ khi vụ cỏ đậu tím kết thúc, cô gái bán rau này cứ như thể “lười biếng”. Chỉ bán có vài lần măng tre, giờ măng khô cả rồi, cô mới lại bán rau.

Sao không khiến người ta trông ngóng cho được?

Dù lần này toàn là rau gia vị…

Nhưng không sao!

Rau tía tô xào đậu phụ, hành lá xào trứng, nấu cá rô phi; rau mùi hầm canh cá, làm bò viên; tỏi tây xào t.hịt quay…

Ăn thế này còn tiết kiệm tiền hơn!

Rau xanh một cân xào lên, cả nồi lớn chỉ còn một đĩa nhỏ. Nhưng rau gia vị thì khác, vừa ngon vừa tận dụng được lâu dài.

Mua mấy bó rau này về, nếu thích, thậm chí có thể cắt gốc hành, gốc tỏi, ngâm vào nước chờ mọc lại. Hoàn hảo!

Cả nhóm nhắn tin nhiệt tình, ai cũng tính toán trong lòng xem nên mua bao nhiêu.



Không chần chừ, phải tra cứu thực đơn ngay thôi! Sáng mai còn phải ra chợ sớm, mua ít t.hịt bò tươi về làm bò viên ăn với rau mùi!

---

Thầy Tân vừa kiểm tra bài vở của Kiều Kiều xong, chậm rãi xuống lầu thì nghe điện thoại báo tin nhắn.

Nhìn tin nhắn trong nhóm, thầy không khỏi khó chịu:

Rõ ràng mình đã dọn vào nhà họ Tống ở, vậy mà chuyện bán rau còn phải biết qua nhóm sao?

Thầy vội bước tới chỗ Tống Đàm, hỏi:

“Tống Đàm, mấy loại rau cô nói trong nhóm, có thể bán sỉ không?”

Chuyện đó… chắc không được rồi.

Tống Đàm nghĩ ngợi, rồi đáp:

“Rau này tôi trồng trên nửa mẫu đất, nhưng không sợ để lâu. Tôi định để dành, mỗi ngày đi chợ bán một ít, từ từ mà bán.”

Coi như tìm việc làm thêm cho mình.

Nhà cô làm nghề bán rau, mãi mới lập được nhóm khách quen, cũng cần giữ tương tác.

Đợi đến khi lứa cải bẹ xanh có thể bán được, rồi xem hành tỏi có còn dư để làm sỉ không.

Thầy Tân nghe vậy thì ngẩn người.

Người ta hay nói: "Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt (người gần nước sẽ nhận được ánh trăng trước)," nhưng sao đến lượt anh ta thì trăng lại chẳng chịu cho cơ hội thế này?

Nghĩ một hồi, Tống Đàm lại lên tiếng:

“Anh Yến Bình, trong nhà mình vẫn còn nhiều củ hành, củ tỏi chứ? Mai khi nhổ rau xong, anh tiện tay trồng luôn chỗ hành tỏi đó xuống nhé.”

Tóm lại, không để đất có cơ hội thở, phải tranh thủ từng chút một!

Trương Yến Bình vừa nãy đã bàn bạc xong thực đơn với ông chú Bảy, giờ lại liếc nhìn đám mười người đang đi tới từ xa, vẫn không quên xác nhận lại:

“Mấy người kia muốn ăn cơm, thật sự không nhận à?”

“Không nhận.”

Ông chú Bảy quả quyết:

“Ta một tháng chỉ cầm ba nghìn đồng, giờ lại phải nấu cho chừng này người ăn, cậu nghĩ cái thân già này còn chịu nổi sao?”

Nói vậy thôi, nhưng dạo gần đây, ông cảm thấy cái thân già này cũng khá là sung sức, làm việc gì cũng thấy thoải mái.

Trương Yến Bình tiếc rẻ số tiền có thể kiếm được, giọng đầy ấm ức:

“Ông Bảy à, có tiền mà ông cũng không chịu kiếm sao? Nhiều người thế này, tính ra mỗi ngày không phải ít đâu!”

Ông chú Bảy thì được nước làm cao:



“Chàng trai trẻ à, tiền bao giờ mới gọi là đủ? Ông cậu đây giờ không thiếu tiền.”

Còn biết nói gì nữa chứ?

Trương Yến Bình nhìn đám người đang túm tụm bàn bạc cách mặc cả, đành cố nặn ra một nụ cười để bước tới.

“Xin lỗi mọi người… Ông chú tôi lớn tuổi rồi, không thể nấu cho nhiều người như vậy. Mọi người nghỉ ngơi chút, hay là quay về nhà ăn đi.”

Vừa nghe xong, đám người vốn đã bàn xong chiến lược mặc cả liền ngẩn ra.

“Không phải chứ, tụi tôi ăn có nhiều đâu, chỉ thêm vài đôi đũa thôi mà!”

Trương Yến Bình liếc mắt nhìn họ, nghĩ thầm: Hay thật, mỗi người ăn phần của hai người, đây mà là thêm vài đôi đũa à? Đây là thêm cả một chuồng lợn thì có!

Nghĩ thế, anh ta cũng thấy không thể để ông chú Bảy cực khổ được.

Nếu thật sự để họ ăn hoài ăn mãi, sau này họ chỉ đến đây ăn cơm thôi, mà anh ta biết chắc Tống Đàm không có ý định mở quán ăn trong làng.

Đành quay sang ‘chú Cá Cỏ’:

“Chú Cá Cỏ, ly nước của chú đâu? Để con pha trà cho chú thử nhé.”

‘Chú Cá Cỏ’ vốn dĩ cảm thấy giá cơm canh bị anh Cá Chạch làm cho đắt quá, nhưng giờ không ăn được thì lại cảm thấy trống rỗng.

Thế là ông lẩm bẩm, không muốn rời đi ngay:

“Thôi, cứ dùng ly nhà các cậu pha đi, để tôi thử xem trà nhà các cậu giá trên trời mà mùi vị ra sao.”

Haiz, ngôi làng này cảnh sắc tươi đẹp, cái gì cũng tốt, chỉ có điều tiêu xài thì quá đắt đỏ.

Nhưng lạ một cái, lại chẳng cho người ta cơ hội tiêu!

Đám người vừa rì rầm vừa chắc mẩm, chỗ này nhất định không được để người ngoài biết, nếu không với đám già yếu như họ, làm sao tranh nổi với tụi thanh niên bây giờ?

Vừa thở dài, họ vừa tiện tay quăng hết đám cá chạch mình câu được vào ao nhà Tống Đàm, lại còn tự giễu:

“Bọn mình đúng là bỏ tiền mua cơm, lại còn phải câu cá thả vào ao cho người ta… Sao thơm dữ vậy trời?”

Quay đầu nhìn lại, thấy Trương Yến Bình bưng ra một chiếc ly thủy tinh trong suốt.

Bên trong là một lớp lá trà xanh nhạt nhấp nhô lên xuống, dần dần từng búp trà dựng đứng rồi rơi chậm xuống đáy ly.

Nước trà xanh óng ánh, từng gợn sóng dập dờn tỏa ra hương thơm ngát, mỗi hơi thở đều như hòa quyện với mùi vị thanh khiết mà đậm đà ấy.

‘Chú Cá Cỏ’ lập tức hối hận:

“Chà! Lá trà này… đúng ra phải pha vào ly của tôi mới phải!”

Trương Yến Bình khẽ nhướng mày, nghĩ bụng:

Trà đã pha rồi, hôm nay ít nhất các người cũng gom tiền mà mua một cân đi chứ? Không lẽ lại chỉ kiếm được tiền cơm hộp sao!