Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 67: 67: Canh Bá Vương





Chỉ trong hai ngày họ đã bắt được gần năm mươi con cá hồi.

Hà Điền quyết định, nhiệm vụ đánh bắt cá hồi năm nay đã hoàn thành.
Sáng hôm sau, họ quay trở về.
Tất nhiên là họ có thể tiếp tục chấp nhận rủi ro, nhưng sau khi tính toán thì cho dù mỗi ngày đều ăn cá, năm mươi con cá đó họ có thể ăn được trong gần ba tháng.

Huống chi họ còn có rất nhiều thịt xông khói.
Như vậy là đủ rồi.
Cuộc hành trình này kéo dài tổng cộng bốn ngày, họ trở về nhà vào tối ngày thứ tư.
Về đến nhà, thấy hoa màu trong vườn phát triển tốt nên họ cũng phần nào yên tâm, sau đó đi kiểm tra vịt và thỏ.

Máy cho ăn tự động vẫn đang hoạt động bình thường, trong đó còn một mẩu thức ăn khô đang sắp tuột vào trong máng.

Thoạt nhìn chúng đều rất tốt, nhưng mà trong chuồng hôi thối không chịu được.
Dịch Huyền thả tất cả vịt ra để Lúa Mì lùa chúng bơi trong ao, thực ra thì cũng không cần phải lùa, vịt bị nhốt lại ba bốn ngày, ngay khi cửa lồng mở ra, chúng lao ra và lắc lư chạy về phía ao.
Những con thỏ thì cũng được mang ra bãi đất có rau hư nát để chúng hoạt động gân cốt.
Với lượng rau thu hoạch ngày càng nhiều, họ đã mở thêm một khu nhỏ gần đất trồng rau, đem những lá rau hư nát, dưa leo mướp già, cà chua hỏng, cà rốt và củ cải trắng còn sót lại...!ném vào bên trong.

Hà Điền và Dịch Huyền dứt khoát đóng luôn vài hàng rào tre xung quanh mảnh đất này, gọi nó là vòng thỏ.
Cỏ dại mọc trên mặt đất cũng không thành vấn đề, dù sao thì thỏ cũng sẽ ăn hết.

Thỏ thả rông kiếm ăn trong khu đất nhỏ này, phân và lá rau thối trộn lẫn với nhau, cứ vài ngày chúng lại được bới tung lên, đợi đến mùa xuân, đất đai sẽ rất màu mỡ.
Hai người chia nhau ra, một người đi dọn chuồng vịt và thỏ, người kia thì đi sắp xếp cá xông khói mang về, một nửa treo vào kho thịt xông khói để tiếp tục xông, nửa còn lại thì cho vào hũ thủy tinh hoặc vại sành đựng đầy nước muối, đậy kín rồi cho vào hầm.
Mỗi khi Hà Điền trèo xuống hầm, cô đều có cảm giác hài lòng thỏa mãn, thích nhìn những giá gỗ trong hầm dần chất đầy các loại thực phẩm lưu trữ.

Thỉnh thoảng cô cũng cầm theo ngọn đèn dầu để xem xét, ngắm nghía từng ngăn kệ, đếm xem có những thực phẩm nào, có bao nhiêu cái, rồi xếp bình, hũ lên kệ cho gọn gàng hơn.
Vậy nên, khi nhận thấy số lượng một loại thực phẩm nào đó đang giảm đến mức báo động, lòng cô vô cùng khủng hoảng.
"Chúng ta chỉ còn lại một hũ trứng vịt muối."
Ngay khi Dịch Huyền trở về sau khi quét dọn chuồng vịt, Hà Điền trông không khác gì một con chuột từ trong hầm trèo lên, nói một câu như vậy.
Anh bước tới cầm lấy ngọn đèn dầu, kéo cô lên: "Vậy phải làm sao bây giờ?"
"Haizz, mấy con vịt này cũng đã nuôi được hai tháng rồi.

Không biết đến khi nào thì chúng mới bắt đầu đẻ trứng?" Hà Điền thở dài, rồi quyết định: "Vài ngày nữa mình đi đào trứng rùa."
Trứng rùa không phải ở đâu cũng có.
Loại rùa mai mềm mà Hà Điền nói có nhiều nhất ở thung lũng bên dưới núi lửa.


Có thể nhìn thấy chúng trên bãi cát quanh hồ và trên cồn đất nhỏ trong hồ.

Cứ đến mùa hè, chúng sẽ chui vào bãi cát để đẻ trứng, nếu đẻ nhiều, số lượng có thể lên đến gần trăm trứng, còn ít thì cỡ trên hai mươi.
Trứng rùa nhỏ cỡ gần một nửa quả trứng vịt, vỏ màu trắng, ăn rất ngon...
"Ngon như trứng vịt vậy!" Hà Điền nói với Dịch Huyền: "Thịt rùa cũng ngon lắm."
"Em đã nói một lần rồi." Dịch Huyền vẫn không thể nào tưởng tượng ra được vị của thịt rùa ăn sẽ ra sao.

Anh chưa từng ăn thịt rùa.

Ở thành phố nơi anh từng sống không có ai bán thịt rùa cả.
Có phải hấp trên nồi hấp như cua không? Đặt một hòn đá trên nắp để ngăn nó bò ra ngoài à? Hay là dùng rìu chặt thành từng miếng rồi xào lên ăn?
Ngoài thung lũng suối nước nóng, gần hồ nước của núi gần đó cũng có rùa mai mềm.
Thật ra thì bọn họ đã từng đi qua hồ nước này rồi.

Lúc đó là đến núi lửa để lấy lưu huỳnh.
Bây giờ có cầu rồi, đi chỉ mất khoảng một ngày mà thôi.
Tuy nhiên, họ còn có nhiều việc quan trọng hơn cần phải làm trước khi đi tìm trứng rùa.
Trên bãi đất đầy nắng trên sườn núi, bên cạnh mảnh đất trồng cà chua và dưa leo, họ đã mở thêm một mảnh đất khác.
Nhưng mà mảnh đất này cũng không cần phải đào sâu, chỉ cần đem gạch nung đến đắp thành cái hồ dài bốn mét, rộng hai mét, rồi dùng xe kéo đất đào từ ao lên, cho Gạo chuyển từng chuyến từng chuyến đến, chất đống bên cạnh hồ, sau đó bóp nát những cục đất khô, nhặt sỏi đá cành lá cây khô nát ra, rồi trộn với đất giàu mùn lọc ra trong đất làm gốm, xúc hết vào hồ.
Hồ ban đầu chỉ cao bốn mươi cm, khi lấp gần hết đất thì đắp vòng tròn chung quanh, cứ tiếp tục lấp đất như vậy, lặp lại nhiều lần cho đến khi chiều cao của hồ gần bảy mươi cm.
Đây là một vườn ươm cây giống.
Với độ cao này, khi đợt sương giá đầu tiên đến, rễ cây trồng trong đó sẽ không bị đóng băng như các loại cây trồng dưới đất khác.
Những củ khoai tây mùa xuân của Hà Điền đã phát triển to bằng nắm tay và chỉ sau vài tuần nữa là đã có thể thu hoạch được.
Cô dự định trồng thêm một lứa khoai tây, đậu nành và hành tây, đến mùa thu thì có thể thu hoạch một lượt.
Sau khi làm xong vườn ươm, nếu thời tiết lạnh, còn có thể đậy một tấm che bằng tre trên nền gạch đất nung rồi dùng mành rơm che lại để giữ ấm vào ban đêm.
Thật ra thì theo kế hoạch ban đầu của Dịch Huyền, anh định sẽ làm hai vườn ươm như vậy cạnh nhau, chừa khoảng cách năm mươi cm làm lối đi.

Còn nếu dựng thêm tấm che hình bán nguyệt xung quanh vườn ươm thì cần phải dùng vải dầu, rồi làm một cửa ở bên hông để làm lối ra vào, vậy thì sẽ thành một cái nhà kính.
Nhưng khi Hà Điền tính toán xem phải cần đến bao nhiêu vải dầu, họ đã từ bỏ ý định này.
Tuy ít tốn kém hơn so với việc xây dựng một nhà kính bằng kính, nhưng vải dầu cũng không hề rẻ.
Vải dầu thật ra là một loại vải bông rất dày, đã được xử lý đặc biệt để có chức năng chống thấm nước nhất định và chống gió.

Lều dùng để cắm trại của Hà Điền, túi để đựng cá và thức ăn đều được làm bằng loại vải này.
Nhưng căn lều chỉ dài hai mét, rộng hai mét, cao bảy mươi cm, về cơ bản thì nó chỉ có công dụng là để ngủ.

Làm túi thì cần ít vải dầu hơn, mảnh vải dầu duy nhất còn sót lại trong nhà Hà Điền cũng chỉ rộng bằng cái cửa sổ.

Dịch Huyền không nản chí cũng không bỏ cuộc: "Nếu không có vải dầu, chúng ta có thể mua một tấm vải trắng rẻ nhất và phổ biến nhất, mang về nhà rồi phủ một lớp sáp lên trên, làm vậy thì sẽ không bị gió lùa, và vẫn nhìn xuyên thấu được.

Vậy chẳng phải được rồi sao?"
Anh cũng không ngừng đưa ra thêm ý tưởng: "Nếu thật sự không hiệu quả, chúng ta làm mái thành hình tam giác, giống như mái nhà vậy.

Bốn bức tường làm bằng vải, còn mái nhà thì để rỗng, chỉ có những tấm lưới gỗ hình vuông.

Đợi đến mùa đông băng đóng lại thì chúng ta lại làm một số khuôn vuông, đổ nước vào, đông lạnh chúng thành những viên ngói bằng băng đá, rồi lấp từng viên từng viên lên mái nhà, nhìn cũng đâu khác gì thủy tinh?"
Hà Điền tính toán lại, cảm thấy phương pháp này khả thi hơn: "Độ dày của ngói băng phải được tính toán cho thật kỹ.

Nếu như quá dày thì mái nhà nhất định sẽ rất nặng đúng không?! Hơn nữa còn có tuyết rơi nữa!"
Một trận tuyết rơi nhiều có thể làm cho lớp tuyết trên mái nhà dày đến nửa mét chỉ sau một đêm, ngoài sức nặng của ngói băng, tường và dầm của nhà kính cũng rất nặng, cho nên việc làm sạch tuyết trên mái nhà cũng là một vấn đề nan giải.

Nếu ngói băng bị vỡ thì phải làm sao? Làm thế nào để bổ sung?
Bây giờ, Hà Điền đã hiểu lý do tại sao Dịch Huyền lại làm chuồng cho Lúa Mì.
Những vấn đề này để sau hãy nhắc đến.
Hiện tại, họ phải tận dụng chút nắng ấm còn lại để trồng vườn ươm mới.
Trước khi bắt cá, Hà Điền đã cho các loại hạt giống vào dĩa để ươm mầm, lúc này mầm khoai tây cũng đã sẵn sàng.
Sau khi đem cây giống trồng xong, làm giàn, treo chong chóng và chuông gió lên để đuổi chim, việc của vườn ươm đã tạm xong.
Họ nướng một ít bánh mì, mang theo một miếng thịt xông khói lớn, kèm theo một túi dưa leo và cà chua mới hái, vậy là đã có thể lên đường đi đào trứng rùa.
Rút kinh nghiệm của chuyến đi lần trước, lần này trước khi khởi hành, cả hai đã đặt một chiếc "máy xử lý phân tự động" tại khu chuồng nuôi vịt và thỏ.

Nguyên lý hoạt động của máy cũng giống như máy cho ăn, đó là thức ăn thô xanh được thay thế bằng tro thực vật, được đổ vào khay chứa phân dưới đáy chuồng theo chu kỳ đều đặn.
Mặc dù không thể phủ đều hết tất cả phân, nhưng ít nhất thì nó cũng có thể hấp thụ nước tiểu của thỏ và khử một chút mùi hôi.
Lần trước khi mở cửa chuồng, mùi xú uế gần như khiến họ xây xẩm mặt mày.
Sau khi Dịch Huyền và Hà Điền thảo luận với nhau, cả hai quyết định sau khi vịt bắt đầu đẻ trứng, họ sẽ xây một chuồng vịt khác gần ao, phải rộng, thoáng, nhiều ánh sáng và sạch sẽ.
Đối với thỏ thì...
Mặc dù thỏ ăn rất ngon, lớn nhanh và sinh sản nhanh sau khi trưởng thành, nhưng thỏ nhốt trong lồng thật sự rất nặng mùi! Đợi đến mùa đông họ sẽ chỉ giữ lại một cặp, còn tất cả những con khác thì sẽ làm thịt rồi đem đông lạnh hết.

Băng qua cây cầu dây vào khu rừng bên kia sông, Hà Điền và Dịch Huyền kéo theo Gạo và dẫn Lúa Mì, đi về hướng Tây Bắc dọc theo ngọn núi.
Thế núi càng lúc càng cao, cánh rừng càng lúc càng rậm rạp, ngày cũng càng lúc càng lạnh.
Buổi trưa, dù mặt trời ở trên đỉnh đầu nhưng họ vẫn phải mặc một chiếc áo khoác da hoặc áo bông mỏng bên ngoài áo lông.
Nhưng phong cảnh trên đường đi lại rất tuyệt vời.
Dịch Huyền thấy được những thác nước từ vách đá đổ xuống, những con suối và những ngọn núi với màu xanh của cây lá, và những hồ nước mọc đầy rêu xanh cùng với ao đầm.
"Đến mùa thu sẽ còn đẹp hơn nữa." Hà Điền chỉ vào hàng cây bên ao: "Đây là những cây phong, lá của chúng sẽ chuyển sang màu đỏ sau khi sương giá."

Dịch Huyền tưởng tượng đến hình ảnh dòng nước trong và lá đỏ, rừng sâu tĩnh mịch, đúng là rất đẹp.
Sau khi nghỉ trưa xong lại đi bộ thêm một tiếng, họ đến được con đường mà ông và bà Hà Điền đã mở ra.
Dịch Huyền quay đầu lại nhìn vào khu rừng mà anh đã đi qua, anh không thể tin được rằng trước đây mình đã từng đến nơi này.
Mùa đông năm ngoái họ cũng đi bộ qua khu rừng này, nhưng lúc đó tuyết phủ trắng các thác nước và hồ, suối và núi bị đóng băng dưới lớp băng tuyết, rất khác so với thời điểm này.
Cây cối hai bên lối đi trong rừng đã ra nhiều nhánh mới, bọn họ vừa đi vừa dọn lại cành.

Vì đã dọn một lần lúc mùa đông nên lần này cũng không mất quá nhiều thời gian.
Cuối con đường mòn dẫn đến một hồ nước trong xanh.
Dịch Huyền nhớ lần trước khi đến đây, hồ nước chỉ trông như một cái ao.
Lượng nước dồi dào vào mùa xuân và mùa hè đã khiến nước hồ dâng cao gấp mấy lần so với trước đây.
Mặt hồ rộng lớn có bán kính ít nhất cũng phải từ hai đến ba cây số, ven bờ mọc nhiều bụi rậm, cỏ dại xanh vàng đung đưa trước gió.
Đi qua bãi cỏ và bụi rậm, có một bãi cát rộng ba bốn mét.
Hà Điền thả Gạo ra để nó tự động tìm kiếm thức ăn.

Cô lấy túi lưới và giỏ tre, dẫn Lúa Mì và Dịch Huyền đi tìm trứng rùa trên cỏ.
Mặc dù Lúa Mì không ăn cỏ nhưng nó cũng thích nơi này như Gạo, chạy trước chạy sau vui đùa thích thú.
Một lúc sau, Lúa Mì sủa vào trong bụi cỏ, Hà Điền và Dịch Huyền chạy tới, Lúa Mì khuỵu người, nhe răng đối mặt với một con chó lửng.

Con chó lửng to hơn Lúa Mì rất nhiều, cũng nhe răng ra gừ lại, thấy Lúa Mì có người giúp đỡ, nó liền nhảy vào bụi cỏ chạy mất.
Hà Điền thấy vậy thì mừng lắm, họ chưa tìm thấy trứng rùa nhưng con chó lửng này thì đã tìm được rồi.
Cô ngăn Lúa Mì đang muốn đuổi theo con chó lửng lại, cầm lấy một cái trứng rùa bị hỏng, sờ sờ đầu của nó: "Lúa Mì, chúng ta muốn tìm thứ này này!" Cô lại chỉ vào những quả trứng còn lại trong ổ cát.
Rùa mai mềm lên bờ đẻ trứng, chúng sẽ tìm một bãi cát có cỏ xung quanh, dùng móng đào hố, đẻ trứng vào đó rồi lấp hố lại.

Cát nóng lên cung cấp độ ấm cho trứng, sau hai mươi ngày, trứng sẽ nở ra rùa con.
Chó lửng có thị lực kém, nhưng khứu giác thì lại rất nhạy bén.

Trứng rùa bị giấu trong cát, làm sao có thể tránh thoát được cái mũi nhỏ của bọn chúng?
Con chó lửng xui xẻo vừa rồi chỉ vừa mới ăn được một quả trứng trong ổ thì đã bị Lúa Mì phát hiện ra.
Trong ổ này có hơn hai mươi quả trứng, Hà Điền cho Lúa Mì hai quả, số còn lại thì cô bỏ vào giỏ tre.
Sau khi nếm trứng rùa xong, Lúa Mì sẽ hiểu, họ đang tìm kiếm thứ này.
Ngay sau đó, nó lại sủa vào trong cỏ.
Trước khi Hà Điền và Dịch Huyền đến, nó đã bắt đầu bới cát.
Trứng rùa lấy được mà không hề tốn công sức gì, rất nhanh họ đã nhặt được hơn hai trăm quả, hai cái giỏ đều đầy ắp.
Bởi vì lần này đi nhặt trứng không phải chèo thuyền mà là đi bộ, nên khi xếp trứng vào giỏ, họ đã cố tình trải một lớp cỏ mềm để lót trứng.
Sau khi nhặt được hai giỏ trứng, Hà Điền không nhặt nữa.
Lúc này chỉ mới 5, 6 giờ chiều, trời không gắt nắng, mặt hồ phẳng lặng.
Hà Điền lại để cho Dịch Huyền đi đốt lửa lên, còn cô thì lấy cần câu, tìm một chỗ thích hợp rồi gắn miếng thịt còn sót lại từ đêm qua vào lưỡi câu.
Dịch Huyền vừa mới đốt lửa xong thì đã nghe thấy tiếng Hà Điền reo hò, cô kéo cần câu lên, dùng vợt lưới bắt được thứ gì đó.
Anh lại gần nhìn, thấy trong vợt là một con rùa mai đen có móng vuốt nhọn.
Anh khó hiểu nhìn Hà Điền: "Nó là rùa mai mềm?"
"Đúng vậy!" Hà Điền vẫn còn đang rất hưng phấn, cô nâng vợt lên, cẩn thận đưa ngón tay xuyên qua lớp lưới, chọt mai rùa cho anh xem: "Anh xem nè, rất mềm! Cái mai mềm này ăn ngon lắm.


Chờ lát nữa anh sẽ biết ngay thôi!"
Thành phố nơi Dịch Huyền sống không ăn loại thức ăn này.
Thứ này chủ yếu được dùng để mắng chửi người.
Dịch Huyền khịt mũi coi thường: "Thôi đi, nó là vương bát* mà."
*王八[wáng·ba]: ý mắng chửi người- đồ(tên) khốn.
Hà Điền cũng khịt mũi coi thường: "Anh cũng thôi đi, đồ ăn ngon như vậy mà không biết ăn!"
Cô cảm thấy cần phải để cho Dịch Huyền nhìn thấy tận mắt mới mở mang được kiến thức: "Tối nay ăn món này đi!"
Con rùa vừa bắt được này còn được gọi là rùa mai mềm, hoặc ba ba, nặng khoảng một kg, rất hung dữ, sau khi bị ném xuống đất từ ​trong vợt, nó nhanh chóng bò về phía mép nước, Lúa Mì muốn bắt nó lại còn suýt bị nó cắn.
Hà Điền chạy đến, bẻ một cành cây bụi nhỏ chặn ngang trước mũi nó, con rùa há miệng cắn luôn vào cành cây, Hà Điền lại kéo cành cây, cổ rùa chui ra khỏi mai, lúc này cô mới lấy con dao ra, lưu loát chặt đầu của nó.
Cô xách đuôi rùa lên, nhỏ máu của nó vào một ống tre, sau khi máu đông lại, cô sẽ móc nó vào móc câu làm mồi câu rùa.
Đợi Dịch Huyền đặt nồi nước ở trên lửa cho sôi, để nguội một lúc, Hà Điền ném con rùa đã chết vào nồi.

Ngâm hơn mười phút, rồi lại vớt ra để nguội.

Lúc này đã có thể xử lý.
Hà Điền gọi Dịch Huyền đến xem: "Không phải anh luôn tò mò muốn biết làm cách nào để ăn nó sao?"
Dịch Huyền quan sát thao tác của Hà Điền, ​​mới biết được, thì ra là trên bụng của nó có một đường chữ thập, chỉ cần dùng dao tách một cái là mở ra được.
Từ vết cắt này lấy nội tạng ra, sau đó cạo sạch lớp da sần sùi ở đuôi và cổ, rửa sạch mai trên lưng, vậy là đã có thể đem rùa đi nấu!
Hà Điền bẻ nhỏ nấm hương đem ngâm cho nở, sau đó cho vào nồi sắt nhỏ, lại cắt chút gừng, vài quả hoa tiêu mới hái, cho nước và một ít muối vào, đặt rùa lên trên rồi nấu hơn nửa tiếng đồng hồ là chín.
Mặc dù từ đầu đến cuối Dịch Huyền đều có vẻ rất ghét bỏ, nhưng khi nấu được giữa chừng, anh vẫn phải thừa nhận rằng, thơm quá là thơm.
Đợi cho rùa hầm mềm rồi, Hà Điền cười mở nắp nồi ra, nháy mắt với Dịch Huyền: "Mời anh xem - canh bá vương!"
Dịch Huyền ghé sát vào nhìn kỹ hơn, cười đẩy cô một cái.
Hơi nước bốc lên, anh thấy được con rùa này đang ngóc đầu, miệng mở rộng trông vô cùng dữ tợn.
Thì ra Hà Điền đã lén chặt một nhánh cây nhỏ, hơ trên lửa cho vàng, nhét vào cổ rùa rồi lấy phần đầu đã cắt bỏ cắm vào làm giống như một bá vương đang ngẩng đầu há miệng cười.
Canh rùa mai mềm nấu rất thơm, thịt cũng ngon, thích nhất là "váy rùa" mềm mềm, trắng nõn mập mạp, như là xương sụn, nhưng lại rất mềm.
Chấm bánh mì với canh, rất nhanh đã ăn xong một chén.
Mặc dù trên mặt Dịch Huyền thể hiện sự ghét bỏ, nhưng cơ thể của anh lại rất thành thật.
Anh ăn xong một chén canh thịt rùa một cách thần tốc.
Sau đó, anh ngoan ngoãn cầm cần câu lên đi câu rùa với Hà Điền.
Dây câu dùng để câu rùa khác với dây câu dùng để câu cá, ở đầu dây của dây câu cá có nhiều lưỡi câu, còn dây câu rùa thì có năm hoặc sáu dây mảnh, mỗi dây có một lưỡi câu.
Treo một miếng máu rùa đã hơi đông cứng lên móc rồi ném xuống, chỉ một lúc sau đã thu hút được một đàn rùa tìm đến.
Chúng rất hiếu chiến, khi xô đẩy nhau, có mấy con rùa bị mắc vào lưỡi câu hình quạt, là một cặp rùa rất thông thường.
Hà Điền và Dịch Huyền mỗi người bắt được hai con rùa, nhốt chúng trong vợt lưới, đưa lên bờ, cắm tay cầm của vợt vào đất, chờ ngày mai mang về nhà.
Rùa là một con vật rất dễ nuôi, dù không cho ăn cũng sống được rất lâu.
Trước khi đi ngủ, Dịch Huyền ngồi xổm trước vợt quan sát những con rùa này: "Không biết chúng ta có thể nuôi vài con trong ao được không nhỉ?" Anh vẫn muốn mở rộng chăn nuôi.
"Chắc là không được đâu.

Bọn chúng sẽ ăn hết cá con." Hà Điền cau mày: "Anh đừng có gặp con gì cũng muốn đem về nuôi hết có được không hả!"
"Ha ha.

Anh lo xa thôi mà!".