Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 3: Hạt dẻ nướng




Ngày hôm sau thời tiết rất trong lành.

Sau khi Hà Điền tỉnh dậy, cô gom chăn ra gối đệm lại. Thời tiết tốt như thế này cần phải đem chăn bông ra phơi. Chiếc chiếu rơm trải trên sàn cũng cuộn thành cuộn rồi thả cho nó lăn xuống cầu thang.

Mấy hạt dẻ tối qua để qua đêm trên bếp lúc này vỏ đã khô hẳn, co lại và nứt theo những vết nứt đã chẻ, lộ ra phần thịt hạt vàng rực.

Hà Điền ném chúng vào lò nướng.

Sau khi rửa mặt xong, cô cho Gạo ăn trước, dọn dẹp chuồng cho nó rồi vứt những chiếc vỏ hạt dẻ mà mình đã tách đêm qua vào đống củi khô.

Công việc kết thúc, mặt trời lên, hạt dẻ đã chín.

Để hạt dẻ đã nướng nguội một chút, các vết nứt hướng lên trên, dùng ngón tay kẹp chúng lại và bóp, phần vỏ bị cháy sẽ bị tách làm đôi dọc theo các vết nứt, lớp vỏ mỏng màu nâu đỏ gần với thịt hạt dẻ sẽ rơi ra, lộ ra phần hạt dẻ vàng ruộm.

Thịt hạt dẻ nướng chín có độ bóng, óng ánh như được tráng một lớp mỡ, sau khi cắn vào thấy có độ dẻo và sáp, ngọt hơn nhiều so với khoai tây.

Hạt dẻ nướng như thế này, cho dù ăn cả một chén vẫn không muốn ngừng.

Nhưng trên thực tế, hạt dẻ không dễ tiêu hóa như khoai tây, vì vậy không thể ăn quá nhiều một lúc, nếu không sẽ bị đầy hơi, nấc cụt hoặc phát ra mùi hôi lạ.

Cho nên Hà Điền chỉ ăn năm sáu hạt cho bữa sáng.

Hà Điền cũng cho thêm một ít đường của cây phong vào tách trà.

Cô thích ăn một chút đồ ngọt vào buổi sáng, vì như vậy có thể khiến cơ thể nhanh chóng ấm lên.

Hôm nay cô không có kế hoạch ra ngoài, vì vậy cô không cần phải ăn quá nhiều cho bữa sáng.

Ở khoảng đất trống trước ngôi nhà gỗ có vài cây thông, ngọn bị cưa hết chỉ còn trơ lại những thân cây trơ trọi, giữa hai cây là một khung gỗ có đặt một rương gỗ nhỏ.

Những chiếc rương gỗ này được Hà Điền dùng để đựng thức ăn.

Trong rừng, dù đặt thức ăn ở đâu, cũng không thể hoàn toàn ngăn cản các loài động vật khác đến trộm.

Để đối phó với những động vật lớn như gấu, sói, báo đến trộm thức ăn, chỉ cần cho thức ăn vào những nhà kho chắc chắn có khóa hoặc những căn chòi đơn giản, nhưng đối với những động vật nhỏ như chuột, sóc, chồn là những loài tinh ranh và giỏi leo trèo, nhà gỗ có khóa cũng không hề nhầm nhò gì với chúng, chỉ cần đục lỗ là xong. Treo trên xà, dưới mái hiên cũng không khó, chỉ cần leo dọc theo xà nhà là được.

Đó là lý do tại sao những người thợ săn nghĩ ra phương pháp lưu trữ thức ăn này. Họ treo rương gỗ trên cao và dùng tấm nhựa phủ lên gốc cây cách mặt đất khoảng một mét. Tấm nhựa bóng loáng khiến móng vuốt sắc nhọn của động vật trở nên vô dụng, không thể nào trèo được lên cây.

Tuy nhiên, trong thời đại này, không có tấm nhựa.

Vì vậy, cứ vào đầu mùa đông, Hà Điền lại cho thức ăn vào rương gỗ treo lên rồi tưới nước vào gốc cây, nước đóng thành băng vô cùng trơn. Lúc lấy đồ cô chỉ cần dùng thang là có thể leo lên.

Hôm nay, cô sẽ kiểm tra những rương nhỏ đựng lương thực này để xem có cần phải sửa chữa không, hoặc là có bị mọt cắn không.

Ngoài các rương gỗ, trên cọc gỗ còn buộc những sợi dây dày, thường được sử dụng để làm khô nhiều thứ khác nhau.

Hà Điền nhìn bầu trời, tuy rằng nắng chói chang, nhưng nhiệt độ lại không cao.

Mùa thu sắp kết thúc rồi.

Hôm nay có thể là cơ hội cuối cùng để phơi chăn bông trong năm nay.

Cô treo chăn bông lên dây và dùng vợt mây đập mạnh cho đến khi chăn bông lỏng ra.

Thảm rơm được treo trên sợi dây giữa hai gốc cây khác, cũng được cô làm tương tự.

Sau khi xong việc, cô đeo chai nước ấm trên lưng, dắt theo Gạo đến kho chứa củi.

Hà Điền treo một chiếc giỏ khác lên lưng Gạo, nửa phía sau của chiếc giỏ mây được nối với một chiếc bè được kéo trên mặt đất. Hà Điền lấy ra năm khúc gỗ dài đến bảy, tám mươi cm, độ dày bằng hai tay chắp lại vào nhau, đặt lên bè, dùng dây thừng buộc chặt rồi vội vàng đưa Gạo ra phía sau nhà.

Cô cũng mang theo một giỏ đựng gỗ với nhiều kích cỡ khác nhau, cọc gỗ đã vuốt nhọn, một cái búa và một cái rìu lớn trên lưng.

Phía sau nhà, vừa đi xuống núi hai ba trăm mét thì có thể nghe thấy tiếng dòng sông đang chảy.

Con sông lớn đó chảy về hướng Đông ngày đêm không ngừng.

Đây là nơi Hà Điền lấy nước vào mùa đông, và cũng là nơi cô bắt cá. Có một con đường nhỏ dẫn ra sông đã được mở từ lâu, đây là con dốc dài gần hai mươi mét với góc nghiêng khoảng mười lăm độ.

Nếu là lúc bình thường, xách hai thùng nước từ dưới sông trở lên thì cũng không có gì, nhưng vào mùa đông, đường đi phủ một lớp tuyết, khi lấy nước sẽ có nước văng xuống đường, từng lớp từng lớp nước và tuyết kết hợp lại với nhau, lớp băng sẽ càng dày hơn và đường sẽ ngày càng khó đi.

Mùa đông năm ngoái, khi Hà Điền đi lấy nước, cô đã nhiều lần bị trượt chân ngã, thùng nước lăn xuống, nước đổ ra sẽ đóng băng ngay lập tức, làm cho đường trơn hơn và sau này sẽ khó lấy nước hơn.

Khi Hà Điền ngã lần thứ hai, nghe thấy tiếng hai cái thùng đổ xuống dốc, cô vùng vẫy mấy lần trên dốc băng trơn trượt nhưng vẫn không đứng dậy được, tức giận đến mức lật người nằm ngửa ra, thở hổn hển nhìn lên bầu trời. Trước đây, mùa đông đều là do bà cô đi lấy nước, Hà Điền không biết sẽ khó khăn như vậy. Không biết lúc đó bà có bao giờ ngã xuống hay không, hoặc là nằm dưới đất thở hổn hển bất lực như cô lúc này.

Khi đó, cô tự nhắc nhở mình, năm nay phải sửa chữa lại con đường này trước khi mùa đông đến.

Kể từ ngày đó, Hà Điền đã thử nghiệm với nhiều vật liệu chống trượt khác nhau.

Đầu tiên cô nghĩ đến việc đóng những cọc gỗ chắn ngang con đường, biến con đường xuống dốc này thành những bậc thang, sau khi tuyết rơi, cô sẽ đổ đá dăm lên để tăng thêm ma sát.

Nhưng sau khi thử nghiệm, cô thấy đá vỡ sau khi bị đổ nước sẽ rất trơn. Sau đó cô dùng gỗ vụn, mảnh gốm vỡ, khối than, dây rơm… và rất nhiều mảnh vật liệu khác nhau có trên mặt đất bên ngoài nhà gỗ. Kết quả, “Bậc thang” bị đóng băng suốt cả mùa đông.

Cho đến mùa thu, cuối cùng thì Hà Điền cũng đã tìm được vật liệu chống trượt tốt nhất. Mặc dù nó vẫn chưa được thử nghiệm, nhưng nghĩ lại vẫn thấy, lực cọ xát mà vỏ gai của hạt dẻ có thể cung cấp dường như mạnh hơn so với một số vật liệu đã thử trước đây.

Con đường này vốn đã có bảy tám bậc thang, Hà Điền lại đào giữa các bậc thang dốc dài hai mươi mét này thành bốn đoạn bằng phẳng sát nhau, mặt đường hơi dốc, cô lát cọc gỗ theo từng kích thước bậc thang, trước tiên rải một lớp đá cuội nhỏ nhặt được từ sông lên mặt đất, sau đó lát cọc gỗ, nện một vài cọc gỗ nhỏ đã vót nhọn xuống đất và cố định cọc gỗ thật chắc chắn.

Bây giờ cô còn lại đoạn đường cuối cùng là đã hoàn thành việc đắp lại con dốc này. Hà Điền dự định sẽ rắc vỏ gai của hạt dẻ khô xuống đất sau trận tuyết rơi dày đầu tiên, nhiệt độ lúc đó sẽ khiến cho những chiếc vỏ gai trên mặt đất sau một đêm đóng băng, còn trước đó thì, cô cũng không có ý định phí công sức chuẩn bị vật liệu của mình.

Hà Điền tháo cái giỏ trên lưng Gạo xuống, buộc vào bên đường để nó tự ăn cỏ, cô cầm hai chiếc cọc gỗ đặt xuống đường, sau khi so sánh khoảng cách, lấy trước hai hay thanh gỗ đóng xuống đất, xác định nơi thích hợp để đóng cọc, cô lại mang những cây cọc khác đến.

Dù là nện một thanh gỗ có đường kính gần một tấc, dài gần ba mươi phân xuống đất, hay nện một cọc gỗ, tất cả đều là công việc thể lực, mệt hơn nhiều so với việc hái hạt dẻ hôm qua.

Cuối cùng thì Hà Điền cũng đặt năm chiếc cọc gỗ vào đúng vị trí, mồ hôi tuôn ra như mưa. Cô đã cởi áo khoác từ lâu, lúc này mới ngồi xuống đất nghỉ ngơi, cả cổ áo cũng cởi ra.

Cô uống một vài ngụm nước, dần dần cảm thấy mát mẻ hơn.

Tiếng gió rừng, tiếng chim hót líu lo, và cả tiếng của dòng sông cách đó không xa, những âm thanh này khiến cô cảm thấy rất bình yên.

Hà Điền nghỉ ngơi một lát, cô hối hận vì buổi sáng mình không ăn nhiều hơn, bây giờ đã cảm thấy đói bụng.

Sau khi cọc được cố định, cô lôi chiếc giỏ mây rách nát từ bãi cỏ bên đường đến. Trong giỏ đựng đầy những viên sỏi nhỏ.

Sau khi rải những viên sỏi này xuống đường, Hà Điền đặt một tấm ván gỗ dày xuống đất và dùng búa đập xung quanh tấm ván để những viên sỏi được san phẳng.

Cô không biết cách làm đường này có đúng không, nhưng cô đã chọn phương pháp này sau nhiều lần thử nghiệm.

Giá như có sách.

Bà của cô có rất nhiều sách, nhưng hầu hết đều là sách về phương pháp trồng trọt, còn có một số sách về cách phân biệt và sử dụng các loại thảo mộc khác nhau.

Lúc này, mặt trời đã sắp lên đến đỉnh đầu.

Hà Điền uống thêm vài ngụm nước, cô đeo khẩu súng ngắn vào lưng rồi đi ra sông.

Bờ sông này, cách sông một hai thước toàn là đá cuội lớn nhỏ, trên bờ mọc đầy những bụi cây thấp bé và cỏ dại, sau đó là những cây cao dần.

Bên bờ sông có một chiếc thuyền độc mộc nhỏ đang neo đậu.

Thuyền này là do bà cô dùng mười tấm da chồn tuyết đổi được khi còn trẻ. Tuy đã qua mấy chục năm sử dụng nhưng tay nghề của người thợ đóng thuyền rất tốt, năm nào cũng được chăm sóc cẩn thận, ước tính chiếc thuyền này còn có thể sử dụng hơn chục năm nữa.

Cô tháo dây buộc trên gốc cây ra rồi ngồi vào giữa thuyền, dùng một cây sào dài vốn được đặt trên thuyền chống lên bờ, thuyền bắt đầu trôi bồng bềnh về phía sông.

Khi đã đến chỗ nước sâu, Hà Điền lại đặt cây sào xuống thuyền, đổi sang dùng mái chèo để chèo.

Đoạn sông này rất rộng, khi không có gió lớn, nước sông không chảy xiết, mặt sông tương đối phẳng lặng.

Thuyền ra đến giữa sông, Hà Điền dùng sức nhấc một tảng đá to ở dưới đáy thuyền lên, tảng đá này buộc một đầu dây vào thuyền, ném xuống sông thì thuyền sẽ dừng lại trên sông.

Gần đó có một vài khúc gỗ đang trôi, Hà Điền đứng dậy, vươn cây sào ra, dùng móc ở một đầu cây sào móc vào khúc gỗ vẫn đang liên tục quay trên mặt nước kia.

Bên dưới khúc gỗ có buộc dây thừng và lưới đánh cá, còn có thêm vài hòn đá để làm chìm lưới, được cô hạ xuống hai ngày trước.

Một khúc gỗ khác cũng được Hà Điền kéo lại, cô cắn răng, mượn thế chảy của dòng nước, từng chút một kéo lưới đánh cá về phía mình.

Lưới đánh cá nặng trĩu, cô rất vui, rất mong đợi có được một ngày bội thu.

Con sông này quanh năm đều có cá. Mùa xuân có cá lóc; đầu hè thì có cá tầm, cá hồi vân, cá hồi chó; mùa thu thì có cá tuyết nước ngọt, cá chó phương bắc; mùa đông có cá tuyết sông. Phổ biến nhất là cá chó phương bắc, cũng như cá tuyết sông, chúng có mặt quanh năm. Tất nhiên còn có rất nhiều loại cá khác mà cô không biết tên.

Khi còn nhỏ, Hà Điền vẫn luôn nghĩ rằng cái tên cá chó phương bắc là do bà cô đặt, bởi vì Lúa thích loài cá này nhất.

Lúa là một con chó săn, lông của nó có màu vàng, giống màu của hạt lúa chín. Mỗi lần bắt cá, nó đều chủ động nhảy xuống thuyền kéo lưới cùng bà của Hà Điền. Sau khi lưới được kéo lên, nó sẽ bắt một con cá còn đang nhảy, đè con cá xuống đáy thuyền và nhai nuốt, mỗi lần ăn xong khắp mặt nó đều dính đầy vảy bạc.

Trên con sông rộng chừng năm mươi cây số, Hà Điền và con thuyền của cô giống như chiếc lá và một con kiến nhỏ đang bò trên đó.

Lúc này chiếc lá ấy đang chao đảo, cho dù dòng nước không chảy xiết, nhưng cũng đủ để cho thuyền phải dập dềnh lên xuống, dưới chân cô có thể cảm nhận được sức nước đang không ngừng va đập vào thân thuyền.

Lúc kéo lưới lên, những con cá vùng vẫy trong lưới một cách tuyệt vọng, như thể muốn cố làm lật con thuyền, cùng Hà Điền chết chung.

Lưới đánh cá cuối cùng cũng được kéo lên, nhìn thấy những con cá đang giãy giụa trong lưới, Hà Điền thở phào nhẹ nhõm, lấy tay áo lau mồ hôi trên mặt.

Không phải lúc nào cũng có thể lưới được cá.

Sau cơn mưa, chắc chắn không phải là thời điểm thuận lợi để đi thả lưới. Cây cối gãy đổ vì mưa bão đôi khi sẽ bị kẹt lại dưới đáy nước, nếu không may mắn, không những không có cá mà lưới đánh cá còn có thể bị móc vào nhánh cây gãy, thậm chí còn bết bát hơn, bị những thân cây to cuốn trôi theo dòng nước.

Đôi khi thời tiết tốt và dòng chảy không có gì bất thường, nhưng cũng sẽ không có cá.

Hôm nay rất may mắn.

Hà Điền đếm đại khái, có ít nhất hơn mười con cá dài bằng đầu cánh tay, và một vài con nhỏ hơn.

Cá lớn có thể được lưu trữ làm thức ăn, còn cá nhỏ cũng rất hữu ích.

Khi mùa đông đến, muốn tiếp tục bắt cá trên dòng sông đóng băng, cần phải có cá sống để làm mồi.

Cá tuyết sông là một loài cá rất đặc biệt, chúng chỉ ăn những thức ăn vẫn còn cử động.

Hà Điền muốn giữ lại một số cá nhỏ để nuôi làm mồi.

Cô cho cá vừa thu hoạch được vào thùng gỗ có nắp ở đáy thuyền rồi đổ một ít nước vào.

Cô cẩn thận kiểm tra lưới đánh cá và sợi dây treo phao trên lưới, rồi lại thả lưới xuống nước.