Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 14: Canh cá nấu giá




Bữa sáng hôm sau là cháo cá.

Con cá mà hôm qua Hà Điền mang theo được ngâm trong một chiếc chậu đất, buổi tối trước khi đi ngủ đã rả đông rồi.

Nồi đất bên cạnh đựng đầy các loại hạt ngâm qua đêm và nấm hương cắt thành từng miếng nhỏ.

Đun to lửa, nấu cháo, khuấy đều, khi cháo đặc lại và các hạt đã mềm, nát thì cho thêm hai lát gừng khô, cá đã cắt miếng bỏ xương, bỏ da, vào trong cháo.

Thịt cá rất nhanh đã chín và dậy mùi thơm. Khi nhắc xuống, nêm thêm một chút muối để tăng hương vị.

“Nếu có hành lá tươi thì tốt rồi.” Hà Điền múc một muỗng cháo, nhẹ thổi: “Có chút hành lá vào cháo cá sẽ càng thơm hơn.”

Dịch Huyền gật đầu đồng ý, tuy không có hành lá nhưng ăn với củ cải khô ngâm và mỡ ngỗng thì cháo cũng rất ngon.

“Sẽ ngon hơn nếu có một chút nước tương. Cá sống cũng vậy, phải chấm với nước tương.”

“Nhưng nước tương mắc lắm!”

“Chúng ta có đậu nành, tại sao không tự làm nước tương?”

“Thôi được rồi, đợi mùa xuân đến, thời tiết ấm hơn, chúng ta sẽ làm nước tương.”

“Làm tương đậu tầm* nữa!”

*Kiểu như tương hột nghiền nát.

Hai người vừa ăn vừa bàn về món ăn được nấu bằng đậu nành, tưởng tượng như là món cháo cá đã có sẵn hương vị thơm ngon của các loại nước chấm này rồi vậy.

Sau khi ăn xong, họ kiểm tra lại bẫy một lần nữa, định sẽ về nhà.

Rất bất ngờ, hai chiếc bẫy vòm thông lại bắt được thêm hai con chồn nữa.

Chắc là mấy con vật nhỏ này muốn ăn sáng gì đó khác lạ nên mới bỏ mạng trong bẫy.

Trong đó có một con cơ thể vẫn còn ấm.

Hà Điền rất vui. Cô cảm thấy đây là một dấu hiệu tốt. Điều này cho thấy năm nay sẽ là một năm săn chồn bội thu.

Sau khi đặt lại bẫy, Dịch Huyền cũng dọn dẹp căn nhà nghỉ đâu vào đấy. Họ tắt lửa, tro trong lò được quét ra rắc ngoài hiên, số thức ăn còn lại cho vào rương đem cất, chăn ra gối đệm thì được gấp lại và cho vào một cái rương khác.

Hà Điền rưới chút nước cuối cùng từ ấm lên thân cây có đóng đinh cố định rương đựng đồ, thân cây nhanh chóng hình thành một lớp băng mịn, sẽ không một con vật nhỏ nào có thể trèo lên đó được.

“Từ hôm nay trở đi, cứ cách mấy ngày chúng ta sẽ lại đến đây một lần. Nếu con mồi không được lấy đi kịp thời, rất khó để đảm bảo rằng chúng sẽ không bị chuột, sóc hay thứ gì đó gặm nhấm. Hơn nữa, cô cũng thấy đó, hôm qua chúng ta vừa mới thay mồi trong bẫy, vậy mà hôm nay đã bắt thêm được hai con chồn nữa.” Hà Điền nhìn về phía rừng thông phủ đầy tuyết bên kia sông: “Ngày mai chúng ta có thể sang bên kia sông.”

Đường về dễ dàng hơn nhiều.

Con đường được dấu chân mở ra khi đến vẫn còn đó, chỉ là có cứng hơn một chút, trên dấu chân còn tích tụ lại một số tuyết do cơn gió đêm qua thổi đến.

Lúc về đến nhà thì đã quá trưa.

Hà Điền và Dịch Huyền phải cố gắng lắm mới gỡ được những viên gạch tuyết chất đống trước cửa, bởi vì có vài viên gạch tuyết dính chặt lại với nhau. Lúc họ dùng mành cỏ để di chuyển gạch khỏi hiên nhà, tuyết rơi vãi khắp sàn, nhưng rất nhanh, chúng đã được dọn dẹp sạch sẽ.

Trong nhà vẫn còn ấm, ngọn lửa trong bếp không bị dập tắt, vẫn còn cháy đều đặn, nước trong hai chiếc tô gốm đặt sát tường gần như đã không còn, không những bốc hơi mà còn ngấm vào trong hạt đậu nành. Giá trong tô đã cao hơn ba cm, toàn bộ hạt đậu bên dưới nó đều bị bung ra, trong số đó có hai cọng giá mập mạp hơn hẳn.

Hà Điền vui mừng cầm một cái mầm đậu đặt trong tay, cái mầm trắng đó màu trắng bạc, sáng lấp lánh, véo nhẹ một cái, một dòng nước chảy ra.

Cô hỏi Dịch Huyền: “Ăn cái này như thế nào?”

Dịch Huyền suy nghĩ một chút, cũng không chắc lắm: “Xào? Tôi cũng thấy có người nấu với canh. Ừm… còn có người nấu lẩu.”

Hà Điền lập tức hỏi lại: “Lẩu?”

Dịch Huyền giải thích: “Đó là một chiếc nồi đồng, ở giữa có nơi để than. Cho thịt đã thái mỏng vào, chần qua rồi chấm với nước chấm, cũng có thể cho rau và đậu hũ vào nồi…”

“Đậu hũ?” Hà Điền quan tâm đến điều này hơn: “Cô có biết làm đậu hũ không?”

“Biết!”

Hai người vừa nói vừa lùa Gạo ra sông.

Phải nhanh chóng đục lỗ băng, hơn nữa hôm nay cũng là ngày kéo lưới.

Hai người nói chuyện một lúc, liền cảm thấy “đậu hũ” mà mình biết không giống với thứ mà người kia biết.

Nói chuyện một lúc, Dịch Huyền đã hiểu.

Cô ấy nói với Hà Điền: “Loại mà cô nói thực ra cũng là một loại đậu hũ, nhưng nó khô hơn, chúng tôi gọi nó là váng đậu, hoặc đậu da. Món đậu hũ mà tôi đề cập được làm sau khi loại bỏ nhiều độ ẩm hơn. Đậu hũ tươi và mềm, dùng ngón tay khoét một cái là ra một cái lỗ, ăn rất ngon, ngoài đậu hũ còn có sữa đậu nành và tàu hũ non*, sữa đậu nành là sữa làm từ đậu ngâm, tàu hũ non vốn đã được coi là đậu hũ rồi nhưng hàm lượng nước của nó rất cao, vị… mềm mềm, tan trong miệng.”

*Tào phớ, đậu hoa…

Khi kéo cá lên, Hà Điền quyết định sẽ làm sữa đậu nành.

Dịch Huyền nhìn lượng đậu dự trữ của Hà Điền, hỏi cô đã trồng đậu nành như thế nào. Cô ấy cảm thấy nhà cô trồng đậu nành chỉ vì để cải tạo lại đất hoặc cũng có thể là vì họ cảm thấy tiện cả đôi đường, vừa có thể xem như một món rau vừa có thể làm thức ăn cho tuần lộc, nếu thức ăn không đủ thì xay thành bột đậu hỗn hợp, làm thức ăn khô. Sau này thì cứ tiếp tục trồng cẩu thả như vậy, dù sao thì đất ở đây cũng rất thích hợp trồng đậu nành, cũng không vất vả nhiều.

Hôm nay bắt được thêm sáu con cá nữa. Tất cả đều là cá tuyết sông.

Hà Điền để lại một con cá. Sau khi làm sạch, cắt bỏ hai bên thân cá, chỉ để lại phần đầu và xương cá cho vào nồi đất, sau đó thêm ớt, hoa tiêu, muối, củ cải muối thái hạt lựu và một chén giá vào nấu chung.

Khi đang nấu canh, cô lấy ra hai chiếc hộp gỗ nhỏ to hơn lòng bàn tay một chút, dưới đáy mỗi hộp gỗ đặt ba chiếc lá khô, sau đó lót hai lát khoai lang khô, rồi cho hạt kê đã rửa sạch vào.

Hai hộp gỗ có thể vừa vặn với một chiếc lồng hấp bằng tre. Đặt lồng hấp vào chung nồi, hầm cách thủy, khí trắng dần cuộn lên từ nắp và mép nồi.

Trong khi nấu ăn, Hà Điền và Dịch Huyền dùng một cái gậy trúc đặt ở khá xa bếp treo những bộ lông chồn lên.

Có một vài hàng móc nhỏ được đóng vào thanh ngang, giữa hai chiếc đinh có thể đặt vừa một cây gậy trúc. Trước khi đặt vào, gậy trúc được thoa một lớp dầu mỡ dày, trơn đến mức dù là những con vật có móng vuốt nhọn nhỏ cũng không thể nào trèo lên được.

Từng tấm ván gỗ mỏng cố định da chồn được treo lên, trông cứ như đây là nơi mà chồn treo một dãy áo khoác lên vậy.

Sau đó, Hà Điền và Dịch Huyền bắt đầu xử lý lông chồn chó.

Da lông của con chồn chó đực trưởng thành này có thể làm mũ và khăn quàng cổ cho Dịch Huyền. Khi còn nhỏ, Hà Điền rất thích những chiếc nón được làm bằng da chồn chó hoặc da gấu mèo, sau khi lột da thì sẽ giữ đôi tai lại, đính hai chiếc cúc màu đen vào trên mắt, chiếc nón được làm giống như một con gấu mèo đang nằm trên đầu. Bà cô còn giữ cái đuôi của nó lại, khâu ở phía sau nón, trông càng thêm đáng yêu và ngộ nghĩnh.

Hà Điền nghĩ rồi thở dài. Ai biết được liệu khi mùa xuân đến, Dịch Huyền có còn muốn ở lại đây đây nữa hay không?

Những người như cô ấy có lẽ thích cuộc sống ở thành phố hơn. Cô ấy ở lại đây, mặc dù thích nghi tốt và học hỏi mọi thứ rất nhanh, nhưng điều này chỉ là vì để tồn tại trong mùa đông lạnh giá.

Hà Điền lắc đầu, không còn nghĩ đến những chuyện không thể kiểm soát được này nữa, cô cùng với Dịch Huyền treo tấm da chồn chó đã qua xử lý lên sợi dây giăng trên cộc gỗ trước nhà.

Trở lại vào trong, mùi cơm trưa đã tràn ngập khắp nhà.

Khi nấu ăn Hà Điền sẽ mở hơi hé cửa nhà ra, nhưng lúc này cô mở rộng ra luôn để thông gió.

Cô thực sự không thích việc khắp nhà đều là mùi đồ ăn.

Cơm trong nồi đã được nấu chín, Hà Điền kêu Dịch Huyền đem lồng hấp đặt lên bàn, cô nhắc nồi canh xuống khỏi bếp, cắt cá thành từng lát rồi nhúng qua nước canh, thịt cá nhanh chống chín thành màu trắng đục.

Hà Điền lại đặt một cái nồi đất nhỏ lên bếp, cho vào nồi một nắm lá thông khô và lá cúc dại, đổ thêm hai chén nước, không đun sôi, chỉ để lửa riu riu.

Toàn bộ xương và đầu cá tuyết sông được đặt trong nồi hầm cách thuỷ, thịt cá trắng phếu nổi lên trong nước canh, ớt đỏ và hoa tiêu tỏa ra mùi thơm cay nồng.

Hà Điền gắp một miếng cá lên nếm thử, rồi lại nói: “Nếu có hành lá tươi thì tốt rồi, rắc một ít hành lá xắt nhỏ vào thì vị sẽ ngon hơn.”

Mỗi người cầm một hộp cơm nhỏ trong lồng hấp, coi như chén mà ăn luôn, Hà Điền kéo hai góc của chiếc lá, cẩn thận lấy ra, đặt cơm lên, dùng đũa cuộn lại thành một cuộn dày, cắn một miếng.

Cô vừa ăn vừa hít hà, nheo mắt lại hưởng thụ, còn chỉ Dịch Huyền: “Cô cũng làm thử đi. Cẩn thận phỏng tay.”

Dịch Huyền bắt chước làm theo.

Tinh bột và vị ngọt của khoai lang làm tăng độ dẻo của hạt kê, lớp lá bên ngoài có hơi chát nhưng sau khi cắn vài miếng lại có mùi thơm rất đặc biệt, Dịch Huyền nhai từ từ, nếm thử một lúc mới cảm nhận được hương vị, hỏi Hà Điền: “Lá này có phải là lá dâu không?”

Hà Điền mỉm cười gật đầu.

Đợi cơm nguội hơn một chút, bọn họ cũng bắt đầu ăn canh cá.

Nước canh cay nồng giúp cá thơm ngon hơn, cả người cũng ấm lên.

Hà Điền cẩn thận nếm thử món giá mà mình mới phát hiện ra này. Mặc dù nó quả thực là một loại rau hiếm trong mùa đông, nhưng Hà Điền vẫn có chút thất vọng.

Phần giá ăn giòn nhưng lại không có hương vị, nó thấm vị nước canh cay cay, phần hạt trên ngọn thì có vẻ khá dai.

Dịch Huyền ăn một vài miếng, có chút không sao hiểu được: “Vị của món giá này… sao lại khác với giá mà tôi đã từng ăn?”

Cô ấy không biết rằng giá mà cô ấy ăn trước đó không phải được làm từ đậu đã cà vỏ. Hơn nữa giá mà cô ấy từng ăn là được làm từ đậu xanh, còn loại mầm đậu nành không dễ tiêu hóa này chắc là sẽ không xuất hiện trong công thức nấu ăn của người có tiền.

Hà Điền vội nói: “Tôi cảm thấy cũng không tệ. Nếu đem luộc với đọt dương xỉ, làm rau trộn, nhất định là sẽ rất ngon.”

Dịch Huyền lại lấy một lá dâu lên cuộn với cơm: “Món này thực sự rất ngon.”

Hà Điền gật đầu lia lịa: “Ừ. Nếu ăn với bột đậu đỏ và hạt dẻ rang thì sẽ còn ngon hơn nữa, cũng có thể thêm vào một chút quả anh đào khô.”

Sau khi cơm nước xong, Dịch Huyền nhận thấy mùi thức ăn trong nhà đã rất nhạt, khắp phòng thoang thoảng giống mùi của rừng thông mùa hè. Lá thông và hoa cúc dại khô trong chiếc nồi nhỏ trên bếp đã bung ra, nước trong nồi chuyển sang màu vàng nhạt. Gỗ cháy trong bếp phát ra tiếng bong tróc rất nhỏ, trong nhà vô cùng ấm áp, ngoài cánh cửa thì hoàn toàn im lìm.