Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 121: Gà kho măng với hèm rượu




Thời gian bận rộn luôn trôi qua nhanh chóng.

Bất giác, đã cuối tháng bảy.

Hai anh em nhà họ Phổ có ý nghĩ muốn học hỏi Hà Điền và Dịch Huyền, cứ cách vài ngày họ sẽ đến mà không cần thương lượng trước. Nói là trả món nợ lương thực đã vay hồi mùa đông năm ngoái.

Mỗi lần đến, họ sẽ mang theo một số thứ nhỏ nhặt, chẳng hạn như nấm hái gần nhà, gà rừng và vịt hoang có bộ lông rất đẹp, và quả sồi và quả phỉ mà họ hái trong rừng. Có hôm thật sự không có gì để mang theo, họ bèn cạo một ít lông heo mang đến.

Mặc dù những món quà này không có giá trị hay mang tính bất ngờ gì, nhưng chúng luôn tốt.

Theo lời của Dịch Huyền: “Em cho rằng các hoàng đế trong quá khứ thật sự hiếm lạ chút thổ sản từ các nước phụ thuộc tiến cống sao?”

Hà Điền cũng không để bọn họ ra về tay không, mỗi lần như vậy đều tặng lại một ít quà nhỏ. Bọn họ tặng nấm, cô cho lại một hộp miến khoai tây nhỏ, họ tặng hạt phỉ, cô cho lại một ít trứng vịt.

Với sự giúp đỡ của họ, tiến độ của công việc thật sự nhanh hơn rất nhiều. Bất kể họ có chân thành sẵn sàng báo đáp hay là đang bị Dịch Huyền đe dọa, tóm lại, Hà Điền rất biết ơn sự giúp đỡ của họ.

Nhưng điều này không có nghĩa là Hà Điền đã bỏ cảnh giác với họ.

Cô đã huấn luyện đặc biệt cho Lúa Mì để đảm bảo rằng nó chỉ ăn thức ăn do cô và Dịch Huyền đưa. Còn đồ của những người khác cho, nó có thấy cũng làm như không thấy.

Là một con chó săn trưởng thành có giống tốt, hàm răng sắc bén và bộ hàm khỏe mạnh của nó có thể dễ dàng cắn đứt xương cánh tay của một người. Nếu nó chạy trốn thì người khác cũng không thể nào đuổi kịp. Dựa vào những lợi thế tự nhiên này, nếu gặp kẻ gian ác ý thì khả năng tự vệ của Lúa Mì vẫn rất cao.

Ngôi nhà mới của Hà Điền và Dịch Huyền cũng ngày càng đẹp hơn.

Sau khi mái hiên của nhà mới được hoàn thành, mỗi khi đi ra ngoài, dù là săn bắn, cắt cỏ hay hái quả dại, họ đều tranh thủ đào một số loại cây mình thích mang về nhà trồng.

Hà Điền cũng đã có kế hoạch cả rồi, đợi làm nhà kính mới xong, cô sẽ dành ra một khu vực để trồng những loại hoa và cây này. Sau đó còn sẽ chia thành nhiều luống, một số thì trồng cây thuốc, và một số thì trồng làm cây cảnh.

Ngay cả hoa sen mà cô cũng trồng được đó thôi, bây giờ cô khá là tự tin vào kỹ năng trồng trọt của mình.

Nhiều loài thực vật mang về đã phát triển rất tốt, chẳng hạn như hoa cúc dại có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi trong rừng.

Khi bà Hà Điền còn sống, trong nhà cũng trồng hoa cúc dại, nhưng chúng được trồng trên mặt đất bên ngoài bức tường phía Nam của nhà gỗ. Sau khi bà của cô qua đời, Hà Điền vì bận bịu đấu tranh sinh tồn mà bỏ bê chúng trong một thời gian dài. Mùa hè năm sau, nhìn lác đác vài bông cúc dại nhỏ bé, cô mấy lần thở dài xúc động, rồi lại tiếp tục mải mê săn bắn, trồng trọt, tích trữ lương thực cho mùa đông mà không thể dành nhiều tâm huyết hơn cho chúng.

Lúc xây nhà mới, những bông hoa cúc dại này đã chìm vào trong đám cỏ hoang.

Hoa cúc dại ở các khu rừng và đầm lầy gần đó chỉ có các màu trắng, vàng và tím nhạt. Hà Điền và Dịch Huyền mang về mỗi loại một ít, chọn những cây có hoa to và hương thơm nồng.

Một trong những vấn đề nan giải của việc dời cây trồng đó là phải chọn như thế nào.

Lần nào mang những cây có hoa to hơn về trồng, lần sau ra ngoài họ lại gặp được loại có hoa to và nhiều cánh hơn, lần sau nữa lại gặp loại có đầu cánh hoa hơi cong, rồi còn gặp loại có hoa sặc sỡ hơn, hương hoa càng nồng nhiều hơn…

Phải làm thế nào? Mang về hết.

Cúc dại là một loài hoa ngoan cường, rất dễ trồng.

Thế nhưng hiên nhà không thể đặt được nhiều chậu hoa như vậy, Hà Điền và Dịch Huyền cũng không có thời gian để chăm sóc chúng cả ngày, vì vậy họ phải đưa ra quyết định giữ hay bỏ, chọn ra năm sáu chậu hoa cúc dại đẹp nhất để lại, còn lại những chậu bình thường hơn thì lại một lần nữa dời đi, trồng trên bờ cỏ mới cấy ở bãi sông hoặc khoảng đất trống giữa các cây trên sườn đồi.

Phải nói rằng cỏ dại phát triển rất tốt.

Hà Điền và Dịch Huyền đào mảng cỏ bên cạnh các ao hồ khác nhau tổng cộng hết năm lần, mỗi lần hơn hai mét vuông, sau khi được mang về nhà, chúng được trải vào nơi những tảng đá trên bãi sông đã bị chuyển đi, tưới nước, sau ba đến năm ngày thì rễ cỏ đâm sâu vào đất mới.

Có một lần sau khi dời cỏ thì ngày hôm sau trời đổ mưa to, Hà Điền thầm nhủ, thôi rồi, lần này coi như đi tông. Không ngờ là vài ngày sau, đám cỏ này cũng vẫn mọc lên.

Hiện tại, trên bãi sông một màu xanh mướt, đứng trên sườn đồi mà nhìn, cách bờ sông ba đến năm mét là một đường xanh dài mười mét phân biệt rõ ràng với bãi đá cuội xanh xám, đến gần sẽ phát hiện ra rằng màu xanh lá này còn đang lan rộng thêm.

Nhặt đá trên bãi sông, chuyển chúng lên sườn đồi, xới đất đều là những công việc tốn nhiều thời gian, nhờ anh em nhà họ Phổ mà Hà Điền mới có thể trồng được một đồng cỏ nhanh chóng như vậy.

Nhưng mảnh cỏ này còn lâu mới đáp ứng được kích thước lý tưởng mà hai người họ mong muốn.

Hai con cừu, cộng với Gạo, một ngày một đêm có thể ăn hết cả số cỏ cắt trong đồng cỏ rộng sáu bảy mét vuông.

Tất nhiên, nếu chúng có thể tự do lang thang trong rừng để tìm kiếm thức ăn, còn có thể ăn chút lá, gặm nhấm vỏ cây và cành non. Nhưng vào mùa đông, cừu nhỏ hơn Gạo rất nhiều, dù có đứng trên tuyết thì nó cũng khó mà chạm được vào thân cây, không gặm vỏ cây, không chạm tới cành cây được. Phải nói rằng mùa đông là mùa bận rộn nhất trong năm của Gạo, ngoài thức ăn thô là cỏ thì còn cần bổ sung đạm đậu nành và bột xương cho nó nữa.

Hơn nữa, Dịch Huyền cũng tin tưởng hai con cừu này sẽ lớn rất nhanh, sang năm sẽ có cừu con và sữa cừu để uống, mà một khi có thêm cừu con thì chắc chắn sẽ phải cần thêm thức ăn cho gia súc.

Do đó, để tạo một đồng cỏ có thể đáp ứng nhu cầu của ba hoặc bốn động vật ăn cỏ, ngay cả khi áp dụng phương pháp chăn thả luân phiên, họ sẽ phải mở rộng đồng cỏ hiện có ít nhất thêm ba hoặc bốn lần nữa.

Trong tất cả những cây mang về nhà trồng, quý nhất là mười mấy cây dâu tằm. Sau vài lần giâm cành, mười lăm mười sáu cây đã được trồng thành công, có ba bốn cây trong số chúng không được tốt cho lắm.

Hà Điền chọn ba cây từ những cây khỏe nhất rồi trồng chúng trong rừng.

Bọn họ phỏng theo rừng dâu, chặt một khoảng rừng ở gần suối núi, sau khi đào đất xong, trồng ba cây dâu này xuống.

Cho đến hiện tại thì trông chúng phát triển khá tốt.

Cuối cùng thì kén tằm cũng đã hoàn thành việc ươm tơ. Hà Điền đã tính toán thời gian từ lúc kiến tằm nở đến bước cuối cùng là kết kén. Cô lo là nếu ấp một lứa tằm khác thì khi chúng lột da lần cuối, thời tiết bắt đầu lạnh thì chúng sẽ chết hết, nên đợi năm sau lại làm tiếp.

Những quả trứng tằm năm nay thu được đều được để ở trên giấy trắng tự chế mà cô đã làm lúc trước, đem cất ở tầng trên của nhà mới.

Sau khi lứa tằm cuối cùng đẻ trứng xong, Hà Điền chỉ còn lại mười mấy tờ giấy trắng.

Vì vậy, việc làm giấy đã được ưu tiên đặt lên hàng đầu trong danh sách việc cần làm.

Có rất nhiều nguyên liệu cần thiết để làm giấy. Đặc biệt là năm nay cô đã cắt một số chăn bông, đệm bông cũ, loại bỏ tất cả số bông vải bị ố vàng, quá cứng, tất cả những thứ này đều có thể cho hết vào bột giấy.

Ngoài ra, do xây nhà nên họ còn nhiều vỏ cây, mùn cưa, dăm bào. Với cả còn có cỏ khô, lá tre khô, lá dâu phơi khô, tất cả đều có thể làm giấy.

Những nguyên liệu thô này đầu tiên được ngâm trong một cái vạc lớn trong vài ngày, sau khi vỏ và dăm trở nên mềm đi, có thể tiến hành bước chế biến tiếp theo.

Đầu tiên lấy một cái thùng sắt lớn từ kho dụng cụ kê lên bếp đá, đổ một nồi nước sôi lớn, đốt lửa bên dưới thùng, đổ hỗn hợp nguyên liệu vào, thêm một ống tre to đựng vôi bột rồi đeo kính bảo hộ và khẩu trang vào, vừa đun vừa thỉnh thoảng khuấy vài cái.

Thùng hỗn hợp này phải được đun nhỏ lửa trong nhiều tiếng.

Cái thùng to đậy bằng nắp gỗ, cứ mười phút lại mở nắp ra khuấy, nếu cạn nước thì thêm nước và củi vào.

Đến tối, đổ thêm nước vào thùng vừa đủ, đút củi vào để lửa tiếp tục cháy suốt đêm.

Sáng hôm sau khuấy lại, thêm nước, nấu tiếp.

Buổi tối không cần thêm củi nữa.

Trước khi đi ngủ, khuấy đều một lần nữa, hỗn hợp trong thùng lớn lúc này đã trở thành một thùng bột nhão.

Sau khi để qua đêm, họ chuyển thùng lên xe gỗ để Gạo kéo xuống vùng hạ lưu con suối, sau đó đặt một cái sàng tre lên miệng thùng, nghiêng từ từ để đổ nước trong thùng ra ngoài.

Sau khi đổ nước xong, họ dựng thùng lên, lấy sàng tre ra, rồi úp thùng xuống để trúc hết hỗn hợp trong thùng vào sàng tre, lúc này nước vẫn còn đang nhỏ giọt.

Đổ hết chúng vào một cái giỏ tre lớn, dùng cọc gỗ đập để vắt kiệt nước, sau đó nhấc cái giỏ tre lớn đó xuống suối, ngâm hỗn hợp chưa thành bã này vào nước, lợi dụng lực chảy của nước để rửa sạch.

Đậy sàng tre và để giỏ tre lớn dưới suối trong hai ba ngày, khi mở ra lần nữa thì bông vải, vỏ cây, lá và dăm đều mất đi hình dạng ban đầu, trở thành từng cục từng cục, cầm một cục lên vê trong nước, có thể thấy được rằng vỏ cây và dăm bào đã biến thành những sợi tơ mịn, đó là những sợi gỗ.

Tiếp theo, nhấc giỏ tre lớn khỏi nước, để ráo rồi lại đổ hỗn hợp vào thùng, nhưng lần này là thùng gỗ.

Công đoạn này những năm trước là công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất, mọi thứ trong thùng đều phải được nghiền nhỏ thành bột giấy đồng nhất thì mới làm giấy được.

Năm nay, tiết kiệm được rất nhiều công sức.

Khi chế tạo máy cắt cỏ, Hà Điền đã gắn thêm một công xôn vào máy cưa, gắn một chiếc cưa tròn nhỏ lên đó, chỉ cần kéo cưa, xì xì è è, toàn bộ đều bị xay nát thành bột.

Cô cầm cưa bằng cả hai tay và xoay theo chiều kim đồng hồ ở giữa thùng như xay đậu, sau mười phút thì nghỉ ngơi, lấy cưa ra xem độ mịn của bột giấy có đủ yêu cầu hay chưa, chưa thì chuyển sang cho Dịch Huyền, tiếp tục xay một lúc nữa.

Làm xong một thùng bột giấy, đã có thể lấy dụng cụ làm giấy ra.

Dịch Huyền cứ tung tăng tung ta như chim sẻ.

Lúc sửa sang lại kho dụng cụ, nhìn thấy những thứ này, lúc đó anh còn nghĩ đó là khung cửi bị thiếu một bộ phận nào đó. Nó là một máng gỗ được đóng đinh bằng thanh gỗ hình chữ nhật, phía trên có treo một thanh xà bằng dây thừng, còn được trang bị thêm bốn năm khung rây hình chữ nhật lớn và nhỏ, cũng như một số thanh gỗ giống như chày cán có kích thước khác nhau. Vốn là dụng cụ để làm giấy.

Ngoài những thứ này, Hà Điền còn kêu anh lấy ba cái bàn gỗ lúc trước từng được dùng để làm bàn ăn tạm cho mấy người đến hỗ trợ ra, sau đó là vài tấm gỗ lớn và sáu viên gạch đá bazan. Cuối cùng, cô còn tìm trong kho mấy cuộn mành tre nữa.

Những tấm mành tre này có cùng kích thước và được đan rất tỉ mỉ bằng những dải tre dày hai hoặc ba mm.

Hà Điền múc mấy hồ lô bột giấy đổ vào cái máng gỗ hình chữ nhật, thứ mà Dịch Huyền nói là “Giống như khung cửi bị thiếu bộ phận”, cầm một cái khung rây giấy lên, chỉ vào hai bên của cái khung, hỏi anh: “Anh đã từng thấy thứ này chưa?”

Hai bên khung rây được đóng đinh bằng hai bánh xe gỗ nhỏ bằng ngón tay cái cao hai centimet, ở giữa lõm và hai bên lồi, được quấn dây treo cố định vào khung gỗ, kéo khung lên rồi nhúng vào bột giấy, sau đó lại từ từ kéo lên, trên máng có đặt một thanh gỗ giống như chày cán, đặt khung rây lên đó lắc đều, trên lưới rây lập tức phủ đều một lớp bột giấy.

Chờ một lát, lấy một tấm mành tre đã được làm sạch trải nhẹ lên khung rây, nén chặt, úp ngược xuống mặt bàn gỗ rồi gõ “cạch cạch”, một “Tờ giấy” còn ướt vừa mới ra đời.

Hà Điền làm mẫu mấy lần rồi mới đưa cho Dịch Huyền, từ nãy đến giờ vẫn ngồi không yên, muốn thử.

Cũng giống như mọi khi, anh chỉ cần thử vài lần là quen thuộc ngay, trên ba cái bàn đều được đặt kín, mành tre cũng đã dùng hết.

Hà Điền nhìn mảnh giấy đầu tiên, nói với Dịch Huyền cách xác định xem độ ẩm của giấy ở mức độ nào thì có thể treo lên được, rồi để cho anh xếp những sào tre dùng để phơi cỏ khô ra, cột một sợi dây vào giữa các sào.

Dịch Huyền làm xong việc của mình, anh thấy Hà Điền đặt khung rây sang một bên, đang lấy một vài chiếc lá nhỏ của hoa cúc dại đặt lên đó, sau đó dùng khăn nhẹ nhàng ấn xuống, rồi cô lại ngắt một bông hoa cúc dại màu tím khác, tách các cánh hoa đặt lên tờ giấy còn ướt đó.

“Đây là giấy in nổi, rất thú vị đúng không?” Hà Điền đặt những cánh hoa còn lại vào tay Dịch Huyền và kêu anh thử: “Hồi nhỏ em còn dùng giấy này để làm đèn lồng nữa đó.”

“Nó rất đẹp!” Tất nhiên Dịch Huyền cũng thấy nó thú vị: “Anh đã thấy loại đèn lồng mà em nói rồi! Sau khi thắp nến, hoa và lá trông càng đẹp hơn nữa. Với lại, anh còn dùng giấy này làm sổ tay. Lúc anh ba của anh mười ba, mười bốn tuổi cũng đã biết dùng loại giấy này để viết thư tình cho một vũ nữ mà ba nuôi anh yêu thích!”

Hà Điền hơi giật mình, nhưng Dịch Huyền dường như không để ý đến những gì mà mình vừa nói, anh hào hứng đặt từng cánh hoa và từng chiếc lá, thỉnh thoảng còn lùi lại quan sát một chút.

Sau khi giấy đã thành hình và từ từ khô dần, có thể xếp chồng từng tờ một, lấy khăn phủ lên, dùng ván gỗ đè lại và dùng đá ép cho phẳng.

Hoặc nếu muốn thật đặc biệt thì có thể dùng bàn ủi để ủi trực tiếp, lúc ủi xịt chút nước có bỏ thêm hương liệu thì giấy thành phẩm sẽ có mùi thơm.

Hôm đó hai người làm một số việc xong, trong lúc nghỉ ngơi tranh thủ làm một chút giấy.

Nước trong bột giấy trong máng gỗ sẽ chảy dần ra từ các khe hở trên máng gỗ, sau đó bay hơi một chút, đến trưa sẽ trở thành bùn, nếu khô quá thì cũng không sao, chỉ cần đổ thêm nước vào khuấy đều là được.

Nếu muốn làm giấy trắng như tuyết thì có thể cho giấm trắng vào bột giấy, còn muốn làm giấy có màu thì cũng đơn giản, đâm nát củ dền, cà rốt, cải bó xôi,… vắt lấy nước rồi pha vào bột giấy để làm giấy màu đỏ, cam, xanh. Lượng nước cho vào khác nhau thì màu sắc của giấy cũng sẽ khác nhau.

Dịch Huyền vì muốn làm giấy có hình vân lá trúc nên dẫn Lúa Mì vào rừng tre trúc. Thuận tiện bắt được một con gà rừng mang về.

Buổi tối, Hà Điền hầm một nồi gà với hèm rượu và măng.

Sau khi mỡ trong nồi nóng, cho gừng và hành lá vào xào chín, đổ thịt gà ướp với hèm và nước tương vào, thêm măng và nấm hương đã ngâm, một chén nước nhỏ, đun thêm một lúc nữa, nước cạn dần, hương vị đậm đà xông vào mũi.

Món này ăn kèm với lúa hoang nấu đậu đỏ, cho dù đang là giữa hè cũng làm cho người ăn cảm thấy rất là ngon miệng.

Buổi tối lúc đi ngủ, Dịch Huyền thì thầm nói với Hà Điền: “Mình cũng làm đèn lồng giấy nha em?”

Hà Điền cọ trán mình vào trán của anh: “Ừ. Làm mấy cuốn sổ tay nữa.”