Mùa hè năm nay bận rộn hơn năm ngoái.
Sau khi những con tằm do Hà Điền nuôi liên tiếp leo núi tạo kén, công việc đóng tủ và cửa sổ mới phải tạm gác lại.
Nhộng tằm phát triển âm thầm trong kén tằm, khoảng mười lăm ngày sau sẽ biến thành bướm tằm trắng, chúng sẽ cắn nhộng tằm, bò ra ngoài, run cánh tán tỉnh nhau.
Muốn ươm tơ thì phải tranh thủ trước khi kén tằm bị cắn nát, nếu không, một khi kén bị rách thì không thể quay tơ được.
Nhưng mười lăm ngày cũng chỉ là một ước tính mà thôi. Có một số con chỉ sau một tuần đã chui ra khỏi kén.
Vì thế cho nên, trong cuốn sách viết về việc nuôi tằm của Hà Điền cũng có ghi lại một số kinh nghiệm của người nuôi tằm thời bấy giờ trong việc phán đoán sự phát triển của nhộng trong kén tằm, và cách trì hoãn sự thoát kén của chúng.
Bởi vì một số lứa tằm con không được nở ra cùng một lúc, nên tất nhiên là chúng không leo núi cùng một lúc, nên những phương pháp phán đoán này đều vô dụng.
Cô không dám mạo hiểm, bởi vì vẫn còn ba nia tre tằm chưa leo núi nữa, cô gỡ những kén tằm hiện có, còn những con khác thì để lại.
Dịch Huyền lấy máy ươm tơ từ trong kho dụng cụ ra, đun nước nóng trong nồi lớn, khi nước sôi, những chiếc kén tội nghiệp được đổ vào nồi, Hà Điền lấy chiếc chổi tre nhỏ cuộn tròn tơ trong nước, được một nhúm tơ thì gắn vào trục tre trên đầu máy ươm tơ, liên tục quay tay cầm thì sẽ có được những sợi tơ màu trắng như tuyết.
Dịch Huyền lấy sổ tay của mình ra, ngồi bên cạnh Hà Điền quan sát một lúc rồi luyện tập một chút, rồi lại vẽ và viết vào sổ.
“Năm sau chúng ta sẽ làm thêm một chiếc máy ươm tơ nữa.” Dịch Huyền đưa cuốn sổ cho Hà Điền, rồi ngồi trước máy ươm tơ để cô nghỉ ngơi.
Ươm tơ không phải là một công việc đòi hỏi nhiều sức lực, chỉ là phải đun bằng nước sôi, bị hơi nước nóng xông lên, hai bên thái dương của Hà Điền đều đầy mồ hôi, má thì đỏ bừng.
Cô lau mồ hôi: “Làm thêm một cái cũng không sao. Nhưng chúng ta chỉ có một chút kén mà thôi, không cần thiết.”
Dịch Huyền không nghĩ vậy.
“Ai biết được, có thể năm sau chúng ta sẽ có số kén nhiều hơn gấp đôi năm nay cũng không chừng. Không chỉ phải chế tạo thêm một cái máy ươm tơ nữa, mà còn phải tìm cách cải tạo nó, không cần đến sức người. Em này, theo em thì có thể dùng sức nước được không? Dẫn kênh bên suối, hoặc trực tiếp dựng xưởng ươm tơ bên dòng nước, dẫn nước vào, đẩy guồng nước, và rồi tơ sẽ được quay!”
Anh nói xong, Hà Điền dùng than vẽ vào sổ của anh.
Bọn họ vừa nói và vừa suy nghĩ về nó. Càng nghĩ càng thấy muốn thử.
“Trước kia có nhiều nhà máy xay bột được xây ở sát dòng nước, sau này không xay bột, đều biến thành kéo sợi bông. Không phải cũng dùng đến sức nước sao? Việc ươm tơ chắc chắn cũng được.”
“Nhưng phải cần rất nhiều, rất nhiều rất nhiều kén mới được! Chút tằm này của chúng ta, cho dù sang năm có tăng gấp đôi cũng không đủ.” Hà Điền nói liên tục ba lần “rất nhiều” để nhấn mạnh, cô vung bàn tay nhỏ bé của mình lên: “Đừng có xây xưởng này nọ gì gấp. Bây giờ chúng ta dời mấy cây dâu tằm về trồng. Khi có một khu rừng dâu tằm gần nhà rồi thì xưởng kéo tơ mới trở nên hữu dụng.”
Dịch Huyền ngừng quay tơ, nhìn Hà Điền cười: “Em đã tìm ra cách dời cây dâu về chưa?”
Hà Điền cười tự tin: “Tất nhiên rồi. Em đã nghiên cứu kỹ về sách dạy trồng dâu nuôi tằm rồi!”
Dịch Huyền trêu chọc cô: “Cái cuốn sách te tua, thiếu trang ít góc kia đó hả? Phương pháp có đáng tin cậy không?”
Thật sự không đáng tin cho lắm.
Sách tuy nói về phương pháp di dời. Nhưng lại nói là thời gian tốt nhất để dời cây là vào mùa thu. Chỉ là khi đến thu thì mặt đất đã đóng băng, chắc chắn là không thể làm được.
Một phương pháp khác là chiết nhánh. Nói trắng ra là cắt một cành dâu tằm, đem về nhà cho vào thau nước ngâm, cắ.m vào bình hoa chờ nó bén rễ, cây non sau khi bén rễ có thể chọn ngày đẹp trời mà tìm một chỗ đất tốt đào lỗ lên, trồng cây.
Dịch Huyền cau mày sau khi đọc cuốn sách bảo bối kia: “Trong này viết là nên được ngâm trong nước thuốc để thúc đẩy sự ra rễ, nhưng nước thuốc đó được bào chế như thế nào lại hoàn toàn không đề cập đến.”
Hà Điền thì lại khá tự tin: “Muốn thúc đẩy sự phát triển của thân rễ thực vật chủ yếu là dựa vào phân lân mà? Chẳng lẽ chúng ta lại không tự chế được? Xương cá còn lại này nọ, không phải đều được chúng ta nghiền thành bột để chuẩn bị cho vịt và dê trong mùa đông đó sao? Lấy một ít ngâm nước rồi lọc chắc là đủ. Ngay cả hoa sen củ sen chúng ta cũng trồng được, dâu tằm thì sợ gì chứ?”
Thật ra, từ khi nhìn thấy ngôi nhà mới của họ được xây dựng với tốc độ thần kỳ, lòng tự tin của Hà Điền đã bành trướng đến mức chưa từng có, cô cảm thấy chỉ cần hai người kề vai sát cánh thì căn bản không có gì là không làm được.
Vì vậy, sau khi ươm tơ, Hà Điền và Dịch Huyền đã mang Lúa Mì đến rừng dâu tằm.
Trong rừng dâu năm nay vẫn còn rất nhiều tằm hoang, vì nhiệt độ ngoài trời không ổn định như trong nhà nên trên cây không có nhiều kén, một số con cũng rất lớn và tròn, Hà Điền đã bắt xuống, mang về nhà chuẩn bị làm giống.
Họ lựa một vài cành cây khỏe mạnh, cẩn thận chặt xuống, dùng cỏ bó lại rồi đem về nhà.
Thời gian mùa hè rất quý giá, mỗi lần ra ngoài họ đều phải tận dụng thu gom hết mức có thể, cho nên họ đã cắt rất nhiều cỏ, cột lại và chất ở trên thuyền.
Trên đường về nhà, Hà Điền xoa xoa phần eo phía sau lưng: “Anh cũng đừng vội chế tạo máy ươm tơ hay xưởng ươm tơ bằng guồng nước. Trước tiên làm một chiếc máy cắt cỏ cái đã rồi tính.”
Dịch Huyền nhìn cô hơi nhíu mày đấm vào eo, trên khuôn mặt tuấn tú lộ ra nụ cười tà mị, anh nhìn cô, trầm giọng hỏi: “Sao vậy? Đau eo hả em?”
Hà Điền nhìn anh chằm chằm, trừng mắt một hồi khóe miệng không khỏi nhếch lên, tàn nhẫn trầm giọng: “Hừ, đêm nay sẽ cho anh biết thế nào là sự lợi hại của em!”
“Làm ơn cho anh biết ngay bây giờ đi mà!” Dịch Huyền quăng mái chèo chồm về phía trước, chiếc thuyền đầy cỏ lắc lư dữ dội.
“Á, buông em ra, thuyền sắp lật rồi!”
“Lật rồi thì lật lại!”
“Lúa Mì sắp rớt rồi!”
“Nó có thể bơi mà!”
“Cỏ sắp đổ kìa!”
“Thôi anh đợi vậy.”
Lúa Mì ngồi ở đuôi thuyền: Tui còn không bằng một bó cỏ?!
Nó có thể hiểu được, cỏ sẽ bị phân tán khi rơi xuống nước, không thể nhặt về được. Còn nó thì cho dù có rơi xuống ở đâu thì cũng đều có thể bơi về.
Về đến nhà, cả hai mang cỏ về nhà gỗ trước, cột thành bó rồi treo lên giá tre cho khô, kiểm tra kỹ những cành dâu đã cắt, mấy con tằm mang về thì được nuôi ở trên nia tre. Họ tuốt 70% đến 80% lá trên nhánh rồi đem ngâm trong chậu nước đặt trong bóng râm. Trước đó họ đã có cho thêm hai muỗng tre bột xương vào trong nước và khuấy đều.
Đã bốn, năm giờ chiều, tơ quay xong đã được phơi khô, Hà Điền cẩn thận cất kỹ, Dịch Huyền thu nhộng tằm trong máy ươm tơ lại cất vào hầm, máy ươm tơ thì được đẩy vào xưởng mộc, sau đó anh lục lọi tìm kiếm trong số những dụng cụ nhàn rỗi, muốn tìm xem có dụng cụ hoặc bộ phận nào thích hợp để làm một chiếc máy cắt cỏ hay không.
Khi cắt cỏ, thu hoạch kê đều phải cúi lưng, dùng một tay giữ thân cây kê sát mặt đất, giữ chặt, tay còn lại thì cầm liềm cắt.
Nếu có thể chế tạo thành công một chiếc máy cắt cỏ, thì không chỉ hữu ích cho mỗi việc cắt cỏ và thu hoạch kê, mà Dịch Huyền còn muốn làm thêm gạch bê tông gai dầu, cũng có thể dùng nó để cắt sợi gai.
Trong khi anh đang tìm tòi nghiên cứu ở trong xưởng thì Hà Điền xách giỏ ra vườn rau.
Năm nay bí đỏ cũng phát triển rất tốt. Mà đó cũng là điều tất yếu, vì trước khi trồng bí đỏ họ đã đem đất trồng dọn một lượt. Mặc dù quả bí to nhất chỉ mới cỡ ngón tay út nhưng những bông bí vàng rực có ở khắp nơi, từng chùm từng chùm nở rộ giữa những chiếc lá to xanh thẫm.
Hà Điền hái mười mấy bông bí đỏ, bỏ vào giỏ, đứng trên dốc nhìn xuống.
Cô đột nhiên lắc đầu: “Ngốc quá, ngốc quá đi mất!”
Nói xong cô xách giỏ chạy đi tìm Dịch Huyền: “Anh, sao hai người chúng ta không nghĩ đến việc trồng cỏ ở sườn bãi sông?”
Dịch Huyền đang trèo lên một chiếc thang gỗ để tìm kiếm gì đó, nghe vậy thì sững sờ, rồi bật cười: “Đúng vậy! Sau này chúng ta cũng sẽ không chỉ nuôi mỗi hai con cừu!” Anh nhảy xuống thang, nắm chặt tay Hà Điền cười ngây ngô: “Vợ này, em có muốn cùng anh mở trang trại và làm nông dân không?”
Gần sông là một mảnh đất dốc rộng lớn, rải rác đá cuội lớn nhỏ, một số lũa, cành chết, lá theo gió bay đến, dưới lớp đá cuội là một lớp phù sa.
Bởi vì mực nước của sông dao động theo thời gian trong năm, Hà Điền chưa từng nghĩ đến việc sẽ trồng cây gì trên đó.
Tuy nhiên, trong các khe nứt giữa các bãi đá cuội, cỏ dại và một số cây cỏ vẫn mọc um tùm.
Dịch Huyền đứng trên sườn dốc chỉ tay: “Ngày mai chúng ta sẽ đào một số loại cỏ dại mà chúng ta thích trồng bên sông, đem chúng về rồi ném xuống dưới dốc trước.”
Nơi mà anh đang nói đến là con đường nơi sườn đồi tiếp nối với đá cuội, một bên là bãi cỏ xanh, bên kia là bãi đá cuội xanh xám.
“Được rồi. Trồng hên xui vậy! Sống được hay không thì tùy duyên.”
Với kinh nghiệm từ việc những hạt sen được ném xuống sông và suối phát triển tốt hơn những hạt được chăm sóc cẩn thận ở nhà, giờ thì Hà Điền là một người trồng có suy nghĩ rất thoáng, tùy duyên.
Sau khi thảo luận, cả hai quay lại làm việc.
Dịch Huyền tiếp tục lục lọi các hộp và tủ, Hà Điền thì đến nhà kính và chọn một số quả dưa leo đầu tiên phát triển trong năm nay.
Cô rửa sạch dưa leo và hoa bí ở trong nước suối, đem về đặt ở trên bàn bếp, sau đó lấy tinh bột khoai lang làm hồi năm ngoái ra.
Cô múc ba chén tinh bột khoai lang, đổ vào chậu, thêm gần bốn chén nước lạnh rồi khuấy đều, sau khi khuấy xong lại cho qua rây. Sau đó bắc một cái nồi lớn lên bếp, tăng lửa, cho hai chén nước vào, đợi nước sôi thì rút củi, đổ từ từ hỗn hợp bột khoai lang đã khuấy đều vào, vừa nấu vừa khuấy.
Sau khi nấu một lúc, tinh bột khoai lang còn trắng như tuyết trước đó không lâu dần trở nên sền sệt, màu trở nên sẫm hơn, dần trở nên trong mờ.
Sau khi tất cả bột dính trong nồi trở nên trong suốt và có màu nâu nhạt, Hà Điền lấy nồi ra và đổ tất cả vào một cái hộp sắt vuông có tráng một lớp mỡ mỏng.
Cô dùng khăn vải bọc chiếc hộp sắt lại rồi cho vào thùng lạnh trong hầm.
Vì muốn nấu ăn cho mấy người đến hỗ trợ và dự trữ thịt tươi nên khi mùa xuân bắt đầu, Hà Điền và Dịch Huyền đã vớt rất nhiều tảng băng lớn dày gần chục cm từ sông rồi cho lên xe kéo về nhà.
Những khối băng luôn được bọc trong cỏ khô và đặt trong hầm. Bên dưới được lót bao cát để phòng ngừa rò rỉ nước. Về sau, sau khi thử những tấm vách tường rỗng đợt đầu tiên, Hà Điền nảy ra ý tưởng, tại sao không làm những khối này thành thùng lạnh?
Vì vậy, họ đã sử dụng một số tấm gỗ để làm hai cái thùng lớn và nhỏ, đục các khối băng theo kích thước yêu cầu, bọc chúng bằng cỏ khô và lấp chúng vào các khoảng trống giữa hai lớp thùng để tạo thành thùng lạnh.
Thùng lạnh được ốp gỗ và phủ một lớp vải bông đã dùng cả một mùa đông để tận dụng một cách tốt nhất.
Sau khi để thạch vào thùng lạnh gần một tiếng, đến bữa tối, hỗn hợp thạch đã đông lại hoàn toàn.
Hà Điền úp ngược chiếc hộp sắt lên thớt, và sau một tiếng “bốp”, một chiếc bánh đúc trong suốt hình vuông, màu nâu nhạt rơi ra.
Cô dùng dao cắt bánh đúc thành những lát dày hai hoặc ba milimét, dùng tay nắm lấy chúng rồi thả vào hai chiếc tô lớn bằng gốm đen, sau đó múc một muỗng lớn thịt hầm từ nồi bên cạnh cho vào.
Tiếp đó, cô cắt dưa leo thành những sợi mỏng, rắc lên trên, trộn với dầu mè, muối, một chút đường, thêm một muỗng giấm, một muỗng ớt băm nhỏ chiên trong dầu.
Cô nếm thử một sợi, “ừm” một tiếng, sau đó nếm thử một sợi nữa, cảm thấy hương vị thiếu một chút gì đó, cô đi đến nhà kính ngắt một nắm ngò, rửa sạch rồi để lên bánh đúc.
Cuối cùng, cô xé nhỏ hoa bí và rắc lên tô.
Dịch Huyền rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tô đồ ăn này, anh gắp một sợi lên, thấy thứ trong suốt, trơn trượt và run rẩy này có chút quen thuộc: “Nó là gì vậy em?”
Sau khi ăn một miếng, dưa leo non lúc hái vẫn còn dính hoa vàng nhỏ vừa giòn vừa thơm. Hoa bí sau khi thấm nước gia vị có mùi vị rất khó tả, bên trong cánh hoa vẫn còn một ít phấn hoa, ở giữa giòn và cánh hoa thì mềm, có vị ngọt nhẹ và thơm.
Dịch Huyền ăn hết nửa tô bánh đúc rồi mới đưa ra kết luận: “Làm từ tinh bột khoai lang!”
Hà Điền cười: “Đúng vậy!”
“Sao năm ngoái em không làm món này?”
“Năm ngoái ở chợ thu, người đổi khoai lang tím đã chỉ cho em phương thức này đó, hôm nay mới thử lần đầu.”
Dịch Huyền khá là hãnh diện khi có một người vợ thông minh như vậy.
Trong một buổi tối mùa hè cả người đầy mồ hôi, được ăn một tô bánh đúc chua cay như thế này, thật đúng là quá tuyệt vời.
Những cành dâu mang về nhà ngâm một ngày đêm rồi được chuyển vào đất trồng.
Hà Điền đã dùng những cây sậy chẻ đôi để đan nhiều chiếc sọt lỏng lẻo, bên trong được lót một lớp cỏ khô, đất trồng thì được đào từ bìa rừng dâu tằm mang về, hy vọng rằng điều này sẽ giúp những cành đã trồng bén rễ càng nhanh.
Những chiếc sọt này được đặt ở những vị trí bất đồng để chúng có thể tiếp xúc với các cường độ ánh sáng mặt trời khác nhau. Sau khi quan sát thấy nơi nào cành khỏe nhất thì di chuyển các sọt còn lại.
Khoảng một tuần sau, gần một nửa số cành dâu mọc chồi lá mới, điều này cho thấy việc chiết cành đã thành công.
Hà Điền vui vẻ ôm Dịch Huyền: “Em biết mà! Em biết chúng ta có thể thành công!”
Năm sau, khi cây dâu lớn lên, họ sẽ khai khẩn một mảnh rừng gần nhà và biến nó trở thành rừng dâu.
Tiếng ếch nhái trong đêm hè nối tiếp nhau, trong căn nhà gỗ văng vẳng tiếng nói cười.
Diện mạo của khu rừng này đã thay đổi rất nhiều kể từ khi ông bà của Hà Điền đến định cư, và sắp tới đây, hai bạn trẻ này sẽ còn mang đến rất nhiều thay đổi khác.