Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 9: PHẦN 4: Ông chủ




"Đầu đuôi câu chuyện là như thế," tay đối tác của tôi nói.

"Tôi chả hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao," tôi nói, môi ngậm một điếu thuốc chưa châm. "Trước hết, tôi không biết người trong tấm danh thiếp là ai. Thứ hai, tôi không tưởng tượng được tại sao ông ta lại lo ngại về một bức ảnh chụp cừu. Cuối cùng, tôi không thể hiểu nổi làm thế nào ông ta lại đình chỉ được việc xuất bản của chúng ta."

"Người trong danh thiếp là một nhân vật cánh hữu lớn. Tên tuổi và mặt mũi ông ta hầu như không bao giờ được công bố, vì thế ông ta không được biết đến rộng rãi, nhưng cậu có lẽ là người duy nhất trong lĩnh vực của chúng ta lại không biết đến ông ta là ai."

"Tôi mà, thờ ơ với mọi chuyện," là lời bào chữa yếu ớt của tôi.

"Ông ta là người cánh hữu, nhưng không phải cái được gọi là cánh hữu. Hoặc cậu có thể nói, thậm chí không phải là cánh hữu."

"Tôi không hiểu ý cậu."

"Nghĩa là không ai biết được ông ta nghĩ gì. Ông ta không có tên ở bất kỳ bài báo nào, không phát biểu trước công chúng. Ông ta không bao giờ cho ai phỏng vấn mình và không bao giờ cho chụp ảnh. Thậm chí còn không chắc là ông ta còn sống. Năm năm trước, một tay phóng viên tạp chí nắm được tin riêng ông ta dính líu vào mấy vụ làm ăn đầu tư mờ ám nào đó, nhưng câu chuyện không bao giờ được in ra."

"Tôi thấy là cậu đã nghiên cứu kỹ vụ này."

"Tôi quen biết tay phóng viên đó."

Tôi cầm chiếc bật lửa và châm thuốc. "Tay phóng viên đó giờ đang làm gì?"

"Bị chuyển sang bộ phận hành chính. Xếp tài liệu từ sáng đến tối. Truyền thông đại chúng là một thế giới nhỏ đến kỳ quặc, và tay đó nêu một tấm gương điển hình. Giống như cái sọ người treo ở lối vào một làng châu Phi vậy."

"Hiểu rồi," tôi nói.

"Nhưng chúng ta biết được thân thế thời trước chiến tranh của ông ta. Ông ta sinh ra tại Hokkaido năm 1913, đến Tokyo sau khi tốt nghiệp một trường bình thường, liên tục đổi nghề, và có chiều hướng ngả sang cánh hữu. Tôi tin là ông ta bị cầm tù một lần. Khi được thả, ông ta đến Mãn Châu, tại đó ông ta dính líu đến thành phần cấp cao của Đội quan Quan Đông và tham gia vào một mưu đồ nào đó. Người ta không biết gì nhiều về tổ chức đứng đằng sau, nhưng ông ta bỗng chốc trở thành một nhân vật bí hiểm trong khoảng thời gian này. Người ta đồn là ông ta buôn bán ma túy, rất có thể là thật. Ông ta tung hoành kiếm chác khắp Trung Hoa đại lục chỉ để cuối cùng lên một tàu khu trục hai tuần trước khi quân đội Liên Xô tới nơi, nhanh chóng rút lui về Nhật Bản. Mang theo chiến lợi phẩm – một lượng vàng bạc khổng lồ, gần như không bao giờ cạn kiệt."

"Người ta có thể nói ông ta đã lựa chọn thời điểm chính xác đến lạ kỳ," tôi thêm vào.

"Chứ lại còn. Anh chàng của chúng ta quả thực có biệt tài nắm bắt cơ hội. Một cách bản năng, ông ta học được khi nào tấn công khi nào rút lui. Thêm nữa, ông ta luôn tập trung vào những mục tiêu đúng đắn. Ngay cả khi ông ta bị lực lượng chiếm đóng tống giam như một tội phạm chiến tranh hạng A, vụ xử ông ta bị ngắt nửa chừng và không bao giờ mở lại. Bề ngoài vì lí do sức khỏe, nhưng sự việc đến đây trở nên khó hiểu. Có lẽ là một cuộc thương lượng đã được dàn xếp với người Mỹ, vừa lúc MacArthur nhắm đến Trung Hoa đại lục."

Tay đối tác của tôi lôi một cây bút bi khác ra khỏi khay bút và bắt đầu quay quay giữa các ngón tay.

"Khi được thả ra khỏi nhà tù Sugamo, ông ta lấy nửa số vàng trả lương cho toàn bộ một phe cánh của đảng bảo thủ. Nửa kia được dùng để mua ngành quảng cáo. Nên lưu ý rằng việc này xảy ra vào cái thời quảng cáo chẳng là gì ngoài mấy tờ rơi rẻ tiền."

"Tài nhìn xa trông rộng. Nhưng phải có khiếu nại về việc che giấu quỹ chứ?"

"Không hề có chuyện đó. Hãy nhớ ông ta đã mua toàn bộ phe cánh của đảng bảo thủ."

"À."

"Quay lại câu chuyện, ông ta dùng tiền để lũng đoạn thị trường cả về chính trị lẫn quảng cáo, lập nên một nền tảng quyền lực còn phát triển đến tận ngày nay. Ông ta không bao giờ xuất đầu lộ diện vì ông ta không cần làm vậy. Chừng nào ông ta còn nắm giữ được một số nhân vật trung tâm nhất định của bên cầm quyền chính trị và những mảng cốt lõi của nghành quan hệ công chúng, không có gì mà ông ta không làm được. Cậu có hiểu kiểm soát nghành quảng cáo có nghĩa gì không?"

"Chắc là không."

"Kiểm soát ngành quảng cáo có nghĩa là nắm trong tay gần như toàn bộ các ngành xuất bản, truyền thanh và truyền hình. Không có một chi nhánh xuất bản hay đài truyền thanh nào lại không phụ thuộc cách này hay cách khác vào quảng cáo. Vì như thế sẽ giống như bể cá không có nước. Tại sao, vì chín mươi lăm phần trăm thông tin đến được với cậu đã được chọn lọc và trả tiền trước."

"Có một điều tôi vẫn không hiểu," tôi nói. "Tôi hiểu đoạn cậu nói người đàn ông của chúng ta nắm trong tay các ngành truyền thông, nhưng làm thế nào ông ta lại đình chỉ được bản tin PR cho một công ty Bảo hiểm nhân thọ? Bản tin thậm chí không qua tay bất kỳ người đại diện chủ yếu nào cơ mà. Đó là một hợp đồng trực tiếp."

Tay đối tác của tôi ho húng hắng, rồi uống cạn chỗ còn lại của tách trà lúa mạch giờ chỉ còn âm ấm. "Cổ phiếu. Đó là nguồn doanh thu chủ yếu của ông ta. Thao túng thị trường, cưỡng chế người khác, kiểm soát công ty bằng cách mua đa số cổ phần, mọi thứ. Đám nhân viên phụ trách thông tin thu thập tất cả thông tin cần biết để ông ta tùy ý lựa chọn. Chỉ một phần nhỏ xíu của những gì đang thật sự diễn ra được công bố. Tất cả những tin khác được để dành cho Ông Chủ. Tất nhiên, không hề có sức ép lộ liễu, nhưng có lúc sự việc trở nên gần giống như hăm dọa. Và nếu như hăm dọa không ăn thua, ông ta rỉ tai đám con buôn chính trị để thúc đẩy vụ việc."

"Công ty nào mà chẳng có một hai điểm yếu."

"Công ty nào cũng có bí mật mà họ không muốn nổ ra ngay giữa cuộc họp cổ đông hàng năm. Trong hầu hết trường hợp, họ nghe theo lời phán quyết. Tóm lại, Ông Chủ ngồi chễm chệ trên nền tảng tam giác quyền lực gồm chính trị gia, dịch vụ thông tin, và thị trường cổ phiếu. Vậy là như cậu có lẽ đã đoán ra, đối với ông ta xóa sổ một bản tin PR và là chúng ta phá sản dễ như bóc trứng vậy."

"Hừm, vậy thì nói tôi nghe tại sao một nhân vật quyền lực không muốn rời cái cương vị ấy lại nổi giận vì một bức ảnh phong cảnh Hokkaido?"

"Câu hỏi hay đấy," tay đối tác của tôi nói. "Tôi cũng đang sắp sửa hỏi cậu câu đó."

Tôi chỉ biết nhún vai.

"Vậy nói xem, làm thế nào cậu biết toàn bộ việc này liên quan đến cừu?" tay đối tác của tôi hỏi. "Có điều gì kỳ cục diễn ra sau lưng tôi không?"

"Có đám tiểu yêu không tên trong rừng đang bận quay bánh xe ấy."

"Làm ơn giải thích cho tôi nghe được không?"

"Giác quan thứ sáu."

"Thôi đi nào," tay đối tác thở dài. "Mà thôi, để tôi cho cậu biết hai diễn biến mới nhất. Chỉ để điều tra tí chút, tôi gọi điện cho tay cựu phóng viên tờ nguyệt san kia. Có tin đồn Ông Chủ đang nằm bẹp một chỗ vì bệnh xuất huyết não, nhưng tin này chưa được chính thức xác nhận. Mẩu tin còn lại liên quan đến người đàn ông tới đây. Hóa ra hắn là thư ký riêng cho Ông Chủ, nhân vật thứ hai của ông ta, người ông ta giao phó thật sự quản lý cả tổ chức. Người Mỹ gốc Nhật, tốt nghiệp Stanford, làm việc cho Ông Chủ mười hai năm nay. Bản thân hắn ta cũng là người bí hiểm. Hiển nhiên là người khôn ngoan sắc sảo. Đó là tất cả những gì tôi tìm hiểu được."

"Cám ơn nhé," tôi nói, thật sự có ý như thế.

"Không có gì," tay đối tác thậm chí không liếc về phía tôi.

Dù có nhìn theo góc độ nào, khi tay đối tác của tôi không uống rượu hắn là kẻ bình thường hơn tôi nhiều. Hắn ngây thơ hơn, chu đáo với người khác hơn, và suy nghĩ có tổ chức hơn. Nhưng trước sau gì hắn sẽ tự làm ình say mèm mà thôi. Không phải là một ý nghĩ an ủi được ta chút nào rằng những người hơn mình lại sụp đổ trước mình.

Ngay sau khi tay đối tác của tôi rời phòng, tôi lôi một chai whisky ra khỏi ngăn kéo của hắn mà rót ình một ly.