Cuộc Gọi Từ Thiên Thần

Chương 39




Sáng hôm sau

Mặt trời mọc trên nền trời quang đãng chiếu những tia nắng lấp lánh xuống thành phố màu xà cừ.

Oằn mình dưới lớp tuyết dày tới sáu mươi phân, New York bị cắt lìa khỏi thế giới. Hàng đống tuyết chắn ngang các đường phố và vỉa hè. Hôm nay, xe buýt và taxi ở nguyên trong bãi đỗ, tàu ở nguyên trong ga và máy bay không rời khỏi đường băng. Trong ít nhất là vài giờ đông hồ, Manhattan trở thành một khu thể thao mùa đông rộng mênh mông. Xỏ ván trượt tuyết hoặc giày chuyên dụng, nhiều người dân New York vẫn thách thức cái lạnh bất chấp chấp giờ sáng sớm và lũ trẻ đã thỏa thích vui đùa: Đua xe trượt, ném tuyết, đắp người tuyết với những thứ phụ kiện kỳ khôi.

Tay cầm cốc, tay kia cầm gói giấy bìa Jonathan thận trọng bước xuống vỉa hè đóng băng. Anh đã trải qua gần hết đêm tại sở cảnh sát để tham dự một cuộc họp tổng kết dài cùng cảnh sát địa phương và những người có vai vế của FBI, cơ quan phụ trách việc bảo vệ Danny từ nay trở về sau.

Kể cả thận trọng đến thế, rốt cuộc anh vẫn bị sẩy chân trên sân trượt băng đó. Như một diễn viên xiếc chuyên giữ thăng bằng, anh túm lấy mấu cột đèn đường, làm thứ chất lỏng nóng bỏng sánh lên tận nắp chiếc cốc trên tay. Anh nhẹ cả người khi bước qua ngưỡng cửa bệnh viện St. Jude nằm ở rìa khu Chinatown và Financial District.

Anh đi thang máy lên tầng trên nơi Alice đang được chữa trị. Ngoài hành lang có một đám đông cảnh sát mặc đồng phục đang gác trước cửa phòng bệnh.

Jonathan trình giấy ủy nhiệm trước khi đẩy cửa bước vào. Nằm dài trên giường, ống truyền gắn vào cánh tay, Alice đang được chăm sóc. Cô bé ngước mắt về phía anh, và vẫn hơi choáng váng, nở một nụ cười khiến gương mặt xinh xắn rạng rỡ hẳn lên. Việc truyền nước đã phát huy tác dụng nhiệm màu: Mặt Alice hồng hào trở lại và cho thấy vẻ bình tâm đáng kinh ngạc sau những gì cô bé vừa phải trải qua. Anh cười lại với Alice, vẫy tay ra hiệu để cô bé biết rằng anh sẽ lại ghé qua ngay khi y tá rời đi.

Jonathan đi tiếp tới tầng có phòng bệnh nơi Madeline điều trị. Khi đi ngang qua một xe đẩy kim loại, anh lấy một khay nhựa rồi để tách sô cô la nóng lên trên. Anh mở hộp các tông, lấy ra ba chiếc bánh kẹp và bày biện sao cho hài hòa nhất. Cuối cùng, khi nhìn thấy một vành hoa trắng treo trên tường, anh bèn ngắt trộm một nhành hoa chân ngỗng để lên khay cho đẹp mắt.

- Bữa sáng tới đây! Anh dõng dạc khi bước vào phòng.

Anh cứ nghĩ Madeline chỉ có một mình, nhưng hóa ra còn có cả đại úy Delgadillo, một trong những trụ cột của sở cảnh sát New York: Một người Mỹ gốc Latinh cao lớn với hàm răng trắng lóa vả vẻ nghiêm nghị cố hữu. Ăn mặc chải chuốt, nét mặt khinh khỉnh, viên cảnh sát không thèm nhìn anh lấy một mảy may.

- Tôi chờ câu trả lời của cô từ giờ đến cuối tuần này, cô Greene ạ, ông ta nói chắc nịch trước khi rời khỏi phòng.

Madeline đang nằm dài trên giường. Mới ngày hôm trước, cô đã bị gây mê toàn thân. Cuộc phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, nhưng những vết cắn đã hằn sâu vào da thịt cô nên dấu vết cuộc đụng độ với đàn chó đô gơ sẽ còn lưu lại mãi.

- Thứ này dành cho em sao? Cô hỏi và nhón lấy một chiếc bánh.

- Vị va ni, sô cô la, kẹo dẻo marshmallow. Những chiếc bánh kẹp ngon nhất New York đấy, anh cam đoan.

- Một ngày nào đó anh sẽ tự tay làm món bánh này cho em thưởng thức chứ? Anh biết là em vẫn chưa được nếm những món anh làm mà!

Anh gật đầu rồi ngồi xuống giường cạnh cô.

- Anh đã gặp Alice chưa? Cô hỏi.

- Anh vừa gặp ban nãy. Cô bé đang dần bình phục rồi.

- Thế còn bên sở cảnh sát, mọi việc trôi chảy chứ anh?

- Anh nghĩ vậy. Họ nói với anh là đã tới đây lấy lời khai của em?

- Vâng, thông qua người trung gian anh đã gặp ban nãy đó. Anh sẽ không bao giờ đoán ra đâu: Ông ấy đề nghị nhận em vào làm việc!

Thoạt tiên anh cứ ngỡ cô đùa, nhưng cô tỏ ra hết sức hào hứng:

- Cảnh sát điều tra tham vấn cho sở Cảnh sát New York!

- Em sẽ nhận lời ư?

- Em nghĩ vậy. Em rất mê hoa, nhưng cái ghế cảnh sát này ngấm vào máu em mất rồi.

Jonathan lặng lẽ gật đầu rồi đứng dậy để vén gọn rèm. Ánh nắng chan hòa trong căn phòng nhưng Madeline lại thoáng rùng mình vì lạnh. Tương lai cuộc sống chung giữa họ sẽ thế nào đây? Trong vài ngày qua, họ đã sống trong cơn say với hiểm nguy. Những thử thách họ đã cùng vượt qua dữ dội tới mức hẳn nhiên sẽ vạch ra một ranh giới trong cuộc sống của họ. Mỗi người lần lượt nắm giữ mạng sống của người kia trong tay. Họ đã đặt trọn niềm tin vào nhau, họ đã bù trừ cho nhau, họ đã yêu nhau.

Còn bây giờ?

Cô quấn chăm quanh mình và tiến về phía khung cửa kính nơi anh đang đứng. Cô sắp hỏi anh câu đó thì anh lại lên tiếng trước:

- Em nghĩ sao về nơi này? Anh hỏi rồi đưa cho cô chiếc điện thoại di động.

Trên màn hình điện thoại, cô xem lần lượt những bức ảnh chụp một ngôi nhà cổ kính với mặt tiền bằng đất nung nằm trên một con phố nhỏ thuộc Greenwich Village.

- Đẹp thât, nhưng sao anh lại hỏi em chuyện đó?

- Nó đang được rao bán. Chỗ đó có thể trở thành một nhà hàng xinh xắn. Anh đang nghĩ mình sẽ thử sức.

- Thật chứ! Mà đó không phải một ý tồi đâu, cô thì thầm, không giấu nổi niềm vui.

Anh chọc cô:

- Thu xếp như vậy để nếu em ở lại New York thì anh sẽ có thể giúp em điều tra phá án.

- Giúp em điều tra phá án ư?

- Đúng quá đi ấy chứ. Anh để ý thấy em thường xuyên cần đến bộ não nhạy cảm của anh để gỡ rối mà.

- Đúng thật, cô thừa nhận. Còn em, để đổi lại, em có thể giúp anh nấu nướng!

- Hừm..., anh chép miêng vẻ ngờ vực.

- “Hừm” gì chứ? Anh nên nhớ là em cũng rành các công thức nấu ăn đấy! Em đã kể với anh chuyện bà em là người gốc Scotland chưa nhỉ? Bà đã truyền lại cho em bí quyết dạ dày cừu nhồi trứ danh của bà đấy nhé.

- Khiếp thật! Mà tại sao lại không có món bánh pudding trộn mỡ cật bê nhỉ!

Jonathan đẩy tấm cửa kính trượt sang một bên. Gắn bó trong sự thân tình vừa tìm lại được, họ bước ra khoảng ban công nhỏ trông ra sông East và cầu Brooklyn để tiếp tục cuộc trò chuyện bông lơn đó.

Không khí trong lành và bầu trời trong như pha lê. Nhìn tuyết lấp lánh dưới nắng, Madeline nhớ tới câu được Alice chép lại ở trang đầu cuốn nhật kí: “Những năm tháng đẹp nhất đời người là những năm tháng ta còn chưa sống qua.”

Sáng hôm nay, cô bỗng muốn tin vào câu nói ấy...

The End

Lời tác giả

Cảm ơn

Laurent Tanguy.

Tiệm hoa của Madeline vẫn tồn tại! Nói cho cùng thì gần như là thế... Nhất là khi cảm hứng về nó đã được gợi lên trong tôi nhờ Khu vườn tưởng tượng tuyệt đẹp của Laurent Tanguy nằm ngay trên phố La Michodière tạo Paris. Cảm ơn Laurent vì những giai thoại cô đã kể, sự nhiệt tình của cô và niềm đam mê dành cho nghệ thuật cắm hoa rất dễ lây cho người khác.

Pierre Hermé.

Cảm ơn vì đã dành thời gian soi sáng cho tôi về “cơ chế” sáng tạo những món tráng miệng của anh. Cuộc trò chuyện giữa chúng ta đã bồi đăp thêm trí tưởng tượng của tôi dành cho những cảm hứng sáng tạo của Jonathan.

Maxime Chattam và Jessica.

Cảm ơn Max vì đã hướng dẫn tôi trong chuyến tham quan “Brooklyn của Brolin”. Chuyến đi dạo của chúng ta ngày 25 tháng Mười hai 2009 trên bán đảo Coney siêu thực và tràn ngập tuyết chính là một kỉ niệm tuyệt vời được sử dụng làm khung cản nền cho những chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết này.

Các bạn, độc giả thương mến, những người từ nhiều năm qua đã dành thời gian viết cho tôi để chia sẻ những suy ngẫm và duy trì cuộc đối thoại.

Và “người phụ nữ không quen ở sân bay”.

Người đã vô tình đổi điện thoại di động của mình với điện thoại di động của tôi vào một ngày tháng Tám 2007 tại Montréal, bằng cách đó mà gieo vào tâm trí tôi tình tiết khởi nguồn câu chuyện này...

Nơi chốn và nhân vật...

Một vài độc giả biết rõ thành phố Manchester hẳn sẽ ngạc nhiên khi tôi cho Madeline và Danny lớn lên tại Cheatam Bridge trong khi có một khu phố có thật mang tên Cheatam Hill. Không, tôi không nhầm lẫn gì hết. Nhưng tôi cảm thấy cần phải sáng tạo một khu phố để viết nên thời thơ ấu của họ: Đối với tôi, tiểu thuyết là một thế giới song hành.

Ngược lại Juilliard School, ngôi trường dạy biểu diễn nghệ thuật tuyệt vời ở New York, là hoàn toàn có thật. Đó là một địa điểm tuyệt vờ cho nghệ thuật và văn hóa: Các học sinh có cơ may rèn giũa tài năng của mình ở đó mà không cần lo lắng chút nào, cảnh tượng khủng khiếp mà tôi đã đặt vào đó chỉ là tưởng tượng không hơn không kém.

Trong những chỗ ngầm hiểu điểm xuyết cho cuốn tiểu thuyết này, các bạn sẽ nhận thấy qua chú vẹt Boris một chút lòng cảm phục Hergé cùng nhân vật thuyền trưởng Haddock dữ dằn của ông, trong khi rõ ràng có một đoạn trích của ca khúcFernande nổi tiếng của Brassens (tái bản lần thứ 57) được sử dụng trong đoạn mở đầu

Lời cuối cùng. Từ nhiều năm nay, tôi ghi lại những câu khiến mình mơ mộng hay khiến mình cười, khiến mình xúc động, hay thậm chí gây cho mình ấn tượng mạnh. Chúng đã, từ cuốn sách này tới cuốn sách khác, nhấn mạnh điều tôi cố gắng truyền tải qua các chương sách.

Các độc giả Pháp và độc giả ngoại quốc đều quan tâm đến chúng và tôi nhận được ngày càng nhiều tin nhắn hỏi tôi trích từ đâu ra. Tôi thật vui vì những lời mở đầu mỗi chương đó là những cánh cửa mở ra vũ trụ của một tác giả khác.