Cung Tường Vãn Tâm

Chương 92: Buộc tội




Thuần thái phi là người có chuyện xưa, thế nên buổi sáng khi dạy bảo hạ nhân, Triệu Thanh Uyển cố tình nhấn mạnh không cho phép ai bàn luận về chủ tử.

Có điều nàng chỉ có thể quản lý miệng của hạ nhân ở Phượng Nghi Điện, không thể với tay tới miệng của đám đại thần trong triều.

Khi Tiêu Sát thượng triều sớm, Lễ Bộ thị lang Vu Đình Nhạc thuộc phe phái của Trâu tướng tham tấu: "Hoàng thượng, vi thần có việc muốn bẩm tấu!"

"Vu ái khanh cứ nói."

"Hoàng thượng, vi thần nghe nói hôm qua hoàng hậu từ lãnh cung trở về Phượng Nghi Điện đã đón Thuần phi Trịnh thị của Tiên đế đi theo, hiện đang được sắp xếp ở thiên điện của Phượng Nghi Điện. Vi thần cảm thấy hành động này của hoàng hậu cực kỳ không ổn. Trịnh thị thất trinh thất đức, đích thân tiên đế đã hạ chỉ giam cầm bà ta ở lãnh cung cả đời. Bây giờ hoàng hậu làm trái ý chỉ của tiên đế, tự tiện thả Trịnh thị ra khỏi lãnh cung, còn sắp xếp ở Phượng Nghi Điện. Hành động này chẳng khác nào làm tổn hại thanh danh của hoàng hậu, hoàng thượng và cả hoàng thất, cũng là khinh nhờn ý chỉ của tiên đế, nếu tiên đế ở dưới suối vàng có biết chắc chắn sẽ tức giận trách hoàng hậu bất kính, bất hiếu và bất trung. Vi thần cho rằng hoàng thượng nên bảo hoàng hậu lập tức đưa Trịnh thị vệ lãnh cung, một là vâng theo ý chỉ của tiên đế, hai là làm gương tốt cho Đại Phụng ta."

Vu Đình Nhạc vừa dứt lời, lập tức có đại thần khác đứng ra phụ họa: "Vi thần tán thành!"

"Vi thần cũng tán thành!"

"Vi thần cũng tán thành!"

Tiêu Sát ngồi trên long ỷ cố nén cơn giận.

Trâu tướng đứng đầu chúng đại thần thì nhếch môi cười lạnh.

Nữ nhi của ông ta chỉ tát một quý nhân nhỏ bé vài cái, Tiêu Sát đã mượn việc này cấm túc nàng ta ba tháng.

Bây giờ hoàng hậu đã cùng công chúa ra khỏi lãnh cung, còn nữ nhi đáng thương của ông ta vẫn bị giam lỏng ở Y Lan Điện.

Cứ tiếp tục như vậy Lan phi sao có thể được sủng ái?

Sao có thể tranh với hoàng hậu, Dĩnh phi và Lương phi đây?

Chỉ cần nghĩ tới việc này, Trâu tướng lại không vui, vì thế hôm nay mới sai người mượn việc của Trịnh thị làm khó Tiêu Sát và Triệu Thanh Uyển, trút giận thay nữ nhi của mình, giúp nàng ta giải trừ cấm túc trước, đồng thời cũng cho hoàng đế đầy nhuệ khí như Tiêu Sát biết nguyên lão tam triều như ông ta không dễ bị hắn bắt nạt!

"Các khanh đều cảm thấy hoàng hậu không nên thả Trịnh thị ra khỏi lãnh cung à?"

"Hồi hoàng thượng, vi thần cảm thấy không nên."

"Vi thần cũng cảm thấy không nên."

Phe phái của Quách tướng và người của Đoạn lão tướng quân phụ thân của Dĩnh phi đều im lặng, giữ thái độ đứng ngoài cuộc.

Tiêu Sát quan sát đám người bảo thủ nhưng nhiều tâm kế này, cố kìm cơn thịnh nộ, hỏi Quách tướng: "Quách tướng thấy sao? Trẫm muốn nghe ý kiến của ông."

Tiên đế sớm đã băng hà, Trịnh thị chỉ là một tội phi vô quyền vô thế mà thôi.

Những việc hậu cung râu ria Quách tướng vốn không muốn xen vào.

Nhưng ông ta có thể nhìn ra phe phái của Trâu tướng muốn lợi dụng việc này để có lợi, mà người cuối cùng có lợi chính là Trâu tướng.

Một khi có lợi với Trâu tướng thì sẽ là bất lợi với ông ta.

Huống hồ hoàng hậu dám thả Trịnh thị chắc chắn phải được hoàng thượng đồng ý.

Ông ta không muốn trái y hoàng thượng, vì thế đáp: "Hồi hoàng thượng, tuy tiên đế từng hạ chỉ giam cầm Trịnh thị ở lãnh cung cả đời, có điều lãnh cung là một bộ phận của hậu cung, mà chủ nhân của hậu cung bây giờ là hoàng thượng và Triệu hoàng hậu. Vậy nên vi thần nghĩ xử lý người ở lãnh cung và việc trong hậu cung thế nào là quyền của hoàng thượng và Triệu hoàng hậu. Vi thần thân là đại tần tiền triều, việc nên quan tâm là quốc gia đại sự, không nên xen vào việc hoàng thượng và hoàng hậu quản lý hậu cung thế nào."

Thấy Quách tướng hùa theo hoàng đế, chuyên đối nghịch với mình, không đợi Tiêu Sát lên tiếng, Trâu tướng đã uy nghiêm phản bác: "Quách tướng nói vậy sai rồi. Tiền triều hậu cung xưa nay rắc rối khó gỡ. Trịnh thị kia thất trinh thất đức, từng làm tổn hại đến mặt mũi của tiên đế và hoàng gia, nay hoàng hậu tự tiện thả bà ta ra, còn sắp xếp bà ta ở Phượng Nghi Điện bầu bạn, hành động này chắc chắn sẽ khiến bá tánh Đại Phụng phê bình, nghi ngờ hoàng hậu và Trịnh thị kia thông đồng làm bậy, đều là người thất trinh thất đức."

Nghe Trâu tướng mượn cơ hội mắng Triệu Thanh Uyển, Tiêu Sát ngồi trên long ỷ cao cao nắm chặt tay thành đấm, hận không thể lập tức lao xuống đánh vào cáo miệng chó không phun được ngà voi của ông ta.

Có điều hắn vẫn cố nhịn, chỉ nhìn ông ta chằm chằm, dùng ngữ điệu lạnh như băng nhắc nhở: "Trâu tướng, ông đường đường là tả thừa tướng Đại Phụng, nói năng cho cẩn thận."

"Hoàng thượng, ngài cũng cảm thấy lời lão thần nói không xuôi tai, vậy thì sao bá tánh Đại Phụng có thể không hoài nghi hành động này của hoàng hậu được? Vậy nên vì danh dự của hoàng hậu và cả Đại Phụng, lão thần cho rằng hoàng hậu bắt buộc phải đưa Trịnh thị kia quay lại lãnh cung, vâng theo ý chỉ của tiên đế, cả đời không thả Trịnh thị ra ngoài."

Thấy Trâu tướng không cho mình mặt mũi, cũng không nể mặt hoàng thượng, rõ ràng đã chọc hoàng thượng tức giận đến nổi nghẹn thành nội thương, Quách tướng cũng có qua có lại, lớn tiếng phản bác: "Trâu tướng nói vậy cũng sai rồi. Quách mỗ thì lại cho rằng hoàng hậu đưa Trịnh thị cùng ra khỏi lãnh cung vừa hay chứng minh hoàng hậu là con người nhân đức biết giữ chữ hiếu. Quách mỗ nghe nói thời gian hoàng hậu ở lãnh cung nhiều lần bị người ta ám toán, may nhờ có Trịnh thị chăm sóc nên mới có thể bình an thuận lợi sinh An Ninh công chúa. Hoàng hậu cảm kích tình nghĩa Trịnh thị dành cho mình và An Ninh công chúa nên mới làm trái ý chỉ của tiên đế, đưa Trịnh thị ra khỏi lãnh cung, còn sắp xếp ở Phượng Nghi Điện, đích thân chăm sóc bà ấy. Cử chỉ tri ân báo đáp này cảm động trời đất, cho dù bá tánh Đại Phụng có nghị luận thì cũng là khen ngợi hoàng hậu. Chỉ có Trâu tướng suy đoán bậy bạ mới làm bẩn cử chỉ cao đẹp của hoàng hậu."

"Quách tướng nói đúng."

Hiệp này không cho Trâu tướng cơ hội phản bác, Tiêu Sát quyết đoán lên tiếng, sau đó trừng mắt nhìn Trâu tướng sắc mặt xanh mét và những đại thần buộc tội Triệu Thanh Uyển.

Hắn lớn tiếng: "Tiên đế đã qua đời, tin rằng ngài ấy ở dưới suối vàng sớm đã không còn hận Trịnh thị. Năm xưa Trịnh thị tuy thất trinh thất đức nhưng đã ở lãnh cung chịu trừng phạt mười mấy năm, trẫm tin bà ấy đã biết hối lỗi sửa sai. Đại phụng ta trước nay chú trọng có thưởng có phạt, thưởng phạt phân minh. Bây giờ Trịnh thị có ơn với hoàng hậu và An Ninh công chúa, theo lý nên được thưởng. Hôm nay trẫm chính thức hạ chỉ phóng thích Trịnh thị, biếm thành thứ dân. Hoàng hậu sắp xếp thứ dân như Trịnh thị ở Phượng Nghi Điện để làm ma ma sai vặt. Như thế chắc đã hợp lòng bá tánh Đại Phụng rồi chứ? Vu ái khanh, không biết khanh có còn dị nghị nào không?"

Dứt lời, Tiêu Sát dùng ánh mắt đằng đằng sát khí nhìn Lễ Bộ thị lang là kẻ khơi mào việc này.

Lễ Bộ thị lang thấp thỏm nhìn Trâu tướng, thấy ông ta xanh mặt, không cho ám chỉ gì, chỉ đành trả lời: "Hồi hoàng thượng, vi thần không có dị nghị."

"Các vị ái khanh khác thì sao?"

"Hồi hoàng thượng, vi thần không có dị nghị."

"Vi thần cung không có dị nghị."

Đại thần trong triều ai cũng giảo hoạt, rất biết xem hướng gió.

Mà tranh đấu trong triều xưa nay nếu không phải là gió đông ép gió tây thì là gió tây ép gió đâu.

Bên này giảm bên kia tăng, lần lượt thay phiên nhau mới ở thế cân băng.

Đương nhiên vẫn còn một trường hợp là nếu cả gió đông và gió tây đều không phải hương  gió mình muốn, Tiêu Sát sẽ nghĩ cách trấn áp cả hai hướng gió này.

Đây là bản lĩnh, uy nghiêm và quyết đoán của một đế vương cần có.

Có điều nếu hai hướng gió đều không hợp ý, điều đó có nghĩa hoàng đế như hắn không được thần tử ủng hộ, cực kỳ nguy hiểm.

Hôm nay vì việc của Triệu Thanh Uyển và Thuần thái phi, Tiêu Sát biết hắn đã làm mất nhân tâm với những lão thần có tình cảm với tiên đế.

Nhưng với hắn, điều này xứng đáng.

Mà hắn bắt buộc phải làm như vậy.

Nếu ngay cả nữ nhân hắn yêu hắn cũng không bảo vệ được thì sao hắn có thể làm nam nhân của nàng?

Làm vua của một nước chứ?