• Lời tác giả: Văn mới, mong mọi người ủng hộ nha ~
“Ngũ Cốc, ngươi có thể giống con gái hay không?”
Ta bất đắc dĩ lắc lắc đầu, buông tất cả những thứ trong tay chạy về sân nhà. Vốn dĩ ta muốn đi giúp người khác đánh nhau, có người dám bắt nạt huynh đệ của ta, vậy mà bây giờ chỉ có thể chán nản bị bắt về nhà.
Ta là con gái của chủ một nông trường, việc ta thích làm nhất chính là cưỡi con tiểu bạch mã của mình tự do đi lại trên đồng ruộng, tắm mình trong ánh nắng dịu dàng, đắm mình trong những ngọn gió mang theo hương vị của tươi mát của những ngọn cỏ non.
Ta tên Lưu Ngũ Cốc. Tên ta mặc dù rất nam tính, nhưng ta là một cô nương hàng thật giá thật. Bắt đầu từ ngày ta sinh ra, mỗi ngày gia đình ta đều lầm bầm rằng sau này khi sinh ra con trai thì gọi là Lưu Phong Đăng, ngũ cốc bội thu (1), đúng thực là ý tốt. Nhưng mà cho đến tận bây giờ, gia đình ta vẫn chưa sinh ra đứa thứ hai, nên ta được xem như là con một. Tuy rằng gia đình ta có chút xem trọng con trai, nhưng tuyệt đối không xem thường nữ nhi. Bằng chứng là mỗi ngày khi ta nhìn thấy hàng xóm trên đường , câu đầu tiên ta nghe được nhât định là:
“Tiểu Ngũ, nhà ngươi lại làm gì ngon cho ngươi nữa vậy, sao lại mập lên rồi?”
Ta nhìn lại thân hình của mình, như thế này mà gọi là mập sao, rõ ràng chỉ là ốm không rõ ràng thôi.
Phía tây ở đằng sau thôn ta là vùng đất trồng hoa màu, phía đông là những mảnh ruộng lớn, còn phía bên kia đầu ruộng chính là địa bàn của ta. Ta ngẫm nghĩ xem năm nay nên trồng thứ gì, sau khi nhìn thấy từng cây củ cải trắng trẻo mập mạp, ta liền quả quyết đem củ cải trồng đầy trên mảnh đất này. Người khác hỏi ta tại sao, chính là bởi vì ta và củ cải lúc trưởng thành giống nhau như đúc trắng trẻo mập mạp rất có phúc, lại quên mất cái gọi là phúc họa tương y. (2)
Từ lúc đám cây củ cải con được chôn xuống đất, mỗi ngày có thời gian ta đều cưỡi tiểu bạch mã đi đến ruộng củ cải. Cha ta đã quen thấy ta đi qua đi lại, vẫn rất vui là ta không ăn không ngồi rồi.
Đúng là làm khó cho tiểu bạch mã của ta rồi, mỗi ngày đưa ta đi một chuyến, về nhà lại ăn nhiều hơn nửa phần thức ăn, thời gian dài như vậy mà cũng không thấy mập thêm chút nào, cao cao ốm ốm, làm cho con lừa nhà hàng xóm mỗi ngày đều đừng trước cửa nhà ta nhìn bằng đôi mắt thẹn thùng. Tiểu bạch mã của ta nhìn cũng không nhìn, ta cảm thấy nó đã nhìn trúng con ngựa mẹ của thôn bên cạnh rồi, mỗi lần dắt nó đi dạo ở đồng ruộng, ta đều muốn đưa nó đi cách xa thôn bên cạnh, nếu không nó nhất định sẽ vui mừng chạy về phía nữ thần của nó sau đó vứt bỏ ta mà đi.
Vào lúc ta mười ba tuổi, trường học vốn không cho nữ nhi đi học, như thế càng đúng ý ta. Nhưng gia đình ta là một gia đình giàu có trong thôn, cha ta không muốn ta biến thành một con ngốc không có giáo dục, cho nên đã mạnh tay bỏ tiền tân trang lại trường học từ trong ra ngoài, thêm vào đó bụng của thầy giáo chứa toàn cải trắng, khoai tây, gà vịt thịt cá của nhà ta, ông ta liền vui lòng mát dạ cho ta vào học, lại còn nói với bạn cùng trường rằng ta là nhân tài trăm năm khó tìm, có thể sẽ là một Lý Thanh Chiếu tiếp theo (3), thường vuốt râu cười híp mắt nói rằng tương lai ta nhất định sẽ trở thành người tài. Có thể trở thành Lý Thanh Chiếu hay không thì ta không biết, ta chỉ biết mỗi lần thầy giáo nói những lời này, trên răng của ông ta đều dính cải và thịt của nhà ta.
Ta đoán những lời tiên đoán của thầy giáo sẽ không thể trở thành hiện thực, bởi vì ta ngay cả một câu đối cũng đối không trúng.
Có rất nhiều người đều là cười nhạo ta, cũng có không thiếu những người có quan hệ tốt, Cẩu Đản, A Siêu ... Tên của chúng thì ta đã quên mất rồi, hoặc cũng có thể là ngay từ lúc đầu ta chưa hề nhớ qua. Tất cả những cái tên đều quá thanh cao, quá hoa mỹ, vô cùng khó nhớ, nên dứt khoát là không nhớ, thích gọi là gì thì gọi như thế đó là được.
Trong những người này, ta thích nhất là A Siêu, bởi vì hắn luôn mang lại cho ta những ý tưởng đùa giỡn mới. Nghe nói đại bá của hắn vài năm trước đã ra ngoài lang bạt kiếm sống, tự mình làm ăn phát đạt. Vốn muốn đón cả gia đình hắn vào thành ở, nhưng lão thái thái nhà hắn bất luận thế nào cũng không đồng ý, luôn muốn ở lại trông coi nhà tổ, vì thế gia đình hắn vẫn ở lại trong thôn. Còn A Siêu bình thường đều ở sau lưng làm tùy tùng cho ta.
Trời càng lúc càng nóng, củ cải của ta càng lớn càng tốt, lá cây xanh tươi, ta nghĩ phải nhanh chóng dọn dẹp một chút, nên gọi A Siêu và Cẩu Đản đến giúp ta nhổ cỏ.
“Tiểu Ngũ, chúng ta đi bộ đi, đừng mang theo tiểu mã, đợi khi nào nhổ xong chúng ta ra bờ hồ tìm cá rồi cùng nướng cá ăn, bây giờ cá đang tươi.”
Cẩu Đản thấy ta dắt con tiểu bạch mã thì vội vàng đứng dậy ngăn lại. Tiểu Bạch hình như rất không vui, thở hổn hển phun ra hai ngụm khí, Cẩu Đản nhìn thấy liền vội vàng trốn sau lưng củ A Siêu. Trước kia hắn từng bị tiểu bạch mã đá qua bởi vì hắn kéo con lừa mẹ của nhà hắn lại gần tiểu bạch của ta, sau đó ngay cả người lẫn ẫn lừa cũng đều bị đạp, phần mông bị sưng rất nhiều ngày, mỗi lần ngồi xuống ghế đều phải kêu oai oái.
Ta vuốt tiểu bạch thầm nghĩ xem rốt cuộc có nên mang nó theo hay không. A Siêu bên cạnh vẫn nói chuyện: “Ngũ Cốc, đừng mang theo nó, ra bờ sông mang theo nó rất phiền phức, hơn nữa những ngày gần đây con ngựa mẹ của thôn bên cạnh luôn được cột bên bờ hồ...”
Nghe xong nửa câu cuối, ta quyết định dắt tiểu bạch mã vào chuồng ngựa, mang theo mũ rơm chuẩn bị lên đường. Hai tên kia sau sau khi nhìn thấy cũng liền ồn ào lấy mũ rồi cùng đi với ta.
Cha ta nói rằng cho dù thế nào cũng không thể quên gốc được, nên đặc biệt phát cho ta củ cải to cỡ lòng bàn tay, ông nói để ta có thể trồng chơi. Hai năm nay trên đất của ta trồng rất nhiều rau cải, cũng không biết vì sao những cây cải này sinh trưởng rất tốt, cỏ dại cũng rất xanh tươi, chỉ cần vài ngày không nhổ sẽ che lấp luôn những cây cải của ta.
A Siêu làm việc rất nhanh nhẹn, chỉ chốc lát đã làm xong một nửa. Cẩu Đản làm một chút lại nghỉ một chút, cỏ không nhổ được bao nhiêu đã làm bị thương rất nhiều củ cải con của ta. Những cây củ cải này đều do chính tay ta đích thân trồng, nhìn thấy chúng bị thương thì đau lòng không chịu được, ta giơ chân đá hắn bay đến bờ ruộng khiến hắn có thể nhìn thấy rất nhiều sao trên đầu. A Siêu đem những cây củ cải bị thương kia chon xuống đất lần nữa, ta trừng mắt nhìn Cẩu Đản thở dài, tại sao lại có thể chênh lệch như vậy chứ?
Lúc đi đến bên bờ ruộng chỉ nghe thấy một tiếng “ai da”. Ta liền nhìn xung quanh, nhưng không phát hiện thấy có gì khác thường hết. Cẩu Đản rất thành thật ngồi trên bờ ruộng, A Siêu vẫn như trước vùi đầu nhổ cỏ, vậy tiếng ai da đó từ đâu đến vậy? Ta nghe thấy rất rõ ràng, không thể nào là lãng tai được.
“A Siêu, nhổ cỏ xong chúng ta đến bờ sông nướng cá. Cẩu Đản phụ trách bắt, chúng ta phụ trách ăn.”
Cẩu Đản nghe xong liền đứng phắt dậy: “Vì sao?”
Ta lườm hắn: “Ai biểu ngươi làm việc không tốt.”
Có thể Cẩu Đản cảm thấy đuối lý, nên đã gật đầu đồng ý với ta. Sau này A Siêu nói với ta, Cẩu Đản rất sợ ta đuổi hắn đi, thật ra hắn lo xa quá rồi, ta chỉ có thể đá hắn, chứ không thể đuổi được.
Bờ sông này cách những cây củ cải của ta rất gần, đi vài bước là đến. Bọn họ đều nói những cây củ cải của ta có thể tươi tốt như vậy là do nước sông dồi dào, nước bên đây đã nuôi lớn đám củ cải ấy, nói cũng rất có lý.
“A Siêu, nhóm lửa lên. Cẩu Đản, bắt cá đi.”
“Vậy còn ngươi làm gì?” Cẩu Đản gãi đầu hỏi ta.
“Ta? Ta phụ trách canh lửa, không cho nó đi đốt người.”
………………………
Cẩu Đản bơi rất khá, ở trong nước sờ soạng một chút liền bắt được rất nhiều cá ném lên bờ, rửa sạch chuẩn bị nướng. Những thứ do đích thân mình làm đúng là rất thơm. Thật ra thì cầm cây lên để nướng cũng được tính là làm rồi.
Sau khi no nê ta liền vỗ vai Cẩu Đản: “Lần sau lại đến nữa.”
Hắn dường như suy nghĩ rất lâu sau đó lại lắc đầu như trống bỏi.
****Chú thích:
(1): 丰登: Phong Đăng, có nghĩa là bội thu.
(2): 福祸相依: Phúc họa tương y, có nghĩa là trong phúc có học, trong họa cũng sẽ có phúc.
(3): 李清照: Lý Thanh Chiếu (1084 - mất khoảng năm 1151), hiệu Dị An cư sĩ (易安居士), là nữ tác gia chuyên sáng tác từ nổi tiếng thời nhà Tống, (Trung Quốc). Theo đánh giá của nhà văn Lâm Ngữ Đường (林語堂), thì bà là nữ thi nhân bậc nhất Trung Hoa