Công Tử Có Bệnh

Chương 19: Công tử hiền lành




Người xưa thường nói: "Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai." (1)

Quả là linh nghiệm, bệnh của ta chưa khỏi hẳn, thì quỳ thủy lại tới, bụng âm ỉ đau nhức, cả người mệt mỏi rã rời.

Bình thường ta rất khỏe mạnh, chỉ có cái tật xấu, đó là vào những ngày quỳ thủy thì bụng đau đến không làm nổi việc gì. Theo lẽ thường mà nói, ta làm nha hoàn bao năm, vốn dĩ bất kể ngày nào cũng phải làm việc. Nhưng mà công tử khoan dung, mỗi lần thấy sắc mặt ta không tốt, đều cố ý cho về phòng nghỉ ngơi sớm. Ban đầu, ta còn ngỡ rằng là trùng hợp. Về sau, trùng hợp quá nhiều lần, mới biết là chàng cố tình ưu ái.

Ta nằm ôm bụng trên giường, nghĩ vẩn nghĩ vơ, nghĩ đến chuyện này, đột nhiên cảm thấy có chút áy náy. Tuy rằng, sau này công tử có bệnh, thần trí hồ đồ, làm ra chuyện cầm thú với ta, còn muốn lợi dụng ta, nhưng ngẫm lại thì vẫn là ân nhân của ta, ân đức dày rộng, nay chàng hạ mình xuống nước, ăn nói nhỏ nhẹ, cũng chưa từng có cử chỉ gì quá trớn, ta lại ỷ vào thân phận mà sai phái chàng như thế, cũng có phần quá đáng.

Nói cho cùng, công tử có lẽ cũng không khống chế được chính mình, lại sợ mất thể diện, giấu bệnh không chịu chữa, bệnh mới càng lúc càng nặng như thế. Ta hà tất cứ phải chấp nhất với một người bệnh chứ?

Công tử vốn đã sớm mất mẹ, cha không thương, mẹ kế không ưa, bệnh tật quấn thân, sức khỏe yếu ớt, sau khi sống lại còn thêm thần trí có bệnh. Công tử rõ ràng là yêu tỷ tỷ, lại vì bảo vệ tỷ ấy mà đành buông tay, lúc nào cũng phải dối lòng giả vờ như cực kỳ thâm tình với ta, chẳng phải là mệt mỏi lắm ư?

Ta nghĩ vậy, oán giận với công tử cũng vơi đi, lại có chút thương cảm.

Thôi, thôi, nếu đã là vậy, xem như ta không có duyên xuất giá hầu chồng dạy con, sau khi về phủ, ta sẽ thử thuyết phục phụ vương gả tỷ tỷ cho công tử, còn bản thân thì cả đời ở bên phụng dưỡng phụ vương, cũng không tính là kết cục xấu.

Rốt cuộc, ta đã nghĩ thấu suốt, lòng cũng nhẹ nhõm ra.

Đúng lúc ấy, cửa kẽo kẹt vang lên, ta ngẩng đầu dậy, thấy công tử bước vào, trên tay còn bưng một bát gì đó.

Chàng bước đến bên mép giường, lay nhẹ ta dậy, khẽ nói:

"Y Y, dậy uống một chút nước gừng đường đỏ đi, bụng sẽ ấm lên, bớt đau hơn."

Ta thoáng đỏ mặt, hỏi:

"Sao... Sao công tử lại biết?"

Công tử khẽ cười, xoa đầu ta, bảo:

"Y Y ở bên ta bao năm, chỉ cần nhìn sắc mặt nàng, ta liền biết cả."

Ta nhìn bát nước gừng đường đỏ quen thuộc kia, chợt nhớ ra một chuyện, vội hỏi:

"Trước đây, mỗi lần ta đau bụng ngủ thiếp đi, khi thức dậy đều thấy có một bát nước gừng đường đỏ đặt trên đầu giường, là... là do công tử sai người chuẩn bị sao? Không phải... Không phải là Lưu bà bà nấu cho ta, cũng không phải là A Kiều?"

Kiếp trước, ta trông thấy bát nước gừng, thắc mắc hỏi Lưu bà bà là ai mang đến. Lưu bà bà bảo, là bà ấy nấu cho ta uống. Ta còn vì vậy mà cảm động đến rơi nước mắt. Sau này sống lại, Lưu bà bà không có ở Tô phủ, bát nước gừng vẫn xuất hiện, ta lại thản nhiên cho rằng là A Kiều nấu, chưa bao giờ nghĩ đến lại là công tử.

Ta ngẩn người, nhỏ giọng hỏi:

"Tại sao... Tại sao công tử chưa bao giờ nói cho ta biết?"

Công tử bật cười, hỏi lại:

"Năm Y Y mười tuổi, từng cãi vả với một nha hoàn bên Đại phòng, còn vì vậy mà cùng rơi xuống hồ sen, bị ta phạt chép một trăm lần kinh sách, tại sao thà chịu phạt vẫn một mực không chịu nói ra lý do?"

Ta im lặng, hồi tưởng lại chuyện trước kia, chỉ nhớ mang máng, năm đó tình cờ nghe nha hoàn Tiểu Lan bên Đại phòng trù rủa công tử, bảo công tử nhìn qua đã biết yểu mệnh, sống không quá hai, ba năm. Ta nhất thời tức giận, không thể nhẫn nhịn, bước tới tát cô ta một cái, Tiểu Lan liền đẩy ta xuống hồ sen, ta thuận tay túm lấy tay áo cô ấy, thế là cả hai cùng rơi xuống hồ, may rằng có người phát hiện, kịp thời cứu lên. Lúc công tử tới nơi, răn dạy ta trước mặt đại ca, bảo ta tạ lỗi với Tiểu Lan, ta lại nhất quyết không xin lỗi, vì thế mà chọc công tử giận, phạt ta chép một trăm lần kinh thư.

Chuyện cũ nghĩ lại, đã cách một đời.

Ta cúi đầu, im lặng không đáp. Công tử cũng không hỏi ép, chỉ nhẹ giọng nói:

"Mau uống đi, còn dùng cơm chiều rồi nghỉ ngơi sớm. Sáng mai phải xuất phát về vương phủ rồi."

Lần này, ta không phản kháng nữa, ngoan ngoãn cho công tử đút hết bát nước đường.

Xong xuôi, ta nằm nghỉ một lúc, công tử lại cho người bày thiện.

Bởi vì ta còn đang bệnh, bữa tối cũng chỉ là mấy món thanh đạm dễ tiêu. Trên bàn ăn, ta mới để ý thấy tay phải công tử bị băng lại, vội hỏi:

"Tại sao lại như vậy?"

Công tử không để ý lắm, qua loa đáp:

"Lúc nãy sơ ý bị bỏng mà thôi, vài ngày là khỏi, Y Y đừng lo."

Bấy giờ, ta mới biết, bàn thức ăn này là do công tử nấu, có chút kinh ngạc.

Kiếp trước, công tử thực sự là quân tử xa nhà bếp, chưa từng phải động tay đến chuyện bếp núc. Lần trước, chàng nấu cháo và bánh cho ta ăn, mùi vị quả thật tệ vô cùng, chẳng rõ làm sao mới vài tháng đã tốt lên nhiều như vậy.

Ta nhíu mày, hỏi:

"Lần này công tử lên kinh không phải để thi cử sao? Tay bị thế này, có thể khỏi trước ngày thi không?"

Công tử nghe vậy, lại chẳng buồn bã, hai mắt còn sáng rực lên, có vẻ vui sướng lắm, nói:

"Ta có thể viết bằng tay trái không kém gì tay phải, Y Y chớ lo lắng."

Ta cũng biết công tử có thể viết thuần thục bằng tay trái, nhưng nhìn bàn tay phải còn băng kín của chàng, ta vẫn áy náy trong lòng.

Ta biết, đối với công tử, công danh quan trọng đến nhường nào.

Quan trọng đến mức, năm đó, dù ta muôn vàn không muốn, cũng không dám hé môi khuyên chàng đừng rời đi.

........

Ăn tối xong, chẳng rõ công tử có việc gì, lại đi đâu mất, không nhằng nhẵng túc trực bên ta nữa.

Ta ôm túi chườm ấm trên bụng, gọi Ngân Bích, Kim Xuyến vào, nghiêm giọng hỏi:

"Hai người nói đi, rốt cuộc là ai đã luôn mang theo cây đàn tranh này? Có phải có kẻ sai khiến hai người làm vậy?"

Ngân Bích và Kim Xuyến đưa mắt nhìn nhau, vẻ mặt kinh ngạc lắm, cùng quỳ xuống đáp:

"Quận chúa tha tội! Chúng nô tỳ không dám dối gạt người, quả thật, là chính quận chúa đã mang theo..."

Ta lắc lắc đầu, nói:

"Không thể nào... Rõ ràng ta đã căn dặn không mang theo cơ mà!"

Ngân Bích run run đáp:

"Nô tỳ không dám nói dối. Lúc đó, quận chúa quả thực đã bảo không mang theo. Nhưng quay đi được mấy bước, người lại đột nhiên quay lại, cúi xuống ôm lấy nó lên xe. Chuyện này mọi người đều trông thấy..."

Ta sững người, tim bỗng nhói lên một cái, đầu đau như búa bổ.

Ta khoát khoát tay, cho bọn họ lui ra.

Nằm một mình trên giường, tâm trí ta lại không thể tránh khỏi những suy nghĩ vẩn vơ, bèn dứt khoát khoác áo ngoài vào, định bụng sẽ đi đến gian viện nọ nói mấy câu từ biệt với vị tiên sinh kia.

Ta lần tìm đường theo trí nhớ, đi tới gian viện nằm giữa biển hoa lê ấy, đang định bước vào, đằng sau bất thình lình vang lên giọng của công tử:

"Y Y đi đâu vậy, tại sao không ở trong phòng nghỉ ngơi?"

.........

*Chú thích:

(1) Có nghĩa là tai họa chẳng đến đơn lẻ mà luôn kéo tới dồn dập, còn phúc lành thì tới bất ngờ, không đến lần thứ hai.

...........

Y Y *run sợ*: Công tử, đừng phát bệnh, đừng phát bệnh...