Công Chúa Thành Vương Phi

Chương 3: Long tử Phượng sinh




Editor: Búnn.

Vào một ngày, trong Ngự thư phòng.

Thuận Khải Đế vừa mới hạ triều trở về, đang vùi đầu vào thư án, thì lại nghe Cát An hồi bẩm, Thái Tử hồi kinh, đang chờ ở bên ngoài Ngự thư phòng chờ triệu kiến.

"Tuyên." Thuận Khải Đế không ngẩng đầu, chỉ thản nhiên nói một chữ, khóe môi khẽ nhếch lên.

"Nhi thần Long Hựu khấu kiến Phụ Hoàng." Sau những tiếng bước chân rất nhỏ, một thiếu niên chừng mười một, mười hai tuổi quỳ dưới bậc thư án.

"Bình thân." Hạ lời phê bằng bút đỏ cuối cùng, đặt bút lông nhỏ khắc ngọc hình rồng lượn lên giá bút làm bằng ngọc Hòa Điền, Thuận Khải Đế ngẩng đầu lên, trong ánh mắt vốn bình tĩnh lại hiện lên vẻ yêu mến không dễ dàng nhận ra: "Thư mới truyền đến hôm kia, không phải còn hai ba ngày nữa mới về đến kinh thành sao? Sao hôm nay đã đến rồi?"

"Ngày hôm ấy, sau khi nhận được lệnh triệu kiến của Phụ Hoàng, nhi thần lập tức cáo biệt Hoàng tổ mẫu, rồi chạy suốt cả đêm không ngừng nghỉ." Thái Tử Lý Long Hựu đứng sang một bên, đôi mắt phượng rạng rỡ phát sáng rất giống Cẩn Hoàng Hậu."Hoàng tổ mẫu chỉ lưu lại Ngũ hoàng đệ bồi bên cạnh bà, lệnh cho nhi thần chớ chậm trễ, lần tế trời cầu mưa này là chuyện quan trọng. Nhi thần cũng có suy nghĩ như vậy nên nhanh chóng trở về để chuẩn bị, vì lý do đó mà cả một đường không dám nghỉ nhiều, mau mau giục ngựa trở về."

"Ừ." Thuận Khải Đế nhìn Thái tử, khẽ gật đầu, đứa nhỏ này càng trầm ổn hơn rồi: "Hoàng tổ mẫu của con có khỏe không?"

"Hoàng tổ mẫu vẫn khỏe, để phụ hoàng lo lắng rồi, tổ mẫu muốn ở lại núi Phổ Đàn thêm một khoảng thời gian nữa, để cầu phúc cho muôn dân trăm họ." Thái tử dừng lại một lát, rồi nói tiếp: "Hoàng tổ mẫu có nhờ nhi thần chuyển lời đến cho phụ hoàng, xin phụ hoàng chớ suy nghĩ lo lắng quá nhiều, phụ hoàng là minh quân, chứ không phải là Thương Trụ (1), Hạ Kiệt(2). Trận hạn hán lần này chính là khảo nghiệm trời cao dành cho phụ hoàng."

"Được rồi. Đã gặp mẫu hậu của con chưa?"

"Chưa ạ, nhi thần về đến cung, sau khi thay y phục xong thì tới yết kiến phụ hoàng trước." Thái tử lần lượt bẩm báo mọi chuyện.

"Đi gặp mẫu hậu của con đi, tránh cho nàng lo lắng."

"Nhi thần tuân chỉ." Lý Long Hựu lại khom người hành lễ, rời khỏi Ngự thư phòng đến thẳng cung của Hoàng Hậu.

Thuận Khải Đế nhìn bóng dáng Thái Tử biến mất ở cửa, môi mỏng khẽ nâng lên, lộ ra nụ cười vui mừng, mặc dù nhi tử này của ông mới mười hai tuổi, nhưng cũng đã có phong thái trầm ổn của bậc quân chủ trong tương lai, lúc giơ tay nhấc chân đều giống ông thời niên thiếu.

Sau khi xử lý xong tấu chương cuối cùng, Thuận Khải Đế xoa xoa mi tâm đang cau chặt, di giá đến Khôn Thái cung. Vừa mới đến cửa Đông Noãn các, lại nghe được tiếng Thái tử kể lại những điều tai nghe mắt thấy suốt dọc đường đến núi Phổ Đàn, cùng với tiếng cười khoan khoái nhẹ nhàng của Cẩn Hoàng Hậu.

Phất tay để tiểu thái giám khỏi truyền bẩm, ông luôn thích lặng yên không một tiếng động xuất hiện trước mặt Hoàng Hậu của ông, nhất là thích bắt gặp khoảnh khắc bà tự cho phép mình không cần đoan trang, rồi lại cố hết sức che dấu hai gò má ửng hồng kia. Môi mỏng khẽ nâng lên, Thuận Khải Để đẩy cửa bước vào.

Cách ngày tế trời cầu mưa còn có ba ngày, Thuận Khải Đế, Cẩn Hoàng Hậu và Thái Tử đi trước đến hành cung Viên Khâu, ở riêng, tắm rửa, ăn chay.

Tờ mờ sáng ngày tế trời, quan chủ trì việc lễ nghi xướng 'Đốt lửa nghênh đón thần linh'.

Thuận Khải Đế và Cẩn Hoàng Hậu mặc áo thụng, ngồi liễn từ trai cung (cung dành để ăn chay) ra, do Thái tử mặc áo phụng cưỡi ngựa trắng đi phía trước dẫn đường, phía sau có chúng Hoàng tử và văn võ bá quan đi theo, đi thẳng đến đài Viên Khâu, rồi mới hạ liễn.

Đợi đến khi bài diễn tấu nghênh đón thần linh kết thúc, khói xanh tỏa ra từ bên trong củi cháy lượn vài vòng rồi dần bay lên trời, chúng Hoàng tử và văn võ bá quan quỳ lạy trước đài, Thuận Khải Đế, Hoàng Hậu, Thái Tử cùng nhau bước lên chín chín tám mươi một bậc thang đến đỉnh đài tế trời, đứng trước bàn tế trời.

Dưới sự hướng dẫn của quan lễ nghi, quỳ lạy, dâng ba cây hương, cúng ngọc và tơ lụa, dâng tặng lễ vật, quỳ dâng rượu, quan lễ nghi cầu chúc đứng giữa đài tế, trên 'đá thiên tâm', quỳ đọc chúc văn, sau ba quỳ chín vái thì dâng lên thần linh.

Đợi đến khi nghi lễ tế trời hoàn tất, Cẩn Hoàng Hậu ngồi trong phượng liễn, dựa vào gối mềm, bỗng nhiên có cảm giác mũ phượng trên đầu nặng giống như ngàn cân, trên trán đã ướt đẫm mồ hôi, toàn thân vô lực xụi lơ giống như gân cốt bị phá gỡ, cảm giác buồn ngủ ập đến, bàn tay khẽ xoa bụng dưới vẫn bằng phẳng như cũ, trong lòng thầm nghĩ, cơ thể có thai thật sự không thể lăn qua lăn lại liên tục được.

"Đi báo lại cho Hoàng Thượng, nơi này của ta đã thỏa đáng rồi."

"Vâng." Tiểu thái giám đợi ở bên ngoài nhanh chóng bước lên lĩnh mệnh.

Liễn chậm rãi đi về phía hoàng cung, lúc đến cửa Thừa Càn, một quản sự cô cô đã sớm chờ ở đó vội vàng bẩm báo việc gấp.

"Có chuyện gì?" Anh Ngọc nâng rèm che phượng liễn lên một chút, Cẩn Hoàng Hậu hỏi.

"Bẩm Hoàng Hậu nương nương, sáng hôm nay Nghênh Tần nương nương bỗng cảm thấy không khỏe...Sau đó...Sau đó đã sinh hạ rồi...Là song sinh...Một đôi long phượng..." Quản sự cô cô ấp a ấp úng bẩm báo, có lẽ bên trong từ 'không khỏe' này có ẩn ý khác.

"À? Một đôi long phượng, rất tốt, đây còn là việc vui, truyền xuống, thưởng." Dứt lời, Cẩn Hoàng Hậu ngừng một chút, rồi lại nói: "Là chuyện vui, tại sao ngươi lại ấp úng? Không đủ tháng nên cơ thể hài nhi suy nhược sao?" Nghĩ lại đến nay thai của Nghênh Tần mới hơn tám tháng, bình thường cũng không ổn định, đứa nhỏ suy nhược cũng là điều đương nhiên.

"Vâng...nhưng...."

"Nhưng sao?" Thấy quản sự cô cô như vậy, lông mày Cẩn Hoàng Hậu cau lại, trong lòng thoáng hiện điềm xấu, trầm giọng hỏi.

"Là long tử phượng sinh, lúc tiểu hoàng tử đi ra...không...có hô hấp..." Quản sự cô cô càng nói giọng càng nhỏ, cuối cùng thì không còn nghe rõ nữa.

Cẩn Hoàng Hậu chỉ cảm thấy trước mắt biến thành màu đen, ngực cứng lại, trong lòng không ngừng nhắc lại 'Long tử phượng sinh...Long tử phượng sinh..." Hay cho một lần xuấy hiện long phượng, lại bị biến thành chuyện xấu Long tử phượng sinh, còn đúng ngày tế trời cầu mưa. Nghênh Tần à Nghênh Tần, ngươi đang làm chuyện gì đây, sao bình thường không yên ổn chờ sinh chứ.

"Đã bẩm báo Hoàng Thương chưa?" Cẩn Hoàng Hậu giống như nhớ ra chuyện gì, vội vàng hỏi.

"Nô tỳ chưa..."

"Được rồi." Cẩn Hoàng Hậu khẽ khoát ống tay áo: "Lui xuống đi, việc này có ta báo Hoàng Thượng." Tế trời trở về lại gặp chuyện không lành, Hoàng Thượng vốn lo lắng chuyện hạn hán, nếu như Hoàng Thượng biết thêm chuyện này, sợ là sẽ thêm lo lắng, đương nhiên sẽ cần phải khuyên bảo một chút.

Sau ba tháng kể từ ngày tế trời cầu phúc, trời vẫn không rơi lấy một giọt mưa. Lời đồn đãi trong cung càng ngày càng nghiêm trọng, hạn hán vẫn tiếp tục sau ngày tế trời cầu mưa là do Nghênh Tần không biết cảm tạ, Long tử Phượng sinh trêu tức thần linh. Hơn nữa, từ sau ngày tế trời, việcThuận Khải Đế không hề bước vào Nghênh Hỉ trai, ngay cả Bát công chúa mới sinh cũng chỉ chữ không đề, cũng không liếc mắt một cái, lại càng chứng thực lời đồn.

Trong Khôn Thái cung.

Trên khuôn mặt vì có thai mà càng thêm mượt mà của Cẩn Hoàng Hậu, vì giận mà tái đi, trầm giọng nói: "Anh Ngọc, truyền lệnh của ta, nếu như có người tiếp tục dùng lời nói mê hoặc người khác, làm nhiễu loạn cung định, một khi thẩm tra ra nhất định sẽ thưởng 'Một trượng hồn', quyết không nhân nhượng."

- -- ------ ------ ---------

Chú thích:

(1) Hạ Kiệt: Vua Kiệt (chữ Hán: 桀; bính âm: jié; bính âm trung cổ: gjet; trị vì: 1818 TCN – 1767 TCN) hay Hạ Kiệt (夏桀) là vị vua thứ 17 và cuối cùng nhà Hạ trong lịch sử Trung Quốc. Ông được truyền thống coi như một bạo chúa và kẻ áp bức, người mang lại sự sụp đổ của một triều đại. Khoảng thế kỉ 16 TCN Kiệt bị đánh bại bởi Thành Thang, dẫn đến chấm dứt của nhà Hạ, kéo dài khoảng 500 năm, và sự ra đời của nhà Thương.

(2) Thương Trụ: Đế Tân (帝辛), Trụ (紂), Trụ Tân (紂辛) hay Trụ Vương (紂王) - cũng có thể thêm "Thương" (商) ở trước các tên gọi này - là vị vua cuối cùng đời nhà Thương của lịch sử Trung Quốc, ở ngôi từ 1154 TCN - 1123 TCN hoặc 1075 TCN - 1046 TCN. Tên thật của ông là Tử Thụ (子受).

Trụ Vương là con của Đế Ất, tên gọi là Ân Thọ, nổi tiếng là một ông vua dâm đãng. Ông mê Đát Kỷ đến quên việc triều chính. Ông và Đát Kỷ là một cặp được nhắc đến trong lịch sử Trung Quốc với sự phẫn nộ của nhiều người. Tuy vậy, Trụ Vương có sức khỏe hơn người và là một vị vua văn võ song toàn, vì sự tàn bạo đã dẫn đến mất nước về tay nhà Chu.

(3) Một trượng hồng: là một hình phạt dùng để trừng phạt nhưng phi tần cung nhân trong hậu cung phạm sai lầm, dùng bản tử dài năm thước rộng năm tấc để đánh vào vị trí dưới eo của nữ phạm ngân, không kể số lượng đánh tới gân cốt đều đứt hết, huyết nhục mơ hồ mới dừng lại, từ xa nhìn lại, thấy một màu đỏ tươi, nên mới có tên là "Một trượng hồng".