Con Thuyền Trống

Chương 9: Bệnh Tâm Thần





Cảnh báo: Chương này có một đoạn có thể gây phản cảm (khá mơ hồ, không chắc điều gì, nhưng mình ràng trước), nếu bạn không thích thì lướt nhanh qua khúc Chu Nhị Đình kể chuyện hồi nhỏ nhé.
Đây là chuyện thường ngày
Oan có đầu, nợ có chủ, gia đình Cam Linh phức tạp thế nào, hoặc có nỗi khổ ra sao - tất cả những thứ này không phải là việc của tôi.
Mỗi người đều có nỗi oan trái, mối nợ nần của chính mình.
Cam Linh bị tôi ghét là vì cô ta oán hận nhầm người rồi.
Bắt gặp quỷ hồn Trịnh Ninh Ninh lang thang hàng đêm trong giấc mơ là quả báo tôi đáng gánh chịu, là tôi bị ác giả ác báo.

Nhưng có đánh chết tôi cũng không phục cái ả Cam Linh cứ như u hồn bám sau xe tôi, lại còn chọc thủng cả ruột xe nữa.
Chỉ là giờ cô ả đã thành u hồn luôn rồi, còn sống mà như đã chết, nói khản cả cổ mà cứ như nước đổ đầu vịt, tôi bó tay thật sự, nỗi oán hận này biết đi đâu mà giải đây chứ.
Tiền sửa xe ngốn hết cả 132 đồng (1), còn thừa ba đồng lẻ đủ để mua cái bánh bao hàng bên cạnh.

Mặt sau khu dân cư Giai Hưng là một con phố cũ, mở rộng về hai hướng Nam Bắc, dẫn thẳng đến vựa bán sỉ lớn của huyện hàng xóm.

Ở phía Bắc con phố là khu sửa xe, kinh doanh khách sạn, các hiệu bán sỉ rượu, thuốc lá và cả hải sản, nếu tiếp tục đi sâu thêm nữa sẽ thấy thêm nhiều tiệm bán tạp hóa, văn phòng phẩm, rồi cơ man nào là các quán cơm, đồ ăn vặt các thứ.

Còn hướng nam nối với tuyến đường chính, xung quanh đa số là các cửa hàng bán đồ dùng gia đình, nội thất, vật liệu xây dựng, dụng cụ ngũ kim (2), tôi cũng chẳng rõ là hoàn cảnh hay vị trí đắc địa nào tạo nên sắp xếp hàng quán thế này nữa.
(1) 132 tệ: khoảng 500 ngàn, 3 tệ: khoảng 10 ngàn
(2) dụng cụ ngũ kim: nói chung là những vật liệu được tạo nên từ 5 loại kim loại chính: đồng, sắt, nhôm, inox, titanium.

Ví dụ như dụng cụ cầm tay cơ bản có kìm, búa, cưa, tua vít..., dụng cụ cầm tay chuyên dụng có cào, taro, dụng cụ cách điện...
Tôi vừa vặn đứng ở giữa tiệm ăn vặt và quán ăn sáng, hơi nóng từ quán ăn bốc lên nghi ngút.

Chu Nhị Đình đang đẩy xe điện từ khu dân cư đối diện ra, trông thấy tôi từ xa, gọi ới lên, rồi nhìn trái ngó phải len qua dòng xe cộ băng qua đường bên này.

Dòng xe ùn ùn nối đuôi nhau đi vào khu đối diện mãi không dứt, còn có cả mấy xe có biển số từ nơi khác đến nữa.

Tôi đang cắn dở miếng bánh bao nhân thịt và đậu đũa (3) thì Chu Nhị Đình cũng mệt bở hơi tai chen đến, giật cái bánh bao khác của tôi mà ngoạm lấy, không quên chửi um lên: "Khỉ thật, dịch bệnh khắp nơi mà tụ tập tùm lum! Bên chỗ em có một cụ lớn tuổi mất, người nhà muốn làm đám tang, rồi một đống người ùa đến, mà em cũng không biết sao họ vào được nữa."
(3) Bánh bao nhân thịt và đậu đũa:
"Chị thấy cũng đâu có nhiều lắm đâu - " tôi nhìn thoáng qua, "Mà cũng đành thế, thời buổi này gặp được người thân là quý lắm đấy, em nói xem, sống lẻ loi một mình thì có ý nghĩ gì đâu cơ chứ?"
Chu Nhị Đình ngấu nghiến cái bánh bao như hổ đói: "Hồi Hương nè, em còn đói quá trời, chị mua thêm mấy cái nữa nha?"
Tôi quay lại chen chúc với đám đông vào quán ăn, ông chủ đang mở nắp nồi bánh khổng lồ ra, tức khắc một luồng khói trắng tản ra, tràn đầy mùi thơm của bột mì.
Hơi nước bốc lên, làm nhòe đi khuôn mặt người phụ nữ đứng cạnh ông chủ, lúc tôi đến gần thì nhận ra đó là Cam Linh với vẻ mặt vô cảm, đang quét mã trả tiền.

Kể cũng lạ, cái màn hình điện thoại của cô ta đã nứt thành vệt mạng nhện, vậy mà cô ta vẫn thản nhiên bấm bấm, tay kia thì cầm túi có hai cái bánh bao nhân đậu và thịt bên trong.
Tôi muốn tránh ra chỗ khác, nhưng trái đất thật là tròn, bất ngờ đụng phải như thế này thì tôi né đi cũng kì, thế là tôi cứ bình tĩnh, mắt nhìn thẳng, kêu thêm bốn cái bánh bao thịt đậu.
Cam Linh nhìn tôi.
Cô ta hướng ánh mắt về phía tôi, rồi lại thu về, không hé răng.
Tôi cúi đầu nhận bánh bao, cô ta bỏ đi.
Cam Linh ung dung qua đường, bước vào khu phố đối diện.
Chu Nhị Đình nhận lấy bịch bánh: "Chị nhìn gì vậy?"
"Không có gì, đúng là người đến nhiều thật."
Tôi không nhìn nữa, tập trung giải quyết nốt bữa sáng.

Chu Nhị Đình cứ lẩm bẩm lầm bầm, tôi không nghe ra cô ấy đang nói gì, toàn bộ lực chú ý của tôi đã đặt trên cái áo hoodie màu đen sờn cũ của Cam Linh.

Cô ta băng qua đám người, vòng qua dòng xe, gọi điện thoại, cuối cùng đi vào tòa nhà số một - sau đó thì tôi không nhìn thấy nữa.
"Chị đang nhìn gì thế?"

"Không có gì." Tôi tránh thoát khỏi tầm mắt Chu Nhị Đình, sải bước lên xe điện, hít một hơi thật sâu.
Cái nồi canh thì là tôi đây không biết sao lại có thêm một loại gia vị khác: họ của Cam Linh thật sự rất ngọt ngào (4), nhưng con người lại rất đắng, mà tôi thì không thể chia sẻ cảm nhận về các loại hương vị của tôi với người khác lúc này được.
(4) Tên họ Cam Linh đã giải thích ở chương 6:
Cam (甘): vị ngọt, ngon ngọt
Linh (玲): tiếng ngọc kêu, khéo léo tinh xảo, xinh xắn
Kế bên cổng chính vào trường Ánh Sáng có một khu vực rất lớn, được căng bạt hẳn hoi để phụ huynh và giáo viên đậu xe trong lúc đón con em mình, còn đầu bên kia là bãi giữ xe, trong đó có chiếc xe đóng bụi của hiệu trưởng chúng tôi.

Mà chắc là Cam Linh đã biết cái nào là xe của tôi nhỉ, tất cả là do tối qua tôi về trễ quá, chỉ còn mỗi một chiếc đang sạc điện ở lại nên bị lộ là đương nhiên.
Kết quả phát hiện ra là mình suy đoán quá mức rồi, lúc tôi và Chu Nhị Đình vừa trờ đến thì bắt gặp Lý Dũng Toàn đẩy chiếc xe máy ra, lẩm bẩm chửi thầm kẻ nào chọc thủng ruột xe, báo hại cậu ta đi bộ về nhà đêm qua.
Vẫn là Chu Nhị Đình tuổi trẻ giàu nhiệt huyết, ngước mắt nhìn camera giám sát gắn trên cao, Lý Dũng Toàn để ý thấy thế, rào trước: "Đừng nhìn làm gì, cái đó hư từ lâu rồi."
Chu Nhị Đình bực mình: "Chắc mười mươi là xe cậu nổi quá chứ sao nữa!"
Lý Dũng Toàn thở dài không đáp lại, ảo não đẩy xe đi sửa.
Thì ra Cam Linh chơi chiêu thà giết nhầm hơn bỏ sót, nhưng nếu cô ả phá hết xe toàn bộ giáo viên ở đây thì không biết xe Chu Nhị Đình may mắn thoát nạn kiểu gì? Chẳng lẽ Lý Dũng Toàn cũng về khuya sao? Nhưng lúc tôi dọn đồ ở sân khấu cũng đâu có thấy cậu ta đâu?
Tôi cứ mê mải nghĩ về Cam Linh, không tham gia trò chuyện mấy mà chỉ bàn một câu: "Mình báo bảo vệ sửa cái camera này đi em."
Chiếc camera gục đầu xuống, đôi mắt đầy vẻ sương mù mênh mông, dáng vẻ như con chuột mắc kẹt trên cột điện ngoài đường.
Chú bảo vệ cùng với vợ (cũng là nhân viên trong trường) đứng dưới con chuột, cùng nheo mắt ngẩng đầu nhìn lên.

Cô ấy hỏi tôi: "Hôm qua con về mấy giờ vậy? Đừng có về muộn quá nghen, mấy ngày nay có mụ điên nào cứ lấp ló quanh đây, cô đuổi nó đi mấy lần rồi đó!"
Chu Nhị Đình tò mò: "Mụ điên nào thế?"
Tôi xen ngang, nói bừa rằng có thể là cô gái đáng thương nào đó bị trong nhà đánh đấy, mà đừng có ở đây tán dóc nữa, chúng mình nên vào lớp sớm thôi.
Tôi đi trước một bước bịa chuyện về Cam Linh, bạo lực gia đình là chuyện thường ngày ở cái huyện Năng này.


Ở đây có nhiều người phụ nữ bị người nhà đánh đến hóa dại, cứ lang thang trên đường, người người nhìn mãi cũng quen mắt.

Đây quả thật là cảnh tượng không quá sáng rọi ở huyện cho lắm.

Chu Nhị Đình vốn là dân ở đây, nên bị câu chuyện này câu đi ngay tức khắc, hăng say kể cho tôi nghe những lần cô ấy gặp phải mấy người phụ nữ dở điên dở dại, và rồi tôi đã thành công dời lực chú ý của cô ấy sang nơi hoàn toàn khác.
Tôi nhắc đến mấy việc của huyện Năng một cách tự nhiên tới độ nhiều lúc Chu Nhị Đình quên khuấy mất tôi thật ra là dân huyện Bồng, nên cứ say sưa kể chuyện xứ này.
"Nói đến mấy mụ điên ấy à, hồi đó em học tiểu học có chuyện này vừa buồn cười vừa đáng sợ lắm nè."
Tôi cảm thán rằng chuyện vừa buồn cười mà vừa đáng sợ thì nghe hơi kì đó, Chu Nhị Đình lườm tôi một phát, bắt đầu kể chuyện ngày đó.
Lúc ấy Chu Nhị Đình vẫn đang học mẫu giáo, nhưng do ph4t dục hơi sớm, vóc dáng cao lớn khỏe mạnh, thoạt trông như đang ở lớp hai hoặc ba.

Người nhà để cô ấy tự đi bộ về, rồi có một lần Chu Nhị Đình nổi cơn thèm rút hai đồng tiền ra, muốn mua que cay và kẹo tẩy giun có vị ngòn ngọt.
Để đến tiệm tạp hóa có hai lối đi: một là đường lớn có xe đi ngang qua, còn cái thứ hai là con đường vòng quanh co loằng ngoằng đầy cỏ dại, đã thế còn xa xôi.

Người nhà luôn dặn đi dặn lại Chu Nhị Đình là phải đi bằng đường chính, không được đi đường vòng, nhưng cô ấy không cưỡng lại được sự hấp dẫn của con đường nhỏ bí ẩn kia, nên nhân cơ hội len vào đó.
Con đường vòng đó đúng là chẳng dễ đi, toàn là vũng bùn lầy lội.

Chu Nhị Đình đang hào hứng tung tăng nhảy qua một vũng sình lầy, bỗng nghe thấy tiếng bước chân ở đằng sau, thì ra có một mụ điên mặc quần áo rực rỡ, đầu tóc xõa tung bám chặt cô ấy.
"Chị đoán sau đó xảy ra chuyện gì nào?"
Chu Nhị Đình ra vẻ thần bí, đập mạnh chồng giấy trên tay lên bàn.
"Chuyện gì xảy ra vậy?" Tôi tận tâm hỏi lại.
"Mụ kia cứ lẽo đẽo sau lưng, hồn vía em lên mây luôn rồi, đúng lúc muốn co giò chạy cho lẹ thì tự dưng thấy sau lưng mụ đó còn có một thằng cha nữa.

Mèn đét ơi, thằng cha đó dơ ơi là dơ luôn! Tóc bết cả lại nữa...!chậc chậc chậc."
Một người đàn ông quái dị mang giày giải phóng, quần quân đội rách rưới, còn áo sơmi thì không vừa vặn đuổi theo một mụ điên.
Chu Nhị Đình bị hai cái bất ngờ này đập đến choáng váng, ngỡ rằng mình sắp bị bắt cóc, đứng ngây ra như phỗng.
Nhưng kể thì chậm mà việc xảy ra thì nhanh, tên đàn ông kia nhanh hơn, bắt được mụ điên kia trước khi mụ ta tóm được Chu Nhị Đình, rồi chợt tuột quần xuống.
"Chị biết không, lúc đó thằng chả quay lưng về phía em, một cái mông đen thui hiện ra, má ơi...!hết cả hồn em luôn á." Mặt Chu Nhị Đình nhăn lại, thấm ướt đầu ngón tay, lật lật chồng giấy nhanh như chớp, vẫn không ngẩng đầu lên mà tiếp tục kể: "Mụ điên kia cũng không kêu gào, không để ý gì, thằng cha đó cười hềnhhệch rồi kéo quần lên đi mất...!Đúng là bệnh tâm thần mà, mụ điên đụng độ thằng khùng, ôi chao."

Bỗng chốc tôi vội vàng muốn thu lại mấy lời đặt điều về Cam Linh, nhưng nước đổ khó hốt mất rồi, có lẽ chúng đã trôi tuột ra khỏi đầu Chu Nhị Đình nên tôi cũng không nhắc lại nữa.
Hôm nay tan làm lúc bảy giờ rưỡi, tôi không dám nấn ná lâu quá, sợ lại bị Cam Linh bắt gặp trên đường.
Lần này chiếc xe của tôi vẫn còn an toàn, không có vết thương mới.

Tấm chắn gió nhựa vẫn còn vết mẻ từ hôm qua, tôi không tính thay mới, nhìn hệt như là tôi vừa bị ngã xe vậy.

Vết mẻ nhe cái răng sún cười nhạo tôi, tôi mở cốp lấy miếng vải bông che khuất nó, cứ cho là mắt không thấy thì tâm không phiền đi.
Lúc về nhà tôi tìm mấy tấm bìa trong bằng nhựa cũ, lấy kéo cắt bớt, rồi cầm thêm keo 502 và băng keo xuống lầu dán lại cái kiếng.
Trong khu dân cư vẫn còn hơi ấm của buổi chạng vạng, có mấy đứa nhỏ chạy nhảy xung quanh, tôi thì khua cái kéo loẹt xoẹt sửa lại mấy miếng nhựa cho vừa.
Bỗng cửa sổ lầu trên bật tung, tiếng cãi nhau tràn ra.
"Cô thì ngon rồi, ngon thì sao không tự ra ngoài đi làm đi? Ngon cỡ nào thì cũng là ông đây đưa tiền nuôi cô thôi?!"
"Lương tâm anh bị chó gặm hết rồi hả? Bà đây mỗi ngày làm con ở cho người mẹ ham ăn biếng làm của anh, bà mà ra ngoài thì lấy ai nấu cơm cho anh đó? Anh thử đi giặt quần áo coi, không biết ai cóc thèm cởi giày mà ườn thẳng ra sa lông hử? À há, bưng cho anh chén mì thì chê không ăn, bưng cơm cũng không ăn, đưa trái cây qua thì chê tôi mua hàng rẻ tiền, anh giỏi thì kiếm nhiều hơn đi rồi mỗi ngày tôi mua cherry cho mà ăn..."
Cửa sổ bị đóng sầm lại, âm thanh om sòm bên trong vẫn còn văng vẳng.
Tôi ngước lên, nơm nớp lo lắng sẽ có vật gì đó rơi xuống đập vào đầu mình, nên đẩy xe ra chỗ khác rồi hì hụi sửa tiếp.
Một lát sau, một người phụ nữ đầu tóc rối tung chạy ào ra, chân vẫn đi dép, vung tay ném cái tạp dề trong tay thật mạnh vào thùng rác, nhưng bị quai đeo kéo trúng móng tay, cô ấy tức giận li3m ngón tay, dậm chân ném tạp dề vào thùng rác lần nữa, rồi chạy hùng hục ra cửa khu dân cư.
Tôi dõi theo, cô ấy nhìn quanh quất rồi ngồi xuống chỗ sa lông hư phía đối diện, khoanh tay móc điện thoại ra gọi người khác, một tay thì quẹt nước mắt đang lem nhem trên mặt, làm khuôn mặt đang sưng đỏ càng đỏ hơn.
Có mấy đứa nhỏ tò mò bu lại xem, chú bảo vệ xua chúng ra: "Đừng có nhìn nữa, nhìn cái gì mà nhìn? Mấy đứa xem bên kia kìa, à Tiểu Khương đang làm gì thế? Sửa xe hả?"
"Dạ, con đang dán cái chắn gió này..." Tôi ngơ ngác đáp lời, đám nhóc đổ dồn ánh mắt qua, thấy tôi với người phụ nữ đang khóc kia chẳng có gì vui, nên tiếp tục tự chơi trò của chúng nó.
——
Góc chúc Tết:
Năm mới đã đến, chúc các bạn một năm tốt đẹp, bình an nha:D
(Câu chúc lấy từ fb Lai Nhật Phương Trường, đồng thời có đăng trên Weibo Việt Nam)
- --
Truyện được đăng duy nhất tại wattpad và wordpress, và thường xuyên được chỉnh sửa lỗi:
https://.wattpad.com/user/amocbinhphuong
https://amocx2.wordpress.com/.