Con Gái Gian Thần

Chương 6: Thầy trò kém thân




TRỊNH TƯỚNG ĐẮC TỘI KHÔNG ÍT NGƯỜI.

Mấy roi, đánh không nặng cũng chẳng nhẹ, Trịnh Tú xin phép nghỉ ở nhà dưỡng thương. Trịnh Diễm tới thăm anh hằng ngày, rốt cuộc anh cũng chẳng kể chuyện xưa, chỉ nói một ít đạo lý, nào là phải khoan dung với mọi người, hành động có lễ độ, Trịnh Diễm nghe tới mức tai muốn mọc kén. Nàng không thích bị cằn nhằn, cha nàng làm việc cũng có chu toàn đâu, sao anh không nói với ông ấy đấy?

Nàng muốn nói, đây là thời kì mà các thế gia vọng tộc độc chiếm hầu hết tài nguyên đất nước, cũng như nhà nàng vậy, nếu cha nàng không mở một đường máu thì có lẽ đành phải làm người hầu cho nhà người ta thôi. Con nhà thế gia có văn hóa, có giáo dưỡng, tố chất cao hơn nhiều so với những đứa con nhà bần hàn, làm cho người khen ngợi ước ao mãi.

Thế gia đã có một hệ thống quy phạm đầy đủ, luân lý đạo dức trọn vẹn chặt chẽ, so với người khác thì làm việc cũng quy củ hơn, những người không phải xuất thân thế gia trước mặt bọn họ thì đều có vẻ thô tục, làm cho bạn cảm thấy rằng: có lẽ bọn họ đã luôn cao quý như vậy từ tấm bé, để những người như thế quản lý đất nước mới không làm mất danh dự của một quốc gia.

Nhưng cũng không thể che giấu một sự thật, căn bản những chuyện này đều do sự bất công khi phân chia tài nguyên đất nước. Từ khi sinh ra, con nhà thế gia đã được nhận một nền giáo dục tốt và đầy đủ, mà những gia đình nghèo khó không thể có thầy giáo, không vở chẳng có sách, có thể giống nhau sao? Không phải là trời sinh kém cỏi, mà do hoàn cảnh khó khăn. Và hết lần này đến lần khác, những thế gia vọng tộc kia cứ điều hành cả thế giới, rút cuộc tạo nên một kết quả như hiện nay, làm cho người ta nghĩ rằng, mình sinh ra vốn đã kém cỏi.

Lấy huyết thống để phân biệt giai cấp, là chuyện mà Trịnh Diễm ghét nhất.

Ghét, thật sự ghét nhất!

Còn về khả năng, sự công bằng – luôn luôn bị coi rẻ. Trịnh Diễm không ngốc đến nỗi yêu cầu phải tuyệt đối công bằng, nếu muốn tuyệt đối công bằng thì phải ngàn người một gương mặt, chỉ số thông minh cũng phải như nhau mới được, đương nhiên, đây là chuyện không thể. Nhưng ít nhất, cũng chớ nên cản trở người có năng lực phát huy bản lĩnh của mình.

Sự thật nào được như vậy. Cứ như lời Trịnh Uyển lén kể, trước Ngụy Tĩnh Uyên, cách đây ba trăm năm, chưa từng có một Thừa tướng nào không phải xuất thân thế gia. Không phải xuất thân danh môn, bạn có khả năng, cũng chỉ có thể đứng gọn sang một bên mà thôi. Thế nên Trịnh Uyển cho rằng, cha của mình không đủ uy để phục chúng.

Trịnh Uyển cũng chỉ dám nói những lời này cho cô em nhỏ, tuyệt đối không dám hé răng với các ông anh, tuy rằng anh của cậu bị cha đánh, nhưng nếu các anh muốn đánh thì cậu cũng chỉ biết nằm nhận đòn mà thôi.

Đối với sự oán thán của Trịnh Uyển, Trịnh Diễm cũng chỉ cười cho qua, người anh trai này của nàng còn trẻ, cũng không giống hoàn cảnh của cha nàng khi ông mười bảy.

Phủi đầu gối đứng lên, nàng nói: “Ngũ ca nên đi đọc sách đi, ban nãy cha vừa đọc thư của Cố bá phụ, đang không vui đấy.”

“Chuyện của Quý tiên sinh à?” đột nhiên Trịnh Uyển nổi tính nhiều chuyện.

Có lẽ vậy, Trịnh Diễm đáp: “Cha không nói cho muội, Quý tiên sinh thì có chuyện gì à?”

Trịnh Uyển nhếch miệng: “Nếu ông ta gặp chuyện không may thật thì tốt rồi. Cha chúng ta chỉ cần giả vờ khóc tang một hồi là xong, có điều vấn đề hiện tại là ông sống rất tốt, còn muốn vào kinh gây chuyện nữa kìa.”

“???” Xem ra Quý danh sĩ không được tướng phủ hoan nghênh.

“Á! Không có gì, không có gì đâu, muội đi chơi đi, huynh đi gặp cha đây.”

***

Quả thật Quý Phồn tìm tới gây chuyện, còn một tháng nữa là đến sinh nhật của Trịnh Diễm, vị ‘danh sĩ cả nước’ này vào kinh. Chẳng những đến, còn mang ba vị ‘Hiền nhân’ (người tài đức), đệ tử nổi tiếng một đời của mình theo, trong đó có người có quan hệ thân thiết nhất với Trịnh Tĩnh Nghiệp, Cố Ích Thuần. Ngoài ra còn thêm hai mươi đệ tử đang theo học.

Trong số này không hề ít những con cháu thế gia, mỗi người đều tự có tôi tớ, kẻ chăn ngựa, đầu bếp, thư đồng riêng… một nhóm không dưới trăm người.

Tính tình thủ đoạn của Trịnh Tĩnh Nghiệp thế nào không nói, nhưng công phu bên ngoài của ông áp dụng đúng chỗ, an bài phòng ốc rất tốt, còn không ngại nhận đoàn người này đến trọ nhà mình. Trong nhà ông còn dư ba, bốn cái viện dành cho khách, nếu không đủ thì cách nhà Trịnh Phủ không xa có vài nơi có thể ở được. Nói tóm lại, là muốn hoàn thành bổn phận của đệ tử.

Quý Phồn không vui, từ trước đến nay, lão chưa bao giờ thích Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Khi Trịnh Tĩnh Nghiệp thành học trò của lão thì đã mười sáu, gốc gác cũng không tốt, thầy giáo bình thường cũng không nguyện ý thu nhận một học trò như vậy. Quý Phồn nổi danh trong nước, có rất nhiều học trò là con cháu thế gia, tố chất con nhà bần hàn sẽ không theo kịp. Thế nên thường thấy tỉ lệ thành tài của những học trò xuất thân kém không cao, không muốn tốn công dạy dỗ cho lắm. Học trò của lão lại nhiều, cũng không thể đối xử bình đẳng, chẳng phải Khổng Tử cũng yêu thích Nhan Tử hơn cả đấy sao.

Quý Phồn tin rằng, mình không nhìn lầm, trong ánh mắt của Trịnh Tĩnh Nghiệp, có một cái gì đó gọi là ‘dã tâm’, như một con sói. Trịnh Tĩnh Nghiệp quyết tâm muốn làm học trò của lão, cương quyết quỳ một ngày một đêm đến ngất xỉu. Quý Phồn là danh sĩ bao lâu, nếu quyết đuổi cậu học trò nghèo ham học thì cũng không hay, đành miễn cưỡng đồng ý giữ lại. Ngay từ đầu đã là ép mua ép bán, dẫu sau này Trịnh Tĩnh Nghiệp cố gắng, thì dưới con mắt của Quý Phồn, cũng đều có vẻ vì công danh lợi lộc – mà đó cũng là sự thật – càng không thích.

Quả nhiên, sau khi Trịnh Tĩnh Nghiệp học ra, liền chui vào quan trường, học tốt thì đi làm quan cũng được đi. Lúc làm quan danh tiếng cũng không tệ, Quý Phồn nhìn ông cũng thấy vừa mắt hơn, thái độ hòa hoãn chút ít, nể tình mà khuyên bảo học trò, quân tử đoan chính, chớ vì cái lợi trước mắt. Tâm là tâm tốt, nhưng không hợp với tâm ý của Trịnh Tĩnh Nghiệp, bao lời can gián lương tri kia đều bị xếp xó.

Do Trịnh Tĩnh Nghiệp quả thật có thành tích, ngoài ra trên quan trường còn có một kẻ gian thần tồi tệ hơn là Ngụy Tĩnh Uyên ở trước, có một khoảng thời gian, ấn tượng của Quý Phồn về Trịnh Tĩnh Nghiệp đã tốt hơn hẳn. Mọi chuyện chỉ dừng lại sau những hành động tùy tiện của Trịnh Tĩnh Nghiệp khi vào kinh.

Ban đầu cũng có kiềm chế, sau ngày càng quá đà, rất nhiều người tới nói với Quý Phồn, lão nhịn một hồi, rốt cuộc không nhịn được nữa! Lão muốn vào kinh, phải gặp mặt răn dạy Trịnh Tĩnh Nghiệp một trận.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng không thích người thầy Quý Phồn này, ông thành khẩn muốn bái lão làm thầy, nhưng người ta không quan tâm, lúc ông quỳ gối ngoài sơn môn, có một đoàn người từ từ đi tới. Cũng là bái sư, nhưng người ta xuất thân cao, đến là thầy giáo gặp ngay, còn có vài người liếc nhìn Trịnh Tĩnh Nghiệp.

Nhưng chuyện thể diện phải làm.

Hơn nữa, vuốt mặt nể mũi, Cố Ích Thuần đi theo thầy giáo tới đây, Trịnh Tĩnh Nghiệp lại muốn đưa vợ mình đến gặp ông ấy. Thế là, đành đưa người nhà đi bái kiến Quý Phồn.

Đứng đầu hai bên gặp nhau chẳng vui vẻ gì, đi cùng Quý Phồn, có vài đệ tử hàn môn muốn được gặp Trịnh Tĩnh Nghiệp, nếu nhân phẩm không như lời đồn thì dựa vào cũng chẳng sao. Một nhà Trịnh Tĩnh Nghiệp, vợ của ông không đến, bảy đứa con trừ Trịnh Du đều theo tới, đám cháu lít nhít cũng được đưa theo, đối với Quý Phồn nghe danh từ lâu, Trịnh Tú rất muốn xin gặp.

Còn về phần Quý Phồn, từ lúc Trịnh Tĩnh Nghiệp ra khỏi thành để chào đón lão liền quát to mắng lớn, chất vấn những hành vi của ông. Cố Ích Thuần chịu đựng khuyên giải: “Không vì đệ ấy cũng vì thể diện của triều đình, không thể làm thế. Thầy có nghi ngờ gì, thì không bằng cứ dằn xuống, gặp đệ ấy hẵng nói, biết đâu đệ ấy có nỗi khổ trong lòng.”

Quý Phồn mắng một câu: “Cái loại luồn cúi kia, có cái nỗi khổ gì?” Nhưng vẫn miễn cưỡng đồng ý. Dù sao Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng là người có tài, nếu có thể ‘khuyên’ ông quay đầu, cùng hợp tác kí kết lợi ích cho cả tập đoàn, về lại xu hướng chính của xã hội, cũng là một lựa chọn không tồi, không cần khiến ông quá khó xử.

Mặc dù nghĩ vậy, nhưng khi Trịnh Tĩnh Nghiệp ra ngoại ô nghênh đón, Quý Phồn ở trên xe cũng không hề bước xuống. Trịnh Tĩnh Nghiệp mang theo con cái đứng trước xe, mời thầy tới trọ nhà mình, Quý Phồn lại cự tuyệt: “Lão phu ở kinh thành tự có chỗ ở, nếu trò có tâm, thì cứ đến Trữ An phường tìm ta là được.”

Một câu nói làm Trịnh Tĩnh Nghiệp lửa hận ngùn ngụt, phường Trữ An là nơi thế gia cư ngụ, có thể mời được Quý Phồn, mà chẳng phải đó là hàng xóm với Tưởng Thanh Thái, nhà của Lý Tuấn, kẻ đã từng bị Trịnh Tĩnh Nghiệp đả kích đó sao. Không nể mặt, thật sự rất không nể mặt nhau!

Không coi nhau ra gì hơn đó là: Quý Phồn nói xong, trực tiếp đánh xe bỏ đi.

Đã bao lâu rồi Trịnh Tĩnh Nghiệp không giận đến vậy?

Quý Phồn nổi danh trong nước, có rất nhiều người trong kinh rất hâm mộ đến xem, quần chúng cảm thấy rất hả dạ. Nghĩ thầm trong bụng, lo lắng Trịnh tướng lòng dạ hẹp hòi sẽ trả thù.

Trịnh Tĩnh Nghiệp cung kính khom người chờ đoàn xe Quý Phồn đi qua rồi mới đứng thẳng dậy, những người đến xem thán phục, vị Quý tiên sinh này quả là một danh sĩ, rất oai phong, gian thần hô gió gọi mưa trên triều thì sao chứ? Gặp thầy giáo còn không ngoan ngoãn nghe lời?

Chờ khi Trịnh Tĩnh Nghiệp đứng thẳng lưng, ánh mắt đảo qua xung quanh, những kẻ khôn khéo thì liền bỏ chạy lập tức, còn số đang đắm chìm ‘người có thể khắc chế được gian thần đã đến, có chuyện náo nhiệt để xem rồi’ nhìn Trịnh Tĩnh Nghiệp có chút đùa cợt, chậm nửa nhịp bị ánh mắt kia đâm tới mới cúi đầu.

Trịnh Tĩnh Nghiệp hừ lạnh trong bụng, vẫn mang vẻ cung kính, nhẹ giọng phân phó nô bộc: “Hồi phủ.” Lại nhìn các con lên xe, mới xoay người để Trịnh Tú đang chờ đỡ lên ngựa. Trịnh Tú xấu hổ, đi phía sau Trịnh Tĩnh Nghiệp, lúc này mới thật sự cảm thấy nhà mình bị mất mặt. Trong mắt Trịnh Kỳ và Trịnh Sâm lộ ra tia bất đắc dĩ, còn đường phía trước còn nhiều khó khăn, Trịnh Uyển cảm thấy tức giận bất bình, cho rằng lão già họ Quý kia đối xử với cha mình thật quá đáng.

***

Về đến nhà, Đỗ thị nhìn sắc mặt của chồng mình, không hỏi, để ông rửa mặt thay quần áo rồi vào ăn cơm: “Có chuyện gì thì ăn cơm rồi hẵng nói.” Bà cùng chồng đi trên con đường này đến ngày hôm nay, sớm biết thầy trò không hòa thuận, không hỏi ý, cho dọn nào bò nào dê đã được nấu nướng ngon lành xuống, cùng cả nhà ăn cơm.

Ăn xong, con cái đều rời đi, Trịnh Tĩnh Nghiệp cười lạnh một tiếng: “Đây là lấy thầy ra để cản tay ta sao? Chút nữa bà chuẩn bị lễ vật, ngày mai ta đưa Đại lang đến phường Trữ An nhà bọn họ bái kiến Quý tiên sinh.”

“Hả? Quý tiên sinh đến phường Trữ An pthật sao?” Anh không đến nhà tôi cũng được đi, nhưng lại băng băng đến thẳng nhà đối thủ, thật không để mặt mũi cho nhau chút nào?! “Thế thật chẳng phải chút nào.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp cười lạnh nói: “Sợ sao? Ngày mai ta sẽ đến đó, Lý Tuấn có thể làm khó dễ gì ta được?” Quý Phồn đúng là lão già hồ đồ, sớm đã muốn để lão ra đi tốt đẹp, bây giờ thật muốn khâu miệng lão lại!

Trịnh Tĩnh Nghiệp không hổ danh gian thần, nghĩ ngợi một chút liền nghĩ đến một biện pháp phá hoại, hạ quyết tâm, tâm tình đã tốt hơn nhiều, cho dọn cơm. (ở chỗ này thấy thật khó hiểu, không phải ban nãy đã ‘ăn xong, con cái rời đi’ rồi sao? Có lẽ tác giả nhầm, mình chỉnh thành dọn cơm, ý bảo mang xuống.)

Hôm sau, tinh thần sảng khoái đưa các con đến nhà Lý Tuấn ở Trữ An phường.

Lý Tuấn xem như cũng là sư đệ của ông, học trò của Quý Phồn, nhỏ hơn Trịnh Tĩnh Nghiệp mười tuổi, nhưng vào kinh sớm hơn – vì người ta là thế gia mà. Một người phong lưu phóng khoáng, làm việc không tỉ mỉ, đây cũng là bệnh chung của rất nhiều con nhà gia thế, dựa hơi cha chú nhà mình ra làm quan, làm không tốt lại còn vơ vét, cả ngày cùng người khác uống rượu làm thơ, cùng với những danh sĩ nổi tiếng, còn việc của mình lại chẳng ra sao. Đối với vị sư huynh Trịnh Tĩnh Nghiệp này thì không thân cận chẳng tôn kính, huống chi là vì lợi ích chung.

Ông ta làm giám sát, nhưng mười ngày nửa tháng chẳng thấy mặt – coi chức vị này không ra gì, cho rằng không đủ thanh quý. Còn phụ tá của ông ta là Mễ Nguyên, xuất thân bần hàn lại từng bước thăng tiến, để bụng mọi sự, không chịu được hành động của cấp dưới. Lý Tuấn không làm, tranh chấp cùng Mễ Nguyên, Lý Tuấn tố Mễ Nguyên khắc khe thiếu tình cảm, Mễ Nguyên bảo Lý Tuấn bỏ bê nhiệm vụ.

Kiện tụng đến tai Trịnh Tĩnh Nghiệp, Trịnh Tĩnh Nghiệp một tay chụp được Lý Tuấn, không quan tâm có phải sư đệ của mình không, còn thỉnh tội trước hoàng đế, bảo rằng có sư đệ như vậy thật xấu hổ. Lý Tuấn phát hỏa, nhóm quan hệ thông gia của Lý Tuấn cũng muốn nói tốt cho vài câu, sau đó, hoàng đế phát hỏa.

Bởi vì Trịnh Tĩnh Nghiệp đã nói: “Trăm quan ai cũng có nhiệm vụ của mình, thế nên Thiên tử không lo lắng. Nay lại chỉ biết kê cao gối mà ngủ, ngâm nga ca hát, ăn lộc của Thiên tử mà không lo nỗi lo của Thiên tử, đúng là sâu mọt của đất nước. Giám sát, Lý Tuấn không làm, nếu Mễ Nguyên không quản, chẳng lẽ muốn để bệ hạ tự làm hay sao?”

Lý Tuấn bị lật đổ, Mễ Nguyên lên chức – từ đó Lý Tuấn càng thêm bừa bãi.

Cho dù bữa bãi đến đâu, cũng không thể thay thầy quyết định gặp ai không gặp ai, Trịnh Tĩnh Nghiệp đến, đối với trong mắt nhiều người, xem như là chịu thua, Lý Tuấn càng vui vẻ khi thấy Trịnh Tĩnh Nghiệp bị chê cười, dựa vào đâu mà nháo chứ, cuối cùng cũng phải nghe theo quy củ đó thôi!

Trên thiếp thăm hỏi của Trịnh Tĩnh Nghiệp là để gặp Quý Phồn và Cố Ích Thuần, sai khiến nô bộc nhà Lý Tuấn như tôi tớ của Quý gia, Cố gia, không hỏi Lý Tuấn một câu – cũng nhằm bảo đấy là việc người đang hầu hạ sư phụ phải làm.

Lần này Quý Phồn chịu gặp Trịnh Tĩnh Nghiệp, Trịnh Tĩnh Nghiệp đưa các con tới hành lễ. Quý Phồn nghiêm mặt cứng rắn, là một lão già râu tóc bạc phơ, rất có phong thái của bậc trưởng giả, áo xanh mão cao, ngồi ngay như chuông. Vẻ mặt không vui, nhưng hình tượng khí chất phải có.

Cố Ích Thuần híp mắt nói: “Lâu rồi không thấy bọn Đại lang, đang có lời muốn nói, tiểu nương tử đáng yêu như ngọc tựa tuyết, tiểu lang quân hào hoa phong nhã, thật hợp lòng ta.” Sau đó tạm cáo biệt Quý Phồn, đưa mấy đứa nhỏ của Trịnh gia ra ngoài nói chuyện. Sau liếc mắt ra hiệu Trịnh Tĩnh Nghiệp, muốn ông kiềm chế một chút. Ông tin tưởng với khả năng của Trịnh Tĩnh Nghiệp, muốn dỗ Quý Phồn cũng là chuyện dễ dàng.

Yên tâm quá sớm rồi.

Người vừa bước ra, trong đã lên tiếng. Trịnh Tĩnh Nghiệp thưa: “Thầy đường xa mà đến, đệ tử đã quét dọn giường chiếu mà đợi, không ngờ phòng ốc sơ sài không lọt mắt thầy, thật tiếc nuối.”

Quý Phồn nói: “Phòng ốc sơ sài hay phủ đệ tráng lệ có gì khác nhau? Chẳng lẽ ta vào kinh để ở cho thoải mái sao?”

Trịnh Tĩnh Nghiệp giả vờ hồ đồ: “Không biết thầy tới đây để dạy học hay du ngoạn? Chẳng lẽ để đi thăm bạn chăng?”

Quý Phồn lười quanh co với ông: “Ta đến vì tên gian thần đang nắm quyền trong triều!” Giọng rất lớn, khiến cho Cố Ích Thuần đang đi chưa xa nghĩ thầm không tốt, vội giục mấy đứa con Trịnh gia mau rời đi. Không ngờ đám nhỏ gan lì này đều dừng bước, đứa nào càng bé thì càng không nghe lời, còn nhón chân đến bên tường nghe lén.

Một mình Cố Ích Thuần không quản hết hơn mười người, cười khổ với cha bọn nhỏ, Trịnh Tú đi trừng con nhà mình, Trịnh Kỳ cũng làm theo, nhưng bản thân mình cũng cố nán lại.

Quý Phồn đang có hứng nói, không quản có người nghe lén hay không, mắng to một trận, quở trách ‘công lao to lớn’ của Trịnh Tĩnh Nghiệp. “Trò tính tình cay nghiệt, khi nhỏ vứt bỏ dòng họ, lúc phát tài lại trả thù thảm khốc. Khi nhập quan, nửa muốn nửa không, loại trừ đối lập, trục xuất hiền lương. Âu Dương Bình, tiếu nhân, nhưng lại dùng. Gã làm vườn Vu Nguyên Tề, lên cao. Phó Hàm Chương tướng có công, lại bị bãi. Thiếu niên quân tử Viên Thủ Thành, cũng truất đi. Lý Tuấn phong lưu, nay để nhà không dùng. Chu Mật, trí thức thanh quý, lại bị một tên tiểu lại bôi nhọ…” Xem ra đã cho điều tra cả rồi, có điều tuổi lớn như vậy, phải khen trí nhớ của lão, những cái tên sau đó, Trịnh Diễm cũng không nhớ nổi.

Trịnh Tĩnh Nghiệp lại mỉm cười cảm thán: “Không ngờ thầy lại hiểu lầm đệ tử như vậy. Đệ tử cách chức ai, tội gì, cũng đều có văn bản rõ ràng, nếu thầy không hiểu, có thể tự tra, bọn họ đều đã từng làm sai cả. Thế gia vọng tộc Lý Tuấn, bổng lộc cũng không kém, để đệ ta làm giám sát, nhưng chẳng coi ra gì, bây giờ không cần đến nha môn làm việc, chẳng làm muộn việc ngâm gió ngợi trăng, vừa vặn để đệ ấy rảnh rỗi đi chơi, không phải hợp ý lắm sao? Còn như Viên Thủ Thành, chuyện này đâu phải đệ tử đề nghị.”

Quý Phồn càng thêm giận: “Trò kết đảng làm gian, mở rộng vây cánh, còn cần mình tự làm sao?”

“Người trong thiên hạ đều là thần tử của thiên tử, học trò có tài đức gì mà có thể, có thể ‘sai sử hành động’ đâu cơ chứ?” Trịnh Tĩnh Nghiệp giọng điệu nhẹ nhàng, ra vẻ oan khuất.

“Hay, hay, hay lắm! Ta không nói lại trò, vậy thì nghị phong đâu? Năm đó nhận tước, trò không nói một lời, đi ngược lại với Ngụy Tĩnh Uyên, tuy cầm quyền, nhưng không bình định! Không phải đã làm người trong thiên hạ thất vọng sao?”

Cả hai thầy trò kẻ hỏi người đáp, Trịnh Tĩnh Nghiệp vẫn không hề gấp gáp hay lên giọng, vẫn ôn tồn tinh tế giải thích, những chỉ trích của thầy giáo về mình, không hề thừa nhận bất kì cái nào.

Công trình bồi dưỡng phẩm chất đức hạnh của Quý Phồn không tồi, nhưng có là gì với Trịnh Tĩnh Nghiệp. Làm danh sĩ đã lâu, trước mặt lão ai cũng mọi người đều cung kính hữu lễ, nay có kẻ không phục, lại còn là học trò của mình. Gặp Trịnh Tĩnh Nghiệp từ nhỏ đã tâm cơ âm trầm, rốt cuộc Quý Phồn bị chọc tức đến nổi nóng.

Ra về chẳng vui.

Trịnh Tĩnh Nghiệp đương nhiên không vui, nhất là sau khi phát hiện con cháu mình đang ở sau chân tường – càng thêm mất mặt, về nhà phải lập quy củ cho tụi nó mới được. Anh em Trịnh Tú đi theo sau, đưa mắt ra hiệu nhau tán loạn, nhịp chân bước cũng không đều. Trịnh Tĩnh Nghiệp quay đầu lại, nhìn thoáng qua, nghĩ thầm, trở về sẽ nói cho tụi nó nghe về lịch sử của gia đình mình.

Quý Phồn nổi giận với Cố Ích Thuần: “Đây là ‘có chừng mực’ mà trò đã nói đó hả? Nó đã từng có ‘đúng mực’ sao?” Cố Ích Thuần lòng nóng như lửa đốt, chẳng có tâm tình nào mà phản biện, cúi đầu kính cẩn, trong lòng quyết định, phải tìm dịp đi gặp Trịnh Tĩnh Nghiệp một lần mới xong.