Tô Đồng hãy chưa quyết có nên gọi lại chăng thì có cuộc gọi mới.
Di động rung điên cuồng trong tim. Tô Đồng nghĩ – Vu Thời Thiên gọi hai cuộc liền, chẳng lẽ có chuyện gì gấp cần tìm cô sao?
Cô nhét tai nghe đi ra ban công, ấn nhận. “A lô, thầy Vu.” Cô mở lời trước.
“…Đệt!” Bên kia phát ra tiếng chửi thề.
Tô Đồng chau mày. Cô không thích nói tục, kể cả là Vu Thời Thiên đi nữa cô cũng không muốn nghe thấy từ miệng anh.
“Xin lỗi, tôi mới vượt đèn đỏ.” Vu Thời Thiên đâu ngờ Tô Đồng sẽ bắt máy, nhất thời không để ý đến đèn giao thông đổi màu.
“Chú có việc gấp ạ? Không vội đâu, chú dừng xe hẵng gọi lại nhé?” Tô Đồng nói.
Sự việc của Diệp Tuyên để lại bóng ma cho cô. Vu Thời Thiên có tật lái ẩu lắm, cô thật sự lo lắng có ngày anh bất cẩn gặp tai nạn.
Vu Thời Thiên nghẹt thở. Tô Đồng phát âm tiếng phổ thông chuẩn, không mang giọng “Quảng” mà lơ lớ như giọng Bắc Kinh, chữ “chú” rất đỗi dễ nghe, nhưng cũng hết sức chói tai.
“…Không có gì, chỉ là, em không trả lời tin nhắn, tôi mắc lo em bị làm sao, thành ra gọi cho em. Dù sao thì tôi và mẹ em cũng coi như bạn bè, vẫn phải dõi theo em…”
Cơn gió đêm cuối hè đượm hơi lạnh se sẽ, nhưng nó hóa rét khi ùa vào lồng ngực Tô Đồng, ngay cả đầu ngón tay cầm điện thoại cũng tê buốt mất cảm giác.
Lại lo cho con gái bạn cũ chứ gì?
Tô Đồng ngước nhìn vầng trăng khuyết, đường cong mỏng manh ấy như bầu trời đêm hé miệng cười nhạo cô tự huyễn.
Cô cười: “Em có gì đâu. Chỉ là hôm nay bận quá, lỗi tại em vì không trả lời kịp thời. Cảm ơn thầy Vu đã quan tâm, nếu không có gì gấp thì em cúp…”
“Tô Đồng.”
Vu Thời Thiên gọi ới theo nhưng sau lại tịt.
Tô Đồng thích Vu Thời Thiên kêu tên mình nhưng không muốn anh gọi cho mình. Mặt hồ trong lòng cô chưa triệt để lắng lại, hễ mỗi khi Vu Thời Thiên lay tới là nó gợn sóng.
Sự im lìm của người đàn ông khiến cô thất vọng, cô hỏi trong bất lực: “… Rốt cuộc chú có chuyện gì ạ…”
Vu Thời Thiên rờ tay lên vô lăng, “Trưa ở trường tôi có thấy em.”
Tô Đồng hấp háy mắt, cô không nhớ là mình đã gặp Vu Thời Thiên, “… Rồi thì?”
“Chắc là em không nhận ra xe tôi nên đi lướt qua luôn. Lúc đó tôi đang kẹt trên đường còn em đi chung với một cậu trai.”
Nhớ tới làn đường tắc nghẽn hồi trưa, quả thực Tô Đồng không để ý, khi ấy Thái Trạch Minh đang giới thiệu trường cho cô.
“Xin lỗi ạ, trưa nay em không lưu ý.”
“…Đừng xin lỗi tôi hoài, em có làm sai gì đâu.” Vu Thời Thiên thở dài.
Thoáng chốc cả hai đều chìm vào thinh lặng. Tòa ký túc tựa lưng vào núi, về đêm côn trùng kêu xao xác xào xạc không ngơi.
Tô Đồng xoay người dựa vào lan can, hẩy ống quần ướt treo phía trên. Gió đêm phất qua đuôi tóc chưa khô, cô vê đầu ngón tay vương mùi hoa ẩm, thỏ thẻ: “Thầy Vu, còn gì nữa không ạ?”
Vu Thời Thiên nhìn thấy đường viền kéo dài của khu học xá ẩn mình trong màn đêm, qua cái đèn giao thông đi thêm đoạn nữa là tới cổng chính của trường.
Anh từ từ dừng trước trụ đèn đỏ, ngó hai cái hộp giữ ấm thắt dây an toàn trên ghế phụ.
Chúng có kiểu dáng bất đồng, một là loại bình inox thông dụng, cái còn lại dễ thương hơn tẹo với sắc xanh lá mạ chấm phá nét sóng vàng.
Đương khi Tô Đồng nói lại rằng nếu không có gì thì mình cúp, Vu Thời Thiên hỏi: “Em muốn uống canh không?”
*
Tối nay Vu Thời Thiên dùng bữa tại nhà cha mẹ. Vu Bách Hiên cù cưa hồi lâu với Hoàng Nghiên mới được phép ở lại trường, nhưng lần đầu tiên đứa út cưng sống xa nhà, dĩ nhiên Hoàng Nghiên rầu lòng lắm thay, ba hồi nóng ruột nó ăn có no không, ba hồi lo âu nó có giặt đồ không.
“Nó đã mười tám rồi, mẹ đừng coi nó là con nít nữa. Hồi xưa nửa năm trời phòng ký túc con có máy giặt đâu, lại chả lê lết tới giờ?” Vu Thời Thiên gắp phần thịt lưng cá ngân, chấm nước tương.
“Gì mà lăn lê bò lết. Đó là tại chúng bây không bàn chuyện hùn tiền nên nhây tới hết học kỳ mới chịu đi mua máy.” Hoàng Nghiên lóc thịt cá ra rìa đĩa cho anh.
Vu Thời Thiên không ngờ Hoàng Nghiên còn nhớ rõ chuyện lâu lắc vầy, ngay cả trí nhớ anh cũng lờ mờ, nhớ mang máng thuở đó dồn quần áo mấy ngày mới giặt một lần, liệng vô xô dậm mấy phát rồi lấy ra phơi.
Anh gắp thịt bò xào cải ngồng: “Con quen một đứa nhỏ bằng tuổi Bách Hiên, nhưng hôm nay người ta đi báo danh mình ên, việc gì cũng tự cáng đáng. Bách Hiên nên học theo cô nhóc ấy.”
Hoàng Nghiên liếc anh sắc lẹm: “Mày mới là thằng phải học người ta đấy con, sống trên trần đời ba lăm năm mà cũng chỉ biết nấu mỗi mì gói đó thôi?”
Vu Thời Thiên cắn thịt bò mà tiếng vẫn gãy gọn: “Con biết kiếm tiền, có tiền thì mời người giúp việc là xong.”
Hoàng Nghiên nổi quạu, gắp đầu cá và xương vô chén mình: “Thế lúc mày về già thì sao? Không ai bên cạnh chăm nom, chúng tao đi mất đất rồi mày làm sao? Lại chi tiền mời hộ lý hả?”
Vu Thời Thiên nhếch môi cười: “Chuẩn đét. Không thì bán nhà, vô ở viện dưỡng lão cũng được.”
“Vu Thanh Sơn, ông ngó thằng con ông này! Hoàng đế rề rà mà thái giám dí!” Hoàng Nghiên cự nự.
Vu Thanh Sơn làm thinh ăn cơm nãy giờ, gắp miếng thịt bò vô chén vợ: “Hầy, Thời Thiên tự biết lo đời nó, bà kệ nó đi.”
“Nó ế sưng ế xỉa ra đấy mà còn kệ nữa, e là nó lên trời mất.”
Canh tối nay là rong biển hầm xương sườn, nước canh trắng ngà hương tỏa thơm phức, miếng sườn ninh mềm rục, mút nhẹ một cái là thớ thịt long ra.
Giữa chừng, Hoàng Nghiên gọi cho đứa út hỏi tối nay ăn gì. Vu Bách Hiên đang dùng bữa ở nhà ăn, cậu gửi thẳng ảnh chụp vào nhóm gia đình. Chớm thấy chén canh suông có cọng lá mà chả có tí thịt vụn, mẹ già tức khắc đau lòng, kêu Vu Thời Thiên đi một chuyến đưa canh cho em trai. Ấm giữ nhiệt màu xanh lá chứa hơn phân nửa, nặng trịch.
Theo lẽ thường Vu Thời Thiên đã dông từ lâu, nhưng nay anh gật đầu cái rụp mà chả thèm xoắn xuýt.
“Mẹ, canh còn không ạ?”
“Còn chứ, thừa hơn chén xíu, mày muốn hả? Để mẹ múc cho.” “Mẹ múc vô ấm dùm con, con xách về nhà uống.”
Vu Thời Thiên không ở lại uống trà mà xách hai cà mên ra ngoài. Cửa sắt chống trộm hé nửa, Vu Thời Thiên chợt quay đầu nói với Hoàng Nghiên: “Mẹ ơi, lần sau hầm canh đậu nành giò heo nha?”
Hoàng Nghiên đang dọn bàn, nghe vậy thì dừng tay ngước lên nhìn thằng cả.
Bà gật đầu: “Để lần sau mẹ mua giò.”
Khoảnh khắc ấy Vu Thời Thiên thấy sống mũi cay cay, anh quay đầu, nói mình đi đây rồi đẩy cửa sắt ra.