Đại khái, hai chữ “thi rớt” này đã chọc trúng nỗi đau của đám sĩ tử không đậu, họ đều trợn mắt trừng kẻ sĩ áo xanh, có người trong đó còn không ngại ác ý phỏng đoán mục đích của chàng: “Nếu hai người vốn không quen biết trước thì bây giờ anh chủ động biện hộ cho quan khảo thí tất là muốn lấy lòng y, kết giao qua lại, cầu y cho anh đỗ cao!”
Kẻ sĩ áo xanh xua tay: “Tuy đến mai mới xướng danh yết bảng nhưng hiện giờ thứ tự tiến sĩ đã định xong, sao có thể thay đổi? Nếu tôi có lòng kết giao với nội hàn thì đã tới cửa bái yết từ trước khi trường thi tỏa viện khảo thí rồi, tội gì phải chờ tới bây giờ?”
Chúng sĩ tử nào chịu nghe chàng giải thích, nhao nhao nói: “Ai biết được trước đây anh đã tới cửa bái yết y hay chưa?”
“Nếu ăn gian mà công khai ra ai cũng biết thì còn gọi gì là ăn gian.”
“Hai người có chưa từng qua lại trước đây thì sau này làm đồng liêu ắt cũng sẽ kết bè kết đảng.”
Đám sĩ tử càng nói càng kích động, quay sang vây lấy kẻ sĩ áo xanh, bắt đầu nhốn nháo xô đẩy chàng.
Ta thấy tình thế không ổn, lập tức vung roi ngựa lên, vụt xuống đánh “chát” một tiếng vào cây dương ven đường, cao giọng quát: “Dừng tay!”
Chúng sĩ tử nghe tiếng sửng sốt, đều dừng lại, quay đầu nhìn ta.
Ta đưa mắt liếc họ một vòng, nói: “Quân tử không tranh chấp, có tranh cũng tranh cho đúng đạo quân tử. Chư vị đều là người đọc sách, mắng mỏ sư trưởng, vây đánh đồng niên ở đây, há chẳng phải bôi nhọ cái tiếng ăn học!”
Họ kinh ngạc nhìn ta một lượt từ trên xuống dưới, phỏng chừng đang suy đoán thân phận của ta, nhất thời chưa ai đáp lại, ta bèn nói tiếp: “Khổng Tử nói: Đạo quân tử có bốn: giữ mình thì khiêm cung, thờ trên thì kính cẩn, nuôi dân thì có ơn, sai dân thì hợp nghĩa. Mà nay chư vị tụ tập làm ồn trên phố, đức hạnh khó xưng cung khiêm; công nhiên trách mắng sư trưởng, thất kính với bậc tôn giả. Chư vị đi thi, mục đích chẳng ngoài về sau ra làm quan, phụ tá quân vương, mưu cầu phúc lợi cho dân chúng. Nhưng nếu bây giờ đến ‘giữ mình khiêm cung, thờ trên kính cẩn’ còn chẳng làm được thì tương lai nói gì đến ‘nuôi dân có ơn, sai dân hợp nghĩa’?”
Có người phản bác: “‘Trên’ trong thờ trên kính cẩn là chỉ quân vương, thánh thượng, anh há có thể thay bằng quan khảo thí?”
Ta đáp: “Quan khảo thí là thầy của sĩ tử dự thi, thầy ngang hàng với trời đất vua cha, đáng được sĩ tử thiên hạ kính trọng. Không tôn sư chẳng khác nào làm người khôn giữ đạo hiếu đễ. Khổng Tử nói: ‘Tròn đạo hiếu đễ, lại hay phạm thượng, hiếm ai như thế; không hay phạm thượng, lại thường tác loạn, chẳng ai như thế’ Đã không biết đạo tôn sư hiếu đễ thì cách phạm thượng tác loạn cũng chẳng xa.”
Lúc này, Lưu Kỷ cười khẩy, đi tới trước ngựa ta, nói: “Y quan của tiên sinh dường như là vật trong cung?”
Ta cúi người: “Tại hạ đích thực nhậm chức trong cung.”
Lưu Kỷ liếc xéo ta, nói: “Trung quý nhân nói có sách, mách có chứng, tại hạ bội phục. Có điều, tôi cũng nghĩ đến một câu của thánh nhân, dùng để miêu tả trung quý nhân, kể cũng chuẩn xác lắm.”
Ta biết hắn chẳng có lời gì hay, nhưng vẫn gật đầu: “Xin được lắng nghe.”
Hắn chợt vung tay trỏ vào ta, lạnh lùng nói: “Hoa ngôn xảo ngữ, giả bộ ôn hòa, hiếm có lòng nhân.”
Không đợi ta phản ứng, hắn đã liên thanh: “Hạng thiến hoạn như ngươi, khom lưng uốn gối đã quen, chỉ giỏi nói lời lấy lòng chủ tử, bên trong cầu vua sủng ái, bên ngoài ton hót đại thần, vì mưu tư lợi mà không màng khí tiết, lại dám mượn lời thánh nhân chỉ trích kẻ sĩ thiên hạ!”
Sĩ tử quanh hắn hùa theo, đều quay mũi giáo về phía ta:
“Hoàng môn nội thị cũng dám đọc xằng kinh thư thánh nhân?”
“Thiến hoạn hèn mọn, đọc sách là muốn làm chi? Không phải là muốn tham chính hại đời đấy chứ?”
“Nội thần triều trước cậy ơn hoành hành, bọn ta còn nói quốc triều lấy đó làm gương mà tránh, sẽ không để xảy ra tai họa như thế, nhưng cái ngữ tiểu hoàng môn nhà ngươi hôm nay đã dám công kích sĩ tử thì tương lai vượt chính hại dân cũng có khả năng lắm.”
“Thiên hạ nhà Hán bốn trăm năm, thiên hạ nhà Đường ba trăm năm, họa mất nước hai triều đều bắt nguồn từ hoạn quan mà ra. Thái Tông hoàng đế triều ta đã răn dạy rõ ràng, không cho phép hoạn quan tham dự chính sự, để phòng ngừa cẩn thận, bây giờ có tru diệt ngươi tại chỗ cũng chẳng quá đáng!”
Họ ùn ùn kéo tới, từng bước ép sát. Ta bất giác dắt ngựa lùi ra sau, đối mặt với tiếng la rầy quở mắng như thủy triều, ta choáng đầu ù tai, hai má nóng bỏng, không sao nén được cảm giác nhục nhã rỉ ra lớp lớp từ bên trong như mồ hôi lạnh đổ khắp người.
Bỗng, không xa phía sau có người cao giọng quát: “Đặng đô tri, bắt hết bọn phạm thượng tác loạn này lại cho ta!”
Là giọng của công chúa. Ta kinh ngạc quay đầu lại, thấy nàng đã xuống khỏi xe, chẳng biết đã tới đằng sau ta từ lúc nào, không có thị nữ theo hầu lấy quạt lông che chắn, khuôn mặt lấy mũ quây ẩn giấu.
Đặng Bảo Cát đi theo nàng lĩnh mệnh, vung tay lên, thị vệ Hoàng thành ty thủ giữ cách đó không xa lập tức thúc ngựa chạy tới. Mấy chục kỵ binh xông lên hất tung bụi mù, ngựa hí chó sủa, người đi đường kinh sợ la hét, sau một trận náo động ngắn ngủi, mười sĩ tử gây chuyện đã bị ấn quỳ xuống đất.
Đám Lưu Kỷ không phục, quỳ đó ra sức vùng vẫy, căm giận nói: “Bọn tôi chỉ muốn xin quan khảo thí một lời giải thích, sao có thể nói là phạm thượng tác loạn?”
Công chúa chỉ vào ta, đáp: “Các ngươi mạo phạm huynh ấy chính là mạo phạm ta, mạo phạm ta chính là mạo phạm cha ta, mạo phạm cha ta chính là phạm thượng tác loạn!”
Lưu Kỷ sửng sốt, hỏi: “Cô là ai?”
Đặng Bảo Cát đứng bên cạnh cất lời giải thích: “Đây là Phúc Khang công chúa.”
Âu Dương Tu nghe thế, lập tức xuống ngựa qua thi lễ, bách tính chung quanh cũng lục tục hạ bái, đám sĩ tử gây chuyện đa số đều ngậm miệng nín thít, chỉ duy Lưu Kỷ là còn giận dữ chất vấn: “Kim thượng đối đãi với văn sĩ luôn thiện lành kính trọng, chưa từng lạm dụng hình phạt, mà nay công chúa lại làm nhục bọn tôi để xả giận tư, đã làm trái lời dạy của vua cha, còn vi phạm đạo khoan dung của quân tử!”
Công chúa cười: “Ta không phải quân tử, là nữ tử, chính thánh nhân các ngươi đã nói rồi còn gì, nữ tử cũng khó nuôi như các ngươi vậy đấy.”
Lưu Kỷ còn muốn tranh cãi, công chúa trừng mắt hạnh, buông lời áp chế trước: “Còn nói nhảm nữa, ta sẽ lập tức bảo họ điệu ngươi đến Đại lý tự hỏi tội!”
Lưu Kỷ phẫn nộ cúi đầu, không nói gì nữa.
Ta thấy thế muốn mở miệng khuyên bảo, nhưng vừa mở miệng đã bị công chúa chặn lại: “Huynh cũng đừng nói gì hết… Ban nãy luống sức nói lý với họ thế, có được miếng tác dụng nào không? Còn chẳng bằng ta trực tiếp báo oán, lấy bạo chế bạo, gọn lẹ bao nhiêu… Đám người này càng đọc nhiều sách càng tráo trở điêu ngoa, huynh nói lý mà nói thông được thì chúng đã chẳng bao vây Âu Dương nội hàn rồi…”
Nàng còn chưa dứt lời, lại nghe có tiếng vó ngựa nổi lên, bọn ta đều đưa mắt nhìn sang, thấy là một con ngựa chưa buộc chắc đột ngột lồng lên tung vó, thế chạy rất hung, đạp chết một con chó vàng nằm trên đường.
Âu Dương Tu trông thấy, như có điều đăm chiêu, ngay sau đó bước lên vái chào công chúa, nói: “Xin công chúa cho phép thần nói mấy câu với chúng sĩ tử.”
Công chúa gật đầu đồng ý, Âu Dương Tu bèn quay người về phía chúng sĩ tử, chỉ vào con chó vừa bị ngựa tháo chạy đạp chết, nói: “Chư vị hiền tuấn hẳn đều đã chứng kiến tình cảnh mới rồi. Chư vị đã có lòng mượn đường cống cử làm quan, tương lai rất có thể sẽ vào quán các biên sách soạn sử. Tu mời chư vị thử viết về sự việc này, khái quát chỉ trong một câu. Nếu hiền tuấn dùng từ lời ít ý nhiều, cô đọng súc tích hơn cách nói của Tu, ngày mai Tu sẽ lập tức từ chức Hàn uyển, tự xin điều ra ngoài, không tham dự vào việc văn giáo nữa.”
Chúng sĩ tử nhìn nhau, vẻ mặt khấp khởi. Trầm ngâm đôi chốc, một người mở miệng đáp lại trước: “Có chó vàng nằm trên đường, ngựa hãi, tháo chạy xông tới, vó giẫm mà chết.”
Âu Dương Tu mặt không biến sắc, rất nhanh có một người khác đưa ra cách nói thứ hai: “Có chó nằm trên đường lớn, ngựa lồng mà giết chết.”
Âu Dương Tu cười mỉm nói: “Soạn sử mà soạn như vậy, vạn quyển khó nói xong việc một sáng.”
Lưu Kỷ nghe vậy, cao giọng đề đáp án của mình: “Xích thố bôn, vượt đường cái, vện nằm toi.”
Câu ấy vừa thốt lên đã có người phì cười thành tiếng, theo tiếng trông lại, là kẻ sĩ áo xanh ban nãy.
Lưu Kỷ cả giận: “Ta nói nực cười lắm sao?”
Kẻ sĩ áo xanh mỉm cười khom người: “Nào có. Tôi chỉ là đột nhiên nghe thấy một câu tuyệt cú thể Thái học, mừng rỡ khôn xiết, sơ xuất thể hiện ra thôi.”
Lưu Kỷ “hừ” một tiếng, nói: “Nói vậy hẳn huynh đài còn có câu hay khác, tại hạ kính cẩn lắng nghe.”
Kẻ sĩ áo xanh từ chối: “Âu Dương nội hàn đã sớm liệu sẵn trong lòng, tôi không dám múa rìu qua mắt thợ, vẫn là mời nội hàn chỉ giáo cho thôi.”
Âu Dương Tu bèn chậm rãi nói ra đáp án của mình: “Ngựa lồng giết chó trên đường.”
Sáu chữ lời ít ý nhiều, bút pháp nghiêng về lối thái sử công (*). Sau một chớp mắt im lặng, công chúa mở miệng khen hay trước tiên, đám người vây xem cũng dần dần rộ lên tiếng hoan hô.
(*) Tên gọi chức quan phụ trách ghi chép sử liệu chính thống của nhà nước xuất hiện từ thời Tây Hán, quyền hạn ngang ngửa chức phó thừa tướng, về sau chức quyền dần suy yếu đi rất nhiều, cuối cùng chỉ còn là quan lại lo liệu văn thư. Thái sử công nổi tiếng nhất là tác giả của “Sử ký”, Tư Mã Thiên, bút pháp thái sử công ở đây cũng chính là chỉ lối hành văn của Tư Mã Thiên trong “Sử ký”.
Âu Dương Tu lại quay sang Lưu Kỷ, ôn hòa nói: “Vào triều làm quan, bất kể nhậm chức quán các hay đảm nhiệm ngôn quan, bất kể soạn sử sách hay viết tấu chương, cũng đều phải nhớ lấy bốn chữ ‘câu từ lưu loát’, hành văn cần ngắn gọn mẫu mực, trôi chảy tự nhiên, không nên trau chuốt thái quá, cũng không nên tối nghĩa quái dị. Mộc mạc rõ ràng mới có thể diễn ý chuẩn xác, giúp người đọc dễ dàng lý giải. Ngôn từ chuyển tải sự việc, mà văn vẻ là để tô điểm cho ngôn từ, quan trọng nhất là lời lẽ phải hàm ý sâu xa, đầy đủ nghĩa lý. Nghĩa lý xác lập được rồi thì khó gì thể hiện văn vẻ. Lý lẽ đã rõ thì chẳng cần dụng tâm trau chuốt cũng tự sáng chói rực rỡ.”
Lưu Kỷ im lặng, như bị lay động, cụp mắt trầm ngâm, không tranh luận nữa. Những sĩ tử còn lại cũng vậy, đều ngơ ngơ ngẩn ngẩn, tựa hồ còn đang suy ngẫm lời Âu Dương Tu nói.
Âu Dương Tu lại thay mặt chúng sĩ tử cầu tình với công chúa, xin công chúa thả họ. Công chúa tuy không vui song vẫn chấp thuận, lệnh thị vệ Hoàng thành ty thả người.
Đợi đám sĩ tử gây chuyện lần lượt lui đi rồi, công chúa hỏi Âu Dương Tu: “Họ mạo phạm ông như vậy, sao không quở trách thêm đôi câu?”
Âu Dương Tu đáp: “Dùng hình phạt trị dân, tuy có thể khiến dân biết e sợ, nhưng trong lòng chưa chắc đã cảm hóa, chẳng có lợi ích gì cho nước nhà, không bằng lấy lý làm rõ, lấy lễ đồng hóa, lấy đức chỉ dẫn, khiến họ cảm được mà tự hóa.”
Công chúa nói: “Đành rằng như thế, nhưng bữa nay sĩ tử đắc tội với nội hàn quá đông, chưa chắc ai cũng có thể được nội hàn cảm hóa, chỉ e sẽ còn có người rình rập sinh sự. Để ta sai vài thị vệ hộ tống ông về nhà thì hơn.”
Âu Dương Tu thi lễ bái tạ, công chúa mỉm cười: “Nội hàn chớ nên đa lễ. Nếu thật sự muốn cảm ơn ta thì về sau viết thi văn bớt bớt lại chút.”
Thấy Âu Dương Tu không hiểu ra sao, ta bèn ngậm cười giải thích với y chuyện kim thượng bắt công chúa học thuộc danh tác của y, Âu Dương Tu tỉnh ngộ, không khỏi cười khà, cúi thấp người xin lỗi công chúa.
Công chúa khoát tay lia lịa, cười nói: “Ta nói đùa vậy thôi. Trong triều nhiều đại thần như thế mà ta vẫn thích đọc thi từ văn luận của nội hàn nhất đấy.”
Âu Dương Tu đi rồi, công chúa lên xe, ta chợt nhớ đến kẻ sĩ áo xanh kia, tức khắc nhìn quanh, thấy chàng rũ tay áo sải bước, đã đi xa được mấy thước, vội giục ngựa đuổi theo. Tới bên cạnh chàng, ta xuống ngựa, chắp tay nói: “Tú tài luận bàn tuyệt diệu, tại hạ bội phục sâu sắc. Có thể cho tại hạ được hay tôn húy của tú tài chăng?”
Kẻ sĩ nọ mỉm cười hoàn lễ, đáp: “Học trò Tô Thức đất Mi Sơn.”
Ta cũng báo tên của mình cho chàng, lại bảo: “Tôi còn chuyện này, muốn thỉnh giáo Tô tú tài: Mới nãy lời huynh kể Lý Nghĩa Sơn bái yết Bạch Lạc Thiên là xuất xứ từ đâu?”
Tô Thức cười to, phất ống tay áo: “Không cần xuất xứ!”
Thì ra chàng hư cấu thật. Ta không khỏi bật cười.
“Bên cạnh trăm ngàn sĩ tử, chỉ có mình huynh nghi ngờ chất vấn, đủ thấy tiên sinh tài cao.” Chàng cười nói, lại giải thích ngắn gọn, “Nếu nói viết văn trước tiên cần có ý thì kinh sử đều là cung cho mình sử dụng, huống hồ là điển cố nửa thật nửa giả!”
Để toi khái quát lại tình cảnh toi dịch hai cái phần này chỉ bằng một câu sáu chữ cho mọi người nghe, đảm bảo đủ tiêu chuẩn vào quán các biên sách soạn sử luôn: Các ông văn nhau, Cụt chết