*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
(*) Một câu trong bài “Yết kim môn – Xuân bán” của Chu Thục Chân, thời Tống.
1. Cống cử
Gia Hựu năm thứ hai, công chúa tròn hai mươi, theo phong tục Đại Tống, con gái qua năm này mà còn chưa lấy chồng sẽ bị liệt vào hàng gái lỡ thì. Vì vậy, kim thượng bắt đầu sai người lo liệu việc hạ giáng của công chúa, hôn kỳ định vào nửa cuối năm, trước đó tiến phong công chúa, Miêu thục nghi mẹ công chúa cũng được nhờ ân thăng vị.
Miêu thục nghi có hi vọng trở thành tần ngự đầu tiên ngồi vào vị trí bốn phi sau Trương quý phi, đó là chuyện đáng mong đợi duy nhất có thể khiến nét mày chau ủ hiện tại của bà giãn ra được đôi chút. Kể từ bận kim thượng nói chuyện với công chúa, công chúa không còn tỏ ý phản kháng mối hôn sự phụ thân an bài cho mình nữa, nhưng theo hôn kỳ ngày một tới gần, tâm trạng nàng càng lúc càng héo hắt, Miêu thục nghi từng mừng rỡ đề cập với nàng chuyện kim thượng muốn long trọng cử hành lễ tiến phong cho nàng, đó là vinh dự công chúa quốc triều chưa từng có, vậy nhưng cũng chẳng thể khơi gợi được không khí vui mừng nơi nàng.
Kim thượng cũng không quên nỗi uất ức sầu não của nàng, từng ân cần hỏi: “Huy Nhu, con không vui à?”
Công chúa chỉ xua tay, nhỏ nhẹ đáp: “Cả ngày không có việc gì làm nên hơi bức bối thôi ạ.”
Kim thượng bèn mỉm cười đề nghị: “Nghi Xuân Uyển năm nay hoa nở đẹp lắm, con đi ngắm đi.”
Thế nên tháng Ba, kim thượng lệnh Đặng Bảo Cát điều vài chục thị vệ Hoàng thành ty cùng người hầu theo nghi trượng thường ngày của công chúa hộ tống nàng đi Nghi Xuân Uyển.
Cành thưa chim lảnh lót, nước lặng đón hoa rơi, Nghi Xuân Uyển vẫn mang dáng vẻ thuờ xưa cũ, ngọn liễu bóng oanh phi, ngập đường dương hoa múa. Nhưng cảnh xuân rực rỡ ấy lại chẳng rọi được chút ánh sáng nào lên con ngươi công chúa, nàng đứng một mình nơi đầu cầu đỏ thẫm trong vườn, mắt đăm đăm nhìn dòng xuân thủy chảy dưới chân, giữ tư thế bất động suốt một thời gian dài, để mặc bóng mình lay động trong nước, cánh hoa lạc vào áo đơn.
Đến giữa trưa, nàng xoay người nhìn ta, nói: “Chúng ta về thôi.”
Đường về cũng chẳng quá thông thuận, lúc đi tới phố Phồn Đài, phía trước có người tụ tập ồn ào, người qua đường dừng chân vây xem, làm con phố tắc nghẽn, dầu kẻ hầu liên tục la hét dọn đường, song ngựa xe vẫn chẳng thể lăn bánh.
Dương hoa, hay còn gọi là tơ liễu.
Đặng Bảo Cát đã được phục chức chưởng quản Hoàng thành ty, hôm nay cũng tùy hành theo, thấy thế lập tức thúc ngựa qua xem xét. Lát sau, Đặng Bảo Cát trở về, bẩm công chúa: “Là một đám sĩ tử thi rớt bao vây Âu Dương nội hàn (*), buông lời chửi bới, không cho đại nhân đi ạ.”
(*) Nội hàn là cách gọi tôn kính dành cho hàn lâm học sĩ. (chú thích của tác giả)
Nghe vậy, công chúa vén rèm, cùng ta liếc nhau, cũng hiểu được đại khái tình hình nơi đây.
Tháng Giêng năm nay, kim thượng lệnh hàn lâm học sĩ Âu Dương Tu đảm nhiệm chức tri cống cử, làm quan chủ khảo kỳ thi lần này. Những năm gần đây, học trò Thái học viện chuộng lối viết quái dị tối nghĩa, dẫn tới chúng học giả bắt chước noi theo, thậm chí còn trở thành trào lưu nhất thời trong nước, gọi là “thể Thái học”. Nghe nói Âu Dương Tu rất ghét kiểu văn phong này, quyết ý dốc sức ngăn chặn, phê duyệt bài thi mà bắt gặp “thể Thái học” là thẳng tay loại sạch. Thế nên, ngày Lễ bộ cống viện tỉnh (*) công bố kết quả, cả thiên hạ đều lấy làm kinh ngạc, bởi những kẻ trước đó được người đời ca tụng đều không nằm trong nhóm trúng tuyển. Mà nay kỳ thi đình đã kết thúc, danh sách tiến sĩ quan khảo thí lựa chọn đã được trình lên hoàng đế, kết quả cuối cùng sẽ được xướng danh tuyên bố trong cung ngày mai, Âu Dương Tu đã cởi bỏ trạng thái tỏa viện, hiện giờ hẳn là vừa tan triều trở về, đám sĩ tử thi rớt có thể đã canh sẵn thời gian, cố ý gây khó dễ với y tại đây.
(*) Cơ quan quản lý việc thi cử, tiến cử học trò.
“Hoài Cát,” Công chúa phân phó ta, “Huynh đi xem xem.”
Ta ứng lời, lập tức giục ngựa chạy lên.
Lúc này, Âu Dương Tu đã bị sĩ tử trùng trùng vây kín, tuy có vài tùy tùng và lính tuần đường phố hộ vệ, song nhân số sĩ tử gây chuyện quá nhiều, kẻ nào kẻ nấy đều cố sức chen lên muốn sấn lại gần y. Binh lính tùy tùng chỉ có thể bao bọc quanh con ngựa y cưỡi mỗi buổi lên triều, cố gắng không để sĩ tử chạm tới y.
Chúng sĩ tử có người nổi giận đùng đùng, có người lườm nguýt khinh miệt, có người cười mỉm trào phúng, đều đang anh một lời tôi một câu ầm ĩ nhao nhao.
“Thể Thái học không có cảm giác dài dòng cứng nhắc của văn biền ngẫu, lại cũng chẳng bình dị thông tục, tầm thường nhạt nhẽo, lựa từ dùng câu đều mới mẻ, đủ để thể hiện tài sáng tạo của sĩ tử, có gì không được? Người đời đều tôn sùng kiểu văn phong ấy, cớ gì chỉ mỗi nội hàn là không dung?”
“Cống cử là để thiên tử chọn người tài khả dụng, không phải là để Âu Dương nội hàn ông chọn môn sinh, ông há có thể vì yêu ghét cá nhân mà loại bỏ tài tuấn Thái học được người đời công nhận?”
“Nghe nói, trong lúc tỏa viện, Âu Dương nội hàn thường xuyên cùng mấy vị quan khảo thí Vương Khuê, Mai Chí, Hàn Giáng, Phạm Trấn còn lại, thêm cả quan tiểu thí (*) Mai Nghiêu Thần ngâm thơ điền từ, số thơ sáng tác ra đủ để soạn nguyên một tập thơ rồi. Sa vào xướng họa như vậy liệu có còn lòng dạ mà xem xét chấm kỹ bài thi của bọn tôi không?”
(*) Có thể hiểu đơn giản là chức quan phụ tá cho quan khảo thí chấm thi.
“Nghe nói lúc xướng họa, mấy vị quan khảo thí các ngài phun vàng nhả ngọc dữ dội lắm. Âu Dương nội hàn ông còn từng tả cảnh trường thi là ‘Chiến sĩ vô thanh chí ngậm tăm (*), xoàn xoạt tiếng bút dâu ăn tằm’, còn Mai Thánh Du thì hình dung: ‘Vạn kiến tranh đua ngày xuân ấm, ngoài ánh năm sao mờ đêm thâm.’ Chậc chậc, các ông tự so mình với năm sao, so chúng tôi với kiến tằm, đủ để thấy quan khảo thí có đức khiêm nhường thế nào rồi!”
(*) Thời xưa khi hành quân bí mật, binh sĩ mỗi người phải ngậm trong miệng một chiếc đũa để khỏi lên tiếng làm lộ bí mật.
…
Những lời lẽ như vậy nổi lên liên tiếp, mà từ đầu tới cuối Âu Dương Tu chỉ duy trì tư thái trầm mặc, ghìm ngựa đứng đó, không câu đáp trả.
Lát sau, lại có người bắt đầu nghi ngờ học vấn của y: “Nội hàn ông ra đề thi hội là ‘Thấu tỏ biến hóa mà giúp dân không mỏi’, kỳ ghê cơ, sao tôi lại nhớ nguyên văn trong ‘Dịch truyện’ là ‘Thấu tỏ biến hóa giúp dân không mỏi’ ấy nhỉ?” (*)
(*) Nguyên văn trong “Dịch truyện”: “通其变,使民不倦 (thông kỳ biến, sử dân bất quyện)”, ý diễn giải đầy đủ ra là “Thấu tỏ sự biến hóa không ngừng của thời đại mà giúp cho cuộc sống của người dân không cứng nhắc đến nỗi làm nảy sinh tâm lí chán nản”.
Câu này vừa buông, lập tức có người tiếp lời: “Có gì mà kỳ đâu, thời nay ai chẳng biết, ‘Mà quan thi đây sính ngoại kia’! Ha ha…”
Sĩ tử chung quanh nghe thấy cười ầm lên, thần thái Âu Dương Tu còn tính là bình tĩnh, nhưng sắc mặt cũng không khỏi khẽ đổi.
Âu Dương Tu quả thực thích dùng chữ “mà” trong văn. Y từng nhận lời nhờ cậy của người ta, làm một thiên “Tương Châu họa cẩm đường ký”, trong đó có câu: “Làm quan làm đến tướng, phú quý về cố hương.” Viết xong gửi đi rồi, sau cân nhắc lại thấy không thích hợp, bèn sai người cưỡi khoái mã đuổi theo lấy bản thảo về, sửa rồi lại gửi đi. Người nhận đọc bản thảo đã sửa, phát hiện ra y chỉ đổi câu trước thành “Làm quan mà làm tới tướng, phú quý mà về cố hương”.
Đương nhiên, sĩ tử nói câu này bây giờ không phải là đang thảo luận sở thích hành văn của y mà là mượn chữ “ngoại” ám chỉ lời đồn y tư thông với cháu gái ngoại.
Câu này lập tức dẫn hứng thú của chúng sĩ tử dời sang chuyện khuê thất của y, có người cười hỏi dạo này Trương thị thế nào, có người bắt đầu ngâm nga “Vọng Giang Nam”, kế đó, một sĩ tử áo sồng đứng ngay trước Âu Dương Tu xướng cao một bài “Túy Bồng Lai”: “Thấy mắt thẹn mày chau, mặt non phớt hồng, eo thon lả lướt. Bên hiên thược dược, buồn bực chẳng cho qua. Che hờ thẹn e, giọng run thâm thấp, hỏi đã ai biết hay chăng? Gắng giữ váy la, trộm đáp sóng mắt, vờ đi vờ ngồi. Hỏi chi nếu như, chuyện đã thành rồi, tóc mây loạn rối, mẹ nhà mắng la…”
Lời ý bài từ này ô uế đáng khinh, tả việc nam nữ yêu đương vụng trộm, mà kẻ áo sồng vừa hát vừa giơ tay cong ngón, diễn vẻ nữ nhi thẹn thùng từ chối, càng chọc mọi người cười giỡn. Hát đến đoạn sau, có vài người cất giọng hát theo, xem ra bài từ này cũng không phải mới sáng tác tại đây mà hẳn đã truyền xướng được một thời gian rồi.
“Bài từ này cũng là Âu Dương nội hàn điền?” Trong người vây xem có người hỏi.
Kẻ áo sồng dừng lại, cười đáp: “Nếu chẳng có ‘Trời sinh tính ngông cuồng’ thì ai mà hiểu được cảnh giới trong từ, tất bật bận vì hoa chứ.”
“Trời sinh tính ngông cuồng” và “tất bật bận vì hoa” là câu chữ trong một bài “Vọng Giang Nam” khác của Âu Dương Tu. Ngụ ý của người này ắt chỉ bài diễm từ mới hát cũng là của y.
Âu Dương Tu cau mày, nhưng nhất thời cũng không lên tiếng bác bỏ. Tiếng cười càng thêm rộn rã, ta đang nghĩ xem nên giải vây cho Âu Dương nội hàn thế nào thì đã có một kẻ sĩ áo xanh bước ra.
Người này trên dưới hai mươi, vóc dáng cao ráo, mày thưa mắt sáng, gương mặt xương xương. Khóe miệng khẽ nhếch về phía bên phải, ngậm nụ cười như có như không, chàng bước tới cạnh kẻ áo sồng, hỏi: “Các hạ là Lưu Kỷ đất Diên Sơn?”
Lưu Kỷ đất Diên Sơn, ta cũng từng nghe đến cái tên này, trước kỳ thi hội, hắn là một tú tài nổi trội với sở trường viết thể Thái học, được coi là nhân tuyển hàng đầu cho vị trí trạng nguyên, mà sau kỳ thi, người đời kinh ngạc đến thế, có phân nửa cũng là bởi thấy hắn thi rớt.
Kẻ áo sồng cũng chẳng che giấu, hất cằm cười ngạo nghễ: “Chính là kẻ hèn đây.”
“Thất kính thất kính.” Kẻ sĩ áo xanh mỉm cười thi lễ, chậm rãi nói tiếp: “Bài ‘Túy Bồng Lai’ này của Lưu huynh lời ý kiều diễm, mềm mại uyển chuyển, có thể nói là kiệt tác giữa hoa, đủ để lưu danh hậu thế, tội gì phải quy sang danh nghĩa Âu Dương nội hàn, để y cướp danh mình đâu?”
Lưu Kỷ quan sát chàng từ trên xuống dưới vẻ ngờ vực, đang định đáp lại thì bị người nọ mở miệng ngăn: “Tại hạ thấy, bài từ này đã đạt đến trình độ hoàn mỹ, nhưng Lưu huynh lại cứ khiêm tốn, đắn đo đi đắn đo lại suốt mấy ngày, liên tục hỏi ý kiến người khác, không khéo, lại hỏi đến anh bạn cùng tuổi của tôi, anh bạn này lại đem sang hỏi tôi, tôi đọc xong vô cùng bái phục, đứng trước châu ngọc, chẳng dám sửa xằng chữ nào…”
Lưu Kỷ nghe vậy không phản bác mà chỉ cười nhạt, chắc hẳn bài “Túy Bồng Lai” này đúng như kẻ sĩ nói, là sáng tác dưới ngòi bút Lưu Kỷ, cố ý khiến người ta hiểu lầm là Âu Dương Tu tự viết về chuyện mình.
Thấy Lưu Kỷ không nói gì, kẻ sĩ lại khoan thai đi tới trước mặt người vừa nghi ngờ Âu Dương Tu viết sai đề thi, nói: “Đề thi cống cử tuy mỗi câu đều có xuất xứ nhưng cũng chẳng phải lần nào cũng nhất thiết cần đúng nguyên văn, không sai một chữ. Thêm một chữ ‘mà’ vào ‘Thấu tỏ biến hóa giúp dân không mỏi’ không làm thay đổi ý nghĩa, ngược lại đọc lên còn thuận miệng hơn, trầm bổng du dương, làm nổi bật vẻ đẹp của thi phú âm luật, có gì là không được?”
Đợi thoáng một chớp mắt, không nghe thấy người kia biện hộ, chàng lại đưa mắt nhìn kẻ sĩ chung quanh, cao giọng nói: “Khi xưa thủy tổ Tây Côn Lý Nghĩa Sơn (*) lừng danh thi văn khắp thiên hạ, một ngày nọ bái yết Bạch Lạc Thiên (**) đàm luận về thể văn lối thơ, giọng điệu tương đối khoe khoang. Giữa chừng hỏi Bạch Lạc Thiên lấy tứ diệu ý hay từ đâu, Lạc Thiên đáp: ‘Viết thơ không theo đuổi tứ diệu mà truy cầu chất lượng câu từ – mộc mạc đại chúng, rõ ràng dễ hiểu, khiến người ta đọc là hiểu ngay; ngôn ngữ trực tiếp súc tích – viết đúng sự việc, sát với lí lẽ, làm người nghe khắc sâu lời khuyên; cốt lõi thực tế – nội dung chân thực, dẫn chứng có giá trị tham khảo, để người sưu tập có thể truyền lại; thể thức theo đó mà tùy ý – câu chữ mạch lạc, dễ dàng ngâm xướng, có thể truyền bá thành nhạc khúc ca dao.’ Nghĩa Sơn nghe vậy, xấu hổ trở ra. Mà giờ, từ thời Ngũ Đại đến nay, văn hóa giáo dục suy bại, phong tục tập quán tha hóa. Thánh thượng bùi ngùi thở dài, muốn thanh lọc ngọn nguồn tệ nạn, vời gọi những kẻ sĩ hùng dũng khôi ngô đôn hậu bộc trực, trừ bỏ thứ văn học phù phiếm hoa mỹ lòe loẹt kềnh càng, bởi thế báo rõ thiên hạ, mà kẻ sĩ lại chẳng biết lòng thiên tử, đòi hỏi quá đáng, mỗi lần gọt giũa câu từ đều dùng lối viết quái dị tối nghĩa, đọc lên chẳng nên câu cú. Đến mạch lạc súc tích còn chẳng làm được thì nói gì đến cái khác? Thói cũ Tây Côn còn sót lại chưa tan, tệ mới Thái học đã ùn ùn kéo đến. Âu Dương nội hàn chấp chưởng quyền văn, quyết chí cải tạo tệ nạn trường thi, tất phải cất nhắc tài sĩ thiên hạ cung ứng cho thiên tử, đây là kính cẩn nhận lệnh vua sai, hành động theo ý hoàng đế, có tội chỗ nào?”
(*) Tức nhà thơ Lý Thương Ẩn đời Đường, ông tổ của thể văn Tây Côn; Nghĩa Sơn là tên tự.
(**) Tức nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường.
Lưu Kỷ nghe thế giễu cợt, liếc xéo hỏi vặn: “Huynh đài biện giải khắp nơi khắp chốn cho Âu Dương nội hàn, hẳn cũng là một trong ‘tài sĩ thiên hạ’ được y vời gọi rồi. Chẳng biết ngày mai có được xướng danh, vị trí hạng mấy đây?”
Kẻ sĩ áo xanh cười đáp: “Trước khi thi hội, tôi sống tại miền hoang vu, chuyến này đi thi là lần đầu vào kinh. Kẻ chốn quê mùa, tin tức không nhạy, chuyện Âu Dương nội hàn muốn cải tổ tệ nạn Thái học viện, tôi cũng chỉ mới biết sau khi thi hội xong, lúc làm bài thi dùng văn phong nhất quán, vẫn chưa đón ý theo hùa, lại càng chẳng quen biết Âu Dương nội hàn, hôm nay ngẫu nhiên qua đây, mới biết dung mạo nội hàn ra sao, mà nhân số sĩ tử thì nhiều, nội hàn cũng không biết tôi họ ai tên gì. Khi thi hội tôi cũng giống chư vị huynh đài đây, bài thi được niêm phong dán tên rồi sao lại, không thể ăn gian. Tuy miễn cưỡng được Lễ bộ tấu danh, tham gia thi đình, song cũng chẳng nắm chắc được kết quả xướng danh ngày mai, có khi thi rớt như chư vị huynh đài cũng chưa biết chừng.”