Cô Thành Bế

Quyển 3 - Chương 5: Tào lang




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Ngày cưới của Cao cô nương ngày càng kề cận, chuyện cưới xin của công chúa theo đó cũng trở thành đề tài tán gẫu của người trong cung. Năm nay nàng lên mười, đã tới lúc có thể bàn việc hôn nhân. Nhiều ngày nay, các nương tử tới gác Miêu chiêu dung sau khi trò chuyện dăm câu về nghi trượng hồi môn của Cao cô nương hầu như đều sẽ đề cập tới công chúa, hỏi Miêu chiêu dung: “Quan gia định chọn công tử nhà nào làm phò mã?”

Miêu chiêu dung chỉ lắc đầu: “Ta cũng đang muốn biết đây, nhưng ai mà đoán được quan gia nghĩ thế nào chứ? Dù sao cũng chẳng trông mong được ngài chọn một trạng nguyên.”

Tục lệ quốc triều khác với thời Tùy Đường, hôn nhân không hỏi công huân, kẻ sĩ kết thông gia với dân thường đã dần trở thành phong tục. Bởi triều đình coi trọng kẻ sĩ nên quan viên trong triều đều là thư sinh. Rất nhiều quyền thần khanh tướng vốn xuất thân hàn vi, song có thể nương khoa cử mà leo lên hàng đại thần phụ chính thanh cao sang quý, thế nên từ thế gia vọng tộc tới thân sĩ phú hào đều thích kén tiến sĩ làm rể. Thậm chí mỗi bận yết bảng khóa thi, nhà có con gái đến tuổi còn thường xuyên canh trực dưới bảng, cả thành tranh đoạt lang quân áo xanh (*).

(*) Nguyên văn: 绿衣郎 (lục y lang), chỉ thanh niên khoa bảng tài hoa anh tuấn.

Tể chấp trong triều mà có con gái thường cũng hay kén rể từ nhóm tiến sĩ trẻ tuổi, thậm chí là gả con cho trạng nguyên, chẳng hạn như tiền tham tri chính sự Tiết Khuê đã lần lượt gả hai cô con gái cho Vương Củng Thần thi đỗ trạng nguyên, mà vị con rể còn lại của ông thì chính là Âu Dương Tu đăng khoa cùng năm với Vương Củng Thần.

Tuy nhiên, hoàng đế thì lại không thể chọn trạng nguyên tiến sĩ làm rể. Bởi xưa nay ngoại thích tham dự vào chính sự quá nhiều thường sẽ dẫn đến hỏng loạn, gia pháp tổ tông quốc triều rất nghiêm khắc với ngoại thích, không trao thực quyền cho ngoại thích, chỉ nuôi dưỡng bằng bổng lộc tước vị cao, không để họ có cơ hội lộng quyền độc tài. Nếu trước khi thông gia với hoàng gia tôn thất mà trong nhà ngoại thích đã có sẵn người làm quan nắm giữ thực quyền thì thông thường cũng phải tiến hành miễn chức rồi nhận chức suông. Trạng nguyên tiến sĩ là người được tuyển để làm đại thần chấp chính trong tương lai, đương nhiên là không thể kết thông gia với hoàng thất. Kim thượng đối mặt với thanh niên tài tuấn khắp triều cũng từng cười nói với hậu phi: “Ai cũng bảo con gái hoàng đế không phải lo chuyện cưới xin, ta thấy cũng chưa chắc. Ta mà có ý định chọn lang quân áo xanh nào làm phò mã, hắn ắt sẽ thà chết không chịu, đài gián cũng sẽ mắng ta phá hủy tiền đồ người ta.”

Hiện giờ hoàng thất cưới vợ gả con đa phần là kén từ những “hộ suy cũ” mà Chương Hiến Minh Túc hoàng thái hậu Lưu thị đời tiên đế đã chỉ thị, tức những thế gia có tổ tiên vốn là công thần khai quốc song đời sau không còn làm công khanh đại phu nữa, hoặc giả, hậu nhân ba đời của khanh tướng áo vải không xuất thân từ danh môn cũng được, nhưng điều kiện tiên quyết đều là trong tộc không có ai ngồi ở ngôi cao trong triều đình đương thời.

Đương nhiên, dẫu cho phạm vi tuyển chọn phò mã có thu nhỏ đến những hộ suy cũ và nhà khanh tướng áo vải thì thiếu niên ưu tú có khả năng sánh đôi cùng công chúa cũng chẳng phải là không có.

Có một lần, Miêu chiêu dung mở miệng dò xét ý kén rể của kim thượng, kim thượng nói thế này: “Đợi Thập Tam hồi cung phục diện bái môn, ngoại thích vào cung chúc mừng, ta sẽ cho nàng gặp một người.”

Sau hôn lễ, chàng rể quay lại nhà nàng dâu, bái lạy bố mẹ vợ được gọi là “bái môn”, nếu đi ngay ngày kế sau hôn lễ thì gọi là “phục diện bái môn”. Cao cô nương lấy chồng với thân phận “con gái hoàng hậu”, dùng một nửa nghi trượng công chúa, về nhà chồng từ trong cung, thế nên sang ngày kế Thập Tam Đoàn Luyện sẽ hồi cung phục diện bái môn, mà hôm ấy tôn thất ngoại thích đều sẽ vào cung ăn mừng. Nghe ý của kim thượng, có vẻ như sẽ chọn phò mã trong số ngoại thích.

Sau đó, Miêu chiêu dung thuật lại câu trả lời của kim thượng cho Du tiệp dư nghe, tiệp dư cười: “Không phải quan gia chỉ đại công tử nhà Tào lang đấy chứ? Em nghe hoàng hậu nói hôm đó Tào lang sẽ dẫn hai công tử nhà ông ấy vào cung, trong đó đại công tử bằng tuổi công chúa, tài mạo cũng tương xứng.”

Miêu chiêu dung mừng rỡ khôn xiết, chắp hai tay niệm: “A di đà phật, nếu là công tử Tào lang thì tốt quá rồi!”

“Tào lang” chỉ cháu trai Tào Bân – công thần khai quốc Đại Tống –, em trai hoàng hậu, tên là Tào Dật. Ông là người điềm đạm, thông hiểu âm luật, thiện cờ vây giỏi cung tiễn, thơ văn bút nghiên đều vô cùng tinh thông.

Hơn nữa, tướng mạo ông rất đẹp. Khí chất hoàng hậu như lan chi nơi thâm cốc, ngụ chốn không người vẫn ngát hương, nhưng nếu chỉ bàn về gương mặt thôi thì lại chẳng khiến người ta cảm thấy choáng ngợp, mà vẻ đẹp của Tào Dật thì không ai có thể ngó lơ cho đặng. Nước da ông trắng trẻo, tóc màu đen tím kỳ lạ, mơ hồ có ánh đỏ, được tôn là người cõi tiên. Tuy dung nhan thanh tú song lại chẳng hề yếu đuối, thân thủ ông khi cưỡi ngựa bắn cung múa kiếm đều rất nhanh nhẹn, phóng thái tiêu sái nhàn tản mà khí phách.

Từ thuở thiếu thời, ông đã ra vào cung cấm các dịp lễ tết cỗ tiệc khá thường xuyên, tần ngự cung nhân trông thấy đều rất vui mừng, tranh nhau vén mành ngắm Tào lang. Lần đầu ta chứng kiến cảnh sôi nổi ấy đã từng nghĩ, mỹ nhân được viết trong chương “Dung chỉ” cuốn “Thế thuyết tân ngữ” cũng chỉ đến thế này là cùng.

Ông mang danh là người tộc hoàng hậu nhưng không hề ngạo mạn kiêu căng, hai mắt trong suốt, lại như chẳng màng đến giang sơn bốn bể. Nghe nói lần đầu kim thượng trò chuyện với ông, phát hiện ra ông thích đọc Lão Trang, chỉ tính ngôn từ thôi đã tĩnh lặng tự nhiên, vô vi chính trị (*), thế nên kim thượng rất thích, ban thưởng khá nhiều, ông cũng chẳng lấy làm kinh hãi hay mừng rỡ, chỉ chắp tay tạ ơn. Bởi vậy, kim thượng thường hay khen ông với người khác, nói: “Tào lang tính tình tốt, phong độ đẹp, tương lai có thể vào triều làm sử quan.”

(*) Chủ trương chính trị cơ bản của Đạo gia, Lão Tử và Trang Tử đều có quan điểm như vậy, nôm na đại khái thì cũng gần gần như áp dụng “lấy tĩnh chế động” vào đạo trị quốc.

Tào Dật vừa đến tuổi nhi lập, dưới gối có hai con trai, con trưởng tên Bình, con thứ tên Dụ. Tào Bình năm nay vừa tròn mười tuổi, tuy còn nhỏ song văn tài võ nghệ đã mang nhiều âm hưởng của cha, thích đọc sách sử, chữ viết rất đẹp, thiện tài cung tiễn, buổi tối tắt đèn giương cung vẫn có thể bắn trúng, trong cung nghe nói không ít, thế nên Miêu chiêu dung rất đỗi vui mừng, mong chờ kén cậu làm rể.

Đầu hạ năm ấy, Thập Tam Đoàn Luyện và Cao cô nương phụng chỉ thành hôn. Đã là “Quan gia nhi” cưới “Hoàng hậu nữ” thì tất nhiên rầm rộ hơn bao giờ hết, dân chúng Đông Kinh ào hết ra đường, hàng ngàn hàng vạn người đổ xô đi xem kiệu liễn nghi trượng.

Ngày kế, Thập Tam Đoàn Luyện dẫn nàng dâu hồi cung phục diện bái môn, tôn thất ngoại thích cũng ai dắt gia quyến nhà người đó vào cung ăn mừng. Hoàng hậu ngồi trong thủy tạ ở Hậu uyển tiếp kiến ngoại thích, trước ngự tọa buông bức mành châu, mẹ con Miêu chiêu dung ngồi sau mành bên cạnh hoàng hậu.

Bởi có câu kén rể của kim thượng nên ta để ý đến cha con Tào Dật nhiều hơn cả. Tuy Tào Dật là em trai ruột của hoàng hậu, song hoàng hậu cũng không đối xử gì đặc biệt với ông, vẫn cách một bức mành châu, khoảng cách giữa hai người chừng ngoài hai trượng, lời nói cũng chẳng phải hỏi han ân cần. Hoàng hậu hỏi, Tào Dật đứng bên ngoài trả lời, thái độ ông nhã nhặn, giọng không lớn nhưng nhấn chữ rõ ràng, người trong ngoài mành đều có thể nghe thấy.

Tào Bình và Tào Dụ đi theo cha, bởi hai cậu con trai còn nhỏ nên hoàng hậu gọi họ vào trong mành, ôn hòa hỏi chuyện bài vở đèn sách, hai cậu đối đáp ung dung, ngôn hành rất có khí chất thế gia. Miêu chiêu dung một mực quan tâm tới hai vị tiểu công tử, đợi hoàng hậu hỏi xong lại gọi họ tới bên mình, ngắm nghía trái phải, niềm vui thích nhuốm lên đuôi mày, mệnh nội nhân lấy quà tặng đã chuẩn bị từ trước ra đưa cho họ, nhưng bị hoàng hậu cản lại.

Hoàng hậu cười mỉm: “Hai đứa nó là bé trai, cả ngày chạy nhảy nghịch ngợm, cho bọn nó đeo mấy thứ khóa vàng mặt ngọc này chỉ e sẽ bị đánh hỏng, cho hai đứa nó mấy cái kẹo ăn là được rồi.”

Ngày sau đó sai người dâng quà thưởng cho hai cháu trai – thực sự là kẹo, hai chiếc kẹo đường sữa hình sư tử, quà này so với trẻ con nhà khác ít ỏi hơn nhiều.

Chiêu dung lại tỉ mỉ hỏi sinh nhật của hai cậu con trai, thấy Tào Bình lớn hơn công chúa hai tháng, bèn bảo công chúa gọi cậu là ca ca. Công chúa gật đầu, gọi “ca ca”, Tào Bình tức thì cúi người thi lễ, trong miệng rất cẩn thận gọi nàng “công chúa”. Công chúa cười cười, lại gọi Tào Dụ là “Tào đệ đệ”, Tào Dụ lanh lợi lập tức gọi nàng là “công chúa tỷ tỷ”. Người nghe đều cười, bầu không khí vô cùng hòa thuận, một khắc ấy, ta vốn tưởng rằng nhân duyên công chúa đã được xác định mỹ mãn.

Thập Tam Đoàn Luyện và Cao cô nương bái lạy kim thượng ở tiền điện xong thì qua đây, hoàng hậu giữ họ lại thủy tạ trò chuyện, thấy vẫn còn cách giờ mở tiệc chút thời gian, mà trong số các nội thị theo hầu chung quanh, ta là người gần tuổi với hai vị tiểu công tử nhất, bèn bảo ta dẫn họ vào vườn chơi, giải lao đôi chốc.

Hôm ấy, sân chơi các trò bắn liễu, đánh cầu, gõ viên trong Hậu uyển đều đã được chuẩn bị xong xuôi cho tôn thất quý thích tiêu khiển. Cờ màu tung bay trong sân gõ viên, hai vị tiểu công tử dừng chân ngó nhìn. Ta thấy họ có vẻ có hứng thú, bèn gọi người mang vài bộ gậy bóng cao thấp không đồng đều tới cho họ tự chọn rồi vào sân gõ viên.

Thoạt đầu họ chưa chia tổ thi đấu, chỉ tùy ý vung gậy gõ viên, ta lặng lẽ quan sát, phát hiện ra kỹ thuật của họ rất thuần thục, hiển nhiên là thường xuyên chơi trò này. Lát sau, họ dần cảm thấy không thú vị, bèn hỏi ta có biết chơi không. Hai năm qua ta đã lục tục chơi kha khá lần, đáp biết, họ liền kiến nghị ta vào sân chia tổ thi đấu với họ. Ta thấy trong sân chỉ có ba người chúng ta, bèn nói: “Nếu muốn thi đấu thì ít nhất còn cần một người nữa.”

“Để ta!” Đúng lúc này, chợt nghe ngoài sân có người cất tiếng, ta ngoảnh lại nhìn, phát hiện là công chúa.

Nàng không đợi bọn ta trả lời đã chạy vào trong sân, đứng bên cạnh ta, cười với hai công tử họ Tào: “Tào ca ca và Tào đệ đệ một tổ, ta và Hoài Cát một tổ.”

Tào Bình hơi do dự, Tào Dụ còn nhỏ tuổi nên không lo nghĩ gì nhiều mà vỗ tay reo hay: “Hóa ra công chúa tỷ tỷ cũng biết chơi gõ viên!”

Công chúa cười với cậu rất tự tin, như thể đã nắm chắc tất cả trong lòng bàn tay, rồi nói với ta: “Chọn gậy bóng cho ta.”

Ta nhỏ giọng hỏi nàng: “Công chúa biết chơi trò này?”

Nàng cũng thầm thì: “Huynh có thể dạy ta mà.”

Lúc nàng đang dạt dào hứng thú với chuyện gì thì rất khó có thể khuyên nàng từ bỏ. Lại nghĩ, tuy hai vị công tử họ Tào là con trai nhưng dù sao vẫn còn rất nhỏ tuổi, vả lại chơi trò này không có tiếp xúc thân thể, con gái trong cung thi thoảng cũng chơi, thế nên cuối cùng ta vẫn bằng lòng, đi chọn gậy bóng đưa cho nàng.

Chia tổ thi đấu, nếu một tổ trong ba lượt đánh có thể đánh bóng vào lỗ bóng tương ứng thì được tính là một quả, cuối cùng căn cứ theo số quả vào của mỗi tổ để phân thắng bại. Biểu hiện ban đầu của công chúa tất nhiên là thảm không nỡ nhìn, gậy đánh xuống căn bản không chạm được tới bóng mà ngược lại, cây cỏ vô tội bên cạnh thì bị xúc mất cả mảng to. Về sau, tuy đã đánh được tới cầu nhưng nàng mở mắt to hết cỡ cũng chẳng tìm được chỗ cầu rơi đằng trước, bởi vì cầu rơi ra phía sau nàng…

Tình hình như vậy, thi đấu tất nhiên là không cách nào triển khai, thế là ba người chúng ta cùng xúm lại bên nàng, ai nấy đều mở miệng dạy nàng kỹ thuật cơ bản, từ dáng đứng, dáng cầm gậy cho đến động tác vung gậy và góc độ tiếp xúc bề mặt khi đánh bóng, uốn nắn từng cái một. Cũng may khả năng lĩnh ngộ của công chúa hãy còn được tính là không tệ, chẳng bao lâu sau, đánh bóng đã dần ra dáng hơn.

Vươn cánh tay ra trước, gậy bóng hướng lên trên vai phải, vung xuống, mặt gậy bóng va thẳng vào một bên bóng mã não, sau khi đánh bật bóng ra, gậy bóng thuận thế hất lên, từ phía trên bên trái thu ra sau đầu, phác ra một hình cung lưu loát… Sau khi làm đúng mọi động tác, công chúa đánh ra một cú hoàn mỹ, quả bóng mã não vút đi như sao băng, rơi vào gần lỗ bóng xa xa.

Chúng ta cùng reo hò khen hay, công chúa sướng rơn, hớn hở chạy qua, một lần nữa dùng tư thế mới rồi vung gậy, động tác nhanh nhẹn tới nỗi ta chẳng kịp nhắc nàng rằng vì bóng cách lỗ rất gần nên lần này căn bản không cần vung gậy, chỉ cần đổi cây gậy khác đẩy vào…

Kết quả, gậy vung ra, quả bóng mã não lại bay vút lên, lướt qua lỗ bóng, phi thẳng ra ngoài sân.

Ta thấy không ổn, nhìn chỗ quả bóng rơi xuống, hẳn là một lối đi cho người qua lại.

Có vẻ như công chúa cũng nhận ra điều ấy, vội chạy về phía đó, ta cũng lập tức đuổi theo kiểm tra. Nàng chạy tới mép sân trước, nơi đó là một gò đất nhỏ, nàng dừng bước, đứng trên sườn gò nhìn xuống lối đi ngoài sân, như nhìn thấy cái gì, đứng yên bất động.

Ta xách gậy bóng rảo bước qua, dừng lại sau lưng nàng, tầm mắt mau chóng đảo xuống, quả nhiên trông thấy một người dường như bị bóng đánh trúng, đang xoa trán ngơ ngác nhìn lên.

Đó là một thiếu niên tuổi chừng mười ba, mười bốn, vóc dáng không cao nhưng rất cường tráng, gương mặt chất phác như trẻ con nhà nông, da hơi ngăm, hai má đỏ bừng, cặp môi hơi dày lúc này đang mở hờ, ngây ngẩn nhìn chằm chằm công chúa một hồi lâu rồi dời mắt sang ta.

Ta tạm thời chưa đoán ra được thân phận của hắn. Dáng vẻ hắn khác hẳn kiểu con cái thế gia như hai công tử họ Tào, nhưng trên người lại bận áo bào vải lĩnh đắt tiền in hoa văn hình đứa bé leo trèo, hơn nữa còn vào cung hôm nay, tựa hồ cũng thuộc ngoại thích.

“Công tử, mới rồi quả bóng kia có làm ngài bị thương không?” Ta hỏi hắn.

Hắn như kiếm chút thì giờ suy nghĩ lời ta, xoa xoa trán thêm mấy cái rồi mới chỉ chỉ mặt đất bên cạnh, lúng túng nói: “Bóng rơi xuống đây rồi bắn lên, đụng vào đầu ta… Không sao, không sao…”

“Bỏ tay xuống cho ta xem,” Công chúa mở miệng, giọng hơi mang ý ra lệnh, “Có chảy máu không? »

Thiếu niên kia lắc đầu, ngoan ngoãn bỏ tay xuống, công chúa rướn người xem xét, yên lòng: “Còn may, chỉ hơi đỏ chút thôi.”

Thấy ta cũng thở phào, công chúa không kiêng dè chút nào, cười trỏ vào thiếu niên: “Huynh xem hắn có giống một con thỏ ngốc không.”

Bấy giờ ta mới để ý thấy trên đầu thiếu niên kia đội một cái mũ trùm bằng vải bông, bên trên dựng thẳng hai cái cánh nom như khăn chít đầu triều thiên, nhưng bởi làm bằng vải nên trông khá là dày rộng nặng nề, quả thật nom có vài phần giống tai thỏ.

Ta không tiếp lời công chúa mà cúi đầu giải thích sơ lược tình hình gõ viên ban nãy với thiếu niên, cũng thay mặt công chúa xin lỗi, song hắn tựa hồ cũng chẳng mấy quan tâm tới nội dung ta nói, trái lại có vẻ rất hứng thú với gậy bóng trong tay ta, nhìn chăm chú hồi lâu.

Ánh mắt ấy chăm chú tới mức làm ta cũng không khỏi cụp mắt xuống nhìn cây gậy. Phần dưới gậy bóng cong thành hình móc câu, nhìn tổng thể khá giống một cái muôi cán dài, trên gậy đính đồ trang trí bằng vàng dọc theo thân, trên chóp điểm một món trang sức bằng ngọc, rất bắt mắt.

Khăn chít đầu triều thiên.

“Không bằng ca ca đây cũng lên chơi gõ viên cùng chúng ta đi.” Chợt nghe Tào Bình đề nghị vậy. Cậu cũng dẫn em trai chạy tới, đứng cạnh ta nhìn xuống thiếu niên dưới sườn gò, ánh mắt thân thiện.

Thiếu niên kia lẳng lặng quan sát hai anh em họ Tào và ta mấy lượt, lại nhìn sang công chúa, do dự. Hắn đứng ngay đầu gió lùa, bị gió thổi hồi lâu, không kìm được hắt hơi một cái, bắn ra chút nước mũi xanh xanh, hắn lập tức giơ tay bịt mũi, dùng mu bàn tay lau nước mũi đi.

Công chúa khẽ nhíu mày.

Đúng lúc này, có nội thị hớt hải chạy tới, nói với thiếu niên: “Lý công tử, thì ra cậu ở đây! Lý phu nhân đang tìm cậu khắp nơi, muốn dẫn cậu đi gặp hoàng hậu và Miêu nương tử…”

Thiếu niên “à” một tiếng rồi bị nội thị dẫn đi, hãy còn lưu luyến không thôi, đi một bước lại ngoảnh đầu lại.

Công chúa xoay người, nói với bọn ta: “Đừng để ý tới hắn nữa, chúng ta chơi bóng tiếp đi.”

Tào Bình rất có phong độ, hoàn toàn bỏ qua lạc thú vui chơi của mình, một lòng dạy công chúa gõ viên, bởi vậy tâm trạng của công chúa rất tốt, cho đến tận lúc tiệc tối khai màn, còn liên tiếp quay về phía Tào Bình, cười chúm chím.

Nhưng lúc này, vẻ mặt Miêu chiêu dung lại khác hẳn ban ngày, thần sắc ảm đạm, mặc cho trên tiệc ca múa thanh bình, linh đình ăn uống, bà vẫn chẳng mảy may hé một nét cười, một mực cúi đầu, cũng không có lòng dạ nào nhìn đến công tử Tào thị.

Tiệc tan trở lại Nghi Phượng Các, Miêu chiêu dung bảo nội nhân đưa công chúa trở về phòng, bản thân thì bần thần ngồi trong sảnh. Hàn thị thấy sắc mặt bà không bình thường, bèn dè dặt hỏi: “Nương tử vì sao không vui ạ?”

Nghe thấy câu này, nước mắt Miêu chiêu dung lập tức tuôn ra như nước vỡ đê: “Ta còn có thể vui được ư? Quan gia muốn gả công chúa cho nhà tay cậu bán vàng mã!”

Ta đứng bên cạnh nghe thấy cũng sửng sốt khôn tả, hoàn toàn không ngờ kết quả sẽ như vậy.

“Tay cậu bán vàng mã” là chỉ Lý Dụng Hòa, em trai mẹ đẻ kim thượng, Chương Ý hoàng thái hậu Lý thị.

Kim thượng là do Chương Hiến Minh Túc hoàng thái hậu Lưu thị và Chương Huệ hoàng thái hậu Dương thị nuôi nấng, song mẹ đẻ thì lại là thị nữ Lý thị của Lưu thái hậu. Năm đó khi Lưu thái hậu là tần ngự của vua Chân Tông, được sủng ái nhất lục cung song mãi mà chẳng có con. Có lần Chân Tông ngẫu nhiên tới chỗ Lưu thị, thấy Lý thị thanh tú xinh đẹp, nước da trắng nõn, bèn lệnh cho thị tẩm, Lý thị nhờ vậy mang thai, sinh hạ hoàng tử. Lưu thị ôm con Lý thị về nuôi nấng, tuyên bố với bên ngoài là mình sinh, Lý thị cũng chẳng giành giật danh phận, lặng lẽ đứng giữa tần ngự, ngậm miệng giữ kín bí mật này, cho đến khi lâm chung cũng chẳng nhận biết kim thượng.

Lúc Lý thị bệnh tình nguy kịch, Lưu thái hậu đã gợi ý kim thượng phong hiệu làm Thần phi. Năm Lý thị vào cung, em trai Lý Dụng Hòa mới bảy tuổi, về sau trưởng thành sống trong cảnh nghèo khó, lấy nghề in tiền vàng mã làm nghiệp ở kinh sư, đó là một trong những nghề thấp kém bị người đời khinh bỉ. Sau nữa, Lưu thái hậu phái người xuống dân gian tìm ông ta, thưởng cho ông ta một chức quan nhỏ.

Đến tận khi Lưu thái hậu qua đời, Yến vương mới nói cho kim thượng hay chân tướng về mẹ ruột. Kim thượng buồn bã ủ rũ mất mấy ngày không lên triều, trong cơn bi thương tự trách đã truy tôn Lý thị làm hoàng thái hậu, đồng thời ban thưởng hậu hĩnh cho Lý Dụng Hòa, nhờ đó mà ông ta thăng quan tiến tước. Hiện giờ, quan hàm Lý Dụng Hòa đang là Chương Tín tiết độ sứ, đồng bình chương sự (*), tuy chỉ là chức hão, không có thực quyền, song bổng lộc và đãi ngộ nhận được thì không thua tể tướng, đủ để thấy kim thượng đối đãi với Lý thị hậu đến nhường nào, chiếm vị trí bậc nhất trong ngoại thích.

(*) Là chức quan nắm giữ hai tỉnh Trung thư và Môn hạ (trung tâm xử lý chính vụ) trên danh nghĩa, thực tế là do tể tướng quản lý.

Tuy nhiên, sự cao quý của ngự tứ vẫn chẳng hề thăng cấp cho địa vị của Lý quốc cữu trong lòng cung nhân. Rất nhiều người khi bàn riêng về ông ta vẫn sẽ gọi ông là kẻ bán vàng mã, mỗi lần nói đến chuyện ông “đột nhiên phú quý” đều dùng giọng khinh bỉ. Ông và phu nhân vào cung thường có một vài lời nói cử chỉ không phù hợp, rất hay bị cung nhân chê trách.

“Hôm nay quan gia lệnh Lý quốc cữu và phu nhân mang nhị công tử nhà ông ta tới, dẫn vào trong mành gặp hoàng hậu và ta.” Miêu chiêu dung vừa lau nước mắt vừa bực bội nói với Hàn thị, “Thằng bé đó mười ba tuổi, trông ngớ nga ngớ ngẩn. Hoàng hậu hỏi nó hiện giờ đang đọc sách gì, nó đáp ‘Thiên tự văn’ trước, ngẫm nghĩ một lát rồi lại bảo đang xem ‘Hiếu kinh’. Nói năng chậm rì rì, quan gia nghe xong lại yêu thích, còn khen nó ‘ứng đối ung dung’, hết ban tọa cho nó lại thưởng nó đồ ăn, nó quỳ xuống bái tạ, quan gia lại khen nó hiểu chuyện, bảo nó ‘cử chỉ đáng xem’. Ta thấy trên trán nó sưng đỏ một vết, hỏi xảy ra chuyện gì, nó nói là lúc tản bộ trong Hậu uyển đâm phải cây hòe…”

Hàn thị nghe xong ngạc nhiên thốt: “Đi đường cũng đâm vào cây được? Thằng bé này thật đúng là ngốc nghếch.”

Miêu chiêu dung càng thêm ấm ức, kể tiếp: “Quan gia bảo nó lui đi rồi hỏi ta thấy Lý Vĩ thế nào, ta nghĩ, thằng bé nó ngây ngô như vậy mà còn lớn được đến tuổi này cũng chẳng dễ dàng, nên nói vài lời tốt đẹp thì hơn, bèn cười với quan gia khen nó mấy câu, nào ngờ quan lại mừng rỡ nói: ‘Nàng cũng thích nó à. Vậy thì vừa khéo, ta đang định chọn nó làm phò mã, gả Huy Nhu cho nó đây.’”

Hàn thị lắc đầu thở dài: “Trời ạ, quan gia ngàn chọn vạn chọn, cuối cùng lại đi chọn người gia thế người ngợm như thế… Hoàng hậu cũng có ý này?”

Miêu chiêu dung đáp: “Ban đầu ta còn tưởng là quan gia nói đùa, hỏi đi hỏi lại ngài, ngài lại nghiêm nghị xác thực có ý đó. Khoảnh khắc ấy, đến hoàng hậu cũng phải ngẩn người. Ta nghĩ chị ấy cũng không quá bằng lòng, nhưng xem quan gia nghiêm túc thế, ai dám hó hé thêm câu nào nữa?” Thoáng dừng lại, chiêu dung lại bắt đầu nghẹn ngào, “Ta nghe chuyện này mà trong lòng bức bối quá thể, trên tiệc lại hết lần này tới lần khác nghe thấy tiếng phu nhân Lý quốc cữu khoác lác ba hoa, hớn ha hớn hở khoe với Tào phu nhân nhà mẹ đẻ mình năm nay làm ăn kiếm được bao nhiêu tiền. Tào phu nhân hàm dưỡng tốt nên chỉ mỉm cười. Cơ mà, trời ơi là trời, cứ nghĩ tới phu nhân quốc cữu là bà thông gia tương lai của ta, ta thực sự chỉ muốn đập đầu đầu tự tử ngay trên điện cho rồi!”

Hàn thị cũng thở vắn than dài, rơi lệ cùng Miêu chiêu dung, lát sau, lại tràn ngập hi vọng nói: “Có lẽ quan gia chỉ nhất thời nổi hứng nói vậy thôi, đợi mấy ngày tới khôi phục lại tinh thần sẽ không nhắc lại chuyện này nữa.”

Có thể, qua mấy ngày nữa sẽ không ai nhắc lại chuyện này. Ta cũng hi vọng như vậy.

Lý Vĩ tuyệt đối không xứng đôi với công chúa. Ta có kết luận này không phải là vì xem thường dòng dõi Lý thị. Qua lời Miêu chiêu dung, có thể đoán được Lý Vĩ là cậu thiếu niên bị bóng mã não của công chúa đánh trúng kia, họ không thích hợp, sớm đã biểu hiện ở cái chau mày thoáng qua của công chúa. Bởi vậy nên, hiện giờ chỉ có thể hi vọng đây chẳng qua là câu bông lơn nhất thời của kim thượng.

Thế nhưng, ngày bính tử (*) tháng Năm năm ấy, cái bọn ta đợi được lại là ý chỉ của kim thượng: phong đông đầu cung phụng quan Lý Vĩ làm tả vệ tướng quân, phò mã đô úy, kén làm rể hiền cho Phúc Khang công chúa.

(*) Bính là một can trong can chi, đứng thứ mười ba nên ngày bính tử là ngày mười ba trong tháng.

Phản ứng của cung nhân đúng như dự liệu.

“Bọn họ cười thầm nói, sau này trong hậu cung mà làm lễ cúng thì khỏi cần phải sai người đi mua vàng mã nữa rồi, nhà Lý phò mã khắc sẽ cung ứng.” Có lần Miêu chiêu dung khóc lóc kể với kim thượng, “Thiếp không nghĩ ra nổi vì sao quan gia lại chọn cậu con rể này, trong khi đại công tử nhà Tà lang tài mạo song toàn, tuổi tác lại tương xứng với công chúa…”

Khi đó kim thượng tự bày một ván cờ, đương ngồi một mình xem xét, nghe Miêu chiêu dung nói vậy, ngài dùng hai ngón tay kẹp một quân cờ lên, chầm chậm hạ xuống bàn cờ.

“Nàng nhất định muốn ngoại thích trong thiên hạ đều phải mang họ Tào à?” Ngài dửng dưng buông lời.