*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Tết Đoan Ngọ mồng năm tháng năm còn được gọi là “tết Dục Lan Lệnh”, từ ngày mồng một đến trước Đoan Ngọ một ngày, trên đường phố Đông Kinh nơi nơi đều bán đào, liễu, hoa hướng dương, lá hương bồ và ngải phật đạo, đến Đoan Ngọ, nhà nhà trải ra trước cửa cùng bánh ú, bột nếp viên ngũ sắc và trà rượu để cúng bái thần phật, lại bện lá ngải thành hình người hoặc hình hổ, đóng lên cửa để trấn tà trừ ác, bách tính nhân dân tặng rượu lẫn nhau.
Trong cung cũng vậy. Trên cửa các lầu gác đều treo người ngải hổ ngài, lại cắt tơi tía tô, xương bồ, đu đủ ra trộn với nhau làm thuốc hương, đựng vào tráp màu mai đỏ, được quy là vật cúng thần tết Đoan Ngọ như hoa ngải trăm sợi, trống bạc, quạt tranh tinh xảo, mứt kẹo thơm, bánh ú và dưa trắng.
Ngoài ra, nội ty còn lấy xương bồ hoặc thông thảo khắc thành hình thiên sư ngự hổ đặt trong cung, treo xương bồ nhuộm ngũ sắc hai bên, lại khắc hình trăm trùng lên đó rồi lấy quỳ, lựu, lá ngải và hoa đùm lấy, rực rỡ năm màu, rất giống buộc hoa đăng cảnh núi tết Nguyên Tiêu.
Đại nội hôm ấy náo nhiệt vô cùng. Nội thị đổi sang áo lót vải la và áo bào sa mùa hạ, cung nga đầu đội miện hoa muôn màu muôn vẻ, tay bưng chỉ màu bách tầm (*), hoa bằng vàng điêu khắc tinh xảo, trống bạc, vận quả mật đường, bánh ú, túi đựng kinh bùa ống kết từ ngọc ngũ sắc mà đế hậu thưởng cho các gác, tể chấp và tôn thất. Trong Hậu uyển, hướng dương quả lựu khoe sắc, dành dành ganh ngải toả hương, tôn thất hoàng thân đánh cầu bắn liễu, còn có cung quyến chơi ném hũ đấu cỏ (**), cảnh tượng rất đỗi thái bình.
(*) Bách tầm, còn được gọi là dây nối mệnh, là một món đồ cát tường của tết Đoan Ngọ, được làm từ năm màu chỉ khác nhau, treo ở cửa hoặc đeo lên người để tránh tai phòng bệnh, phù hộ an khang, tăng thọ thêm tuổi (gần giống với dây hợp hoan ở phần trước nhưng tớ không tìm thấy tài liệu nào nói cả hai là một); trong bài từ viết cho gác hoàng hậu của Âu Dương Tu ở phần trước cũng đã nhắc tới loại dây này.
(**) Bắn liễu là trò đặt bồ câu vào một cái hồ lô, treo lên cây liễu, giương cung bắn trúng hồ lô, bồ câu bay ra, lấy độ cao bồ câu bay lên để phân thắng thua; ném hũ là trò ném thẻ vào bình rượu; đấu cỏ là trò lồng hai nhánh cỏ giao nhau rồi hai người kéo hai đầu xem nhánh nào đứt trước.
Ngày ấy, ta làm quen được với Thập Tam Đoàn Luyện Triệu Tông Thực. Cậu là một thiếu niên mười bốn, mười lăm tuổi, trầm tĩnh ôn hòa, hơi rụt rè, gặp trưởng bối cũng không nói nhiều, bình thường đều hỏi câu nào đáp câu đó, ở trước mặt hoàng hậu cũng rất câu nệ, có vẻ như hơi sợ bà, gặp Miêu chiêu dung thì khá hơn, bởi khi còn nhỏ ở trong cung, cậu thường hay được Miêu chiêu dung chăm sóc. Công chúa rất thích cậu, vừa gặp đã liến thoắng “Thập tam ca”, chạy qua hỏi han tíu tít, cậu trông thấy công chúa cũng rất vui vẻ, lời nói nhiều lên và thoải mái hơn hẳn.
Đại khái là vì yêu ai yêu cả đường đi nên Thập Tam Đoàn Luyện tỏ ra rất thân thiện với những người theo hầu công chúa. Buổi chiều, cậu chơi một trò tên là “gõ viên” cùng với vài vị con cháu tôn thất, đếm tới đếm lui thấy còn thiếu một người, bèn ngó sang ta khi đó đang đứng hầu một bên, bảo: “Ngươi qua đây chơi với chúng ta đi.”
Ta hơi hoảng, thưa mình không biết chơi, cậu lại chẳng để bụng, kéo ta vào sân, nói: “Ta dạy ngươi.”
Mãi gần đây gõ viên mới trở nên rầm rộ ở kinh thành, lúc chơi phải vẽ một sân bóng lên một khoảnh đất rộng rãi nhấp nhô không bằng phẳng trước, từ lỗ bóng cách ra một khoảng chừng vài chục đến một trăm bước, lại đào thêm một số lượng lỗ bóng nhất định, người tham gia lần lượt lấy đầu một gậy gỗ hình muôi đánh vào quả bóng mã não to cỡ quả trứng gà, phe nào đánh nhiều bóng vào lỗ nhất phe đó thắng.
Ban đầu, ta không thạo cách chơi, không phải chọn sai gậy đánh bóng thì cũng là động tác góc độ không đúng, đánh bóng khi xa khi gần, song thế nào cũng không trúng lỗ. Thập Tam Đoàn Luyện rất có kiên nhẫn, chậm rãi giảng giải, thậm chí còn nắm tay dạy ta, cuối cùng, ta dần dần chơi được đúng cách, có thể miễn cưỡng ứng chiến.
Hôm đó, trong số nữ tử hoàng thân vào cung có một người con gái nuôi khác của hoàng hậu, chắt của danh tướng quốc triều Cao Quỳnh, con gái chị ruột hoàng hậu, tên Thao Thao. Khi còn nhỏ, Cao cô nương được hoàng hậu chọn vào cung, nuôi dạy cùng Thập Tam Đoàn Luyện nơi cửa cấm. Khi ấy, người trong cung đều gọi Thập Tam Đoàn Luyện là “Quan gia nhi”, gọi Cao cô nương là “Hoàng hậu nữ”. Bởi hai người cùng tuổi, lại hợp tính nhau nên đế hậu đều có ý tác hợp cho họ. Kim thượng thường trỏ vào Cao cô nương trêu Thập Tam Đoàn Luyện: “Lấy hoàng hậu nữ về làm dâu cho con nhé?” Về sau, Dự vương ra đời, Thập Tam Đoàn Luyện bị trả về dinh Nhữ Nam quận vương, Cao cô nương kế đó cũng xuất cung về nhà, hoàng hậu mới nhận nuôi Phạm cô nương.
Lúc Thập Tam Đoàn Luyện chơi gõ viên với ta, Cao cô nương ngồi một bên xem cùng công chúa, ánh mắt trước sau đều đặt lên Thập Tam Đoàn Luyện. Có đôi lần Thập Tam Đoàn Luyện cũng sẽ lặng lẽ nhìn cô, nếu bốn mắt chạm nhau, họ sẽ tức khắc vội vã quay đầu né tránh như đột nhiên phải bỏng, mặt hơi ửng đỏ, khóe miệng lại cùng khe khẽ nhếch lên.
Theo lệ thường, hoàng đế không lên triều vào Đoan Ngọ, kim thượng vốn cũng ở Hậu uyển trò chuyện cùng hoàng thân, chợt nghe nội thị truyền báo có vài vị gián quan cầu kiến, nói rằng có chuyện quan trọng muốn bẩm tấu. Kim thượng dầu không vui song vẫn thay áo bào đỏ thêu rồng vàng, khăn chít đầu chân bằng, thắt đai đỏ và khuyên ngọc vàng sừng tê, y phục chỉnh tề đi tới Thùy Củng Điện tiếp kiến họ.
Chuyến này đi đã lâu mà chưa thấy quay về, trời dần tối, sắp đến giờ mở tiệc, hoàng hậu bèn gọi vài tần ngự trẻ tuổi, mệnh họ đến điện Phúc Ninh, tẩm điện của kim thượng, chờ, nếu gặp quan gia trở về thay y phục thì lập tức đón sang Hậu uyển nhập tiệc.
Công chúa nghe hoàng hậu phân phó vậy bèn tự xin chỉ thị, muốn đi Phúc Ninh Điện đợi phụ thân, hoàng hậu cũng bằng lòng, để nàng đi cùng các nương tử.
Ta đi theo công chúa. Chờ ở Phúc Ninh Điện một lúc mới thấy kim thượng rảo bước quay về, trán lấm tấm mồ hôi, vừa đi vừa sai tiểu hoàng môn trong điện: “Mau mời Lý ty sức qua đây.”
Tạo hình Tống Nhân Tông với khăn chít đầu chân bằng, đai đỏ và khuyên ngọc vàng sừng tê.
Thuộc Thượng phục cục có bốn ty: ty bảo, ty y, ty sức, ty ỷ, mỗi ty gồm hai nữ quan chủ quản. Trong hai nữ quan chủ quản ty sức có một vị họ Lý, rất giỏi dùng thuật đạo dẫn (*) chải tóc, dung mạo cũng hơn người, được xưng tụng là “Sơ đầu phu nhân”, thường chải đầu cho quan gia, rất được kim thượng tin yêu.
(*) Ở đây là một phương pháp mát-xa da đầu với ngón tay.
Nhận lệnh tuyên triệu của quan gia, Lý ty sức tới rất nhanh, gỡ tóc chải đầu cho ngài. Tần ngự chia hai hàng tả hữu đứng đợi, công chúa cũng ở trong đó xem.
Giữa chừng, công chúa hỏi kim thượng: “Sao cha lại phải chải đầu lúc này ạ?”
Kim thượng thở dài: “Mới nãy mấy tay gián quan cứ giảng đạo lý với ta mãi, ta muốn chóng rời đi, bèn cười nói với họ: ‘Ý các khanh trẫm đã biết, để sau lễ tết lại bàn.’ Không ngờ vừa xoay người, còn chưa cất bước, tay áo đã bị một quan kéo lại, luôn miệng kêu: ‘Bệ hạ nhất định phải nghe xong lời can của chúng thần đã…’ Ta muốn rút tay áo ra mà hắn không chịu buông, ta đành trở lại ngồi, nghe họ nói tiếp, trong đó lại còn có một tay mùi mồ hôi rất nặng, trời mùa này thì nóng, hun ta nhức đầu nóng tai, da đầu ngứa ngáy, nên phải chải đầu mới tỉnh táo lại được.”
Chúng tần ngự nghe xong đều bật cười, sôi nổi hỏi: “Thế họ can gián chuyện gì mà nói dai nói dài, nói hết cả buổi như vậy ạ?”
Kim thượng không đáp, chỉ nói: “Cũng không có gì, các ngươi không cần biết.”
Có vị nương tử tinh mắt, thấy trong tay áo kim thượng có tấu chương, bèn thừa dịp ngài không phòng bị, thoắt cái rút ra, cười: “Lời họ nói ắt là viết cả trong đây rồi, quan gia ban thưởng cho bọn thiếp xem đi thôi.”
Những nương tử còn lại cũng nhào lên tranh cướp tấu chương, cười đùa ầm ĩ, đều muốn là người mở ra xem trước tiên. Kim thượng mới đầu muốn ngăn lại, song hãy còn đang chải đầu, tóc nằm trong tay Lý ty sức, không thể động đậy, đành bất đắc dĩ lắc đầu thở dài.
Mấy vị nương tử tranh tới tranh lui, ai cũng không xem được đầu tiên, Cuối cùng, vị rút tấu chương cao giọng nói: “Được rồi được rồi, đừng ai tranh nữa, chúng ta mời công chúa tuyên đọc, mọi người cùng nghe thôi.”
Tất cả đều thấy ý kiến này không tệ, bèn giao tấu chương cho công chúa.
Công chúa nhận lấy mở ra, cân nhắc từng chữ rồi bắt đầu đọc: “Thần nghe nói vì tai họa diễn ra liên tiếp, bệ hạ đã hạ chiếu sắc, mong cầu lời phải ngay…”
Kim thượng cười khổ: “Họ nói năm nay mưa nhiều thành họa, gần đây trong nước lại có động đất, là trừng phạt do âm thịnh… Con trực tiếp đọc mấy dòng cuối đi.”
Công chúa gật đầu, nhảy cóc qua đoạn giữa, đọc mấy câu quan trọng nhất đằng sau: “Trong cung thất, chúng nữ ngự lẽ nào lại chẳng dư thừa, khác chi bị cầm giữ? Lựa người vô dụng mà thả ra ngoài, đặng tiêu trừ biến loạn âm thịnh.”
Câu này vừa nói ra, tần ngự trong điện tức thì nín thinh, hiển nhiên là không ngờ được chuyện đài gián luận bàn lại có liên quan đến mình. Nỗi bất an dâng lên trong mắt, họ đều lén ngó kim thượng vẻ dò xét, chỉ sợ có gì không thỏa đáng là mình sẽ lập tức trở thành “người vô dụng” trong tấu chương.
Kim thượng cũng im lặng, chẳng hé răng câu nào an ủi họ. Ánh mắt công chúa qua lại giữa phụ thân và tần ngự, có phần hiếu kỳ lại có phần ngây thơ, dáng vẻ gắng sức suy tư khiến nàng nom đáng yêu khôn tả.
Một chốc sau, một tiếng cười khẽ phá tan khoảng lặng này: “Quan gia trục xuất bớt vài tên quan lại ăn nói quàng xiên này đi chẳng phải là lỗ tai được thanh tịnh rồi sao?”
Lời này phát ra từ miệng Lý ty sức. Dưới ánh mắt chăm chú đầy kinh ngạc của chúng nữ nhân, thị vẫn thoải mái vén tóc cho hoàng đế, thong thả nói: “Nhà giàu trong kinh bây giờ, trong tay có vài xâu tiền là nạp thêm mấy phòng vợ lẽ ngay, thiên tử có mấy tần ngự, bọn ngoại thần há có quyền xía vào? Lưỡng phủ lưỡng chế (*), nhà nào mà chẳng có ca cơ vũ kỹ, quan chức chỉ hơi vừa ý một cái là đi đâu cũng vơ hết về. Quan gia có mỗi một, hai người, chúng đã kêu âm thịnh phải giảm đi, ngược lại chỉ mình chúng là được chơi bời trăng hoa!”
(*) Chỉ hai cơ quan đầu não của triều đình nhà Tống là Trung thư và Xu mật viện, một bên chủ văn, một bên chủ võ.
Nghe thị nói vậy, chúng tần ngự cũng có người muốn hùa theo, nhưng đều biết quan gia xưa nay vẫn luôn đối xử tử tế với gián quan, giọng điệu Lý ty sức lại chỉ thẳng vào chư thần, nên không dám tùy tiện mở miệng, ai nấy cẩn thận quan sát sắc mặt kim thượng.
Lý ty sức không cảm nhận được khác thường, thêm khăn chít đầu cho quan gia, đứng sau lưng ngài, đôi mắt phượng lười biếng liếc nhìn khuôn mặt sáng sủa của kim thượng trong gương, lại hỏi: “Quan gia muốn làm theo lời họ thật ạ?”
Kim thượng cất tiếng: “Đài gián đã nói vậy, sao dám không làm.”
Lý ty sức vừa cười vừa điềm nhiên thu dọn tráp đồ, nói: “Nếu quả thực phải cắt giảm cung nhân, xin hãy bắt đầu từ thần đây.”
Đương nhiên không phải là thị muốn ra khỏi cung thật, nói vậy chỉ là tự phụ được quan gia sủng ái, tận lực miệt thị ý kiến của đài gián mà thôi.
Kim thượng nghe vậy bỗng đứng phắt dậy, lạnh mặt hạ lệnh: “Mời ty cung lệnh mang cung tịch tới Hậu uyển cho ta (*).”
(*) Ty cung lệnh là chức hoạn quan quản lý sự vụ hành chính trong cung; cung tịch là danh sách hộ tịch cung nữ trong cung.
Dứt lời phất tay áo vào trong thay y phục, để lại một đám tần ngự ngơ ngác nhìn nhau.
Đợi mọi người ra Hậu uyển rồi, hoàng hậu hạ lệnh mở tiệc, kim thượng lại ra hiệu tạm thời để sau, bảo ty cung lệnh đứng đầu Thượng thư nội tỉnh dâng danh sách cung tịch lên, đích thân ngự bút chọn lọc, gạch bỏ. Hồi lâu sau, hạ chỉ: “Ba mươi người từ ty sức Lý thị trở xuống tất thảy thả ra khỏi cung.”
Ý chỉ hạ rồi, hoàng hậu lại mời kim thượng nhập tọa, kim thượng không ưng thuận, chỉ hỏi: “Họ đã xuất cung chưa?”
Hoàng hậu thở dài, xoay sang lệnh cho Nhậm Thủ Trung lập tức phái ba mươi người xuất cung. Mãi đến khi Nội Đông Môn ty trở về bẩm báo cung nhân bị chỉ danh đều đã rời cung, kim thượng mới chịu nhập tiệc dùng bữa.
Trải qua biến cố này, nói cười trên bàn hơi cứng lại, không ai dám hỏi han gì ngay khi ấy.
Đối mặt với tôn thất hoàng thân ngồi đầy bàn, kim thượng chỉ mỉm cười nhẹ nhàng, hỏi thăm từng vị trưởng bối trọng vọng, cũng thường xuyên tán gẫu với đám trẻ con, đồng thời có hoàng hậu ngồi bên dẫn dắt câu chuyện, bầu không khí mới sôi nổi lại được.
Trong lúc đó, hoàng hậu sai người mang một số lễ vật ngoài định mức lên, chia ra thưởng thêm cho người trong tiệc rượu, trong đó có vài hộc trân châu phiên thương do Quảng Châu dâng cống, trắng thuần óng ánh, hình dáng tròn trịa, châu ở các hộc kích cỡ khác nhau, trông theo trình tự, lần lượt tăng lớn, nhưng trong mỗi hộc thì đều như vắt tranh.
Mọi người tấm tắc khen, mấy vị tần ngự cầm lòng không đậu nâng trân châu lên ngắm nghía thưởng thức, quyến luyến không rời.
Tâm trạng Trương mỹ nhân rầu rĩ, uể oải nằm trong gác đã mười mấy ngày, tối nay tới cũng chỉ là là miễn cưỡng, sắc da trắng nhợt, dung nhan tiều tụy, đi đường cứ run run rẩy rẩy, rất có dáng vẻ Tây Thi bưng ngực. Nhưng lúc này trông thấy trân châu, con ngươi vốn như vũng nước tù cũng gợn lên một tầng rung động, nhẹ nhàng đi tới, gót sen lưu luyến, nấn ná mãi bên hộc châu.
Thấy ánh châu ngọc rọi sáng gương mặt hốc hác của ả, kim thượng như có phần thương cảm, tức khắc tuyên bố: “Mấy hộc châu này thưởng hết cho Trương mỹ nhân.”
Sau cùng tiệc tan, tôn thất hoàng thân đã rời đi cả, chỉ còn lại công chúa và vài tần ngự thân cận, bấy giờ hoàng hậu mới hỏi kim thượng: “Sơ đầu phu nhân là người quan gia yêu mến, cớ sao quan gia lại gạch tên cô ấy đầu tiên, lệnh cô ấy xuất cung?”
Kim thượng đáp: “Người này khuyên ta cự gián, há lại giữ bên mình.”
Hoàng hậu cười hờ hững, hơi cúi người: “Bệ hạ thánh minh.”
Chư tần ngự cũng hùa theo tán tụng, duy Miêu chiêu dung sau đó cười nói: “Nhưng bây giờ đuổi Sơ đầu phu nhân đi rồi, ty sức trống mất một chức chỉ là chuyện nhỏ, song lại phải làm phiền hoàng hậu hao tâm tổn trí nghĩ xem nên thay ai chải đầu cho quan gia rồi.”
Du tiệp dư hỏi: “Không phải Thượng phục cục còn có Trần ty sức à?”
Miêu chiêu dung xòe tay: “Trần ty sức chế tạo trang sức thì đẹp đấy, đáng tiếc là không biết thuật đạo dẫn, chải tóc cũng không đẹp.”
“Con bé chải đầu cho thiếp cũng được lắm,” Trương mỹ nhân đó giờ vẫn im lặng chợt chen lời: “Biết thuật đạo dẫn, chải tóc đẹp, tay chân lanh lẹ, chải tóc xong cũng không bị gãy rụng nhiều.”
Cố ý vô tình liếc về phía quan gia, Trương mỹ nhân bổ sung thêm: “Chính là con bé Hứa Tịnh Nô quan gia từng gặp đó ạ, năm nay mười sáu rồi.”
“Thiếp cũng có một người muốn đề cử với quan gia,” Du tiệp dư mỉm cười với kim thượng, lại xoay sang nói với hoàng hậu: “Nhưng vẫn cần hoàng hậu định đoạt. Nội nhân ty sức Cố Thải Nhi, mười tám tuổi. Gần đây con bé này hay chải đầu cho thiếp, tay nghề khỏi phải bàn, quan trọng nhất là nhân phẩm tốt, rất chững chạc, lời nói hành sự tuyệt không ngả ngớn như Sơ đầu phu nhân. Người hầu hạ bên cạnh quan gia, ngoại hình hơn người tất nhiên là rất tốt, nhưng chỉ sợ có sắc mà không có đức.”
“Ha.” Trương mỹ nhân cười nhạo, lạnh lùng lườm tiệp dư tỏ vẻ rất coi thường.
Miêu chiêu dung phe phẩy quạt tròn, lúc này mới điềm đạm lên tiếng: “Thiếp cũng nghĩ đến một người. Tâm tư ý nhị, tài nghệ xuất sắc, làm người lại càng ổn thỏa, quan gia và hoàng hậu đều nhận biết.”
Hoàng hậu nhanh chóng hiểu ý bà: “Thu Hòa?”
“Chính nó đấy ạ.” Miêu chiêu dung cầm quạt tròn khom người với hoàng hậu, nói: “Thu Hòa tuy còn nhỏ tuổi nhưng tinh thông thuật đạo dẫn, sáng sớm để nó chải đầu cho một lần là cả ngày tươi tỉnh sảng khoái, chải đầu cho thiếp lại thường xuyên nảy ý tưởng mới lạ, kiểu tóc búi vấn độc đáo khác biệt. Còn con người nó thế nào thì quan gia và hoàng hậu đều đã chứng kiến, thiếp không nói nhiều nữa.”
Hoàng hậu không tỏ vẻ gì, quay sang kim thượng, hỏi ngài: “Ý quan gia thế nào?”
Kim thượng trầm ngâm, cuối cùng quyết định: “Bảo ba người này chuẩn bị đi, hai tháng tới tiếp tục chải đầu cho các nương tử. Đến hôm thất tịch, ta xem ai chải đầu cho nương tử đẹp nhất sẽ thăng người đó lên chức ty sức, chọn làm Sơ đầu phu nhân.”