Ta trở lại Hàn lâm đồ họa viện, làm một nội thị hoàng môn tầm thường, làm cùng một công việc như khi còn niên thiếu, ngày ngày lặng lẽ sắp xếp tranh họa, xử lý tạp vụ cho các họa sư, hết thảy như chẳng có gì khác biệt, trừ việc biết rằng thi thoảng mình đi qua ai người ấy sẽ chỉ trỏ sau lưng ta.
Kể từ lúc trở về Tiền tỉnh, ta chưa một lần gặp lại kim thượng, nhưng đến tháng Tám năm Gia Hựu thứ bảy, ngài bỗng tự mình tới Họa viện tìm ta, đi tới như dạo chơi, bên người chỉ dẫn theo hai cận thị.
Ngài triệu ta vào một phòng vẽ yên tĩnh, xua lui người hầu, mệnh ta đóng kín cửa rồi mới mở miệng hỏi: “Ngươi và Thôi Bạch là bạn tốt phải không?”
Ta gật đầu thưa dạ, sau đó, ngài chầm chậm lấy từ trong tay áo ra một cuộn văn thư đưa cho ta, không nói một lời.
Ta nhận lấy mở ra xem, không khỏi kinh hãi – đó là bức thiếp ướm lời ta thay Thôi Bạch gửi cho Thu Hòa, dùng trong ăn hỏi, bên trong viết tên húy ba đời và bát tự sinh nhật của Thôi Bạch.
“Hiện giờ Đổng nương tử đang ốm rất nặng, nằm liệt giường không dậy nổi, một nội nhân sắp xếp lại tráp hộp cho nàng đã phát hiện ra thiếp ướm lời này trong góc sâu nhất.” Kim thượng mặt không biến sắc nói.
Ta lập tức quỳ xuống, dập đầu nói: “Đổng nương tử tuy từng có hôn ước với Thôi Bạch nhưng đó là vào trước khi nương tử hầu hạ quan gia, sau đó họ hoàn toàn không qua lại nữa, mong quan gia minh giám, chớ giáng tội họ.”
Kim thượng nhìn ta, hỏi hờ hững: “Thiếp ướm lời này là ngươi mang vào cung?”
Ta thừa nhận, cúi đầu đáp: “Thần tự biết hành động này vi phạm cung quy, tội không thể tha, xin quan gia trách phạt, chỉ mong quan gia khoan thứ cho Đổng nương tử và Thôi Bạch, đừng truy cứu chuyện này.”
Đoạn, ta chắp tay hành lễ với ngài, rạp mình bái lạy.
Ngài thở dài, nói: “Ngươi hãy bình thân đi. Hôm nay ta tới đây chỉ là để chứng thực chuyện này, không phải để truy cứu xử phạt ai.”
Ngài thu lại bức thiếp trong tay ta, tự mình xem, bất đồ hỏi ta: “Bức thiếp này đưa cho nàng khi nào?”
Ta bẩm đúng sự thật: “Cuối năm Khánh Lịch thứ bảy ạ.”
“Cuối năm Khánh Lịch thứ bảy…” Kim thượng như đăm chiêu điều gì. Đại khái là nhớ đến biến cung loạn xảy ra sau đó, ánh mắt ngài ảo não quá đỗi, nhân quả trong đó đối với ngài cũng chẳng quá khó khăn để suy rõ.
“Khó trách, nhiều năm qua nàng vẫn luôn không vui…” Ngài lẩm bẩm, sau đó bảo ta lấy hộp diêm tới, châm lửa đốt thiếp ướm lời, lặng thinh nhìn nó hóa thành tro bụi, rồi đứng dậy đi ra ngoài.
Thấy bước chân ngài loạng choạng, ta tiến lên dìu ngài, ngài cũng không cự tuyệt, để ta dìu đỡ tới gần nhà hông mé tây Họa viện, lại nghe phía trước cách đó không xa có tiếng người ồn ào như đang tranh luận việc gì.
Người nói là hai vệ sĩ. Cận thị đi cùng định tiến lên nhắc nhở họ quan gia giá lâm, song kim thượng khoát tay ngăn lại, tự mình bước lên trước hai bước, nấp sau một cột trụ hành lang, nghe hai vệ sĩ trò chuyện.
Vệ sĩ Giáp nói: “Đời người nghèo sang là do số. Số mạng có thời ắt sẽ có, số mạng chẳng đến chớ cưỡng cầu, ấy là danh ngôn chí lý, không thể không tin.”
Vệ sĩ Ất bèn cãi: “Nói vậy không đúng. Người trong thiên hạ nghèo sang là do quan gia quyết định. Hôm nay anh làm tể tướng, ngày mai quan gia hạ một thánh chỉ là có thể lập tức tước chức giáng anh xuống làm thất phu bình dân: Hôm nay anh giàu ngang cả nước, ngày mai quan gia không vui, có thể tịch thu hết sạch tài sản của anh đến manh chiếu cũng chẳng còn. Thế nên quan gia mới là thiên hạ chí tôn, có quyền sinh sát ban đoạt.”
Hai người tiếp tục tranh luận, không ai thuyết phục được ai, cãi đến đỏ mặt tía tai. Kim thượng nhìn trong mắt, cũng không xuất hiện phán xét mà quay trở lại phòng vẽ, mệnh ta lấy bút mực phong thư tới, tự tay ngự phê: “Ai tới trước, bảo tấu cấp sự (*) báo lại gia ân.” Hai bức cùng một câu, chia ra bỏ vào bao thư, sau đó gọi hai vệ sĩ kia tới, trước mệnh Ất mang một bao tới Nội Đông Môn ty, chờ một lúc, ước đoán Ất đi được nửa đường rồi, lại mệnh Giáp mang bao thư còn lại đi kế sau.
(*) Bảo tấu là bảo đảm và tiến cử, bảo tấu cấp sự là chức quan tiến cử người dùng cho hoàng đế.
Kim thượng nán lại trong sân Họa viện chờ. Chiếu theo an bài của ngài, hẳn phải là Ất tới trước, đợi Nội Đông Môn ty xác nhận rồi gã sẽ được gia ân bổ quan, nhưng lát sau, Nội Đông Môn ty phái người tới bẩm, ấy vậy mà lại bảo tấu gia ân cho Giáp. Kim thượng ngạc nhiên, hỏi nguyên do trong đó, câu trả lời là Ất chạy quá nhanh, đến nửa đường bị trẹo chân, kết quả để Giáp vượt mặt, thế nên người tới trước là Giáp.
Kim thượng nghe rồi im lặng hồi lâu, sau cùng thở dài thườn thượt: “Quả nhiên do số!”
Hôm sau, ngài lệnh hàn lâm học sĩ Vương Khuê thảo chiếu, chính thức lập con nuôi Triệu Tông Thực làm hoàng tử, ban tên “Thự” cho hoàng tử. Nghe nói Vương Khuê từng hỏi ngài có muốn chờ thêm, xem xem liệu tần ngự hậu cung có thể sinh hạ hoàng tử hay không, kim thượng ngán ngẩm đáp: “Nếu trời chịu cho trẫm con trai thì Dự vương đã chẳng chết yểu.”
Sau khi phát hiện sự tồn tại thiếp ướm lời, kim thượng chẳng những không trách tội Thu Hòa mà còn thăng cô làm sung viện trong tháng Chín. Hoàng tử đã lập, kim thượng theo lễ chế ngự giá minh đường (*) ở ngoại ô, cúng tế trai giới. Trong khoảng thời gian ấy, bệnh tình Thu Hòa trở nặng, không đợi được kim thượng về cung đã từ trần. Lúc hấp hối, cô khẩn cầu hoàng hậu đừng sai người báo tin bệnh mình nguy kịch cho kim thượng, nói: “Thiếp bất hạnh chết sớm, không có phúc tiếp tục hầu hạ quan gia và hoàng hậu. Mấy ngày nay quan gia bận bịu việc nước, lại đang trong kỳ trai giới, xin chớ nói quan gia hay chuyện này, tránh ngài ưu phiền khổ sở, tổn hại tâm thần.”
(*) Công trình kiến trúc long trọng nhất đế vương xây thời cổ đại, là nơi tổ chức những hoạt động cúng tế quan trọng.
Hoàng hậu ứa lệ bằng lòng, không báo tin dữ đến trai cung.
Kim thượng hồi cung, thấy Thu Hòa đã hương tiêu ngọc vẫn, chẳng thể hồi sinh, tức thì sầu bi, ngừng lên triều đích thân khoác áo gai để tang cô, khóc rống trước linh cữu. Lúc truy điệu, kim thượng tuyên bố truy phong Thu Hòa làm uyển nghi, qua hai ngày, kim thượng càng thêm đau buồn thương tiếc, lại truy phong Thu Hòa làm thục phi, còn đặc biệt thăng bốn người gồm cha cô cùng em cháu ông làm quan.
Có lẽ kim thượng vẫn cảm thấy như vậy chưa đủ để bày tỏ mong muốn bù đắp thiệt thòi cho Thu Hòa, ngài lại mệnh hạ thần định thụy hiệu cho Thu Hòa, đó là việc xưa nay chưa từng có, quốc triều chỉ có hoàng hậu mới có thụy hiệu, phi tần chưa bao giờ được hưởng đãi ngô này, hơn nữa, kim thượng còn đồng thời tuyên bố hành sách lễ thục phi cho Thu Hòa, ngày hạ táng dành cho cô lỗ bộ nghi trượng mà chỉ người có quân công mới được hưởng.
Sau Ôn Thành, ngài chưa từng thể hiện buồn thương sâu nặng như vậy với sự qua đời của bất kỳ tần ngự nào, điều này lại khiến Tư Mã Quang chú ý. Y dâng tấu ra sức can gián kim thượng bỏ việc thụy hiệu và sách lễ cho Đổng thục phi, ngày hạ táng cũng không cấp lỗ bộ, phàm tổ chức tang sự tất sẽ có hao tổn, không cần tận lễ nhất phẩm… “Lấy đó hiển minh bệ hạ nhẹ tình nữ sủng coi trọng con dân.”
Kim thượng không tiếp nhận gián ngôn của Tư Mã Quang ngay, làm trong ngoài kinh thành bàn tán xôn xao, đều suy đoán xem lần này vua tôi ai sẽ là người thỏa hiệp. Sau, nghe nói người phá vỡ bế tắc ấy là hoàng hậu, bà khuyên kim thượng: “Thục phi thùy mị hiền hậu, tính tình không màng danh lợi, không tranh với đời. Khi em ấy còn sống, bệ hạ từng nhiều lần muốn thăng vị cho em ấy, mà lần nào em ấy cũng chối từ, cũng là bởi ngưỡng mộ thánh đức của bệ hạ nên một lòng tuân theo tác phong cung kiệm quả dục của bệ hạ. Mà nay bệ hạ gia ân đến tận bậc này, thục phi hiền đức, đương nhiên hoàn toàn xứng đáng, song ân sủng bệ hạ quá thịnh lại chẳng phải điều em ấy mong cầu.
Nếu thục phi còn tại thế, tất sẽ lại kiên quyết từ chối sách lễ, mà thụy hiệu lỗ bộ, thục phi dưới suối vàng nếu hay cũng sẽ càng khó an lòng.”
Kim thượng hồi tưởng tác phong khi Thu Hòa còn tại thế, cũng đồng ý với quan điểm của hoàng hậu, bấy giờ mới từ bỏ chuyện sách lễ thụy hiệu lỗ bộ, không nhắc tới nữa.
Sau chuyện của công chúa, tâm lực kim thượng đã kiệt, già đi rất nhiều. Hiện giờ Thu Hòa qua đời, đối với ngài lại là một lần đả kích nặng nề nữa, tàn phá sức khỏe của ngài, huống chi, kể từ lúc lập xong hoàng tử, ngài tựa hồ chẳng còn thiết tha gì với nhân sinh. Sức khỏe ngày một xấu đi, tinh thần ngài cũng ngày một sa sút, có lần ta trông thấy ngài từ xa ngoài Tập Anh Điện, phát hiện ngài võ vàng hốc hác, râu tóc điểm bạc, thân hình hoàn toàn là dáng vẻ già cả, mà kỳ thực ngài lúc này cũng mới chỉ năm mươi ba.
Tháng Mười một năm ấy, trong cung truyền ra tin tức Lý Vĩ phục chức phò mã đô úy. Nghe nói đây là ý định kim thượng nói với công chúa khi nằm trên giường bệnh, trước sau ngài vẫn luôn hi vọng con gái hồi tâm chuyển ý, tiếp tục làm dâu nhà họ Lý. Mà công chúa cũng bằng lòng hợp lại với Lý Vĩ trên danh nghĩa, nhưng yêu cầu được tiếp tục ở lại trong cung, không trở về phủ công chúa chung sống với Lý Vĩ.
Ta có thể đoán được suy nghĩ của nàng. Nàng đã sớm chẳng còn hi vọng có thể nên duyên với bất kỳ ai, thế nên để Lý Vĩ khôi phục danh vị phò mã cũng chẳng phải chuyện khó chấp nhận, miễn là thân phận phu quân của hắn vẫn chỉ dừng lại ở trên danh nghĩa.
Vì vậy, kim thượng lập tức hạ chỉ, tiến phong Nghi quốc công chúa làm Kỳ quốc công chúa; Kiến Châu quan sát sứ, tri Vệ Châu Lý Vĩ thăng làm An Châu quan sát sứ, phục chức phò mã đô úy.
Đêm Tân Mùi tháng Ba năm Gia Hựu thứ tám (*), kim thượng băng hà tại Phúc Ninh Điện.
(*) Tức ngày 29 tháng 3 âm lịch năm 1063.
Ban ngày hôm ấy, người trong cung không hề cảm thấy ngài có gì không ổn, tuy có bệnh trong người, song ăn uống sinh hoạt của ngài hãy còn rất yên bình. Ban đêm đi ngủ không được bao lâu, ngài đột nhiên tỉnh giấc, kêu người hầu lấy thuốc, lại luôn miệng giục cận thị lập tức cho vời hoàng hậu tới.
Theo lời người hầu trong Phúc Ninh Điện kể lại, lúc hoàng hậu vào điện, kim thượng đã bải hoải rệu rã, đến nói cũng chẳng nên lời, trông thấy hoàng hậu, nước mắt ngài chảy xuống, dùng ngón tay chỉ vào tim mình.
Hoàng hậu vội cho gọi y quan đến chẩn bệnh, thử hết mọi phương pháp cấp cứu đốt ngải, dâng thuốc, song vẫn hết đường xoay chuyển. Hoàng hậu luống cuống, cuối cùng chỉ đành ngồi ở đầu giường ngài, ôm ngài, nhỏ giọng rủ rỉ bên tai ngài vài lời người khác không cách nào nghe rõ.
Đến nửa đêm, kim thượng buông tay hoàng hậu trong ánh mắt rưng rưng của bà, vĩnh biệt cõi đời.
Sau khi y quan xác nhận kim thượng băng hà, nội thần trong điện muốn mở cửa cung triệu phụ thần vào, lúc này hoàng hậu lau sạch nước mắt, đứng dậy, nghiêm giọng quát ngăn: “Lúc này há có thể mở cửa cung giữa đêm!” rồi mật dụ phụ thần vào cung ngay khi hửng sáng.
Kế tiếp, bà gọi nội thần hầu hạ kim thượng ăn uống sinh hoạt, mặt không biến sắc, tỉnh rụi phân phó: “Ban đêm quan gia muốn ăn cháo, ngươi mau đến ngự trù lấy lại đây.”
Nhìn quanh trong điện, bà phát hiện ra y quan đã rời đi, lập tức sai người đi gọi lại y về, sau đó bảo vài nội thần trông chừng y quan, không cho phép y tự ý rời khỏi Phúc Ninh Điện nửa bước.
Sau đó, chuyện bà dẫn dắt Thập Tam Đoàn Luyện Triệu Thự lên ngôi trở thành truyền kỳ lưu truyền khắp trong ngoài triều đình.
Sau khi hoàng đế băng hà, hoàng hậu ém đi không phát tang, chỉ bí mật vời Triệu Thự vào cung. Ngày kế, bà tuyên triệu phụ thần đến Phúc Ninh Điện kiến giá. Đám người tể tướng Hàn Kỳ tới Phúc Ninh Điện, vén rèm định vào, nội thị lại bảo họ: “Hoàng hậu đang ở đây.”
Hàn Kỳ dừng bước, hoàng hậu ở sau rèm nức nở báo tin quan gia đã về cõi tiên, chúng thần lập tức quỳ rạp xuống khóc bái. Hoàng hậu thoáng nén tiếng thổn thức, hỏi Hàn Kỳ: “Bây giờ phải làm thế nào đây tướng công? Mọi người đều biết cả rồi đấy, quan gia không có con trai.”
Hàn Kỳ đáp: “Hoàng hậu không thể nói thế được, hoàng tử đang ở đông cung, sao không tuyên vào?”
Hoàng hậu nói: “Nó chẳng qua chỉ là tông thất, lại không có danh phận thái tử, lập nó, về sau liệu có ai tranh chấp hay chăng?”
Hàn Kỳ trả lời như chém đinh chặt sắt: “Hoàng tử được hoàng đế hạ chiếu lập, cũng là người kế thừa duy nhất, kẻ khác sao dám dị nghị!”
Lấy được đáp án này, khóe miệng hoàng hậu khẽ nhếch, ra hiệu cho người hầu vén rèm rồi ngả bài với Hàn Kỳ: “Hoàng tử đã ở đây rồi.”
Rèm trướng cuốn lên, đám người Hàn Kỳ sửng sốt phát hiện ra hoàng tử Triệu Thự đã đứng bên cạnh hoàng hậu, vẻ mặt hoàng hậu bình tĩnh, mà thần sắc hoàng tử lại vô cùng sầu lo.
Dưới sự ủng hộ nhất trí của phụ thần, Triệu Thự lên ngôi hoàng đế, tôn hoàng hậu Tào thị làm hoàng thái hậu.
Triệu Thự ốm yếu nhiều bệnh, lại nhạy cảm nghĩ nhiều, đột ngột đảm đương trọng trách này, nhất thời khó lòng chịu đựng được gánh nặng nhường ấy, lo nghĩ thành tâm bệnh, thường xuyên gào thét chạy loạn trong cung, không thể lên triều. Trải qua bàn bạc, phụ thần mời hoàng thái hậu buông rèm chấp chính. Thế là, trong khoảng thời gian hoàng đế đổ bệnh, hoàng hậu ngự trong tiểu điện Nội Đông Môn, đối mặt với trọng thần cả triều, định miếu hiệu cho hoàng đế là “Nhân Tông”. Ngày Giáp Ngọ tháng Mười năm Gia Hựu thứ tám (*), hạ táng Nhân Tông hoàng đế tại Vĩnh Chiêu Lăng.
(*) Tức ngày 27 tháng 10 âm lịch năm 1963.
Hôm ấy, ta cũng có mặt trong số nội thần đưa tang, đợi đến lúc trở lại Tuyên Đức Môn, trời đã nhá nhem, cửa cung đang đóng dở, lại thấy một nội thị vội vã chạy từ trong cung ra, nói với sứ thần gác cổng: “Lúc trước hoàng thái hậu đã phân phó, tạm thời giữ cửa này lâu thêm chốc lát, chờ Trương tiên sinh trở lại.”
Ta nghe thấy, không khỏi lên tiếng hỏi nội thị kia: “Trương tiên sinh anh nói là Trương Bình Phủ tiên sinh ạ?”
Nội thị trả lời: “Đương nhiên là ông ấy rồi. Hôm nay hoàng thái hậu hạ chỉ, thăng ông ấy làm nội thị tỉnh áp ban. Mấy ngày trước đã phái người vời ông ấy về, tính ra hôm nay sẽ trở lại nên phân phó giữ cửa chờ ông ấy.”
Vừa dứt lời đã nghe thấy ngoài cửa vọng tới tiếng vó ngựa, ta quay đầu lại nhìn, thấy một người thân mặc đồ tang đang giục ngựa phóng tới, vóc dáng cao lớn, mắt mày thanh bạch, chính là Trương tiên sinh chúng ta vừa nhắc đến.
Thầy xuống ngựa trước Tuyên Đức Môn, nội thị trong ngoài cửa cung nhận ra là thầy, lập tức ùa tới, có người thỉnh an, có người dắt ngựa, có người phẩy phất trần phủi bụi cho thầy, ai nấy đều tranh nhau lấy lòng. Mà thầy vẫn bình tĩnh như thường, chỉ lịch sự mỉm cười với họ, sau đó ngẩng đầu ngước mắt, sải bước đi về phía Nhu Nghi Điện.
Mặt trời ngả về tây, dát lên tường đỏ ngói xanh san sát một lớp vàng óng. Ta náu mình trong bóng tối dưới chân tường cung, đưa mắt nhìn Trương tiên sinh đi vào ráng chiếu hoàng kim giữa chín tầng cung khuyết, dần ý thức được, đối với hoạn giả trong hoàng thành, đây chính là khởi đầu của thời đại Trương Mậu Tắc.