Cô Thành Bế

Quyển 11 - Chương 6: Chu Chu




Sau khi nhập cung, người đầu tiên ta gặp là hoàng hậu.

“Chúng ta gọi ngươi về không có nghĩa để ngươi trở lại bên công chúa, coi như tất cả chưa từng xảy ra mà cho người làm nội thần chủ quản phủ công chúa như trước.” Bà đi thẳng vào vấn đề, “Ngươi tạm thời ở lại trong cung, bao giờ công chúa vào cung sẽ cho hai người gặp mặt một bữa, để nó biết người bình an vô sự, nhưng không hơn, không thể có kiểu chung đụng như trước kia nữa.”

Ta cúi đầu, nín thinh không nói một lời, tiếp nhận ánh mắt dò xét chăm chú lạnh lẽo của bà, mãi lâu sau, nghe bà thở dài: “Hai đứa đều không biết khống chế tính nết của mình, thế nên chúng ta chỉ có thể thay đổi phương thức chung đụng của hai đứa.”

Ta nâng tay ngang trán, bái tạ đúng nghi lễ: “Thần tạ ơn quan gia và nương nương sắp xếp.”

Bà lại nói: “Ngươi cũng không thể quay về gác của Miêu nương tử, lát nữa bảo Đặng đô tri thu xếp cho ngươi một chỗ ở, sau này làm gì, đợi ta suy nghĩ đã, nhưng để tránh khiến đài gián chú ý, chức vị phẩm cấp cao là không thể quay lại được rồi.”

Ta cũng chẳng quá quan tâm đến điều này. “Vậy, công chúa…” Ta lưỡng lự, muốn hỏi khi nào có thể gặp nàng.

Hoàng hậu đương nhiên hiểu rõ, đáp: “Quan gia đã hứa hẹn với công chúa sẽ triệu ngươi về, bảo nó trở lại phủ công chúa, còn bao giờ cho hai đứa gặp mặt thì để chúng ta bàn tiếp sau.”

Ta một lần nữa tạ ơn. Sau đó, bà lệnh Đặng đô tri dẫn ta ra ngoài. Lúc ta lui tới cạnh cửa, chuẩn bị xoay người, bà lại gọi ta lại, phân phó: “Lần này ngươi về được cũng là nhờ khá nhiều công lao của Thu Hòa. Ngày mai ngươi đi thăm em ấy đi.”

Khi nhìn thấy Thu Hòa, ta không khỏi thầm kinh hãi vì dáng hình cô. Một năm không gặp, đã có thể dùng trang dung tiều tụy để tả cô được rồi. Trán buộc khăn nhung đen, tựa người trên giường bệnh, trên gương mặt không điểm trang, đến đôi môi cũng là màu xanh tái, gầy yếu nom hệt hình người cắt bằng giấy dán, hoàn toàn không có vẻ đẫy đà của một phụ nữ vừa sinh nở. Hơn nữa, bọng mắt cô thâm đen, đôi con ngươi vốn mười phần trong suốt giờ đây ảm đạm u ám, tựa như con suối khô cạn, đại khái là do ngủ không yên giấc, lại thường rơi lệ gây ra.

Hôm ấy, Kinh Triệu quận quân Cao thị vào cung vấn an, cũng tới thăm Thu Hòa. Lúc ta vào bái phỏng Thu Hòa, hai người đang tán gẫu chuyện nhà với nhau. Thấy ta, Thu Hòa tỏ ra mừng rỡ, gắng chống tay gượng dậy, liên thanh bảo thị nữ bên cạnh mời ta ngồi, lại lệnh đề cử quan gác mình Triệu Kế Sủng châm trà cho ta, hoàn toàn không coi ta là một nội thần thấp kém mà trái lại, như chiêu đãi một vị khách quý đường xa lại chơi.

Điều này làm ta hơi bất an, khom người liên tục cảm tạ, cũng không dám ngồi xuống trước mặt cô theo ý cô. Thu Hòa lại giục ta ngồi, sau cùng, Kinh Triệu quận quân cũng mỉm cười khuyên: “Bọn tôi đều quen biết Lương tiên sinh đã lâu, lại cũng chẳng phải ở nơi đông người, tiên sinh đừng khách sáo như vậy, hãy ngồi xuống chậm rãi trò chuyện đi thôi.”

Bấy giờ ta mới ngồi xuống, hàn huyên cùng họ, có Kinh Triệu quận quân ở đây, chủ đề nói chuyện của chúng ta đại để cũng chỉ nằm trong cuộc sống ở Tây Kinh và những điều mắt thấy tai nghe trên đường, nghe thoải mái như thể ta chỉ phụng mệnh đi Tây Kinh nhậm chức bên ngoài một năm mà thôi, họ chưa từng nhắc đến chân tướng ta bị biếm trục, cũng chẳng đề cập một câu tới công chúa.

Lát sau, có tiếng trẻ con khóc vọng từ ngoài vào, tiếp đó, một vị nhũ mẫu bế một tiểu cô nương hơn hai tuổi vào, nói với Thu Hòa: “Nương tử, thập nhất công chúa lại dậy rồi.”

Bé gái ấy chính là con gái thứ hai của Thu Hòa, hoàng nữ thứ mười một Vĩnh Thọ công chúa. Ta lập tức đứng dậy, thi lễ với Vĩnh Thọ công chúa. Thu Hòa cười bảo: “Nó mới là một đứa bé chưa hiểu chuyện thôi, hà tất phải đa lễ.” Vừa cười vừa đón lấy Vĩnh Thọ công chúa từ lòng nhũ mẫu, mỉm cười thủ thỉ với người: “Chu Chu, đêm qua con dậy đến mấy lần, gần sáng mới ngủ được, sao giờ lại tỉnh rồi, chẳng lẽ là biết có khách quý tới chơi?”

Cô cười trỏ vào ta, Vĩnh Thọ công chúa nghe tiếng quay ra quan sát ta. Nước da người được di truyền từ Thu Hòa, khiến người nom óng ánh trong ngần, tựa một đứa trẻ được tinh vi tạc nên từ ngọc Hòa Điền, đôi mắt đẹp rất giống của Thu Hòa hãy còn vương ngấn lệ, thấy ta đang nhìn mình, người lập tức rúc vào lòng mẹ né trách, dáng vẻ nũng nịu nhút nhát khiến người ta cầm lòng không đậu thấy mà thương.

Lúc ta rời kinh, kim thượng vẫn chưa lấy khuê danh cho cô bé, người trong cung đều gọi người là “Chúa Chúa” theo hoàng hậu, bây giờ Thu Hòa gọi người là “Chu Chu”, hẳn đó chính là tên của Vĩnh Thọ công chúa.

“Khuê danh của thập nhất công chúa êm tai quá.” Ta cười khen.

“Thật à?” Thu Hòa và Kinh Triệu quân quân nhìn nhau cười, sau đó nói rõ với ta, “Kể ra, cái tên này là do cậu tư nhà Kinh Triệu quận quân lấy đấy.”

“Cậu tư” này chỉ con trai thứ tư của Kinh Triệu quận quân và Thập Tam Đoàn Luyện, Trọng Khác. Kinh Triệu quận quân cũng mỉm cười bảo ta: “Thằng ranh nhà tôi không biết lớn nhỏ, chẳng rõ tôn ti, gọi cô mình mà rõ xằng bậy, cũng may quan gia và Đổng nương tử khoan hồng độ lượng, không so đo với nó.”

Thấy ta tỏ vẻ khó hiểu, Thu Hòa bèn giải thích cặn kẽ: “Đầu đông năm ngoái, thập nhất công chúa ốm nặng, Kinh Triệu quận quân dẫn mấy cô cậu nhà mình vào thăm, Trọng Khác nghe hoàng hậu gọi công chúa là ‘Chúa Chúa’, nhất thời nghe sai, bèn thích chí chỉ vào giày đầu heo mình đi, không ngớt gọi ‘Trư trư, trư trư’. Kể cũng lạ, ban đầu thập nhất công chúa mê man suốt, vừa nghe cậu ấy gọi vậy liền mở mắt, sau bệnh cũng dần khỏi. Quan gia rất mừng, nói nhà bách tính dân thường có thói quen lấy tên xấu cho con để cầu dễ nuôi, xem ra là có lý, chẳng bằng cứ gọi thập nhất công chúa là ‘Trư Trư’ đi. Hoàng hậu nghe xong cười bảo, tên Trư Trư tuy nghe thân mật, nhưng đặt làm khuê danh cho con gái dù sao cũng không ổn, hay là dùng âm này nhưng đổi một chữ khác, sửa thành Chu trong chu hồng, vẫn gọi vậy nhưng viết ra lại là chữ lành, thế là đẹp cả đôi đàng rồi. Quan gia vui vẻ đồng ý, từ đó về sau chúng ta gọi thập nhất là ‘Chu Chu’, mà quan gia cũng đặc biệt cho phép Trọng Khác gọi tên Chu Chu…” (*)

(*) Trong phát âm tiếng Hán, Chúa Chúa gần âm với Trư Trư, Trư Trư đồng âm với Chu Chu; chu hồng là đỏ thắm.

Cô còn chưa dứt lời, một cậu bé chừng năm sáu tuổi như đạp phong hỏa luân chạy vọt từ bên ngoài vào, tóc trên đầu cạo hơn nửa, chỉ để lại một chỏm trên trán, thân bận xiêm y tơ lụa, trong mặc áo cánh dài ngang gối, ngoài khoác áo bào ngắn tay rộng, hai ống tay áo phồng phồng, cổ tay áo lại bị cậu trở tay túm lại, khiến tay áo nhìn như hai cái túi lớn, cũng chẳng biết bên trong giấu vật gì.

Kinh Triệu quận quân vừa thấy đã mắng: “Tứ ca, con lỗ mãng chạy xồng xộc cái gì đấy! Đừng có dọa Đổng nương tử và thập nhất công chúa kinh sợ.”

Trọng Khác chạy ào tới trước mặt Thu Hòa và Vĩnh Thọ công chúa thì dừng bước, nghiêng đầu nói với mẹ: “Ban nãy con đi chơi với Uyển tỷ tỷ, thấy chị ấy mới chưng xong một tráp hương liệu, nói là để dùng trong màn, ngửi vào có thể ngủ rất ngon. Không phải bảo là gần đây Chu Chu thường xuyên tỉnh đêm ạ? Con xin Uyển tỷ tỷ đốt cho một lư hương, để con xông ngập hai ống tay áo, mang đến cho Chu Chu. Sợ để lâu làm hương bay mất nên con mới chạy cho nhanh đấy chứ!”

“Uyển tỷ tỷ” mà cậu nói đến là con gái nuôi hoàng hậu thu nhận mấy năm trước, cháu gái của tham tri chính sự Phùng Chưởng triều Chân Tông, tên là Phùng Uyển Nhi. Cô nương này lan tâm huệ chất, thường ngày thích điều chế hương liệu son phấn giống Thu Hòa.

Trọng Khác giải thích xong, cũng chẳng thèm nghe mẫu thân quở trách, mở ống tay áo hướng về phía Vĩnh Thọ công chúa, hai cánh tay không ngừng vung vẩy, muốn khiến công chúa ngửi được hương thơm mình mang lại nhiều nhất có thể.

Hương thơm ấy vừa có trầm hương thanh nhã, lại có mùi ngòn ngọt thuộc về một loại hoa quả khác, ngửi vào quả thực khiến tâm thần an lành, khoan khoái dễ chịu.

“Ừ, hương thơm này được lắm, là chưng từ nước nga lê và trầm hương.” Thu Hòa nhanh chóng phân biệt ra, cười nói với Trọng Khác, “Tứ ca, cảm ơn cậu.”

Trọng Khác lắc đầu: “Không cần cảm ơn đâu ạ, Chu Chu thích là được rồi.” sau đó lại rất ân cần hỏi Vĩnh Thọ công chúa, “Thơm không?”

Vĩnh Thọ công chúa hé miệng nhoẻn cười, gật nhẹ.

“Thế cô đã buồn ngủ chưa?” Trọng Khác trợn tròn hai mắt, nóng lòng xác nhận hiệu quả thần kỳ của hương liệu này.

Người lớn trong phòng đều cười rộ. Kinh Triệu quận quân vỗ lên quả đầu nhẵn bóng của cậu, cười mắng: “Mới ngửi một cái đã muốn khiến người ta ngủ rồi, con nói đây là thuốc mê chắc!”

Trọng Khác xoa xoa chỗ bị mẹ vỗ, cũng ngượng ngùng nhoẻn cười, sau đó lại đưa tay lôi cái túi gấm buộc trên đai lưng lên, lấy một cặp lợn tạc từ bạch ngọc ra, dúi vào lòng Vĩnh Thọ công chúa, nói: “Cái này cha cho con, tặng cô đấy.”

Cặp lợn ngọc này xem chừng là đồ cổ từ đời Tây Hán, chạm nổi, khắc chìm, tạc nông thành một thể, tròn xoe, cực kì mũm mĩm, đuôi cong cong dán vào mông, tứ chi gập duỗi, dáng vẻ đang chạy, biểu cảm sinh động, ngây thơ dễ thương.

Vĩnh Thọ công chúa ngậm cười nơi khóe miệng, không ngừng vuốt ve lợn ngọc, có vẻ như cũng rất thích.

Kinh Triệu quận quân quan sát Trọng Khác, bất đồ hỏi cậu: “Khóa đầu hổ trên dây chuyền của con đâu rồi?”

Chúng ta nghe tiếng nhìn lại, quả nhiên phát hiện dưới dây chuyền đeo trên cổ Trọng Khác trống không, vật treo đã biến mất.

“À, con cởi xuống để ở chỗ Uyển tỷ tỷ.” Trọng Khác nói, lại chỉ vào lợn ngọc trong tay Vĩnh Thọ công chúa, “Chu Chu là Trư Trư mà, lợn sợ hổ, thế nên con không thể mang khóa đầu hổ tới gặp cô được.”

Nghe vậy, Thu Hòa chỉ cười, Kinh Triệu quận quân thì lại kéo tay Trọng Khác đánh, trách: “Đã nói với con bao lần rồi, không được gọi thập nhất cô bậy bạ như vậy!”

Trọng Khác không vui: “Thập nhất cô vốn tên là Trư Trư mà, ông ông cho phép con gọi cô như vậy còn gì.” Đoạn, lại quay sang Vĩnh Thọ công chúa gọi luôn miệng: “Trư Trư Trư Trư Trư Trư…”

Vĩnh Thọ công chúa nghi hoặc nhìn cậu, lại nhìn cặp lợn ngọc, như bỗng ý thức được điều gì, một tay đẩy lợn ngọc ra, bĩu môi vẻ giận dỗi.

Cảnh tượng này làm mọi người thấy mà phì cười, Trọng Khác cũng toe toét cười theo, không ngờ, đằng sau cậu lại có một cô bé hướng về phía cậu gọi một tiếng dõng dạc: “Mao Mao!”

Trọng Khác xoay người nhìn lại, thi lễ với cô bé: “Cửu cô cô.”

Đó là hoàng cửu nữ Phúc An công chúa. Cái tên “Mao Mao” người gọi là biệt danh của Trọng Khác, ta có biết điển cố trong đó: Năm Trọng Khác hơn hai tuổi có vào cung diện kiến đế hậu, khi ấy tóc cậu rất dày, bị chia thành mấy khoảng vuông, mỗi khoảng túm tóc lại thành một quả cầu nhỏ. Kim thượng trông thấy cười bảo: ‘Kiểu tóc này không được, nhìn như mọc bướu khắp đầu ấy.’ Bèn sai người cắt đi, sửa thành kiểu tóc một chỏm hiện giờ. Song lúc đó Trọng Khác không chịu cho cắt ngắn, Thập Tam Đoàn Luyện bèn sai người thừa dịp cậu ngủ say cạo tóc cậu. Trọng Khác tỉnh lại sờ đầu, phát hiện ra mình trọc lốc, lại thấy trước mặt tóc vụn đầy đất, tức thì đau lòng, nhặt một nhúm tóc lên khóc òa: “Lông của ta…”, bởi khi ấy cậu còn chưa học đến chữ “tóc”. Kể từ đó, người trong cung đặt cho cậu biệt danh “Mao Mao”, thỉnh thoảng gặp cậu cũng sẽ ghẹo cậu, cố ý nói với cậu: “Lông của ta…”

Cũng chẳng biết là ai kể với Phúc An công chúa, lúc này, người nhìn Trọng Khác, lại cười hì hì gọi thêm một tiếng: “Mao Mao!”

Trọng Khác thẹn thùng, rất ư xấu hổ, nhưng lại chẳng tiện nói gì cửu cô cô, chỉ đành trợn mắt ngắm xà ngang, cả người mất tự nhiên. Vĩnh Thọ công chúa nhanh chóng phát hiện ra ảnh hưởng của tên gọi này đối với cậu, cũng thử gọi cậu là “Mao Mao”. Trọng Khác giật mình nhìn người, ngay sau đó căm tức nói: “Trư Trư, cô không thể gọi con như vậy!”

Vĩnh Thọ công chúa càng thêm vừa lòng, hết sức hào hứng kêu liên tiếp: “Mao Mao, Mao Mao, Mao Mao…”

Trọng Khác không cam lòng, lại quay sang gọi Vĩnh Thọ công chúa là “Trư Trư”, Vĩnh Thọ công chúa tiếp tục dùng “Mao Mao” đối kháng, hai đứa trẻ cứ thế lấy phương thức đơn giản này đấu võ mồm, làm nét rạng rỡ trong nháy mắt lan lên mặt mày Thu Hòa, làm cô so với hình dáng ta nhìn thấy hôm nay lúc mới đầu tưởng chừng như hai người khác nhau.

“Hai đứa con gái này là món quà quý giá nhất ông trời ban cho tôi.” Kinh Triệu quận quân dẫn Trọng Khác đi rồi, đối mặt với câu hỏi “Gần đây có ổn không?” của ta, Thu Hòa ôm cả hai công chúa lại bên mình, nói với ta như vậy, “Có một dạo, tôi cũng rất mờ mịt, chừng như mọi thứ đều trái với mong muốn, chẳng biết mình sống trên đời có ý nghĩa gì, cho đến khi tôi sinh ra con gái tôi. Có chúng nó bên cạnh, tôi mới có được hạnh phúc. Có lẽ, sở dĩ tôi đến thế giới này rồi lại được trời cao an bài như vậy, chính là để trao sinh mệnh cho chúng nó. Nghĩ vậy, rốt cuộc tôi cũng an lòng, cảm thấy nhìn mọi buồn đau và không như ý trước đây đều thoáng ra hẳn. Chung quy trời cao cũng chẳng tệ với tôi, cho tôi sở hữu hai đứa con gái khả ái này, tôi rất vui được làm mẹ chúng.”