Cô Thành Bế

Quyển 10 - Chương 4: Nữ quan (*)




(*) Chỉ nữ đạo sĩ: quan ở đây là cái mũ, thời xưa phụ nữ bình thường không đội mũ, chỉ nữ đạo sĩ mới đội mũ như đàn ông, bởi vậy nên gọi là nữ quan; vốn có một cách gọi quen thuộc hơn là đạo cô nhưng trên thực tế, Đạo giáo chính thống chỉ dùng từ nữ quan, đạo cô là cách gọi của dân gian.

Để tránh công chúa tức giận, ta hạ lệnh cấm nội thần và thị nữ trong phủ không được thuật lời Dương thị nói cho công chúa nghe, về sau khi gặp mặt mẹ con phò mã, ta cũng làm như hoàn toàn không hay biết gì về việc này, không để lộ chút cảm xúc nào ra, họ tuy lạnh nhạt với ta song cũng không nói lời khó nghe như vậy ngay trước mặt, mấy ngày kế tiếp dường như đều trôi qua trong yên bình.

Sau nữa, Dương phu nhân phái người nói với ta, quốc cữu qua đời đến năm nay đã là tròn mười năm, bà ta muốn tìm vài đạo sĩ vào phủ lập đàn cúng cho quốc cữu.

Hai ngày sau, bà ta mời đạo sĩ vào ở trong phủ, Trương Thừa Chiếu đi ngó, trở về líu lưỡi nói: “Gớm quá đi thôi! Cậu đoán xem bà ta mời thứ đạo sĩ gì về? … Dẫn đầu là ba ả nữ quan lả lơi! Một ả tên Ngọc Thanh, đầu đội mũ hoa sen bạch ngọc, phía sau cắm một cái lược mảnh, dài gần một thước, khảm đầy vàng bạc châu mồi, ấn đường còn dán hoa điền phỉ thúy xanh biếc, ca kỹ trong câu lan (*) cũng chẳng dùng trang sức sặc sỡ thế; một ả tên Trục Vân, đạo bào trên người may kiểu áo bào vạt mở, không buộc đai, yếm ngực bên trong thấp đến nhìn được cả rãnh ngực luôn; còn một ả nữa tên là Phù Nguyệt, kiểu dáng đạo bào thì không có vấn đề gì, nhưng lại làm bằng sa mỏng, quần lót thêu mặc dưới thân cũng lộ hết cả ra!”

(*) Nơi vui chơi nghe ca xướng diễn kịch thời xưa gọi là câu lan.

Hôm nay Hàn thị đến xin nghỉ với ta để về nhà chuẩn bị hôn sự cho con trai, ngồi bên cạnh nghe Trương Thừa Chiếu nói thế bèn bình luận: “Nữ quan qua lại với các nhà các hộ bây giờ có đến tám, chín phần mười là gái giang hồ, quần áo mũ nón như thế cũng chẳng có gì lạ.”

Trương Thừa Chiếu xua tay: “Cơ mà, bà nội tôi ơi, mấy con ả đó là quốc cữu phu nhân tìm về lập đàn cúng cho quốc cữu đấy! Người trông thấy đều cười thầm, nói hóa ra quốc cữu phu nhân hiền huệ đến vậy, còn đặc biệt cho quốc cữu gia dưới hoàng tuyền hưởng diễm phúc nhường này.”

Hàn thị nghĩ ngợi, hỏi: “Chẳng lẽ quốc cữu phu nhân lấy danh nghĩa lập đàn cúng tế tìm mấy ả nữ quan đó về đưa đi hầu hạ phò mã?”

Trương Thừa Chiếu gật gù: “Tôi cũng đoán là thế, thường ngày phò mã không mấy gần nữ sắc, thế nên quốc cữu phu nhân mới tìm cái giống lẳng lơ này về dạy dỗ hắn.”

Ta nghe hắn nói thô tục quá chừng, không khỏi lườm hắn, hắn lập tức tự đưa tay tát nhẹ lên má mình một cái rồi thò lại, cười làm lành xin chỉ thị: “Để mấy con ả đó ra vào phủ công chúa thật gây ảnh hưởng tới hình tượng quá, đuổi chúng đi nhé?”

Ta ngẫm nghĩ rồi đáp: “Thôi. Người là do quốc cữu phu nhân mời tới, cậu mà cưỡng ép đuổi đi sẽ chỉ gây tổn thương đến hòa khí. Huống hồ công chúa cũng không phản đối phò mã gần gũi nữ tử khác, lập đàn cúng cũng chỉ vài ngày, mặc họ đi.”

Song, lập đàn cúng tế xong xuôi rồi, đám nữ quan ấy vẫn chẳng rời đi, cứ ở riệt trong phủ, cả ngày ríu ra ríu rít, đàn hát sênh ca, tụ tập vui đùa, làm ai nấy đều liếc xéo lườm nguýt. Lương đô giám cũng thấy chướng mắt, uyển chuyển hỏi Dương phu nhân bao giờ tiễn họ đi, Dương phu nhân lại nói, qua hai ngày nữa là sinh nhật của phò mã, để họ chúc thọ phò mã rồi đi cũng không muộn.

Đến ngày sinh nhật phò mã, cho phải phép, công chúa cũng tham dự bữa tiệc tối mừng thọ trong nhà, nhưng qua ba tuần rượu, nói lời chúc phò mã cát tường xong là cáo từ muốn rời đi luôn. Đúng lúc này, nữ quan tên Ngọc Thanh kia đứng dậy, bước tới thi lễ với công chúa, nói: “Chị em chúng tôi ở trong phủ công chúa đã nhiều ngày mà chưa thỉnh an công chúa được bận nào, vốn chuẩn bị vài từ khúc, định bụng hiến tặng công chúa nghe trên tiệc mừng, mong công chúa ban cho chút thể diện, nán lại đôi khắc, nghe xong lại hẵng đi.”

Công chúa lưỡng lự, nhất thời chưa đáp ngay, Dương phu nhân ngồi một bên bèn cười bảo: “Vì hiến nghệ tặng công chúa, họ đã luyện tập suốt mấy ngày nay, công chúa dẫu không có hứng thì cũng coi như nể cái mặt mọn của mẹ con tôi đây mà thưởng cho họ chút vinh hạnh này đi.”

Bà ta đã nói đến vậy, công chúa cũng không tiện công nhiên khước từ, đành ngồi trở lại. Ngọc Thanh cảm ơn công chúa, ra hiệu bảo Trục Vân, Phù Nguyệt tấu nhạc, sau đó bưng một bình đựng rượu bằng sứ ảnh thanh khắc hoa (*) trên bàn mình lên, đi qua rót vào chén mã não của công chúa, nói: “Đây là rượu chị em tôi tự cất, tên là Đào Nguyên Xuân, không giống với rượu nhà khác, công chúa không ngại mời nếm thử một ngụm.

(*) Ảnh thanh là một mặt hàng gốm sứ nghệ thuật cao cấp của Trung Quốc, có đặc điểm là chất sứ cực mỏng, men màu trắng xanh, có hoa văn khắc chìm nhìn được cả từ bên trong lẫn bên ngoài khi soi dưới ánh sáng.

Bình rượu được chế tạo tinh xảo, sắc men thanh nhã, rượu rót từ trong ra chuyển màu hổ phách, tỏa sáng lung linh dưới ánh đèn, nom vô cùng đẹp mắt. Công chúa nâng chén nhấm nháp, khẽ gật đầu, hẳn là vị rất khá.

Lúc này, Trục Vân thổi khèn, Phù Nguyệt gảy tỳ bà, xướng một bài “Bồ Tát Man”: “Khuyên người say sưa lấy đêm nay, trước rượu chớ luận chuyện mai này, quý lấy lòng người chủ, rượu sâu tình cũng sâu. Đêm xuân đoản biết mấy, đừng trách chén ly đầy, gặp rượu hà cớ nhiễu, nhân sinh có bao nhiêu?”

Công chúa nghe xong không bình luận gì, cũng chẳng nhìn đến Lý Vĩ đang lặng yên nhìn nàng đăm đăm, chỉ mỉm cười, ngửa đầu uống cạn rượu trong chén.

Ngọc Thanh vỗ tay hoan hô, lập tức lại tới rót đầy một chén nữa cho công chúa, cười nói: “Chén vừa rồi coi như tôi mời, chén này là Phù Nguyệt kính công chúa, nếu công chúa thấy vừa rồi em ấy hát hay, xin hãy cạn ly này.”

Công chúa cười: “Cô bảo cô ấy hát thêm một khúc đi, ta thấy êm tai mới uống.”

Ngọc Thanh bằng lòng, bảo Phù Nguyệt hát tiếp, Phù Nguyệt gật đầu, lại lần nữa thổi khèn gảy tỳ bà cùng Trục Vân, đổi một làn điệu khác, ngân nga hát: “Ngựa hoa tiết trời trong, thong dong đường dương rủ, cỏ thơm gợi khói nhạt, trăng trắng sợi gió đưa. Xe chạm nhà ai mù hương bụi, thấp thoáng bóng thần tiên. Roi ngọc chàng ngơ ngẩn, rầu gang tấc cách lòng.”

Sóng mắt công chúa đong đưa, nghe đến nhập thần, như thấy xúc động. Nghe hết khẽ than một tiếng, bưng lấy chén rượu kia, vẫn một hơi cạn sạch dứt khoát như chén trước.

Ba nữ quan nhìn nhau cười, Phù Nguyệt tự mình đi qua hành lễ tạ ơn công chúa. Ngọc Thanh lại lấy danh nghĩa Trục Vân rót một chén, muốn công chúa uống tiếp, Trục Vân cũng đổi sang tỳ bà, cười thưa với công chúa: “Bây giờ tới lượt tôi hát, công chúa cũng đừng bất công, chỉ uống của hai cô ấy mà không cho tôi cái thể diện này.”

Đoạn, ả dìu phím tơ, hát một bài “Tư đế hương”: “Dạo xuân sâu, hoa hạnh vương khắp đầu. Thiếu niên nhà ai trên ruộng, sao tiêu sái. Thiếp đây mong trao thân này, đời vui dài. Dẫu bị vô tình bỏ, chẳng bi ai.”

Từ khúc công chúa tiếp xúc thường ngày đều do ta sàng lọc, dẫu là thi từ uyển chuyển viết về tình ái cũng đều thanh nhã kín đáo, rất ít khi nàng nghe đến từ khúc tình cảm bộc trực như vậy. Lúc này, con ngươi nàng mờ sáng, khóe miệng ngậm cười, như nghe thấy hứng thú. Phù Nguyệt qua mời rượu, nàng cũng không chối từ, một lần nữa cạn chén.

Tửu lượng nàng vốn chẳng cao, qua ba chén, trên mặt đã hiện sắc đào. Ta hơi lo lắng, nhẹ giọng gọi nàng, khuyên nàng tiết chế đôi phần, Ngọc Thanh lại cười nói với ta: “Tiên sinh đừng lo, rượu này như nước đường vậy, uống vào tuy có nóng người, nhưng chẳng say nổi ai.”

Dương phu nhân cũng bảo: “Rượu các cô nương uống có bao mạnh đâu? Lại nói, hai vị Lương tiên sinh đấy, một năm phò mã chỉ mừng sinh nhật có một lần, bây giờ hai người chỉ uống có tí teo như vậy, chẳng lẽ là không coi phò mã vào mắt?”

Ta và Lương đô tri vội vàng nói “Không dám”, Dương phu nhân bèn lệnh thị nữ hầu bên hai ta mời rượu chúng ta nhiều hơn.

Ta uống một ly, vẫn liên tục ngoảnh nhìn công chúa, hi vọng nàng đừng quá chén. Công chúa phát hiện, mỉm cười xua tay với ta: “Không ngại, ta vẫn tỉnh táo mà.” Lại quay sang lệnh Ngọc Thanh, “Các cô hát tiếp đi.”

Ngọc Thanh ưng thuận, bảo Trục Vân qua đây rót rượu cho công chúa, tự mình đi tới cầm tỳ bà, vừa đàn vừa hát: “Trong tay anh vũ vàng, trước ngực thêu chim phượng. Vụng trộm dòm hình tướng. Chẳng bằng gửi tấm thân, làm uyên ương.”

Lúc ả hát, sóng mắt đánh về phía phò mã Lý Vĩ, dáng vẻ lúng liếng đưa tình, tưởng chừng như coi hắn là chàng thiếu niên tuấn tú mà lời ca ngâm vịnh. Công chúa trông thấy rộ cười, hỏi ả: “Các cô là tiên cô tu đạo, nhưng chẳng biết đạo này tu thế nào, cớ sao cũng muốn cưới tình lang, làm uyên ương?”

Ngọc Thanh cười đáp: “Tu đạo thì có làm sao? Sâu trong vườn đào còn có Nguyễn lang (*).”

(*) Tích rằng năm Vĩnh Bình thứ năm thời Hán Minh Đế, hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu huyện Diệm quận Hội Kê cùng vào núi Thiên Thai hái thuốc, gặp được hai tiên nữ xinh đẹp, được mời tới nhà, cũng mời làm rể. Nguyễn lang chỉ Nguyễn Triệu, sau cũng mượn để chỉ nam tử kết duyên cùng mỹ nhân.

Công chúa gật đầu, trỏ vào Lý Vĩ, nghiêm túc nói: “Ừ, nếu thế, ta thưởng vị Nguyễn lang này cho cô đó.”

Ngọc Thanh đứng dậy ra vẻ bái tạ: “Tạ công chúa ban ân.”

Công chúa nâng ống tay áo cười không ngừng, thị nữ cả sảnh đường đều cười theo, Lương đô giám đã có tuổi, cảm thấy hơi xấu hổ, mới uống được mấy chén đầu đã ong ong, bèn đứng dậy xin cáo lui. Dương phu nhân cũng đứng lên liền sau đó, nói với công chúa: “Tôi cũng mệt rồi, về nghỉ ngơi trước, các cô các cậu còn trẻ, hiếm có dịp nào được tận hứng, cứ chơi thoả thuê một bữa đi, nghe họ hát thêm mấy khúc.”

Nói đoạn, bà ta nhìn Lý Vĩ một cái thật sâu như có điều ám chỉ. Lý Vĩ đứng dậy tiễn bà, vẫn im lặng, không hé răng tiếng nào.

Lúc đi ngang qua ta, Dương phu nhân thoáng dừng bước, nói với ta chừng như quan tâm: “Lương tiên sinh cũng vất vả cả một ngày rồi, sớm về phòng nghỉ ngơi đi thôi.”

Ta cúi người nói cảm tạ, lại không đồng ý. Bà ta nhếch khóe miệng, tiếp tục dõi mắt ra trước, nghênh ngang rời đi.

Dương phu nhân và Lương đô giám đi rồi, Ngọc Thanh càng thêm sôi nổi, nghiễm nhiên bày vẻ nữ chủ nhân tiệc rượu, luôn miệng sai hai nữ quan còn lại và chúng thị nữ hầu phò mã kính rượu người của công chúa, trong chén công chúa lại càng không một khắc cạn rỗng, vừa thấy đến đáy, Ngọc Thanh cùng Trục Vân, Phù Nguyệt đã lập tức luân phiên rót đầy cho nàng.

Công chúa đã ngà ngà say, ta nhỏ giọng khuyên nàng trở về nàng cũng không nghe, chỉ liên tục lệnh mấy nữ quan xướng khúc tiếp. Họ cười lĩnh mệnh, một lần nữa gảy dây, diễn tấu khúc “Liễu chi”, điệu hát được họ diễn dịch mềm mại triền miên, mà ca từ Phù Nguyệt êm ái hát ra thì càng thêm khiến ta nghe mà kinh hãi: “Xanh biếc quần la với đai vàng, nét ngài cọ nhòa chửa chỉnh trang. Cánh hoa mới đính say cắn hỏng, mặc sức nũng nịu níu tiên lang.”

Nghe xong khúc này, công chúa chuếnh choáng đỡ trán, cúi đầu im lặng, nét cười như ẩn như hiện, chẳng biết có phải đang ngẫm ngợi ý bài từ không, mà Trương Thừa Chiếu nghe vào lại dạt dào hứng thú, còn mở miệng hỏi Phù Nguyệt: “Tiên cô hát hay lắm, nhưng tôi còn có chỗ chưa rõ: Tiểu nương tử trong bài ca này tự mình uống say, cắn hỏng hoa bột đính mặt chứ có liên can gì đến tình lang của nàng đâu, cớ chi nàng ta lại muốn níu tình lang làm nũng?”

Phù Nguyệt cười đáp: “Hoa bột đính trên mặt tiểu nương tử, nàng ta cắn sao đặng? Cái người uống say cắn hỏng hoa bột trên mặt ấy chưa chắc đã là nàng…”

Nghĩ theo ý ả nói đương nhiên sẽ liên tưởng đến một cảnh tượng ướt át, lần này, mở miệng ra lại càng là một hình ảnh hương khuê còn kiều diễm hơn: “Lư ngọc chiếu trúc thêm chăn gấm, mồ hôi hòa phấn chảy gối đẫm. Kéo nước vẳng tiếng cơn, cau mày cười dỗi hờn. Bóng liễu nom rì rậm, tóc mai chưa kịp vấn. Liều tẫn tình một đời, chỉ để cùng quân chơi.”

Bài hát miêu tả việc nam nữ thâu hoan, ta cảm thấy chói tai hết sức, như đứng đống lửa như ngồi đống than, lại gọi công chúa, chợt thấy Ngọc Thanh cầm một hộp phấn bằng sứ men xanh tới bên cạnh công chúa, nói: “Mới rồi công chúa nói không biết chúng tôi tu đạo thế nào, giờ để tôi mời công chúa xem thử nhé, bí quyết tu đạo của bọn tôi nằm hết cả trong đây đấy.”

Công chúa cụp mắt nhìn, Ngọc Thanh chỉ vào bên trong hộp phấn, hạ giọng tiếp tục nói gì đó với nàng. Chỗ ta ngồi cách công chúa một khoảng, nghe không được lời Ngọc Thanh nói lúc này, cũng nhìn chẳng tới món đồ trong hộp phấn. Công chúa đã say đến mụ mị ngây ngô, ánh mắt mơ màng, nhòm vào hộp phấn cười ngơ ngẩn, hoàn toàn không nghe thấy ta đang gọi nàng.

Tiếp đó, người hát lại đổi thành Trục Vân, vẫn là ngâm vịnh chuyện nam nữ, mà nội dung thì hai chữ “ướt át” đã chẳng còn đủ để miêu tả nữa rồi: “Gặp lại mừng vui mắt lệ nhòa, rượu hun hoan lạc nở muôn đóa. Trướng phượng gối uyên nghỉ phòng hoa. Lan xạ đưa hương nghe hổn hển, lụa vân sa mỏng thấy thịt da, lúc này còn hận tình cách xa?”

Công chúa nghe, lại ngoảnh đầu xem hộp phấn, mặt ngọc đỏ bừng, hơi thở dần gấp gáp, tựa vào người Ngọc Thanh chừng như yếu ớt chẳng dậy nổi. Ngọc Thanh dìu công chúa, cười nhìn phò mã, nhướng mày: “Đô úy, nương tử ngài mệt rồi, sao ngài còn chưa tới đỡ?”

Lý Vĩ do dự, song nghe Phù Nguyệt liên thanh khích lệ vẫn đi qua ghé lại gần công chúa. Ngọc Thanh cười, đẩy công chúa vào lòng hắn. Công chúa mơ mơ màng màng, ngẩng đầu lên nhìn Lý Vĩ, lại lười biếng cụp mắt xuống, cũng không cự tuyệt để hắn ôm.

Bình thường, chỉ cần Lý Vĩ hơi tiếp cận công chúa, nàng sẽ lập tức nhíu mày, càng đừng nói đến tiếp xúc thân thể, hiện giờ xem ra, đại khái thần chí công chúa đã không còn minh mẫn.

Ta đứng phắt dậy, cao giọng gọi Gia Khánh Tử, Tiếu Diệp Nhi và Vận Quả Nhi, lệnh họ đưa công chúa về gác ngủ nghỉ ngơi. Ngọc Thanh lại xua tay cự tuyệt họ tới gần, cười chỉ vào công chúa: “Các cô nhìn xem, dáng vẻ công chúa thế này chắc chắn không đi xa được. Gác ngủ của phò mã ở ngay phía sau, không bằng để chị em chúng tôi đỡ công chúa qua đó ngồi nghỉ, uống chút trà, trò chuyện đôi câu, đợi công chúa tỉnh táo lại rồi, các cô hẵng đón người về.”

Nói xong, cũng chẳng đợi bọn thị nữ trả lời, ả đã cùng Lý Vĩ đỡ công chúa lên, lại gọi Trục Vân và Phù Nguyệt tới, cùng vây quanh công chúa, đi thẳng về hướng gác phò mã.

Ta thấy vậy cũng rảo bước đi theo, Ngọc Thanh quay đầu thấy là ta, lại cười khoan thai: “Đêm đã khuya, Lương tiên sinh theo công chúa lên sảnh vào buồng thế này hình như không được ổn cho lắm?”

Ta khựng lại, đành dừng bước. Đợi họ đi được một quãng rồi, ta lại sai đám Gia Khánh Tử đuổi theo, nhất thiết phải mời công chúa sớm về gác ngủ. Sau đó, ta chậm rãi quay trở lại sảnh thiết yến, thấy hộp phấn ban nãy Ngọc Thanh cho công chúa xem hãy còn đặt trên bàn, bèn cầm lên mở ra nhìn, chẳng ngờ đập vào tầm nhìn lại là một hình ảnh gai mắt: Trong hộp có hai tượng sứ hình người trần truồng, một nam một nữ, ngồi đối diện nhau, hai chân quấn lấy hông nhau, đang làm động tác giao cấu.

Ta thầm kinh hãi, ánh mắt quét sang bình rượu ảnh thanh khắc hoa bên cạnh hộp phấn, lập tức nhấc lên, mở nắp ra ngửi, mùi rượu thơm nức bên trong xộc vào mũi, cũng không phải hương rượu thuần túy mà như trộn lẫn dược liệu thảo mộc. Trống ngực ta đập dồn, máu huyết cả người tựa hồ cũng đang xông lên óc, bắt đầu ý thức được rằng đây là một âm mưu được bài bố tỉ mỉ nhằm vào công chúa.

Ta đưa bình rượu cho Trương Thừa Chiếu, lệnh hắn nghĩ cách tra xem trong rượu này pha thêm thứ gì, sau đó rảo bước đi tới gác phò mã.

Chưa được vài bước thì chạm mặt mấy thị nữ trở về từ gác phò mã. “Quốc cữu phu nhân đang ở gác phò mã”, chúng nói với ta, “Bà ấy bảo ở đó cũng có thị nữ, công chúa không cần đến bọn em hầu hạ, sau đó đuổi chúng em ra ngoài.”

“Công chúa đâu?” Ta nghe giọng mình khản đặc đặt câu hỏi.

“Đám nữ quan dìu công chúa vào phòng ngủ của phò mã rồi ạ.” Tiếu Diệp Nhi rụt rè đáp.

Ta không hỏi thêm nữa, phất tay áo cất bước về phía gác phò mã với tốc độ gần như là chạy.

Vừa vào cửa lớn gác phò mã đã trông thấy quốc cữu phu nhân ngồi lù lù trong sảnh, như đã dự liệu được từ trước, bà ta trưng một nụ cười lạnh lùng ra với ta, đặt chung trà trong tay xuống, chầm chậm nói: “Lương tiên sinh, hôm nay ta cũng chẳng ngại nói rõ với cậu: Đêm nay phò mã sẽ viên phòng cùng công chúa, hai người họ anh tình tôi nguyện, không liên quan gì đến cậu, cậu cũng không can thiệp được. Vẫn nên quay về nghỉ ngơi sớm đi thôi, ngày mai lại qua chúc mừng, tôi tất sẽ bảo phò mã chuẩn bị cho cậu một khoản tiền thưởng không bạc.”