Lê Hạo nói những lời trên xong lại hỏi ý kiến năm tên nọ rằng :
- Các người nghĩ sao?
Tứ Lang với Văn Tuấn nghe thấy Lê Hạo hỏi như vậy mới vỡ lẽ ngay, biết lão ma đầu trông thấy mỹ sắc đã không sao cầm lòng được liền nổi lòng dâm, định hãm hiếp đối phương đã rồi mới giao cho chúng xử trí sau. Tuy chúng không muốn nhưng vì sợ oai danh của lão ma nên không một tên nào dám phản đối cả.
Văn Tuấn suy nghĩ giây lát liền cười ha hả đỡ lời :
- Tiểu bối không biết lão tiền bối lại có tật quả nhân hiếu sắc như vậy. Một nàng thiên hương quốc sắc như thế này, đừng nói là lão tiền bối, ngay cả tiểu bối đây cũng phải động lòng. Tiền bối đã có lệnh dụ như vậy, tiểu bối đâu dám không tuân lệnh? Nhưng tiểu bối dám táo gan xin hỏi tiền bối một câu này, xin tiền bối cho biết thời gian mà tiền bối hưởng dụng là mấy ngày và khi nào sẽ trao người cho anh em tiểu bối, xin lão tiền bối cho biết trước vấn đề đó.
Trợn ngược đôi mắt ba góc lên, Lê Hạo lầm lỳ cười và nói :
- Chả lẽ Vũ Văn hiền đệ lại không tin được lão phu hay sao?
Văn Tuấn giật mình đến thót một cái, vội đỡ lời :
- Sao tiền bối lại nói như thế? Dù tiểu bối táo gan đến đâu cũng không dám thất kính với tiền bối như vậy, nhưng vì nóng lòng trả thù cho anh nên tiểu bối muốn sớm ngày...
Lại cười the thé, Lê Hạo ngắt lời Văn Tuấn nói tiếp :
- Lão phu đã trách lầm hiền điệt. Ba ngày sau các người cứ việc tới đây mà đợi chờ.
Văn Tuấn cung kính vái một vái vâng lời đáp :
- Anh em tiểu bối xin tuân lệnh và muốn được chiêm ngưỡng thần oai của lão tiền bối.
Truy Hồn Thái Tuế Vũ Văn Tuấn cũng là một tay chúa nịnh hót, chỉ một lời nói của y cũng đủ làm cho Lê Hạo khoan khoái cười tít mắt lại và nói tiếp :
- Thôi được, các người hãy đứng sang một bên xem lão phu tay không bắt sống nàng ta cho mà coi.
Tứ Lang với Văn Tuấn đưa mắt cùng nhìn nhau một cái rồi vội lui ngay về phía sau.
Lê Hạo nhìn Tư Đồ Sương mắt lộ dâm quang, vẻ mặt đểu cáng cười khì hỏi :
- Tư Đồ Sương Động chủ, lão phu nói có một lời khiến Động chủ được sống thêm mấy ngày, vậy Động chủ lấy gì để cảm tạ lão phu?
Tư Đồ Sương đứng cạnh đó, tuy tâm tính của nàng khác trước nhiều nhưng nghe thấy bọn chúng nói như vậy vừa kinh hãi vừa tức giận và còn hổ thẹn, phẫn nộ vô cùng nữa. Nếu là trước kia thì nàng đã nổi giận ra tay rồi chứ khi nào lại chịu đứng yên nghe chúng bàn bạc và nghe Lê Hạo nói những lời lẽ dâm ô, đểu cáng như thế?
Bây giờ nàng nghe thấy Lê Hạo hỏi tới câu cuối cùng thì mặt hơi lộ sát khí, nhưng trong đầu óc chợt có linh quang chớp nháy, nàng cảm thấy bình tĩnh, sát khí tiêu tan ngay mà chỉ dửng dưng hỏi lại :
- Lê Hạo, người muốn ta cảm ơn bằng cách gì?
Vừa nghe thấy nàng ta gọi mình là Lê Hạo như vậy, mặt lão liền biến sắc, nhưng khi y nghe tới câu nói sau cùng của nàng ta thì y lại lộ nụ cười dâm đãng tức thì. Y không hổ thẹn là một tên dâm độc, giảo hoạt, nhìn thẳng vào mặt đối phương, hỏi lại :
- Tư Đồ Sương, ngươi đã biết rõ mà lại còn cố ý hỏi, hay là tài trấn tĩnh của ngươi đã cao siêu hơn trước chăng?
Tư Đồ Sương vẫn tủm tỉm cười đáp :
- Tùy người muốn nghĩ như thế nào thì nghĩ, nhưng bổn Động chủ phải nói cho người biết trước, Tư Đồ Sương hiện giờ khác trước, nếu các người giết ta là ta quyết không trả đũa. Nếu người có ý nghĩ đê hèn vô sỉ, đó là các người bắt buộc ta phải nổi sát khí.
Lê Hạo cười ồ một tiếng, cười giọng quái dị đỡ lời :
- Thật không ngờ hồng phấn sát tinh tiếng tăm lừng lẫy võ lâm như vậy mà ngày hôm nay lại có lòng từ bi tử tế khác thường như vậy, quả thật mới cách biệt có ba ngày mà đã khiến người ta phải rửa sạch mặt để nhìn. Cái gì là đê hèn? Cái gì là vô sỉ? Thánh nhân còn dạy : thực, sắc tính dã. Người không nên trách lão phu, chỉ nên tự trách sao mình lại khiến người ta khó mà...
Y lại cất tiếng cười vừa dâm đãng vừa đểu cáng hoài.
Tư Đồ Sương thấy thế tự biết vì mình không ăn không ngủ mấy ngày liền, trái tim nứt rạn còn chưa lành mạnh, nguyên khí chưa hồi phục, chỉ đối phó một mình Lê Hạo cũng khó mà thắng nổi, huống hồ lại còn năm tên nữa đang đứng cạnh đó? Vả lại Lê Hạo là người âm độc, giảo hoạt, đa mưu lắm kế, không thể dùng lời lẽ đối phó được. Như vậy ngày hôm nay không thể nào thoát khỏi bàn tay ma đầu.
Mình vừa mới ngộ nghịch cảnh, gan ruột hãy còn rầu nát, bây giờ lại lọt vào bàn tay ma bị nhục nhả, thử hỏi tại sao số kiếp của mình lại hẩm hiu đến như thế.
Nghĩ tới đó nàng cảm thấy rầu rĩ và đau lòng vô cùng, nghiến răng mím môi, thầm giơ chưởng lén tự đánh vào đầu óc một thế thật nhanh.
Nàng định tâm như vậy, tưởng không ai ngờ nhưng có biết đâu Lê Hạo đã đề phòng từ trước, biết nàng không khi nào chịu thúc thủ, mà hễ cảm thấy thân đơn thế cô thì thể nào cũng phải giở hạ sách ấy ra, cho nên nàng vừa giơ tay lên thì Lê Hạo đã cười giọng quái dị nói tiếp :
- Lão phu còn thương hương tiếc ngọc, Tư Đồ động chủ hà tất phải nhẫn tâm như thế?
Vừa nói xong, chỉ thấy y hất tay áo một cái, y đã dồn chỉ phong ra. Tư Đồ Sương liền cảm thấy đầu óc choáng váng và mê man bất tỉnh tức thì.
Lê Hạo không dám trì hoãn, vội đỡ lấy tấm thân mềm mại rồi quay lại bảo Tôn Lăng với Văn Tuấn rằng :
- Chớ có quên ba ngày sau sẽ gặp lại ở nơi đây.
Y ngửng mặt lên cười giọng rất đắc chí rồi cắp Tư Đồ Sương lên nhằm ngọn núi ở nơi chính giữa mà rảo cẳng đi luôn.
Tứ Lang, Văn Tuấn nhìn theo cho tới khi hút bóng Lê Hạo rồi cùng nhìn nhau gượng cười và lộ vẻ đắc chí. Nhưng năm người chưa kịp cười xong thì tựa như trúng phải gió độc. Chỉ thấy thân hình của chúng rùng mình đến phắt một cái, chưa kịp nói được nửa lời thì đã lăn đùng ra đất, dẫy dụa một hồi rồi nằm yên không cử động được nữa.
Một lát sau, mặt mũi mồm tai của chúng đã có máu tươi rỉ ra.
Thế là một cuộc hẹn ước của chúng với Lê Hạo ba ngày sau sẽ gặp ở nơi đây đã biến thành cuộc ước hẹn chết.
Hãy nói Lê Hạo rất đắc chí cắp Tư Đồ Sương đi nhanh như bay, tiến thẳng vào trong ngọn núi ở chính giữa. Mặc dầu đường núi quanh co khúc khuỷu, mọc đầy cỏ lau mà y vẫn đi nhanh vô cùng, đủ thấy rằng y rất thuộc đường lối của miền này. Chỉ trong chớp mắt, y đã đi tới một sơn cốc rất âm u và bí ẩn, phong cảnh lại đẹp như vẽ vậy.
Khi vào tới trong sơn cốc, Lê Hạo đưa mắt nhìn xung quanh một vòng, cười khì một tiếng, lại đi thẳng vào sau một cây cổ thụ cao chọc trời.
Thì ra sau cây cổ thụ ấy có một cái hang động cao bằng đầu người, mới thoáng trông tối om như mực, nhưng y đã quen đường thuộc nẽo nên không chần chừ, tiến thẳng vào trong hang động ấy ngay.
Đi được mười trượng, trong động bỗng sáng tỏ.
Thì ra trong hang động, trên đỉnh có một cái lỗ hổng hình bán nguyệt nên ánh sáng ở bên ngoài xuyên qua lỗ hổng ấy, chiếu vào trong hang. Nơi chính giữa của hang động có một cái sập đá, một kỷ đá với mấy cái ghế đá nữa.
Lê Hạo đặt ngay Tư Đồ Sương đang mê man năm lên trên cái sập.
Có lẽ lửa dục đã bốc lên, Lê Hạo không sao chịu nhịn được. Y ngắm nhìn tấm thân ngà ngọc cây nàng nọ, cất tiếng cười vừa dâm đãng vừa đắc chí và giơ tay định nắn bộ ngực của nàng.
Một vị hồng phấn tuyệt vời sắp bị một tên ma đầu đầy thú tính lăng nhục. Nhưng trong lúc nguy hiểm mảy may ấy thì trên không bỗng có tiếng cười rất lạnh lùng vọng xuống, khiến Lê Hạo đang khoái trí sắp được toại nguyện cũng phải giật mình đến phắt một cái, liền biến sắc và vội thâu tay lại ngay.
Tiếp theo đó, ngoài cửa hang lại có tiếng nói nhỏ như tiếng muỗi kêu nhưng lại lạnh lùng như băng vọng vào rằng :
- Lê Hạo, ngươi táo gan thật! Có mau ra đây nhận lấy cái chết không?
Lê Hạo thật không hổ thẹn là một tên ma đầu rất giảo hoạt, độc ác. Y nghe xong tiếng nói có công lực rất cao đó đã biết ai ở ngoài hang động rồi. Y cười khẩy một tiếng, giơ chưởng lên nhằm đầu Tư Đồ Sương vỗ xuống luôn.
Nếu để cho y vỗ trúng thế chưởng ấy thì dù Tư Đồ Sương không bị mê man, vẫn còn nguyên công lực như trước, cũng bị vỡ sọ, lòi óc ra mà chết.
Nhưng trong lúc tay của Lê Hạo chưa kịp đánh xuống thì tiếng nói của người nọ lại vòng vào tiếp :
- Lê Hạo, ngươi táo bạo một cách khiến người ta phải hết sức chịu phục.
Tiếng nói ở bên ngoài hang vừa dứt, Lê Hạo đã cảm thấy Khúc Trì huyệt tê tái và như bị rắn cắn phải, đau nhức chịu không nổi, cánh tay cũng uể oải như không có hơi mà buông xuôi xuống tức thì.
Y vừa giật mình đến thót một cái thì lại nghe thấy giọng lạnh lùng ở ngoài cửa động vọng vào tiếp :
- Lê Hạo, ngươi mau mau quyết định đi. Ngươi tự động ra lãnh cái chết hay là đợi ta mời mới chịu ra?
Lê Hạo chưa hoàn hồn, xong đã nghĩ ra được một kế. Y định ẵm Tư Đồ Sương xông ra bên ngoài và lấy Tư Đồ Sương để uy hiếp đối phương, bắt buộc đối phương phải rút lui ngay. Nhưng vì Khúc Trì huyệt vẫn còn bị đau như rắn cắn, cánh tay bỗng uể oải buông xuôi xuống nên y không dám cử động nữa.
Đồng thời y cũng biết không ra ngoài hang động thì người ngoài hang động thể nào cũng dùng thủ pháp lợi lại hơn để đối phó mình.
Nghĩ như vậy nên y mới đánh liều, đột nhiên rú lên một tiếng thực lớn, phi thân ra ngoài hang động luôn.
Tiếng rú đó chưa dứt thì ngoài hang động đã có tiếng kêu la thảm khốc của Lê Hạo nổi lên, nhưng chỉ thoáng cái đã im lặng ngay.
Tiếp theo đó có một cái bóng người màu xanh nhạt tiến vào trong hang động ẵm Tư Đồ Sương đang nằm mê man ở trên sập đá lên, cắp ở dưới nách đi mất dạng.
Ngoài hang động trong giáp cốc trên bãi cỏ người ta thấy Lê Hạo đang nằm sóng soài, mặt ngửng lên trời, mắt mũi tai mồm của y đều có máu tươi rỉ ra bên ngoài, chết một cách rất thảm khốc, trên ngực của y hiện ra một dấu bàn tay máu trông rất rõ rệt.
Không biết trải qua bao lâu, Tư Đồ Sương đã từ từ lai tỉnh, lúc ấy nàng mới sực nhớ nàng đã bị Lê Hạo điểm vào yếu huyệt mê và mê man bất tỉnh. Nàng giật mình đến thót một cái vội ngồi phắt dậy, đưa mắt nhìn chung quanh, thấy mình đang ở trên một ngọn núi. Dưới chân núi có mây bay lơ lững và bên dưới nữa có một con sông chảy qua, trông như một cái giải áo. Nàng đã nhận ra nơi đây là Mịch La Giang.
Đồng thời nàng còn cảm thấy mình mẩy mình không có cảm giác gì khác lạ. Thấy mình may mắn như thế nàng đang mừng thầm, nhưng lại ngạc nhiên ngay vì thấy dưới mặt đất có mấy hàng chữ, chỉ thoáng trông nàng cũng nhận ra những chữ đó viết bằng Kim cương chỉ lực. Nàng vội cúi đầu nhìn thấy những chữ đó viết như sau :
“Động chủ đã bình yên vô sự, tên tiểu xú đã bị giết. Phật tâm tuy là từ bi nhưng không bao giờ độ những kẻ bất khâm. Mong Động chủ từ nay trở đi nên tự cẩn trọng, chớ nên khiến người ta cùng ân hận thêm.”
Dưới không có ký tên nhưng nàng đã biết ai ra tay cứu mình và nàng bỗng cảm thấy như bị người đánh trúng một quyền, mình mẩy rung động rất mạnh. Tiếp theo đó mặt nàng cũng lộ vẻ rất khó mô tả.
Tâm trạng của nàng lúc này khắp thiên hạ chỉ có một người biết thôi, người đó lại chính là nàng.
Một lát sau Tư Đồ Sương mới từ từ đứng dậy, hai mắt đẫm lệ và cứ để mặc cho đầu tóc bù rối. Nàng lẩm bẩm nói :
- Xem như vậy người đã biết rõ hết cả, cho nên người mới không dám gặp ta.
Nhưng tại sao người lại cứu ta làm chi? Người... bao giờ người mang lỗi, người có lỗi gì đâu? Chỉ có ta, Tư Đồ Sương này mới thực hổ thẹn, không mặt mũi nào... người không muốn trông thấy ta thì ta cũng có mặt mũi nào dám gặp người đâu. Thôi được, không trông thấy mặt nhau như thế này càng hay, càng tốt nếu suốt cả cuộc đời cũng đừng có gặp mặt nhau nữa, để trông thấy Tư Đồ Sương tàn hoa bại liễu này thì cũng vô ích thôi...
Nàng cứ lẩm bẩm nói như vậy hoài, vẻ mặt thờ thẩn trông không khác gì một u hồn, rồi từ từ đi xuống dưới núi. Thực trông nàng lúc này rất tội nghiệp. Không bao lâu nàng đã đi vào trong rừng rậm khuất dạng luôn.
* * * * *
Thời giờ như thoi đưa, thấm thoát đã tới ngày mùng bảy tháng bảy. Lầu Nhạc Dương ở cạnh hồ Động Đình vẫn đắc hàng như xưa, đèn đuốc thắp sáng choang, tiếng đờn tiếng ca vẫn làm vang động một vùng trời.
Lúc ấy bỗng có một thư sinh áo trắng trông rất anh tuấn đang lững thửng bước tới lầu Nhạc Dương. Phổ cây thấy có khách sang đến vội xuống tận dưới lầu nghênh đón.
Thư sinh áo trắng vừa lên tới trên lầu, thấy ồn ào đã cau mày lại ngay.
Bọn phổ cây thực là kinh nghiệm, thấy thế đã vội gượng cười và nói rằng :
- Thưa tướng công, bên kia có chỗ ngồi yên tĩnh.
Y tưởng nói như thế thế nào thư sinh cũng gật đầu. Ngờ đâu thư sinh lại lắc đầu mà lạnh lùng đáp :
- Không! Ngồi đây cũng được!
Nói xong chàng đi tới cái bàn kế cạnh cửa sổ ngồi xuống.
Phổ cây thấy thế rất ngạc nhiên và nghĩ bụng :
“Tướng công này trông người rất đẹp trai, nhưng sao lại có tính nết kỳ lạ, đã không ưa ồn ào mà lại ngồi vào chỗ ồn ào nhất...”
Thư sinh hình như có đầy bầu tâm sự, nên muốn lên lầu uống rượu để giải sầu.
Chàng bảo phổ cây làm hai món ăn với rượu đem ra. Tên phổ cây vội vâng lời quay người định đi thì chàng thì chàng gọi giật lại, dặn bảo tiếp :
- Dọn bát đũa cho hai người ăn nhé!
Tên phổ cây có vẻ ngạc nhiên, đang trố mắt lên nhìn thì chàng đã xua tay bảo y đi. Y thấy thế càng ngạc nhiên thêm, nhưng không dám hỏi nhiều, chỉ liếc nhìn trộm chàng một cái rồi vâng lời đi luôn.
Vì y đi quá nhanh nên va đụng phải một tửu khách to lớn, vạm vỡ, mắt to mày rậm kêu đến đùng một tiếng rồi một người ngã sóng soài ra đất.
Thì ra người bị ngã đó lại là tên phổ cây, chứ không phải là đại hán nọ.
Tên phổ cây, suýt tí nữa thì bị gẩy hai chiếc răng cửa, nhịn đau lóp ngóp bò dậy và xin lỗi người nọ hoài, nhưng y tức hận thêm tại vì thư sinh nọ gọi y quay trở lại nên y mới bị vấp ngã như thế.
Thư sinh ngồi nhậu nhẹt một mình, lúc nào cũng rầu rĩ. Cạnh đó có tiếng đờn ca rất ồn ào mà chàng làm như không nghe thấy gì. Chàng từ từ đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ và nhìn trăng sao ở trên trời. Lúc ấy trong một căn phòng ở cạnh đó đang có tiếng ca rất hấp dẫn khiến chàng để ý lắng tai nghe...
Một lát sau, hình như chàng sực nghĩ tới một việc gì, vội gọi phổ cây tới và hỏi :
- Cô nương đang ca đó phóng họ Tuyết đấy không?
Tên phổ cây bị chàng túm chặt tay, đau đến suýt tí nữa thì ứa nước mắt ra, vội hỏi chàng cần gì thì chàng lại hỏi y rằng :
- Có phải cô nương đang ca ấy họ Tuyết đấy không?
Tên phổ cây nhăn nhó lắc đầu đáp :
- Không, thưa tướng công, cô nương đang ca ấy là họ Hoa.
Thư sinh nọ kêu ồ một tiếng, buông tay y ra, không nói gì nữa.
Tên phổ cây hỏi tiếp :
- Tướng công có cần gì nữa không?
Thư sinh chỉ lắc đầu xua tay một cái thôi chứ không trả lời y nữa.
Tên phổ cây như được ân xá, vội quay người chạy đi ngay, vừa đi y vừa lẩm bẩm nói :
- Trời ơi! Không ngờ thư sinh ốm yếu như thế mà tay lại khỏe đến như vậy.
Thư sinh ngồi yên một hồi lâu, cầm chén rượu lên uống cạn lại từ từ nhìn ra ngoài cửa sổ. Không hiểu chàng trông thấy cái gì ở bên dưới bỗng nhìn chăm chú xuống, có vẻ hồi hộp lắm.
Thì ra chàng thấy dưới đường đang có một thiếu nữ áo trắng đi từ phía Bắc vào trong đám đông. Trông hình dáng của thiếu nữ ấy quen thuộc lắm, hình như là người mà chàng rất nhớ nhung và đã tìm kiếm mãi cũng không thấy.
Lúc này hình bóng của thiếu nữ ấy đã biến mất, thư sinh ở trên lầu cũng đang định thần lại, vẻ mặt vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ. Chàng vội đứng dậy vứt một nén bạc ra bàn, nhảy qua cửa sổ đi luôn.
Trên tửu lầu vẫn náo nhiệt như thường và hình như không ai phát giác thư sinh bỏ đi vậy.
Xuống tới dưới đất, thư sinh đã vội tiến thẳng về phía thiếu nữ áo trắng vừa đi để đuổi theo. Chàng đuổi theo ra tới tận cửa thành mới trông thấy thiếu nữ áo trắng đang đi ở trên con đường cái quan, người đi lại rất thưa thớt nên chàng hớn hở vô cùng, vội phi thân về phía trước, chỉ trong nháy mắt chàng đã cách nàng nọ chừng mười trượng, với giọng run run khẽ gọi :
- Diệm Cầm!
Thiếu nữ áo trắng đang đi đó không ngờ phía sau có người kêu gọi, vội quay người lại, suýt tí nữa thì thất thanh la lớn, nên nàng phải vội dùng tay bịt lấy miệng.
Thiếu nữ đó rất xinh đẹp và chính là Tuyết Diệm Cầm, ca kỹ tiếng tăm lừng lẫy ở Nhạc Dương lầu năm xưa.
Hai người đứng đờ người ra nhìn nhau hồi lâu, một lát sau Diệm Cầm định thần trước, đôi mắt của nàng đẫm lệ, với giọng run run kêu gọi được một câu :
- Tướng công...
Không cần nói rõ, quý vị cũng biết thư sinh áo trắng ấy là Độc Cô Ngọc. Chàng tìm mãi không thấy người yêu, quay trở lại đất cũ, mượn rượu để giải sầu.
Một lời nói của Tuyết Diệm Cầm khiến ai nghe thấy cũng phải đứt ruột đứt gan.
Độc Cô Ngọc giật mình đến thót một cái, tiến lên một bước nắm chặt lấy hai bàn tay mềm mại của người yêu, hai mắt cứ nhìn thẳng vào mặt Diệm Cầm, với giọng run run nói tiếp :
- Diệm Cầm, tôi đi kiếm đâu đâu cũng không thấy...
Mặt lộ vẻ đầy tình tứ, Diệm Cầm nhìn Độc Cô Ngọc khẽ đỡ lời :
- Tướng công! Chính tôi cũng thế.
Nàng có vẻ hổ thẹn và ai oán, khiến ai trông thấy mặt nàng cũng không sao cầm lòng được. Độc Cô Ngọc không sao nhịn nổi, hai mắt ứa hai hàng nhiệt lệ, há miệng mãi mà không sao nói nên lời được.
Độc Cô Ngọc khẽ kéo Diệm Cầm sát vào người mình rồi ôm nàng khắn khít.
Tuy hai người không nói năng gì nhưng trong lúc trầm lặng đó, hai người đã thố lộ hết tâm tình. Cách biệt nhau lâu như vậy, bây giờ mới được tái ngộ, hai người chỉ biết ôm chặt lấy nhau thôi chứ không biết xung quanh mình xảy ra gì cả.
Vì trời sắp tối nên con đường này rất ít người đi lại, mãi mới có tiếng chân người đi tới nên hai người mới vội rẽ nhau ra.
Trên tóc Diệm Cầm có dính nước mắt của Độc Cô Ngọc và trên ngực áo của Độc Cô Ngọc cũng bị nước mắt của Diệm Cầm làm ướt.
Hai người nhìn nhau hồi lâu, Độc Cô Ngọc mới lên tiếng hỏi tiếp :
- Diệm Cầm tỷ rời khỏi lầu Nhạc Dương từ hồi nào, làm cho tôi đi khắp đó đây tìm kiếm đều không thấy...
- Tướng công...
Hình như Diệm Cầm không nhẫn tâm trông thấy chàng đau lòng mới khẽ gọi chàng một câu như thế rồi mới cúi đầu xuống hỏi :
- Tướng công có biết tại làm sao tôi không muốn xuất đầu lộ diện như thế nữa không?
Lời nói này của nàng rõ ràng lắm, nghĩa là nàng đã có Độc Cô Ngọc rồi nên mới rời bỏ cái nghề làm ca nữ ấy.
Độc Cô Ngọc cảm động vô cùng, lại nắm chặt lấy hai tay của nàng định nói tiếp thì Diệm Cầm đã ngửng mặt lên nói tiếp :
- Tướng công, nơi đây không phải là chỗ nói chuyện...
Độc Cô Ngọc vội đỡ lời :
- Nếu vậy chúng ta lên lầu Nhạc Dương ngồi ở trước cửa sổ, vừa ăn nhậu, vừa chuyện trò nhé?
Diệm Cầm lắc đầu đáp :
- Không, lầu Nhạc Dương đông người ồn ào lắm. Vả lại tôi cũng không muốn gặp lại những người thường tục ở trên đó.
Độc Cô Ngọc ngẫm nghĩ giây lát rồi hỏi tiếp :
- Hay là chúng ta mướn một chiếc thuyền nhỏ đi chơi hồ Động Đình.
Diệm Cầm lại lắc đầu trả lời :
- Không, tôi không muốn gặp lại anh em họ Gia Cát.
Độc Cô Ngọc ngẩn người ra, nhất thời không biết nghĩ đi đâu cho phải. Diệm Cầm đã tủm tỉm cười nói tiếp :
- Chả lẽ tướng công lại không muốn đến nhà thiếp để chuyện trò hay sao?
Độc Cô Ngọc kêu ồ một tiếng, vội hỏi lại :
- Chả lẽ Cầm tỷ ở ngay gần nơi đây và từ trước tới nay không hề rời khỏi Nhạc Dương hay sao?
Diệm Cầm mỉm cười gật đầu. Độc Cô Ngọc có vẻ ngạc nhiên hỏi tiếp :
- Tôi lại cứ tưởng Cầm tỷ đã đi xa rồi. Thế ra Cầm tỷ vẫn ở đất Nhạc Dương này, không đi đâu hết nên tôi đã đi khắp mọi nơi tìm kiếm mà cũng không thấy tung tích của Cầm tỷ ở đâu cả. Vậy nhà của Cầm tỷ ở đâu thế?
Diệm Cầm tủm tỉm cười đáp :
- Ở dưới chân một ngọn núi cách đây chừng nửa dặm.
Độc Cô Ngọc cau mày lại tỏ vẻ thương tiếc và hỏi tiếp :
- Đường xá xa xôi, và đêm khuya như thế này chả lẽ Cầm tỷ vẫn thường một mình đi vào trong thành hay sao?
Chàng vừa hỏi vừa nắm chặt lấy tay nàng, tỏ vẻ rất quan tâm nên Diệm Cầm tươi cười đáp :
- Quen đi rồi thì không sao, vả lại từ giờ trở đi, thiếp không phải cô đơn một mình nữa.
Độc Cô Ngọc cảm thấy đôi mắt của mình đã ướt đẫm. Sao tối hôm nay ta lại tỏ ra quá yếu ớt như thế này? Thế rồi hai người vừa dắt tay nhau vừa chuyện trò từ từ tiến thẳng về phía trước. Hai người nói chuyện rất khẽ, không ai hiểu họ nói gì và thỉnh thoảng chỉ nghe một tiếng cười vọng lên thôi. Không bao lâu hai người đã đi tới chân một ngọn núi.
Độc Cô Ngọc ngửng đầu lên nhìn, thấy trên núi cây cối um tùm, tối om như mực, chỗ lưng chừng núi hình như có một hai điểm sáng của ánh đèn trông như hai ngôi sao trên trời lấp lánh và có một hai tiếng chó sũa nữa.