Cờ Rồng Tay Máu

Chương 71: Một chỉ tạo nên vô cùng hận




Lúc ấy mặt trời mới nhô lên ở bên phía Đông, trái đất vẫn chưa sáng tỏ hết nên vạn vật vẫn còn chưa hoàn toàn thức tỉnh, bốn bề vẫn yên lặng như tờ. Đột nhiên có tiếng chuông thanh thót phá tan bầu không khí tịch mịch vọng đi xa mãi mãi chưa dứt.

Tiếng chuông ấy chưa dứt thì tiếp theo đó có luôn hai ba tiếng nữa nổi lên, chỉ trong chốc lát khắp núi Võ Đang đều có tiếng chuông bao trùm.

Trong lúc tiếng chuông thứ nhất từ Thượng Thanh cung của núi Võ Đang vừa nổi lên thì trên con đường đi lên Thượng Thanh cung đang có một văn sĩ trung niên trông rất tao nhã từ từ bước lên.

Văn sĩ trung niên này cao lớn vạm vỡ, mặt rất anh tú, mặt cái áo nho sĩ màu trắng toát, lại thêm bước đi rất nhẹ nhàng như cưỡi gió đi trên con đường nhỏ ấy vậy.

Lúc này người văn sĩ áo trắng đã sắp đi tới chỗ đèo Giải Kiếm thì bỗng trong rừng rậm có tiếng cười và tiếng người vọng ra hỏi :

- Trang chủ làm ơn đi chậm lại một bước.

Văn sĩ áo trắng nghe nói ngạc nhiên ngừng chân lại nhìn về phía rừng ấy thì thấy một thư sinh áo xanh, mặt vàng khè đang khoanh tay về phía sau đứng nhìn mình.

Văn sĩ áo trắng rất ngạc nhiên nhưng chỉ thoáng cái thôi đã hớn hở chạy tới gần đối phương, chắp tay vái chào và nói :

- Tại hạ tưởng là ai, thì ra là thiếu hiệp. Sao thiếu hiệp lại đột nhiên giáng lâm Võ Đang này, chả lẽ...

Thư sinh áo xanh không đợi chờ chàng ta nói dứt, đã gật đầu mỉm cười đỡ lời :

Tại hạ không dám nhận hai chữ thiếu hiệp ấy, xin Trang chủ từ nay trở đi đừng có gọi như vậy nữa. Trang chủ mới thật sự là một kỳ nam tử cái thế, tại hạ đã ngưỡng mộ từ lâu. Khi ở hồ Động Đình được gặp Trang chủ tại hạ rất lấy làm an ủi. Không dám giấu diếm Trang chủ, tại hạ đến đây là muốn được gặp Trang chủ đấy.

Thấy thư sinh áo xanh nói như vậy, văn sĩ áo trắng cau mày và mặt đỏ bừng, gượng cười hỏi :

- Sao vừa gặp thiếu hiệp đã nói bông với tại hạ như vậy? Sự thực đứng trước mặt thiếu hiệp tại hạ cảm thấy như đom đóm trước mặt trăng, tại hạ hổ thẹn vô cùng.

Xưa nay văn sĩ áo trắng ấy là người đầy hào khí nhưng trước mặt thư sinh áo xanh thì chàng như là người mất hết cả phong độ thường ngày và cũng như là vừa trút được gánh nặng vậy, chàng thở nhẹ một tiếng, hai tay xuýt xoa, mặt lộ vẻ không yên và hỏi tiếp :

- Phải cảm phiền đến đại giá như vậy tại hạ rất không yên, không hiểu thiếu hiệp tìm kiếm tại hạ để dạy bảo gì thế?

- Trang chủ cứ khách sáo như vậy khiến tiểu đệ càng không yên thêm.

Thư sinh áo xanh vừa cười vừa nói như thế rồi tiếp :

- Tiểu đệ kiếm Trang chủ không có việc gì hết, chỉ muốn hỏi là Trang chủ định một mình lên núi Võ Đang này làm chi?

Văn sĩ áo trắng rất ngượng nghịu nhưng đã xếch ngược đôi lông mày kiếm lên đáp :

- Thiếu hiệp đã hỏi tới thì tại hạ hãy cảm ơn thiếu hiệp về việc ở Động Đình hồ trước. Còn tại hạ tới đây một mình là muốn kết liễu sự ân oán của mình.

Thư sinh áo xanh kêu ồ một tiếng, gật đầu nói tiếp :

- Ra là thế đấy! Như vậy Trang chủ khỏi cần phải một mình đi xa đến tận Võ Đang này.

- Tại sao?

Văn sĩ áo trắng ngẩn người ra ngạc nhiên hỏi như vậy. Thư sinh áo xanh mỉm cười đáp :

- Khi ở hồ Động Đình, trước mặt thiên hạ quần hào, tiểu đệ đã nhận gánh vác hết câu chuyện ấy rồi, chả lẽ nói ra rồi lại nuốt lời hay sao? Như vậy Trang chủ hà tất còn phải tới đây làm chi nữa?

Văn sĩ áo trắng vừa cười vừa lắc đầu đỡ lời :

- Sao thiếu hiệp lại nói như thế? Người nào làm thì người ấy phải chịu, tại hạ đâu dám phiền đến thiếu hiệp? Và cũng không muốn nhờ tay người khác để kết liễu ân oán của mình.

Thư sinh áo xanh xếch ngược đôi lông mày kiếm lên và hỏi lại :

- Trang chủ muốn làm cho tiểu đệ mang tiếng bất nghĩa phải không?

Văn sĩ nghiêm nét mặt lại đáp :

- Sao thiếu hiệp lại nói như thế? Ân đức sâu rộng của thiếu hiệp không khi nào tại hạ lại dám quên như vậy...

Thư sinh vội cướp lời :

- Trang chủ đã nói như vậy thì xin thứ lỗi tiểu đệ thất lễ, xin mời Trang chủ rời Võ Đang này ngay.

Văn sĩ ngẩn người ra giây lát rồi gượng cười lắc đầu và trả lời rằng :

- Xin thiếu hiệp lượng thứ cho, nếu là việc khác tại hạ xin vâng lời ngay, riêng có việc này thì xin thứ lỗi, tại hạ phải cưỡng lệnh.

Thư sinh áo xanh cau mày lại, vừa cười vừa hỏi tiếp :

- Lý do của Trang chủ đó là vì ân oán của mình nên mới không muốn nhờ tay người khác chớ gì?

- Phải!

- Nếu tiểu đệ cũng có thù với phái Võ Đang thì sao?

- Đó là chuyện khác!

- Dám hỏi Trang chủ, chuyến đi này của Trang chủ có phải nguyên là vì việc môn hạ của phái Võ Đang bị chết mà tới hay là vì việc rắc rối khác?

- Không riêng việc ấy mà còn một việc rắc rối với Võ Đang song thần kiếm ở trên đường đi Võ Di nữa. Việc rắc rối đó là tại hạ đi đường thấy sự bất bình và ra tay giúp một người bạn thân nên mới kết thù oán với Song thần kiếm.

- Như thế đủ thấy Trang chủ là người hiệp nghĩa rồi!

Thư sinh áo xanh gật đầu nói tiếp :

- Nếu vậy việc rắc rối đó không phải là việc ân oán riêng của Trang chủ.

Văn sĩ đã hơi hiểu ý, đưa mắt nhìn thư sinh một cái rồi khẳng khái cười và đỡ lời :

- Tuy không phải là việc riêng của tại hạ, nhưng võ học của người bạn đó rất tầm thường, chỉ đủ phòng thân thôi, như vậy khi nào tại hạ lại chịu để cho người bạn ấy mạo hiểm đứng ra chịu hết trách nhiệm như thế?

Thư sinh áo xanh vừa cười vừa hỏi tiếp :

- Nếu người bạn đó của Trang chủ cũng như Trang chủ không muốn nhờ tay người khác thì sao?

Văn sĩ nghe nói ngẩn người ra rồi cười hỏi lại :

- Sao thiếu hiệp lại biết người bạn ấy cũng như tại hạ vậy?

Thư sinh vừa cười vừa đáp :

- Sao Trang chủ lại biết tính nết của quý bạn không giống Trang chủ?

Văn sĩ không ngờ thư sinh áo xanh không những công lực rất cao siêu mà mồm mép cũng lợi hại nốt nên chàng ta ngẩn người ra giây lát rồi lắc đầu đáp :

- Lời biện bạch của thiếu hiệp rất cao minh, tại hạ xin bái phục!

Thư sinh đỡ lời :

- Trang chủ cứ quá khen, lời nói của tiểu đệ câu nào cũng là sự thực hết.

Văn sĩ lại gượng cười nói tiếp :

- Thiếu hiệp càng...

Đột nhiên chàng ta giật mình đến thót một cái và vội ngắt lời ngay, vì người đứng trước mặt chàng ta không phải là người mặt vàng khè như hồi nãy mà đã biến thành một người rất đẹp trai, anh tuấn, nên chàng ta mới phải ngắt lời như thế.

Thư sinh áo xanh vừa cười vừa hỏi tiếp :

- Bây giờ Trang chủ đã tin những lời nói của tiểu đệ rồi chứ?

Văn sĩ vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, vội tiến lên hai bước, nắm chặt lấy hai tay của thư sinh hớn hở nói :

- Hiền đệ! Thực không ngờ! Chúc mừng hiền đệ, chúc mừng hiền đệ!

Thư sinh thấy thái độ của chàng ta như vậy cũng phải cảm động vô cùng và nghĩ bụng :

“Người này quả thực là một đại trượng phu của trần gian, một kỳ nam tử của võ lâm...”

Hai người hỏi han nhau một hồi, thư sinh bỗng cau mày lại hỏi tiếp :

- Trang chủ, xin thứ lỗi tiểu đệ táo gan hỏi câu này. Chẳng hay mấy người môn hạ của Thiếu Lâm với Võ Đang có phải bị chết dưới chưởng của Trang chủ không?

Văn sĩ hổ thẹn vô cùng đáp :

- Phải, việc đó chính là ngu huynh đã làm!

Tiếp theo đó chàng liền kể lại chuyện người của hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang nhân lúc đêm hôm đến tấn công và đốt cháy sơn trang của mình như thế nào cho thư sinh hay.

Nghe xong thư sinh trầm ngâm giây lát mới nói tiếp :

- Xem như vậy Trang chủ với Thiếu Lâm, Võ Đang đều là người bị người ta ám hại. Việc này lạ lùng lắm, chắc thế nào cũng có người mượn dao giết người, ngấm ngầm giá họa định làm cho Trang chủ hiểu lầm với hai đại phái kia trước rồi đôi bên giết chết nhau.

Văn sĩ im lặng hồi lâu mới gượng cười đỡ lời :

- Tiếc thay ngu huynh u mê, không biết rõ nguyên nhân ấy, lại hành sự một cách rất lỗ mãng. Nhưng bây giờ ván đã đóng thuyền rồi thì biết làm sao được?

Thư sinh nói tiếp :

- Việc đã xảy ra như vậy Trang chủ còn tự oán làm chi...

Nói tới đó, chàng cau mày lại trầm ngâm nói tiếp :

- Xem như vậy Trang chủ càng không nên lên núi Võ Đang nữa.

Văn sĩ vội hỏi :

- Sao hiền đệ lại nói...

Thư sinh đỡ lời :

- Trang chủ thử nghĩ xem, Thiếu Lâm và Võ Đang hai phái bỗng nhiên có mấy người đệ tử bị giết chết như vậy, có khi nào họ lại chịu nghe vài lời của Trang chủ mà...

Văn sĩ xếch ngược đôi lông mày kiếm lên và cũng đỡ lời :

- Nếu không giải quyết xong thì dù sao máu phải nhuộm linh sơn và phải phơi xác ở trên núi Võ Đang này cũng đành chịu.

Thư sinh cau mày lại đáp :

- Đúng thế, với tài ba Trang chủ thì Võ Đang thể nào cũng phải trả một giá rất đắt.

Nhưng nếu Trang chủ mà làm như vậy có khác gì đã bị sa vào cạm bẫy của kẻ gian và trúng phải âm mưu của họ không?

Văn sĩ ngẩn người ra, chẳng nói năng gì, cúi đầu xuống giây lát rồi mới gượng cười đáp :

- Cao kiến của hiền đệ rất hay, nhưng tiếc thay ngu huynh đã trót chui vào tròng rồi, bây giờ chỉ có một cách là lấy cái chết thường mạng, tha hồ để cho người ta chém giết thôi.

Thực không ngờ một người lãnh tụ một phương, tung hoành võ lâm bấy lâu nay, vô ý làm lầm lỡ một việc mà lại phải thốt ra những lời lẽ như thế đủ thấy chàng đau lòng và cảm khái như thế nào. Tuy tâm ý của thư sinh đã sớm quyết định rồi mà thấy thế cũng phải đau lòng thương cảm. Nhưng khi nào chàng chịu để cho một người bạn tốt và anh hùng như thế bị trúng phải gian kế của kẻ âm mưu mà tự dấn thân vào chỗ chết như vậy.

Thư sinh tủm tỉm cười nói tiếp :

- Trang chủ có nhớ những lời lẽ của tiểu đệ vừa nói không? Ở trước mặt quần hào tiểu đệ đã nhận gánh vác hết việc này rồi, huống hồ tiểu đệ lại còn có thù riêng với phái Võ Đang. Chẳng hay Trang chủ có cho phép.

Văn sĩ vội đỡ lời :

- Hiền đệ đừng có tự đặt ra cái tròng khác nữa, hiền đệ đi tôi không lý tới, tôi đi hiền đệ cũng đừng hỏi, người nào làm việc riêng của người ấy!

Thư sinh nghiêm nét mặt lại đáp :

- Sao Trang chủ lại cứ thích làm cái việc khiến người thương mình đau lòng, khiến kẻ thù khoái chí như thế? Chả lẽ Trang chủ không nghĩ đến trăm nghìn người ở trong sơn trang của Trang chủ hay sao?

Văn sĩ nghe nói giật mình đến thót một cái, vẻ mặt lại rầu rĩ nhưng chỉ thoáng cái thôi, chàng lại cười ha hả và đáp :

- Hiền đệ khỏi cần phải nói nhiều, ngu huynh đã trót lầm làm việc ấy rồi, nhưng tâm ý đã quyết, dù bây giờ có Nữ Oa sống lại cũng không thể nào cứu vãn được!

Ngu huynh đã không tiếc tấm thân của mình thì còn tiếc gì một cái sơn trang nho nhỏ ấy. Trăm ngàn người ở trong sơn trang đã có người khác nuôi dưỡng, ngu huynh sống làm kỳ nam tử thì chết cũng phải làm con ma hùng, chứ không khi nào để cho người trong võ lâm khinh rẻ như thế.

Lời nói của chàng thực là hào khí can vân khiến thư sinh phải kính phục, gật đầu khen ngợi thầm, đang định nói tiếp thì văn sĩ lại nghiêm nghị nói luôn :

- Người ta kết giao với nhau quý nhất là hiểu lòng nhau, ngu huynh là người kỳ nam tử, đầu đội trời, chân đạp đất, đành chết chứ không bao giờ cho tiếng tăm bị hủy. Chả lẽ hiền đệ muốn làm cho ngu huynh phải mang tiếng bất nghĩa hay sao?

Thư sinh bỗng cười ha hả và đỡ lời :

- Xin Trang chủ nguội cơn giận, tiểu đệ đâu dám. Thôi vậy, bây giờ chúng ta cùng dắt tay nhau đi lên núi Võ Đang nhé?

Nói xong, chàng đột nhiên giơ tay lên điểm một cái. Văn sĩ không ngờ chàng ta lại ra tay điểm huyệt mình nên liền bị té ngã ngay.

Thư sinh không để cho người chàng té lăn ra đất đã vội giơ tay ra ôm lấy người chàng và chạy thẳng vào trong rừng rậm ngay. Vòng qua một cái khe núi, thư sinh dọ được một chỗ kín đáo mới khẽ đặt chàng ta xuống.

Thư sinh nhìn chàng ta một hồi, thở dài một tiếng, mồm lẩm bẩm nói :

- Bất đắc dĩ tiểu đệ mới phải sử dụng tới hạ sách này, xin Trang chủ lượng thứ cho, chờ tiểu đệ quay trở lại rồi sẽ thỉnh tội sau!

Nói xong, chàng quay người đi luôn nhanh như điện chớp vậy.

Thư sinh vừa đi khỏi thì dưới núi Võ Đang cũng có một bóng người phi lên. Bóng người này trông mảnh khảnh và xinh đẹp, bước đi nhẹ nhàng như một vị tiên nữ vậy.

Thì ra đó chính là Tư Đồ Sương đã đi cả ngày lẫn đêm để mong tới cho kịp. Nàng nóng lòng như thiêu cho tới khi đến được chân núi Võ Đang thì nàng mới hơi yên tâm và thở nhẹ một tiếng. Vì nàng đưa mắt nhìn thấy trên núi không có động tĩnh gì hết, bốn bề đều im lặng như tờ nên nàng mới đoán chắc chưa có chuyện gì xảy ra.

Nàng liền nghĩ bụng :

“Có lẽ Độc Cô Ngọc với Vi Hiểu Lam chưa tới nơi, họ đến chậm một bước càng hay.”

Vì nàng biết với công lực của hai người nếu đã tới sớm trước hơn mình thì thể nào người của phái Võ Đang cũng đã bị giết chóc rất nhiều, xác bị chất thành đống, máu chảy thành sông chứ không sai.

Nàng nghĩ như vậy nên cảm thấy mình tới sớm một bước, rất may mắn và có thể cứu vãn được tai kiếp cho Võ Đang.

Nàng định đưa thiếp xin vào yết kiến người Chưởng môn nhưng nhận thấy xin vào yết kiến như thế rất đường đột, vì vậy nàng chỉ quyết định lên chỗ gần Thượng Thanh cung ẩn nấp trong bóng tối để tùy cơ hành sự thôi.

Nàng tự tin chỉ cần cẩn thận một chút thì đệ tử của Võ Đang, thậm chí các tay cao thủ khác cũng chưa chắc đã phát giác được nàng, vì thế nàng vội giở khinh công ra phi thân lên trên đỉnh núi luôn.

Chỉ trong nháy mắt, Tư Đồ Sương đã lên tới lưng núi thì bỗng thấy phía trước có một vách núi thẳng tuột ngăn cản lối đi, trên vách mọc đầy rêu trơn tuột đến khỉ vượn cũng khó mà leo lên được.

Nàng đang suy nghĩ vì nơi đó ở ngay đối diện đèo Giải Kiếm mà còn cách hơn trăm trượng mới lên tới được Thượng Thanh cung thì lúc ấy nàng bỗng nghe thấy có tiếng gió động tà áo tung rất khẽ, nhưng với đôi tai của nàng vẫn có thể nghe thấy rõ.

Nàng vội quay người lại tìm kiếm, thấy sau tảng đá ở chỗ cao hơn trượng có một góc áo trắng lòi ra và đang bay phất phới trước gió.

Thoạt tiên nàng tưởng là đệ tử của phái Võ Đang phát giác mình nên xếch ngược đôi lông mày liễu lên, đang định lên tiếng hỏi, nhưng nàng sực nghĩ lại người của phái Võ Đang có bao giờ mặc quần áo trắng đâu, nàng liền cười khì và nghĩ bụng :

“Không biết tên giặc nào ngu xuẩn đến như thế, giấu đầu lại hở đuôi như vậy!”

Nghĩ đoạn nàng cười khì một tiếng và hỏi :

- Vị cao nhân nào ở sau tảng đá đó thế, có thể ra đây tiếp chuyện được không?

Tà áo vẫn bay phất phới như thường mà không thấy động tĩnh gì và cũng không nghe thấy trả lời.

Tư Đồ Sương cười khẩy một tiếng, xếch ngược đôi lông mày liễu lên nói tiếp :

- Có lẽ các hạ tưởng ẩn núp như thế là cao minh lắm nhưng có biết đâu lại giấu đầu hở đuôi như vậy, nếu biết điều thì các hạ cứ tự tiện ra đi, đừng để cho tôi phải mời ra nữa.

Người núp ở sau tảng đá vẫn không chịu ra. Tư Đồ Sương không sao nhịn được nữa, cười khẩy một tiếng, ngấm ngầm vận tám thành chân lực vào cánh tay, nhảy xổ tới, nhanh như điện chớp nhằm người nọ định đánh xuống. Nhưng khi nàng trông thấy rõ mặt người đó thì không khác gì sét đánh ngang tai, thất thanh kêu la một tiếng, vội thâu chưởng lại đứng ngẩn người ra.

Thì ra sau tảng đá đó đang có một người áo trắng nằm sóng soài, hai mắt nhắm nghiền, hình như người ngủ say chưa tỉnh. Chàng chính là Vi Hiểu Lam mà nàng vẫn tưởng chưa tới.

Chỉ thoáng trông Tư Đồ Sương cũng biết Vi Hiểu Lam đã bị người ta điểm huyệt chứ không phải là chàng đang ngủ. Nhưng người tuyệt thế cao thủ như Vi Hiểu Lam có phải là người nào cũng dễ điểm huyệt được chàng ta đâu? Nàng liền nghĩ bụng :

“Hay là chàng đã bị mấy lão đạo sĩ già nữa nhất của phái Võ Đang kìm chế? Nhưng dù họ có điểm huyệt chàng đi chăng nữa cũng không khi nào lại vứt chàng ở nơi đây? Xem như vậy, chắc chàng thể nào cũng bị người khác kìm chế? Nhưng trong vũ nội này, người mà có thể điểm huyệt được Hiểu Lam rất hiếm”.

Nàng nghĩ mãi cũng có nghĩ ra được có hai người: một là Độc Cô Ngọc hóa danh Phạm Tĩnh Nhân và người thứ hai là Đổng Phi Quỳnh, mà mình đã chứng thực chính là Long Phan lệnh chủ. Vì ngoài hai người ấy ra, quả thật nàng không nghĩ ra được người thứ ba nào có thể kìm chế được Vi Hiểu Lam một cách dễ dàng như thế.

Dù nàng đã chứng minh được người điểm huyệt đó là Độc Cô Ngọc hay Đổng Phi Quỳnh và đã tới Võ Đang trước mình, nhưng bây giờ Độc Cô Ngọc hoặc Đổng Phi Quỳnh ấy đã đi đâu và điểm huyệt Hiểu Lam như vậy có dụng ý gì?

Hai nghi vấn ấy làm cho Tư Đồ Sương rất mệt óc, sau nàng nghĩ nếu muốn biết rõ thì chỉ có việc cứu tỉnh Vi Hiểu Lam là sẽ hiểu rõ ngay, nhưng có việc khác khiến nàng phải do dự, không ra tay giải quyết cho chàng ta ngay.

Đó là nàng không hiểu dụng ý của người điểm huyệt Vi Hiểu Lam, kìm chế chàng như thế để làm chi, nên nàng mới không dám đường đột giải huyệt cho chàng ta.

Trên núi Võ Đang vẫn yên tĩnh như thường, cả những tiếng chuông vừa rồi cũng im nốt.

Lúc ấy Tư Đồ Sương đang cau mày suy nghĩ, thì bỗng có mùi thơm thoang thoảng, theo gió đưa tới. Thì ra chỗ phía sau Tư Đồ Sương, cách xa chừng hơn mười trượng, ở trên đầu gió, trong bụi cỏ có những làn khói màu phấn hồng đang theo gió bay tới.

Làn khói ấy rất mỏng và rất nhạt, nếu không để ý nhìn kỹ thì không sao trông thấy rõ.

Tư Đồ Sương đang mãi nghĩ ngợi nên cứ tưởng mùi thơm đó là mùi hoa đưa tới nên cũng không để ý tới. Một lát sau, nàng không những không nghĩ ngợi ra được nguyên nhân kia mà thấy trong lòng có vẻ khó chịu không yên.

Lúc ấy đang là mùa Thu mà nàng cảm thấy trong người nóng ran, từ từ đưa tay lên rờ má, thấy má nóng như lửa. Nàng đang ngẩn người ra thì bỗng giật mình đến thót một cái, trong lòng cả kinh và thấy mặt nàng nóng hổi thêm. Từ nhỏ đến giờ, nàng chưa hề có hiện tượng như thế bao giờ, sao bây giờ lại bỗng dưng có hiện tượng kỳ lạ xuất hiện như vậy? Nàng vội hít một hơi không khí thật dài và cố định thần, nhờ vậy mới thấy người nhẹ nhõm, hơi nóng cũng giảm bớt.

Tư Đồ Sương thấy trong người bớt khó chịu, vội đưa mắt nhìn Hiểu Lam, liền giật mình đến thót một cái, kinh ngạc khôn tả.

Thì ra Hiểu Lam đang ngủ ngon lành, lúc này mặt cũng đỏ như lửa, thở hổn ha hổn hển, thân hình run lẩy bẩy.

Dù Tư Đồ Sương là người rộng kiến thức cũng không hiểu tại sao hết?

Nàng không dám trì hoãn nữa, vội vận chân lực vào bàn tay, vỗ vào yếu huyệt của Hiểu Lam để giải huyệt cho chàng ta. Nàng không vận chân lực còn không sao, vừa vận chân lực lên thì hơi nóng ở trong người bỗng bốc lên, nhiệt độ cao gấp trước mấy bội, đầu óc cũng thấy hơi mê man, tiếp theo đó, ý tà niệm cũng bốc lên, không sai kìm chế nổi.

Nàng vừa kinh hãi thì Hiểu Lam được nàng giải huyệt cho đã cử động, rồi nhảy phắt lên, giơ tay ôm chặt lấy nàng như điên khùng.

Tư Đồ Sương vừa đứng cách chàng rất gần, và trong lòng đang hoảng, thần trí lại hầu như mê man, như vậy còn tránh né làm sao được?

Thế là nàng bị Hiểu Lam ôm chặt, cả hai cùng ngã lăn ra đất, lộn một vòng, vừa vướng phải tảng đá, nên không sao lăn đi được nữa.

Lúc ấy trong bụi cây, chỗ đống cỏ có khói hồng bốc lên bỗng có tiếng cười rất đắc chí vọng ra. Một cái bóng xám thấp thoáng một cái đã mất dạng ngay.