Qua ngày hôm sau, dùng cơn xong là Tâm Đăng tức tốc rời khỏi Nhất Tâm lâu, chàng đi nhanh như giông như gió trên con đường cũ.
Vì có bài học thấm thía ngày hôm qua nên đi đến khúc quanh Tâm Đăng liền dừng chân lại, đảo mắt nhìn quanh địa thế, thấy chỗ chàng rơi xuống hôm qua là một cái khe chiều ngang chỉ ba bốn trượng.
Tâm Đăng vội vàng trổ thuật khinh công Thanh Vân Tam Hiện để vượt sang con khe đó.
Qua đến bên kia, địa thế càng thêm hiểm trở, móc chiếc thẻ bằng gỗ ra, Tâm Đăng thấy có một mũi tên chỉ sang cánh tả.
Theo con đường ấy, Tâm Đăng đi lần về phía trước, đi được chừng hơn hai trăm trượng thì phía trước mặt chàng hiện ra một vùng bao la bát ngát, sóng gợn lăn tăn.
Đó là một cái hồ to rộng, chính giữa hồ nổi bật lên một tòa nhà bằng gỗ.
Bên cạnh hồ có một cây cổ thụ đã chết khô, gần đó trong vòng mười trượng, cây cỏ thảy đều khô héo.
Tâm Đăng nhìn thoáng qua cũng biết chỗ này ắt có chứa nhiều chất độc, chàng nghĩ rằng mọi điều bí ẩn chắc nằm trong ngôi nhà giữa hồ kia.
Quan sát địa thế, Tâm Đăng quyết định sẽ trèo lên cây cổ thụ rồi nhảy sang nóc nhà để xem xét động tĩnh.
Ý đã định Tâm Đăng vội vàng sử một thế Diệp Dực Song Khai thân hình của chàng như một con bướm khổng lồ bay bổng lên hơn mười trượng và đáp nhẹ lên cành cây khô héo kia.
Chừng ấy, Tâm Đăng quan sát kỹ, thì ra trên khắp thân cây có chi chít lỗ hổng, dường như do một thứ côn trùng nào gặm nhấm.
Trong lòng lấy làm lạ, liếc nhìn sang bên kia, thấy ngôi nhà nọ nổi lều bều trên mặt nước, chàng nghĩ thầm :
- Không biết nơi đó là phúc hay là họa, dầu sao cũng phải vào đó xem cho biết.
Nghĩ đoạn chàng lại nhún mình bay sang mái nhà, mũi giày của Tâm Đăng vừa chạm vào mái ngói, chợt nghe tiếng ùn ùn nổi dậy, không biết bao nhiêu là chấm đen bay túa ra trước mặt chàng.
Thì ra đó là một loài côn trùng không biết bao nhiêu nghìn con, bay túa ra bao vây Tâm Đăng như một màng lưới khổng lồ.
Tâm Đăng trong lòng cả sợ nhún mình bay vọt trở về, nhưng bầy côn trùng đuổi theo ráo riết, Tâm Đăng phải vung hai ống tay áo của mình tạo thành một luồng sức mạnh đẩy bạt những con côn trùng ấy ra ngoài.
Nhưng chạy được một đoạn, Tâm Đăng lấy làm lạ vì bầy côn trùng ấy không đuổi theo nữa mà chỉ bay vần vũ trong vòng mười trượng vuông mà thôi.
Tâm Đăng dừng chân suy nghĩ không biết vì duyên cớ gì.
Lần này Tâm Đăng nhìn kỹ địa thế thấy trong vòng mười trượng cây cỏ thảy đều bị loại côn trùng này gặm nhấm.
Ngoài phạm vi đó, cây cỏ thảy đều xinh tươi, trong trí chàng nảy ra một ý hay là ngoài phạm vi này có điều chi khác lạ.
Xem xét tỉ mỉ, quả thật chàng phát giác chung quanh đó có một loài thảo mộc hình dáng dị thường, trên cành sinh ra nhiều trái cây màu sắc rực rỡ.
Trong dạ nghi ngờ, Tâm Đăng hái vài thứ trái, chợt bắt gặp một mùi thơm tho kỳ dị bay ra.
Mùi thơm này vô tình át mất đi mùi hôi tanh của loài côn trùng vừa phát ra ban nãy, Tâm Đăng nghĩ hay đây là một vật tương khắc với loài côn trùng này.
Chàng liều lĩnh bóp nát một quả ra rồi ném vào bầy côn trùng, kết quả thật ngoài tưởng tượng, bầy côn trùng bị quả cây của Tâm Đăng ném phải, bay lên tán loạn có vẻ sợ sệt lắm.
Có vài con không tránh kịp, dính nhằm chất nước do trái cây bắn ra, làm cho rơi là là trên mặt đất, giẫy lên rồi chết.
Tâm Đăng cười khà nghĩ thầm :
- Thật là lạ đời, thằng Trác Đặc Ba đã nuôi loài ong độc này để giữ lệnh phù lại còn trồng thuốc giải làm chi.
Tâm Đăng có biết đâu đó là một loài ong thật độc, Trác Đặc Ba phải đi đến tận vùng Tân Cương mang giống về, nếu không trồng một loại thuốc giải độc chung quanh thì đàn ong sẽ bay tán loạn, gây hại không ít cho Tây Tạng đệ nhất gia.
Vì loại ong này có một chất mật thật độc, nếu để cho đốt phải một mũi, tức khắc phải vong mạng.
Tâm Đăng vô tình khám phá ra thuốc giải, chàng lập tức hái bảy tám quả bóp nát ra bôi khắp mình mẩy tay chân, rồi hái thêm mười mấy quả nữa bỏ vào túi của mình.
Chuẩn bị xong đâu đấy, Tâm Đăng lập tức tuốt trường kiếm cầm sẵn trong tay rồi dùng một thế Xảo Yến Đầu Lâm bay vù lên cây cổ thụ.
Chưa kịp đứng vững thì bầy ong đã ùn ùn bay tới, Tâm Đăng loang thành gươm để tạo thành một màn kiếm bảo vệ khắp châu thân.
Nào ngờ lần này, bầy ong chỉ bay tới cách Tâm Đăng chừng một trượng thì dừng lại, chớp cánh mà không dám bay tới nữa.
Tâm Đăng biết loại trái cây ban nãy đã sinh hiệu lực và nhờ mùi thơm tho bay ra, Tâm Đăng cảm thấy dễ chịu hơn ban nãy.
Cả mừng chàng vội nhảy xuống mái nhà một lần nữa, bầy ong thấy vậy cấp tốc đuổi theo.
Tâm Đăng dùng mũi gươm trên tay mình chọc thủng một lỗ trên mái nhà, thì ra mái nhà đó làm bằng gỗ, mảnh vụn rơi vào bên trong vang lên một tiếng “bõm”...
Thì ra trong nhà không có nền chỉ toàn là nước. Tâm Đăng còn đang bàng hoàng không biết đầu đuôi ất giáp ra sao, bỗng nghe trên bờ có một tiếng hú vang lừng trỗi dậy...
Tiếng hú đó vừa cất lên thì bầy ong đồng thanh kêu lên những tiếng lạ lùng, rồi do những kẽ hở mà bay vù vào trong nhà.
Tâm Đăng đương lấy làm lạ thì bầy ong đã bay trở ra, lần này bọn chúng hè nhau đỡ một chiếc hộp nho nhỏ, Tâm Đăng giật mình đánh thót biết rằng trong chiếc hộp đó ắt chứa đựng lệnh phù của Vạn Giao.
Bầy ong hiệp sức đỡ chiếc hộp đó đảo qua đảo lại giữa từng không, làm cho Tâm Đăng sốt ruột tự nói với mình :
- Bọn chúng không đến, ta lại không thể chắp cánh bay lên, làm sao có thể lấy được lệnh phù, thật là một điều nan giải.
Còn đương bần thần bỗng bên tai chàng gió dậy vèo vèo, quay đầu nhìn lại thấy mười miếng gỗ do một người khuất mặt trên bờ hồ ném xuống.
Còn đang kinh dị thì một tiếng hú lại cất lên, dường như đó là hiệu lệnh riêng đối với bầy ong kia vậy.
Tiếng hú vừa dứt thì bầy ong đang đỡ chiếc hộp kia bỗng sà xuống, đặt chiếc hộp vào một ghềnh đá nhô lên giữa hồ.
Và mười miếng gỗ kia bây giờ đã xếp thành hàng chữ nhất dẫn từ ngôi nhà đến nơi đặt chiếc hộp.
Tâm Đăng chưa kịp nghĩ ra đầu đuôi thì từ trên bờ hồ bỗng có tiếng của Trác Đặc Ba vang lên :
- Ta khen cho mi đó, lệnh phù của lão Vạn ta để trên ghềnh đá, nếu mi có bản lĩnh cao cường thì hãy đi trên mấy tấm gỗ kia đến đó mà lấy.
Tâm Đăng nói chỏ lên bờ hồ :
- Lão thí chủ sắp xếp thật là chu đáo, nhưng xin tiền bối hãy đuổi bầy ong đi vì tôi mặc dầu đã hoàn tục nhưng chẳng chịu sát sinh.
Trác Đặc Ba trả lời bằng một chuỗi cười rang rảng :
- Mi thật là từ bi... nhưng chính ta muốn dùng nó để thử võ công của mi.
Tâm Đăng thấy Trác Đặc Ba nằn nằn quyết một muốn dùng độc kế để hại mình, chàng định dùng hết sức bình sinh ngõ hầu cho tên này một đòn dằn mặt.
Tâm Đăng nghĩ đoạn, vội dùng một thế Bằng Hành Vạn Lý, thân hình như một con chim bằng bay vù ra giữa hồ, nhẹ nhàng đáp mình trên một miếng gỗ.
Vào lúc thân hình của chàng vừa đáp xuống thì từ phía sau có tiếng gió nổi lên vun vút, biết có kẻ đánh lén, Tâm Đăng tung ngược ra phía sau một đòn Thôi Thạch Nhập Sơn...
Nào ngờ, sau lưng chàng không có một sức kháng cự, người phát chưởng đó không nhằm vào Tâm Đăng mà lại chiếu thẳng vào điểm tựa dưới chân chàng là miếng gỗ...
Một tiếng đụng chạm rợn người vang lên, bọt bay trắng xóa, mùi hôi hám xông lên nồng nặc, miếng gỗ nát ra từng mảnh vụn, thân hình của Tâm Đăng lập tức chìm lỉm xuống, nước trong hồ bắn tới đâu thì rát bỏng tới đó, làm cho Tâm Đăng hết sức kinh mang.
Trong chớp mắt nước đã ngập lên tới gối, vì có từng học qua môn Thủy công nên giờ đây Tâm Đăng mang ra ứng dụng, chàng đạp mạnh bàn chân tả vào bàn chân hữu để cho thân hình trồi ngược trở lên.
Giữa lúc ấy, chàng nghe tiếng Trác Đặc Ba cười ha hả :
- Thủy công hay lắm... Ha ha...
Tâm Đăng bất chấp tiếng cười mai mỉa, chàng lại sử một thế Diệp Dực Song Khai để bay vù sang miếng gỗ thứ nhì.
Khi thân hình của Tâm Đăng vừa rơi xuống thì lại nghe Trác Đặc Ba nói :
- Hay lắm! Đỡ thêm một đòn nữa.
Tâm Đăng biết rằng Trác Đặc Ba lại tung ra độc thủ, quả thật bên tai chàng lại nổi lên một luồng chưởng phong mãnh liệt, nước dưới hồ lại bắn lên tung tóe.
Không dám do dự, Tâm Đăng dùng một thế Cổn Vân Tú Thiên để xê dịch thân hình sang chỗ khác, lần này chàng dùng phép khinh công của Thiết Điệp là Lộ Chu Tịnh Ti, làm cho nhẹ nhàng như bấc để bay sang mảnh gỗ thứ ba.
Đã qua hai bài học chua cay, lần này Tâm Đăng có ý tránh trước, mũi giày vừa tiếp xúc mặt gỗ là Tâm Đăng nhảy vọt lên xê dịch thân hình sang một vị trí khác.
Đứng trên bờ hồ, Trác Đặc Ba nổi lên một tràng pháo tay ròn rã khen rằng :
- Mi quả thật là một bậc kỳ tài có thể tránh thoát được lão phu ba chưởng, ta lấy làm khâm phục, thôi mi hãy đến đó mà lấy lệnh phù.
Trác Đặc Ba dứt lời liền lui vào trong một rặng cây mất dạng.
Tâm Đăng không biết Trác Đặc Ba đã thật tình lui đi hay chưa nhưng chàng cứ dấn bước trên những mảnh gỗ trôi nổi lều lều trên mặt nước tiến về phía trước.
Đến nơi, thấy bầy ong kia vẫn bay chung quanh bảo vệ, có lẽ vì thấy Tâm Đăng liều lĩnh quá nên bọn chúng bay vù vù dường như để thị oai, và cũng có lẽ vì thấy tình hình khẩn cấp quá, bọn chúng bất chấp những chất thuốc giải trên mình của Tâm Đăng, mà cứ bay sấn tới.
Tâm Đăng thoáng thấy bọn chúng xáp tới gần vội vàng vung thanh trường kiếm bảo vệ thật là kín đáo, hàng trăm con ong bị chém nhằm rơi lả tả trên mặt nước, nhưng càng bị thương chừng nào, bọn chúng càng xông tới ồ ạt chừng ấy.
Tâm Đăng thấy vậy vội vàng sử dụng đường gươm Lạc Hồn kiếm của Cô Trúc ra, đường gươm này thật là kín đáo và trầm hùng, làm cho bầy ong độc không thể nào lọt vào được.
Dường như bọn chúng bị chết chừng nào thì cáu tiết thêm chừng ấy, cứ ùn ùn xông vào tấn công không ngớt.
Tâm Đăng hồn vía lên mây vì một tay bận cầm gươm, một tay cầm chiếc hộp, chàng muốn thò tay móc những trái cây trong túi ra nhưng không thể làm được.
Tâm Đăng biết tình trạng này không thể kéo dài, sau khi đã cầm chiếc hộp qua tay chàng nghĩ ra một cách, vội vàng đặt nó lên trên đầu của mình, một mặt loang thanh gươm ra một cách thần tốc, đoạn dùng một tay còn lại thò vào trong túi của mình móc những trái cây giải độc kia ra.
Bằng một cử động nhanh nhẹn, Tâm Đăng bóp nát những quả đó, bôi nhanh lên thanh gươm của mình còn lại bao nhiêu chàng lần lượt ném vào giữa khoảng không.
Một mùi hương thoang thoảng bay ra làm cho bầy ong độc ngửi phải tức khắc nới lỏng vòng vây, vài ba con trúng phải thuốc giải rũ cánh mà rơi xuống.
Thừa dịp đó, vội vàng sử một thế Thanh Thiền Truy Phong, bắn lùi thân hình của mình bằng một tốc độ vô cùng nhanh nhẹn, chàng trở lại ngôi nhà ban nãy.
Nhưng bầy ong độc kia vẫn bám theo như đỉa đói.
Thừa lúc này nhảy lên mái nhà, Tâm Đăng mừng rỡ, vội vàng phi thân trở về cành cây cổ thụ và chạy như bay vào rặng cây xanh um trước mặt...
Dãy cây đó chính là một loại thảo mộc đại kỵ với bầy ong độc này, vì vậy mà bọn chúng chẳng dám đuổi theo.
Chạy một mạch hơn năm mươi trượng, Tâm Đăng nghe thấy sau lưng mình không còn tiếng ong đuổi theo nữa, mới dừng chân lại mà nghỉ mệt.
Chừng đó Tâm Đăng mới kịp quan sát kỹ chung quanh toàn là những loại hoa quả đã giúp cho chàng thoát nạn ban nãy.
Chàng hái luôn mười mấy quả bỏ vào túi nghĩ thầm :
- Ta mang những quả này về hỏi sư phụ xem nguồn gốc ở nơi đâu.
Sau khi đã phục hồi sinh lực, Tâm Đăng ôm chiếc hộp đựng lệnh phù của Vạn Giao mà lần bước trở về.
Lúc bấy giờ bóng chiều đã ngả về tây, chàng vừa đi vừa suy nghĩ :
- Vạn Giao lấy được lệnh phù của mình yên lành trở về chắc vui mừng lắm.
Đang cơn đắc ý bỗng nghe dường như đằng xa có tiếng một người thiếu nữ rên rỉ.
Tâm Đăng giật mình nghĩ :
- Trời ơi.. ai đây? Vân Cô? Trì Phật Anh? Hay là Mặc Lâm Na?
Thế rồi chàng tức tốc thay đổi hướng đi trèo lên tận đỉnh một ngọn đồi mà nhìn quanh quất.
Bất ngờ đập vào mắt chàng là khung cảnh mà chàng vướng phải chất độc khi trước, căn phòng này chứa lệnh phù của Lư Ẩu.
Tâm Đăng giật mình suy nghĩ :
- Trong căn phòng này có chứa lệnh phù của Lư Ẩu vậy thì người rên rỉ kia không ai khác ngoài Trì Phật Anh.
Chàng không dám nghĩ thêm nữa, như một vệt khói mờ, chàng chạy bay về phía trước, càng tới gần càng nghe rõ tiếng rên rỉ đó chính là của Trì Phật Anh.
Tâm Đăng vội vàng xé một vạt áo, buộc chiếc hộp ngang qua lưng mình rồi sử một thế Mộc Phong Vịnh Tuyết để bay vù lên mái nhà.
Cũng như lần trước... khi Tâm Đăng vừa đặt chân lên mái thì có tiếng rầm rầm vang động nổi lên và chàng rơi xuống...
Chỉ có điều là lần này lỗ hổng bên trên không tức khắc khép kín như lần trước.
Giữa phòng những quân cờ nằm ngổn ngang trên mặt đất còn tiếng rên rỉ của Trì Phật Anh thì trong tường phát ra.
Tâm Đăng sờ soạng tìm được một khe hỏng nhòm vào những chấm đen nằm rải rác trên tường.
Chàng bàng hoàng suy nghĩ :
- Cứ theo kinh nghiệm lần trước thì trong này có hơi độc, ta biết làm thế nào để sang bên kia mà không trúng độc?
Giây lâu chàng nảy ra một ý nghĩ :
- Ban nãy, nhờ những chất nước trong trái cây kia, ta thoát được độc, sao bây giờ không thử lại một lần nữa?
Nghĩ đoạn, Tâm Đăng lấy hết những trái cây kia ra, bóp nát rồi bôi vào mình, bôi xong chàng nhặt một quân cờ lên, nhắm vào vị trí hôm trước mà ném thêm một lần nữa.
Sau khi quân cờ chạm vào chấm đen ở trên tường, nhiều tiếng động sè sè vang lên và trên tường lại để lộ ra một lỗ hổng y hệt như chuyến trước.
Tâm Đăng không do dự nữa, chàng nhún mình nhảy vào bên trong hơi mờ bay mù mịt, Tâm Đăng ngửi nhằm hơi thuốc độc lập tức ngây ngất tâm thần.
Chàng vội thò tay vào túi móc viên thuốc bỏ vào miệng mình đoạn cố định tĩnh tâm thần nhìn quanh quất.
Tức khắc chàng phát giác Trì Phật Anh đang nằm sóng soài trên mặt đất, dải lụa đen trên mặt nàng đã rơi đi đâu không biết.
Tâm Đăng bước vội tới gọi to :
- Phật Anh, hãy theo tôi ra khỏi chỗ này.
Nhưng Trì Phật Anh cứ rên rỉ luôn mồm, trả lời run rẩy :
- Mi hãy lui ra đừng lo đến ta nữa...
Nhưng Tâm Đăng đã cúi xuống điểm nhanh vào huyệt ngủ của nàng, rồi bế xốc Phật Anh vào lòng.
Nhác trông thấy bàn tay của Phật Anh đang cầm chặt một vật sáng ngời, đó là Lục Cốt Châm của Lư Ẩu vậy.
Nhanh như chớp, Tâm Đăng nhảy trở ra ngoài và lỗ hổng trên trần nhà bấy giờ vẫn chưa khép lại, Tâm Đăng mừng rỡ dò theo đó mà mang Trì Phật Anh ra khỏi ngôi nhà bí mật.
Bên ngoài lúc bấy giờ mưa đang bay lấm tấm và thân hình của Trì Phật Anh đã không còn cựa quậy, nhiệt độ cũng lần lần giảm xuống.
Tâm Đăng đặt nàng dựa ngửa vào một gốc cây, đến giờ phút này Tâm Đăng mới kịp nhìn thấy gương mặt sắc sảo của nàng, nàng có một sống mũi dọc dừa cao và đẹp, cặp mắt mơ màng khép lại, thảy đều tượng trưng cho một vẻ đẹp phi thường.
Chỉ có trên chân mày của nàng điểm một nốt ruồi đen nhánh, trên đó có một chòm lông màu trắng, trông thật là dễ sợ.
Tâm Đăng thở dài thầm nghĩ :
- Tạo hóa thật là trớ trêu, trên gương mặt một người đẹp thế này lại có một vết tích đáng ghê như thế.
Tâm Đăng gỡ lấy món lệnh phù của Lư Ẩu, nhét vào ống tay áo của Phật Anh rồi bế bổng nàng lên...
Chợt chàng nghe thấy mình mắt hoa đầu váng, tứ chi rũ liệt, thì ra chàng đã trúng độc rất nặng.
Lúc bấy giờ trời đã tối hẳn, từng cơn mưa dội xuống làm cho Tâm Đăng nổi lên một cơn sốt rét khó chịu dị thường. Tâm Đăng thấy mưa càng lúc càng to vội vận chuyển hết nội lực của mình ra đàn áp chất độc, gắng gượng mà lần mò trở về, không bao lâu Tâm Đăng về đến Nhất Tâm lâu, vừa lọt qua khỏi cửa chàng bắt gặp Cô Trúc, Vạn Giao, Lư Ẩu và Khắc Bố đang đứng chuyện trò.
Mọi người thấy Tâm Đăng bế Trì Phật Anh lôi thôi lốc thốc bước vào thảy đều đổ xô tới.
Nhưng Cô Trúc chưa kịp bước tới thì Tâm Đăng đã ngã đánh sầm trên mặt đất, toàn thân rũ liệt, hôn mê bất tỉnh...
Sau khi tận tâm cứu chữa, đến sáng ngày hôm sau thì bệnh tình của Tâm Đăng và Phật Anh mới có mòi thuyên giảm.
Trời sáng hẳn và tinh thần của Tâm Đăng đã tỉnh táo, chàng vừa trỗi dậy uống một chung trà để lấy lại tinh thần, chợt có Trì Phật Anh bước vào để cảm tạ Tâm Đăng.
Sau khi hàn huyên vài câu, Phật Anh bỗng có thái độ giận dỗi :
- Có phải mi đã gỡ vuông lụa trên mặt ta xuống?
Tâm Đăng chắp tay trả lời :
- A di đà Phật!... Khi tôi lọt vào ngôi nhà bí mật thì vải lụa đen trên mặt cô đã rơi xuống tự hồi nào.
Phật Anh lắc đầu trả lời :
- Mi đừng chối, ngoài mi ra chẳng có ai dám gỡ miếng lụa của ta.
Tâm Đăng trong lòng cả giận mà Phật Anh cũng vẫn khư khư giữ ý đó, nàng nói một cách gắt gỏng :
- Ta ngỡ mi là một người thật lòng xuất gia đầu Phật, không ngờ...
Thái độ khăng khăng của Phật Anh càng làm cho Tâm Đăng nổi nóng, bỗng thình lình Phật Anh vén mạnh vải lụa trên mặt mình, khóc mà bảo :
- Mi muốn xem, ta cho mi xem cho hả.
Tâm Đăng thật không ngờ Phật Anh lại có thái độ lạ lùng như thế, chàng vội xoay lưng bỏ chạy, vừa chạy đến cầu thang vừa lúc Trường Sơn đi xuống.
Hắn ta nắm lấy Tâm Đăng nhưng Tâm Đăng nghe thấy trong lòng mình ghê sợ nốt ruồi to tướng và kỳ lạ trên mặt của Phật Anh nên vẫy sút cánh tay của Trường Sơn mà đi thẳng ra ngoài. Như một gã điên cuồng, Tâm Đăng đi mải miết trong hoa viên rộng lớn của Nhất Tâm lâu, bỗng thình lình sau lưng chàng có tiếng nói khàn khàn :
- Tiểu hòa thượng, đi đâu đó?
Quay đầu nhìn lại Tâm Đăng thấy đó là lão già râu tóc rối bời mà mình đã gặp trong lòng đất.
Nhưng bây giờ ông ta đã thay một bộ đồ màu đen, râu tóc cũng được chải vén khéo léo, vì vậy mà xem ông ta sắc diện đường hoàng, thật là một người có vẻ hào hoa.
Ông ta đứng trên mặt tuyết, nở một nụ cười tươi, thong thả nói rằng :
- Hôm trước ta hẹn mi ba ngày đến đón ta, cớ sao mi chẳng đến?
Tâm Đăng chắp tay trả lời :
- Vì bận nhiều việc nên không thể y hẹn mà đến, xin thí chủ tha thứ cho.
Bỗng thình lình Lăng Hoài Băng nạt :
- Không cho phép mi gọi ta bằng thí chủ, phải gọi ta bằng thúc thúc.
Tâm Đăng trố mắt lên lấy làm kinh ngạc nhưng Lăng Hoài Băng đột nhiên nước mắt lưng tròng :
- Con phải nghe lời ta.. Chính Dung.
Tâm Đăng lại giật mình kinh ngạc :
- Tại sao ông lại biết tên tục của tôi?
Lăng Hoài Băng ngửa mặt nhìn trời rồi trỏ một phiến đá gần đó bảo rằng :
- Con hãy ngồi xuống đây mà nghe ta kể...
Sau khi hai người ngồi xuống, Lăng Hoài Băng mới bắt đầu cất giọng kể lại quãng đời của mình chung sống với cha mẹ của Tâm Đăng...
Hai tiếng đồng hồ trôi qua, câu chuyện của Lăng Hoài Băng kết thúc và Tâm Đăng khóc lóc nói rằng :
- Thúc thúc ơi... cháu thật là bất hiếu.
Lăng Hoài Băng đỡ Tâm Đăng dậy rồi nói rằng :
- Bây giờ ta ân hận lắm, ta nghĩ rằng buổi ban sơ ta không nên đưa mi vào chùa để chôn vùi tuổi xuân của mi.
Tâm Đăng gạt nước mắt cãi lại :
- Thưa thúc thúc, đời sống trong chùa thật là thanh tịnh, con thích nếp sống đó, khi nào mọi việc xong xuôi con lại trở về sống bên cạnh chân Phật.
Lăng Hoài Băng giật mình nạt :
- Đừng nói nhảm! Khi xưa ta bảo mi ở đó mười lăm năm rồi sẽ lãnh trở về, hiềm vì một nỗi ta bị giam giữ nơi đây, bây giờ đã gặp mi, lẽ nào cho mi trở lại chùa!
Tâm Đăng rơi nước mắt trả lời :
- Nhưng buổi ban sơ, thúc thúc đã đưa tôi vào chùa, ngày nay tôi đã là người nhà Phật, thật không thể nào mãi mãi hoàn tục được.
Lăng Hoài Băng bực tức đứng phắt dậy, gắt gỏng bảo :
- Cha mi chỉ có một mình mi mà mi cứ nằn nằn xuất gia thì dòng họ Tiêu đến đây ắt là tuyệt tộc... Thôi mi hãy lui về, vài hôm nữa sẽ gặp lại.
Tâm Đăng nghe nói, lại thấy Lăng Hoài Băng đang nổi giận không dám chần chờ, vội vàng xá chào lui ra.
Đi chưa được hơn mười trượng chợt nghe có tiếng quát nạt vang lừng, văng vẳng có tiếng từ xa đưa lại :
- Mày muốn chết... thì ta cho chết.
Tâm Đăng nghe giọng nói ồ ề, rõ ràng là giọng của Tiểu Thạch.
Vội vàng noi theo tiếng nói mà đi tới.
Vượt qua hai rặng cây, tước mắt chàng bỗng hiện ra hai người đang đấu quyền với nhau kịch liệt giữa một khoảng đất rộng.
Quả thật người đang chiến đấu đó chính là Ngô Tiểu Thạch, còn đối thủ của chàng là Lộ Kha.
Thế võ thật lạ lùng mà hung mãnh, lại tung ra vào giữa lúc Lộ Kha vì bắt gặp Tâm Đăng mà giật mình, phân tán tâm thần.
Hắn ta cả sợ, vội vàng tuôn ra một thế Đường Lan Cổ Thiền, thân hình của hắn nhanh như điện trượt thẳng ra ngoài vòng chiến.
Tốc độ của hắn tuy nhanh nhưng mà Tiểu Thạch lại nhanh hơn, ngón tay của Tiểu Thạch đã quét nhằm vào bả vai hắn làm cho nổi lên hai đường bầm tím thẫm.
Chính vào lúc ấy Ngô Tiểu Thạch cũng đã phát giác ra Tâm Đăng và hắn tỏ vẻ ngạo nghễ vì vừa thắng được đối thủ một đòn quái dị.
Và Ngô Tiểu Thạch thét to :
- Thằng điên kia, hãy tránh đường cho ta hành sự.
Lộ Kha cười hề hề trả lời rằng :
- Ta không tránh, Mặc Lâm Na bảo ta đến đây... trừ phi nàng bảo ta tránh, ta mới tránh.
Câu nói bằng tiếng Tây Tạng ngô nghê này, Tiểu Thạch nghe không hiểu nhưng Tâm Đăng lại hiểu ý ngầm của câu nói này.
Chàng đang bần thần thì nghe Ngô Tiểu Thạch thét :
- Mi không tránh đường thì chớ trách ta.
Lộ Kha buông ra một chuỗi cười hềnh hệch rồi thình lình lướt tới, năm ngón tay của hắn xỉa ra theo thế Tiếu Thái Tang Ma, chộp một đường vào huyệt Thiên Linh Cái của Ngô Tiểu Thạch.
Ngô Tiểu Thạch tức tốc đưa bàn chân phải sang cánh tả để tránh khỏi hữu chưởng của Lộ Kha, cùng trong một lúc vung hai ngón tay ra đổ dốc một đường Xảo Điểm Thiên Đăng chiếu đúng vào Uyển Mạch của hắn.
Lần xáp chiến này, cả hai người thảy đều dùng hết sức mạnh, đấu chiến tưng bừng như hai con mãnh thú giành mồi.
Trong chớp mắt hai bên đã trao đổi với nhau hơn năm mươi hiệp, Ngô Tiểu Thạch càng đánh chừng nào trong lòng càng thêm nóng nẩy, thình lình hắn thay đổi chưởng pháp, sử dụng đường Phi Điệp Chưởng.
Thiết Điệp năm xưa trôi nổi giang hồ, chỉ nhờ vào đường Phi Điệp Chưởng này mà danh vang thiên hạ, bây giờ Ngô Tiểu Thạch sử dụng một cách cực kỳ linh động làm cho Tâm Đăng đứng bên ngoài càng xem càng lấy làm kinh dị.
Chàng thấy trong vòng chiến, thân hình của Ngô Tiểu Thạch bay qua lượn lại như một cánh bướm khổng lồ chập chờn trong gió lộng, những thế võ kỳ diệu tuôn ra nhanh như chớp.
Tâm Đăng thở dài nói :
- Xem tình thế này thì thằng Lộ Kha chắc thua...
Quả thật, Lộ Kha thình lình gặp phải lối đánh kỳ diệu như thế, trong lòng lấy làm kinh mang, mồ hôi vã ra như tắm.
Còn Ngô Tiểu Thạch thì thái độ ung dung hòa nhã, liên tiếp tung ra nhiều thế võ mềm dịu vô cùng.
Chợt thấy Lộ Kha vừa né được một chưởng của Ngô Tiểu Thạch thì bàn tay hữu của Tiểu Thạch liên tiếp tung ra một đòn Phát Hoa Thái Phấn. Bàn tay của hắn xòe ra vỗ vào vai hữu của đối phương.
Lộ Kha vội vàng tràn mình tránh né, vừa định trả đòn, thì Ngô Tiểu Thạch đã dùng bàn tay tả tung ra một thế Đà Thạch Ấn Hoa đánh thốc vào giữa ngực của Lộ Kha.
Ba thế võ này liên hoàn chặt chẽ lại kỳ lạ vô song, làm cho Lộ Kha kinh tâm táng đởm.
Hắn mượn trớn đi của thế võ cuối cùng của hắn để lướt nhanh về phía trước, tránh thoát được chưởng thứ hai của Ngô Tiểu Thạch rồi đờ người ra đó.
Tâm Đăng đứng bên cạnh thấy Lộ Kha càng ngày tinh thần càng bấn loạn còn những đường võ của Ngô Tiểu Thạch càng lúc càng mãnh liệt phi thường.
Tâm Đăng vừa định mở miệng can ngăn hai người bỗng thấy Ngô Tiểu Thạch thình lình dang hai cánh tay ra tập kích vào hai bên hông của đối thủ, và vô tình để lộ phía trước mặt cho đối thủ tấn công.
Lộ Kha còn đang bấn loạn, thình lình thấy Ngô Tiểu Thạch để lộ ra chỗ hở, bất giác cả mừng, vội vàng rùn mình xuống tấn rồi đánh lòn hai chưởng thần tốc vào dạ dưới của Ngô Tiểu Thạch.
Chính vào lúc đó thì bên tai nghe tiếng của Tâm Đăng :
- Coi chừng... coi chừng... hư chưởng.
Vừa thoáng nghe thì đã trễ, quả nhiên đòn của Ngô Tiểu Thạch là đòn giả, đang đánh tới vù vù bỗng nhiên thân hình của hắn bắn lùi hai thước, hai cánh tay từ trên đánh xả xuống dưới một đòn Thập Chỉ Chủng Hà chiếu vào sau gáy của Lộ Kha.
Cùng trong một lúc hắn phi một chân hữu theo thế Tuyết Lý Đạp Mai đá một đường vào huyệt Hạ Âm của đối phương.
Lộ Kha vì cấp công háo thắng nên ra đòn quá mạnh, không ngờ đối phương lại đổi đòn một cách lạ lùng như vậy nên tránh né không kịp...
Giữa phút nguy nan bỗng nghe Tâm Đăng thét lên :
- Tiểu Thạch... dừng tay lại!
Thế rồi chiếc bóng mờ của Tâm Đăng bay vù tới đứng giữa hai người, dùng một thế cực kỳ linh động, Tâm Đăng xô bắn hai người ra hai bên.
Ngô Tiểu Thạch bàng hoàng kinh hãi, thật không ngờ công lực của Tâm Đăng lại cao siêu đến thế, dưới thế võ độc đáo của mình mà Tâm Đăng lại ngang nhiên chống trả.
Tiểu Thạch có ngờ đâu trong một phút giây chớp nhoáng đó, Tâm Đăng đã kịp thời điểm một đường vào huyệt ngủ của Lộ Kha.
Rồi bằng một động tác cực kỳ nhanh nhẹn Tâm Đăng ôm nó vào lòng.
Ngô Tiểu Thạch càu nhàu :
- Tâm Đăng... cớ sao mi lại bênh vực nó?
Tâm Đăng trả lời :
- Nó chỉ là một đứa ngu si đần độn nhưng tính tình thiện lương, không nên đưa nó vào chỗ chết.
Ngô Tiểu Thạch hỏi :
- Bây giờ mi quyết định sao đây?
Tâm Đăng trả lời :
- Chúng ta giấu nó vào một chỗ kín đáo rồi sẽ hành sự...
Tâm Đăng nói đoạn vác cái thể xác của Lộ Kha đi thẳng về phía trước.
Tiểu Thạch vừa đi vừa càu nhàu :
- Ta sắp sửa thành công... thì bị thằng Lộ Kha chọc gậy bánh xe làm cho công phu phải trôi theo dòng nước...
Tâm Đăng giật mình chưa kịp hỏi thì Tiểu Thạch nói tiếp :
- Đằng trước kia là ngôi nhà đá của thằng Lộ Kha, ta trả nó vào đó.
Thế rồi đi trước dẫn đường, không bao lâu hai người lọt vào một ngôi nhà bằng đá, trong đó chỉ có một chiếc giường, trên giường chỉ có một ít lương khô, đủ biết Lộ Kha sống một nếp sống thật là khắc khổ.
Đặt Lộ Kha lên giường, Tâm Đăng dùng hai bàn tay xoa nắn khắp toàn thân Lộ Kha rồi trùm mền kín đáo đoạn hai người bước trở ra ngoài.
Chưa ra khỏi cửa, Tâm Đăng giật mình vì thấy trên tường có treo một xâu chuỗi ngọc, hình dáng hoàn toàn giống hệt với xâu chuỗi mà Mặc Lâm Na đã tặng cho mình.
Tâm Đăng thầm nghĩ :
- Trong nhà của Trác Đặc Ba có không biết bao nhiêu là xâu chuỗi... nhưng tiếc thay hắn lại không phải là một Phật giáo tín đồ..
Còn đang bàng hoàng thì Ngô Tiểu Thạch đã hối thúc chàng ra khỏi chỗ đó và dẫn đường đi đến chỗ lấy lệnh phù.
Hai người đang im lìm dấn bước, chợt Tiểu Thạch đưa tay trỏ về ngôi nhà phía trước bảo :
- Mi xem, nó nằm trong ngôi nhà đó.
Theo chiều ngón tay, Tâm Đăng nhìn về phía trước thấy có một ngôi nhà nho nhỏ xây cất dưới một tàng cây cổ thụ. Bên tai chàng có câu nói của Tiểu Thạch vang lên :
- Bên ngoài trông thì tầm thường nhưng bên trong thật có nhiều điều nan giải.
Tâm Đăng trả lời :
- Dù có khó khăn đến thế nào thì chúng ta cũng phải vào đó một phen.
Ngô Tiểu Thạch nói :
- Bên trong này có một ngọn lửa thật là lạ kỳ... Chúng ta không thể mở cửa đi thẳng vào mà phải dùng cách không chưởng lực để mở cửa.
Nói đoạn hai người dừng chân trước cánh cửa đá nặng nề dạy độ chừng ba thước, bàn tay cùng lúc đưa thẳng lên để toát ra một luồng sức mạnh.
Luồng sức mạnh này từ từ tràn tới làm cho cánh cửa đá nặng nề kia chầm chậm hé ra.
Ngô Tiểu Thạch vươn mình định nhảy xổ vào, Tâm Đăng vội níu áo anh ta, chàng bảo :
- Hãy chờ cho hơi lạnh bên ngoài ùa vào trước đã.
Câu nói chưa dứt thì từ bên trong đã hắt ra một làn hơi nóng bỏng, hai người đứng im lìm dưới cơn gió tuyết hơn một tiếng đồng hồ mới nghe thấy làn hơi dịu nóng.
Ngô Tiểu Thạch nóng nảy thúc giục Tâm Đăng bước vào.
Tâm Đăng dặn dò Ngô Tiểu Thạch vận nội công bảo vệ tất cả các yếu huyệt của mình rồi mới nhẹ nhàng lách mình vào bên trong.
Vừa ngẩng đầu lên cả hai người thảy đều giật mình dừng gót, thì ra bên trong có một hàng bậc đá, độ chừng vài mươi trượng dẫn vào phía dưới.
Dưới kia là một khoảng đất rộng thênh thang, chính giữa có một ngọn lửa đang cháy bập bùng.
Có lẽ ngọn lửa này đã cháy lâu năm thì phải, làm cho những phiến đã gần đó phải thay màu đổi sắc, tỏa ra một thứ ánh sáng vàng lườm.
Hai người quan sát kỹ nhận thấy có hai sợi dây bằng đồng thông thẳng vào bên trên.
Hai sợi dây bằng đồng này chéo nhau giữa tầng không thành hình chữ thập, tại nơi chữ thập đó, Trác Đặc Ba lại dùng dây đồng treo một con bươm bướm bằng sắt màu xanh rực rỡ.
Ngọn lửa dưới kia hừng hực xông lên chính vào chỗ con bươm bướm sắt đó, Ngô Tiểu Thạch kêu lên :
- Tâm Đăng... Đó là lệnh phù của sư phụ.
Tâm Đăng gật gù trả lời :
- Xem tình thế này muốn lấy được lệnh phù thì ta phải đi trên hai sợi dây đồng đó... đồng thời dưới chân ta lại có ngọn lửa hừng hực bốc lên.
Ta đang suy nghĩ tìm ra một giải pháp ổn thỏa, bỗng Tiểu Thạch sực nhớ đến một việc thò tay vào túi móc ra một lọ thuốc nói rằng :
- Sư phụ cho tôi lọ thuốc này bảo bôi lên mình.
Tâm Đăng chộp lấy, mở ra thấy đó là một lọc thuốc dùng bôi lên da mà trừ hơi nóng.
Hai người vội vàng khỏa thân, bôi thuốc khắp thân mình rồi mới mặc quần áo trở lại.
Lúc bấy giờ hơi lửa bốc lên hừng hực làm cho hai người đổ mồ hôi như tắm, đoạn hai người chia làm hai ngõ, nhảy lên hai sợi dây đồng trổ thuật khinh công mà đi tới.
Càng đến gần ngọn lửa chừng nào thì hơi nóng càng gia tăng chừng ấy, hai người nghe thấy toàn thân nóng bỏng, nhiệt độ thật là đáng sợ.
Dù vậy hai người vẫn lần bước đi một cách khó khăn cực nhọc trên hai sợi dây đồng nóng bỏng.
Con bươm bướm sáng ngời treo trước mặt kia thật là một con vật vô cùng quyến rũ, làm cho Ngô Tiểu Thạch mặc dù đứng trong tình trạng hết sức nguy nan vẫn cắn răng đi lần về phía trước để lấy lại tín vật của thầy mình đã mất đi hai mươi năm trường...
Bấy giờ cả hai người, thấy trên trần nhà, xa xa có gắn những chiếc vòng bằng sắt, nếu thò tay bấu víu vào những chiếc vòng đó thì có thể tiến tới một cách dễ dàng hơn.
Tâm Đăng nghĩ thầm :
- Trác Đặc Ba là con người có nhiều quỉ kế đa đoan, e rằng những chiếc vòng sắt này có chứa đựng điều chi bí ẩn...
Nghĩ đến đó thì Ngô Tiểu Thạch vì quá nóng nảy, thò tay nắm lấy một chiếc vòng dùng đó làm điểm tựa để đu mình tới.
Tâm Đăng kêu lên một tiếng thật to :
- Tiểu Thạch... buông tay ra...
Tiểu Thạch vừa nghe gọi đến tên mình thì một luồng đau buốt đã từ chiếc vòng nọ truyền qua bàn tay của mình, đồng thời chiếc vòng sắt xoay nhanh mấy vòng cực mạnh làm cho Tiểu Thạch đau thấu tâm can.
Và trên đầu chàng tiếng động rầm rầm nổi lên, ám khí từ bên trên bắn xuống như mưa bấc.
Giữa phút nguy nan, Ngô Tiểu Thạch chỉ còn có cách liều chết, tung mình nhảy tạt sang một bên.
Mặc dầu động tác của hắn lanh lẹ vô cùng nhưng vẫn không thoát khỏi phạm vi của làn ám khí.
Đồng thời dưới chân của hắn một ngọn lửa bốc lên hừng hực...
Vào giữa lúc cái chết như nghìn cân treo sợi tóc bỗng có một chiếc bóng mờ từ đâu bay vụt tới, người này vừa vung một bàn tay tung ra một đòn cách không chưởng đẩy bật làn ám khí trở về, còn một tay kia thì thò ra vớ chặt ngang hông của Ngô Tiểu Thạch.
Thân hình của hai người là là rơi xuống chừng hai thước thì người đó bỗng nạt lên một tiếng, vung bàn tay còn lại tống xuống phía dưới một chưởng cách không đồng thời đá vào không khí.
Mượn hai động tác đó để làm cho thân hình hai người mất đà rồi sử một thế Thanh Long Hồi Thiên bay vù trở lên hơn 5 thước.
Nhờ thế Thanh Long Hồi Thiên đưa ngược hai thân hình của hai người lên trần nhà, người ấy thò một bàn tay còn lại bấu chặt lấy trần nhà.
Bàn tay của người ấy thật là kỳ diệu, như một hòn đá nam châm hút sắt treo hai ngươi lơ lửng giữa khoảng không.
Lúc bấy giờ Tiểu Thạch mới định thần nhìn lại, thấy người ra tay cứu mình đó chính là Tâm Đăng.
Lúc bầy giờ Tâm Đăng đang dùng một thế Bích Hổ Du Tường để treo hai người lên trần nhà, vì chàng biết sợi dây đồng mỏng manh kia không chịu nổi trọng lượng của hai người.
Chỗ hai người đang treo người đây lại rất gần ngọn lửa, vì vậy mà hơi nóng từ phía dưới bốc lên làm cho quần áo của hai người thảy đều bị cháy rơi ra từng mảnh.
Tâm Đăng nói nhỏ vào tai của Tiểu Thạch :
- Tình thế nguy cấp lắm, bây giờ chỉ còn một cách liều lĩnh như vầy... như vầy...
Dặn dò Ngô Tiểu Thạch xong, Tâm Đăng vội dồn hết sức mạnh vào cánh tay của mình, thả cho Tiểu Thạch bay la đà về phía con bươm bướm.
Vừa thoát khỏi bàn tay của Tâm Đăng, Ngô Tiểu Thạch vội vận hết nội công để bế huyệt đạo ngõ hầu kháng cự với sức nóng và thân hình của chàng chênh chếch bay tới.
Vừa tiến đến bên con bươm bướm màu vàng rực rỡ kia, Tiểu Thạch thò tay ra đớp nhanh lấy nó.
Bàn tay của hắn vừa chạm vào lệnh phù hắn liền rú lên một tiếng đau đớn, thì ra con bươm bướm bằng sắt đó treo trên ngọn lửa với một nhiệt độ kinh hồn, Tiểu Thạch vừa vơ nhằm liền đau buốt đến tận xương vì sức nóng quá ư mãnh liệt của nó.
Dù vậy, Tiểu Thạch cũng liều chết chịu đau, cắn răng không buông món lệnh phù ra, vung bàn tay hữu điểm nhanh vào yếu huyệt bên tả để ngăn chặn sự đau nhức, đồng thời khoát cánh tay còn lại bấu víu vào sợi dây tơ đồng mong manh kia, Tiểu Thạch mượn một chút tiếp sức đó để làm điểm tựa và xê dịch thân mình đi lần ra ngoài.
Trong chớp mắt Tiểu Thạch đã lùi ra khỏi vòng hỏa lực của ngọn lửa kỳ diệu kia, và bên tai hắn thoảng qua một cơn gió nhẹ, Tâm Đăng đã bay mình tới, thò một bàn tay vào hậu tâm của hắn để trợ lực để rồi thân hình của hai người la đà rơi trở về mặt đất.
Chưa kịp đứng vững, Tiểu Thạch liền sang con bươm bướm bằng sắt qua bàn tay bên kia, và Tâm Đăng trố mắt lên kinh hãi vì sức nóng của con thiết điệp đã làm cho bàn tay của Tiểu Thạch phồng lên, trông thật là kinh rợn.
Dù vậy nhưng trên gương mặt của hắn vẫn nở lên một nét cười khoái chá vì rằng hắn đã lấy được một tín vật lưu lạc gần hai mươi năm trời.
Bước vội ra bên ngoài, Tâm Đăng giật mình dừng bước vì chợt nhớ ra cả hai người đang trong tình trạng lõa lồ, lớp quần áo trên mình đã cháy tiêu ra tro.
Tiểu Thạch vỗ vai Tâm Đăng nói :
- Không sao, trong ngôi nhà của thằng Lộ Kha còn có quần áo, ta vào đó mượn đỡ.
Rồi như hai vệt khói mờ, hai người noi theo đường mà đi trở lại.
Vào đến nơi, thấy Lộ Kha vẫn còn nằm mê man trên giường, hai người không làm kinh động, chỉ tìm hai bộ quần áo mặc che thân rồi dợm bước trở ra ngoài.
Bỗng Tâm Đăng thấy trên đầu giường có dằn một tờ giấy hoa tiên, nét bút thật là quen thuộc.
Chàng đọc vội thấy viết rằng :
“Đại ca Thấy đại ca đương ngủ tôi không dám làm kinh động..., bó hoa của đại ca tặng tôi đã nhận được...
Hãy nên dưỡng sức, coi chừng cha ta quở phạt, ngày mai ta sẽ trở lại...
Mặc Lâm Na”.
Đọc xong những dòng chữ ấy, Tâm Đăng bàng hoàng ngơ ngẩn như một kẻ mất hồn.
Ngô Tiểu Thạch thúc giục :
- Chúng ta về thôi!
Câu nói của Ngô Tiểu Thạch làm cho Tâm Đăng sực tỉnh cơn mê, chàng lủi thủi bước ra khỏi gian nhà đá, mà tâm hồn cứ dật dờ, phảng phất, vương vấn chung quanh bức thư của Mặc Lâm Na...
Hai người về đến Nhất Tâm lâu báo cáo lại tình hình cho chư vị sư phụ được biết, và Cô Trúc lập tức lấy ra một thứ thuốc để chữa trị vết bỏng nặng này trên tay của Ngô Tiểu Thạch.
* * * * *
Đêm hôm ấy, vì thần kinh xúc động mạnh, Tâm Đăng cứ trằn trọc mãi không sao yên giấc.
Chàng mở cửa sổ bay mình ra ngoài đi bách bộ trong màn đêm mà miên man suy nghĩ.
Chợt bên tai chàng có câu nói của người thiếu nữ theo gió lạnh đưa về :
- ... Mi phải hết sức giữ gìn sức khỏe của mi, còn ta... ta không để cho mi thất vọng, nhưng ta không thể dối gạt mi... vì lòng ta đã có chỗ ký thác rồi.
Tâm Đăng giật mình đánh thót, thì ra đó là giọng nói quen thuộc của Mặc Lâm Na.
Chàng rón rén đi về phía có phát ra tiếng nói.
Đó là một đêm tối trời nhưng nhờ có ánh sao thưa, nên Tâm Đăng có thể trông xa về phía trước.
Đi được một đoạn đường ngăn ngắn, rời khỏi Nhất Tâm lâu chừng năm mươi trượng, chàng trông thấy dưới một tàng cây rậm rạp có hai người một trai một gái đang đứng chuyện trò.
Tâm Đăng nín hơi nhón gót đi lần về phía trước, nhìn kỹ bất giác kinh hoàng, thì ra đó là Mặc Lâm Na và Lộ Kha.
Một cơn gió lạnh lùng đưa giọng nói của Lộ Kha đập vào tai chàng :
- Tôi biết, người mà cô đang yêu chắc chắn là Tâm Đăng...
Tâm Đăng và Mặc Lâm Na thảy đều giật mình sửng sốt, không ngờ một con người ngây ngô như Lộ Kha lại biết được việc này.
Mặc Lâm Na thối lui hỏi rằng :
- Sao... sao mi biết?
Lộ Kha buông ra một tiếng cười ngờ nghệch :
- Tôi biết... vì tôi thấy trên cổ của Tâm Đăng có một xâu chuỗi... giống hệt cái xâu chuỗi mà cô đã cho tôi.
Mặc Lâm Na cúi gầm đầu xuống, trong lòng hổ thẹn mắng thầm :
- Thật là đáng ghét, trông mi có vẻ ngờ nghệch nhưng lại xem xét tỉ mỉ đến thế.
Lộ Kha bị mắng nhưng vẫn cười hềnh hệch nói rằng :
- Tôi chẳng ngờ nghệch... nếu ngờ nghệch, sao cô lại thích tôi?
Thế rồi hai người lại thủ thỉ chuyện trò, tiếng cười khúc khích của hai người thỉnh thoảng lại vang lên.
Tâm Đăng lén nhìn mà tâm can tan nát, chàng không ngờ liên tiếp gặp phải những điều đau đớn trong thâm tâm.
Tâm Đăng cố dằn cơn xúc động, chàng nhắm mắt thì thầm khấn vái :
- Xin Trời Phật cho họ được thành quyến thuộc! Còn tôi... tôi xin trở về với Phật!
Trên đời này chắc có lẽ không có điều nào tốt đẹp bằng điều chúc tụng cho người.
Dưới bóng trăng sao, hai người trò chuyện càng lúc càng thêm thân mật, tiếng nói nhỏ dần... nhỏ dần...
* * * * *
Sáng ngày hôm sau, trời bỗng nhiên giá buốt, cao nguyên Tây Tạng bao trùm một bầu không khí lạnh lùng khôn tả.
Có hai chiếc bóng người rời khỏi Nhất Tâm lâu chạy như bay về phía bờ hồ Tuấn Mã.
Đến bên bờ hồ, hai người ấy dừng chân lại, thì ra đó là Tâm Đăng và Khắc Bố.
Khắc Bố đưa tay trỏ về phía trước, kêu lên một tiếng kinh dị :
- Trời... hồ Tuấn Mã đã đóng băng!
Tâm Đăng ngẩng đầu nhìn về phía trước, thấy hồ Tuấn Mã lúc bấy giờ đã trở thành một miếng pha lê vĩ đại lóng lánh sáng ngời.
Hai người đang phụ nhĩ với nhau, thình lình Tâm Đăng thoáng nghe có tiếng động đậy, quay đầu nhìn lại chàng bắt gặp một người trạc độ tứ tuần nhưng sắc diện vẫn còn xinh đẹp.
Tâm Đăng buột mồm gọi tên :
- Lăng thúc thúc!
Thì ra người ấy là Lăng Hoài Băng, ông ta mỉm cười trỏ Khắc Bố mà hỏi :
- Người này là ai?
Sau khi giới thiệu, Lăng Hoài Băng gật gù nói :
- Thì ra mi là học trò của Bệnh Hiệp... Hai người đến đây làm gì thì ta đã biết, chuyến đi này muôn vàn trắc trở, hai ngươi phải tua cẩn thận... Ba ngày nữa ta sẽ trở lại tìm mi...
Nói rồi ông ta xoay lưng đi thẳng, còn Tâm Đăng và Khắc Bố thì quay đầu lại mà thương lượng phương sách xuống hồ.
Chợt thấy Tâm Đăng vung hai ống tay áo lên, vẫy mạnh vào không khí cho thân hình của chàng bay vù lên hơn một trượng và đảo nhanh xuống mặt hồ.
Khắc Bố thấy vậy cũng vội vàng tung mình nhảy theo, Tâm Đăng rơi xuống trước, khi thân hình của chú còn cách mặt hồ chừng ba thước, Khắc Bố thấy Tâm Đăng từ từ thò tay ra vỗ một cái nhè nhẹ về phía trước.
Mặt hồ đã đóng một lớp băng dày đặc, trúng phải luồng chưởng của Tâm Đăng bắn lên rào rào, và thân hình của hai người lọt vào chỗ vỡ đó.
Một luồng giá lạnh như băng bắt đầu xâm nhập vào cơ thể và hai người trổ hết thủy công ra mà vùng vẫy dưới làn nước bạc.
Thân hình của hai người càng lúc càng đi sâu về phía dưới và áp lực càng lúc càng gia tăng.
Sờ soạng một lúc khá lâu, Tâm Đăng phát giác dưới đáy hồ lộ ra một cánh cửa bằng đá, chàng giơ tay ra vẫy Khắc Bố để báo tin.
Khắc Bố bơi tới, thấy trên cánh cửa có một chiếc vòng sắt, vội vàng thò tay ra nắm chắc chiếc vòng đó kéo mạnh một cái...
Nào ngờ, sau cái kéo của Khắc Bố, từ trong khe cửa có vô số mũi tên màu vàng tẽ nước bắn ra.
Tâm Đăng trong lòng cả sợ, vội vàng vung hai bàn tay về phía trước, đẩy mạnh tới một luồng chưởng phong, nhờ sức mạnh kinh thiên đó mà nước dưới hồ tạo thành một vùng xoáy, và cuốn đi những mũi tên vàng.
Chỉ có vài ba mũi mạnh nhất đi lạc về phía Khắc Bố, và có một mũi ghim sâu vào bắp chân của hắn, máu lập tức tuôn ra.
Tâm Đăng trờ tới, nhổ mũi tên giùm cho Khắc Bố, đoạn rẽ nước điểm huyệt để cầm máu lại.
Biết rằng muốn vào nơi đó thì phải tìm cách để mở cánh cửa đá này, Tâm Đăng lần này khôn ngoan hơn, chàng giơ bàn tay tả ra để bảo vệ tiền tâm của mình, rồi bàn tay hữu nắm chiếc vòng sắt, chuyển hết thần lực mà kéo mạnh một lần nữa.
Lại một loạt tên vàng bắn vút ra nhưng Tâm Đăng đã chuẩn bị từ trước, chàng tung ra một luồng chưởng lực để kịp thời ngăn chặn lại đồng thời cánh tay hữu vẫn tiếp tục mở cửa.
Cánh cửa nặng nề từ từ hé mở và Tâm Đăng nắm tay của Khắc Bố bơi vào, nhìn thấy bên trong bốn bề toàn xây bằng đá, lối kiến trúc thật là tinh vi tỉ mỉ.
Hai người tiếp tục bơi thẳng vào bên trong và áp lực càng lúc càng gia tăng, hai người bắt đầu nghe thấy lỗ tai của mình lùng bùng nhức nhối.
Đi vào bên trong khá sâu, trước mắt hai người thình lình rộng mở, lại một gian phòng khác bằng một lối kiến trúc khác bày ra trước mắt chàng, đó là một gian Đan phòng khá đẹp.
Khắc Bố mừng rỡ nghĩ thầm :
- Chắc lệnh phù của Bệnh sư phụ giấu ở nơi đây!
Không do dự, hai người bơi thẳng vào gian đan phòng và đồng thấy vùng nước ở nơi đây sáng rực, thì ra giữa phòng có gắn một viên dạ minh châu khổng lồ để tạo ra ánh sáng.
Quan sát kỹ thấy trong gian phòng này bàn ghế trần thiết thảy đều đầy đủ cả, dường như đây là một gian phòng tĩnh tọa của một đạo nhân?
Trên chiếc bàn bằng đó có đặt một chiếc hộp, bên trên có khắc hai chữ màu đỏ, thoáng trông vào chiếc hộp, hai người thảy đều mừng rỡ, thì ra đó là hai chữ “Khổng tước”.
Khắc Bố vội vàng bơi về phía trước chộp lấy chiếc hộp nhưng hắn bỗng giật mình vì hắn đã dùng sức rất mạnh nhưng không nhấc nổi chiếc hộp lên.
Tâm Đăng thấy vậy vội vàng bơi tới ra dấu cho Khắc Bố thối lui, đoạn chàng xuống tấn chữ đinh, chuyển hết sức mạnh để gỡ chiếc hộp mà không tài nào xê dịch nổi.
Tâm Đăng nổi nóng, dồn hết sức mạnh ra một lần thứ nhì nữa, và lần này chàng nghe thấy cả gian phòng động đậy, rồi bỗng thình lình trần nhà bên trên từ từ hạ xuống... hạ xuống...
Tâm Đăng trong lòng cả sợ, vì món tín vật đã nằm trước mặt mình chẳng lẽ bỏ đó mà trốn chạy, chàng lập tức ra dấu cho Khắc Bố dùng hai tay chỏi lên trên.
Lúc bấy giờ cả một trần nhà bằng đá vẫn từ từ đi xuống mãi, và Khắc Bố hai mắt trợn trừng, cũng xuống tấn chữ đinh rồi đưa hai tay lên trời chỏi lại.
Tâm Đăng bấy giờ rảnh một bàn tay hữu, chàng cũng đưa lên mà trợ lực.
Đó chỉ là những động tác thuộc bản năng tự vệ của loài người, tự vệ một cách tuyệt vọng mà thôi.
Ba cánh tay của hai người nghe thấy một áp lực phi thường từ bên trên đè xuống nhưng bàn tay tả của Tâm Đăng vẫn nắm chắc chiếc hộp không chịu buông ra.
Vào giữa phút nguy nan đó, Tâm Đăng bắt gặp trên chiếc hộp còn có một dòng chữ nho nhỏ nữa :
“Róc đá có thể ra được”.
Dòng chữ này làm cho Tâm Đăng như một người chết đuối vớ được chiếc phao, nhưng chàng tức khắc ân hận vì đã không mang theo bảo kiếm.
Trong tình thế thiên nan vạn nan này bắt buộc Tâm Đăng phải dùng tay mà thế kiếm.
Chàng từ từ thu tay trở về, loang mạnh một vòng trong nước để lấy trớn rồi tà tà chém ra một nhát, khí thế mạnh bạo hơn đao.
Và may sao, bàn tay của Tâm Đăng đã róc vỡ được một phiến đá, trong lòng mừng rỡ, Tâm Đăng vận hết hơi sức của mình tiếp tục chém ra.
Và chiếc hộp đá lần lần vỡ tan từng mảnh để lộ ra bên trong có một thanh sắt nho nhỏ.
Giữa phút nguy nan cùng cấp, Tâm Đăng không còn cách nào hơn, chộp lấy thanh sắt đó, bẻ mạnh một cái, và một việc bất ngờ nữa xảy ra...
Từ phía dưới bỗng lộ ra một vật sáng ngời, thì ra đó là lệnh phù của Bệnh Hiệp.
Đồng thời vào lúc đó tiếng ầm ầm chuyển động vang lên.
Nhanh như chớp, Tâm Đăng chộp lấy món tín vật nhét vội vào trong mình và lần này tiếng chuyển động phát ra từ dưới chân... Lạ lùng thay, cả một khoảng đất trong gian phòng phen này từ từ tụt xuống, nhờ vậy mà làm giảm áp lực bên trên.
Tâm Đăng ra dấu cho Khắc Bố bảo lui ra khỏi phòng, thế là cả hai người vừa chỏi hờ bên trên vừa lui bước ra ngoài.
Đến khi hai người lui ra cửa phòng thì khoảng đất dưới chân đã thụt xuống gần hết, cánh cửa vừa sắp sửa che khuất vừa đủ cho một người chui lọt.
Tâm Đăng bay mình ra ngoài trước, rồi xoay lại dùng hết sức đỡ trần nhà lên cho Khắc Bố chui theo sau... Và hai người thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc.
Thân hình của Khắc Bố vừa lọt ra ngoài thì trần nhà cũng vừa đi xuống hết mức của nó, vang lên một tiếng động kinh khủng khép chặt lối ra, hai người vội vàng bơi nhanh ra ngoài và tức tốc ngoi lên mặt nước.
Lên đến bên trên thì mặt hồ đã đóng băng cứng ngắt, Tâm Đăng trồi lên trước, vung bàn tay tả tống mạnh lên trên một quả và lớp băng lại vang lên tiếng rào rạo để lộ ra một lỗ hổng.
Cùng một lúc hai người xử hai thế Ngư Vượt Long Môn bay mình lên khỏi mặt nước.
Vừa tiếp xúc với không khí, cả hai người toàn thân rũ liệt và phải nín một hơi thở dài lại phí sức rất nhiều.
Lăn lộn trên mặt hồ, cả hai đồng mửa ra hai bụm máu đen và sức khỏe mới lần lần hồi phục.
Hai gã thanh niên đồng dìu nhau tập tễnh trở về Nhất Tâm lâu, mang thêm một nguồn tin chiến thắng....
* * * * *
Tây Tạng đệ nhất gia có chiều yên lặng, vì rằng những món tín vật chúng anh hùng thâu hồi về bây giờ chỉ còn Cô Trúc và Liễu Liễu là chưa đạt thành ý nguyện mà thôi.
Nhưng chúng anh hùng vẫn thong dong thư thả cư ngụ trong Nhất Tâm lâu.
Qua ngày hôm sau, vì công việc đã hoàn thành khá nhiều, Tâm Đăng trong lòng thư thái, rời khỏi Nhất Tâm lâu đi bách bộ dưới một hàng tùng xanh mướt.
Trông thẳng về phía chân trời xa tắp, thấy từng đàn chim vỗ cánh lưng trời...
Tâm Đăng còn đang gửi thần trí vào đàn chim đang tung mây lướt gió đó, bỗng bắt gặp một chiếc bóng mờ thoáng lướt qua sau lưng mình.
Tâm Đăng giật mình thầm nghĩ :
- Người này công lực thật cao, đến sát bên lưng mà ta chưa hay.
Chàng quay đầu nhìn lại rú lên mấy tiếng...
- ... Vân Cô...
Quả thật người ấy là Vân Cô, bà ta đang mặc một bộ đồ màu đen, nhìn Tâm Đăng qua cặp mắt lệ ứa lưng tròng...
Chàng không biết bà ta đã tỉnh táo hay chưa, đứng xa xa mà hỏi :
- Vân Cô chắc mạnh khỏe?
Vân Cô nước mắt đầm đìa, chìa cánh tay gầy ốm ra nắm lấy vai Tâm Đăng, bà ta buông ra một câu nói run rẩy :
- Con ơi... con...