Cổ Phật Tâm Đăng

Chương 3: Nơi hang thẳm tụng kinh siêu độ




Quay đầu nhìn lại, Tâm Đăng thấy dưới bóng trăng mờ, gió thổi lao xao, lá khua xào xạc, mà không có một bóng người.

Tâm Đăng càng thêm kinh dị, lớn tiếng nói rằng :

- Lão tiền bối có điều chi chỉ giáo, sao không xuất đầu lộ diện?

Câu nói vừa dứt thì sau lưng chàng có tiếng cười nổi lên như nắc nẻ, giọng nói ban nãy lại vang lên :

- Thôi ta chẳng đùa nữa.

Dứt lời từ dưới rặng cây có một bóng người lách mình bước ra.

Tâm Đăng thấy đó là một lão già đầu sói, tuổi ngoại thất tuần, sắc mặt của ông nhợt nhạt, thân thể gầy gò, dường như một người đang lâm trọng bệnh.

Lão ta chệnh choạng bước tới, ho lên sù sụ. Tâm Đăng bước tới đỡ, lão ta hổn hển nói rằng :

- Chú tiểu thật có lòng tốt!

Lão vừa ho vừa vừa ngồi xuống, Tâm Đăng cũng thò tay đặt vào hậu tâm của lão ta, giúp lão dằn cơn ho xuống.

Tâm Đăng hỏi :

- Công lực của ông cao thâm đến thế, cớ sao lại mắc bệnh?

Lão già trợn mắt :

- Ai bảo ta biết võ?

Tâm Đăng cười trả lời :

- Ban nãy tôi nghe ông nói chuyện sau lưng, quay lại thì ông đã đi xa một trượng, như vậy thì khinh công của ông thuộc vào hàng thượng thừa.

Lão già cười chua chát :

- Ờ... thì ta biết võ vậy... Mi cũng biết võ... Thầy mi là ai?

Tâm Đăng thành thật trả lời :

- Thầy tôi là Cô Trúc lão nhân. Chắc ông có quen biết?

Lão già thình lình biến sắc mặt, nói gấp rút :

- À... Ta từng là một viên bại tướng dưới tay lão ta đó... Nhưng mà nếu ta không mắc bệnh, chưa chắc hắn thắng ta.

Nói rồi ho lên sù sụ, Tâm Đăng ái ngại nhìn lão hỏi :

- Nhà ông ở đâu? Để tôi đưa ông về.

Lão già lắc đầu hỏi ngược lại :

- Trước khi Cô Trúc truyền võ nghệ cho mi, có hứa với mi điều gì?

Tâm Đăng suy nghĩ đoạn trả lời :

- Ông ta chỉ yêu cầu tôi làm hộ cho ông ta một việc.

Lão già nghe nói gật gù :

- Đúng rồi, còn hai năm nữa, ai cũng nôn nóng mà trông đợi, bằng không thì Lư Âu không xuất đầu lộ diện sớm như thế, ta cũng không ôm bệnh mà lê gót giang hồ, và trong Bố Đạt La Cung kia cũng không xảy ra nhiều việc lôi thôi rắc rối.

Tâm Đăng nghe lời nói của ông ta dường như có ẩn ý khác, vội hỏi :

- Chẳng hay ông nói thế có dụng ý gì?

Chợt lão già ưỡn ngực, đôi mắt dán chặt vào Tâm Đăng, lâu lắm mới hỏi một câu nghiêm nghị :

- Chú tiểu, chú có bằng lòng học võ nghệ của ta chăng?

Tâm Đăng nghe nói giật mình, không biết phải trả lời sao cho phải, lão già thấy vậy có vẻ giận, trợn mắt hỏi rằng :

- Bình sinh ta thu đồ đệ không phải là việc dễ, biết bao nhiêu người lạy lục năn nỉ ta mà ta không khứng.

Nói đến đây lão ho lên sù sụ, run rẩy đưa tay ra trỏ vào mặt Tâm Đăng, làm cho Tâm Đăng cả sợ, chú không dám cưỡng, trả lời :

- Thôi ông chớ giận, tôi bằng lòng vậy.

Lão già đưa ống tay lau lên lấy mồ hôi trên trán bảo :

- Vậy thì mi hãy quỳ xuống làm lễ mà nghe ta dặn.

Đoạn lão nghiêm trang dặn từng tiếng :

- Ta họ Lạc, tên Giang Nguyên, ba mươi năm trước trong giới giang hồ gọi ta là Bệnh Hiệp, nay mi cũng cứ gọi là Bệnh Hiệp. Trong vòng nửa năm ta sẽ truyền cho mi một môn võ nghệ mà thôi nhưng trước khi luyện võ, mi phải hứa là sẽ giúp ta một việc, mi có bằng lòng?

Tâm Đăng trong lòng cả sợ, thầm nghĩ :

- Quái lạ, lão già này cũng muốn ta làm hộ cho hắn một việc.

Trong trí khó xử nhưng ngoài miệng lại vui vẻ trả lời :

- Chẳng hay việc gì? Xin sư phụ cho đệ tử được rõ.

Bệnh Hiệp khoát tay trả lời :

- Mi bất tất phải hỏi, dù sao thì đó là một việc tốt, đứng về mặt nhà Phật mà nói thì đó là một việc công đức vô biên... Chú hãy bằng lòng.

Tâm Đăng mặc dầu hồ nghi nhưng vẫn trả lời dứt khoát :

- Được, con bằng lòng!

Bệnh Hiệp nghe qua lộ vẻ vui mừng, vì mừng quá bị xúc động nên lão ta thở hổn hển, Tâm Đăng vội trả lời :

- Bệnh sư phụ, nếu sư phụ có mệt để con đưa về yên nghỉ.

Bệnh Hiệp lắc đầu không trả lời, thở rất lâu mới truyền cho Tâm Đăng rằng :

- Thôi mi hãy trở về, canh hai đêm mai đến đây cho ta dạy việc.

Tâm Đăng đứng dậy, sửa soạn lui gót bỗng nghe Bệnh Hiệp gọi giật lại :

- À ta quên, mi tên gì?

Tâm Đăng vội trả lời :

- Tôi tên Tâm Đăng, chữ Tâm của tâm phúc, chữ Đăng của đăng hoả.

Bệnh Hiệp gật gù, đoạn ngẩng mặt lên nói rằng :

- Chắc đây là pháp danh của mi, còn tên ở ngoài đời của mi là gì?

Tâm Đăng bàng hoàng ngớ ngẩn vì tên riêng của mình chỉ thoáng nghe một vài lần nên bây giờ chú phải suy nghĩ rất lâu mới nhớ ra. Tâm Đăng nói :

- Tên tục của tôi là Tiêu Chính Dung.

Bệnh Hiệp nghe nói cả cười bảo rằng :

- Chính Dung cũng là cái tên của người xuất gia, kiếp này mi nhất định sẽ làm hòa thượng suốt đời rồi đó. Cái tên thật hay.

Tâm Đăng nghe nói mạng mình là mạng hòa thượng trong lòng cảm thấy vui vẻ và nhẹ nhàng.

Thật ra chú vào cửa Phật từ tấm bé, bây giờ tự nhiên hoàn tục, thật là một điều khổ não cho chú.

Bệnh Hiệp lại nhắc chú về chùa, chú lui gót xuống đồi mà trong lòng ngổn ngang trăm mối.

Về đến Bố Đạt La Cung thì trống đã sang canh ba, muôn ngàn vì sao nhấp nháy trên nền trời đen thẫm, nhưng mặt trăng thì không biết trốn nơi nào.

Về đến phòng riêng của mình, Tâm Đăng ý thức được rằng, đời mình đang đến một ngã ba, dù sao thì chú cũng phải hoàn tục.

Trăm nghìn câu hỏi quay cuồng trong trí.

- Cha mẹ mình là ai?

- Ai đưa mình vào chùa?

- Cô Trúc muốn nhờ mình làm gì?

- Tại sao Bệnh Hiệp lại muốn truyền võ nghệ cho mình?

- Sau ngày hoàn tục, thân mình sẽ trôi nổi về đâu?

- Và mình sẽ làm những gì trong bước giang hồ lưu lạc?

Ngần ấy câu hỏi làm cho Tâm Đăng không thể nào yên giấc, trằn trọc mãi, chàng nhủ thầm :

- Bây giờ hãy còn khuya, ta hãy đến phòng của Tạng Tháp rình xem, biết đâu giờ này ông ta đang luyện Tàm Tang khẩu quyết.

Nghĩ đến đây chàng bật dậy như chiếc lò xo, xô cửa bước ra, bên ngoài gió lạnh từng cơn vì vèo, càng làm tăng cái vẻ thê lương ảm đạm của đêm trường.

Trong chính điện đèn hương vẫn còn nghi ngút...

Tâm Đăng sẽ lén đi vòng ra phía sau chính điện, rồi đến lầu chứa sách, kế đó là phòng của Tạng Tháp.

Mặc dầu đã nửa đêm nhưng trong phòng ông ta ánh sáng vẫn còn hắt ra, Tâm Đăng thầm nhủ :

- Quả thật ông ta đang luyện công.

Phòng của Tạng Tháp trên tầng lầu thứ hai nhưng Tâm Đăng sẽ nhún chân đã bay vù lên khung cửa sổ một cách nhẹ nhàng êm ái.

Chân vừa đứng vững thì từ bên trong đưa ra một tiếng thở dài não nùng.

Tâm Đăng giật mình trong dạ, nghĩ thầm :

- Tiếng thở dài này thật là bi ai thảm não!

Lại nghe Tạng Tháp lẩm bẩm một mình :

- Vào cửa Phật mà không theo Phật, lại đi làm điều tội nghiệt. Chỉ vì một chút lầm lỡ mà ngày nay phải chịu nhiều báo ứng. Luật nhân quả tuần hoàn thật là khe khắt, nếu không phải là người trong nhà Phật, làm sao hiểu thấu...?

Tâm Đăng lại tự bảo với mình :

- Lão hòa thượng này quả nhiên lục căn chưa sạch, không biết ông ta đã làm điều gì tội ác mà ngày nay phải chịu báo ứng?

Lại nghe Tạng Tháp ngậm ngùi than thở :

- Học võ có thể phòng thân, lại cũng có thể hại thân, nếu ta biết như vậy, thì ta hà tất phải tốn công phu luyện võ để làm gì?

Tâm Đăng nghe đến đây, nhóng cổ lên nhìn vào bên trong, thấy Tạng Tháp đang chắp tay sau lưng, đầu gằm xuống đất, đi đi lại lại giữa gian phòng...

Trên bàn đang mở một quyển sách vừa đọc dở, nằm bên cạnh một chiếc mõ màu đỏ sậm.

Gương mặt của Tạng Tháp cau có, ra chiều đau khổ lắm, thật trái ngược với vẻ thư thái ngày thường.

Dường như ông ta đang chìm đắm trong triền miên dĩ vãng, chợt nghe ông ta thì thầm :

- Y Khắc vì tham mà mất mạng! Ta vì tham mà mất hết hai ngón tay nhưng hung thủ chưa chắc sẽ tránh khỏi tai vạ.

Tâm Đăng nghe đến đây giật mình kinh hãi :

- Thì ra không phải Tạng Tháp giết Y Khắc, mà hai lòng tay bị chặt kia của chính lão, vậy thì ai là hung thủ?

Trong trí chàng bỗng thoáng ngang hình ảnh một người, người ấy là Lư Âu vì công lực của bà ta thật đáng kể.

Tâm Đăng còn đang bàng hoàng nghi ngại, chợt thấy Tạng Tháp quắc cặp mắt sáng rực nhìn về phía cửa sổ, bình thản nói rằng :

- Tàm Tang khẩu quyết đã lọt về tay người khác, thí chủ còn đeo theo ta làm gì?

Tâm Đăng biết hành tung của mình bại lộ, vừa định xê dịch thân hình, bỗng nghe Tạng Tháp nói :

- Thí chủ đã đến, hà tất phải đi nhanh như thế, ta muốn tìm thêm một người bằng hữu.

Tâm Đăng không dám chần chờ, đảo mình bay xuống đất, trở về phòng riêng. Phía sau, vẫn không thấy Tạng Tháp đuổi theo, ông ta cũng không buồn mở cửa sổ mà nhìn.

Tâm Đăng bước lên giường mà lòng rối như tơ, không biết đầu đuôi công việc ra sao? Một màn bí mật bao trùm lấy sự việc, chú lẩm bẩm nói với mình :

- Ta thật phải nên hoàn tục, ở trong Bố Đạt La Cung này, việc kỳ quái xảy ra ngày càng nhiều.

Trằn trọc mãi thêm một trống canh, Tâm Đăng mới chợp được mắt.

Sáng ngày hôm sau, Tâm Đăng được lệnh Tạng Tháp gọi vào, Tâm Đăng có vẻ lo sợ nghĩ thầm :

- Hay là đêm qua ông ta đã phát giác ra ta nên nay mới gọi vào hỏi?

Tâm Đăng gặp Tạng Tháp trong phòng riêng, hôm nay ông ta không còn cầm xâu tràng hạt trên tay nữa mà giấu tay vào áo.

Ngót tháng trời không gặp, Tạng Tháp có vẻ gầy đi một tí, thần sắc cũng không còn được bình tĩnh như xưa.

Tạng Tháp thấy Tâm Đăng ngồi yên rồi mới ngậm ngùi nói rằng :

- Tâm Đăng, tết Trung Thu năm tới con sẽ hoàn tục, có lẽ... ta chờ đợi không được, con có thấy gói hành trang đặt trước mặt ta đây chăng, đó là một vật mà khi Lăng thí chủ đưa con vào chùa gửi lại, bây giờ con hãy nhận trước đi, e rằng... Ta không thể đợi đến ngày Trung Thu mà giao cho con được nữa.

Nói đoạn ông ta dợm lấy gói đồ trao cho Tâm Đăng nhưng bỗng rụt tay lại nói rằng :

- Con tự tiện lấy đi, có lẽ đây là những món đồ ở ngoài đời, mười mấy năm nay ta chẳng có mở ra xem... Mi hãy lấy đi, sau này đừng trở lại đây nữa, vì có một số người thật không thích hợp với đời sống xuất gia đầu Phật... Ta...

Tạng Tháp nói đến đây rồi dừng lại, Tâm Đăng nhìn theo ngón tay ông ta thấy trên bàn có đặt hai gói hành trang, một lớn và một nhỏ.

Tâm Đăng nhìn hai món đồ mà ngậm ngùi cho số kiếp, bỗng nghe tiếng của Tạng Tháp vang lên :

- Hãy lấy về đi, ta mệt lắm, cần ngơi nghỉ...

Tâm Đăng thò tay lấy hai gói hành trang, nghe nặng lắm, chú vừa lui ra bỗng nghe tiếng Tạng Tháp nói với một giọng run rẩy :

- Tâm Đăng, mi trở lại ta có việc cần hỏi...

Tâm Đăng thong thả quay trở lại, thấy Tạng Tháp đưa mắt ngắm nhìn mình từ đầu chí chân, đoạn hỏi :

- Tâm Đăng, mi có từng học võ hay không?

Tâm Đăng giật mình vội trả lời :

- Thưa sư phụ, con không hề học võ!

Tạng Tháp tỏ vẻ thất vọng, gật gù lẩm bẩm :

- Phải... nhưng đã trễ... thật không ngờ...

Tạng Tháp nói đến đây, phát giác Tâm Đăng đang chờ nghe câu nói của mình, ông ta lắc đầu nói một cách tiếc rẻ :

- Ta thật bỏ phí cốt cách phi phàm của mi, thật là uổng, thôi mi lui ra.

Tâm Đăng ôm lấy hai gói hành trang, lần bước về phía lầu chuông, nơi ấy tứ bề vắng vẻ, chú thong thả ngồi xuống mở hai gói đồ ra.

Thấy bên trong gói hai chiếc áo ngắn nhỏ, may bằng một chất lụa thật mềm và mát.

Tâm Đăng nghĩ thầm :

- À,... thì ra đây là chiếc áo của ta mặc hồi thủa bé, xem thế này thì gia cảnh của ta chẳng phải hạng nghèo nàn, nhưng tại sao họ lại đưa ta vào chùa?

Tâm Đăng ngậm ngùi mở tiếp gói hành trang thứ nhì, thấy bên trong lộ ra rực rỡ chừng ngót một nghìn nén vàng ròng. Tâm Đăng bất giác cau mày nghĩ :

- Họ để tiền cho ta nhiều thế này để làm gì nhỉ?

Trong đống vàng khổng lồ kia có một đồng tiền cổ hình tròn, Tâm Đăng thấy đồng tiền đó có vẻ ngộ nghĩnh bèn nhặt lên xem.

Thấy trên mặt đồng tiền có khắc một bức tranh sơn thủy, cây cỏ rườm rà, bề trái có khắc hai chữ Duyên Sinh.

Giữa đồng tiền có buộc một sợi dây, thấy có vẻ xinh xắn, Tâm Đăng tròng ngay vào cổ, đoạn cau mày nhìn đống vàng nói thầm :

- Ta hãy tìm chỗ cất số vàng này, biết đâu ngày sau có chẳng có khi dùng đến.

Nghĩ đoạn gói kỹ lại rồi ôm trở vào phòng, lúc bấy giờ đồng đạo thảy đều lên chính điện hành hương chỉ còn lại một mình Tâm Đăng trong phòng. Chàng ngồi bên thành tường mà ngổn ngang trăm mối.

Chú nôn nóng đợi đến canh hai đêm ấy, liền vượt tường mà ra đỉnh đồi phía sau chùa.

Còn ở xa xa, Tâm Đăng đã thấy tiếng ho, chàng thầm nghĩ :

- Bệnh Hiệp đến trước hơn ta...

Chừng tới gần, Tâm Đăng thấy ông ta tựa lưng dưới gốc cây ho rũ rượi.

Chú vội vàng bước tới, định đỡ lấy ông ta, nào ngờ ông ta đẩy mạnh chú ra, nói qua tiếng ho :

- Mi đừng lo cho ta...

Tâm Đăng cảm thấy chưởng lực của Bệnh Hiệp thật là mạnh mẽ, nếu mình không kịp xuống tấn thì chắc đã lộn mèo.

Chàng không biết tại sao Bệnh Hiệp lại có thái độ kỳ lạ như vậy, Bệnh Hiệp vừa ho, vừa thở vừa nói :

- Mi hãy nhớ, lần sau ta có ho thì mi đừng đứng gần ta, bây giờ mi hãy theo ta.

Nói xong loạng choạng đứng dậy, loạng choạng bước đi, Tâm Đăng lặng lẽ theo sau.

Trong lòng chú bàng hoàng nghi hoặc, không biết cớ sao một người có bệnh hoạn như vậy mà võ thuật lại cao siêu ngoài mức tưởng tượng.

Đi được một khoảng đường, Tâm Đăng thấy chung quanh càng vắng vẻ, Bệnh Hiệp trỏ tay về phía trước nói :

- Từ đây về sau, chúng ta gặp mặt nhau tại chỗ này, và luyện võ cũng tại chỗ này...

Nói đến đây lão thở hổn hển có vẻ mệt nhọc lắm, Tâm Đăng nhìn theo ngón tay của lão, thấy đó là một cửa hang tối om.

Tâm Đăng nói :

- Bệnh sư phụ, trong đó tối quá...

Câu nói chưa dứt thì Bệnh Hiệp quắc mắt :

- Hừ! Mi là người xuất gia mà lại sợ ma ư? Theo ta vào, cấm nói chuyện, cấm ho...

Nói rồi ho lên vài tiếng, đoạn chuệnh choạng bước vào hang tối, Tâm Đăng theo sau một cách bất đắc dĩ, bụng bảo dạ :

- Tại sao con người ta hễ đến chừng tuổi cao tác lớn, thì lại hay sinh tật? Cô Trúc, Lư Âu và Bệnh Hiệp thảy đều là người dở chứng, sau này ta già không biết có dở chứng như họ không?

Càng đi, phía trước càng tối, Tâm Đăng phải vận hết nhãn lực mà chỉ nhìn thấy có hai thước chiều xa.

Trong bóng tối trập trùng, chỉ nghe thấy hơi thở nặng nhọc của Bệnh Hiệp hòa lẫn với tiếng bước chân rào rạo của hai người...

Chợt Bệnh Hiệp ngoặc sang cánh tả, tứ bề càng thêm đen tối, dưới chân gập ghềnh khúc khủyu, đường sá thật khó đi.

Lúc bấy giờ, Tâm Đăng như một người lạc vào thế giới của tà ma quỷ quái, chàng sờ soạng theo bản năng của mình mà dò từng bước một.

Bên tai chàng, hơi thở của Bệnh Hiệp nhở dần... nhỏ dần... rồi mất hẳn.

Tâm Đăng cả sợ, dừng chân lại nghe ngóng, không những hơi thở của ông ta không nghe thấy, mà tiếng bước chân của ông ta cũng tắt hẳn.

Tâm Đăng hốt hoảng gọi to :

- Bệnh sư phụ!

Chợt nghe tiếng của Bệnh Hiệp mắng từ đằng xa :

- Ta ở đây, mi sợ ư? Sợ gì? Sao đi chậm thế?

Tâm Đăng giật mình kinh dị, thì ra tiếng nói của Bệnh Hiệp đã cách xa chỗ chàng đứng hơn ba trượng, chú nghĩ thầm :

- Cớ sao lão già này đột nhiên đi nhanh như thế? Sao ông ta thấy đường, sao ông ta không ho nữa? Thật là lạ...

Tâm Đăng cười trả lời :

- Tôi không sợ nhưng đường đi tối quá.

Chàng nghe một câu trả lời văng vẳng từ đằng xa :

- Tối quá thì hãy đi chậm lại.

Tâm Đăng lại giật mình vì tiếng nói của lão lại kéo xa khoảng cách thêm hai trượng nữa, và cái giọng hổn hển ban nãy không còn, thay vào đó là một giọng nói mạnh mẽ, sang sảng, đồng vọng khắp bốn bề.

Tâm Đăng nghĩ :

- Thật là lạ! Hay là lão già này đến chỗ tối là tinh thần phấn chấn?

Từ đó về sau, Tâm Đăng hỏi gì cũng chẳng nghe ông ta trả lời, giận quá, Tâm Đăng không hỏi nữa, cứ sờ soạng vào tường mà đi.

Chỗ chàng chạm tay vào, ẩm thấp và ướt át, thỉnh thoảng lại đụng nhằm những loài côn trùng làm cho chàng sợ hãi mà rút tay về.

Gắng gượng đi thêm vài trượng nữa mà không thấy tăm hơi của Bệnh Hiệp đâu, chú lấy làm lạ, chú rướn gân cổ lên gọi mấy tiếng thật to “sư phụ”, mà vẫn không nghe thấy tiếng trả lời.

Đường càng đi càng thấp dần về phía trước, tăm hơi của Bệnh Hiệp vẫn bằn bặt, trong trí chú nảy ra một ý nghĩ hay là Bệnh Hiệp đã chết rồi?

Đang cơn khủng hoảng, chàng thoáng nghe phía trước có tiếng động, chú mắng thầm trong bụng :

- Lão già này cố ý nhát ta.

Đường thấp dần, thấp dần, và bên tai văng vẳng có tiếng ồn ào, trong lòng lấy làm lạ, không biết lão già này dẫn ta đi về đâu?

Trong trí chàng lại nảy ra một ý nghĩ, hay là lão già này ác ý, muốn dẫn ta vào tử địa?

Chú rùng mình rởn óc, chính vào lúc đó một luồng gió lạnh không biết từ đâu thổi tới, Tâm Đăng kinh sợ, vội vàng hai tay bắt ấn, mồm lẩm bẩm đọc Kim Cang Kinh.

Chợt tiếng động dần dần im bặt. Chú vẫn tiếp tục đi, và Bệnh Hiệp không biết vẫn trốn ở nơi nào, trong lòng của Tâm Đăng tức giận lắm.

Chàng gọi thêm mấy tiếng mà chỉ có những âm thanh đồng vọng trả lời mà thôi.

Tức quá, Tâm Đăng đâm bừa mà đi, không còn biết cẩn thận nữa.

Đang đi nhanh bỗng bên tai văng vẳng một câu nói nho nhỏ :

- Thôi dừng lại, hôm nay ta chỉ đi đến chỗ này.

Nghe giọng nói, Tâm Đăng biết ngay là Bệnh Hiệp, vừa dừng chân lại thì nghe ông ta cười rằng :

- Ngồi xuống đây!

Tâm Đăng nãy giờ bị ông ta trêu chọc, bây giờ nổi cáu chẳng chịu ngồi xuống, ông ta mắng :

- Mi là người xuất gia cớ sao độ lượng hẹp hòi...

Tâm Đăng nghe nói vội vàng ngồi bệt xuống dưới đất, nghe thấy đất ở đây ẩm ướt lắm, chàng giật mình đưa tay sờ mó, bất giác rú lên một tiếng hãi hùng vì vừa chạm phải một bộ xương khô.

Còn đang kinh hãi, lại nghe Bệnh Hiệp nói :

- Mi thật là nhát gan, đừng sợ, nó là người bạn già của ta, tên là Kiết Văn Dao, qua đời đã mười năm nay rồi.

Tâm Đăng nghe thấy giọng nói của Bệnh Hiệp não nùng bi thiết lắm, dường như ông ta đang hồi tưởng lại người vợ trăm năm của mình.

Tâm Đăng hỏi :

- Sao Bệnh sư phụ chẳng mai táng hài cốt đi?

Câu hỏi vừa dứt thì Bệnh Hiệp nạt ngang :

- Việc riêng của ta, mi không cần phải biết, ngồi xuống!

Tâm Đăng lấy làm lạ, cớ sao Bệnh Hiệp lại thình lình nổi nóng, chàng vừa ngồi xuống thì Bệnh Hiệp lại nói :

- Bây giờ ta truyền cho mi hãy tụng kinh siêu độ cho vợ ta!

Tâm Đăng gật đầu trong bóng tối trả lời :

- Vâng, tôi sẽ tụng một đoạn kinh siêu độ cho Bệnh sư mẫu.

Nói rồi sờ soạng nhặt một hòn đá gần đó, gõ như gõ mõ rồi bắt đầu ê a tụng kinh.

Trong động sâu, tiếng kinh đồng vọng văng vẳng khắp bốn bề nghe thật là thảm não.

Bệnh Hiệp nhắm nghiền cặp mắt, trong lòng ông ta ngậm ngùi bi thiết, tâm tư của ông ta theo tiếng kinh trầm bổng mà sôi nổi dạt dào, dường như ông ta nhờ tiếng kinh kia đưa về miền cực lạc để mà hội họp với người bạn già đã khuất bóng mười năm.

Không bao lâu, tiếng kinh chấm dứt, Tâm Đăng nghe có hai bàn tay lạnh giá sờ lấy vai mình. Và có người áp mặt lên vai mình thổn thức...

Tiếng khóc nghe thật là bi thảm, từng giọt từng giọt nước mắt rơi xuống vai của Tâm Đăng.

Trong lòng chú vừa sợ hãi, vừa đau đớn, vội vàng đỡ Bệnh Hiệp dậy, khuyên giải ông ta nhưng mà Bệnh Hiệp không những không ngưng tiếng khóc, trái lại nước mắt càng xuống càng nhiều.

Giọng của ông ta cơ hồ lạc hẳn đi, đứng trước cảnh bi thảm đó, lòng của Tâm Đăng cũng ngậm ngùi khôn kể.

Chợt nghe Bệnh Hiệp hơi thở phì phò, dường như mệt nhọc lắm. Ông ngưng khóc, chắc có lẽ đang làm hô hấp thì phải, vì Tâm Đăng nghe hơi thở của ông lần lần điều hòa trở lại.

Tâm Đăng tò mò hỏi :

- Sư phụ cư ngụ tại chỗ này đã được bao lâu rồi?

Lâu lắm mới nghe Bệnh Hiệp trả lời :

- Đừng hỏi chuyện lôi thôi dài dòng, việc chính của mi đến đây là học võ.

Tâm Đăng càu nhàu thầm trong lòng :

- Tính tình của người này thật bất thường!

Bỗng nghe Bệnh Hiệp nói :

- Ban nãy ta cố ý bỏ rơi là để thử ý chí của mi, may nhờ mi là người tu hành, biết đọc kinh và tọa thiền nên mới đủ nghị lực lướt qua.

Trong bóng tối, Tâm Đăng đỏ bừng sắc mặt vì chàng nghĩ Bệnh Hiệp đã đọc thấu tâm tư mình.

Lại nghe Bệnh Hiệp nói :

- Ban nãy mi chê chỗ này tăm tối lắm, có phải không?

Tâm Đăng trả lời :

- Phải!

- Mi lại chê con đường đi này xa quá, có phải không?

- Phải!

- Đó là mi có lòng sợ việc khó và chẳng có kiên tâm bền chí. Điều thứ ba, mi gọi ta chẳng trả lời, mi cho rằng ta đã chết, có phải không?

Tâm Đăng giật mình nghĩ :

- Lão già này thật là khôn khéo, đoán chẳng sai một mảy.

Tâm Đăng lại nhìn nhận và Bệnh Hiệp nói rằng :

- Đó là mi thiếu lòng tin người, sinh ra ngờ vực, thứ tư ban nãy mi đọc lầm thầm chắc là đọc kinh trừ tà.

- Vâng.

- Đó là mi suy nghĩ viển vông, kể người là ma. Thứ năm, ban nãy mi ngập ngừng muốn quay đầu trở lại, phải chăng?

- Bây giờ ta bắt đầu dạy võ cho mi, hãy chú tâm cho kỹ vào.

Đoạn lão vung tay và thi triển thần công, lão nói :

- Tới đâu giảng tới đó.

Bệnh Hiệp ngừng một chút, trả lời :

- Môn võ công này gọi là Đại Thừa thần công, mi có từng nghe qua chăng?

Tâm Đăng suy nghĩ giây lâu, lắc đầu trả lời :

- Không nghe, nhưng mà cái tên này thấy hay quá.

Bệnh Hiệp gật gù :

- Không nghe là phải, cho đến những kẻ giang hồ lão luyện cũng chẳng biết môn võ này, dùng nó để chống cự kẻ thù, dưỡng thân mình cho được trường thọ, thật là một phép báu.

Tâm Đăng nghe nói đến đây, tim đập rộn ràng vì mừng rỡ. Bệnh Hiệp cất giọng sang sảng :

- Bây giờ ta truyền thụ cho mi, nghe này... thái tang chi hư, cực hải chi ảo, tu sanh dưỡng mạng, sở trọng khí nhất...

Tâm Đăng đọc theo nho nhỏ nhưng theo không kịp, Bệnh Hiệp lại nóng nảy thôi thúc luôn mồm, giây lâu ông ta mới cho Tâm Đăng ngơi nghỉ và bảo đêm hôm sau trở lại.

Tâm Đăng sờ soạng lần ra khỏi động, bất giác giật mình, vì bên ngoài trời đã sáng trắng, chú không ngờ chú đã giam mình trong hang sâu suốt một đêm.

Chú quay lại nhìn miệng hang đen tối nghĩ thầm :

- Lão già này suốt đời giam mình trong chỗ u ám như vậy, thảo nào chẳng sinh bệnh.

Nghĩ đoạn chàng lủi thủi trở về Bố Đạt La Cung.

Tâm Đăng rón rén đi vào cổng hậu, dọc đường không gặp chú tiểu nào, và tiếng tụng kinh cũng vắng bặt, chú lấy làm lạ nhưng vì bụng đói nên cứ đi thẳng vào trai đường.

Vào đến đó, Tâm Đăng càng thêm kinh dị, thì ra trong trai đường cũng vắng vẻ, không một bóng người qua lại.

Chén bát trên bàn còn để ngổn ngang chứng tỏ nhiều người đang ăn dở bữa cơm, rồi vội bỏ đó mà đi.

Tâm Đăng nói thầm :

- Thật là lạ, ngót bảy nghìn Lạt Ma đi đâu vắng?

Vừa nghĩ chú vừa vội vã dùng cơm rồi chạy ra chính điện.

Ra đến đó, chú mới hoàn hồn, vì bảy nghìn đồng đạo lúc đó đang đứng xếp hàng giữa sân.

Từ trên thềm đá, có mười mấy vị lão Lạt Ma nghiêm trang đứng đấy, mà chẳng thấy Tạng Tháp.

Toàn thể đồng đạo thảy đều im phăng phắc, lóng tai nghe một vị Lạt Ma lớn tuổi nhất là Mạc Cổ nói chuyện.

Tâm Đăng đi vắng một đêm, trong lòng hổ thẹn, vội vàng chắp tay đứng vào hàng sau chót.

Mạc Cổ thấy Tâm Đăng trở về, bỏ ngang câu chuyện, lớn tiếng hỏi rằng :

- Tâm Đăng, mi lên đây, chúng ta đang chờ mi!

Tâm Đăng không biết việc gì vội vàng tuân lệnh tiến lên. Chúng đồng đạo nghe nói Tâm Đăng quay trở lại, thảy đều quay đầu lại, tiếng xì xào lập tức vang lên, làm cho Tâm Đăng càng lấy làm kinh dị, biết rằng đã có việc quan trọng xảy ra.

Khi chú lên tới chính điện rồi, Mạc Cổ lớn tiếng hỏi :

- Tâm Đăng, đêm qua mi đi đâu?

Tâm Đăng giật mình, biết rằng đêm qua đã có việc lạ lùng xảy ra, vội trả lời :

- Đêm qua tôi không có ra ngoài.

Mạc Cổ lại hỏi :

- Vậy cớ sao sáng nay khi dùng trai ta chẳng thấy mi?

Tâm Đăng trả lời :

- Vì sang năm tôi phải hoàn tục nên canh tư tôi đã thức giấc ra sau chùa để “chôn kinh”.

Thì ra theo tục lệ của Lạt Ma Tây Tạng, cứ mỗi khi gặp phải những việc quan hệ, ví dụ như hoàn tục, như gặp tang hoặc chức vụ được cao thăng, thì thường trở dậy rất sớm, đi đến một nơi vắng vẻ, tụng vài trang kinh rồi chôn kinh xuống đất.

Mạc Cổ nghe nói, gật gù :

- Thôi được, mi hãy trở về.

Tâm Đăng không dám hỏi nhiều thêm nữa, vội vàng lui về phía cuối sân. Mạc Cổ lại bắt đầu nói chuyện, Tâm Đăng hỏi nhỏ một vị đồng đạo đứng bên cạnh :

- Sư huynh, trong chùa xảy ra việc gì?

Chú tiểu ấy nói nhỏ vào tai Tâm Đăng :

- Sáng nay, khi vào giờ thụ trai, có đồng đạo đi thỉnh Tạng Tháp sư phụ, bỗng phát giác Tạng Tháp sư phụ thình lình mất tích, làm cho cả chùa nhốn nháo, điều tra lại thấy sư huynh vắng mặt, ai cũng nghĩ sư huynh mất tích theo Tạng Tháp sư phụ.

Tâm Đăng trong lòng kinh sợ nói thầm :

- Hay là Tạng Tháp bị người ta sát hại rồi? Ai là hung thủ?

Còn đang kinh dị, nghe Mạc Cổ nói :

- Trụ trì đại sư thình lình mất tích mà chẳng để lại chút dấu vết nào, việc này thật đem đến cho chúng ta nhiều lo ngại. Mong rằng Trời Phật sẽ phù hộ cho trụ trì đại sư bình yên trở về. Nếu quá mười ngày mà vẫn bặt tin, thì chúng ta phải cử hành lễ cầu siêu cho trọng thể, để đưa hương hồn trụ trì về nơi cực lạc, đoạn đến Sắc La tự thỉnh vị Đạt Lai đời thứ tư là Vinh Đan đến đây để chủ trì Phật sự.

Dứt lời truyền giải tán, chúng Lạt Ma lần lượt trở về với công việc thường ngày của mình.

Tâm Đăng trở về phòng riêng của mình, gầm đầu suy nghĩ về việc mất tích một cách đột ngột của Tạng Tháp.

Chú nghĩ, Lư Âu đã đi rồi, Bệnh Hiệp thì ngồi với mình suốt đêm dưới hang sâu, vậy thì ai là hung thủ?

Ngày hôm ấy, Bố Đạt La Cung sống trong bầu không khí kinh hoàng, đến khi trời chập choạng, đồng đạo thảy đều rút vào phòng.

Chờ cho đêm khuya, Tâm Đăng lại sẽ lén ra sau chùa, phen này chàng mang theo mồi lửa để soi đường vào hang tối.

Vừa chui ra khỏi cửa hang, chàng gọi to :

- Bệnh sư phụ, Tâm Đăng đến đây.

Không có tiếng trả lời nhưng Tâm Đăng vẫn lầm lũi đi sâu vào hang thẳm.

Đi được mười bước, chàng vội thò tay vào túi móc đá bật lửa lên.

Ánh lửa vừa loé lên, bất thình lình một luồng chưởng phong bay tới rào rào như những đợt sóng hải triều cuồng loạn.

Trong lúc bất ngờ,Tâm Đăng trúng đòn, loạng choạng thối lui ra sau mấy bước, mồi lửa trên tay bị đánh bay ra ngoài mấy trượng.

Tâm Đăng kinh hãi, bỗng nghe giọng khàn khàn của Bệnh Hiệp vang lên :

- Nhớ cho kỹ, từ đây về sau không cho phép mi mang lửa vào đây... Bằng không cớ sao ta lại ở một chỗ tăm tối như vầy?

Tâm Đăng bị mắng trong lòng buồn bã, theo chân ông ta đi sâu vào bên trong.

Tối hôm ấy, chú trả bài không thuộc, bị Bệnh Hiệp mắng cho một trận nên mãi đến canh tư mới được phép ra về.

Chú buồn bã lắm, không biết tại sao nhưng lời triệu của Bệnh Hiệp lại khó học đến thế.

Ra khỏi cửa hang, chàng lủi thủi đi về Bố Đạt La Cung, trong lòng đang ảo não, chợt nghe bên mình có tiếng gọi dịu dàng nho nhỏ :

- Tâm Đăng, ta trở về đây.

Tâm Đăng giật mình quay lại, thấy Trì Phật Anh xuất hiện dưới bóng trăng ngà, đẹp như một vị nữ thần, trên mặt nàng vẫn còn che ngang một vuông lụa màu đen.

Tâm Đăng mừng rỡ nói :

- Cô... cô về đây ư? Sư phụ của cô đâu?

Phật Anh cười niềm nở :

- Theo bà ta thật là khó chịu, ta đã lén trốn về đây, không biết bà ta bây giờ đang ở đâu?

Tâm Đăng nói thầm trong lòng :

- Bệnh sư phụ của ta cũng khó tính, thật hai người giống nhau.

Tâm Đăng hỏi :

- Vậy thì bà ta thế nào cũng trở lại tìm cô, cô về đi.

Phật Anh lộ vẻ bất mãn, hờn dỗi nói :

- Ta đến tìm mi, vừa gặp mặt thì đuổi ta, biết thế, ta không bao giờ thèm đến nữa.

Tâm Đăng hốt hoảng trả lời :

- Tôi không có ý đó, chỉ sợ bà ta tìm đến đây làm rầy...

Phật Anh mỉm cười nói :

- Cũng chẳng sao.

Thế rồi hai người im lìm không nói câu nào nữa, sự im lìm lố bịch đó kéo dài lâu lắm Phật Anh mới nói nho nhỏ :

- Tâm Đăng, chúng ta sang phía trước kia một chút.

Chàng lặng lẽ gật đầu, ngoan ngoãn bước theo Trì Phật Anh.

Đi đến một khoảng trống trên đỉnh đồi, nàng ngồi xuống một gốc cây cổ thụ rồi bảo Tâm Đăng :

- Chúng ta ngồi xuống đây nói chuyện.

Tâm Đăng trống ngực đánh thình thịch cơ hồ mất đi sự bình tĩnh, mặc dầu vuông lụa đen vẫn che ngang trước mặt Phật Anh, nhưng toàn thân nàng vẫn lộ ra một vẻ mỹ miều, khả ái.

Tâm Đăng là một người xuất gia từ thủa bé, bây giờ đột nhiên ngồi gần một người con gái xa lạ, bất giác một thứ cảm giác vừa sợ sệt, vừa lạ lùng xâm chiếm lấy tâm tư.

Tâm Đăng đỏ mặt, ngồi đối diện Phật Anh mà gầm đầu xuống, không dám nhìn thẳng vào mặt nàng.

Ngồi yên rồi, hai người im lìm thêm một chặp nữa, không trao đổi với nhau câu nói nào, một mùi hương thoang thoảng của da thịt người trinh nữ toát ra, hòa trong gió đêm phất ngang trước mũi Tâm Đăng, càng làm cho chú tâm hồn xao xuyến.

Lâu lắm, mới nghe Phật Anh cười khúc khích. Tâm Đăng hỏi :

- Cô cười gì?

Phật Anh đưa tay sửa lại vuông lụa trên mặt mình nói :

- Cớ sao hai đứa mình im lìm không nói chuyện, người ta trông thấy ngỡ rằng mi đang dạy ta nhập định tham thiền.

Tâm Đăng cũng buồn cười nói :

- Tôi không biết nói gì bây giờ!

- Mi có thể hỏi ta nhiều việc. Mi chỉ biết tên ta thôi mà, có thể hỏi những việc khác.

Tâm Đăng vội hỏi :

- Cha mẹ cô là ai? Nhà cô ở đâu?

Không ngờ Phật Anh lại im lìm không trả lời, nàng trầm ngâm giây lâu mới nói :

- Cha mẹ ta qua đời cả rồi! Ta không có nhà!

Tâm Đăng lấy làm lạ, bụng bảo dạ :

- Thôi, ta đừng hỏi đến thân thế của nàng làm cho nàng phải khó chịu, để ta hỏi việc khác vậy.

Tâm Đăng mở lời :

- Cớ sao cô cứ che mặt mãi?

Câu hỏi chưa dứt thì Phật Anh đứng phắt dậy, trả lời :

- Đừng hỏi việc này!

Tâm Đăng giật mình, cũng đứng lên, chợt nghe trong chùa trống điểm canh tư, vội xá chào Phật Anh, nói :

- A di đà Phật! Xin chào nữ thí chủ, tiểu tăng về chùa đây.

Nói rồi không đợi Phật Anh trả lời, chú xoay lưng đi thẳng.

Phật Anh thấy Tâm Đăng bỗng nhiên niệm Phật, và nói một câu đoan chính, dường như cố ý muốn kéo khoảng cách giữa hai người dài ra, trong lòng buồn bã vô cùng.

Tâm Đăng vừa đi vừa nghĩ, những nhân vật mình gặp ngoài đời, bất luận già hay trẻ, trai hay gái, thảy đều tính tình quái đản, gieo vào lòng mình một mối buồn man mác.

Về đến phòng, Tâm Đăng suy nghĩ thật lâu, thấy rằng nếp sống ngoài đời không phù hợp với mình, chú quyết định với mình một việc quan trọng :

- Ta không hoàn tục, cũng không học võ công nữa, ta không bao giờ rời khỏi Bố Đạt La Cung, ta phải tiếp tục tham thiền học đạo, bởi vì chỉ có Phật mới gần gũi với tâm hồn ta nhất.

Nghĩ vậy nên Tâm Đăng quyết tâm từ đây không gặp Bệnh Hiệp và Trì Phật Anh nữa.

Nếu Phật Anh có đến đây tìm chú thì chú sẽ tụng kinh vào mặt cô ta.

Tâm Đăng nghĩ chín chắn rồi, ngả lưng trên giường đánh một giấc đến đúng ngọ.

Sau khi thức giấc, chú ra trai phòng, chợt gặp một chú tiểu chạy đến nói rối rít rằng :

- Sư huynh ơi, Trì thí chủ đã bố thí cho mình hai chục lạng bạc khi xưa đó, bây giờ trở lại.

Tâm Đăng giật mình vội hỏi :

- Đâu rồi?

Chú tiểu ấy trả lời :

- Cô ấy chưa vào chùa, ban nãy tôi ra ngoài hái củi gặp cô ấy đi về phía Bố Đạt La Cung, cô ấy hỏi tôi cớ sao mấy hôm nay trong chùa không tiếp khách thập phương. Tôi chẳng nói thật cho cô ấy biết, tôi nghĩ cô ấy chắc đến tìm sư huynh đó.

Tâm Đăng cười trả lời :

- Nói nhảm nào? Sao lại tìm ta? Chắc có lẽ người ta có khấn nguyền điều chi với Phật, bằng không cớ sao lại bố thí một lần những hai mươi lạng bạc?

Hai người vừa đi vừa trở về phòng, Tâm Đăng vớ lấy một quyển kinh rồi đi về phía chính điện.

Thấy nơi ấy giờ này còn vắng vẻ, Tâm Đăng niệm hương rồi quỳ trước kim thân Phật tổ khe khẽ tụng kinh.

Kinh qua ba tuần trong lòng Tâm Đăng hoàn toàn lắng dịu, thần trí thật là sáng suốt, tiếng kinh trầm bổng đưa tâm hồn chú lâng lâng thoát tục.

Chú lại dâng thêm một nén hương, nhìn những làn khói uốn éo bao chung quanh kim thân Phật tổ, trong lòng của Tâm Đăng nổi lên một nỗi sùng kính và tín ngưỡng vô biên.

Lâu lắm, chàng nghe thấy bốn bề yên tĩnh mới mở mắt, chú lẩm bẩm nói với mình :

- A di đà Phật, rất may là ta không lung lay ý chí. Ta phải tụng thêm vài đoạn kinh...

Từ đó về sau, Tâm Đăng để hết tâm trí vào việc tụng kinh, tọa thiền, những môn võ công Cô Trúc dạy khi xưa cũng đều bỏ dở, những biến cố đã dồn dập xảy ra trong Bố Đạt La Cung và câu chuyện Tàm Tang khẩu quyết, chú thảy đều quên phăng tất cả.

Cho đến cái hình dáng mỹ miều khả ái của Trì Phật Anh cũng bị xóa nhòa trong tâm khảm. Một lần nữa chứng minh quả thật Phật pháp có một sức mạnh vô biên.

Trải qua hai ngày, đêm ấy theo thường lệ Tâm Đăng vào Phật điện tụng kinh.

Lên hương vừa xong, tiếng mõ vừa vang vang trỗi dậy thì sau bức tượng Phật lại nổi lên một tràng ho rũ rượi.

Tâm Đăng lại giật mình thầm bảo :

- Ma đầu lại đến, ta phải tiếp tục tụng kinh đừng để cho nó quấy rối...

Thế là tiếng mõ lại vang vang trỗi dậy hòa lẫn với tiếng kinh lúc trầm lúc bổng.

Một lát sau, Bệnh Hiệp lại lóp ngóp bò ra, ông ta thấy thần sắc của Tâm Đăng càng lúc càng trang nghiêm, đĩnh đạc, ông ta thở dài ảo não :

- Oan gia, ta lại đến đây, mi có thay đổi ý kiến chưa?

Tâm Đăng không trả lời, Bệnh Hiệp vừa ho vừa nức nở :

- Mi thật là nhẫn tâm... mi nỡ lòng nào nhìn một lão già sắp chết mà chẳng tiếp cứu?

Tâm Đăng vẫn không trả lời, hai tay chú bắt quyết, hai mắt chú nhắm nghiền, mồm lẩm nhẩm đọc kinh.

Tiếng khóc than rầm rĩ của Bệnh Hiệp kéo dài thêm một lúc rồi mất đi lúc nào không biết.

Trời gần sáng Tâm Đăng mới uể oải trở về phòng. Ngày kế đó, Bệnh Hiệp không thấy xuất hiện mà Trì Phật Anh cũng chẳng thấy tăm hơi, Tâm Đăng yên lành đọc kinh được một bữa.

Nhưng đến ngày kế đó thì Bệnh Hiệp lại xuất hiện, bệnh tình của ông càng trầm trọng, ông khóc lóc, nài nỉ Tâm Đăng suốt một đêm.

Một đêm ấy, tinh thần của Tâm Đăng trải qua một cơn khủng hoảng, hai ý niệm giằng co kịch liệt trong đầu óc của chú...

Rốt cuộc chú mở bừng cặp mắt, thấy Bệnh Hiệp ngồi rầu rĩ một bên, cầm lòng không đậu, chú thò tay ra đỡ Bệnh Hiệp mà hỏi :

- Bệnh sư phụ, bệnh tình của sư phụ ra sao?

Bệnh Hiệp nổi lên một cơn ho rũ rượi, thần sắc xanh rờn, nói qua làn hơi hổn hển yếu ớt :

- Tâm Đăng... mi đừng quên mi đã hứa sẽ giúp ta làm một việc...

Tâm Đăng nghe qua, lòng đau như cắt, trong lòng chú không thể giữ bình thản như xưa nữa, từng giọt... từng giọt nước mắt nóng hổi lăn tròn trên má chú rồi rơi thánh thót xuống vai của Bệnh Hiệp...

Tâm Đăng rền rĩ :

- Bệnh sư phụ... sao chẳng buông tha cho tôi? Ngót bảy nghìn Lạt Ma trong Bố Đạt La Cung chẳng lẽ không có một người vừa lòng sư phụ? Mà sư phụ nhất định chọn tôi?

Bệnh Hiệp tựa lưng vào lòng của Tâm Đăng, phều phào nói :

- Chỉ có mi... chỉ có mi mới có thể thực hiện ý nguyện của ta, mi hãy hứa... hãy hứa đi.

Thế rồi Tâm Đăng lặng lẽ cúi đầu, run rẩy trả lời :

- Bệnh sư phụ... thôi thì tôi hứa vậy!

Dứt lời, Tâm Đăng gục đầu lên vai của Bệnh Hiệp, nức nở liên hồi.