Cảnh Ninh ngẩng đầu, cô thấy được nét mặt mệt mỏi của bản thân trong mắt Ngân Xuyên. Cô đã ngồi một mình dưới hàng hiên rất lâu rồi, đầu óc cô trống rỗng, cũng chẳng biết anh đã tới tự bao giờ.
Anh dịu dàng nói: “Em về trường đi, ở đây cũng không làm được gì đâu. Bệnh tình của cha không nghiêm trọng. A Huyên đâu rồi?”
“Mẹ bảo anh ấy đi tìm bác Thiệu.”
Ngân Xuyên thầm cười lạnh: “Chắc là sợ chia gia sản nên muốn tìm chỗ dựa.”
“Anh cả, anh xử lý xong công việc chưa?” Cảnh Ninh hỏi, ba ngày nay anh gần như không ở nhà, lúc nào cô cũng lo anh vất vả quá, vì giờ đây anh đã rất gầy rồi.
Ngân Xuyên không trả lời câu hỏi của cô, anh chỉ nói: “Em không cần ở lì trong nhà đâu. Đã có anh rồi, còn cả mẹ và anh hai em nữa, đừng để việc này làm ảnh hưởng tới chuyện quan trọng của em.”
Cô đỏ bừng mặt vì ba chữ “chuyện quan trọng”, nhưng cũng không dám chắc ý anh là gì. Cô nhìn anh, ánh mắt anh rất bình tĩnh, có vẻ như không hề thất vọng, mà tựa đang bình thản vì đã có thể buông bỏ một thứ gì đó. Anh từng nói anh mong cô hạnh phúc, cô nhìn thấy niềm kỳ vọng ấy trong mắt anh, nhưng cô chưa từng cảm thấy nhẹ nhõm, mà thậm chí còn thoáng đau khổ vì sự xa cách đang càng lúc càng rõ nét giữa họ.
“Em muốn đi thì đi mau lên, đến nơi em muốn, để người đó chăm sóc cho em. Giờ em đang có cơ hội, nhưng ngồi nhà thế này không giúp em nắm được cơ hội ấy đâu.”
“Anh… thật sự đồng ý để em đi ư?” Nét hoài nghi hiển hiện trên gương mặt cô.
Giọng điệu anh vô cùng kiên định, nói như muốn ép chính mình phải tin: “Đúng, anh muốn em rời khỏi Hán Khẩu ngay bây giờ. Anh mong em có thể hạnh phúc.” Rồi anh vội vã dời mắt, bước tới phòng ngủ của Thịnh Đường.
Cảnh Ninh điếng người. Cô nhìn bóng lưng anh, cảm thấy cơ thể mình cứng đờ như tượng. Lát sau, bà Vân cũng bước ra, gương mặt nhuốm màu âu lo. Cảnh Ninh tưởng cha làm sao, nào ngờ mẹ lại run rẩy thốt: “Liệu hôm nay cha con có để lại lời trăng trối không? Cứ nằng nặc đòi gọi anh cả con về, chắc chắn là có điềm gì rồi.”
Cảnh Ninh thấy phản cảm tự tận sâu đáy lòng, cô máy móc cất lời: “Con muốn về trường.”
Bà Vân trừng mắt nhìn cô: “Lát cha tìm con thì sao? Lúc chia gia sản con không có phần thì có khóc cũng chẳng kịp.”
“Con sẽ không khóc vì chuyện này.” Cảnh Ninh nói, “Mẹ, con không quan tâm.”
Bà Vân tức giận tới trắng bệch mặt mũi, bà cười lạnh: “Con không quan tâm, vì con có phải nhọc lòng bao giờ đâu! Càng không quan tâm càng có người khổ sở hiến kế tranh giành hộ con, chẳng làm gì cả mà thứ gì cũng có, người ta gọi đây là tốt số đấy. Con cứ mặc kệ tất cả đi, để cho mẹ con khổ cả đời, nhọc lòng cả đời.”
Cảnh Ninh nén rơi lệ, nói: “Nếu là gia sản thì mẹ thật sự không cần tranh giành cho con đâu. Giờ con chỉ mong mình có thể đoản mệnh chết luôn đi, như vậy mẹ cũng đỡ phải phiền lòng. Nếu con được chia một phần gia sản, con cam tâm tình nguyện để lại cho mẹ, nhưng lỡ cha không cho con thì con cũng chịu. Chỉ tiếc giờ con không dám chết, con sợ đau, sợ phiền toái, còn nhát gan không nỡ lìa đời, con là một đứa chuyên gây tai họa, ích kỷ chỉ biết đến mình. Chi bằng ngày ngày khi thắp hương mẹ hãy xin ông trời sớm đưa con đi, để mẹ không phải khổ vì con, coi như phí công sinh ra đứa con gái này.”
Bà Vân không ngờ cô sẽ nói những lời ấy, nghe mà nước mắt bà chảy ròng ròng. Cảnh Ninh thấy mẹ như vậy, cuối cùng vẫn đau lòng, quay lại vươn hai tay ôm bà. Bà Vân mềm lòng, ôm con khóc nức nở. Lúc này, cửa phòng Thịnh Đường được người bên trong nhẹ nhàng khép lại. Bà Vân càng thấp thỏm không yên, bà ta biết hai vị chủ nhân của nhà họ Phan đang bắt đầu trò chuyện rồi. Có lẽ cuộc trò chuyện này sẽ thay đổi số mệnh của tất thảy các thành viên trong gia tộc.
Cây tỏa bóng sum suê, tiếng gió ngoài cửa nghe như triều dâng, ánh trăng vội vã chảy xuôi trên mặt đất.
Ngân Xuyên đóng cửa, ngồi xuống trước cửa sổ, mặt đối mặt với Thịnh Đường. Ánh đèn phủ lên gương mặt xâm xẩm hoàng hôn của Thịnh Đường, đôi đồng tử của ông ta in bóng sáng như vằn da hổ: “A Sâm, con có muốn nghe chút chuyện quá khứ không?”
Ngân Xuyên đáp: “Có sức ông cứ nói, còn không thì không cần.”
Thịnh Đường như không nghe thấy lời anh, ông chỉ cười nhạt: “Trước khi Mẫn Huyên hứa hôn với ta, các thanh niên tài giỏi nổi danh Quảng Châu đua nhau nô nức tới nhà họ Vinh cầu hôn. Đến cả Trịnh Đình Quan cũng đích thân nhờ bà mai ghé đến Vinh gia. Khi ấy, gần như cả Tây Quan đều nằm trong tay nhà họ Trịnh, sự nghiệp kinh doanh của Trịnh Đình Quan tại hải ngoại cũng rất phát triển. So với Trịnh Đình Quan, ta thua kém cả về gia thế lẫn thực lực. Nhưng mẹ con không hề động lòng, cô ấy luôn thanh cao kiêu ngạo, Trịnh Đình Quan đã có thê thiếp, đương nhiên Mẫn Huyên sẽ không chịu kiếp chung chồng. Hơn nữa, hồi ông ngoại con mới tới Quảng Châu nhậm chức, ta có giúp nhà họ Vinh xử lý rất nhiều chuyện. Mẫn Huyên và ta đã quen nhau từ trước. Vừa gặp Mẫn Huyên ta đã ái mộ cô ấy, chỉ tiếc Mẫn Huyên là một tiểu thư khuê các chân chính.”
Ngân Xuyên mím chặt môi, hơi thở dần gấp gáp.
Thịnh Đường đắm chìm trong hồi ức, ánh mắt mông lung: “Một tiểu thư khuê các sẽ không dễ dàng để lộ trái tim của mình cho người khác thấy. Dù có yêu ai tới chết đi sống lại, cô ấy cũng sẽ chôn sâu bí mật ấy vào lòng. Cái tính ấy đã hại ta và hại cả mẹ con. Đến khi Mẫn Huyên cưới ta rồi, ta vẫn không dám chắc liệu cô ấy có thật sự bằng lòng gả cho mình không. Cô ấy còn rất trẻ, hơn nữa lại vô cùng xinh đẹp, sao cô ấy lại để ý tới ta chứ? Còn ta… nhà họ Phan từng sa sút suốt một khoảng thời gian dài, dù ta có phát tài cũng chẳng khác gì đám nhà giàu mới nổi. Khi cô ấy cau mày, khi cô ấy im lặng, ta luôn cảm thấy ta và cô ấy cách nhau một khoảng rất xa. Dù ta có bạt mạng làm ăn kiếm tiền, ra sức dấn thân vào xã hội thượng lưu Quảng Châu, khoảng cách này vẫn không thể rút ngắn. Cô ấy như một bình hoa đẹp đẽ, một bộ đồ đắt đỏ. Ta rất thích chúng, muốn có chúng, trút hết tâm sức để đoạt lấy chúng, nhưng lại không dùng được, cũng chẳng mặc nổi. Ta sợ bình hoa rơi vỡ, sợ áo quần mặc lên không vừa, muốn vứt đi nhưng lại không nỡ… Con thử nói xem ta có thích cô ấy không? Có lẽ. Nếu ta thật sự không yêu Mẫn Huyên thì sao ta lại nghĩ không thông như vậy, tại sao lại làm ra vô số những chuyện trái với lương tâm mình như vậy? Bài thơ con để nữ ca sĩ hát trong buổi tiệc ăn mừng là thơ ta viết cho Mẫn Huyên, con có tưởng tượng nổi không? Kẻ như ta mà cũng viết thơ tình cho người phụ nữ mình yêu.”
“Lòng mẹ chỉ có mình ông.” Ngân Xuyên nghiến răng, “Đến lúc chết bà vẫn nhớ tới ông. Tận khi sắp chết mẹ vẫn đọc bài thơ ấy.”
Thịnh Đường chật vật vươn tay ra sau lưng, vỗ lên chiếc gối dựa chèn bên eo: “Kể ra thì thật mỉa mai, lúc cưới Mẫn Huyên, ta thề sẽ coi cô ấy như báu vật, nhưng thực tế ta đã ép cô ấy phải chết. Cô ấy tự sát không chỉ một lần. Lần đầu tiên là vào cái đêm ta phản bội cô ấy…”
Chợt ông ta thoáng thấy choáng váng, tiếng guốc gỗ và bóng buồm bên bờ Châu Giang như ẩn như hiện trước mắt.
Người vợ trẻ trung xinh đẹp, đôi chân nhỏ bé giẫm lên boong thuyền hoa, thuyền chòng chành trên nước, ông ta cẩn thận dìu cô vào khoang thuyền. Cô ngồi xuống, nở nụ cười dịu dàng tỏ ý biết ơn. Lòng ông ta chợt bị chiếm đóng bởi nỗi bi thương. Ông ta không tài nào nhìn thẳng vào gương mặt sáng trong ấy. Đôi mắt trong veo của Mẫn Huyên lấp lánh sóng nước, nhìn ông thoáng vẻ thắc mắc. Ông ta chợt đặt một nụ hôn thật sâu lên bờ môi mềm mại của cô. Cô giật mình, bàn tay chặn trước ngực ông ta. Mẫn Huyên luôn nhẹ nhàng dè dặt, cô có phần kháng cự trước sự đường đột của ông ta. Ông ta chợt thấy nản chí, chỉ nói: “Anh có chút chuyện phải xử lý, em ngồi đây đợi anh nhé.”
Cô dịu dàng đồng ý, ông ta vội vã quay người dợm đi.
“Thịnh Đường!” Cô gọi tên ông ta.
Bước chân ông ta khựng lại. Cô ngượng ngùng cúi đầu, như một đứa trẻ bẽn lẽn: “Em hơi đói.”
Ông ta mỉm cười đáp: “Anh sẽ mang bánh củ năng về.”
Cô đỏ mặt gật đầu, ông ta không nén nổi lệ, thành lũy vững chắc trong lòng suýt nữa đã sụp đổ tan tành, ông bèn nhẫn tâm, vội vã bước khỏi khoang thuyền.
Nhà ai đang ca:
“Hoa rơi ngợp trời che trăng sáng,
Mượn rượu này xin kính Phượng Đài,
Đôi bóng cây âm u Khởi Điện,
Vạn minh châu chiếu phấn hoa vàng…
Ôi, ôi, thuyền nhẹ phương xa, núi muôn trùng…
Rồi nhà ai lại đang gõ trống.
Tùng, tùng… Thuyền nhẹ đi xa… Người cách muôn trùng núi… ”
Tiếng nước róc rách, bông sứ tỏa hương ngào ngạt, ánh trăng thê lương, cuối cùng khi ông ta rời xa bờ sông, lần cuối ngoảnh đầu lại, rừng vải rậm rạp che bóng, Thịnh Đường đã chẳng phân biệt nổi cô đang trên chiếc thuyền nào rồi. Thuyền dân trên Châu Giang đông nghìn nghịt, thuyền hoa chạm trổ hoa lệ cũng nhiều không sao đếm xuể, đám nam nữ trên đó hoặc đang say sưa vui thú, hoặc đang sinh ly tử biệt, vạn sự cõi trần đều được nước sông mang về nơi phương xa trong im hơi lặng tiếng, hòa vào làn khói đen phủ kín chân trời.
Ngày hôm sau, ba trăm nghìn lượng bạc được rót vào tài khoản. Phan Thịnh Đường trở thành tổng mại bản của hiệu buôn Tây Phổ Huệ như ý nguyện, người trong họ bày tiệc rượu linh đình, chúc tụng đại thiếu gia nhà họ Phan được ngồi lên cái ghế thủ lĩnh phòng kế toán Hoa.
Sáng sớm hôm ấy Hà Sĩ Văn đón Vinh Mẫn Huyên về nhà, còn Trịnh Đình Quan cũng rời Quảng Châu đi Nam Dương ngay trong ngày.
Lúc bẩm báo lại tình hình, ánh lệ thoáng lướt qua mắt Hà Sĩ Văn: “Trịnh Đình Quan ngồi ngoài đầu thuyền, khoác một chiếc áo mỏng, vẻ mặt hết sức chật vật. Thấy tôi đến, anh ta gõ cửa khoang thuyền, nói: ‘Cô Phan, người nhà cô tới đón cô.’ Cô bèn khẽ đáp lời… Vào khoang thuyền, tôi thấy xiêm áo cô ướt đẫm. Hóa ra đêm qua Trịnh Đình Quan sợ cô nhảy khỏi thuyền chạy mất nên đã chèo thuyền ra giữa sông. Nhưng cô, cô lại nhân lúc anh ta… anh ta không để ý để lao xuống sông. Cũng may vẫn cứu lên được.”
Ban đầu, dù Mẫn Huyên có hành xử kích động tới mức nào, Thịnh Đường cũng sẵn lòng lượng thứ. Ông ta khẩn nài Vinh Mãn Huyên tha thứ, ra sức giải thích trên thương trường Trịnh Đình Quan chèn ép mình tới mức nào, mất đi cơ hội trở thành tổng mại bản của Phổ Huệ sẽ khiến nhà họ Phan tổn thất ra sao, thứ uy danh thời Chợ Mười Ba khó khăn lắm Phan gia mới tìm lại được không thể sụp đổ, ông ta vẫn sẽ đối xử với cô như xưa… Cô hoàn toàn không nghe lọt tai lời nào. Không nghe cũng chẳng hề gì, ông ta nghĩ mình vẫn sẽ yêu cô như trước. Thậm chí ông ta còn đưa cô về ở trong một căn biệt thự ngoại ô, lánh xa sự huyên náo thị thành, bên cô như hình với bóng suốt nửa tháng. Với một kẻ luôn cần cù công việc như ông ta mà nói, đây chẳng phải chuyện gì dễ dàng cho cam. Nhưng tính tình Mẫn Huyên đã thay đổi hoàn toàn, cô không còn thuận theo kẻ khác, cũng chẳng bao giờ dịu dàng ngoan ngoãn nữa. Họ hàng Phan gia không biết nguyên do, chỉ nghĩ cô tiểu thư nhà quan này kiêu ngạo xấc láo, không giữ được nết đàn bà. Bọn họ ghét bỏ cô, chửi rủa cô, còn cô thì khinh thường chẳng buồn phản bác. Cứ thế suốt một năm, đến Thịnh Đường cũng thấy vô vị. Cách hay nhất để trốn tránh sự tủi nhục và áy náy chính là lãng quên. Ông ta không thể chịu nổi bộ dạng của bản thân mỗi lần đối mặt với cô, cái bộ dạng nhún nhường tủi hổ ấy.
Càng lúc Thịnh Đường càng đắm chìm vào kinh doanh, thành công trong sự nghiệp như một tấm mạng nhện long lanh mật ong, khiến ông ta lưu luyến thức ngon ngọt, rồi lọt vào vòng xoáy không sao vùng vẫy thoát ra. Đối với một người đàn ông hừng hực dã tâm, chẳng gì không thể mang ra đổi chác. Tiền đồ vững chắc đang bày trước mắt, tất cả những điều còn lại đều có thể vứt bỏ sau lưng. Ông ta lặn lội khắp Thượng Hải, Hán Khẩu, Ninh Ba, thậm chí là lên thuyền viễn xứ, để Mẫn Huyên cô độc ở nhà. Đến tận khi tin ông ta cưới vợ lẽ truyền từ Hán Khẩu tới Quảng Châu, Mẫn Huyên sốc nặng, lần đầu trong đời cô buông bỏ sự kiêu ngạo của mình, viết thư cầu xin ông ta về nhà. Thịnh Đường hân hoan trở lại, rồi sau đó, cô có thai, sinh con… Ông ta từng chắc chắn cho rằng đó là con của mình.
Trong khoảng thời gian bình yên ngắn ngủi này, nhiều lúc ông ta tìm được đôi chút ấm áp như thuở mới kết hôn, nhưng nó mong manh như một lớp băng mỏng, ẩn nấp bên dưới là dòng xoáy của hỗn loạn và hoài nghi. Gió táp ập tới, dễ như trở bàn tay. Lần này, nó đã hủy diệt tất cả.
Thịnh Đường cũng tự thấy nực cười, tại sao cuộc đời mình lại có một nhân vật như Vinh Mẫn Huyên. Ông ta khôn ngoan lý trí, kiên định vững lòng là thế, ông ta hoàn toàn có thể gạt bỏ một người phụ nữ không hề có trọng lượng, chỉ là một người phụ nữ thôi mà, có phú thương nào lại thiếu đàn bà không? Cô ta là tiểu thư nhà quan thì có sao? Ông ta đã đoạt được thứ mình cần từ nhà họ Vinh rồi, phàm là dân kinh doanh có đầu óc ở Quảng Châu đều hiểu rõ lý lẽ này: “Quen quan lại nghèo, quen thương buôn giàu, quen con bạc thua mất quần, quen hòa thượng được vài món cơm chay.” Kết cục của những kẻ kết giao với quan phủ hầu như chỉ có hụt tiền lỗ vốn, nên biết thu tay đúng lúc mới là khôn khéo. Giá trị lợi dụng từ thân phận cao quý của Vinh Mẫn Huyên chẳng kéo dài được lâu. Nhà họ Vinh bại trận, giá trị này cũng cạn, Phan Thịnh Đường mang thân phận con rể nhà họ Vinh, đồng nghĩa với việc phải đối đầu với không ít hiểm nguy.
Nhưng cô vẫn là ngoại lệ mà ông ta không sao khống chế nổi. Vừa nhìn thấy cô, Phan Thịnh Đường đã cảm thấy như thất tình lục dục, tham sân si của mình bị lột trần sạch sẽ, cô chính là oan gia, là tai họa của ông ta.
Phát hiện cô lén tư thông cùng Trịnh Đình Quan, Thịnh Đường chợt có cảm giác như trút được gánh nặng. Ông ta không muốn tìm hiểu lý do sâu xa, không muốn nghĩ tới chuyện mình từ chối giúp đỡ người cha vợ lưu đày đã khiến cô đau lòng thất vọng nhường nào. Chọn lựa thù hận luôn dễ dàng hơn là yêu thương si dại. Chọn chiếm đoạt và phá hủy luôn thoải mái hơn là buông tay và tha thứ. Bán Mẫn Huyên để đổi lấy tiền bạc là nỗi sỉ nhục lớn nhất đời ông ta. Ông ta thấy cảm giác không còn nợ nần cô thật dễ chịu, cảm giác không còn thấp kém hơn cô lại càng tuyệt diệu hơn. Sự phản bội của cô đã ân xá cho tội lỗi Phan Thịnh Đường gây ra với cô. Cuối cùng ông ta cũng trong sạch, còn cô thì dơ bẩn cùng cực.
Mọi chuyện trở nên đơn giản hơn nhiều. Ông ta có thể hành hạ cô, làm nhục cô, bỏ mặc cô, hưởng thụ sự kiêu ngạo của kẻ bề trên mà chẳng cần hổ thẹn. Ông ta có thể thoải mái báo thù, tấn công Trịnh Đình Quan, cứ thế cho đến lúc đã cất bước cuối cùng tàn nhẫn tuyệt tình nhất…
Hồi ức đóng băng, rời rạc, ngổn ngang. Những đường nét tưởng nặng nề mà sao nhẹ bẫng, những vỡ vụn như ẩn như hiện, khẽ khàng di động trong lòng ông ta. Vết thương năm xưa ứa máu tươi, nhưng chủ nhân của nó đã có thể coi nhẹ cơn đau nó đem lại, rải một lớp muối giễu cợt lên như tự hành hạ bản thân.
Thịnh Đường cười ha hả, giọng ông ta khàn khàn vỡ vụn, ông ta thờ ơ nói: “Nếu con là ta, khi con biết người phụ nữ mình yêu tư thông với kẻ thù sau lưng con, đứa con con yêu như châu báu có thể là nghiệt chủng của gã gian phu nọ, con sẽ làm gì?”
Hai tay Ngân Xuyên lạnh ngắt, ánh mắt sắc lẹm nhìn thẳng vào mắt ông ta: “Tôi không phải ông.”
“Con không phải ta, nhưng chưa chắc con sẽ không rơi vào tình cảnh như ta năm ấy.”
“Không thể.”
Thịnh Đường lại cười khà khà: “Một đời dài lắm, chẳng thể chắc chắn nổi đâu. Nếu một ngày được thấy con trở nên giống ta, chắc hẳn sẽ phải thú vị lắm…”
Ngân Xuyên nhướng mày: “Tinh thần ông tốt hơn nhiều rồi, không phải là hồi quang phản chiếu đấy chứ?”
Thịnh Đường thở dài, như đang vô cùng bất lực: “Ta phải nhanh bàn chuyện chính thôi. A Sâm, trong ba ngày này con đã sắp xếp những gì cho ta rồi?”