Cơn dông trước đó giục giã khơi dậy mùi hương cỏ cây trong vườn, khu vườn giờ tràn ngập thứ hương thơm nồng nàn, tiếng nước trút như tiếng thác đổ, hàng bạch đinh hương đẹp đẽ ngăn cách kênh nước với con đường mòn, dưới ánh đèn đêm, những cánh hoa trắng muốt đầu cành được phủ một tầng sáng bàng bạc, cứ chốc chốc bụi cỏ lại khẽ rung lên, chắc là có chim chóc hay chú chuột nào nấp bên trong, nhưng cũng có thể chỉ là gió thổi, là tiếng thổn thức của màn đêm. Giọt mưa trượt theo lá cây, sà xuống vầng trán nóng hầm hập của Cảnh Sâm, anh thấy chân mình mềm nhũn. Trong màn sương mù, những tia sáng trải dệt chằng chịt dưới đất như đan lưới, nhưng anh vẫn phải bước vào, nhích từng bước về phía trước.
Thực ra, kể từ giờ khắc bước ra khỏi nhà trọ, không, từ khi anh biết cô ta bày mưu tính kế để thò chân vào nhà họ Phan, anh cũng đã đoán được kết cục của cô gái này rồi. Cái chết của cô ta đã được định sẵn, và anh cũng không thoát khỏi liên can. Thật ra anh nên cảm ơn cô ta, nếu không nhờ cô ta thì e giờ này anh đã mất mạng trước lưỡi dao nhọn, chứ chẳng phải chỉ trả giá bằng một cái tai. Anh thừa nhận Địch Huệ Lan đã cứu mạng anh vào thời khắc quan trọng nhất, có lẽ đến chính cô ta cũng không ngờ tới chuyện này. Cô ta đã trả giá, còn điều duy nhất anh có thể làm là thừa nhận với Địch Huệ Lan mình đang diễn kịch với cô ta, ngay trước thời khắc cô ta bỏ mạng.
Nghĩ tới đây, Cảnh Sâm rùng mình ớn lạnh, sự ẩn nhẫn suốt bao năm đã trở thành một con rắn độc chẳng ai chế ngự nổi, nó trú mình trong lòng anh, rồi cứ thế lớn dần, cứ thế gom góp tích cóp sức lực.
Đây không phải chủ ý của anh, nhưng anh không thể khống chế nó. Anh không biết những kẻ đó đã sát hại cô ta ra sao, cũng chẳng muốn tìm hiểu, thậm chí anh còn không muốn nghe bất cứ lời nào về người phụ nữ ấy. Nhưng anh tin chắc trước khi chết Địch Huệ Lan đã ôm nỗi hận thù sâu nặng tột cùng với anh, nghĩ tới đây, anh lại an ủi bản thân, mình cũng chẳng có lỗi với cô ta tới độ ấy.
Phan Thịnh Đường không có nhà.
Năm trăm nghìn hiện kim là một cú đòn trời giáng cho nhà họ Phan, hơn nữa giờ Hiệu buôn Tây Phổ Huệ còn đang trong giai đoạn then chốt, chỉ cần thiếu thận trọng một chút thôi cũng sẽ ảnh hưởng tới tương lai về sau của nhà họ Phan, xét ra thì chuyện vỗ về ba mẹ con còn chưa hoàn hồn là việc của sau này, vẫn có rất nhiều điều còn quan trọng hơn.
Phòng Cảnh Huyên rất yên tĩnh, bác sĩ đã tiêm thuốc an thần cho cậu, không biết trong cơn mê man, cậu có bị nỗi sợ hãi và đau đớn bủa vây không. Phòng Cảnh Ninh lại có tiếng trò chuyện, thỉnh thoảng giọng cười vui được cố nén xuống thật nhỏ lại vang lên, Cảnh Sâm ngạc nhiên dừng bước.
Tiểu Quân bưng khay bước khỏi phòng Cảnh Ninh, Cảnh Sâm bèn gọi cô ta lại, Tiểu Quân nói: “Mấy người bạn của cô chủ tới chúc mừng sinh nhật, hôm nay cô ấy buồn lắm, có người bên cạnh cũng tốt.”
Cảnh Sâm sực tỉnh, trở lại phòng nghỉ ngơi. Nằm trên giường, anh thấy người mình đau nhức như bị ai bẻ xương bẻ cốt, anh thở dốc, hơi thở nóng hừng hực, nếu ốm được một trận cũng tốt. Chưa được bao lâu đã có tiếng bước chân vọng lại từ ngoài hành lang, Cảnh Ninh tiễn bạn ra ngoài, mấy đứa nhóc đứng chào nhau bên cầu thang, anh nghe tiếng chúng láng máng, kìm lòng không đậu vươn tay lần bên gối, chạm vào sợi dây chuyền bị Cảnh Ninh vứt đi, anh chợt nảy ra một ý nghĩ cố chấp, muốn đưa món quà này cho Cảnh Ninh ngay, dù từ đầu cô đã không muốn nhận nó. Không muốn cũng phải nhận.
Anh tiến thật nhanh ra mở cửa, mấy vị khách nhỏ đang bước xuống cầu thang, Cảnh Sâm bắt gặp cậu nhóc tên Mạnh Tử Chiêu, cậu đi phía sau chót hàng, bước chậm rì rì, rồi chợt lại quay đầu toét miệng cười với Cảnh Ninh, rón rén đưa tay lên trước ngực, vẫy vẫy với cô, như thể đây là một thứ ám hiệu mà chỉ hai đứa mới biết, có lẽ Cảnh Ninh cũng đã đáp lại cậu bằng một nụ cười đáng yêu, cậu bạn bèn hài lòng quay người rời đi, Cảnh Ninh tựa cằm lên lan can, đưa mắt nhìn theo đám bạn, quyến luyến không nỡ rời.
Cảnh Sâm khẽ cất tiếng gọi cô.
Cảnh Ninh quay đầu, thấy anh đứng trước cửa, nụ cười trên gương mặt cô dần tắt, sóng nước đau buồn lập tức dâng lên trong đôi mắt đen láy, cô bất giác cúi đầu, vội vã chạy vào phòng mình, đóng rầm cửa lại như né tránh sự truy đuổi của một cơn ác mộng.
Nụ cười bên khóe môi Cảnh Sâm dần trở nên lạnh lẽo, lạnh đến tận tâm can. Anh hiểu cô, cô không dám đối mặt với anh cũng chỉ vì áy náy với anh hai mình, trong cơn tự trách, cô chuyển luôn nỗi oán hận lên “kẻ vô tội” là anh, lên người anh cả chiều chuộng nghe lời cô răm rắp. Anh không trách cô, nhưng anh biết rõ người duy nhất lưu luyến mình trong căn nhà này cũng đang bắt đầu chọn cách trốn tránh anh.
Lúc nào cũng vậy, tất cả mọi người đều đòi hỏi vô cớ từ anh, dù có là lúc nào, dù anh có bỏ ra bao nhiêu tình cảm cho họ, dù anh có đợi chờ họ bao lâu. Vào giờ khắc quan trọng nhất, tất cả bọn họ đều sẽ quên mất một chuyện, đó là Phan Cảnh Sâm không phải một con rối, không phải là gỗ đá, không phải kẻ ngu, không phải công cụ hay món đồ chơi, anh là con người, anh có máu có thịt, anh biết đau khổ, biết yếu mềm, anh biết sợ hãi, cũng biết co mình lại trước cô độc. Những kẻ ấy chỉ biết đòi hỏi. Vắt kiệt anh rồi, họ sẽ vứt anh đi.
Dây chuyền đã bị quẳng vào ngăn kéo, nằm dưới mấy bản thiết kế. Cảnh Sâm từng đăng ký mấy lớp mỹ thuật, ngây thơ cự tuyệt yêu cầu bắt đầu học từ căn bản của thầy giáo, đó đã là chuyện của hai năm trước, anh nói với thầy anh chỉ muốn vẽ hoa hồng. Vẽ nụ hoa đang chực hé, rồi nở bung rực rỡ, rồi lụi tàn, vẽ cánh đơn, cánh kép, vẽ đủ những loại màu sắc… Anh cố chấp vẽ, trong lúc phác họa những cánh hoa, anh cảm nhận được sự tĩnh lặng và ấm áp bên trong chúng.
Khi đối mặt với hiện thực, những ý nghĩ đẹp đẽ luôn khiến người ta phải thất vọng, giống như bông hồng anh tự tay vẽ vậy, nó biến thành bản vẽ, được đưa cho thợ làm trang sức, đánh ra một món quà sinh nhật, rồi cuối cùng lại gây nên một tai kiếp.
Ánh đèn mờ ảo, chiếu rọi cõi lòng lạnh băng như tuyết.
Chẳng còn gì đáng để lưu luyến nữa rồi.
Đã liền hai ngày không thấy bóng Hà Sĩ Văn đâu.
Bữa sáng, Cảnh Sâm châm một ly trà, nhẹ nhàng đặt cạnh Thịnh Đường, anh dịu dàng hỏi: “Chú Hà đi đâu rồi cha?”
Thịnh Đường phủi vụn thuốc vương trên quần, dửng dưng thốt: “Lát con đi với cha, cha có chuyện muốn nói với con, còn phải để con gặp vài người nữa.”
Lúc này Cảnh Sâm vừa ngồi xuống, anh thoáng kinh ngạc, bà Vân cũng đưa mắt nhìn chồng mình, vẻ không vui thấp thoáng nơi hàng mày nhưng bà lại không nói gì.
Thịnh Đường không mấy hài lòng với nét mặt của cậu con trai, ông nghiêm giọng: “Với tính cách của em trai con, có khi phải mất nhiều năm mới khiến nó phấn chấn lên được, chứ đừng nói đến chuyện để thằng bé giúp cha xử lý chuyện làm ăn. Cha già rồi, con cũng đã lớn, chẳng lẽ con lại nhẫn tâm không chịu lo lắng cho sản nghiệp của gia tộc mình?”
Cảnh Sâm gượng cười: “Cha không già, hơn nữa bên cạnh cha còn có bao nhiêu trợ thủ đắc lực mà.”
“Con còn giả bộ với cha hả!” Thịnh Đường vươn tay, gạt đổ ly trà xuống đất.
Bà Vân sợ hãi, bả vai run lên, bà ta xoa ngực, bất mãn thốt: “Sao mới sáng sớm ngày ra đã lên cơn giận thế?”
“Bà ra ngoài!” Thịnh Đường chỉ bà, đến lông mày cũng chẳng buồn nhướng, sự lạnh lùng khinh thường trong giọng điệu ông khiến Cảnh Sâm vô cùng kinh ngạc.
Mặt bà Vân đỏ gay, bà đứng phắt dậy, rời khỏi phòng ăn mà chẳng buồn nói một lời, Vân Thăng vốn im lặng đứng cạnh cũng đưa mắt ra hiệu cho hai người hầu rồi cùng lặng lẽ lui ra, khép cửa lại.
Cảnh Sâm cũng đứng dậy.
“Cha biết con hận cha.” Mắt Thịnh Đường sáng quắc, “Con chưa từng nói, cũng chưa từng oán thán, nhưng cha biết con hận cha. Con hận cha bỏ mặc Mẫn Huyên, con nghĩ cha hại bà ấy, khiến đời bà ấy lỡ dở.”
Chợt nghe thấy nhũ danh của mẹ mình, ngón tay Cảnh Sâm lạnh ngắt, ghì sâu vào lòng bàn tay: “Không. Cha không chỉ hại mẹ, khiến mẹ lỡ dở, cha đã giết mẹ! Chính cha đã giết mẹ!”
Cuối cùng anh vẫn nói ra, giờ khắc này đây dường như anh đã bằng lòng đánh cược tất thảy, chỉ cần nửa lời anh nói có thể khiến người đàn ông trước mặt này đây tổn thương thôi. Lồng ngực Thịnh Đường phập phồng, ánh mắt giận dữ chuyển từ kinh ngạc sang đau đớn, Cảnh Sâm thấy thật sung sướng.
“Con đã biết gì rồi?” Thịnh Đường nghiến răng, ánh mắt rét lạnh như sương tuyết.
“Con biết gì ư?” Cảnh Sâm nhếch môi, nở nụ cười thê lương, “Con chỉ biết cha đánh mẹ, khó khăn lắm mới về nhà được một lần mà cha chửi mắng mẹ, cha đánh đập mẹ, sau đó cha vứt bỏ bà, cho đến tận khi bà chết, đến khi xác bà thối rữa cha mới quay về!”
Thịnh Đường thở dài, chán nản tựa lưng vào ghế, vắt tay che trán.
“Con hận cha, nhưng con còn hận bản thân mình hơn! Con hận mình là con cha, con hận vì con không thể không kính trọng cha, yêu thương cha, vì mẹ muốn con làm đứa con ngoan của cha!” Lệ dâng đầy trong mắt Cảnh Sâm, gò má anh nóng bừng, chẳng biết có phải anh đang xấu hổ quẫn bách vì đã để lộ cảm xúc thật của mình không, “Ban nãy lúc rót trà, nhìn thấy người phụ nữ ngồi bên cạnh cha, người phụ nữ mà cha bắt con gọi là mẹ, con nghĩ, nếu mẹ đẻ con mà còn sống thì thốt, nếu gia đình thật sự của mình có thể bên nhau thì tốt. Con nghe lời cha, đi gặp lũ bắt cóc để chuộc Cảnh Huyên về, lúc đối mặt với họng súng lạnh băng, con cũng nghĩ, nếu mẹ còn sống thì tốt biết bao, ít ra mẹ còn có thể rơi một giọt lệ vì con, mẹ sẽ lo lắng cho con, sẽ thức trắng đêm vì con, giống như mẹ kế lo cho Cảnh Huyên vậy! Rồi khi con trở lại an toàn, chắc chắn mẹ sẽ lao tới, giang hai tay trao cho con những cái ôm, những vỗ về ấm áp nhất, mẹ sẽ không bắt con phải tỉnh táo mạnh mẽ trở lại ngay sau khi trải qua bao nhiêu hiểm nguy, bắt con phải gượng cười trước mặt tất cả mọi người. Mẹ sẽ không trách móc con, không oán hận con, sẽ không mặc cho chuyện đi tới nước này mà vẫn ép con làm những điều mình không muốn. Con hận cha, con ghét tới hiệu buôn Tây, con chỉ mong nó chết quách đi cho rồi, vì nó chính là thứ quan trọng nhất trong lòng cha, nó cướp mất tình yêu của cha với mẹ, nó cướp mất mẹ con!”
Thịnh Đường lẳng lặng nghe anh nói xong, màn sương trong mắt dần tan đi, hồi lâu sau ông mới dịu dàng thốt: “Con lại đây.”
Cảnh Sâm cất hơi thở nặng nề, anh bất động, sự bướng bỉnh hiện rõ trên gương mặt tuấn tú.
Gió sớm lùa qua song cửa, đem theo cả thứ mùi thanh thanh man mát ngoài vườn hoa, gợi lại từng góc cơn mộng cũ tản mác, gương mặt như ngọc của chàng thiếu niên lại tiếp tục chồng chéo lên khuôn mặt từng xuất hiện trong cơn mê của ông vô số lần, trong thoáng chốc, lòng Thịnh Đường chất chồng nỗi xót xa, ông dịu giọng: “Mẹ con chính là nỗi đau đớn và sai lầm cha muốn quên đi nhất, nhưng vĩnh viễn không thể quên nổi. Có lẽ sau này con sẽ hiểu được tâm trạng của cha bây giờ.” Ông nở nụ cười đau thương, “Nhưng cha thà rằng con mãi mãi không bao giờ hiểu được.”
Căn phòng vô cũng yên tĩnh, yên tĩnh tới mức nghe được cả tiếng ù trống rỗng trong lỗ tai, đó là tiếng gì vậy, không thể dùng từ ngữ để hình dung, mà chỉ có thể nghe được nó vào thời khắc tĩnh lặng nhất, nó là tiếng âm vang từ nơi sâu kín trong não bộ:
Đó là tiếng rung động khe khẽ của một sợi dây đàn mong manh, đánh thức hồi ức đang say ngủ, khiến nó dần thức tỉnh.
“Năm đó chuyện làm ăn của gia đình khó khăn, cha thường phải bôn ba bên ngoài, cha không để mẹ con theo một phần vì sợ bà ấy chịu khổ chịu sở, nhưng thực ra cũng giấu chút lòng riêng. Người làm ăn trên thương trường nước ngoài không tránh khỏi việc phải giao thiệp đi lại với đủ loại người. Mẫn Huyên là người phụ nữ như hoa như ngọc, ngoài kia lại vô số những kẻ phong lưu cợt nhả, cha muốn giấu Mẫn Huyên đi cũng vì để tâm tới bà ấy, vì quá để tâm, thà ép Mẫn Huyên lụi tàn như một đóa hoa trong bốn bức tường chứ không nỡ để bà ấy được bất cứ kẻ nào ngoài kia mến mộ. Dần dần, thậm chí cha còn quên mất nguyện vọng ban đầu của mình, quên mất lời hứa hẹn với Mẫn Huyên. Cha chỉ mong bà ấy ở nhà, toàn vẹn, vô khuyết, nhưng, nhưng…”
Thịnh Đường thốt liền hai chữ “nhưng”, mà vẫn không thể nói cho dứt, như thể đang bị giày vò bởi nỗi đớn đau ẩn núp nơi sâu nhất cõi lòng.
Cảnh Sâm nhếch môi, nở nụ cười nhạo báng dửng dưng: “Toàn vẹn, vô khuyết? Linh hồn mẹ đã sớm chằng chịt vết thương trong cái nhà này rồi. Ông ngoại bị cách chức lưu đày, các cậu người thì chết, người ngồi tù, nếu cha không bỏ ra khoản tiền lớn để chạy vạy thì e đến mẹ cũng không thoát nổi liên đới. Trừ cha ra mẹ còn có thể nương tựa vào ai? Ở nhà mẹ bị ruồng rẫy thì thôi cũng đành, bà nội nghĩ cha không đưa mẹ theo vì mẹ thiếu đức hạnh, mà tính mẹ lại cao ngạo, chưa từng biện bạch cho mình, cha không biết ở nhà mẹ đã chịu bao nhiêu cực khổ, bị bao nhiêu người gây khó dễ đâu. Các cô ngày ngày châm chọc khích bác mẹ, đám người làm cũng đã học được cách gió chiều nào xoay chiều ấy, nếu không phải vì còn có đứa con trai này đây thì e đời mẹ đã chấm dứt từ lâu rồi.”
“Đừng nói nữa…”
“Khi ấy, cha đã có một gia đình khác bên ngoài, nếu con đoán không nhầm thì lúc này Ninh Ninh và A Huyên đều đã ra đời rồi. Vậy mà con và mẹ chẳng hay biết gì.”
Thịnh Đường cau mày, trầm giọng: “Bà ấy biết. Cha từng nói với bà ấy, chỉ là khi đó con còn nhỏ, bà ấy không nói cho con thôi. A Sâm, con cũng không phải kiểu người đầu óc đơn giản. Những gia đình như chúng ta ở Quảng Châu được mấy nhà là không có phòng nhì? Tính tình mẹ con bướng bỉnh, bà ấy không thể nghĩ thông, cảm thấy vì nhà ông ngoại con xảy ra chuyện nên cha ruồng bỏ bà ấy. Về sau cha và mẹ con cũng đã cãi cọ rất nhiều lần vì chuyện này.”
“Vậy nên cuối cùng cha thậm chí còn ra tay với mẹ, đây là cái thứ mà cha gọi là ‘để tâm’ sao?”
Thịnh Đường day trán, im lặng không nói gì.
Mặt Cảnh Sâm đã trắng bệch, anh phẫn nộ nói: “Lần ấy sau khi cha bỏ đi, nếu cha dặn dò người trong nhà một câu, bảo họ chăm sóc cho mẹ con thì có lẽ mẹ đã chẳng ra đi thảm thương tới thế. Trước khi qua đời, mẹ sốt cao liền mấy ngày, nhà chỉ có một con hầu trong phòng chứa củi chăm sóc bà, trời nóng, con khóc lóc cầu xin các cô lấy ít đá cho mẹ, cuối cùng họ sai người làm xách một xô nước lạnh đã dùng cáu bẩn vào phòng mẹ. Cha, chẳng phải tất cả đều vì có cha ngầm ưng thuận đó sao?”
Bả vai Thịnh Đường khẽ run lên.
“Sau đó, càng lúc mẹ càng mê man, không còn tỉnh táo, mẹ thường nói những lời con không hiểu, cho tới cái ngày cuối cùng ấy, dường như mẹ chợt minh mẫn trở lại, mẹ còn ôm con vào lòng, con mừng lắm, con tưởng cuối cùng mẹ cũng khỏi bệnh rồi, nhưng mẹ chỉ gom góp hết chút sức lực cuối còn dư lại để ôm con thật chặt, rồi cứ khóc mãi. Đó là lần cuối mẹ ôm con.
Cha có biết mẹ nói gì với con không?”
Nỗi đau buồn trong mắt Thịnh Đường bị chiếm cứ bởi ánh sáng rét lạnh, sắc bén như một lưỡi dao: “Bà ấy nói gì?”
Cảnh Sâm dửng dưng quay mặt đi, né tránh ánh nhìn của ông: “Mẹ nói: ‘A Sâm, con trai đáng thương của mẹ, mẹ xin lỗi con, cha con sẽ không bao giờ trở lại đâu.’”
Liếc thấy bàn tay Thịnh Đường siết chặt thành nắm đấm, mu bàn tay nổi đầy gân xanh, Cảnh Sâm khẽ nở nụ cười: “Nhưng mẹ sai rồi. Cuối cùng cha vẫn về, chỉ là hơi muộn thôi.”
“Bà ấy không sai.” Thịnh Đường lẩm bẩm.
Mặt Cảnh Sâm đanh lại, anh quay đầu, Thịnh Đường không nhìn anh, ông lẩm bẩm: “Bà ấy chết rồi, cha không được gặp mặt bà ấy lần cuối, mà trong giờ khắc cuối cùng của bà ấy, cha thật sự đã mãi mãi không bao giờ trở lại. Bà ấy nói không hề sai.” Nói rồi ông nở nụ cười đau đớn.
Cảnh Sâm chầm chậm tiến lại bên ông, vươn tay đặt lên vai ông. Thịnh Đường kìm lòng không đậu, kéo anh vào lồng ngực mình, hơn mười năm rồi, đây là lần đầu ông ôm đứa trẻ này, cái ôm ấy khiến cõi lòng ông rung động, ở những năm tháng chất chồng trong hồi ức, người trước mặt ông đây dường như vẫn là đứa bé sẽ lao vào lòng ông để kiếm tìm ấm áp.
Cảnh còn người mất, chỉ nỗi tiêu điều còn đọng lại. Gần như vậy, mà lại chẳng chút chân thực, như một đốm lửa hư ảo mờ nhoà, bùng lên trong tích tắc đêm đen, mà tựa như chưa từng chớp lóe, Thịnh Đường chầm chậm buông tay: “Về sau lòng con có nghĩ ngợi gì thì đừng giấu giếm, dù có oán giận cũng cứ nói hết cho cha. A Sâm, chắc con cũng biết cha thương con không khác gì A Huyên, thậm chí còn hơn cả thằng bé.”
Cảnh Sâm gật đầu.
Thịnh Đường yêu thương xoa gò má anh, ông âu lo cất tiếng: “Con đang sốt.”
“Con bị cảm nhẹ. Nhưng không sao cả, cha đừng lo.”
“Con nghỉ ngơi đi, hôm nay nếu không muốn tới hiệu buôn Tây thì thôi. Nhưng trước khi con ra nước ngoài, cha cần con gánh vác vài chuyện cùng cha, đây cũng là trách nhiệm của con với tư cách con trai cả nhà họ Phan.”
“Vâng.”
Thịnh Đường tiến ra cửa, rồi lại chợt dừng bước, ông nói: “Nếu cha nói cho con biết Hà Sĩ Văn đã bị điều tra ở cục cảnh sát thì con nghĩ sao?”
Cảnh Sâm sửng sốt, anh buột miệng: “Dù có thế nào đi chăng nữa, con vẫn tin chú ấy.”
Thịnh Đường nhướng mày: “Tại sao? Vì ông ta để con nuôi đàn bà bên ngoài ư?”
Gương mặt Cảnh Sâm đỏ bừng, đỏ đến tận vành tai, như đang xấu hổ không sao kể xiết.
Thịnh Đường nói: “Người trẻ có phạm chút lỗi lầm cũng là điều dễ hiểu, cha sẽ không hỏi tới những chuyện ấy. Nhưng có thể Hà Sĩ Văn liên quan đến vụ bắt cóc lần này, trước khi làm rõ mọi chuyện, tạm thời ông ta sẽ không quay lại.”
Cảnh Sâm sốt sắng: “Đáng ra cha phải tin chú Hà còn hơn cả con chứ, sao chú ấy có thể làm chuyện tổn hại tới nhà họ Phan được? Năm ấy, năm ấy chú Hà…”
“Ông ta làm gì?”
“Năm ấy tất cả mọi người trong nhà đều gió chiều nào xoay chiều ấy, để mặc mẹ con cô quạnh. Chỉ mình chú Hà chạy đôn đáo tìm thầy tìm thuốc cho mẹ, sau khi mẹ mất, chú ấy cũng là người trở về nhà đầu tiên để khâm liệm cho bà.
Con tin vào nhân phẩm của chú Hà, chắc chắn chú ấy là một con người quang minh lỗi lạc.”
Thịnh Đường im lặng trong chốc lát, rồi lại chợt bật cười, mở cửa sải bước rời đi thật nhanh.
Cảnh Sâm đứng một lát, kiệt sức ngồi xuống ghế, cổ họng anh sưng đỏ ngứa ngáy, không nén nổi tiếng ho khan, anh ho tới độ bờ trán nóng bừng, khó khăn lắm mới kéo lê được chân bước lên tầng, vừa khéo Cảnh Ninh lại đang xách cặp bước khỏi phòng, cô ngơ ngác, ánh mắt lộ ý thân mật, cô khẽ chào hỏi anh: “Anh cả.”
Giọng điệu Cảnh Sâm lạnh nhạt tới độ không thể lạnh nhạt hơn được nữa: “Muộn thế này rồi, em không sợ trễ học à.”
Cảnh Ninh lí nhí: “Em xin nghỉ tiết một, em…”
Cô còn chưa dứt lời anh đã bước vào phòng. Cảnh Ninh bước theo anh, nhưng anh đã đóng cửa lại. Cô nhìn ngọn đèn vỏ sò trên lớp gỗ giá tỵ ốp tường, đôi mắt đen láy ngân ngấn nước.
Cảnh Sâm nhắm mắt nghỉ ngơi trên giường, nghe tiếng bước chân xa dần ngoài cửa, gương mặt anh lạnh lùng không một biểu cảm.