Cô Gái Trong Trang Sách

Chương 12: Trại cai nghiện




Cái chết sẽ tới và nó sẽ có được đôi mắt em...

Tiêu đề một bài thơ tìm thấy trên bàn đầu giường của Cesare Pavese sau khi ông tự vẫn.

Ngồi sau vô lăng chiếc Bugatti, Milo lái xe chậm rãi, không giống với cậu ta chút nào. Một bầu không khí yên lặng nặng nề bao trùm cả xe.

- Thôi nào, đừng giữ bộ mặt đó nữa. Tớ có đưa cậu tới trung tâm Betty Ford[1] đâu!

- Hừm...

Lúc còn ở nhà tôi, chúng tôi lại hục hoặc với nhau gần một tiếng đồng hồ vì không tìm ra chìa khóa xe của cậu ta. Lần đầu tiên trong đời, suýt chút nữa chúng tôi đã choảng nhau. Cuối cùng, sau khi cãi vã chúng tôi quyết định gọi dịch vụ chuyển hàng tới văn phòng của Milo để lấy chìa khóa dự phòng.

Cậu ta mở đài để bầu không khí trong xe dịu xuống, nhưng bài hát của Amy Winehouse chỉ khiến mọi người thêm căng thẳng:

They tried to make me go to Rehab

I said NO, NO, NO[2]

Theo thói quen, tôi hạ cửa kính xe xuống nhìn những hàng cọ dọc bờ biển từ từ trôi đi. Có lẽ Milo nói đúng. Có lẽ tôi đã mắc chứng điên loạn và bị ảo giác. Chuyện này thì tôi biết khá rõ: những khi viết, tôi thường viết một mạch. Viết lách đưa tôi vào một trạng thái kỳ lạ: thực tại dần nhường chỗ cho thế giới ảo và đôi khi những nhân vật của tôi trở nên thực đến mức họ theo tôi đi khắp nơi. Những đớn đau, nỗi hoài nghi, niềm hạnh phúc của họ cũng là của chính tôi và những nhân vật ấy vẫn tiếp tục ám ảnh tôi ngay cả khi cuốn tiểu thuyết đã kết thúc. Những nhân vật theo tôi vào giấc mơ và tôi gặp lại họ vào mỗi bữa sáng. Họ bên tôi khi tôi đi mua sắm, khi tôi ăn tối tại nhà hàng, khi tôi đi tiểu và thậm chí cả khi tôi làm tình. Như thế vừa ngất ngây, lãng mạn, vừa khiến người ta say mê, bối rối, nhưng cho tới giờ tôi vẫn biết cách giữ cho những phút giây ảo ảnh ấy nằm trong giới hạn nhận biết của lý trí. Dù thế nào chăng nữa, dẫu cho những lầm lẫn giữa thực và ảo có thường đặt tôi vào tình trạng nguy hiểm nhưng chúng cũng chưa bao giờ đẩy tôi tới ranh giới của sự điên loạn. Tại sao chuyện đó lại xảy ra vào hôm nay, trong khi hàng tháng trời nay tôi chẳng hề viết thêm được một dòng nào.

- À! Tớ mang trả lại cậu cái này đây, Milo nói rồi tung cho tôi một hộp nhựa nhỏ màu da cam.

Tôi lập tức bắt lấy.

Những viên thuốc an thần của tôi...

Tôi mở nắp lọ và nhìn những viên thuốc màu trắng, chúng như đang giễu tôi từ đáy lọ.

Tại sao cậu ta lại trả chúng cho tôi sau khi đã mất công thuyết phục tôi đi cai nghiện?

- Ép buộc cai nghiện chẳng phải là một ý hay, cậu ta cắt nghĩa để biện minh cho việc làm của mình.

Tim tôi đập rộn và nỗi sợ hãi bỗng dâng lên trong lòng. Tôi cảm thấy lẻ loi, mình mẩy thì đau nhức, giống như một con nghiện đói thuốc. Làm sao người ta có thể đau đớn đến vậy trong khi chẳng hề bị một vết thương thể xác nào?

Trong đầu tôi vang lên giai điệu một bài hát cũ của Lou Reed: I’m waiting for my man. Tôi chờ đợi người đàn ông của mình, tôi đợi kẻ đến bán ma túy cho tôi. Dẫu rằng lạ kỳ thay kẻ ấy lại chính là cậu bạn thân nhất của tôi.

- Cái liệu pháp chữa trị bằng giấc ngủ ấy sẽ hồi sinh cậu hoàn toàn, cậu ta động viên tôi. Cậu sẽ ngủ như một đứa trẻ trong suốt mười ngày!

Cậu ta gắng hết sức thể hiện sự hào hứng trong giọng nói nhưng tôi thấy rõ rằng chính bản thân cậu ta cũng chẳng tin nổi điều ấy.

Tôi cầm thật chặt lọ thuốc trong tay, đến mức cái lọ nhựa như sắp bẹp rúm. Tôi biết chỉ cần một viên thuốc nhỏ kia tan chảy dưới lưỡi thôi là gần như ngay lập tức tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Thậm chí tôi có thể uống ba hoặc bốn viên nếu muốn tự vẫn. Với tôi, chuyện ấy chẳng khó khăn gì. “Anh may mắn đấy, bác sĩ Schnabel từng đảm bảo với tôi, một số người phải chịu những tác dụng phụ rất kinh khủng của thuốc.”

Cố tỏ ra yên hùng, tôi đút lọ thuốc vào túi mà không động đến một viên nào.

- Nếu cái liệu pháp giấc ngủ kia không ổn, ta có thể thử thứ khác, Milo trấn an tôi. Tớ từng nghe nói đến một bác sĩ tại New York: Connor McCoy. Có vẻ như ông ta đã làm nên điều kỳ diệu bằng phương pháp giấc ngủ thôi miên.

Giấc ngủ thôi miên, giấc ngủ nhân tạo, những lọ thuốc... Tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì phải trốn chạy thực tế, dù cho thực tế ấy chỉ toàn là đớn đau. Tôi chẳng muốn có được mười ngày khoan khoái nhờ thuốc an thần. Tôi không thích gì cảm giác vô thức mà chúng mang lại. Tôi vẫn muốn đối đầu với thực tế, ngay cả khi có mất mạng chăng nữa.

Từ lâu lắm rồi, tôi vẫn mê mẩn những mối liên hệ kỳ bí giữa khả năng sáng tạo và bệnh tâm thần. Camille Claudel, Maupassant, Nerval, Artaud cũng từng chìm đắm dần trong điên loạn. Virginia Woolf thì trẫm mình xuống một dòng sông; Cesare Pavese kết liễu đời mình bằng thuốc ngủ trong một phòng khách sạn; Nicolas de Stal lao mình qua cửa sổ; John Kennedy Toole nối ống xả vào khoang lái xe hơi... Đấy là chưa kể đến bậc thầy Hemingway cũng tự nã một phát súng vào đầu mình. Kurt Cobain cũng tương tự: một viên đạn vào đầu, vào một buổi sáng âm u ở gần Seattle, và để thay lời vĩnh biệt là một dòng viết vội dành cho người bạn thuở ấu thơ tưởng tượng: “Thà bị thiêu đốt hừng hực còn hơn là lịm tắt trong ngọn lửa le lói.”

Dù thế nào thì đó cũng là một lối thoát như bao lối thoát khác...

Tất cả những bậc thầy sáng tạo này đều đã lựa chọn cho mình một phương cách riêng, nhưng kết quả thì giống nhau: sự đầu hàng. Sở dĩ nghệ thuật tồn tại là bởi chỉ thực tế không thôi thì chưa đủ, rồi biết đâu chẳng có lúc nghệ thuật cũng vẫn chưa đủ và sẽ đến lượt chứng điên loạn cùng cái chết. Và ngay cả khi tôi chẳng có được tài năng như bất kỳ ai trong những văn nghệ sĩ kể trên thì bất hạnh thay tôi lại có chung chứng loạn thần kinh với họ.

o O o

Milo đậu ô tô vào bãi đỗ xe rợp bóng cây của một tòa nhà hiện đại, bề mặt được ốp đá cẩm thạch hồng kết hợp với kính: phòng khám của bác sĩ Sophia Schnabel.

- Bọn tớ là đồng minh của cậu, chứ không phải kẻ thù đâu nhé, Carole trấn an tôi một lần nữa khi bắt kịp tôi và Milo trên những bậc thang dẫn vào tòa nhà.

Cả ba chúng tôi cùng bước vào bên trong. Tại quầy lễ tân, tôi ngạc nhiên khi biết rằng một cuộc hẹn đã được đặt trước dưới tên tôi và lịch nhập viện của tôi được ấn định từ hôm qua.

Tôi cam chịu bước theo hai người bạn vào thang máy mà không hỏi han gì. Buồng thang máy trong suốt đưa chúng tôi lên tầng cao nhất, ở đó cô thư ký dẫn chúng tôi vào một phòng làm việc rộng thênh thang và ra hiệu cho chúng tôi rằng bác sĩ sẽ tới ngay.

Căn phòng rộng rãi, sáng sủa, mọi thứ được bố trí quanh một bàn làm việc lớn và một bộ xô pha góc bọc da màu trắng.

- Khá nhiều ghế đấy chứ! Milo thốt lên rồi ngồi xuống một chiếc ghế hình lòng bàn tay.

Các tác phẩm điêu khắc theo phong cách đạo Phật được bày biện khắp phòng tạo ra một không gian thanh tịch, hẳn là sẽ giúp bệnh nhân dễ dàng trút bầu tâm sự hơn: tượng Phật nửa người bằng đồng, Bánh xe Luân hồi bằng sứ, đôi linh dương và đài phun nước bằng cẩm thạch...

Tôi quan sát Milo đang gắng tìm một câu nói bông đùa hay một trò vui nào đó vốn là sở trường của cậu ta. Ngồi giữa những bức tượng và cách bài trí trong phòng này, có thể nghĩ ra đến hàng chục câu xỏ xiên, nhưng cậu ta lại chẳng nói được gì, vì vậy mà tôi hiểu ra rằng cậu ta đang giấu tôi chuyện gì đó nghiêm trọng.

Tôi quay sang tìm kiếm sự ủng hộ từ Carole nhưng cô ấy lại lảng tránh ánh mắt tôi, làm ra vẻ như đang quan tâm đến những tấm bằng đại học của bác sĩ Sophia Schnabel treo trên tường.

Kể từ sau vụ ám sát Ethan Whitaker, Schnabel đã trở thành vị “bác sĩ tâm lý không thể thiếu của các ngôi sao”. Bà đã khám chữa bệnh cho những tên tuổi lớn nhất của Hollywood: diễn viên, ca sĩ, nhà sản xuất, ngôi sao truyền thông, chính trị gia, những “con của”, rồi cả những “con của con của”.

Bà còn tham gia dẫn một chương trình truyền hình trong đó một khán giả bất kỳ có thể chia sẻ những chuyện thầm kín của mình và được tặng cho vài phút “tư vấn của ngôi sao” (như tên chương trình) khi trực tiếp kể lại thời thơ ấu bất hạnh, chứng nghiện ngập, những vụ ngoại tình, những clip sex và những phút giây tưởng tượng được làm tình tay ba của mình.

Một bộ phận của ngành công nghiệp giải trí ca tụng Sophia Schnabel. Phần khác lại e sợ bà. Thiên hạ đồn đại rằng sau hai mươi năm hành nghề, bà bác sĩ có được một kho dữ liệu ngang tầm kho của Edgar Hoover[3]: hàng nghìn giờ ghi âm lại các cuộc chữa trị tâm lý với những bí mật đen tối nhất và cũng ít muốn tiết lộ nhất của cả Hollywood. Những file dữ liệu mật, bình thường được giữ kín để đảm bảo nguyên tắc bí mật trong y học, nhưng nếu được công bố rộng rãi chúng có thể làm nổ tung ngành giải trí và khiến nhiều nhân vật trong giới chính trị cũng như pháp lý mất chức.

Vụ lùm xùm mới đây lại càng củng cố thêm quyền lực của Sophia. Vài tháng trước, một bệnh nhân của bà, Stephanie Harrison - vợ góa của tỷ phú Richard Harrison, người sáng lập ra chuỗi siêu thị Green Cross - đã chết vì dùng thuốc quá liều khi mới ba mươi hai tuổi. Trong quá trình khám nghiệm tử thi, người ta đã tìm thấy trên người bà này những dấu vết của thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau và giảm béo. Chuyện không có gì là lạ ngoài việc thuốc được dùng với liều thực sự rất mạnh. Anh trai của người phụ nữ quá cố đã lên truyền hình buộc tội bác sĩ Schnabel đẩy em gái mình tới nhà xác. Người đàn ông này đã thuê cả tiểu đoàn luật sư cùng thám tử tư, trong lúc lục lọi căn hộ của Stephanie họ đã phát hiện ra hơn năm chục đơn thuốc. Các hướng dẫn điều trị cho năm cái tên khác nhau, tất cả đều được chính tay... Sophia Schnabel viết. Với nữ bác sĩ tâm lý, vụ việc xảy đến thật không đúng lúc. Sau cái chết của Michael Jackson, dư luận đã biết đến sự tồn tại của một mạng lưới khổng lồ các bác sĩ sẵn sàng cung cấp những toa thuốc làm hài lòng các bệnh nhân giàu có nhất. Để ngăn chặn thực trạng này, chính quyền bang California đã khởi kiện nữ bác sĩ tâm lý tội gian lận trong việc cung cấp hướng dẫn điều trị nhưng sau đó lại đột ngột rút lại. Một hành động không thể giải thích nổi trong khi viện kiểm sát đã có trong tay mọi yếu tố để kết tội nữ bác sĩ. Việc cơ quan pháp lý đột ngột thay đổi thái độ, việc làm được nhiều người cho là do quan tòa hèn nhát muốn tránh những nhạy cảm chính trị, đã nâng Sophia Schnabel lên tầm không thể chạm tới.

Để có tên trong danh sách các bệnh nhân được ưu tiên của bà bác sĩ cần phải được một bệnh nhân cũ đỡ đầu giới thiệu. Tên bà là một trong những thông tin mật được các ngôi sao rỉ tai nhau, kiểu như: Mua ma túy ở đâu là tốt nhất? Làm việc với tay môi giới nào để có được những khoản đầu tư chứng khoán hời nhất? Làm thế nào có được chỗ xem đội Los Angeles Lakers chơi? Muốn đi chơi với một gái-gọi-không-giống-bất-kỳ-gái-gọi-nào-khác thì gọi số nào? (dành cho các quý ông) hoặc Tới bác sĩ thẩm mỹ nào để làm-lại-ngực-mà-người-ngoài-không-biết-tôi-đã-làm-lại-ngực? (dành cho các quý bà).

Tôi được lựa vào danh sách của bà bác sĩ là nhờ một nữ diễn viên truyền hình tên tuổi người Canada, cô ấy đã theo đợt điều trị nghiêm ngặt ở chỗ Schnabel để chữa chứng sợ khoảng rộng. Milo từng có ý định cưa cẩm cô nàng nhưng không thành công. Ban đầu tôi tưởng cô ấy là con người hời hợt nhưng thực ra lại rất tinh tế và có học thức, chính cô đã đưa tôi đến với những bộ phim đầy lôi cuốn của John Cassavetes và những bức tranh đầy tinh tế của Robert Ryman.

Tôi và bác sĩ Sophia Schnabel chưa bao giờ thực sự nói chuyện. Các cuộc hẹn của chúng tôi chỉ đơn giản là những cuộc phát thuốc diễn ra nhanh chóng, suy cho cùng, việc đó đều khiến cả hai đều hài lòng: bà bác sĩ hài lòng là bởi cuộc thăm khám với giá cắt cổ của tôi diễn ra không quá năm phút, còn tôi thì là bởi bà ta chẳng bao giờ cau có khi kê cho tôi những loại thuốc rác rưởi mà tôi không bao giờ quên yêu cầu.

o O o

- Chào các vị.

Bác sĩ Schnabel bước vào phòng và lên tiếng chào chúng tôi. Bà ta phô ra nụ cười thường trực vẫn thấy trên truyền hình và như thường lệ vẫn mặc một bộ vest da bóng lộn ôm sát cơ thể, bên trong là chiếc áo sơ mi hở ngực. Một vài người cho rằng nó sẽ khởi đầu một phong cách mới...

Như mọi lần, phải mất một lúc lâu tôi mới quen được với mái tóc ấn tượng mà bà ta tưởng là đã chế ngự được nhờ uốn nếp, mái tóc ấy tạo cảm giác bà ta đang đội trên đầu xác chết vẫn còn ấm nóng của một chú cún bông lông xoăn.

Nhìn cách bà bác sĩ nói chuyện với Milo và Carole, tôi chắc rằng bà ta đã gặp họ. Tôi bị đẩy khỏi cuộc nói chuyện như thể họ là bố mẹ tôi và đã thay tôi quyết định trong khi tôi chẳng có quyền nói một lời.

Điều khiến tôi lo nhất chính là chuyện Carole cũng rất lạnh lùng và xa cách tôi sau cuộc chuyện trò tình cảm một giờ trước. Trông cô ấy khá bối rối và ngập ngừng, rõ ràng là đang tự buộc mình ủng hộ một liệu pháp điều trị mà chính bản thân cô ấy cũng không ưa. Nhìn bề ngoài, Milo có vẻ quyết tâm hơn, nhưng tôi cảm thấy cậu ta chỉ tỏ vẻ vững vàng thế thôi.

Trong lúc nghe bài diễn văn khó hiểu của Sophia Schnabel, tôi chợt nhận ra: ở đây chẳng có gì liên quan đến liệu pháp điều trị bằng giấc ngủ cả. Đằng sau hàng tá những cuộc kiểm tra bà bác sĩ bắt tôi phải trải qua là một đợt giam giữ! Milo đang cố đưa tôi vào tình trạng được giám sát để thoát khỏi những rắc rối tài chính của cậu ta! Tôi cũng khá am hiểu luật pháp nên biết rằng tại California, bác sĩ có thể yêu cầu giam giữ hợp pháp một bệnh nhân trong vòng bảy mươi hai giờ nếu nhận thấy bệnh nhân của mình có tinh thần bất ổn, có thể gây hại cho xã hội, và tôi đoán chẳng khó khăn gì mà không xếp được tôi vào loại này.

Một năm trở lại đây, tôi đã hơn một lần gặp rắc rối với cơ quan công quyền và những rắc rối pháp lý của tôi còn lâu mới chấm dứt. Tôi đang được hưởng án treo sau lần bị buộc tội tàng trữ ma túy. Cuộc gặp gỡ với Billie - mà Milo đang cặn kẽ kể lại cho bác bác sĩ tâm lý nghe - cuối cùng sẽ biến tôi thành một bệnh nhân loạn tâm thần và nạn nhân của chứng ảo giác.

Tôi tưởng mình sẽ không phải chứng kiến điều gì ngạc nhiên hơn thế này nữa thì nghe thấy Carole nói về vết máu trên áo sơ mi của tôi và trên cửa kính ngoài sân hiên.

- Đó có phải là máu của anh không, anh Boyd? bà bác sĩ hỏi tôi.

Tôi không muốn giải thích cho bà ta: bà ta sẽ không tin tôi. Dù thế nào, bà ta cũng thôi không đưa ra nhận xét nữa và dường như tôi đang nghe thấy bà ta đọc biên bản khám bệnh cho cô y tá:

Đối tượng tự gây cho mình hoặc tìm cách gây cho người khác những tổn thương nặng về thể xác. Khả năng lý trí của anh ta rõ ràng là đã hỏng, khiến anh ta không thể hiểu được rằng mình cần phải điều trị, điều này giải thích tại sao cần một đợt giam giữ...

- Nếu các vị muốn, chúng ta sẽ thử một vài bài kiểm tra.

Không, tôi không cần kiểm tra, tôi không cần giấc ngủ nhân tạo, tôi không cần thuốc nữa! Tôi đứng lên để thoát khỏi cuộc chuyện trò.

Tôi bước dọc một vách ngăn bằng kính mờ, ở đó có bày một tác phẩm điêu khắc hình Bánh xe Luân hồi tô điểm thêm những ngọn lửa nhỏ và các hoa văn. Cao gần một mét, tác phẩm mang hình biểu tượng của đạo Phật phô ra tám nan hoa bánh xe chỉ ra tám con đường giải thoát khỏi nỗi đau. Bánh xe của Dharma quay theo cách đó: đi theo con đường hướng đến “cái phải làm”, thám hiểm con đường đó cho tới khi tìm ra “việc làm đúng”.

Giống như có điềm, tôi nhấc tác phẩm điêu khắc lên và cố hết sức ném vào ô cửa kính tràn ngập ánh sáng.

o O o

Tôi nhớ tiếng thét của Carole.

Tôi nhớ những tấm rèm bằng xa tanh bóng phấp phới trong gió.

Tôi nhớ cái khoảng trống nơi cơn gió lốc ùa vào thổi bay mấy tờ giấy và làm đổ bình hoa.

Tôi nhớ tiếng gọi của bầu trời.

Tôi nhớ cảm giác thả mình vào khoảng không mà không cần lấy đà.

Tôi nhớ thân thể mình thả rơi tự do.

Tôi nhớ nỗi buồn của cô bé sống trong khu MacArthur Park.

Chú thích

[1] Trung tâm cai nghiện nổi tiếng tại California. (Chú thích của tác giả).

[2] Tiếng anh: Họ đã cố thử thuyết phục tôi đi cai nghiện nhưng tôi nói: không, không, không. (Chú thích của tác giả).

[3] Là gương mặt gây tranh cãi trong lịch sử Mỹ, Hoover giữ chức Giám đốc FBI từ năm 1924 đến năm 1972. Ông từng bị nghi ngờ đe dọa các chính trị gia cũng như các nhân vật của công chúng bằng những tài liệu về các mối quan hệ ngoài luồng và xu hướng tình dục của họ. (Chú thích của tác giả.)