Cô Gái Trong Nắng

Chương 4




Hình như rúc vào lưng là cách làm nũng chỉ có ở Mao. Và cách đó đem áp dụng với tôi cực kỳ hiệu quả.

Tôi chợt nghĩ vậy trong lúc nghe dàn đồng ca của lũ ve vọng vào qua cửa lưới.

Đáng ra giờ này tôi đang say giấc nồng trong phòng kiểu Nhật với điều hòa mát rượi thì lại phải xoa lưng cho Mao.

Đang nằm úp mặt xuống sàn, Mao khẽ rên lên với giọng có phần thán phục.

“Ái. Chỗ đấy, mạnh nữa vào. Ai, đúng huyệt rồi. Kousuke bấm huyệt giỏi quá. Tớ thật sáng suốt vì đã bỏ nhà để cưới cậu.”

Đó là lý do nàng vội vã lấy chồng ư?

Ban nãy, tôi đã gắt lên khi bị Mao cấu vào hông trong lúc thiu thiu ngủ. “Đau quá!” Tiếng gắt của tôi khiến Mao hoảng hồn, mắt chớp chớp, lẩm bẩm xin lỗi: “Em xin lỗi.”

Đang bối rối không biết phải làm thế nào trước vẻ sợ sệt của Mao thì nàng đã nằm xuống ngay cạnh tôi, bắt đầu rúc vào lưng tôi. Hai mươi sáu tuổi rồi - dù chỉ là tuổi ước đoán - mà còn làm nũng kiểu này ư, nhưng kể ra được chạm vào cơ thể mềm mại, được hít hà mùi tóc ngọt ngào ấy thì khó mà giận nàng lâu được. “Cho em xin lỗi vì đã làm anh đau.” “Không sao.” Chúng tôi nói qua nói lại mấy câu như thế đến phát chán rồi mới nhận ra cả hai đang xoa lưng và hông cho nhau tự lúc nào. Tôi đã bị thuần phục một cách ngoạn mục.

“Này, chẳng phải em định nói với anh chuyện gì à?” Mắt vẫn nhắm nghiền, Mao khẽ gật đầu.

“Ừ. Em nhớ ra tuần này chưa đưa cho anh xem sổ ngân hàng. Anh có xem không?”

Từ sau hôm xảy ra vụ rút tiền tiết kiệm, Mao đều đặn đưa sổ ngân hàng cho tôi xem. Cái kiểu thành thật như bắt ép người khác phải xem ấy chẳng hiểu sao lại khiến tôi nhớ đến hồi cấp II Mao lúc nào cũng nộp vở chữ Hán cho tôi.

“Chuyện đó thế là được rồi. Đã hơn một tháng trôi qua mà chưa xảy ra chuyện gì nên anh tin Mao.”

“Em đã cất công in cả sao kê về đấy.”

“Em phải vui khi anh nói là tin em chứ.”

“Nhưng vẫn chưa đủ.” Sau khi buông một câu cằn nhăn vô lý, tiện thể, Mao nhờ tôi xoa lưng cho nàng. “Lần nay anh cứ ấn sâu cách đều khoảng 2cm dọc xương sống ý. Nhẹ thôi.”

Tôi ấn dọc theo vị trí Mao bảo, đến chỗ xương vai thì dừng lại.

“Chỗ áo lót thì sao?”

“Bỏ qua.”

“Ồ.” Tôi tiếp tục ấn lên cổ, chợt tôi nảy ra một thắc mắc: “Này, nhắc đến áo lót mới nhớ, sao Mao lại làm ở Lara Aurore?”

“Sao tự nhiên anh lại hỏi câu đó?”

“Nếu muốn làm trong ngành đồ lót, với thành tích học tập của em thì có thể vào được công ty lớn nhất ngành ý chứ. Xin vào công ty mới thành lập đuợc mười năm có vẻ hơi mạo hiểm nên anh thắc mắc thôi. Anh không có ý chê bai gì công ty khách hàng của anh đâu.”

Mao đáp bằng giọng có vẻ hơi lên gân.

“Em thích đồ lót của Lara Aurore. Vì trông chúng rất đáng yêu. Đó là lý do em xin vào làm. Không bình thường ư? Tuy bây giờ em không còn nằm trong nhóm tuổi khách hàng chiến lược của công ty nữa, nhưng cuộc đời ngắn ngủi lắm, không làm những điều mình thích thì thật uổng phí. Hơn nữa, làm ở công ty còn trẻ thì ý kiến của người trẻ sẽ dễ được chấp nhận hơn.”

“Ra là thế.”

Làm ở công ty quảng cáo thường xuyên phải đi mời chào khách hàng, bản thân tôi cũng từng chứng kiến cách hành xử áp đặt nên tôi hiểu được phần nào câu chuyện.

“Giải thích hết thì dài lắm, nói đơn giản thì đó là định mệnh.” Mao tiếp tục. “Hồi cấp III, khi lần đầu tiên nhìn thấy sản phẩm của Lara Aurore ở cửa hàng, tim em như thắt lại. Hồi đấy Lara Aurore là cái tên chưa được biết đến nhiều nên một nữ sinh cấp III sống ở vùng hẻo lánh của tỉnh Chiba làm gì có cơ hội tiếp cận. Vì thế, em đã nghĩ đây chính là cuộc hội ngộ định mệnh. Trước đó, em toàn mặc đồ lót mẹ mua ở siêu thị dù không thích tẹo nào, nhưng khi nhìn thấy đồ lót của Lara Aurore, em thấy như được khai hóa văn minh vậy.”

“Khai hóa văn minh.”

Bằng một thứ giọng êm ái như hát ru, Mao bắt đầu kể về sức hấp dẫn của các sản phẩm Lara Aurore.

“Chúng rất đáng yêu, rực rỡ, hơi già dặn nhưng lại không hề lòe loẹt, màu sắc và độ bóng đều rất trang nhã, nhìn chúng là em ước ao trở thành cô gái hợp với chúng. Em dốc cạn số tiền tiêu vặt ít ỏi tiết kiệm được mà cũng chỉ đủ mua một bộ và bộ đó đúng là báu vật. Đêm đến, em mặc chúng lên người, đứng uốn éo trước gương.”

“Hóa ra đồ lót có thể khiến tim thắt lại à.”

“Con trai không hiểu được đâu. Cảm giác lúc đó trong mắt mình đang có vì sao sáng lấp lánh, giống như trong truyện tranh ấy. Em nghĩ Kousuke cũng có cảm giác tương tự khi nhặt về con mèo mà sau này chẳng may bị chết kia.”

“Anh không có ý định mặc con mèo đó.

“Ý em không phải thế.”

“Anh hiểu. Nhưng đừng tùy tiện quy kết là nó đã chết. Vì có thể ai đó đã nhặt nó về.”

“Thế ư. Thiên hạ chẳng tốt đến mức nhặt con vật đang mắc bệnh về nuôi đâu.”

Tôi thấy hơi khó chịu nên phản bác lại:

“Anh đã bảo là không được quy kết tùy tiện cơ mà.”

“Em xin lỗi. Em chỉ muốn nói lả giống như định mệnh thôi. Với em, gặp Lara Aurore cũng là định mệnh, nhưng định mệnh lớn nhất của cuộc đời em là gặp được Kousuke cách đây mười ba năm. Kousuke, anh có nghĩ gặp em là định mệnh không?"

“Cũng có thể.”

“Hừm, gì mà đáp ỉu xìu vậy. Em mà hỏi câu này trước lúc cưới là sẽ nhận được câu trả lời ‘Tất nhiên’ kèm theo cái gật đầu thật mạnh cho xem. Còn giờ thì sao? Anh thuộc kiểu đàn ông câu xong cá là bỏ mặc cá hả? Này, có phải chúng ta đã cưới nhau bất chấp sự phản đối của bố mẹ không nhỉ? Nếu thế thì phải âu yếm nhau nhiều hơn nữa chứ? Chiều thứ Bảy nằm cù nhau chắc cũng không sợ mang tội đâu.”

“Vậy làm luôn thôi.”

Tôi từ từ vươn tay ra, bắt đầu cù Mao từ cổ xuống hông, bất cứ chỗ nào tay chạm tới.

“Ha ha ha!” Mao cười lăn lộn. “Á á á! Chảy cả nước bọt rồi!”

Mao đập tay xuống chiếu xin thua nên tôi dừng lại khoảng 5 giây, sau đó cù thêm một chập nữa rồi mới thả nàng ra.

Mùa mưa kết thúc, mặt trời và lũ ve ân cần chào đón chúng tôi với cái nóng đặc biệt ngay khi vừa ra khỏi căn hộ.

Tôi thấy hối hận vì đã ra khỏi nhà nên định báo Mao ở nhà chơi tiếp trò cù nhau cho đến lúc mặt trời lặn nhưng thấy Mao chuẩn bị xong xuôi nào bôi kem chống nắng, mũ vải để đối phó với tia cực tím, tôi lại thôi.

Đi được một đoạn thì Mao quay sang nắm tay tôi. Chúng tôi có một cam kết nho nhỏ là luôn nắm tay nhau khi đi ngoài đường nhưng nóng thế này, tôi lo mồ hôi sẽ rịn ra ở bàn tay và cánh tay. Nhưng Mao trông không có vẻ gì là miễn cưỡng nên tôi cứ để nguyên vậy.

“4 giờ chiều mà trời vẫn nóng nhỉ. Mới ra khỏi nhà có 5 giây là đã vã mồ hôi rồi.”

Tôi gật đầu với Mao lúc này có vẻ vẫn chưa muốn thả tay tôi ra.

“Nóng thật đấy.”

Vào cái hôm chúng tôi nằm quay lưng vào nhau, tôi cũng có một cảm nhận tương tự, đó là có những việc nếu bị người khác làm thì khó chịu nhưng với Mao lại thấy cực kỳ dễ chịu. Và càng vui hơn khi biết nàng đang ở trong tim mình.

“Đi chợ xong nhớ ghé vào cửa hàng rượu nhé. Anh đừng quên đấy.”

Mao ngẩng lên nhìn tôi qua vành mũ, nhắc nhở.

“Anh biết rồi, nhưng Yamai uống rượu khỏe thế cơ à? Lần gặp trước, anh không có ấn tượng là Yamai uống được rượu.”

“Tại hôm đấy đi ăn món Tàu nên không có rượu Nhật, với lại hôm đó, ngay từ đầu không khí đã không được thoải mái nên nó ngại đấy. Anh mà uống theo Momo là say như hũ chìm ngay, nó uống khỏe lắm, mỗi lần phòng nghiên cứu liên hoan là nó toàn tự rót ruợu uống tì tì thôi.”

Mao thản nhiên kể về truyền thuyết oai hùng chẳng ai biết tới.

Momo - tức Yamai Momoka - là bạn thân hồi đại học của Mao, đồng thời cũng là người làm chứng trong đơn đăng ký kết hôn của chúng tôi. Tôi cứ tưởng đó là một cô nàng sống vô lo, xuất thân từ một trường đại học danh giá, hóa ra lại là một bợm nhậu.

“À. anh nhớ rồi. Nói đến ‘Yamal’, ‘liên hoan’ anh mới nhớ. Có thật biệt danh hồi đại học của Mao là thế không?”

Thật ra không phải tôi mới nhớ ra mà do đã có lần lỡ mất cơ hội hỏi nên lần này tôi phải giả vờ hỏi bâng quơ để không làm Mao ngượng.

“Biệt danh ‘kẻ phá đám gokon[1]’ hả? Ừ, em từng bị gọi như thế.”

[1] Hẹn hò theo nhóm giữa những người không quen biết để tạo cơ hội làm quen và tiến tới tình yêu.

Mao lại thản nhiên đáp.

Hôm đi ăn ở nhà hàng Trung Hoa để nhờ Yamai đứng ra làm chứng, Yamai đã buột miệng bảo: “Cuối cùng ‘kẻ phá đám gokon’ cũng tìm được người tình định mệnh rồi.” Thấy chúng tôi nín thinh, Yamai cố nói chữa: “Tớ cũng mơ ước được bỏ nhà đi với người yêu lắm”, “Cưới được mối tình đầu, nghe cứ như trong phim” nhưng vẫn không xua tan được bầu không khí tẻ nhạt cho đến tận lúc cuối.

“Vậy ra Mao là kẻ phá đám gokon thật.”

Tôi cố làm ra vẻ bình thản nhưng giọng nói run run đã làm lộ hết sự thất vọng trong lòng. Mao lắc đầu nguây nguẩy.

“Em chỉ được cái chăm chỉ tham gia thôi. Anh đừng thất vọng thế chứ. Là chồng, anh thừa biết em giữ mình thế nào mà.”

Tôi cố mà không cười nổi.

“Trời ạ. Biết thế không nhờ Momo, nhờ Kana-chan cho xong.”

Sự tức giận của Mao dồn xuống bàn tay đang nắm tay tôi. Đau quá!

“Kana-chan có phải là Kanazawa không? Cô ấy vẫn tới chứ?”

Mao nới lỏng tay ra rồi lắc đầu.

“Chắc là không. Ban nãy nó gửi tin nhắn cho em bảo xác suất ngày mai phải đi Yamanashi là 80%.”

“Hừm. Làm biên tập viên cũng vất vả nhỉ.”

"Vâng. Nó còn bảo bị béo lên vì stress nữa. Gần một năm nay rồi bọn em không gặp nhau, em cũng muốn gặp nó lắm.”

Theo kế hoạch, ngày mai, Chủ nhật, Yamai và Kanazawa sẽ đến nhà chúng tôi chơi nhưng có vẻ như một người sẽ vắng mặt.

“80% thì chưa hẳn là sẽ không đến nên mình cứ chuẩn bị cả 4 suất đi.”

“Ừ. Kana-chan không đến thì Kousuke sẽ ăn suất đó.” Tôi dùng tay còn lại khẽ xoa xoa bụng qua lớp áo phông.

“Vậy thì đánh cược rằng 80% Kana-chan sẽ đến nhé? Dạo này anh toàn bị người trong công ty chê là béo đấy.”

“Thế hả? Em không thấy thế. Chắc tại ở cạnh anh nên không nhận ra chăng.” Mao nghiêng đầu hỏi tiếp. “Giả sử anh béo thật thì đó là béo gì nhỉ?”

Giọng Mao đầy vẻ chờ đợi.

“… À, béo vì hạnh phúc.”

“Hi hi.”

Vợ của tôi cười như bị ai cù. May quá, tôi đã trả lời đúng.

Vung vẩy cánh tay đang nắm tay tôi, Mao bắt đầu hát lẩm nhẩm:

“Lá la là la la là lá la.”

Lại là bài “Thật tuyệt phải không” của The Beach Boys như mọi khi.

Hôm nay Mao hát hết cả bài, không sót đoạn nào, từ đoạn điệp khúc “Pà pa pa pà pa pa” cho đến đoạn giang tấu có tiết tấu chậm “tang tang tính tang” chứng tỏ nàng đang rất vui.

Tuy chưa bao giờ Mao hát thành lời nhưng qua giai điệu rộn ràng có thể thấy đó là một bài hát vui. ’

“Là la là la la... Ôi, anh chị... Hira... iwa...‘ kìa.”

Mao nói theo điệu nhạc rồi vội buông tay tôi ra. Mấy gương mặt quen thuộc đang bước về phía chúng tôi. Gia đình Hiraiwa hàng xóm.

Sau hôm đi nộp đơn đăng ký kết hôn về bị chị vợ và cậu con trai bắt gặp cảnh “bế cô dâu”, mỗi lần chạm mặt ở hành lang, chúng tôi lại trao đổi đăm ba câu. Đặc biệt, cậu con trai duy nhất tên Shu-kun có vẻ rất quấn Mao, cậu đã sang nhà tôi hai, ba lần gì đó để cho lũ cá đuôi quạt ăn. Lần nào gặp Mao cũng véo hai bên má mềm mềm của Shu-kun hoặc lần tìm vết hõm sau gáy cu cậu nhưng cu cậu bé không hề tỏ ra khó chịu. Cuộc hội ngộ đầu tiên có lẽ đã để lại ấn tượng quá sâu sắc nên Shu-kun luôn gọi Mao là “chị bị cảm” khiến chúng tôi chỉ biết cười đau khổ.

Tay ôm hai cái ba lô và một túi giấy, ánh mắt lơ đãng, trông thấy chúng tôi, chị vợ cố gượng cười.

“Xin chào. Hôm nay nóng nhỉ.”

“Chào anh chị. Công nhận nóng thật đấy. Cảm ơn chị về món bánh cá nướng hôm trước. Ngon lắm chị ạ!” Mao nói rồi nhìn cậu con trai đang ngủ vùi trên lưng bố. “Shu-kun đang ngủ ạ. Chắc cu cậu mệt quá.”

Xốc lại cậu con trai xem chừng khó mà tỉnh dậy với những tác động nhẹ, anh chồng đáp:

“Ôi chao, chúng tôi vừa đi vườn bách thú Tama về, sau khi đi xe buýt Lion, ăn trưa và xem gấu trúc, thằng bé rất thỏa mãn nhưng rồi cũng hết điện luôn. Người nó nóng lắm, lại nặng nữa.”

"Anh vất vả quá.”

“Ôi chao, thế nên mồ hôi mới vã ra như tắm thế này đây.”

Mặt nhăn nhó, miệng liên tục than “ôi chao” nhưng giọng anh Hiraiwa có gì đó rất tự hào.

Anh hơn tôi có năm tuổi nhưng nhìn anh cõng cậu con trai trông chững chạc và oai phong hơn tôi nhiều.

“Mồ hôi, mồ hôi.”

“Vâng vâng.”

Anh chồng chìa mặt ra, lập tức chị vợ lấy khăn bông đang quàng trên cổ chồng để lau mồ hôi cho anh. Không biết mấy năm nữa tôi và Mao mới có được sự phối hợp nhuần nhuyễn thế này.

Đứng trò chuyện một lúc, chúng tôi tạm biệt gia đình Hiraiwa.

Nhìn từ đằng sau, hình ảnh đôi vợ chồng khệ nệ cõng con và vác đồ, dù có muốn cũng không thể khen là bảnh được. Nhưng cũng có nét đẹp riêng.

“Cảm giác như họ là những người đã chiến thắng cuộc đời nhỉ.”

Vừa đi, Mao vừa nghiêng đầu nói.

“Thế ư? Anh chỉ thấy cảnh mồ hôi nhễ nhại.”

“Anh lại thực tế rồi. Biết là thế nhưng trông họ hạnh phúc đấy chứ.”

“Ừ.”

Mao nắm lại bàn tay ban nãy đã buông ra. Đáp lại, tôi cũng siết bàn tay ướt mồ hôi ấy rồi nói:

“Chúng mình cũng sẽ giống thế. Tuy vất vả nhưng vẫn vui.”

Chúng tôi chưa bao giờ bàn bạc một cách nghiêm túc về việc hoạch định tương lai, bởi tuổi chúng tôi chưa cần phải vội, việc cưới xin diễn ra cũng gấp gáp nên chẳng kịp tính toán gì. Chính vì thế tôi không biết Mao muốn có con hay không. Trừ những hôm Mao thông báo rằng “hôm nay an toàn” thì chúng tôi vẫn dùng biện pháp tránh thai, do vậy tôi chỉ dám chắc rằng nàng không chuẩn bị cho việc “đứa bé bất thình lình xuất hiện.” Bởi thế đây sẽ là cơ hội để tôi tìm hiểu thêm.

“Chẳng mấy mà nhà mình sẽ không còn cảnh hai người đi chợ nữa.”

“Hả, sao lại thế? Anh phải đi với em chứ.”

Mao đứng ngây ra.

“Thì em bảo, cứ ngủ chung một giuờng thế này sớm muộn cũng có ngày hoa tự đậu quả mà chẳng cần biết cây đã sẵn sàng hay chưa.”

Thấy tôi nói liến thoắng, Mao liền ngẩng lên nhìn tôi qua vành mũ.

“Kousuke, anh muốn có con hả?”

Nghe giọng nàng có vẻ không mấy mặn mà nên tôi chống chế:

“Ý anh không phải là ngay bây giờ.”

“Có con tốn tiền lắm.”

Chính nàng mới là người thực tế hơn tôi.

“Em nói đúng. Nếu chỉ có lương của anh thì trả tiền nhà còn chật vật chứ nói gì đến nuôi con.”

“Lẽ ra nên chọn một căn ở ngoại ô, xin lỗi anh nhé, tại em bảo thích căn hộ đó.”

“Không, anh cũng thích mà. Có ánh nắng có những người hàng xóm dễ chịu, và hơn hết...”

Thấy tôi ấp úng, Mao giục: “Hơn hết gì?”

“Hơn hết là có Mao.”

Bụp! Mao huých vào người tôi.

“Hôm nay sẽ mua sashimi. Loại đắt tiền.”

Nàng thật đơn giản.

Chúng tôi im lặng bước trên con đường quanh co. Trong tiếng ve kêu râm ran mãi không dứt, Mao ngước nhìn lên đám mây vũ tích rồi thì thào như vừa nhớ ra điều gì.

“Không biết em có làm mẹ được không?”

Mao không thích trẻ con chăng?

Tôi trộm nghĩ.

Hồi cấp II, nàng bị bạn bè xung quanh đối xử tệ như vậy nên chuyện này không phải không có khả năng. Nhưng lẽ nào khuôn mặt rạng rỡ khi chơi đùa với Shu-kun chỉ là diễn? Chưa kể có lần nàng còn ngửi cả mông Shu-kun để truy tìm nguyên nhân cậu bé tự nhiên thấy khó ở nữa cơ mà?

“Tư chất đó thì em có thừa.”

Đáp lại câu nói của tôi, Mao gật đầu mà trông như đang gục xuống.

Hay nàng lo chuyện không có ký ức về việc từng được bố mẹ nuôi dưỡng. Chuyện chăm con ban đầu ai cũng vụng về nhưng kinh nghiệm đã tùng được bố mẹ chăm sẽ là ánh sáng soi đuờng cho những kẻ còn lúng túng ấy. Mình làm gì sẽ bị bố mẹ mắng, được bố mẹ làm gì cho thì thấy vui, những chuyện như thế tôi có cả kho. Nhưng với người không có những ký ức đó thì nuôi con chẳng khác nào mò mẫm trong đêm tối không một ánh sao.

“Mao này.”

"Ừ”

“Ngoài chuyện tiền bạc ra, nếu em lo lắng bất cứ điều gì, dù nhỏ thôi, cứ nói với anh nhé.”

Lại một cú huých vào người, nhưng lần này nhẹ hơn.

“Không. Không có gì nghiêm trọng đâu, chỉ là em muốn tận hưởng cuộc sống vợ chồng son, không muốn nghĩ tới những chuyện xa xôi thôi.”

Thì ra là thế.

Tôi tự cười thầm trong bụng vì chưa chi đã lo hão. Rẽ ở góc ngã tư có cửa hàng bánh trôi nếp là tới siêu thị quen thuộc.

__________

Cơn nấc đến đỏ mặt tía tai đột ngột dừng lại.

Nhấm nháp món salad bạch tuộc bắt đầu se mặt, Yamai tiếp tục câu chuyện:

“Gọi là ‘kẻ phá đám gokon’ nhưng không phải theo nghĩa đen là vồ ngay lấy một anh chàng nào đó đâu. Ban đầu thì Mao cũng nói chuyện vui vẻ lắm nhưng cứ hết hiệp một là nó bỏ về. Thế nên anh chàng đã trót nhắm Mao ở hiệp một sang hiệp hai cũng rã đám luôn, đấy nghĩa ‘phá đám’ ở đây là như thế.”

Thấy cốc của Yamai đã cạn, tôi cầm chai rượu dung tích 4 go[2] lên. Sợ thật, chai rượu thứ ba này đã vơi đi trông thấy.

[2] Đơn vị đo thể tích của Nhật, 1 go = 180ml

“Mời cậu, mời cậu.”

“Ôi, xin thứ lỗi. Tớ đến đây để chúc mừng hai cậu, thế mà cứ ăn uống tì tì thế này.”

Miệng xin lỗi nhưng Yamai vẫn chìa cốc ra. Cô nàng uống khỏe hơn tôi tưởng.

Kanazawa bận việc không đến được nên cuối cùng chỉ có mỗi Yamai tới nhà bọn tôi.

Bẽn lẽn đưa chúng tôi chiếc bánh kem, ngắm nghía đồ đạc trong phòng, xem các chậu cây ngoài ban công, tít mắt cười với lũ The Beach Boys trong bể cá, Yamai đã giữ được vẻ ý tứ gần như khách sáo. Cho đến khi chai rượu Nhật được mang ra.

Tôi rót thêm rượu vào cốc của mình rồi giục Yamai kể tiếp.

“Quay lại chuyện ban nãy, nếu thế thì sao Mao lại đều đặn tham gia các buổi gokon nhỉ?”

Làm một hơi hết chỗ rượu trong cốc xong, Yamai đáp.

“Có lần tớ hỏi Mao là nó trông đợi gì ở buổi gokon. Thế là...”

Đoạn Yamai ngó vào phòng kiểu Nhật thăm dò. “Mao ngủ rồi nhỉ?”

Mao đang nằm ngửa trên sàn trong phòng kiểu Nhật sau khi say khướt vì không quen uống rượu Nhật.

“Ngủ rồi. Không sao đâu.”

“Thế là Mao đáp: người tình định mệnh của tớ đang học tại một trường ở Tokyo nên tớ phải đi tìm. Nghe xong, suýt nữa thì tớ cho nó một cú đấm vào gáy. Cái gì mà người tình định mệnh. Hóa ra là cô nàng đi tìm người yêu phải xa lìa từ hồi cấp II ”

“Người yêu phải xa lìa, nghe có vẻ mùi mẫn quá, vậy là cô ấy đã tìm tớ à?”

“Có vẻ thế.”

“Trời ạ, sao phải thế chứ.” Chẳng biết phải phản ứng thế nào, tôi cúi xuống ăn miếng nem cuốn còn trên đĩa. “Cách làm đó quá thiếu thực tế.”

“Tớ cũng nghĩ thế nên đã khuyên Mao hỏi các bạn cấp II, vì kiểu gì chả có người biết. Nhưng Mao khó chịu ra mặt, bảo là không muốn hạ mình nhờ vả bọn đấy.”

“Ra là vậy.”

Thấy tôi cúi đầu thở dài, Yamai tò mò hạ giọng hỏi: “Sẵn có men rượu cho phép tớ tọc mạch một chút, đã có chuyện gì hồi cấp II à?”

Tôi ngó vào phòng kiểm tra Mao. Chiếc chăn bằng vải bông vẫn phập phồng đều đặn, bên ngoài cửa kính, những vầng mây tích vũ buổi chiều trông như món sorbet[3] cam.

[3] Một loại kem đá làm từ hỗn hợp đường, nước, trái cây.

“À, cũng có thời gian cô ấy cảm thấy lạc lõng ở lớp vì tính cách mạnh mẽ, chỉ thích làm theo ý mình.”

Tôi dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn nhiều so với thực tế để miêu tả, sau đó nhấp một ngụm rượu.

“Ừ. Tớ hiểu. Mao là kiểu người độc lập, thường tự mình đưa ra kết luận mà không bàn bạc với ai nên có người không thích. Nhưng tớ lại thấy ưu điểm của Mao chính là một khi đã quyết thì không bao giờ lăn tăn nghĩ ngợi nữa.”

“Tự nhiên tớ lại thấy lo. Mao bảo hồi đại học vui lắm nhưng không biết có vui thật không?”

Yamai sỗ sàng đặt khuỷu tay lên mặt bàn để chống cằm rồi dốc cạn cốc rượu. Tuy sắc mặt Yamai không thay đổi nhưng có vẻ rượu đã phát huy tác dụng.

“Ừ, giờ thì có thể kể cho cậu được rồi, đúng là hồi đó có người không muốn Mao tham gia các buổi gokon, bảo nếu Mao không thích thì đến làm gì. Cậu thừa hiểu đối phương sẽ mất hứng thế nào khi tới đoạn hay nhất là xếp đôi với nhau thì ‘Rầm’, cánh cửa đóng sập lại.”

“Tớ xin lỗi vì vợ tớ gây phiền toái cho mọi người.”

Tôi cúi đầu xin lỗi rồi sốt sắng rót rượu cho Yamai.

“Không không, trường nữ sinh vốn lúc nào cũng sẵn những nghi kỵ nên ghét nhau là chuyện bình thường. Có người tớ còn chưa bao giờ nói chuyện, dù học cùng lớp cơ. Nhưng kể cả có người nói xấu thì Mao vẫn thuộc dạng được bạn bè quý mến. Nói hơi quá chứ Mao ở đâu là mọi người lại vây quanh đấy, ngay cả Kana-chan hôm nay không đến được nhưng sáng đã gọi điện hỏi bao giờ lại tụ tập tiếp kia kìa.”

“Ồ, mọi nguời vây quanh Mao ư. Tớ không thể tưởng tượng được cảnh đó kể từ sau hồi cấp II.”

“Thế à?”

“Ừ. Vì tớ và Mao luôn là kẻ ngoài cuộc.”

Yamai dùng đũa xắn miếng trứng cuộn rồi hơi rướn người lên.

“Không phải vì hai người tự tạo một vòng tròn riêng giữa mọi người đấy chứ?” Không biết sự thật nên Yamai trêu tôi. “Thích nhỉ. Hai đứa trẻ vụng về nuôi dưỡng tình yêu. Có lần Mao kể với tớ là hầu như chiều nào đi học về hai người cũng hôn nhau…”

"Hả?”

Tôi buột miệng kêu.

“Ơ? Thế không phải à? Mao bảo là hôn ở công viên gì gì mà hai người vẫn đến để bàn chuyện tương lai ý.”

Tôi nhấp một ngụm rượu để lấy lại bình tĩnh rồi đáp:

“Không hẳn là không phải nhưng chỉ một lần duy nhất thôi. Bàn chuyện tương lai hay ngày nào cũng hôn nhau là phóng đại đấy.”

“Trời ạ. Thế còn chuyện cậu tận tình chăm sóc lúc Mao bị sốt cao?”

Tôi cố làm cho cái đầu lâng lâng hoạt động trở lại để lục tìm trí nhớ. “Biết nói thế nào nhỉ. Có lần, hồi đầu xuân, do mải ngồi nói chuyện ngoài trời nên hai đứa bị cảm. Thấy mặt Mao đỏ phừng phừng nên tớ đã chạy về nhà lấy cặp nhiệt độ, hình như thế? Cô ấy sốt khá cao, tớ phải đưa cho một miếng dán hạ sốt rồi bảo mau về nhà đi, nhưng thế là chăm sóc tận tình ư? Chắc là không rồi.”

“Cái con bé này...” Yamai quay sang lườm Mao vẫn đang khe khẽ ngáy rồi nhìn tôi. “Trời ạ, vậy hồi hai mươi tuổi, tớ cứ vật vã mỗi khi nghe nó kể chuyện tình yêu để làm cái gì cơ chứ?”

“Ừ, để làm cái gì nhỉ.”

Thấy tôi nghiêng đầu, Yamai, tay vẫn cầm cốc rượu, cười rung cả người.

“Mà thôi, chuyện cũng không phải bịa đặt hoàn toàn nên tớ sẽ tha thứ cho nó. Chắc đó phải là kỷ niệm đẹp lắm nên Mao mới phóng đại gấp năm lần như thế. Tóm lại tớ rất mừng khi Mao tìm được Okuda. Chính tớ cũng có lúc nghĩ người tình định mệnh của Mao chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng thật kỳ diệu là người đó hiện đang ngồi trước mặt tớ đây. Tớ nghĩ Mao bỏ công sức đi tìm cũng xứng đáng đấy.”

Hẳn là người tôi đỏ rần rần đến tận mang tai. Mới được khen có vài câu mà tôi đã ngượng chín cả người.

“Tớ không tuyệt hảo đến mức được gọi là ‘người tình định mệnh’ đâu, nhưng gặp lại Mao tớ vui lắm, thậm chí còn thấy mình rất may mắn nữa.”

Yamai mỉm cười ranh mãnh.

“Xem nào. Có đúng là may mắn không nhỉ? Tớ không cho rằng Mao nhớ tới người yêu hồi cấp II suốt mười năm trời chỉ để chờ đợi một cuộc hội ngộ vô bổ đâu.”

“Vậy ư?”

“Bên cậu nhận được đề nghị của công ty Mao trước rồi hai người mới gặp lại nhau tại buổi họp phải không?

Chỉ cần nhìn nét mặt Yamai là biết cô ấy muốn nói gì.

“Không như cậu nghĩ đâu, Mao chỉ là nhân viên bình thường nên không có quyền chọn đối tác, với lại Mao đâu biết tớ làm ở công ty quảng cáo.”

“Chưa chắc. Cậu đừng xem thường sự nhẫn nại của Mao. Nó đã từng dành cả một năm để tìm một chiếc nhẫn chẳng đáng bao nhiêu tiền đấy.”

“Có chuyện đấy sao?”

“Ồ? Cậu không biết à?” Yamai nghoẹo hẳn cổ sang một bên như con cú rồi nói tiếp. “Hồi đấy Mao có ít nhẫn thôi nhưng nói chung nó là đứa rất thích nhẫn phải không?”

“Ừ, đúng vậy.”

Tôi nhớ tới hộp trang sức cất ở bàn phấn của Mao.

“Mao rất thích một chiếc nhẫn đăng trên tạp chí, thế là tớ cùng nó đi mua. Hình như bọn tớ đã đi đến ba cửa hàng thì phải? Nhưng cửa hàng nào cũng hết vì nhiều người mua quá. Tớ an ủi Mao là ‘thôi đành vậy’ rồi cũng quên chuyện đó luôn. Ai ngờ, một năm sau, bỗng một ngày Mao khoe với tớ là nó đã tìm thấy chiếc nhẫn!”

“Thôi đi!”

Một giọng nói uể oải cất lên, tôi và Yamai cùng nhìn về phía căn phòng kiểu Nhật. Mao đã ngồi dậy.

Đưa tay quệt nước dãi dính ở mép, Mao loạng choạng bước vào bếp hệt như nhà du hành vũ trụ vừa trở về trái đất sau chuyến thám hiểm mặt trăng.

“Cậu dậy rồi hả?”

Yamai hỏi, mặt như thể vừa bị bắt quả tang.

“Tớ có ngủ đâu. Thức suốt đấy chứ.” Mao cãi với bộ mặt rõ ràng là mới ngủ dậy rồi ngồi phịch xuống ghế. “Phải rồi, hôm nay tớ mua rượu Nhật cho Momo đấy. Mau khui ra thôi.”

“Mau gì nữa, bọn tớ khui cách đây hai tiếng rồi.” Mao nhìn chai rượu 4 go tôi giơ lên với cặp mắt ngái ngủ.

“À! Đúng rồi!” Có vẻ như rượu đã có tác động kha khá. “Vậy thì ăn bánh thôi. Bánh kem Momo mang đến ý. Để tớ đi lấy dao.”

“Được rồi, cậu cứ ngồi đấy.” Yamai vội đứng lên. “Tớ không mua cả cái đâu nên không cần phải cắt, Mao cứ ngồi đấy để tớ làm.”

“Thế hả? Vậy tớ sẽ đi pha cà phê.”

“Để đấy anh pha cho.”

Giờ mà để Mao pha thì không đánh rơi cũng úp ngược cốc nên tôi quyết định đứng dậy làm thay. Tuy nhiên, trong khi Yamai đứng dậy được ngay thi tôi cứ lảo đảo.

“Ngon quá, ngon quá.” Ngoạm miếng bánh kem phủ dâu tươi, Mao không quên quay sang cằn nhằn với Yamai: “Đừng có nhồi vào đầu nhà tớ mấy chuyện linh tinh đấy.”

Mao dùng từ “nhà tớ” y như người vợ thực thụ khiến cả tôi và Yamai cùng cười, thấy vậy Mao càng nhấm nhẳn hơn: “Có gì buồn cười à?” Để Mao và Yamai tiếp tục tranh cãi đến nỗi không còn biết ai là người đã có chồng, tôi đi ra bật đèn vì thấy trời đã tối. Vậy là sắp hết một buổi chiều vui vẻ.

Đang cằn nhằn với Yamai như thể muốn làm nũng, thấy Yamai chuẩn bị về, Mao đột nhiên òa khóc nức nở.

“Momo nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Người cậu không có bộ hãm nên đừng có uống nhiều, dù hôm nay tớ đã bắt cậu uống. Hồi đi Hawaii vui nhỉ. Tớ thật may mắn vì gặp được Momo. Tớ quý Momo lắm. Giữ gìn sức khỏe nhé.”

Nước mắt lưng tròng, Mao cầm tay Yamai, nhắc lại những lời từ biệt như thể đây là lần gặp cuối. Nhìn cảnh ấy, tôi tự hứa sẽ không bao giờ cho Mao uống rượu Nhật nữa.

Đến đoạn rẽ vào khu phố chợ ở ngã tư có cửa hàng bánh trôi nếp, Yamai dừng lại.

“Đến đây là tớ biết đường rồi.”

“Mao dặn tớ phải đưa cậu đến tận ga.”

“Thế à. Vậy thì phiền cậu.”

Yamai mỉm cuời, gật đầu đáp rồi bước tiếp.

Trời vẫn còn sáng nhưng dưới mặt đất, buổi tối đã nhanh chân đến trước bằng việc cột đèn dọc hai bên đường được bật sáng.

“Mao thật đáng ngưỡng mộ.”

Tôi tưởng mình nghe nhầm. Với màn trình diễn đáng xấu hổ vừa rồi thì không rõ Mao đáng ngưỡng mộ ở chỗ nào.

“Thế ư?”

“Nó lấy chồng được năm tháng rồi phải không? Bốn tháng à? Thế mà chẳng hề bị béo.”

Hóa ra là chuyện đó.

“Mao vốn khảnh ăn mà.”

“Nhưng thế cũng là giỏi lắm. Trông nó còn thanh mảnh hơn lần tớ gặp cách đây hai tháng ấy chứ? Chắc là nó đang âm thầm nỗ lực đấy.”

“Chẳng biết nữa. Chủ nhật, ăn trưa xong là cô ấy vào phòng kiểu Nhật ngủ ngay.”

Nghe thấy thế, Yamai thở dài thườn thượt.

“Thích nhỉ. Chả bù cho tớ, đều đặn tập gym sau giờ làm thế mà vẫn cứ tăng cân vù vù là sao.”

“Ừ, chẳng rõ nữa.”

“Kiểu này phải tăng lên ba buổi một tuần thôi.” Trong lúc nói chuyện, chúng tôi đến nhà ga lúc nào không hay.

“Cảm ơn vợ chồng cậu đã đãi tớ ăn uống no nê. Hôm nay tớ vui lắm.”

“Chính bọn tớ mới phải cảm ơn cậu. Hôm nào lại đến chơi nhé. Tớ hứa lần tới tớ chỉ cho Mao uống nước hoa quả thôi.”

Trước khi chia tay, Yamai tiết lộ thêm một vài sở thích của Mao thời đại học, tôi nhìn theo bóng Yamai khuất trong sân ga rồi mới quay về.

Về đến nhà, tôi thấy Mao đang gà gật trút thức ăn thừa sang đĩa nhỏ. Thấy lọ nước xốt cá ngừ đổ lênh láng ra bàn, tôi vội ấn Mao ngồi xuống.

“Em say rồi, để đấy anh dọn cho. Đi nghỉ đi.”

“Ùm.”

Đáp lại bằng một từ chẳng rõ phủ định hay khẳng định xong, Mao đặt máy tính xách tay lên bàn ăn vừa được dọn sạch.

“Ôi, em định làm việc trong trạng thái này à? Em nên chợp mắt một lúc đi.”

“Không phải.” Mao khẽ lắc đầu rồi từ từ ngoanh mặt về phía tôi. “Momo đã bóng gió xa xôi thế thì em cũng muốn giải thích cho rõ luôn.”

“Rõ chuyện gì?”

“Chuyện em ‘tái ngộ’ Kousuke như thế nào.”

Tôi thấy hai bên tai mình nóng bừng như thể có ngọn nến đặt bên cạnh.

“Ồ, thế không phải là tình cờ à?”

“Anh cứ xem đi đã.” Mao mở trình duyệt web. Sau khi vào trang tìm kiếm, trang chủ của Hội nghiên cứu đường sắt thuộc trường đại học tôi từng theo học hiện ra. “Em phát hiện ra Kousuke ở Hội nghiên cứu này ngay khi bắt đầu đi làm. Kousuke thích xe điện nên em nghĩ biết đâu anh sẽ tham gia Hội nghiên cứu đường sắt nào đó, do vậy, suốt cả thời sinh viên, cứ thấy trường đại học nào ở Tokyo có Hội nghiên cứu đường sắt là em lại vào xem.”

“Cái gì?”

“Anh cứ nghe em nói đã.”

Ấn tôi ngồi xuống bên cạnh mình, Mao nhấp chuột vào vài đường dẫn để mở trang đăng thông tin về chuyến tham quan mùa hè năm thứ ba đại học.

“À, lần đi tham quan tuyến Iwaizumi.”

Kèm theo đoạn thuyết minh của cậu sinh viên khóa duới tên Sato quản lý trang web hồi đó là bức ảnh sân ga cô quạnh với những đầu máy động cơ diesel bị bỏ phế. Nhìn tấm ảnh, tôi bỗng nhớ lại hình ảnh đường ray rung rinh trong màn sương mờ và tiếng ve đập vào vách núi. Nhưng giờ không phải lúc để hồi tưởng.

“Đây là anh Kousuke phải không?” Trong bức ảnh tập thể sáu người, người đang nhìn vào máy ảnh với vẻ mặt mệt mỏi đúng là tôi. “Bức ảnh không ghi tên thật, chỉ ghi là O-da nhưng em nhận ra ngay. ‘Đúng là Kousuke ở đây rồi’, em sướng rơn lên. Nhưng sau đó em không tìm thêm được manh mối nào.”

Trước lời giải thích của Mao, tôi chỉ còn biết há hốc mồm ngạc nhiên. Từ bút danh S-to, Mao đoán người quản trị mạng tên là Sato hoặc Saito và tiếp tục tìm kiếm trên mạng với từ khóa “Sato, đường sắt” hoặc “Saito, đường ray”.

“Và em đã tìm thấy cái này.”

Mao mở ra một trang blog có tên “Nhật ký đường sắt của Ota - Sato sắt”.

“Cậu ta viết blog này ư?”

Sau khi tốt nghiệp, tôi chỉ gặp Sato một lần trong buổi hội trường nên chẳng biết cậu ta đang làm gì, ở đâu. Theo hồ sơ cá nhân trên blog thì có vẻ cậu ta đi làm thêm để kiếm sống và rong ruổi theo các chuyến tàu điện trên khắp cả nước.

“Đây là bài viết vào tháng Ba năm ngoái. Từ bài này em biết được nơi làm việc của anh Kousuke.”

Tôi đọc bài viết có nhan đề “Nói thầm” Mao chỉ.

Thấm thoắt đã một năm kề từ khi tôi thất nghiệp. Nghĩ tới tương lai, tuy thấy bất an nhưng đây là con đường tôi đã chọn. Tự nhiên dạo này tôi hay nghĩ tới anh O (viết hoa cẩn thận) ở Hội nghiên cứu đường sắt trong trường đại học. Anh O luôn tự nhận mình là người có ít “chất đường sắt”, lý do vào Hội nghiên cứu cũng chỉ là “vào đại”. Thế mà anh đã hoàn thành trơn tru (cười) bốn năm đại học rồi còn vào làm tại một công ty lớn về quảng cáo đường sắt tên là Japan Rail Ad (chỗ này cũng viết hoa) nữa dù tính anh chẳng hợp với nghề đấy.

Có lần tôi đã hỏi anh P tại sao lại quyết đinh như vậy. Anh đáp:

“Thì cứ liên quan đến đường sắt là được. ”

Vậy thì phải xin vào JR làm chứ! (cười)

Thế đấy, nếu có người không kén cá chọn canh như anh O, “chọn đại” một con đường an nhàn thì ngược lại cũng có người như tôi, vì sở thích mà chọn đi đường chông gai (cười).

Chẳng thể nói ai hạnh phúc hơn ai nhưng một khi đã chọn, tôi muốn cố gắng để trước khi nhắm mắt có thể tự nhủ rằng: “Mình đã hạnh phúc”.

Nhắc đến mới nhớ, hễ ngà ngà say là anh O lại kể: “Hồi cấp II, chỉ với một tẹo trí khôn và chút bơ thực vật, anh đã hạ được kẻ có võ karate để bảo vệ bạn gái. ” Chắc anh bốc phét quá (cười).

"... Ối trời.”

Đó là từ đầu tiên tôi bật ra sau khi đọc xong.

Ban nãy nếu tôi sửng sốt về việc Mao phóng đại kỷ niệm hồi cấp II lên gấp năm lần thì giờ chính tôi lại bị lật tẩy chuyện phóng đại sự thật lên gấp sáu, bảy lần.

“Biết được đến đây rồi thì việc còn lại là hành động thôi.” Không đả động tới tình tiết đau thương của tôi, Mao tiếp tục với đôi mắt ngái ngủ. “Em chuẩn bị rất nhiều số liệu, kể cả vận động hành lang để thuyết phục cấp trên rằng bây giờ là thời đại của quảng cáo giao thông. Vì thế, lần ‘tái ngộ’ với anh không phải là ngẫu nhiên đâu.”

Một nụ cười thoáng hiện lên trên gương mặt ửng đỏ của Mao.

Tôi nhấp một ngụm cà phê đã nguội, cố lấy lại bình tĩnh rồi hỏi Mao.

“Thay vì miệt mài tìm kiếm trên mạng, sẽ hợp lý hơn nếu em chọn một Hội nghiên cứu đường sắt nào đó rồi rủ làm gokon. Chỉ cần tham gia vài lần, thế nào em chả tìm được Hội của anh thông qua các mạng lưới liên kết.”

Mao thở dài như muốn xua đi hơi rượu rồi uể oải đáp:

“Bản thân em chưa bao giờ đứng ra tổ chức gokon cả, em đã nhờ một đứa bạn quen biết rộng tổ chức hộ. Nhưng nó bảo không thích mấy anh chàng otaku xe điện nên không giúp.”

“Ra thế. Đó là phản ứng thường thấy”

"Nên em phải tự xoay xở thôi. Nhưng hãy nghe em đã. Em tin việc này không gây thiệt hại gì cho công ty và thực tế là nó đã đem lại hiệu quả. Nhưng thú thật em không chờ đợi việc anh sẽ xuất hiện ngay trong buổi họp đầu tiên. Em nghĩ phải sau khi công việc được triển khai, quen biết được vài người rồi thì em mới tìm thấy anh. Chỗ này em nói thật. Đó thực sự là một cuộc hội ngộ định mệnh không hề sắp đặt trước. Anh hãy tin điều đó.”

Mao siết chặt bàn tay tôi đang đặt trên đầu gối rồi thăm dò sắc mặt tôi. Ánh mắt nàng lộ vẻ lo lắng.

Tôi không biết phải trả lời nàng thế nào. Tất nhiên là tôi vui. Tôi rất cảm động vì Mao đã cất công tìm tôi. Nhưng đồng thời tôi cũng thấy bối rối.

Mười năm xa cách, không phải tôi đã quên đi mối tình đầu. Những chuyện xảy ra tại lớp học hay công viên bạch quả sau giờ tan học đã ngủ yên trong tim tôi như những kỷ niệm ngọt ngào có pha chút đau đớn. Đúng vậy, tôi đã xếp chúng lại thành những sự kiện tô đẹp cho quá khứ.

Trong khi đó, Mao không cho mối quan hệ ấy dừng lại ở mùa hè năm mười lăm tuổi. Bằng sự nhẫn nại và quyết tâm hơn cả lời nhận xét của Yamai rằng “không nên xem thường”, nàng đã miệt mài tìm tôi. Có thể có mấy lý do. Vì đó là mối tình đầu. Vì nàng đã được tôi đối xử tốt. Vì tôi là người nàng dành cho nụ hôn đầu. Nhưng lẽ nào, chỉ vì mấy điều trên mà nàng đã giữ gìn tình cảm đó suốt mười năm? Chưa kể tôi chỉ là một gã trai bình thường, mờ nhạt, chẳng có gì hấp dẫn.

Hay Mao có ý đồ khác. Bên cạnh lý do tiếp cận tôi vì tình yêu. Nhưng tôi làm gì có tiền bạc, địa vị hay danh tiếng gì để mà tiếp cận.

Trong lúc cả hai cùng im lặng, mắt Mao bắt đầu ngân ngấn nuớc.

Mao khéo tới mức có thể diễn được cảnh khóc lóc ư? Không thể nào. Tôi phải làm sao khi không thể tin Mao được nữa đây?

“Mao này.”

Tôi đang tìm từ để nói tiếp thì Mao lên tiếng:

“Tại vì em rất yêu Kousuke, muốn được ở cùng Kousuke. Người bình thường làm gì có ai bám dai như vậy phải không?”

Bất ngờ bị hỏi, tôi chỉ biết gật đầu ậm ừ.

“Thường thì con gái thay đổi nhanh hơn.”

“Đúng thế. Em lại không biết việc đó. Một đứa bạn cấp III đã từng bảo em, nghĩ đến anh suốt bao năm như thế, biết đâu lại là gánh nặng cho anh, do đó em đã giấu kín cho đến tận hôm nay. Em không muốn bị coi là hâm.”

Có một việc không được phép quên. Đó là Mao không có ký ức về giai đoạn trước năm mười ba tuổi.

Trong mắt một người không có kiến thức lẫn trải nghiệm như Mao, không có gì khó hiểu nếu hình ảnh của tôi - người gây ra vụ bơ thực vật - hiện lên long lanh hơn thực tế. Thêm nữa, tôi đã luôn ở cạnh nàng, cướp của nàng nụ hôn đầu đời. Do đó, xét về mặt trải nghiệm, hồi ấy Mao chỉ như đứa trẻ còn bú sữa nên việc tôi có một vị trí đặc biệt với Mao, hay nói như lời Mao là “người tình định mệnh” là hoàn toàn có cơ sở.

“Em đã giữ kín bao lâu rồi sao hôm nay lại muốn kể?”

Giọng thều thào như hết hơi, Mao ấp úng đáp. “Nhỡ em mà chết khi chưa kịp kể cho Kousuke thì sẽ thành lừa dối Kousuke cả đời, như thế là xúc phạm đến Kousuke. Nên hôm nay em đã mượn rượu để kể cho anh. Nhưng giờ anh thấy ghét em rồi đúng không? Vì em không bình thường.”

Tôi với tay ra để lắc lắc vai Mao.

“Này, anh bảo ghét em bao giờ?”

“Hồi cấp II, anh vẫn hay mắng em là ‘Bình thường đi’ còn gì.”

“Em nhớ cả chuyện đó à?”

“Giờ thêm chuyện này, anh sẽ càng ghét em hơn phải không?”

“Em nghĩ anh nhỏ nhen thế sao?”

“Ừ.”

“Ừ gì mà ừ.”

“Em xin lỗi. Chỉ là buột miệng thôi.”

Thấy Mao co rúm người, bất giác tôi bật cười. Mao cũng cười theo. Nước mắt lã chã rơi từ khóe mắt bé xíu.

Có lẽ Mao đã lấy hết dũng khí để thú nhận với tôi dù đang trong trạng thái gần như say bí tỉ. Thấy không tiện lau nước mắt cho nàng nên tôi cứ để nàng nắm chặt tay mình.

Không phải tôi không cảm thấy bị Mao lừa. Nhưng cơn giận dữ không bùng lên được. Mao chỉ dối tôi chuyện về lần “tái ngộ” chứ không dối tôi về tình cảm.

“Anh không ghét em đâu. Mặc dù nói thật anh rất kinh ngạc trước sự đeo đuổi của em, nhưng đó đâu thể là lý do để anh ghét em.”

Tôi úp hai tay mình lên nắm tay bé xíu của Mao, từ từ gỡ từng ngón tay đang cứng đờ ra.

Mao sợ sệt hỏi.

"Anh không giận chứ?”

"Dao động thì có, nhưng giận thì không. Nói đúng ra là trái tim anh đang giơ hai ngón tay lên hô vang ‘Mình thật may mắn’ đấy.”

“Nghĩa là sao?”

"Bản thân anh không nhận ra nhưng hình như hồi cấp II, anh đã len lỏi được vào trái tim của Mao. Là người đầu tiên bước vào đó, anh nghiễm nhiên trở thành ‘người tình định mệnh’ trước khi em biết nhìn người. Nếu gặp em hồi cấp III hay đại học, hẳn anh sẽ vất vả lắm vì phải cạnh tranh nhiều. Do đó anh thấy mình thật may mắn”

“Anh không cần khách sáo thế đâu. Em hâm. Em không bình thường mà.”

“Đừng lo, anh bỏ mong muốn em là người bình thuờng từ lâu rồi. Bởi vì, cứ tưởng em trưởng thành lắm nhưng hóa ra vẫn còn khối chỗ như học sinh cấp II, tuởng chín chắn lắm nhưng hóa ra rất hấp tấp, tưởng thất thuờng như thời tiết nhưng hóa ra lại kiên định đến phát sợ. Mao đúng là khác người.” Mao cúi gằm mặt nghe tôi nói. Cách phản ứng dễ đoán biết của Mao khiến tôi nhớ lại thời cấp II, bất giác tôi mỉm cười: “Nhưng khác người thì kệ chứ. Mao là Mao, giờ Mao mà bình thường thì anh sẽ phân vân lắm. Nói cho em biết nhé, anh không có ý định rời bỏ vị trí ‘người tình định mệnh’ đầu. Có thể anh chỉ là kẻ ăn may nhưng anh sẽ không dễ dàng buông tay Mao. Anh sẽ tiếp tục bịt mắt em lại.”

Tôi chưa kịp nói xong thì Mao đã nhảy lên lòng tôi. Tôi phải giạng hai chân để giữ cho chiếc ghế khỏi ngã ngửa ra. Dù rất sung sướng khi được Mao dụi bầu má mềm mại vào cổ, tôi vẫn thoáng có cảm giác thua cuộc, dù là thua cuộc trong sung sướng, hóa ra đàn ông dễ dàng gục ngã trước phụ nữ như thế này đây.

Tôi vỗ vào bên vai đang nóng bừng vì rượu của Mao thì nghe thấy nàng thì thào:

“Em thấy khó chịu quá.”

“Hả?”

“Em sắp nôn rồi.”

“Đợi đã. Em đi được không? Có đợi được ra đến bồn rửa mặt không?”

Thấy Mao khẽ gật đầu, tôi liền thận trọng đỡ Mao dậy rồi dè dặt dìu Mao ra bồn rửa mặt như thể đang vận chuyển một vật dễ nổ.

“Ọe…”

Vừa bám được vào thành bồn, Mao phun hết cả chỗ rượu lẫn thức ăn do nàng nấu ra. Nhiều thế này cơ à.

Tôi vuốt lưng cho Mao và thốt ra lời động viên “Cố lên” xem chừng chẳng hợp với hoàn cảnh, sau đó vì chẳng biết phải làm gì, tôi bèn vặn vòi nước, mở cửa phòng tắm và bật quạt thông gió.

Nôn xong, Mao vẫn chưa hết thở dốc.

Vợ đang trong bộ dạng vô cùng lôi thôi mà tôi chỉ muốn ôm ngay nàng vào lòng.

Tôi đã nghĩ tới điều chẳng mấy liên quan như thế trong lúc xoa lưng cho nàng trước một bồn rửa mặt nồng nặc mùi nôn ọe.

__________

Trong suốt thời gian từ hè sang thu, mỗi khi được nghỉ chúng tôi lại đi chơi khắp nơi.

Chúng tôi đi hết các rạp chiếu phim trong quận, leo lên đài quan sát trên nóc tòa thị chính Tokyo để tìm chung cư đang ở, ngẩn tò te ở triển lãm tranh siêu thực, hò reo hết mình ở sân bóng chày Jingu. Hôm nào không muốn đi đâu, chúng tôi lại đi dạo ở khu vực gần nhà. Có môt đoạn sông Shirakogawa gần nhà được cải tạo thành công viên sinh thái, Mao rất thích đến đó để đứng trên cầu ngắm lũ rùa và cá chép đủ màu sắc bơi lội dưới sông.

Nói thật, hôm nào phải làm việc tới 10 giờ tối thì hôm sau tôi chỉ muốn ngủ nướng đến tận trưa, nhưng một khi đã bị Mao - người hôm trước còn làm việc đến tận 11 giờ - kéo tay lôi đi thì không có cách nào từ chối. Tuy nhiên, hễ đã đi đều rất vui.

Ở bên Mao không bao giờ thấy chán. Hôm ở trên đài quan sát, nàng bảo “chung cư nhà mình kia kìa” rồi chỉ tay về hướng hoàn toàn ngược lại, lúc ở sân bóng chày, nàng tự coi mình là “nhân vật may mắn trong ngày” vì được xuất hiện trên màn hình lớn, được tặng con linh vật nhồi bông nhưng sau đó lại để quên trên giá tàu điện và đi ra khóc lóc với nhân viên nhà ga.

Không biết có phải muốn bù đắp mười năm xa cách không mà sức vận động của Mao rất đáng nể. Đỉnh điểm là hôm đi chơi công viên Kasai Rinkai. Choáng ngợp vì nhìn thấy máy bay lúc ngồi trên vòng quay, Mao nằng nặc đòi đến sân bay Hanade. Tôi đã sai lầm khi gật đầu đòng ý. Sau khi ngắm hàng chục lượt máy bay lên xuống đến tận lúc mặt trời xế bóng, tưởng nàng thỏa mãn lắm rồi, nào ngờ nàng tiếp tục đòi đến trường đua ngựa Oi - thứ nàng trông thấy khi ngồi trên tàu điện trên cao. Mê mẩn trước vẻ đẹp và sức mạnh của các chú kỵ mã đạp rung đất phi nưóc đại trong đêm tối, nàng đặt cược mỗi con 100 yên và lần lượt thua hết sạch sành sanh. Đêm ấy, tôi mơ thấy một con ngựa nòi khổng lồ rơi xuống trái đất trong tiếng gào rống đinh tai nhức óc.

Cứ như vậy, sau một ngày thứ Bảy vui chơi đã đời, sang đến Chủ nhật, chúng tôi chỉ quanh quẩn ở nhà. Trừ những hôm có “lệnh triệu tập” vô lý từ khách hàng, tôi tuân thủ tuyệt đối mô hình này. Có lẽ tôi cũng muốn bù đắp lại mười năm đã mất.

Tuy vậy có nơi tôi không thực sự thoải mái khi đến. Đó là nhà bố mẹ Mao ở Kamagaya.

Sau hai, ba lần, tuy đã quen hơn nhưng tôi vẫn không thể thư giãn khi ngâm mình trong bồn tắm hay nằm ngủ trên tấm đệm dành cho khách. Dường như tôi vẫn cảm thấy có lỗi với bố mẹ Mao về chuyện thúc ép cưới.

“Bố mẹ nên đi nghe opera một lần đi. Giọng của ca sĩ chuyên nghiệp phải nói là đỉnh luôn, vang đến tận dạ dày của mình ấy.” Trong bộ đồ ngủ, vừa lấy khăn lau tóc, Mao vừa kể cho bố mẹ nghe sức hấp dẫn của opera. “Có nhiều trích đoạn lắm nhưng nếu xem, bố mẹ phải xem của Mozart nhé. Trình độ của ông ấy khác hẳn những nhà soạn nhạc khác.”

Đây mà là căn hộ ở Oi-izumi, thế nào tôi cũng thúc ngay cùi chỏ vào Mao, bảo: “Gớm, mới xem có một lần...” nhưng trước mặt đang có bố mẹ Mao. Chỉ riêng việc đóng vai “ông con rể tốt” mỉm cười luôn miệng thôi cũng quá sức tôi rồi.

“Chà, opera à.”

Hai con người có vẻ hợp với sân khấu kịch Shimbashi hơn là Nhà hát Quốc gia mới cùng nghiêng đầu.

“Họ diễn liên tục ở Nhà hát Quốc gia mới từ mùa thu cho tới đầu hè. Có phụ đề đầy đủ nên dễ hiểu lắm, địa điểm lại nằm ngay ở Hatsudai, đi thẳng một lèo từ Shinjuku theo tuyến Keio là tới nên bố mẹ đi xem đi.”

“Chà, opera à.”

Mẹ Mao lẩm bẩm nhắc lại nguyên câu ban nãy.

Với tư cách là một “mẩu đường sắt”, tôi rất muốn đính chính rằng Hatsudai không thuộc tuyến Keio mà thuộc tuyến Keio Shinsen nhưng thấy bố mẹ Mao có vẻ chẳng hào hứng mấy nên tôi lại thôi. Dù gì thì họ cũng thuộc phe sân khấu kịch Shimbashi.

“Thôi con mệt rồi, con đi ngủ đây. Chúc bố mẹ ngủ ngon.”

Mao khẽ vẫy tay rồi rời khỏi phòng khách. Tiếng dép loẹt quẹt của nàng biến mất trên cầu thang, nhường chỗ cho tiếng côn trùng từ ngoài sân vọng vào.

“Mới có 10 rưỡi mà.”

Bố Mao đưa tay gãi mái tóc muối tiêu và chuyển câu cằn nhằn chưa kịp nói với con gái sang cho vợ.

“Có phải giờ nó mới thế đâu. Lúc nào nó chả làm theo ý mình.”

Thấy vợ vẫn ngồi đủng đỉnh uống trà, bố Mao bèn đứng dậy bảo “Tôi đi tắm đây” rồi vào bếp cất ly rượu đã uống cạn.

Khẽ chỉ tay theo ông chồng đang khuất dạng sau hành lang, mẹ Mao bụm miệng cười.

“Ông ấy muốn nói chuyện với con Mao mà không đuợc nên đâm ra cáu bẳn thế đấy.”

"Có phải tại con làm phiền không ạ?”

Hình như tôi đã nói hơi nhiều sau khi nghe bố Mao bảo cuối cùng trong nhà cũng có người biết nói chuyện bóng chày và chính trị.

“Không phải đâu.” Mẹ Mao nói, kèm theo nụ cười trên gương mặt phúc hậu. “Ông ấy vẫn thế từ hồi nó mười sáu, mười bảy tuổi cơ. Tại ông ấy không còn biết phải tiếp cận với con gái thế nào nữa. Trong khi hồi cấp II, hai bố con cứ dính lấy nhau đến nỗi mẹ cũng phát ghen.”

“Thế ạ. Con không hình dung được.”

Mẹ Mao lim dim mắt hồi tưởng lại.

“Thì con bảo, sống đến gần năm mươi tuổi tự nhiên lại có đứa con gái, dù chỉ là con nuôi, chả trách ông ấy cứ phát cuồng cả lên, mệt lắm, con bé mới xỏ tay vào áo đồng phục cấp II ông ấy đã vỗ tay khen ầm ĩ ‘hợp lắm, hợp lắm’, khi nó đạt giải nhất trong ngày hội thể dục cũng thế, ông ấy hét váng lên từ hàng ghế phụ huynh, còn khi xem đến sổ liên lạc của con thì mặt cắt không còn hột máu. Nhưng đúng là sổ liên lạc thì ngay cả mẹ nhìn cùng thấy choáng. Bố mẹ đã phải bàn bạc đến khuya xem có nên cho con bé đi học lại lớp Năm không đấy.”

“Vậy chắc bố mẹ mừng lắm trước sự trưởng thành vượt bậc của Mao?”

“Chuyện đó cũng khó nói, mẹ thì đơn giản chỉ thấy vui nhưng ông ấy lại buồn vì không được bận bịu nữa. Có lần con bé đứng trước mặt bố mẹ đọc vanh vách một đoạn mở đầu Truyện kể Genji khiến bố nó khóc rưng rức bảo: ‘Hồi tôi nhặt nó về, nó chỉ nói được mỗi hai câu... Khi mẹ khóc theo, ông ấy liền tự than trách rằng: Tôi chỉ học hết cấp III nên chẳng còn dạy được nó nữa rồi. Nó không cần tôi nữa.’ Đến là khổ.”

“Ôi chao, con không hình dung nổi.” Sau khi cười một chập, tôi nghiêm túc trở lại. “Nói được mỗi hai câu, chứng tỏ cô ấy sốc rất nặng?”

“Sốc nặng?”

“Ý con là hẳn đã có chuyện gì khiến cô ấy mất cả ký ức.”

Nụ cười của mẹ Mao xua tan những lo lắng của tôi. Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Mao và mẹ diễn ra khoảng mười ngày sau khi Mao được nhặt về, khi đó Mao đang chơi đùa với bọn trẻ chỉ bé bằng nửa tuổi mình trong phòng sinh hoạt chung của Trung tâm tư vấn thiếu niên nhi đồng.

“Con bé chơi rất bình đẳng với những đứa bé khác, không có kiểu ta đây là đàn chị đâu. Nhìn nó tóc tai bù xù, quần hở cả nửa mông, mẹ đã cảm thấy ngay là mình được giao sứ mệnh chăm sóc con bé. Chính vì thế, khi bố hỏi mẹ có đem con bé về nuôi không, mẹ gật đầu ngay không chút do dự.”

Những gì mẹ Mao vừa miêu tả thật khó có thể hình dung ở một cô bé mười hai, mười ba tuổi. Nhưng đáng sợ là về Mao thì tôi lại tưởng tượng được ngay!

“Nghĩa là Mao không những không có vẻ gì là sốc mà còn chơi đùa rất vui?”

“Ừ, nó không sợ người lạ, lúc nào cũng cười tủm tỉm, mắt long lanh. Một hai ngày đầu hầu như nó chẳng nói gì nhưng sau khi được bố mẹ đón về nhà, con bé nói nhiều và sõi lắm. Cứ hỏi bao giờ đi học cấp II, sao mãi chưa hết nghỉ hè.”

Nghĩ đến cảnh ngộ hết sức tội nghiệp của Mao tại trường cấp II sau đó, tôi thấy câu chuyện càng lúc càng kỳ lạ.

“Hai câu Mao nói lúc được nhặt về là gì ạ?”

Đang đưa tách trà lên miệng, mẹ Mao dừng lại nghiêng đầu bảo:

“Câu đầu tiên là ‘học sinh cấp II’. Câu tiếp theo là ‘muốn đi học’. Từ hai manh mối này, cảnh sát đã dò hỏi các trường cấp II và chính quyền địa phương trên khắp cả nước xem có học sinh nào mất tích không nhưng không có ai giống Mao.” Nhớ lại sự việc đã xảy ra cách đây hơn mười năm, mặt mẹ Mao thoáng buồn .“Vì lỗ hổng của luật pháp, vì hoàn cảnh gia đình mà tại một đất nước phát triển như Nhật Bản vẫn có những đứa trẻ không được làm giấy khai sinh. Có lẽ Mao là một đứa trẻ như thế, dù đến giờ vẫn chưa rõ thực hư thế nào. Bản thân nó vô tư chẳng để ý gì nhưng bộ dạng của nó lúc nhặt về ý, đúng là không bình thường.”

“Không bình thường là sao ạ?”

Mẹ Mao tròn xoe mắt ngạc nhiên.

“Con không nghe Mao kể gì à?”

“Không ạ.”

“Cái con bé này, đến cả chồng mình cũng giấu.” Dưới lớp áo khoác len mỏng, mẹ Mao khẽ so vai, cố che giấu cảm xúc bằng nụ cười. “Nếu con không biết thì mẹ nghĩ cũng không cần phải biết. Dù sao chuyện cũng xảy ra lâu rồi.”

Bầu không khí ngột ngạt hệt như hôm đầu tiên đến chào bố mẹ Mao lại xuất hiện trong phòng khách râm ran tiếng côn trùng. Tự nhiên tôi thấy sợ nếu mình không biết gì.

Tôi rón rén khơi lại lời đồn kỳ lạ nghe được từ ngày xưa.

“Chuyện Mao khỏa thân phải không ạ?”

Sau một chút ngập ngừng, mẹ Mao gật đầu:

“Ai kể cho con chuyện đó?”

“Ở trường cấp II đồn như vậy.” Nói xong, tôi vội chống chế thêm: “Nhưng chỉ một bộ phận nhỏ thôi, rồi mọi người cũng quên luôn ”

“Lan đến cả trường cơ à? Người ta bảo không bịt được miệng thiên hạ, quả không sai.”

Mẹ Mao nhìn lên trần nhà, thăm dò động tĩnh trên gác rồi bắt đầu kể cho tôi nghe sự thật.

Nhận được tin báo có một cô bé trần như nhộng đang lang thang ngoài đường, bố vợ tôi cùng cấp dưới vội lao đến và thấy Mao đang khỏa thân đi lang thang trong khu dân cư gần nhà nàng bây giờ. Lúc đó khoảng 2 giờ sáng. Mao rất tỉnh táo, ngoan ngoãn lên xe cảnh sát. Nhận định rằng có khả năng Mao liên quan tới một vụ án nào đó nên cảnh sát đã giữ Mao tại một bệnh viện trong thành phố. May mắn là Mao không bị thương tích gì, thể xác lẫn tinh thần hoàn toàn bình thường. Ngoại trừ việc mất ký ức.

Trong lúc nghe chuyện, tôi thấy mình thở gấp hơn. Không phải vì rượu whiskey bố Mao mời. Mà là tôi thấy bất an quá. Sao Mao lại ở ngoài đường trong tình trạng không quần áo? Mao tự cởi hay bị người khác cởi? Nếu có người khác thì liệu người đó có phải là nguyên nhân dẫn đến việc Mao mất ký ức không?

Tôi im lặng đổ thứ chất lỏng màu hổ phách đã nguội vào miệng. Hương rượu bốc lên mũi, mơn trớn niêm mạc nhưng giờ chẳng có tâm trạng nào mà say.

Mẹ Mao cũng nhấp một ngụm trà đã lanh ngắt từ lâu, tiếp tục câu chuyện.

“Lúc mới được nhặt về và cả khi làm xong các thủ tục hợp pháp, con bé đã làm rất nhiều xét nghiệm và trị liệu suốt mấy năm ròng. Bác sĩ dùng phương pháp thôi miên để đánh thức ký ức của nó, với bệnh mất trí nhớ thông thường, phương pháp này có thể giúp khôi phục dần trí nhớ nhưng nó chẳng nhớ lại được gì. Một chút cũng không.”

Chuyện nghiêm trọng như vậy mà mẹ Mao lại kể với vẻ rất thoải mái. Tôi thầm nghĩ, Mao thật may mắn khi có người mẹ nuôi như thế này.

“Chính vì thế mà đến giờ bố mẹ vẫn bất đồng quan điểm về tên bệnh của Mao.”

“Ừ. Ông ấy nghĩ ngợi nhiều lắm nhưng từ lâu mẹ đã thôi không nghĩ nữa rồi. Trước đó, mẹ cũng đọc sách, tham khảo người này người kia, dò tìm tên bệnh và cách chữa theo kiểu nghiệp dư, nhưng nhìn thấy Mao ngày một trưởng thành, không phải bố mà chính mẹ đã quyết định ‘Mao là Mao’. Mẹ khen con thì không hay lắm nhưng nó là đứa tốt phải không, dù có hơi khác người.”

Không cùng huyết thống, cũng không chăm Mao từ lúc mới sinh. Thế nhưng sự gắn bó và tình yêu của người mẹ nuôi này với Mao thật đến mức tưởng chừng như có thể chạm tay vào được.

Xoa xoa hai bàn tay đã xuất hiện những nếp li ti, mẹ Mao kể tiếp.

“Vì thế giả sử trước đó Mao có gặp chuyện gì đó khủng khiếp đi nữa, mẹ cũng không để bị ảnh hưởng. Khóc lóc, đau khổ vì quá khứ cũng chẳng giải quyết được gì. Với lại con bé vô tư thế, dẫu có xảy ra chuyện gì đi nữa nó cũng chẳng hiểu và bị tổn thương đâu. Mẹ nghĩ thế.”

Đoạn cuối, giọng mẹ Mao nghe như đang tự an ủi chính mình.

Hẳn là bà đã chiến đấu với nỗi lo này suốt một thời gian dài. Với bà, việc Mao mất ký ức vừa rủi lại vừa may. Có thể có ai đó đã ngược đãi Mao hồi nhỏ. Có thể ai đó đá làm nhục cô ấy. Nhưng bà chẳng thể kiểm chứng và cũng chẳng muốn kiểm chứng.

Tôi cứ đắn đo không biết có nên kể không, nhưng rồi quyết định công bố sự thật cho mẹ vợ biết.

“Tuy không thể kiểm chứng được việc cô ấy có bị ngược đãi hay không, nhưng cái đó, ý con là mắt xích cuối cùng đó, chỗ đó... không hề hấn gì đâu ạ.”

“Hả?”

Tôi không dám nhìn vào mắt mẹ vợ khi bà hỏi lại, chỉ biết nhìn chỗ nước đọng trên tấm lót ly.

“Nói thế nào nhỉ, có thể nói con là đối tượng cho lần xung trận đầu tiên của Mao, đại để là thế. Nhưng không phải từ hồi cấp II đâu. Mới năm nay thôi. Con đã rất bất ngờ, hai mươi lăm tuổi mà cô ấy vẫn chưa...”

“À!”

Có vẻ như bà đã hiểu ra.

“Con xin lỗi vì đã kể chuyện này.”

“Không sao. Là chồng, con đâu cần xin lỗi.” Nước mắt chảy ra từ đôi mất bé xíu của mẹ Mao. “Chết thật. Mẹ lại khóc rồi. Ban nãy vừa bảo không lo lắng cơ mà, thế này chả lo lắng là gì. Ừ, để đến ngần này tuổi đầu... Chẳng phải chuyện của mẹ nhưng con bé cứ như không phải người thời nay nhỉ.”

Nhìn thấy khuôn mặt rạng rỡ của mẹ Mao, sự căng thẳng của tôi cũng được giải tỏa.

“Còn nhiều người như vậy lắm. Tại hầu hết những người ngoài hai mươi đều đang bị công ty vắt kiệt sức lao động nên cuối tuần chỉ muốn ngủ cho đã mắt mà không bị ai làm phiền.” Nói xong, tôi bỗng thấy lo không biết mẹ Mao có nghĩ đây là lời thanh minh của một cặp vợ chồng không quan hệ tình dục không. “Nhưng trong chuyện này thì chúng con rất hòa hợp, khi được trải nghiệm rồi, thậm chí Mao còn ham muốn hơn cả con...”

Khóe miệng mẹ Mao hơi nhếch lên. Thôi chết. Tôi lỡ miệng rồi. Tại lâu không uống whiskey đây mà.

Tôi lại nhìn xuống cái lót ly, đoạn ấp úng:

“Tóm lại, xét về cả thể chất lẫn tinh thần, cô ấy đều khỏe mạnh như người bình thường nên không thể có chuyện cô ấy bị xâm hại lúc nhỏ đâu. Nữ giới bị xâm hại tình dục thường sẽ bị sang chấn tâm lý, lớn lên dễ có xu hướng lảng tránh đàn ông, nhưng Mao không hề có biểu hiện đó. Vì vậy, việc cô ấy không mặc gì đi lang thang ngoài đường có thể chỉ là vì nóng quá thôi.”

Thấy tôi nói hăng quá, mẹ Mao bật cười.

“Lúc bố nhặt Mao về mới tháng Năm mà. Nhưng con không cần khách sáo thế, mẹ biết Kousuke rất thương Mao.” Bà xua xua tay rồi hỏi lại tôi. “Con bé làm vợ tốt chứ? Nó có gây khó dễ gì cho con không?”

“Không ạ. Cô ấy đúng là một người vợ tốt.”

Mẹ Mao khẽ thở dài.

“Nếu vậy thì tốt. Nó đâu còn bé để bố mẹ phải nhắc nhở nữa nhưng mẹ vẫn cứ lo. Chắc tại mẹ không đẻ ra nó chăng.”

“Con thấy mẹ và cô ấy chẳng khác gì ruột thịt.”

Câu nịnh của tôi được đón nhận bằng một nụ cười.

“Hễ nghĩ đến Mao là mẹ lại bận rộn hồi tưởng, cười nói rồi lo lắng. Bố mẹ cưới nhau hơn ba mươi năm nhưng từ khi có Mao, mười năm trở lại đây mới thực sự có ý nghĩa. Không biết có phải vì con bé đột nhiên xuất hiện như từ trên trời rơi xuống không mà thỉnh thoảng mẹ lại nghĩ sẽ có ngày con bé đột nhiên biến mất. Mẹ rõ là dở hơi nhỉ. Mẹ biết chứ. Vậy mà cứ thỉnh thoảng mẹ lại mơ thấy điều đó và tỉnh dậy lúc nửa đêm. Đầu năm Mao có dẫn bố mẹ đi suối nước nóng, lúc ăn tối, tự nhiên nó nghiêm mặt lại bảo: ‘Con thật may mắn vì được làm con của bố mẹ.’ Cứ như nó đang chào tạm biệt mình ấy, mẹ nghe mà sốt hết cả ruột. Bố nó cảm động quá còn khóc cơ, thật chẳng ra làm sao cả.”

Từ “chào tạm biệt” cứ văng vẳng bên tai tôi. Tôi nhớ lại, Mao đã nói về việc trả tiền cho chuyến đi đó thế này: Đây là hành động báo hiếu đầu tiên và cũng là cuối cùng của tớ. Chỉ là ngẫu nhiên chăng?

Tôi nhớ hình như mình từng chứng kiến một tình huống nào đó cũng gợi đến sự chia ly. Phải rồi, hôm tiễn Yamai trước thềm nhà. Mao nước mắt lưng tròng, cầm tay Yamai, liên tục nhắc đi nhắc lại câu: “Cậu giữ gìn sức khỏe nhé.”

Mao có dự cảm về sự chia ly chăng? Vớ vẩn. Câu “Đây là hành động báo hiếu đầu tiên và cùng là cuối cùng” chỉ là câu chữa ngượng thôi, còn với Yamai là do men rượu.

“Mao không đi đâu đâu mẹ.”

Nói câu có phần hơi gay gắt ấy, tôi co người lại, uống nốt chỗ rượu trong ly.

HẾT CHƯƠNG 4