Cô Gái Trong Nắng

Chương 1




Tôi kiểm tra đi kiểm tra lại, dòng chữ trên danh thiếp nhận được vẫn là “Watarai Mao”.

Biết là bất lịch sự nhưng tôi không thể không so sánh cái tên in trên danh thiếp với gương mặt người ngồi đối diện.

Đáp lại, đối tượng cũng tròn mắt nhìn thẳng vào tôi. Ánh mắt hệt như lúc xảy ra sự kiện nhỏ tại công viên mùa lá rụng năm nào.

Đúng là Mao rồi. Watarai Mao.

“Có phải....bạn học ở trường cấp II Tây Kamagaya...”

“Ừ. Tớ là Watarai đây. Cậu là Okuda?”

Cô đặt bàn tay đang cầm danh thiếp của tôi lên ngực, tay còn lại chỉ vào tôi. Cử chỉ có phần hấp tấp ấy đúng là của Mao nhưng tay phải của cô đang đeo một chiếc nhẫn bạc trơn. Cảm giác thật lạ khi trông Mao bé nhỏ ngày nào giờ đang đeo nhẫn.

“Ơ? Hai người quen nhau à?”

Giữ nguyên nụ cười xã giao, anh Tanaka ngồi cạnh tôi hỏi.

“Vâng, bọn em là bạn học cấp II...Xin lỗi anh, tại em bất ngờ quá.” Mao cười ngượng nghịu, dùng ngón tay lau lau khóe mắt. “Hết kỳ I năm lớp Chín thì Okuda chuyển trường nhưng trước đó em được cậu ấy kèm học rất nhiều.”

Thật khó có thể liên kết hình ảnh Mao đang tươi cười, nói năng lưu loát với Mao của mười năm trước có biệt danh “đệ nhất bã đậu”. Ngoài ra, tóc Mao cũng có sự thay đổi đáng kể. Mái tóc cụt lủn lúc nào trông cũng như vừa mới cắt giờ đã dài chấm vai với những đường uốn mềm mại.

“Hả!” Ngồi ở ghế trong cùng, trưởng phòng ngả hẳn người ra sau rồi dang rộng hai tay, cố làm vẻ thân thiện. “Cô được Okuda kèm học? Nghe có vẻ tội nghiệp nhỉ.”

“Vâng.”

Mao gượng cười, khẽ gật đầu rồi liếc sang tôi. Ánh mắt tinh nghịch vẫn hệt như ngày xưa.

Anh Tanaka tiếp lời trưởng phòng.

“Thật trùng hợp, bạn học cấp II ư? Thế này chẳng phải hai công ty có duyên nợ đặc biệt với nhau hay sao? Chà, tôi nói thế này có vẻ không được hay cho lắm nhỉ, ha ha ha.”

Nhận được chỉ thị ngầm của cấp trên, tôi cười hùa theo. Người phụ nữ trạc tứ tuần tên Kajio ngồi chếch tôi cũng cười theo. Theo như danh thiếp thì chị ta là trưởng phòng Quan hệ công chúng, Mao đang tươi cười kia là cấp dưới của chị còn tôi chỉ đi theo các trưởng phòng đến đây. Một bên là nhân viên quan hệ công chúng tại hãng sản xuất, một bên là nhân viên kinh doanh tại công ty quảng cáo, tuy nghề nghiệp khác nhau nhưng vị trí của tôi và Mao có lẽ giống nhau. Nghĩa là đều là “kẻ cắp tráp theo hầu”.

“Nào, quay về công việc thôi.”

Nhân lúc câu chuyện ngoài lề tạm lắng, mượn câu nói của trưởng phòng, tôi rút tài liệu từ trong cặp ra.

Nhìn Mao chăm chú đọc tài liệu được phát, tự nhiên tôi nhớ lại ngày xưa, khi tôi chỉ cho Mao cách giải toán sau mỗi buổi tan học. Nghe qua cứ tưởng tôi tài giỏi hoặc học hành chăm chỉ lắm nhưng không phải. Mao là học sinh dốt đặc cán mai. Đến nỗi một học sinh có sức học nhàng nhàng như tôi cũng phải đứng ra giúp, vì lên cấp II rồi mà Mao vẫn phải vật lộn với phép chia phân số.

Không rõ Mao có hiểu được tài liệu đang đọc không?

Mặc dù biết Mao giờ đang làm cho hãng đồ lót khá lớn là Lara Aurore có mức tăng trưởng vượt bậc trong mấy năm qua nhưng tôi vẫn cứ lo.

Tài liệu có rất nhiều con số, biểu đồ liên quan tới việc dựng bảng quảng cáo tại những nhà ga lớn trong thành phố. Tài liệu do tôi soạn, trong đó tính toán tác động của quảng cáo đối với nữ giới độ tuổi hai mươi – đối tượng khách hàng chủ lực của Lara Aurore – thông qua phiếu điều tra về lượt khách đi tàu mỗi ngày, tỉ lệ nam nữ, độ tuổi....

Đây là thành quả đáng tự hào của tôi sau khi hì hụi làm việc bên máy tính tới tận mười rưỡi tối qua, nhưng liệu Mao có hiểu được hết?

“Trong phép tính thử ở trang này, chúng tôi lấy ga Shibuya làm ví dụ vì ga này khá quen thuộc với khách hàng sử dụng sản phẩm của công ty. Như mọi người thấy, chi phí ở ga Shibuya, Omotesando hay Ginza cao hơn hẳn các ga khác. Rất cao. Thi thoảng chúng tôi vẫn bị khách hàng hỏi thẳng là sao lại cao thế. Vâng. Tất nhiên là có lí do.”

Với khiếu ăn nói từng nhiều lần hạ gục đối thủ trong các cuộc cạnh tranh, anh Tanaka tiếp tục giải thích. Đúng là nhân viên kỳ cựu có khác, rất đáng để học hỏi. Nhìn mặt chị Kajio là đủ biết khách hàng đã bị cho vào tròng. Trong khi đó, Mao cứ lật đi lật lại tài liệu với bộ mặt rất lạ. Cô ấy ổn không nhỉ?

“...Cả ba công ty A, B và C này đều được biết đến rộng rãi...hả?

Tôi mở tài liệu, con số chỉ mức độ tăng trưởng lẽ ra phải là hai chữ số, vậy mà chẳng hiểu thế nào lại biến thành âm.

“Xin đợi một chút.”

Anh Tanaka và trưởng phòng ném cái nhìn về phía tôi – người soạn tài liệu. Đang ở trước mặt khách hàng nên cả hai vẫn mỉm cười nhưng ánh mắt thì chẳng khác gì quỷ dữ.

Tôi lôi máy tính ra bấm lia lịa. Kết quả vẫn là con số khó tin. Không khí trong căn phòng thoáng mát, rộng rãi trở nên nặng nề.

Tôi đang tự hét lên trong đầu “Phải làm sao đây” thì thấy Mao nhẹ nhàng lên tiếng:

“Ở hai trang trước...”

Mao giở lại tài liệu và chỉ vào con số trong bảng. Lọn tóc thả trên vai áo sơ mi trắng trôi tuột về phía trước. Chỉ thế thôi cũng khiến tim tôi đập rộn ràng.

Mao thăm dò phản ứng của bên tôi rồi ngập ngừng giải thích:

“Tôi nghĩ dấu phẩy ở đây bị lệch đi một con số. Chính vì thế mà kết quả bị thay đổi.”

“A.”

Nghe Mao nói tôi mới nhận ra sai sót của mình. Tôi sửa lại, quả nhiên, kết quả đúng như dự định. Gì thế này, tôi vừa được Mao dạy cho cách làm toán ư?

Từ đây, đến lượt chúng tôi bị khách hàng nắm thế chủ động, anh Tanaka và trưởng phòng lúng túng mất một lúc. Thế nào lúc ra khỏi đây tôi cũng bị anh Tanaka cốc đầu cho mà xem. Đáng nhẽ sang nay tôi phải kiểm tra lại tài liêu.

Đây chưa phải là báo giá chính thức, bản thân sai sót này cũng rất nhỏ nhưng lần đầu gặp khách hàng đã trình diễn vụng về thế này thì mất mặt quá. Ngồi bên cạnh anh Tanaka đang nói như ma làm để chuộc lỗi, tôi chỉ biết gật đầu. “Vâng, dạ”. Một phần do thất thế nhưng chủ yếu là tôi đã mất hết tự chủ khi thấy Mao mười lăm tuổi bỗng dưng xuất hiện trước mặt mình trong hình hài một cô gái hai mươi lăm tuổi. Thế này thì thương thảo công việc làm sao được.

Không, nói cho chính xác, kể cả không vì chuyện này thì “kẻ cắp tráp theo hầu” như tôi cũng chỉ biết vâng dạ mà thôi. Vào công ty mới năm thứ hai chắc ai cũng thế.

Tôi đã muốn nghĩ vậy nhưng ngồi trước mặt tôi, Mao trông hoàn toàn khác.

“Do đó, ý chúng tôi không phải là dựng từng này bảng quảng cáo ở Shibuya hay Harajuku thì sẽ bán được từng này cái áo lót. Hơn nữa, công ty đường sắt sẽ kiểm duyệt, như đã từng xảy ra, nên không thể dựng một loạt bảng quảng cáo với ảnh người mẫu gần như khỏa thân trong nhà ga được... Dù chúng tôi rất muốn.” Mao mỉm cười với mọi người rồi tiếp tục. “Tóm lại, mục đích của chúng tôi lần này là muốn những người không thuộc đối tượng khách hàng sẽ nhớ tới cái tên Lara Aurore, dù chỉ là thoáng qua. Cụ thể, chúng tôi nhắm tới nhu cầu quà tặng của nam giới dành cho nửa kia. Ở đây không bàn đến chuyện lỗ lãi, chúng tôi giờ đã có đủ lực để làm quảng cáo rồi nên rất nóng lòng muốn làm cái gì đó to tát một chút.”

Gì thế này, Mao ngày xưa hiện đang nói năng rất gãy gọn. Trưởng phòng Kajio ngồi bên cạnh thỉnh thoảng có bổ sung thêm nhưng về cơ bản là phó mặc hết cho Mao. Ngay cả anh Tanaka và trưởng phòng bên tôi cũng rướn người lên để nghe. Tưởng đâu Mao chỉ là “kẻ cắp tráp theo hầu”, nào ngờ cô ấy đã trở thành “người được việc” từ lúc nào.

Mao bé nhỏ, hay bị bắt nạt, lơ đễnh, chỉ được mỗi một khoảng tay chân nhanh nhẹn, hoặc Mao – nguyên nhân khiến tôi phải trải qua thời cấp II đen tối – giờ đã trưởng thành vượt bậc và một lần nữa lại xuất hiện trước mặt tôi. Thật kỳ diệu.

__________

Vào ngày đầu tiên của học kỳ II lớp Bảy cách đây mười hai năm, Mao chuyển đến lớp tôi.

“Tớ là Watarai Mao.”

Giờ ra chơi, Mao đến trước mặt tôi, nghiêm mặt thông báo ngắn gọn xong liền quay về chỗ ngồi.

Tôi nhớ mình chỉ đáp được mỗi từ “Hả??” Tóm lại, ấn tượng ban đầu của tôi về Mao là Mao bị dở hơi.

Thời gian đầu, vì nhỏ nhắn, xinh xắn, tính tình lại thật thà nên Mao được bạn bè trong lớp rất quý... Vâng, đó là thời gian đầu.

Vận đen xuất hiện từ bài kiểm tra chữ Hán. Chuyện xảy ra đã hơn mười năm nên tôi không nhớ chi tiết, đại để là điểm số của Mao vô cùng tồi tệ. Chỉ được 1/10 hoặc 0/10. Tóm lại là cực kỳ thê thảm.

Sau khi chuyện học dốt bại lộ, đến lượt tính khí thất thường của Mao bị đem ra bêu riếu.

Mao rất kém các hoạt động tập thể - điều không thể thiếu ở trường học. Một việc tưởng như đương nhiên là “hợp tác với xung quanh” xem ra lại quá khó đối với Mao.

Và những đặc tính ấy được dịp hội tụ đầy đủ vào ngày hội thể dục. Đầu tiên là Mao không thể bước đều cùng các bạn khi diễu hành vào hội trường. Ở môn đi bộ, tuy xuất sắc ẵm về giải quán quân nhưng đó là tất cả những gì Mao có được. Đội chạy chân rết với sự tham gia của Mao chỉ chạy được nửa quãng đường 50 mét là bỏ cuộc, còn đội hình xếp quạt thì vỡ trận ngay khi mới bắt đầu.

Sau khi các lớp mạ dần dần bị tróc ra, trò “bắt nạt Mao” bắt đầu.

Áo khoác không cánh mà bay, ngăn bàn bị nhét giẻ ướt, ảnh chụp ngày hội thể dục bị khoét thủng mắt bằng compa. Thái độ của cả lớp dành cho Mao chia thành hai chiều hướng rõ rệt. Một bên là bắt nạt, một bên là đứng ngoài cổ vũ bên bắt nạt.

Có giáo viên còn lợi dụng điểm yếu của Mao. Họ dùng Mao như “phương tiện” để khuấy động không khí trong lớp.

“Câu ‘A of B’ dịch sang tiếng Nhật là ‘A của B’ phải không nào. Câu này đến mít đặc cũng biết. Vậy Watarai, câu ‘A của B’ dịch sang tiếng Anh là gì?”

“Em không biết.”

Cả lớp phá lên cười. Hòa chung với giáo viên. Một bầu không khí thật đoàn kết, giờ học trôi qua êm xuôi.

Ngày tháng cứ thế qua đi, cho tới một hôm, không lâu sau đợt nghỉ năm mới, sợi dây thắt miệng chiếc túi kiên nhẫn cuối cùng cũng đứt. Nhưng không phải túi của Mao, mà là của tôi.

“Mao chỉ được mỗi mái tóc đẹp.”

Đứa con gái tên Ushioda vừa nói vừa đưa tay vuốt mái tóc ngắn cũn của Mao. Nhìn qua cứ tưởng đó là một hình ảnh hòa thuận nhưng thực tế lòng bàn tay Ushioda đang có một miếng bơ thực vật được phát trong giờ ăn trưa. Sau mỗi cái vuốt, tóc Mao trở nên bóng nhẩy khác thường, còn Ushioda thì quay sang nháy mắt với đồng bọn, tủm tỉm cười.

Bị làm vậy mà Mao vẫn mặc kệ. Hình như Mao tưởng mình đang được vuốt tóc một cách đầy thiện chí.

Mao ngốc nghếch chẳng rút ra được bài học nào. Qua vô số lần bị bắt nạt, Mao thừa biết Ushioda là đứa xấu tính, ấy thế mà chỉ sau vài cái vuốt ve nàng ta sẵn sàng tha thứ hết.

“Thôi ngay đi.”

Tôi chỉ định nói cho đương sự nghe thấy nhưng cuối cùng tiếng nói lại vang khắp cả lớp học. Ở tuổi mười ba, tôi đã không ngăn nổi cơn giận dữ bị kìm nén bấy lâu.

Đang vuốt tóc, Ushioda ngoảnh mặt về phía tôi.

“Thôi ngay đi.”

Tôi cúi mặt, miệng dẩu ra, nhắc lại câu vừa nói. Ushioda quay sang nhìn đồng bọn rồi nhăn mặt lại khiến bộ mặt vốn đã xấu lại càng xấu hơn và nhả giõng giễu cợt.

“Hả? Sao cơ? Định làm anh hùng bảo vệ chính nghĩa à?”

Có lẽ đây là thứ mà người ta gọi là “nổi cơn tam bành”.

Tôi giật mạnh miếng bơ từ tay Ushioda, bôi lên khắp tóc và mặt nó.

Mất một lúc, đối phương vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi cũng thế. Chỉ có cảm giác ấm nóng của bơ chảy qua kẽ tay và tiếng lạo xạo của giấy bạc là vẫn còn đến tận bây giờ.

“É é é é.” Mãi rồi Ushioda cũng rú được lên như loài quái điểu và lao ra hành lang.

Sau đó, chẳng hiểu thế nào, tôi lại thành kẻ tội đồ.

Tôi và mẹ phải cúi gập người xin lỗi ở phòng giáo viên, phòng hiệu trưởng và trước cửa nhà Ushioda.

Thật bất công. Tôi muốn công bố sự thật cho người lớn biết. Nhưng nhìn hình ảnh mẹ xanh rớt, liên tục cúi gập người xin lỗi, tôi lại chẳng nói được gì.

“Đây là chuyện thường gặp ở lứa tuổi dậy thì. Chị đừng lo lắng quá. Tôi cũng sẽ để mắt tới Kousuke nhiều hơn.”

Cô chủ nhiệm an ủi mẹ tôi.

Chắc cô chủ nhiệm cũng lờ mờ biết được sự thật. Bởi Mao ngồi trong lớp với mái tóc bóng nhẫy.

Đến giờ thì tôi hiểu tại sao hồi đó cô chủ nhiệm vờ như không nhận ra mái tóc của Mao. Nói ngắn gọi là cô không muốn làm to chuyện. Cô muốn xử lý vụ bơ thực vật bằng “sự mất kiểm soát” của một cậu học sinh chứ không phải là trò bắt nạt với sự tham gia của cả lớp.

Nhưng dù sao đi nữa thì sau ngày hôm đó, chỉ còn duy nhất Mao gọi tôi bằng tên riêng. Tôi bị coi là nhân vật nguy hiểm, “không biết sẽ làm gì khi mất kiểm soát”.

Mấy đứa bạn thân vẫn trò chuyện với tôi mỗi khi rãnh rỗi về tuyến tàu Shinkansen E1 chạy từ Tohoku đến Jouetsu[1] giờ quay sang cư xử với tôi rất dè dặt. Chưa kể, bữa cơm ở nhà còn xuất hiện thêm món cá mòi phơi khô nguyên con và cá dăm khô. Là bởi, “trẻ mất kiểm soát” cần phải bổ sung canxi.

[1] Tuyến tàu Shinkansen 2 tầng đầu tiên của công ty đường sắt Đông Nhật Bản (E1 là viết tắt của East 1), bắt đầu khai thác từ tháng 7 năm 1994 và dừng khai thác vào tháng 9 năm 2012.

Không lâu sau đó, những tin đồn kỳ lạ về Mao không biết từ đâu lan tới.

__________

Khi bảng quảng cáo có kích thước gấp rưỡi cỡ B1 của Lara Aurore chuẩn bị được dựng tại nhà ga cũng là lúc những câu chào hỏi về thời tiết, cách nói vòng vo, dài dòng đầy khách sáo trong email trao đổi giữa tôi và Mao biến mất. Trong các cuộc điện thoại gọi đến vì công việc, tỉ lệ chuyện ngoài công việc tăng lên, khung giờ điện thoại đổ chuông cũng chuyển từ ngày sang tối.

“Tôi không biết cậu chuẩn bị gặp ai nhưng nếu là khách hàng sẽ làm ăn lâu dài với công ty thì tuyệt đối không được làm họ phật ý nhé.”

Tôi không hề đả động rằng mình sẽ đi gặp Mao, thế mà thấy tôi mặc áo khoác, anh Tanaka liền lên tiếng nhắc nhở. Anh ấy tinh thật.

Hơn 7 giờ, tôi rời khỏi công ty ở Tây Shinjuku, lên tuyến Yamanote để đến Shibuya. Lúc tàu đi qua ga Yoyogi và Harajuku, tôi thấy cứ buồn buồn dưới gan bàn chân. Không phải là ngứa. Mà do căng thẳng quá. Chỉ đi gặp Mao thôi mà tôi thấy hồi hộp vô cùng.

Điện thoại trong tui áo khoác khẽ rung. Tôi giật mình tưởng công ty gọi quay về nhưng hóa ra là điện thoại dùng cho cá nhân tôi rung. Tôi thở phào. Có tin nhắn từ Mao, nội dung là nàng đã đến Shibuya.

Ban đầu, tôi định hẹn Mao ở ga Shibuya tuyến JR. Bảng quảng cáo của Lara Aurore được đặt suốt cả đoạn đường từ cửa soát vé Hachiko đến cửa Đông nên tôi nghĩ hẹn nhau ở đó cũng không phải là ý tồi. Với lại, hầu hết khách hàng sẽ cảm thấy vui khi thấy công việc của mình được hiển thị dưới hình thức quảng cáo.

Tôi thu lượm được kiến thức này sau một năm rưỡi làm “kẻ cắp tráp theo hầu” tại một công ty quảng cáo giao thông cỡ vừa nhưng Mao đã khiến tôi nghĩ lại khi bảo nàng muốn tránh tuyệt đối chuyện đó. Bởi rất có thể người có liên quan của Lara Aurore cũng sẽ đến xem. Không phải bọn tôi bị hạn chế gì sau giờ làm nhưng việc hai phụ trách của hai bên đối tác gặp riêng nhau để bị trông thấy kể ra cũng không tiện lắm. Nghĩ được tới cả chuyện đó chứng tỏ Mao lớn thật rồi. Nói vậy hóa ra tôi chẳng lớn được chút nào ư?

Hòa vào dòng người ào ra từ cửa ga, tôi tiến về khu trung tâm. Chỗ ngã tư scramble[2] ban nãy có gió đầu thu thổi qua mát rượi nhưng ra đến đoạn đường tràn ngập âm thanh, ánh sáng và hơi người này, mùa hè vẫn còn hiện diện.

[2] Đoạn giao nhau, nơi tất cả các phương tiện giao thông ngừng lại để nhường đường cho người đi bộ sang đường từ tất cả các hướng.

Mao đã có mặt tại điểm hẹn là tầng năm của cửa hàng băng đĩa lớn. Nàng đang nghe nhạc opera hay gì đó bằng tai nghe, không nhận ra tôi đang bước lại.

Lúc nghe nhạc gương mặt Mao nhìn nghiêng toát lên vẻ thông minh, điềm đạm, điều không hề có mười năm trước. Có thể vì điểm hẹn là tầng bán đĩa nhạc cổ điển nên định kiến “cổ điển = học thức” khiến tôi nghĩ vậy thôi.

Tôi không gọi Mao ngay mà đứng từ xa ngắm nàng một lúc. Cô gái nhỏ nhắn, tính tình như trẻ con dù đã học cấp II ngày nào nay trở nên vô cùng xinh đẹp. Nghĩ tới quãng thời gian mười năm vừa rồi của Mao, tôi lại thấy tiếc vì không được ở gần nàng.

“Ôi kìa!”

Trông thấy tôi, Mao liền vẫy tay gọi, tai vẫn đeo tai nghe.Tầng năm đang bật nhạc piano nhẹ nhàng mà giọng Mao cứ oang oang. Vẻ thông minh, điềm đạm bỗng chốc biến đâu mất.

Thấy khách hàng xung quanh giật mình, Mao khẽ co người lại vì xấu hổ. Cái kiểu hấp tấp vẫn hệt như ngày xưa.

Nhanh chóng rời khỏi cửa hàng băng đĩa, chúng tôi đi về cuối khu phố trung tâm ồn ào, náo nhiệt. Tôi vẫn gặp Mao trong các cuộc họp và hôm dựng bảng quảng cáo nhưng gặp ngoài công việc thì đây là lần đầu. Do vậy, đương nhiên ngồi ăn cùng nàng cũng là lần đầu tiên. Nếu như không tính việc ăn chung tại trường hồi cấp II.

“Này, sao lại là bít tết?”

Tôi hỏi lúc đi cạnh Mao. Trên điện thoại hôm qua, Mao gợi ý ăn ở nhà hàng bít tết kiểu Úc.

“Tại Okuda bảo ăn đâu cũng được. Thế nên tớ chọn bít tết. Tớ muốn ăn thịt.”

Cái kiểu thành thật tuyệt đối với mong muốn của bản thân vẫn chẳng hề thay đổi gì.

Đúng là tôi bảo ăn ở đâu cũng được, có điều chọn bít tết thì e rằng hơi nhiều năng lượng quá. Tôi nghĩ buổi hẹn đầu tiên thì nên chọn món Ý cho an toàn nhưng có vẻ Mao lại nghĩ khác.

“Đi với mấy đứa trong công ty toàn ăn ở các nhà hàng tao nhã kiểu như ‘ít ca lo’, ‘ăn chay’ thôi, tớ chán lắm rồi. Thỉnh thoảng phải ăn gì đó cho ra ăn chứ. Thế nên cậu xem này, hôm nay tớ có mặc vest đâu. Mặc cái này bị ám mùi cũng không sao.

Nói xong, Mao khoái chí bể cổ chiếc áo khoác vải denim cho tôi xem. Kiểu này tối nay tôi sẽ bị cuốn theo nàng mất thôi.

“Nào, cảm ơn vì cậu đã làm việc vất vả.”

Mao cầm ly rượu lên uống với cử chỉ rất duyên dáng.

“Phù!”

Nàng trề môi ra, nét mặt khoan khoái. Anh Tanaka từng nhận xét “năm năm nữa Mao sẽ là một phụ nữ đanh thép và đáng sợ” nhưng vẻ thư thái này mới đúng là Mao. Tôi dám chắc rằng nàng sắp trút bỏ lớp vỏ bề ngoài của một nhân viên quan hệ công chúng tại một hãng đồ lót trở về làm Watarai Mao vốn có. Bởi lẽ, lưng nàng đang cuộn tròn lại. Nàng vẫn thường làm thế suốt từ hồi cấp II mỗi khi thực sự được thư giãn.

“Cậu vất vả quá.”

Tôi nhắc lại câu cảm ơn. Hẳn Mao khổ sở lắm trong vai “cô nàng đanh thép”, giống như tôi phải miễn cưỡng làm “kẻ cắp tráp theo hầu”. Tôi rất thông cảm với Mao, thậm chí còn có chút nể phục.

“Vất vả thì vất vả thật, nhưng giờ tớ đang đói đây.”

Mao đặt ly rượu xuống bàn rồi áp tay lên bụng.

“Cậu đói đến thế ư?”

“Vì tối nay ăn bít tết nên tớ bỏ cả bữa trưa đấy. Cả buổi chiều cứ rũ ra như tàu lá héo.”

Tôi thấy mình thật ngốc khi có ý nể phục Mao.

Tôi nén cười, cho miếng bánh mì mật ong vào miệng.

Khi món salad được mang tới thế chỗ cho món khai vị, tôi chưa kịp làm gì thì Mao đã nhổm dậy chia salad ra đĩa. Động tác của nàng khiến tôi cảm thấy nàng đã nắm vững mọi kiến thức cơ bản của một người trưởng thành. Nếu so với thời cấp II từng bị các bạn mắng té tát vì đổ ụp cả bát cơm xuống sàn thì đây quả là một bước tiến kỳ diệu.

“Có gì lạ à?”

Bị Mao hỏi, tôi xua tay bảo “Không” nhưng rồi nghĩ lại:

“Bọn mình bằng tuổi nên nói thế này hơi buồn cười nhưng Mao, à quên, Watarai lớn thật rồi nhỉ.”

“Ngoài công ty, cậu cứ gọi mình là Mao. Hồi cấp II, mọi người đều gọi mình như thế.”

Giọng Mao nói khi cho miếng salad vào miệng có vẻ không được thoải mái lắm.

Đúng thế. Ở trường cấp II bọn tôi, thông thường con trai gọi con gái bằng họ, nhưng riêng Mao thì cả con trai lẫn con gái đều gọi bằng tên riêng chứ không gọi là Watarai. Có lẽ bọn bạn đều coi thường Mao nên mới có thể thản nhiên gọi như thế. Những câu như “Lại là Mao đấy”, “Lỗi tại Mao” đến giờ vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Hóa ra Mao cũng cảm nhận được sự khinh thường ẩn trong cách gọi đó.

“Ôi, mình xin lỗi.”

Tôi nhanh miệng xin lỗi vì đã khơi lại quãng thời gian chẳng lấy gì làm vui vẻ.

“Cậu đừng bận tâm. Giờ mà còn bị gọi bằng họ thì ngại lắm, mình sẽ thấy căng thẳng như thể đang gặp nhau vì công việc. Kousuke nhỉ?”

Bất ngờ bị gọi bằng tên, tôi giật mình, đánh rơi cả cái dĩa đang xiên salad xuống đĩa.

Quan sát thái độ của tôi, Mao cười như muốn bảo “thật đáng đời”. Nét mặt nàng rạng rỡ hẳn lên.

Trong khi Mao bị tất cả mọi người trong trường gọi bằng tên thì ngược lại, người gọi tôi bằng tên chỉ có mình Mao. Kể từ sau “sự kiện bơ thực vật”.

Hồi đấy, mỗi khi bị Mao gọi là “Kousuke”, tôi lại chu mỏ lên bảo “Phải gọi bằng họ!”

Mao gật đầu, mặt xị ra như kiểu không hiểu vì sao không được gọi bằng tên, đáp: “Tớ hiểu rồi, Kousuke.” Hiểu đâu mà hiểu!

Tuy lúc nào cũng kè kè bên nhau nhưng chúng tôi không phải một cặp. Dù tôi tỏ ra lạnh nhạt thế nào đi nữa thì vẫn không ngăn được việc Mao lẽo đẽo bám theo.

“Tớ đã học đấy.”

Mao đột nhiên nói. Trong một giây, tôi tưởng Mao đang nói tới chi phí quảng cáo. Nếu nàng phải học thì chắc là do công ty tôi rồi nhưng hóa ra không phải, đó là câu trả lời cho câu nói “Lớn thật rồi nhỉ” của tôi.

“Tớ học từ hồi cấp II nhưng lên cấp III thì học quay cuồng luôn. Thường là ngày bốn tiếng. Kết quả là cuối lớp Mười, tớ đứng đầu khối.”

“Giỏi thế!”

“Trường tớ dốt mà.”

Mao học cấp III tại một trường công lập dưới mức trung bình của tỉnh, cách Kamagaya chừng mười lăm phút đi xe điện. Nhưng nếu nhớ lại hồi mới gặp Mao thì việc nàng đỗ vào được trường đó đã gần như là một kỳ tích.

Mặc cho chúng bạn cười nhạo vì đầu óc chậm chạp, Mao vẫn luôn luôn chăm chỉ chép bài. Nhiều lần, do không chép kịp, Mao bị mấy đứa xấu tính trong lớp xóa hết bảng đi.

Mỗi lần như thế, Mao lại đến chỗ tôi xin xỏ: “Kousuke, cho tớ mượn vở.” Cho đến bây giờ, khi đã ra trường và hằng ngày mặc vest đi làm, tôi vẫn không thể quên ánh mắt của bọn bạn đứng từ xa nhếch miệng cười hồi ấy.

Nhưng nỗ lực của nàng đã gặt hái được thành công. Dù chẳng có đóng góp gì song tôi cũng thấy như mình được đền đáp.

Mao tiếp tục:

“Học giỏi là vũ khí lớn nhất trong ngôi trường của xã hội. Tớ không còn bị cười nhạo, có được nhiều bạn chơi bình đẳng với nhau.”

“Vậy hẳn cậu rất vui.”

“Ừ, tớ vui lắm.” Mao dừng lại một nhịp rồi nói tiếp. “Nhưng tớ không tìm được người nào nhiệt tình gí sát trán vào trán tớ để chỉ cho phép chia phân số nữa.”

Không biết phải đáp sao, tôi nhìn ra hướng khác để lục tìm từ ngữ. Nhưng dù nhìn vào cái bu-mơ-rang treo trên tường được rọi đèn chiếu thì cũng chẳng có được câu trả lời.

Đúng lúc không khí tại bàn ăn đang dần lắng xuống thì món bít tết được mang tới.

“Oa!”

Câu cảm thán bật ra từ miệng Mao truyền đến tai tôi lúc này đang câm như hến. Mao không nhìn tôi mà chăm chăm nhìn vào miếng thịt trên đĩa, ánh mắt lấp lánh hệt như trẻ con.

Đây mới đúng là Mao. Đang bị giáo viên mắng nhưng nếu có con bướm bay ngang qua, toàn bộ tâm trí Mao sẽ bị cuốn theo nó. Chính vì thế mà hồi cấp II, dù nhiều lần bị Mao làm cho phát cáu nhưng tôi không hề ghét sự hồn nhiên quá đỗi này ở nàng.

Tưởng như câu chuyện đã tiến thêm được một bước thì miếng bít tết lại thu hút hết mọi sự chú ý của Mao. Tôi nửa mừng, nửa lại thấy tiếc.

Miếng thịt có độ dai vừa phải, vị ngon miễn chê, chỉ có điều là hơi nhiều quá. Tôi đã sai lầm khi nghe theo cái bụng rỗng, gọi miếng 280gr. Khoai tây nghiền và rau củ trần đi kèm cũng nhiều không kém, chúng kết bè kết cánh với salad và vài lượt bánh mì mật ong xin thêm trước đó bắt đầu bành trướng trong dạ dày tôi. Lẽ ra tôi nên bắt chước Mao, gọi miếng thịt cỡ nhỏ.

Đang phân vân không biết nên tiếp tục câu chuyện hồi cấp II hay tránh không thân mật quá trong buổi hẹn đầu thì có tiếng nhạc nước ngoài lọt vào tai tôi. Im lặng thế này cũng không ổn, tôi định lấy bài hát đó làm đề tài câu chuyện nhưng hỡi ôi, tôi lại mù tịt về âm nhạc nên không biết bài hát đó tên gì.

“Thế...” Phùng má nhai bít tết, Mao lên tiếng trước. “Okuda thì sao? Sau khi chuyển trường, cậu thế nào?”

Tôi chẳng có chuyện gì hay để kể. Hè năm lớp Chín, tôi chuyển sang một trường ở thành phố Matsudo bên cạnh, năm tiếp theo vào học một trường cấp III công lập chẳng có gì đặc sắc, tốt nghiệp xong, ở nhà một năm, thi đỗ một trường đại học thuộc loại chỉ cần cố chút là đỗ, cùng lúc dọn ra sống riêng ở Takahatafudo, sau bốn năm thì tốt nghiệp với thành tích ở mức tối thiểu. Sau đó tôi bắt đầu đi làm tại công ty Japan Rail Ad chuyên về quảng cáo giao thông – công ty mà tôi chẳng chuẩn bị gì lúc đi thi tuyển – và chuyển tới sống tại căn hộ một phòng ở Kami-igusa.

Nếu là với lũ bạn cùng trải qua quãng thời gian ấy, chỉ cần mấy chuyện tầm phào kiểu như “Hôm ấy mấy mày say quắc cần câu” cũng có thể khiến cả hội rôm rả thì với người ngoài, tôi lại chẳng có chuyện gì vui để kể. Có lẽ thời cấp II đen tối ấy mới chính là quãng thời gian có ý nghĩa nhất của tôi.

“Cậu sao vậy?”

Thấy tay tôi ngừng cắt thịt, Mao hỏi.

“Hả? Tớ vừa nhớ lại quãng đời đã qua của mình.”

“Rồi sao?”

“Chẳng có thay đổi kịch tính nào.”

“Ồ!”

Mao cười sảng khoái. Trông nàng thật xinh. Dù miệng đang nhai thịt.

Ngẫm ra thì, vì là bạn cấp II nên chúng tôi mới có thể ngồi cùng bàn và nói cười thoải mái thế này. Nếu không, hẳn tôi sẽ cứng đơ như khúc gỗ khi ngồi trước mặt một cô gái xinh đẹp. Đấy là còn chưa biết trước đó có thể mời được nàng đi ăn tối hay không.

Vì lẽ đó mà hình như tôi đang chơi không đẹp.

Chớp ngay cơ hội của lần tái ngộ tình cờ, tôi mời nàng đi ăn với mong muốn thu hẹp khoảng cách. Tôi hy vọng sẽ có được một mối quan hệ trên mức công việc.

Không phải tự kiêu gì nhưng có thể khẳng định là hồi cấp II Mao từng thích tôi. Lúc nào nàng cũng bám theo tôi, tôi là học sinh nam duy nhất mà nàng chủ động bắt chuyện. Tuy chưa đủ cơ sở để gọi đó là “tình yêu” nhưng ít ra thì nàng đã có cảm tình với tôi. Và tôi cũng thích nàng.

Nhưng tôi đã không đáp lại tình cảm của nàng. Vì xấu hổ. Vì không thích ở cạnh một người bị bắt nạt.

Vậy mà ngay khi thấy nàng trưởng thành và xinh đẹp, tôi liền trở mặt, quay sang tiếp cận nàng, chẳng khác gì một kẻ cơ hội!

“Kousu... Tớ gọi cậu là Kousuke nhé. Để tớ đoán xem Kousuke đang nghĩ gì.”

Mao nhìn tôi, ánh mắt như thể đọc thấu được tâm can tôi.

“Hả?”

“Cậu đang nghĩ lâu rồi chưa về thăm nhà cũ đúng không?”

Sai bét.

Cái kiểu đoán sai nhưng rất tự tin của Mao khiến tôi bật cười thành tiếng.

“Mao vẫn chẳng thay đổi gì.”

“Sao cơ? Ý cậu là tớ vẫn như học sinh cấp II à?”

Mao lườm tôi.

Nếu như ở lần tái ngộ này, Mao vẫn ngốc nghếch hệt như xưa thì thế nào nhỉ?

Chẳng sao, tôi vẫn sẽ thấy vui. Dù không thích kiểu hành động bột phát của nàng, tôi vẫn sẽ cùng nàng ăn tối và bảo: “Mao vẫn chẳng thay đổi gì.”

Tôi nghĩ vậy trong lúc cố ăn hết đĩa bít tết. Tôi có cảm giác như vài phần trăm cơ thể tôi đã biến thành bò. Trong thời gian tới, tôi không muốn nhìn thấy thịt nữa.

“Ngon quá.”

Mao cũng buông dao và dĩa sau tôi một chút. Trên đĩa của Mao còn hai miếng thịt được cắt gọn ghẽ.

Thấy tôi nhìn, Mao bèn đẩy chiếc đĩa về phía tôi, hỏi: “Cậu ăn không?” Có vẻ như tôi bị hiểu nhầm là muốn ăn thêm.

Nói thật là bụng tôi sắp vỡ. Nhưng từ chối thì phí, chưa kể lại không đáng mặt nam nhi.

Tôi làm bộ như chỉ chờ có vậy rồi cầm dĩa lên.

Tôi thầm trách Mao lẽ ra đừng gọi nhiều nếu không ăn hết nhưng nghĩ lại thì Mao đã gọi suất ít nhất. Thế mà vẫn quá nhiều với nàng.

Phải rồi. Mao ăn rất ít.

Vì chẳng bao giờ ăn hết được bữa trưa nên ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ nghỉ trưa lại diễn ra màn thử lòng kiên nhẫn giữa Mao và cô giáo chủ nhiệm. Cuộc chiến “Ăn đi” và “Em không ăn” chỉ kết thúc khi chuông báo hết giờ.

“Tớ no quá.”

Mao ngả người ra sau ghế, vẻ mặt vô cùng mãn nguyện.

“Tốt rồi.”

Tôi chúc mừng Mao đã thưởng thức được món bít tết mà không lo bị cô giáo mắng rồi cho miếng thịt cuối cùng vào miệng. Kiểu này tối nay tôi khó có thể nằm sấp mà đi ngủ.

Khi nhân viên tới dọn đĩa, chúng tôi gọi thêm đồ uống. Bụng đang no nên tôi ngại di chuyển sang quán khác, với lại về luôn bây giờ thì tiếc quá. Tôi muốn được nói chuyện thêm với Mao.

“Này nhé, tớ đã gọi món cá thịt trắng tẩm bột. Tại tưởng món đó ít.” Từ câu chuyện lượng thức ăn, Mao chuyển sang chuyện xảy ra trong chuyến du lịch Hawaii trước khi tốt nghiệp. “Thế là người ta mang ra nguyên một con cá to đùng thế này này. Nằm trên dĩa, thòi cả đầu lẫn đuôi ra ngoài, con cá cất tiếng hăm dọa: Cô giỏi thì ăn hết đi!”

“Đúng là Mỹ nhỉ.”

“Bốn người bọn tớ vừa ăn hết được nửa con cá thì một con tôm hùm đỏ lừ khác được mang tới. Nhìn mặt bọn tớ, người phục vụ nháy mắt cười.”

“Đúng là Mỹ nhỉ.”

Một câu chuyện lan man, nói thẳng ra là tầm phào. Nhưng tôi nghe lại thấy vui.

Giọng Mao tuy trầm hơn so với hồi cấp II nhưng về bản chất vẫn không thay đổi. Vẫn ngọt ngào như rót mật vào tai.

Mao không muốn nhắc đến bạn bè hồi cấp II. Bạn bè cấp III cũng vậy, cách nói của nàng có gì đó hơi xa cách dù là nói với ý tốt. Nhưng khi nhắc đến bạn bè và các sự kiện hồi đại học, nàng kể bằng giọng rất hào hứng.

Sự thay đổi trong giọng kể dường như chứng minh rằng cuộc sống đời nàng diễn ra theo chiều hướng tốt. Việc Mao trông hấp dẫn như bây giờ có lẽ cũng bắt nguồn từ sự thay đổi môi trường và sự tự tin vì có được môi trường đó bằng nỗ lực của bản thân. Đến đây, tôi phải nhắc lại rằng tôi rất tiếc vì không thể ở gần nàng trong mười năm qua.

Nếu vậy thì bây giờ ở gần cũng được chứ sao?

Trong thâm tâm, mong muốn thật của tôi lên tiếng. Hẳn là do cocktail rồi. Loại cocktail Moscow Mule lâu lắm mới uống này khiến tôi lẫn lộn giữ Mao hiện tại với Mao của mười năm trước.

Ngẫm ra thì mười năm vừa rồi của tôi thật tẻ nhạt. Cố gắng để làm một học sinh cấp III bình thường, một sinh viên đại học bình thường, một người làm công ăn lương bình thường và luôn cẩn trọng để không chệch ra khỏi khung “bình thường” ấy. Tôi đã không thể sống theo cách luôn tiến về phía trước như Mao. Tôi trở nên như vậy một phần cũng là vì Mao, nhưng nhìn nàng nhâm nhi ly rượu như con chim nhỏ uống nước thế kia không rõ nàng nhận thức được việc này đến đâu.

“Kousuke thì sao?”

“Hả?”

“Du lịch trước khi tốt nghiệp ấy. Một chuyến trải nghiệm các chuyến tàu địa phương với những người bạn trong nhóm nghiên cứu phải không?”

Tôi kể cả chuyện đó rồi cơ à. Chết thật, tôi chẳng nhớ gì cả. Men rượu lấn át hết cả tự chủ rồi.

“Cậu không nghe tớ nói à?” Mao nhìn vào mắt tôi. “Có chuyện gì khiến cậu lo lắng à? Trông cậu có vẻ suy tư.”

“Không, không phải đâu.”

“Hay cậu lại nhớ về quãng thời gian đã qua.”

“...Ồ, chuyện đó thì...”

“Rồi sao?”

Mao lại nhìn vào mắt tôi. Khi bàn chuyện công việc, mắt Mao rất sắc sảo vậy mà giờ lại tròn xoe như trẻ con. Đến hôm nay tôi mới biết là mống mắt nàng màu nâu.

Hồi cấp II dù ngày nào cũng giáp mặt nhau nhưng có lẽ tôi chẳng nhìn thấy gì. Tôi luôn ngoảnh đi mỗi khi được Mao nhờ vả, chỉ vì ngại, vì xấu hổ, vì sợ mọi người xung quanh.

Nhấp một ngụm Moscow Mule ngọt lịm, tôi đáp:

“Mười năm vừa rồi của tớ không được vui lắm.” Giọng tôi hơi lạc đi. “Vì tớ chẳng có ai để chỉ cho phép chia phân số.”

Mao trỏ ngón tay vào mặt mình.

Thấy tôi gật đầu, Mao ngọ nguậy bảo: “Ồ, mình xin lỗi.”

Thế là tình cảm đóng băng suốt mười năm của tôi bắt đầu tan chảy.

__________

“Mao khỏa thân đi lang thang ngoài phố lúc nửa đêm.”

Tôi nghe được lời đồn khủng khiếp ấy khi vừa lên lớp Tám.

Thường thì chúng tôi sẽ chuyển lớp khi lên lớp mới, nhưng không biết may hay rủi mà tôi và Mao lại tiếp tục học chung. Dù thành viên trong lớp đã thay đổi nhưng tình hình chẳng có gì khác, chúng tôi vẫn tiếp tục cùng nhau trải qua thời cấp II đen tối. Mao bị bắt nạt, còn tôi bị bạn bè e sợ.

Tôi không quan tâm đến lời đồn về Mao vì nghĩ làm gì có chuyện vớ vẩn đó. Ít ra nhìn bề ngoài là như vậy.

Khi tôi quyết định mặc kệ lời đồn thì nó lại mọc thêm cánh, bay xa hơn theo chiều hướng miệt thị một cách trực diện. Chắc là do những liên tưởng từ từ khóa nhạy cảm “khỏa thân”.

Tôi bị mấy đứa trong lớp xúi hỏi thẳng Mao. Nhưng tôi đã không làm cái việc xác minh sự thật ấy. Một phần tôi nghĩ đây là chuyện do tụi Ushioda dựng lên, một phần do tôi chẳng đủ dũng cảm để nghe câu trả lời từ chính Mao.

Tôi lo biết đâu là Mao, nàng sẽ nhận ngay: “Đúng rồi, tớ từng khỏa thân đi lang thang đấy.” Ở Mao toát lên vẻ nguy hiểm khiến người ta nghĩ rằng nàng hoàn toàn có thể làm việc đó, do vậy tôi luôn phải canh chừng nàng.

“Kousuke ơi!”

Dù ở hành lang hay trên đường đi học, hễ trông thấy tôi là Mao lao tới như phản xạ có điều kiện. Loáng một cái đã thấy Mao xuất hiện trước mặt tôi, nơ áo đồng phục thủy thủ lúc lắc trước ngực. Nhanh như chớp.

Kể từ sau “sự kiện bơ thực vật”, Mao càng bám tôi hơn. Đúng là phải dùng từ “bám” để miêu tả được chính xác thái độ của Mao.

“Đã bảo phải gọi bằng họ cơ mà.”

“Ừ, tớ hiểu rồi, Kousuke.”

Ngày tôi cũng phải lặp lại đoạn hội thoại kiểu thế này dù chẳng thích thú gì.

“Gì thế?”

“Ừm...chẳng có gì cả.”

Nói xong, Mao tủm tỉm cười. Chuyện này cũng diễn ra hằng ngày luôn.

Một đằng là học sinh mới chuyển tới, học dốt, bị đồn có sở thích khoe thân, một đằng là nhân vật nguy hiểm, không biết sẽ làm gì khi mất kiểm soát. Xung quanh hai con người ấy không ngớt những lời xì xào, nhạo báng.

Tôi hiểu vì sao Mao bị bắt nạt. Thiếu tinh thần hợp tác, ngang bướng, đanh đá, hễ bị góp ý là phản ứng lại. Đã thế còn dốt đặc cán mai. Với những kẻ chỉ mong có cơ hội hạ nhục người khác thì Mao quả là mục tiêu thích hợp.

Nhưng tôi không hiểu nổi việc mình bị người khác e sợ. Càng bực hơn khi lý do họ sợ tôi không phải vì tôi “thô lỗ” mà vì tôi “lập dị”.

Sự cảnh giác mà các giáo viên dành cho tôi hẳn đã lây sang lũ bạn học. Hồi ấy, “trẻ mất kiểm soát” đang là đề tài quan tâm của xã hội nên ngay lập tức tôi trở thành “ví dụ điển hình giúp tái hiện hình ảnh ‘trẻ mất kiểm soát’ cho các giáo viên”.

Ngoài ra cách cư xử của tôi cũng đóng góp một phần. Nếu là đứa hằng ngày vẫn nghịch ngợm, có lẽ “sự kiện bơ thực vật” đã được giải quyết bằng một câu “tại thằng bé đùa quá trớn”. Hoặc nếu là đứa ngang ngạnh, tôi đã sùi bọt mép để đổ lỗi cho đứa kia để giáo viên coi đó như một trận cãi vả thường thấy. Nhưng ngoài sở thích tàu điện ra thì tôi là một đứa trẻ ít nói, chẳng có gì đặc biệt, gây chuyện xong là sợ hết hồn hết vía. Và điều này đã hại tôi. “Một đứa trẻ ít nói bỗng nhiên có hành động bạo lực” - bước ngoặt kịch tính này đã khiến các giáo viên trở nên thành kiến.

Nhìn chung, dù mất kiểm soát hay không thì tôi vẫn thuộc loại ôn hòa, cả về ngoại hình lẫn tính cách. Cãi nhau với người khác, cáu lắm tôi cũng chỉ dám thúc nhẹ vào ngực đối phương, chưa bao giờ gây đổ máu và cũng chưa bao giờ phá đám giờ học hay đe dọa giáo viên. Trước đây và cả sau này, chỉ có một lần duy nhất tôi bôi bơ thực vật lên đầu người khác.

“Nếu cậu phết lên bánh mì chắc đã không bị mắng.”

Mao nói như muốn chọc tức tôi. Tôi bực lắm nhưng giờ mà cáu thì sẽ thành “đứa trẻ mất kiểm soát” thật nên tôi chỉ làm mặt sưng mày sỉa.

Kể cả có vặn lại “Do ai mà thành thế này” thì Mao sẽ chỉ cười tủm tỉm, chẳng thèm nghe tôi nói. Nhưng cũng chỉ có mình Mao là không xa lánh tôi.

Tôi trở thành thực thể mờ nhạt trong lớp, chẳng có ai để trò chuyện. Kết cục tất yếu là vào giờ ra chơi và sau giờ học, tôi thường im lặng. Thi thoảng có ai hỏi, tôi giật mình, trả lời ú a ú ớ khiến đối phương khó chịu, việc này càng đẩy mọi người xa tôi hơn.

Mao là ngoại lệ duy nhất. Chỉ có Mao đứng ngoài luồng không khí ấy và đến bắt chuyện với tôi.

Tôi đang được Mao trông cậy nhưng có lẽ thực chất tôi mới là người trông cậy vào Mao. Chính vì thế mà tin đồn kỳ lạ về Mao khiến tôi như ngồi trên đống lửa.

Nếu người bạn trò chuyện duy nhất của tôi có khuynh hướng giới tính đặc biệt thì tôi sẽ chẳng còn ai để yên tâm chơi cùng nữa. Tôi muốn Mao là một người bình thường. Nếu tin đồn đó là thật, tôi sẽ bắt Mao bỏ thói quen đó bằng mọi giá. Hay ít ra thì nếu học hành khá hơn, có thể nàng sẽ biết cách cư xử hơn.

Từ suy nghĩ rất học sinh ấy, tôi bắt đầu chăm lo chuyện học hành cho Mao. Tôi có thằng em trai kém bốn tuổi nên đã quen với việc kèm học.

Công bằng mà nói thì Mao khá dễ thương. Vẻ tinh nghịch toát lên từ cặp mắt linh hoạt rất có sức hút, mái tóc đen nhánh đến nỗi trông như màu xanh, nhìn là chỉ muốn giơ tay vuốt. Đôi môi xinh luôn mím chặt vào nhau cũng khiến ta không thể rời mắt. Nhưng nàng lại dốt đặc cán mai.

Không phải tôi đặt yêu cầu cao siêu là chỉ nhận người giỏi, có nhan sắc nhưng việc đầu óc nàng bã đậu quá mức cho phép khiến tôi cụt hứng.

Lấy ví dụ môn Toán. Mao nắm được sơ sơ về khái niệm về phép cộng, phép chia nhưng chẳng may bài đó có phân số hay số thập phân là đầu óc nàng quay cuồng. Ngay cả khi tôi cố gắng gợi ý đến sát lời giải thì Mao vẫn phải vất vả lắm mới đến được đích.

“Sao phải rút gọn? Cứ để 6/15 nguyên là 6/15 cũng được chứ sao? Làm nhỏ đi thì kết quả vẫn thế cơ mà? Cứ để nguyên đó đi.”

Mao nhất quyết giữ nguyên quan điểm với bộ mặt nghiêm trọng và đôi mắt ngâm ngấn nước.

Lớp học sau giờ tan trường chỉ còn lác đác vài đứa. Tôi nghe thấy có tiếng cười của mấy đứa ngồi ở xa.

Cố ngăn máu đang chảy ngược lên đầu, tôi vỗ về Mao.

“Nhưng số càng nhỏ trông sẽ càng gọn đúng không?”

“Tớ không biết.”

“Gọn hơn đấy.”

“Tớ không biết.”

Một chiếc máy bay cánh quạt màu lông chuột bay ngang qua cửa sổ mở.

Tôi cố vắt óc nghĩ xem có cách nào để giải thích cho cái đứa dốt đặc cán mai này hiểu không.

“...Ừ thì...ví dụ, buổi học bốn tiếng sẽ thích hơn buổi học sáu tiếng phải không?”

“Ừ ừ.”

“Rút gọn cũng giống như thế.”

“Vậy hả?”

Tôi không chắc. Ngay cả Mao cũng tỏ ra hồ nghi, nhưng tôi mặc kệ, tiếp tục giảng.

“Tạm thời cứ coi như vậy đi. Mà sao cậu lại không hiểu được những điều người bình thường đều hiểu nhỉ?”

Thấy tôi cằn nhằn, mặt Mao buồn xo.

“Mà thôi, nói nữa cũng chẳng ích gì.” Tôi nói lảng để tránh bị Mao lăn ra ăn vạ. “Có một số duy nhất mà cả 15 và 6 đều chia hết cho. Đó là số nào?”

“Ừm.” Mao nghĩ ngợi một lúc rồi đáp:

“Số 2?”

“...”

“Số 5?”

“...”

Kiểu đối thoại này ngày nào cũng có nên tôi nghĩ chắc tôi phải kiên nhẫn lắm.

__________

Ra khỏi rạp chiếu phim mini, chúng tôi băng qua đường chính rồi vội vã chui vào quán cà phê nằm sau trung tâm thương mại như bị cơn gió lạnh xua vào.

Một ngày tháng Mười lạnh đến không ngờ. Đặt được người xuống chiếc ghế ở bàn trên tầng hai có bật lò sưởi, cả hai cùng thở phào nhẹ nhõm. Chiếc váy ngắn viền đăng ten của Mao trông rất xinh nhưng không chống chọi nổi với cơn gió bấc. Ngồi yên vị rồi mà Mao phải tiếp tục xoa đầu gối thêm một lúc.

Hôm nay là ngày nghỉ nhưng nhìn xuống cửa sổ, mọi người vẫn đi lại hối hả. Nói thế này thật không phải nhưng cà phê nóng nhâm nhi trong lúc nhìn mọi người rụt đầu rụt cổ bước đi vội vàng trong gió lạnh mới ngon làm sao.

“A, nóng quá!” Mao khẽ kêu lên khi vừa nhấp một ngụm cà phê latte, nàng thở dài: “Chẹp. Phim vừa xem chán nhỉ.”

Ơ kìa, đợi đã. Chính Mao bảo muốn xem phim đó cơ mà. Chính Mao đòi thay đổi dù kế hoạch vốn là đi xem phim của Hollywood ở Yurakucho.

“Đúng là sai lầm. Chắc chắn phim bom tấn sẽ hay hơn.”

“Ai bảo cậu cứ đòi xem phim đấy.”

“Tại trailer[3] trên mạng hay lắm. Cứ tưởng phim thật sẽ kịch tính hơn. Trời ạ, bọn mình bị công ty phân phối phim lừa rồi. Phim này chẳng đáng để tớ phải lặn lội từ vùng sâu vùng xa tận tỉnh Chiba tới đây.”

[3] Đoạn phim quảng cáo cho một bộ phim

Mao chẳng thèm nghe tôi nói.

Từ xưa Mao đã thế này. Rất tùy hứng. Tưởng cô nàng đang tập trung cao độ để chép các từ tiếng Anh nhưng nhìn vào vở mới biết là thay vì các chữ Latin, nàng đã chuyển sang vẽ gà ếch từ bao giờ. Đã thế các nét vẽ còn rất đẹp khiến người dạy kèm như tôi không khỏi tự ái.

Chuyện xảy ra đã lâu, giờ làm việc với nhau không còn thấy Mao tùy hứng như thế nữa. Ngược lại, nàng cực kỳ kiên nhẫn. Nhất là cách nàng điều khiển, dẫn dắt người khác khi mặc cả chi phí dựng biển quảng cáo khiến một nhân viên kinh doanh quèn như tôi chẳng thể nào chống đỡ nổi. Nhờ Mao mà Lara Aurore trở thành một trong những khách hàng cứng rắn nhất của Japan Rail Ad.

Nhưng bảo Lara Aurore có phải là một khách hàng khó chịu hay không thì xin thưa là không. Lấy ví dụ, khi ý tưởng của bên thiết kế không phù hợp với điều kiện của phòng quảng cáo, Mao sẽ là người đứng giữa, cố gắng tìm ra điểm thỏa hiệp cho cả hai bên. Điều này nghe có vẻ như chuyện đương nhiên nhưng trên thực tế có rất ít khách hàng sẵn sàng hợp tác. Nhiều người, dù mang danh rõ kêu, nào là “trưởng phòng truyền thông”, “chuyên viên PR”, “giám đốc kinh doanh” nhưng thuê được hãng quảng cáo xong là phó mặc hết cho bên đó, ý kiến nếu có cũng chỉ là “Liệu mà làm đi”. Vì thế, với Lara Aurore, Mao đúng là một món hời vì làm việc hiệu quả gấp mấy chục lần nhưng lương chưa bằng phân nửa mấy người kiểu kia.

Ngoài ra, Mao còn rất chu đáo, không bao giờ quên gọi điện hoặc gởi email sau mỗi lần thương thảo. Được quan tâm như thế thì dù bị đưa ra những điều kiện khắt khe đến mấy cũng khó mà giận cho nổi. Chắc vì thế mà đến cả anh Tanaka chỗ tôi cũng hâm mộ Mao.

Tiền cà phê hôm nay là một ví dụ về sự chu đáo của Mao. Mao là người trả. Còn tiền xem phim là tôi.

Không biết tự lúc nào, kiểu chia tiền bất quy tắc này đã trở thành thông lệ giữa hai chúng tôi. Việc tôi luôn trả tiền phần nhiều hơn có lẽ cũng vì Mao không muốn tôi tự ái. Tuy nghĩ rằng Mao chẳng cần làm thế nhưng sự tế nhị của nàng vẫn khiến tôi vui.

Mao bỏ nắp cốc cà phê ra bảo “để cho nguội bớt” rồi vừa thổi cà phê vừa phàn nàn về bộ phim. Nàng hoàn toàn không đếm xỉa gì tới tôi.

“Nói chung là mình không hiểu được dụng ý khi chuyển tên gốc từ ‘Thinking of you’ sang ‘Thinking you’. Nếu đã cất công bỏ chữ ‘of’ đi thì nghĩ luôn một tên tiếng Nhật cho rồi. ‘Nghĩ về em’ chẳng hạn.”

“Ừm, phàn nàn với tớ thì ích gì. Tớ có phải người của công ty phân phối phim đâu.”

“Tớ biết, nhưng cái tựa ‘Thinking you’ đúng là dở hơi. Đọc lên chả hiểu gì, chưa kể nhìn chữ phiên âm nhỡ đọc nhầm thành ‘Em đang chìm’[4] thì sao? Rõ là dở hơi. Thứ chìm ở đây chính là bộ phim đó chứ không phải là ‘Em’.”

[4] Từ “sink” (chìm) và “think” (nghĩ) được phiên âm giống nhau trong tiếng Nhật.

Chỉ vì một từ mà hăng hái đến vậy thì Mao mới gọi là dở hơi. Tuy nhiên cũng phải khen Mao vì giờ nàng đã hiểu đúng ngữ dụng của từ “of”.

Chắc là lúc thuyết phục cấp trên ở Lara Aurore, Mao cũng có thái độ thế này.

Trong một lần nói chuyện điện thoại với trưởng phòng Kajio, chị kể với tôi rằng người say sưa nói về tầm quan trọng của quảng cáo giao thông cũng như một mình xây dựng kế hoạch, lựa chọn công ty quảng cáo chính là Mao.

“Công ty chúng tôi còn trẻ nên cũng khá cởi mở nhưng một nhân viên mới làm được đến năm thứ ba mà dám phát biểu cả một bài dài như vậy trong cuộc họp thì tôi chưa thấy bao giờ.”

Ở đầu dây bên kia, chị Kajio nói xong liền phá lên cười.

Công nhân viên năm thứ ba ấy hiện đang dè dặt đưa cốc cà phê có vẻ đã hết nóng lên miệng. Hai con ngươi trong mắt nàng chụm lại , chắc là do vô thức. Trông Mao lúc này thật yếu đuối, hoàn toàn không liên quan tới hình ảnh hùng hồn ở cuộc họp như lời chị Kajio kể.

Mao hồi cấp III và Mao hồi đại học có chụm hai con ngươi vào nhau để thổi cà phê latte như thế này không? Biết hối hận giờ cũng đã muộn, nhưng nếu có thể, tôi muốn nhìn thấy hình ảnh đó. Hay ít nhất là từ bây giờ, nếu nàng cho phép, tôi muốn được tiếp tục nhìn.

Tôi đang miên man nghĩ vậy trong lúc nhâm nhi cà phê thì chợt Mao ngẩng lên, hạ giọng hỏi tôi như thăm dò:

“Xin lỗi vì bắt cậu xem bộ phim chán chết đó nhé. Thế là đi tong một ngày nghỉ rồi.”

Đấy, được quan tâm chu đáo thế này thì làm sao giận cho được?

“Đâu có. Đằng nào cũng được xem mà, tớ hiểu cậu muốn nói gì.”

Tôi buộc miệng nói ra những điều không hề có trong lòng. Lẽ nào tôi bắt đầu bị Mao chế ngự mà không hay biết?

Một chiếc taxi rú còi inh ỏi chạy qua con đường kẹp giữa trung tâm mua sắm và ngân hàng. Tiếng còi xe nghe như muốn nhắc nhở tôi: “Cẩn thận đấy”.

Tôi quay lại nhìn cô gái ngồi trước mặt mình.

“Hay nhỉ.”

“Chán chứ.”

“Tớ không nói về bộ phim.” Tôi nhún vai. “Tớ muốn nói, duyên số là thứ ta chẳng biết được.”

“Thế hả?”

“Ừ. Tớ đang uống cà phê với Mao ở Ginza vào một ngày Chủ Nhật. Cách đây vài tháng có nằm mơ tớ cũng không hình dung ra chuyện này. Xác suất tớ làm việc tại công ty quảng cáo mà cậu chọn gần như bằng không. Sau khi tớ chuyển trường hồi lớp Chín, bọn mình chẳng còn biết người kia làm gì, ở đâu, ai ngờ lại có ngày tái ngộ trong phòng họp của một hãng sản xuất đồ lót ở Ebisu chứ.”

Mao bất ngờ hỏi lại tôi:

“Phiền cho cậu à?”

“Phiền gì cơ?”

“Việc gặp lại tớ.”

“Đâu có.” Tôi lắc đầu lia lịa, đến nỗi xù cả tóc. “Sao cậu lại nghĩ thế?”

“Tại hồi cấp II, mỗi khi tớ đi theo Kousuke, chẳng hạn trên đường đi học về, là mặt cậu lại như đang bị làm phiền ấy.”

“Chỉ là một kiểu mặt của tớ thôi. Nếu thấy phiền thì tớ đã chẳng đứng nói chuyện tới tận một, hai tiếng với Mao ở công viên bạch quả, và cũng không làm chuyện đó.”

“Chuyện đó?”

“Chuyện đó đó.”

Giọng tôi lạc đi, gần như mất hẳn.

“À, chuyện đó.” Mao lặng lẽ cúi đầu, nhấp một ngụm cà phê.

Dù trong lòng lo Mao hiểu nhầm rằng tôi đang có ham muốn nhưng mắt tôi cứ bị hút về đôi môi của Mao. Đôi môi nhỏ nhắn, xinh xắn ấy đang phủ một lớp son nhạt.

“Mười năm rồi, nhanh thât.”

Tôi chủ động rời mắt khỏi môi Mao, khẽ lẩm bẩm.

Mao đã hai lăm tuổi nên chuyện này là đương nhiên nhưng tôi vẫn thấy lạ lẫm. Mao trang điểm.

“Nhanh thật, mới đó đã mười năm.” Mao chống khuỷu tay lên bàn, đoạn ngước nhìn bầu trời xám xịt ngoài cửa sổ. “Tương lai cũng chẳng còn mấy nữa.”

“Sao lại nói câu buồn thế? Biết là thời sôi nổi nhất đã qua nhưng giờ mới là lúc vui chứ. Nói cách khác, phải làm cho thật vui.”

Mao ngoảnh lại nhìn tôi, mỉm cười.

“Cậu nói đúng. Chúng mình phải làm cho thật vui.”

Mao không dùng từ “mình” mà dùng từ “chúng mình”. Liệu có tôi trong đó không? Tôi mong là có.

“Tớ muốn bàn với cậu chuyện này.” Tôi cố tỏ ra không vồn vã. “Lần tới sẽ đi đâu?”

Mao cuộn người lại, nói như thể sắp tiết lộ một bí mật.

“Hôm nay, vì tính khí thất thường của tớ mà hỏng hết cơm hết gạo, do vậy lần tới nhất định phải xem phim của Hollywood.”

“Ừ. Quyết định vậy nhé.”

Xong. Thế là từng bước từng bước một, tôi đã có cuộc hẹn tiếp theo.

Tôi vừa yên chí thì thấy Mao nhìn ra cửa sổ, đoạn ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:

“Hay là không đi xem phim nữa, đi công viên giải trí? Xem phim thế đủ rồi.”

Đúng là thất thường như thời tiết.

__________

Ngoài lời đồn ban đêm khỏa thân đi lang thang ngoài đường, còn có một lời đồn khác về Mao.

Mao không phải là con đẻ của bố mẹ.

Lời đồn xuất phát từ một đứa sống gần nhà Mao. Theo câu chuyện được lan ttruyền, nó chỉ trông thấy Mao khoảng một, hai tháng trước khi Mao chuyển vào trường cấp II, còn suốt cả cấp I thì không thấy.

Trong khi tôi vẫn không đủ can đảm xác minh chuyện đi lang thang trong đêm thì bỗng một hôm, Mao tuyên bố với tôi sự thật chuyện về gia đình:

“Tớ không phải là con đẻ của bố mẹ tớ đâu. Tớ là con nuôi.”

Cuộn tròn người đung đưa trên xích đu, Mao thản nhiên tiết lộ bí mật động trời.

“Ồ, thế hả?”

Tôi hờ hững đáp dù thực tế tôi ngạc nhiên đến nỗi suýt trượt khỏi mô hình jungle gym[4] đang đứng dựa vào lưng

[4] Khung sắt cho trẻ tập leo trèo.

Tôi không nhớ đang nói đến chuyện gì thì chủ đề bố mẹ xuất hiện nhưng hình ảnh Mao ngồi trên xích đu, giơ ngón trỏ lên dặn tôi “Cậu phải giữ bí mật nhé, vì tớ không thích bị trêu” cùng màu lá vàng phủ đầy dưới chân Mao thì đến giờ vẫn in đậm trong tâm trí.

Mao được nhận làm con nuôi như thế nào? Bố mẹ đẻ của nàng còn không? Hay là đã sang thế giới khác? Tôi muốn hỏi Mao nhiều lắm nhưng lại chẳng thể hỏi gì. Có lẽ hồi đấy tuy còn nhỏ nhưng tôi đã biết rằng mới học cấp II thì không nên tọc mạch vào chuyện gia đình người khác.

Mỗi lần Mao đung đưa, chiếc xích đu cũ kỹ lại phát ra tiếng ken két chói tai.

Chẳng biết tự bao giờ, việc ghé vào công viên bạch quả sau giờ tan học gần như trở thành thói quen của hai đứa học sinh lớp Tám chúng tôi. Đó là nơi có nhiều kỷ niệm hơn hẳn ở lớp học.

Lần hai đứa bị cảm lạnh vì tội ngồi nói chuyện giữa trời giá rét đến tận tối mịt là hồi đầu xuân. Lần tổ chức sinh nhật Mao chỉ bằng một lời chúc là hôm mồng 2 tháng Năm. Lần Mao nức nở, giậm chân thình thịch vì trời nóng làm kem chảy là hôm bế giảng học kỳ I. Một lần khác, tôi không nhớ rõ là khi nào, tôi bị Mao mắng vì định nhặt một con chó bị bỏ rơi về nuôi.

Công viên bạch quả là cách gọi dân dã, có lẽ công viên có tên chính thức khác. Nhưng người dân trong vùng đã lấy tên loài cây đứng hiên ngang như muốn ôm trọn cả khu đất để đặt cho công viên.

Cái công viên nhi đồng bé xíu như lòng bàn tay, chẳng có trò gì ngoài xích đu và mô hình jungle gym ấy không mấy khi có bóng dáng trẻ con. Do diện tích hẹp nên ở đây cấm chơi bóng, cách vài bước chân lại có cả một quảng trường rộng với nhiều trò chơi phức hợp nên bọn trẻ con chạy hết ra đó. Ngay cả tôi, tuy nhà ngay sau công viên bạch quả nhưng hồi cấp I cũng toàn chơi ở quảng trường kia.

Nhà Mao chỉ cách công viên bạch quả độ bảy, tám phút đi bộ nhưng hôm nào Mao cũng phải ghé vào đó ngồi nghỉ.

Với chúng tôi, công viên bạch quả là một chỗ trú ẩn. Nằm lui vào bên trong, cách đường đi học của các học sinh khác hẳn một con đường, công viên với tấm màn che hữu hiệu là hàng cây bạch quả đã giúp chúng tôi không sợ bị nhìn thấy ở cùng nhau hay bị nghe lén. Thêm nữa, bạch quả ở đây là giống đực, không ra quả nên khi lá đổi màu cũng không có ai đến ngắm.

Mao không hào hứng lắm với những câu chuyện về sở thích tàu điện của tôi nên cố nhiên, bọn tôi chỉ nói về những bức xúc, bất bình của bản thân với giáo viên và bạn cùng lớp. Về điểm này thì Mao có nhiều điều muốn nói hơn tôi, nàng lôi từng đứa theo danh sách lớp ra để xem “đứa nào đáng ghét hơn đứa nào”.

Sau khi xả hết những ấm ức tích tụ ở trường, cuộc trò chuyện bao giờ cũng kết thúc bằng lời tuyên bố của tôi: “Vì thế, nhất định tớ phải học đại học ở Tokyo.” Với một học sinh cấp II sống ở vùng quê tỉnh Chiba khi ấy, đại học Tokyo là hình ảnh tượng trưng cho “bất cứ chỗ nào trừ chỗ này”. Chưa kể ở Tokyo còn có nhiều xe điện.

Tuy thường xuyên bày tỏ sự căm phẫn khiến tôi cũng phải dè chừng, thỉnh thoảng Mao lại làm tôi cười như nắc nẻ khi tuyên bố như thể sực nhớ ra là: “Tớ cũng sẽ học đại học ở Tokyo.” Khi đó, tôi đã nghĩ với cái đầu như Mao thì đỗ được vào trường nào mà đòi.

Nhưng rồi một hôm xảy ra một sự kiện nhỏ khiến tôi nghĩ biết đâu Mao cũng có thể đỗ được một trường hạng bét. Đó là việc Mao đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra chữ Hán.

Tôi không nhớ chính xác ngày tháng, chỉ nhớ lúc ấy cây bạch quả bắt đầu rụng lá nên có lẽ là cuối thu. Đó là ngày đáng nhớ nhất của tôi trong suốt gần hai năm học ở trường cấp II Tây Kamagaya. Bởi hôm đó, ngoài sự thật Mao là con nuôi được tiết lộ và Mao bất ngờ đạt điểm mười, tôi còn có được nụ hôn đầu tiên trong đời.

Mao cẩn thận lấy bài kiểm tra cất trong túi váy đồng phục ra với nụ cười hồn nhiên.

“Bố mẹ tớ sẽ sốc lắm khi nhìn thấy cái này. Có khi còn òa lên khóc không biết chừng.”

“Thế mau đem về cho bố mẹ đi?”

Xung quanh chẳng có người nhưng tôi vẫn không bỏ được thái độ lạnh lùng. Tôi không ghét việc chơi với Mao ở công viên bạch quả nhưng bản tính tự tôn thường thấy ở độ tuổi cấp II đã ngăn tôi thành thật với bản thân.

“Không.” Đang nhìn chăm chăm vào bài kiểm tra, Mao từ từ đứng dậy. “Để sau cũng được.”

Mao đến cạnh tôi rồi ngay lập tức thoăn thoắt leo lên mô hình jungle gym. Nhanh như chớp.

Đứng bằng hai chân trên thanh sắt nhỏ trên đỉnh mô hình, Mao lại mở bài kiểm tra ra.

“Này, nguy hiểm lắm. Ngã bây giờ.”

Tôi ngước lên, mắt ngợp giữa một vùng trời xanh. Cây bạch quả rùng mình trong gió, lá rơi lả tả.

Mao đứng giạng chân nên tôi nhìn thấy hết bên trong váy. Dù bên trong có quần đùi thể dục nhưng cái kiểu tênh hênh đó vẫn khiến tôi phát ngượng. Nhưng giờ không thể giương mắt ra nhìn Mao sắp ngã thế kia.

Đứng trên đầu tôi, Mao tự hào nói:

“Mười điểm. Tớ được mười điểm. Kousuke mấy điểm?”

Bảy điểm.

“Thôi được rồi, đừng đứng trên đó nữa. Sao cậu toàn làm những việc nguy hiểm thế? Bình thường hơn được không?”

“Không nguy hiểm đâu. Cậu nhìn này, có sao đâu.”

Nói xong. Mao khéo léo di chuyển bằng hai chân trên thanh sắt. Chân tôi khuỵu xuống.

“Tớ bảo nguy hiểm! Xuống ngay! Nhỡ mà ngã, chết ra đấy là không học đại học ở Tokyo được đâu.”

“Thế thì nguy to.”

Mao dừng lại rồi thoăn thoắt leo xuống. Cái dáng người đu trên hàng rào, mắt không rời khỏi bài kiểm tra cầm trên tay của Mao trông thật giống con khỉ đang bị nhốt trong lồng.

Tuy là bài kiểm tra nhỏ, chỉ có mười câu nhưng với Mao, đây là thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi.

Số chữ Hán trong vở tập viết mỗi ngày lại tăng thêm một chút. Vâng, chính xác là tăng theo ngày. Mặc cho chúng bạn nhạo báng, chê cười, Mao không bỏ cuộc, kiên trì lấp đầy chữ Hán vào các ô trong vở. Là người hằng ngày chứng kiến những nỗ lực đáng thương ấy của Mao nên tôi cũng cảm thấy vui và tự hào khi Mao đạt điểm mười tuyệt đối.

Thò nửa người ra khỏi mô hình jungle gym, Mao đột nhiên bảo:

“Cảm ơn cậu.”

“Vì cái gì?”

“Vì quan tâm đến tớ.”

Tôi cảm thấy một sức nóng chưa từng có bùng lên trong cơ thể.

Lúc nhận ra thì tôi đã thấy môi mình đặt trên môi Mao.

Đến giờ rồi tôi vẫn không hiểu sao mình lại to gan thế. Có lẽ vì không tìm được từ ngữ để bày tỏ tình cảm nên tôi buộc phải chuyển sang hành động.

Cái chạm môi đầu tiên trong đời chỉ diễn ra trong tích tắc. Khi sực tỉnh, theo phản xạ, tôi buông ngay ra.

Tôi nhìn thấy trước hết là màu vàng của những chiếc lá đang trút xuống mô hình jungle gym. Hóa ra tôi còn nhắm mắt cơ đấy. Tôi hốt hoảng nhìn quanh xem có ai không nhưng chỉ có những chiếc lá xoay xoay trong gió.

Tôi nhìn Mao, nàng vẫn tròn xoe mắt ngạc nhiên trước việc bất ngờ xảy đến. Mặt tôi chắc cũng giống thế. Chẳng thể nghĩ ngợi được gì, giữ nguyên vẻ mặt bàng hoàng, chúng tôi quay đi để tránh cái nhìn của nhau.

Một nụ hôn vội vã chưa kịp để cảm nhận. Nhưng tôi biết có thứ gì đó đã khác trước khi đối diện với Mao. Một cảm giác rất lạ, như thế một phần của Mao đã hòa vào tôi, một phần của tôi đã hòa vào Mao.

Với một thằng nhóc mười bốn tuổi, cảm giác đó thật lạ lẫm và bất ổn.

__________

Chẳng cần nói cũng biết trừ số ít người có sở thích đặc biệt ra thì hầu hết khách hàng của hãng đồ lót Lara Aurore nơi Mao làm việc là nữ giới. Tuy nhiên, điều này không đúng với tỉ lệ nam nữ trong hãng nên mỗi khi đến trụ sở Lara Aurore ở Ebisu, tôi thường xuyên chạm mặt các nam nhân viên ở hành lang.

Sau nhiều lần lui tới, tôi phát hiện ở đây có một sự khác biệt rõ ràng với các công ty khách hàng khác. Đó là việc bị các nhân viên nam kín đáo lườm.

Tôi thường xuyên bị căng thẳng, hệt như chú chó đi lạc vào vùng đất lạ trước những ánh mắt lộ rõ vẻ thù địch kiểu “Thằng cha này là ai?” của cánh đàn ông mỗi khi tôi gật đầu chào. Nhưng khi đi cùng sếp của Mao, chưa bao giờ tôi bị nhìn kiểu đó. Có lẽ Mao được lòng cánh đàn ông trong công ty lắm. Nghĩ vậy, tôi bỗng cảm thấy bồn chồn không yên. Tôi vừa bị một gã tầm ba chục tuổi mặc áo sơ mi hồng – săm soi từ đầu đến chân. Chính tôi mới là người muốn hỏi “Anh là gì của Mao” nhưng tất nhiên là không thể nói.

Khi đến Lara Aurore cùng anh Tanaka hoặc cấp trên khác, tôi thường được dẫn vào một phòng khách sang trọng có thể nhìn xuống đường phố Ebisu. Còn đi một mình thì chỉ được dẫn ra chỗ tán gẫu quây lại bằng mấy tấm vách hoặc phòng khách chật chội không có cửa sổ.

“Tiếc quá tiếc quá. Phòng khách lại đang có người. Hay vào phòng giám đốc nói chuyện nhé?”

Vì chỗ thân tình nên tôi buột miệng than thở thế thôi, nào ngờ được Mao mời vào luôn phòng giám đốc. Tôi vội lắc đầu.

“Xin cậu đấy, ai lại vào phòng giám đốc. Ma...à quên, Watarai này, trưởng phòng Kajio hôm nay có họp cùng không?”

Đang phải nói chuyện với Mao trên cương vị công việc nên tiếng Nhật của tôi cứ lẫn lội giữa suồng sã và lịch sự. Chưa kể chúng tôi có quy ước xưng hô bằng họ khi làm việc nữa nên tôi cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc.

“Ừm, chị Kajio bận đi quay phim rồi. Đáng nhẽ ba giờ là chị về nhưng giờ vẫn chưa thấy. Do đó, hôm nay tớ sẽ họp với cậu rồi báo cáo lại với cấp trên sau được không? Xin lỗi vì trưởng phòng bên tớ không tham dự được. À, cậu cứ treo áo lên mắc đằng sau kia kìa.”

Treo áo lên mắc như Mao bảo xong, tôi mới thổ lộ lòng mình:

“Nói riêng với cậu thôi nhé, việc này chỉ có mình Watarai làm nên thật lòng tớ thấy thoải mái hơn khi chỉ có tớ và cậu. Hôm nay tớ có tin vui đấy...”

Chúng tôi nói chuyện mà cứ ấp úng như thể hai học sinh theo học một trường tiếng Nhật không có giáo viên bản ngữ.

Hôm nay chỉ đến để thông báo với khách hàng mấy việc, không có họp hành gì nên phía công ty chỉ cử mình tôi đi. Tôi đến để báo tin: Quảng cáo mới của Lara Aurore đã được công ty đường sắt phê duyệt.

Việc này lẽ ra có thể thông báo bằng điện thoại nhưng tôi cố viện ra lý do để được đến Lara Aurore. Nói trắng ra là để đến gặp Mao.

Công ty Lara Aurore nằm trong tòa cao ốc được xây dựng trên mảnh đất trước đây là nhà máy bia. Ngoài khu văn phòng, ở đây còn có rạp chiếu phim, khách sạn cao cấp, nhà hàng Pháp, rất thuận tiện. Nhưng gió xoáy ở đây thì kinh khủng.

Nhất là vào tháng Một, gió xoáy lạnh đến phát khóc nhưng cứ nghĩ sắp được gặp Mao, tôi lại thấy chẳng khác gì gió mùa xuân. Chuyện là cuối năm vừa rồi, cả hai chúng tôi đều bận tối mắt tối mũi, sang đến kỳ nghỉ năm mới, Mao lại đưa bố mẹ đi suối nước nóng với lý do “ đây là lần báo hiếu đầu tiên và cũng là cuối cùng” nên ba tuần rồi chúng tôi chưa gặp nhau. Tuy hằng ngày vẫn nhắn tin cho nhau nhưng việc chỉ được nghe Mao trò chuyện qua con chữ càng khiến tôi thấy buồn.

Trước khi gặp lại Mao, tôi đã sống nhiều năm không màng tới chuyện yêu đương. Tôi cũng chẳng hề nghĩ tới việc chấm dứt tình trạng đó. Trái lại, tôi còn thấy thoải mái. Nhưng kể từ khi gặp được Mao, tôi thấy sống một mình sao khó khăn quá. Tôi nhận ra mỗi khi ở nhà ga hay đi ngoài đường, tôi đều vô thức tìm kiếm bóng hình Mao, hoặc mới thiu thiu ngủ tôi lại choàng tỉnh vì ngỡ như nghe Mao gọi.

Do đó, việc đến Ebisu hôm nay hoàn toàn là vì cá nhân, thật may không có ai trong công ty thắc mắc gì. Hễ có việc liên quan đến Lara Aurore là mắt tôi lại sáng rực lên đến nỗi chính tôi cũng cảm thấy. Mọi người tưởng đó là tôi nhiệt tình với công việc nên khi tôi bảo đến Lara Aurore, chẳng ai vặn hỏi nữa, ít nhất là người phòng Kinh doanh.

“Hay quá! Anh Tokai Rin chắc sẽ mừng lắm.”

Nghe tôi giải thích xong. Mao nhoẻn miệng cười.

Tokai Rin là tên nhân viên thiết kế thuê bên ngoài – người đã thiết kế tấm bảng quảng cáo cỡ lớn hiện đang trong công đoạn dựng. Thiết kế mà Lara Aurore đặt Tokai Rin làm đã gặp chút rắc rối tại công ty tôi.

Ngoài phòng Truyền thông phản đối thiết kế này. Họ bảo để hai người mẫu mặc đồ lót đứng quay mặt vào nhau như thế kia trông tục tĩu quá, không trình lên cho công ty đường sắt duyệt được.

Chỗ nào tục tĩu, tục tĩu thế nào thì không chỉ Tokai Rin, Mao mà ngay cả tôi cũng không hiểu. Giả sử hai người mẫu đứng sát nhau, đan ngón tay vào nhau thì có khả năng sẽ bị người tiêu dùng cho là tục tĩu. Nhưng đằng này, hai người mẫu đứng cách nhau cả sải tay, mỗi người lại nhìn về một hướng. Bộ đồ lót hai người mẫu mặc có màu vàng và xanh da trời nhạt, phông nền màu trắng pha xám. Người của Lara Aurore đánh giá đây là thiết kế đáng yêu nhất của Tokai Rin từ trước tới nay, bản thân tôi là đàn ông xem cũng không thấy có gì lố lăng.

Những lúc thế này rất cần sự giúp đỡ của anh Tanaka thì anh lại đi công tác suốt, không tham gia được vào dự án. Nếu không có ai đứng ra thương thuyết với phòng Truyền thông , uy tín của công ty sẽ bị ảnh hưởng. Bất chấp việc không có cả tự tin lẫn dũng cảm, tôi vẫn quyết định đối mặt với phòng Truyền thông.

Tôi dè dặt hỏi người phụ trách bên phòng Truyền thông rằng họ dựa vào đâu để cho là tục tĩu, đồng thời đề nghị họ cứ nộp lên công ty đường sắt xem thế nào.

Ban đầu, phòng Truyền thông chẳng thèm đếm xỉa tới ý kiến của một nhân viên tép riu chưa được hai năm kinh nghiệm như tôi. Tuy nhiên, sau nhiều ngày kiên trì theo đuổi, dần dần tôi cũng được biết lí do.

Từ đây, câu chuyện trở nên rất nực cười. Nào là vì diện tích đồ lót hơi bé. Nào là vì người mẫu quay mặt vào nhau trông lả lơi. Nếu chỉ là tranh quảng cáo to cỡ B1hay B0 thì không vấn đề gì, nhưng đây là cả một bảng quảng cáo rộng những ba chiếu[5] nên e là hiệu ứng hơi mạnh.

[5] Loại nệm rơm bọc chiếu có kích thước 910mm x 1820mm

Cứ thế, mỗi lần hỏi tôi lại nhận được một lời giải thích khác nhau, chẳng biết đằng nào mà lần.

Bản tính sĩ diện không cho phép thoái lui trước mặt Mao cộng với áp lực khi thương thảo với cấp trên dù là khác bộ phận khiến tôi cứ căng lên như dây đàn. Ngày nào tôi cũng gửi email cho nội bộ công ty, thậm chí tôi còn lao thẳng vào phòng Truyền thông với xấp ảnh “bằng chứng” chụp ở các ga để chứng minh rằng có đầy rẫy những quảng cáo còn khêu gợi hơn thế.

Có lẽ thái độ mặt dày của kẻ không biết ngoại giao như tôi cũng đem lại hiệu quả nên cuối cùng đối phương đã xuống nước. Sau đó không lâu thì công ty đường sắt cho phép dựng bảng quảng cáo trong ga.

“Người phòng Truyền thông cứ lo lắng quá về công ty đường sắt. Họ chỉ quan tâm tới thái độ bên đấy mà không đếm xỉa tới khách hàng cũng như người tiêu dùng ngoài kia cả. Cứ như là đang làm việc với bên nhà nước ấy, thật mệt mỏi.”

Thấy tôi phàn nàn, Mao liền an ủi:

“Nhưng sự cố gắng của Kou... à quên, của Okuda đã lay chuyển bọn họ đúng không? Không phải tớ nịnh đâu nhưng tớ thấy Okuda rất giỏi.”

“Không không, đó là nhờ có sự động viên và hợp tác của Watarai đấy.”

“Gọi là hợp tác nhưng vui như họp nhóm hồi cấp III nhỉ. Món thạch hoa quả ăn ở Ueno cũng ngon nữa.”

Mao đã giúp tôi rất nhiều, kể cả việc lên kế hoạch đối phó với phòng Truyền thông lẫn việc đi chụp ảnh làm bằng chứng. Khi tôi nêu ra ý tưởng đi chụp ảnh, Mao tán thành ngay, bảo “Tớ cũng sẽ tìm các quảng cáo phản cảm cho cậu” rồi lê la khắp các nhà ga, xông xáo hơn cả tôi. Món thạch hoa quả là lời cảm ơn cho việc đó.

Là nhân viên kinh doanh, tôi không được phép tiết lộ với khách hàng chuyện nội bộ lục đục, lại càng không được lôi khách hàng vào mấy chuyện cãi vã cũng như dẫn khách hàng chạy lông nhông ngoài phố giữa tháng Chạp bận rộn. Để lẫn lộn công tư thế này biết là rất đáng trách nhưng nếu không làm vậy, có lẽ tôi đã phải quỳ xuống xin lỗi anh Tokai Rin và trưởng phòng Kajio.

“Tất cả là nhờ Watarai đấy.”

“Hả, nhờ gì cơ?”

“Ừm, nói thế nào nhỉ, vì có người cũng nghĩ, cùng giận nên tớ đã làm được một việc vượt quá khả năng. Giờ người đó còn cùng cười với tớ nữa. Tớ vui lắm.”

“Sao tự nhiên cậu lại nói thế.”

Mao bối rối quay đi, rồi cứ gập ống tay len mềm lên rồi lại thả xuống một cách vô cớ.

“Thật mà. Là người đề xuất với công ty cậu dựng bảng quảng cáo đôi nên tớ cảm thấy phải có trách nhiệm trong chuyện này, tớ đau đầu lắm nhưng tớ đã không né tránh, quyết đấu tranh đến cùng. Tớ thấy như mình vừa trút bỏ được tấm áo của kẻ cắp tráp theo hầu. Thật sự rất cảm ơn cậu.”

“Nhìn cậu cứ như vừa hoàn thành xong việc lớn ấy. Lát đi về đừng để gặp tai nạn nhé, Kousuke. Ông bà có câu ‘Ngày vui ngắn chẳng tày gang’ đấy.”

“Được rồi, tớ sẽ cẩn thận. Cậu cũng nên cẩn thận đấy Watarai.”

“Hả?”

Tôi cố tình cười trêu Mao.

“Chúng ta đã thống nhất khi làm việc phải xưng hô bằng họ cơ mà.”

“À...”

“Cậu vẫn đãng trí hệt như xưa.”

Mao nhìn ra chỗ khác, môi chu lên:

“Ai bảo Kousuke nói năng trịnh trọng quá.”

“Đấy, lại thế rồi.”

“Thôi được rồi, cậu thật lắm chuyện.” Mao bắt đầu mất bình tĩnh. “Tại đây là lần đầu tiên tớ được Okuda cảm ơn. Sao mà bình tĩnh được.”

“Hả? Tớ chưa từng nói cảm ơn với cậu à?”

“Ở vị trí khách hàng thì nhiều rồi. Nhưng được nói cám ơn thân mật thế này thì tớ nhớ là chưa, kể cả hồi cấp II. Cũng phải thôi, hồi đó tớ toàn gây rắc rối cho cậu còn gì.”

Đúng là ngày xưa tôi chưa bao giờ nói cảm ơn Mao. Dù trong lòng hiểu rõ Mao là người quan trọng nhất với mình nhưng tôi vẫn xem thường nàng.

“Tớ xin lỗi. Hồi đó tớ lạnh lùng thật.”

“Đâu có. Cậu nghĩ tớ nói thế để cậu thấy hối hận và xin lỗi à?” Mao xua xua tay. “Không phải đâu. Tại tớ đang vui quá đấy. Được Okuda cảm ơn chứng tỏ tớ lớn thật rồi. Hồi cấp II, tớ chẳng giúp gì được cậu nhưng bây giờ, có vẻ như tớ đã đuổi kịp Okuda nên tớ vui lắm.”

“Cậu vượt cả tớ rồi ý chứ. Tớ kiên trì được với cấp trên trong vụ này cũng vì nghĩ không được thua Watarai, Watarai không bao giờ sợ người trên mình.”

“Ồ, cậu đang nói gì thế. Nhờ có Okuda mà tớ đã trút bỏ được biệt danh ‘đệ nhất bã đậu’ còn gì.”

“Đâu có.”

“Có mà.” Chợt Mao nghiêm mặt “...Bọn mình cứ khen nhau thế này, hâm quá.”

Cả hai cùng phá lên cười.

“Kể cũng lạ.” Tôi ngả người ra sau, nói. “Bằng tiền bạc và công sức của con người, các bảng quảng cáo cỡ lớn được dựng lên ở nhà ga, những người ta không biết mặt, biết tên nhìn bảng quảng cáo đó và mua sản phẩm của Lara Aurore. Hai cô cậu học sinh cấp II ngày nào giờ đang sát cánh bên nhau, thầm hỏi mọi người về thành quả lao động của mình, cuộc đời đúng là chẳng biết được nhỉ.”

“Công nhận. Giờ hai cô cậu đó đanh ở cạnh nhau đây.”

Nói xong, Mao mỉm cười hạnh phúc. Với tôi, được nhìn lại gương mặt rạng ngời ấy cũng là hạnh phúc.

“Thật tốt khi gặp lại cậu.”

“Cậu nói thật chứ?”

“Tất nhiên.”

“Cảm ơn cậu. Ngoài chuyện kèm tớ học, cậu còn nhiều lần đứng ra bảo vệ tớ nữa, tớ cảm thấy rất may mắn.”

“Tớ có bảo vệ gì cậu đâu.”

“Có đấy. Sự kiện bơ thực vật này, và những vụ khác nữa. Cậu còn chịu khó nghe tớ nói nên tớ đã không phải buồn.”

“Ngược lại, chính Watarai mới là người chịu nói chuyện với tớ.”

“Nhưng do bênh vực tớ mà Okuda bị bạn bè cô lập. Chỉ có mỗi tớ để nói chuyện chắc cậu buồn lắm, cho tớ xin lỗi nhé.”

“Cậu không cần xin lỗi, với tớ, giờ đó là một kỷ niệm đẹp. Chính tớ đã rất ngạc nhiên khi trước đó, Mao ra bắt chuyện với tớ.”

Mao lắc đầu.

“Không, tớ muốn nói chuyện nên hằng ngày ra bắt chuyện với cậu thôi. Hồi đấy thực sự tớ chẳng nghĩ gì cả.”

“Như thế có vẻ giống Mao hơn nhỉ.”

“Này, Okuda.”

Ánh mắt Mao trở nên tinh nghịch.

“Hả?”

“Khi làm việc phải gọi bằng họ cơ mà.”

Phải rồi. Thôi, mặc kệ đi.

“Tạm cất quy định đó đi nhé. Tự nhiên tớ lại muốn gọi bằng tên.”

“Ừ, tớ hiểu rồi. Kousuke.”

Hình như Mao cũng có cùng cảm nhận giống tôi.

Sắp sửa rồi đây. Lần ở công viên bạch quả, chỉ mình tôi đơn phương bày tỏ tình cảm, nhưng giờ thì khác. Cả hai đều hiểu cần phải làm gì.

Có điều giữa chúng tôi đang có một cái bàn lớn, màu trắng. Khoảng cách từ chỗ tôi đến chỗ Mao xa tít mù tắp. Đi vòng qua bàn để đến chỗ Mao có vẻ cũng không ổn. Giá như đang ở trong hoàn cảnh khác, trên ô tô hay vòng quay thì tốt biết bao, nhưng đây lại là phòng họp với khách hàng.

Không biết phải làm sao, tôi đành cười đau khổ, hỏi Mao:

“Làm thế nào nhỉ?”

“Cứ để tự nhiên thôi.”

Mao hơi cúi đầu xuống, một cử chỉ hiếm thấy, bàn tay để trên mặt bàn cứ liên tục nắm vào mở ra.

“Xin mời đứng dậy.”

Chúng tôi đứng dậy, chống tay lên mặt bàn. Có vẻ như chỉ cần vươn người là tới được bên kia.

Chợt ngoài hành lang có tiếng giày đế mềm tiến vào phòng họp.

“Ối, chị Kajio về rồi.”

“Thật à? Vậy thì, xin mời ngồi xuống.”

Chúng tôi vội ngồi xuống, giả vờ mở tài liệu. Cùng lúc, trưởng phòng Kajio lao bổ vào phòng họp, trên người vẫn mặc áo khoác.

“Xin lỗi vì tôi đến muộn.”

Ngả hẳn người ra sau, Mao xua xua tay với cấp trên, làm bộ mặt như thể vừa bàn xong công chuyện.

“Chị Kajio về muộn quá! Bọn em họp xong rồi.”

Một màn diễn xuất thật tài tình.

HẾT CHƯƠNG 1