Cô Gái Mãn Châu

Chương 79: Nước mắt người yêu




Cỗ quan tài tuy lớn hơn con người của La Hán khá nhiều nhưng bằng cánh tay thần lực đó, hắn sẽ nhấc bổng như không.

Không phải La Hán ước lượng, mà ai biết hắn đều cũng có thể ước lượng một cách chắc chắn như thế vì sức mạnh của hắn quả có thừa.

La Hán vừa đứng sát vào cỗ quan tài thì hai lão thái giám cũng đứng lên.

Lão thái giám đứng bên trái, lão đứng đối diện với La Hán và lão nhìn hắn bằng đôi mắt đỏ hoe...

Và khi La Hán vừa choàng tay qua cỗ quan tài thì lão vùng lao tới.

Sức già không còn bao nhiêu, có lẽ lão cũng biết như thế nên lão cố gom hết sức lực còn lại trong người và cả thân hình của lão nhập mạnh vào La Hán.

Không hề để ý vì không ngờ viên thái giám già lại làm như vậy, La Hán bị cả khối người phì nộn của lão chạm vào vai quá mạnh, hắn bật ngửa vào sát vách chòi.

Vì dùng quá sức nên khi La Hán bật ngửa thì lão thái giám cũng lật ngang, lão lật chồng lên cỗ quan tài.

Cũng như khi ráng sức tống vào La Hán bây giờ lão lại rán thêm lần nữa, lão la lạc giọng :

- Nằm xuống, địa lôi...

Tiếng “lôi” của lão không nghe rõ, vì bị át bởi một tiếng nổ long trời.

Là những người đã học được nhiều kinh nghiệm và nhờ vào phản ứng của cảm giác thật nhạy, Đức Uy và ba anh em Cùng Gia bang chuồn lẹ xuống đất và lăn ra xa như cái trục.

Khói bụi bay mờ mịt, những tấm lá, những khúc cây của cái chòi bay tưng lên rồi lác đác rơi theo gió, Đức Uy nhổm dậy ngay và khi hắn với ba anh em Cùng Gia bang lao tới lại thì khói cũng tan dần.

Trong mùi khói thuốc khét lẹt với bóng khói sáng dần, họ không còn thấy căn chòi đâu nữa.

Hai lão thái giám cũng không thấy, những tên áo vàng ngã gục dưới chân thành.

La Hán nằm ngửa sải tay chân, hắn không còn động đậy.

Đức Uy tái mặt chồm tới thì từ xa vụt đưa lại một tiếng rú thất thanh :

- La Hán...

Ba bóng người lao tới cùng một lúc: Mông Bất Danh, Triệu Nghê Thường và Mẫn Tuệ.

Nghê Thường vẹt người nhào tới, nàng ôm thây La Hán khóc rống lên.

Bao nhiều ngày lặn lội, bao nhiều dặm đường xa, vừa theo kịp được thì cũng vừa xảy ra thảm cảnh.

Tất cả mọi người chết điếng.

Đức Uy và Mẫn Tuệ không còn tâm tình để mừng nhau.

Là một con người rất khó bộc lộ chuyện xúc động, nhưng bây giờ thì Mông Bất Danh đã phải run.

Khóe miệng nhăn nheo của lão giật giật liên hồi.

Vành môi khô khan của lão run run nhưng nói không rõ tiếng.

Nghê Thường gục đầu vào ngực La Hán, nàng khóc cũng không còn ra tiếng.

Ba anh em Cùng Gia bang đứng thẳng người và tất cả cúi đầu.

Qua phút kinh hoàng, Mông Bất Danh trấn tĩnh, ông ta bước tới nắm tay Nghê Thường kéo ra và nói :

- Tránh, để cho ta xem.

Tiếng nói của lão Mông vừa dứt thì chuyện lạ phát ra.

La Hán vùng mở mắt.

Hắn ngóc đầu dòm qua dòm lại, vẻ mặt ngơ ngơ :

- Sao vậy?...

Và hắn bắt gặp khuôn mặt đầm đìa của người yêu, hắn kêu lên :

- Nghê Thường, em...

Hắn lồm cồm ngồi dậy.

Nghê Thường nhào tới, hai tay nàng ôm cứng La Hán, giọng nàng lẩy bẩy :

- La Hán, anh không...

Bây giờ La Hán mới trấn tĩnh, hắn nhớ lại.

Hắn đẩy Nghê Thường ra và mò mò khắp châu thân.

Mông Bất Danh ngồi xuống :

- La Hán, đưa ta xem...

Đức Uy và ba anh em của Cùng Gia bang cũng bu lại...

Mẫn Tuệ lên tiếng :

- Lý huynh, coi chừng Bạch thiếu hiệp bị nội thương.

La Hán mò mò bật cười :

- Không có sao hết, không có gì hết, nhưng tại sao lại ngất kỳ quá.

Đức Uy nói :

- Không khí bị ép bởi chất nổ.

Mông Bất Danh nói :

- Vận công thử xem.

La Hán ưỡn ngực hít hơi và lắc đầu :

- Không có sao cả, chỉ hơi tức ngực.

Nghê Thường nhoẻn miệng cười :

- Trời ơi, tưởng đâu...

Thật là tội nghiệp, nàng cười trong khi nước mắt nước mũi chàm ngoàm, Mẫn Tuệ nhìn nàng mà không ngăn nước mắt.

Đức Uy lắc đầu :

- Thật ai cũng giật mình.

La Hán thở ra :

- Trong quan tài không có thi thể, chỉ đầy chất nổ, tội nghiệp cho nhị vị lão nhân gia.

Mông Bất Danh nhòm quanh :

- Ai.

Lăng Phong đáp :

- Một vị lão thái giám.

La Hán nói :

- Như vậy là hai vị ấy đều biết âm mưu...

Lăng Phong tặc lưỡi :

- Tôi nghiệp, nhị vị chết mà không được toàn thây.

Mông Bất Danh dậm chân :

- Tức vì ta đến trễ...

Và ông lại hỏi Nghê Thường :

- Thường nhi, hãy lạy tạ vong linh vị lão ân nhân.

Nghê Thường qùi thụp xuống lay ba lạy, nước mắt nàng lại trào ra.

Mẫn Tuệ vùng gục đầu vào vai Đức Uy khóc ngất.

Đức Uy biết tại sao nàng khóc, hắn vuốt tóc nàng và dịu giọng.

- Muội muội, đừng khóc nữa, lão nhân gia ân nghĩa cũng đã vẹn toàn...

Hắn ngưng ngưng và cúi mặt, vô tình hắn đã lặp lại đúng y câu của Thất Cách Cách an ủi hắn.

Mẫn Tuệ gật đầu :

- Tôi biết, nhưng không làm sao dằn được.

Thật tình, trong hoàn cảnh này không ai có thể ngăn được dòng nước mắt và có lẽ nếu khóc được thì cũng vơi bớt phần nào. Nhưng Đức Uy không khóc được, hắn không thể để rơi nước mắt.

Lăng Phong nói :

- Lý huynh, chúng ta mắc bẫy và rõ rằng di thể Thánh thượng không có ở đây.

La Hán ngẩng mặt dòm quanh và nói :

- Để tôi hỏi...

Hắn bước lại góc tường thành, tên bị hắn chặt rơi cánh tay trước nhất, bây giờ đang nằm rên rỉ.

Thanh Tử Kim đao chĩa vào yết hầu của tên bị chặt tay, La Hán gằn giọng :

- Nói, Lý Tự Thành đem di thể của Hoàng thượng đi đâu?

Tên áo vàng líu lưỡi :

- Tôi... tôi không biết...

La Hán nhích mũi đao, nhưng Lăng Phong cản lại và hỏi tên áo vàng :

- Kể cả người thái giám già tự sát sau nữa là tất cả có ba thi thể tại Môi Sơn, ngươi có biết không?

Tên áo vàng lắc đầu :

- Giặc dã lan tràn, thây người đầy đất, tôi làm sao biết được ai là ai?

Hắn có vẻ nói thật, vì hắn khó mà biết được.

La Hán định nói, nhưng Mông Bất Danh khoát tay :

- Thôi, hãy để cho hắn sống với cánh tay cụt của hắn, cho hắn đi đi.

La Hán quay lại :

- Nhưng còn thi thể của Hoàng thượng?

Mông Bất Danh lắc đầu :

- Hắn không biết đâu, ta sẽ có cách.

La Hán thâu đao lại, hất cho hắn một đá và nói :

- Đi đi.

Tên ào vàng lồm cồm ngồi dậy loạng choạng bước đi, nhưng không bao xa là hắn lại quị xuống.

Công lực của hắn quá tầm thường, hắn không chịu nổi với vết thương rụng cánh tay của hắn.

Mông Bất Danh nói :

- Chỗ này không thể ở lâu, tất cả hãy theo ta.

Ông ta nói xong là băng mình đi trước.

* * * * *

Trên đường đi, Mẫn Tuệ nói nhỏ với Đức Uy :

- Lý huynh, có một chuyện tôi không dám nói, nhưng không nói thì lại không đành, Tổ thư thư...

Đức Uy gật đầu :

- Tôi biết, La Hán đã có gặp và nói rõ rồi.

Hắn kể lại từ đầu chí cuối cho nàng nghe và khi nghe Đức Uy kể chuyện người ni cô cứu Trường Bình công chúa thì nàng mừng quá không kịp nghe nữa, nàng chận nói :

- Như vậy là Tổ thư thư đã được sư phụ tôi cứu rồi.

Đức Uy nói :

- Làm sao chắc như vậy?

Mẫn Tuệ nói :

- Tôi biết, vì Tổ thư thư vốn không biết võ, không ai có thể trong một thời gian ngắn mà đào tạo nhanh như thế, chỉ có gia sư là có độc môn ấy, vả lại nếu bảo Tổ thư thư là ni cô thì quá đúng rồi...

Đức Uy gật đầu :

- Cứ theo muội muội nói thì cũng có lý, nhưng... không hiểu tại sao...

Hắn thở dài nhè nhẹ và nói tiếp :

- Nhưng thôi, mình cũng nên tôn trọng ý muốn của nàng, bây giờ thì cũng chẳng còn biết phải làm sao...

Tuy không nghe, nhưng Mẫn Tuệ vẫn biết sau câu nói của hắn lại là một tiếng thở dài.

Nàng nói :

- Tổ thư thư vì đại nghĩa giết giặc và cha nàng cũng phải đền tội, nàng không chết được thì tự nhiên nàng phải xuất gia, chúng ta nên cầu nguyện...

Đức Uy cúi mặt làm thinh.

Mông Bất Danh đi trước vùng đứng lại, ông ta nói :

- Thôi, nghỉ được rồi, nghỉ để khỏe rồi còn nói chuyện.

La Hán và Nghê Thường đứng lại.

Ba anh em Cùng Gia bang dừng lại.

Cuối cùng là Đức Uy và Mẫn Tuệ.

Mông Bất Danh vẫy tay :

- Ngồi xuống, ngồi xuống cho giãn gân cốt cái đã.

Cả bọn ngồi xuống trầm ngầm một chút, Mông Bất Danh quay hỏi Mẫn Tuệ :

- Đã nói chuyện về Tổ cô nương chưa?

Mẫn Tuệ gật đầu :

- Có, Mông lão, Lý huynh cho biết chị Thiên Hương đã được gia sư cứu sống và đang theo người học đạo, chị ấy mới vào cung cứu Trường Bình công chúa...

Mông Bất Danh trố mắt :

- Thiên Hương còn...

Mẫn Tuệ thuật lại câu chuyện đầu đuôi, Mông Bất Danh gật gật đầu :

- Quả là trời cao có mắt, đại nghĩa diệt thân không phải là xưa nay không có, nhưng trường hợp của Thiên Hương quả thật đáng thương mà cũng đáng kính...

La Hán nói :

- Tôi đã biết Tổ cô nương, tôi đã có nhiều kính phục, nhưng riêng về chuyện này không thể nói là kính phục mà phải thấy nàng đúng là thánh nữ.

Mông Bất Danh gật đầu :

- Đúng, quả là thánh nữ...

Đức Uy làm thinh, hắn không nói được câu nào.

Tự nhiên, lòng vẫn như bao nhiêu người khác, hán cung kính phục nàng, nhưng ngoài sự kính phục ra, lòng hắn bỗng nghe thêm nhiều chua xót...

Hình như thấy được Đức Uy về chuyện đó, Mông Bất Danh vội nói :

- Thánh cũng được, thần cũng xong, miễn là nàng còn sống trên đời là mình được yên tâm...

Ngưng một chút, ông ta nói tiếp :

- À, về chuyện di thể của Thánh thượng...

Ông ta liếc Đức Uy :

- Ta nói ông bạn trẻ có thích nghe thì nghe bằng không thì thôi, Hoàng thượng vì giang sơn, vì danh dự mà tuẫn tiết, thi thể tự nhiên không được để cho địch cướp, nhưng dầu gì cũng là một cái thây chết, chúng ta không có quyền liều mạng, chúng ta cần phải sống...

Đức Uy nhướng mày :

- Mông lão nói thế có nghĩa là...

Mông Bất Danh gật đầu :

- Cứ theo ta và Nghê Thường, Dương cô nương đến kinh thám dọ thì biết rằng trước khi Thánh thượng bị giặc bức khỏi cung thì đã cho thái giám và ngự lâm thân tín đưa Thái tử, Đinh Vương, Thừa Vương ra khỏi cung, như vậy bây giờ ba vị ấy đang mông trần thất lạc, chuyện của chúng ta bây giờ là phải tìm cho được ba vị ấy, chứ không phải bu quanh chuyện thi thể của Thánh thượng, phải lo cho Thái tử và nhị vị Vương gia, phải có Thái tử hiệu triệu dân chúng, hiệu triệu quần thần chống giạc, danh mới chính, ngôn mới thuận, có phải vậy không?

Đức Uy gật đầu :

- Tôi hiểu rồi, đa tạ Mông lão, nếu không có Mông lão nhắc nhở, vì nóng lòng, tôi sẽ làm không đúng việc...

Đức Uy trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp :

- Chỉ có điều bây giờ chúng ta không biết Thái tử và nhị vị Vương gia mông trần ở phương nào.

Mông Bất Danh nói :

- Không biết thì kiếm, thì tìm, chúng ta hãy đi thôi.

Mọi người cùng lên đường. Họ bắt đầu hỏi thăm về Lý Đức Uy trong những ngày vừa qua. Chàng kể lại mọi chuyện, sau khi mất sức và nhờ Thất Cách Cách cứu tỉnh tại ngôi miếu hoang tại phía tây thành.

Hắn cũng thuật lại lời giao ước về chuyện án binh bất động.

Đôi mắt của Mẫn Tuệ đỏ hoe :

- Thật quả trời cao còn thương tưởng người lành, tôi cứ phập phồng lo sợ sẽ không còn gặp lại.

Nàng hỏi nhỏ Đức Uy :

- Bây giờ nàng ở đâu? Có thể gặp được chăng?

Đức Uy chưa trả lời thì Mông Bất Danh đã nói :

- Chuyện này thật lạ, họ đã có mặt tại đây, đáng lý phải thừa cơ hội, vì đó là nguyên tắc dụng binh, thế nhưng sao vị Thất Cách Cách ấy lại làm như thế? Không thể đến đây rồi chỉ chờ đại binh ở biên cương?

Đức Uy nói :

- Chính vì để đề phòng, tôi đã nhờ anh em Cùng Gia bang theo dõi để giám thị hành động của họ, để xem mục đích chính của họ như thế nào, chắc có lẽ cũng không khó biết lắm đâu.

Mông Bất Danh hỏi :

- Cứ theo lời giao kết thì nếu họ không động tĩnh gì thì mình cũng không động đến họ phải không?

Đức Uy nói :

- Trong tình hình này, gạt ra được lực lượng nào thì ta nên cố mà gạt ra, họ không bao giờ để cho yên được dài lâu, nhưng tạm thời mình còn phải đối phó quá nhiều nên cứ coi như tạm thời hưu chiến, nhưng nếu họ có hành động thì dầu muốn dầu không buộc lòng mình phải đối phó.

Mông Bất Danh gật đầu :

- Đúng rồi, bây giờ công chuyện chính của chúng ta là phải gấp rút tìm Thái tử và nhị vị Vương gia, tự nhiên chúng ta phải chia ra.

Đức Uy trầm ngâm :

- Cứ theo như Mông lão thì sau khi đã tìm được Thái tử và nhị vị Vương gia rồi, chúng ta nên làm sao?

Mông Bất Danh nói :

- Còn làm sao nữa? Ngay bây giờ Thánh thượng đã băng hà, nhưng Đại Minh triều chưa phải là diệt vong, binh mã của Ngô tổng đốc Liên Tô cũng không xa lắm, sau khi tìm được Thái tử và nhị vị Vương gia, chúng ta hỏa tốc bảo hộ đưa đến trung dinh Ngô Tam Quế để Thái tử dùng binh mã đó tảo trừ phản nghịch. Quốc gia một ngày không thể không có vua, Thái tử phải lấy mệnh lệnh thiên tử hiệu triệu thần dần cần vương diệt giặc.

La Hán lắc đầu :

- Dùng binh mã của Ngô Tam Quế để tảo trừ nghịch đảng, tôi sợ không được ổn.

La Hán nói :

- Lão gia đừng quên rằng binh mã của Ngô Tam Quế hiện đang cầm cự với Mãn Châu, nếu dùng binh mã đó để giải tỏa Bắc Kinh thì biên cương miền bắc phải bỏ ngỏ quân Mãn Châu nhất định sẽ thừa cơ đó mà tràn vào.

Mông Bất Danh nhíu mày ngẫm nghĩ và gật gật đầu :

- Đúng, ta quên, nếu đưa binh mã Ngô Tam Quế về tảo trừ bọn Lý Tự Thành thì đúng là biên cương bỏ trống, nhưng nếu cứ để binh mã đó trấn thủ biên cương thì bọn Lý Tự Thành...

Đức Uy nói :

- Tình thế hiện tại không cho phép ta có kế hoạch lâu dài, bây giờ cứ cố tìm cho được Thái từ và nhị vị Vương gia, hộ tống đến trung quân của Ngô Tam Quế, sau đó sẽ tính kế lâu dài mới được...

Mông Bất Danh gật lia lịa.

Mẫn Tuệ nói :

- Theo tôi thì Mông lão và tôi một ngả, Nghê Thường và La Hán một ngả, Lý huynh đi một mình còn ba vị Cùng Gia bang thì đi chung. Như vậy chúng ta có cả thẩy là bốn toán.

Chuyện phân công này hơi lạ.

Đã nghĩ tới người, nàng đã không muốn cho Nghê Thường và La Hán đi riêng, thế tại sao nàng lại không nghĩ đến mình?

Đức Uy có hơi làm lạ, nhưng hắn không tiện hỏi.

Hắn cảm thấy cũng có khi nàng thấy Nghê Thường và La Hán cần phải chung, vì những ngày trước đây, La Hán đã có ý nghĩ tránh mặt Nghê Thường muốn cho nàng đừng vì hắn mà bận tâm, hắn đã có mặt cảm về sự tàn tật của mình, hai người đó cần đi chung, Nghê Thường có thể an ủi hắn nhiều về tâm sự.

Riêng nàng với Đức Uy coi như đã an bày và nhất là trong hoàn cảnh hiện tại cũng không cần phải có chuyện đi chung.

Đức Uy chỉ nghĩ thế thôi, chính hắn thấy như thế cũng không có gì không ổn.

Thế nhưng Mông Bất Danh thì có vẻ chưa vừa lòng, ông ta gặng lại :

- Sao? Cô nương định đi với lão?

Mẫn Tuệ gật đầu cười :

- Đi chung với lão nhân gia đã quen rồi, nhất là còn nhiều chuyện thuộc về kinh nghiệm cần phải được lão nhân gia dạy bảo thêm cho.

Mông Bất Danh lắc đầu :

- Cái cô bé này lạ quá, ta đang lo bây giờ gặp nhau thì chắc tên già này linh đinh một mình, không ngờ cô bé lại muốn đi cho có bạn, chắc sợ già này buồn chứ gì? Cũng không sao, có đi đâu thì mấy ngày rồi cũng đảo lại Kinh sư chứ mất đi đâu mà sợ.

Ông ta đứng dậy nói luôn :

- Đi nghe, cứ như thế đi rồi có gì sẽ tính sau.

Lăng Phong nói :

- Ba anh em tôi xin đi trước, có tin gì thì Cùng Gia bang sẽ thông báo ngay cho chư vị.

Hắn vòng tay chào mọi người rồi dẫn Phan Ngọc, Kim Khuê rẽ xuống hướng Tây nam.

Bọn Lăng Phong đi rồi thì La Hán và Nghê Thường cũng đi ngay, tiếp theo là Mông Bất Danh và Mẫn Tuệ, còn lại một mình Đức Uy vẫn còn đứng đó.

Hắn nhìn theo bóng của Mẫn Tuệ khuất dần và bỗng thở dài.

Không hiểu tại sao, bằng vào một linh cảm dị thường hắn cảm thấy chuyện đi kiếm Thái tử và nhị vị Vương gia thật là mỏng manh.

Trong lúc loạn quân công hãm Kinh sư, tình thế thật hỗn loạn, nếu Thái tử và nhị vị Vương gia thoát ra trước được nhất định người bảo hộ không bao giờ nấn ná gần đây, vì cuộc diện nguy cấp thật đã rõ ràng.

Thêm vào đó, ngoài chuyện đi tìm Thái tử và nhị vị Vương gia ra, Đức Uy bỗng nhớ đến Tào Hóa Thuần. Đối với tên này, mối lo ngại của hắn có phần nặng hơn cả Lý Tự Thành.

Đám binh ô tạp của họ Lý chỉ có thể thừa cơ chiếm Bắc Kinh, nhưng một khi gặp phải đạo binh hùng hậu của Mãn Châu, chắc chắn chỉ cần một trận là tan rã, cái kẻ nguy hiểm tồn tại vẫn là Tào Hóa Thuần, hắn đã cấu kết bè đảng trong cung, hắn có thế lực và nhất là hắn rất am hiểu tình hình hoàng tộc và các đại thần, con người đó một khi đã rắp tâm bán nước thì Lý Tự Thành hay Mãn Châu, bất cứ bên nào thắng hắn cũng đều có thể ngả theo.

Nếu một mai Ngô Tam Quế không cản nổi Mãn Châu, chúng tràn vào Kinh sư đánh đuổi Lý Tự Thành, thì mối nguy hiểm vẫn là tên Tào Hóa Thuần, hắn là người đắc lực cho giặc về đường đi nước bước.

Đức Uy đứng trầm ngâm, bao nhiêu chuyện phức tạp làm cho hắn cảm thấy khó khăn, sự có mặt của Thất Cách Cách mà nàng bằng lòng án binh bất động cũng là điều đáng lo ngại.

Nàng hứa không “thừa gió bẻ măng” nhưng nàng có nói thêm rằng nàng chỉ bảo đảm khi đại quân Mãn Châu chưa xâm nhập, nàng nói như thế có rất nhiều hậu ý.

Phải chăng người Mãn Châu đã nắm chắc được một thế cờ?

Phải chăng chuyện đưa đại quân tràn qua biên giới, xâm nhập Kinh sư là chuyện chỉ trong vòng sớm tối?

Nghĩ đến chuyện này, Đức Uy chợt rùng mình, hắn vội vã lao mình thật nhanh về phía Nam thành.

Xa xa, từ ven thành kéo dài lên hướng Bắc tiếng chó tru dài thê thiết.