Một hiện tượng cực kỳ khủng khiếp.
Một chuyện xảy ra giữa thành thị lớn như Trường An, có thể nói là từ trước đến này chưa bao giờ nghe thấy có một vấn đề tương tự như thế.
Máu, thây người.
Gần như bất cứ chỗ nào cũng đều nhìn thấy máu hoặc thây người, hoặc thân người đã được dời đi, thế nhưng máu thì vũng vẫy khắp nơi.
Nhưng có một điều đáng chú ý là bất cứ nơi nào, thây người tuy ăn vận khác nhau, nhưng cũng không phải là những người thường, họ đều là người của võ lâm.
Như vậy kẻ giết người tuy không phân biệt phải trái, nhưng cũng không bạ đâu giết đó.
Chính nhờ thế, mà ban nãy tuy hốt hoảng, nhưng về sau, những hạng người buôn bán làm ăn cũng được chút yên tâm, họ tuy có sợ sệt trước cảnh giết người hàng loạt đó, song họ cũng biết họ không đến nỗi nào.
Tuy nhiên, đêm đó, nhà cửa, hàng quán đều được thu dọn và đóng cửa ngay, một thành thị lớn như Trường An, chỉ trong vòng không đầy một tiếng đồng hồ bỗng như một thành phố chết.
Từ ngoai đường phố dẫn vào hẻm hóc, nhà nhà đều đóng cửa gài then thật cứng, những ông già bà lão, đàn bà con trẻ rúc vào sâu hoặc thót lên lâu lên gác, chỉ có thanh niên trai tráng, mà cũng phải gan lắm mới lấp ló bên khe cửa dòm ra.
Tuyệt nhiên ngoài đường không có một bóng người.
Trong những khách điếm khách ngụ cũng được “khuyến cáo” của chủ nhân, xin đừng ra ngoài, hãy vui lòng để cho họ gài cửa ngoài, khóa cửa trong cẩn thận.
Không một ai có thể phán đoán được chuyện gì xảy ra.
Người ta chỉ biết rằng thình lình có một con người như nổi cơn điên, xách đao đụng ai xả nấy tự nhiên là nhân cơ hội đó lập tức có nhiều “truyền thuyết” được kể ra.
Họ bảo nhau rằng con người đó to lớn như thiên thần, mạnh như sư tử, không thấy vung đao mà người đã bị tiện làm hai...
Họ bảo con người đó có thuật kinh công ghê lắm, hai nạn nhân đứng cách nhau gần hai mươi trượng, nhưng chỉ cần một cái vung đao và nhảy tới, hai thây người cùng ngã một lượt như nhau không hề có một giẫy trước hay sau gì cả.
Người ta bảo con người đó mình cao hạ trượng, lưng lớn ba vừng, bắp tay bằng cột nhà, bắp chân bằng... bằng cái thúng.
Nhiều người vì mau miệng quá nên khi mô tả người đó, nhiều khi mâu thuẫn và trở thành kỳ cục, họ tả cái trước cái sau, có nhiều lúc người ta nghe kể mà hình dung thì cái con người đó bỗng trở thành... tàn tật. Vì trước kể cái bàn tay quá lớn, khi kể đến cái đầu thì giật mình “bớt” lại thành ra cái mặt nhỏ hơn... bàn tay.
Nhưng cũng có một người cả quyết là đã quan sát “tại chỗ” thì con người sát nhân đó có một thanh đao lạ lắm. Vung lên tỏa ánh hào quang đo đỏ, hồng không hồng, chắc chắc màu hào quang màu tía. Nhiều người “hay chữ” gọi đó là ánh “tử quang”.
Tuy nhiên, hiện tượng rõ ràng hơn hết là cho dầu con người nổi tiếng can đảm nhất vùng, bây giờ cũng phải rút sâu vào nhà đóng cửa gài then cho... ăn chắc.
Trong lúc ngoài đường không còn gà chó như thế, thì tại cuối con đường phía cửa Nam thành lại có một bóng người. Bóng người áo trắng.
Lý Đức Uy.
Hắn bước đi theo vết máu mà tinh thần hắn rất trầm trọng lạ thường.
Có thể nói từ ngày đặt chân vào đất Trường An, bất cứ lần xuất hiện nào, mặt hắn cũng chưa hề trầm trọng như thế ấy.
Hắn bước từng bước chậm dọc theo các con đường...
Hắn đi tìm La Hán.
Tự nhiên hơn ai hết, Lý Đức Uy đã biết chuyện gì đã xảy ra.
Lần thứ nhất, hắn đã làm một chuyện bất cẩn.
Đáng lý hắn phải báo tin cho Nghệ Thường bằng một cách khác, trong lúc cấp bách vì những công chuyện khác, hắn lại gởi thơ lại cho nàng.
Đó là một sơ xuất đáng trách vô cùng.
Thế nhưng bây giờ mọi sự đã lỡ rồi, hắn chỉ còn hy vọng tìm cho ra La Hán.
Vừa đi, Lý Đức Uy vừa băn khoăn về Nghệ Thường, hắn không hiểu tại sao nàng không ngăn La Hán được.
Đã đành lời nói có thể vô hiệu quả, sức của nàng cũng không đủ, nhưng nàng vẫn còn chút tà thuật của Bạch Liên giáo, tuy chỉ có thể tạm thời nhưng ít ra nàng cũng có thể dùng để giữ hắn lại, Hắn biết chắc như thế, nhưng không hiểu tại sao nàng lại không làm được.
Trường An thành, một đô thị mênh mông phồn thịnh như thế, bây giờ vắng lặng một cách dễ sợ.
Y như là một đô thị vừa trải qua cơn thiên tai thảm khốc, bây giờ đã biến thành một đô thị chết, không có chỗ nào nghe thấy tiếng động của con người.
Không một nơi nào có triệu chứng tỏ ra còn có con người có mặt nơi đây.
Lý Đức Uy chỉ còn nghe thấy tiếng bước chân của mình và tiếng tim đập của mình.
Tim hắn vẫn gõ nhịp bình thường, chứng tỏ hắn không sợ sệt, hắn không sợ sệt, hắn không sợ thanh “Tử Kim đao”, hắn chỉ lo ngại cho La Hán và Nghệ Thường.
Bất luận như thế nào, bằng vào một con người bị xúc động đến mức gần như điên loạn như thế, La Hán rất dễ dàng đi vào con đường nguy hiểm.
Hắn có thể còn phân biệt con người nào thuộc hạng võ lâm giang hồ, nhưng nhất định hắn không làm sao nhận định được nơi nào nguy hiểm hay không nguy hiểm.
Đó mới chính là hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
* * * * *
Có tiếng đập cánh và tiếng quạ kêu vang.
Tiếng kêu còn khá xa, nhưng Lý Đức Uy vẫn nhận ra phương hướng, hắn tiến ngay về phía đó.
Quạ là một giống được coi là “bất thường” khi nó kêu thình lình như thế là có chuyện chết chóc xảy ra, dị đoan hơn, người nào nghe tiếng quạ kêu trước nhất, người đó sẽ có tai hoạ đến bên mình.
Lý Đức Uy không nghĩ về chuyện đó, hắn biết phải có nguyên nhân.
Giữa rừng núi, có thể có những con thú khác làm cho quạ kinh hoàng, nhưng ở giữa đô thành, nhất là trong lúc vắng người như thế này. Không có gì làm cho quạ sợ, thây người không làm cho nó kêu hoảng như thế, nó chỉ liệng lên liệng xuống chỗ người chết chứ nhất định không kêu.
Khi nó kêu là phải có người sống.
Không phải chỉ kêu một tiếng mà nó kêu liền tục, chứng tỏ có người quấy phá.
Tự nhiên, phải ở trong những con đường hẻm vắng tồi tàn, chỉ có những nơi đó mới có quạ về lảng vảng.
Bằng một thân pháp thật nhanh. Lý Đức Uy lao về hướng đó.
* * * * *
Trường An là một “Cựu Hoàng cung”.
Chu vi của nó khá rộng.
Đường phố chi chít, lầu cao gác rộng, trang viện thật nhiều mà những ngõ hẻm tồi tàn cũng không phải ít.
Bên ngoài mặt quang đãng, sạch sẽ đẹp đẽ bao nhiêu, thì đằng sau, chỉ cách chừng một dãy nhà, những ngõ hẻm càng dơ dáy bấy nhiêu.
Đó là một thế giới “cài răng lược” giữa người và chuột.
Gần như là một thông lệ, một thành thị cao chừng nào đằng sau nó sự tồi tàn càng ghê gớm hơn chừng ấy, vì người ta bận dồn nỗ lực để “trang điểm” bên ngoài và tự nhiên, những thứ gì có thể làm mất vẻ “thẩm mỹ” người ta dồn nó vào trong và cũng vì nhiều quá, không làm sao thu dọn cho xuể, nên xú uế cứ tự do xông lên sát phía sau biệt thự nguy nga. Trường An thành là một thành “điển hình” về “ngoài trắng trong đen” ấy.
Lý Đức Uy đã vào ngõ hẻm có tiếng quạ vừa kêu nhưng bây giờ thì không thấy bóng dáng chuột đâu, cũng không nghe thấy tiếng đập cánh nào.
Làm như là nơi đây vừa rồi không hề có chuyện xảy ra, hoặc giả chuyện xảy ra ở vào một nơi nào khác.
Nhưng với lỗ tai của Lý Đức Uy, hắn vẫn nghe tiếng động.
Tiếng thật nhỏ, tiếng động tuy nhỏ nhưng Lý Đức Uy vẫn phân biệt đó là tiếng động của hai vật cứng nhịp vào nhau, tiếng nhịp không đều.
Lý Đức Uy ngó liền về hướng đó và hắn rất dễ dàng phát hiện: một người nằm co quắp bên góc tường, không phải nói là ngồi dựa thì đúng hơn, nhưng vì dựa quá nghiêng nên trông cũng như nằm.
Đó là một lão già, bằng vào tay chân lòng thòng của lão, Lý Đức Uy nhận biết lão khá cao, nhưng lão lại thật ốm. Bộ quần áo trong mình lão đã bạc màu và nhiều chỗ vá với nhiều thứ vải khác nhau, đầu lão đội cái nón rộng vành, lủng một lỗ khá to, mớ tóc hoa râm của lão bung cả ra ngoài.
Đáng lý phải gọi lão là lão ăn mày, nhưng bằng vào cách ăn vận của lão, Lý Đức Uy biết ngay không phải người của “Cùng Gia bang”. Tại Trường An này không phải người của “Cùng Gia bang” thì không phải... ăn...
Không phải “độc chiếm” nhưng tất cả ăn mày trong thành Trường An này đều gia nhập “Cùng Gia bang”.
Vậy thì, lão này chỉ có thể gọi là lão già... áo rách.
Da mặt của lão vàng bệt, lão có hàm râu lưa thưa, hoe hoe như râu bắp, trông dáng cách vô cùng thiểu não.
Hai cánh tay dài ngoằn của lão ôm vòng qua đầu gối, không nghe lão rên, nhưng hai hàm răng của lão nhịp vào nhau. Lão lạnh.
Tiếng nhịp nho nhỏ của hai hàm răng lão là tiếng mà giúp cho Lý Đức Uy phát giác.
Không nghe lão rên, nhưng khi Lý Đức Uy vừa bước tới là nghe lão hừ hừ...
Phảng phất hình như lão nói :
- Mẹ, lạnh quá... hừ hừ... lạnh quá... mẹ nó, định chui vô cái ổ quạ cho có hơi ấm, mẹ họ... cái tụi trụi lông đầu đỏ dữ quá... hổng cho vô... hừ hừ... phải có được cái mền... hừ hừ...
Lão nói đó nhưng bảo “phảng phất hình như” là tại vì lão nói qua hơi thở, lão vừa nói vừa run y hệt tiếng rên, nhưng bằng vào thính giác của Lý Đức Uy hắn nghe không sót một tiếng nào.
Hừ, lão rách nát như thế, lão nằm co quắp bên tường trong hẻm như thế mà lão lại đòi mền!
Lý Đức Uy không nói, hắn cởi chiếc áo choàng trắng mặc ngoài đắp lên mình lão.
Hắn làm thật ý tứ nhẹ nhàng.
Chiếc áo ngoài của Lý Đức Uy không được dầy ấm, nhưng trong cơn lạnh như thế này, chiếc áo vẫn hữu dụng vô cùng.
Lần hồi, lão áo rách bớt rên.
Có lẽ lão được ấm rồi.
Lão hí lần đôi mắt, lão nói thì thầm :
- Mô phật, không biết vị thiên thầ? nào đã đắp giùm cho lão...
Hứ, quả là chuyện tức cười. Mới đây, mới rõ ràng đây, lão lầm bầm chửi thề om tỏi, thế mà bây giờ khi được đắp manh áo là lão đã “mô Phật” ngay, nghe giọng điệu của lão y như một thầy tu chân chính.
Đôi mắt cứ hé lần và lầm bầm như thế mãi cho tới khi tròn xoe thì lão vùng rút mình lại la lên :
- Ý trời... ma...!
Lý Đức Uy mỉm cười :
- Tôi cũng như ông mà.
Lão già nghiêng mặt hừ hừ :
- Như vậy là người ta?
Lão thở một cái khì và nói tiếp :
- Ý hà... mẹ ơi, thiếu chút nữa đã đứng tim luôn, đã lạnh, máu đã đông lại rồi còn hết hồn hết vía... mà cũng không sao, lão mạt tử vốn không thân thích, không bạn bè, có hù cho lão chết thì cũng là làm ơn cho lão!
Lý Đức Uy làm thinh.
Lão ngó ngó cái áo chẹt của Lý Đức Uy và vụt nói :
- Mèn ơi... khách quan mặc cái áo mỏng quá, không sợ lạnh hay sao?
Lý Đức Uy cười :
- Không sao, không lạnh lắm.
Lão già áo rách lại thở phào :
- Dầu sao chư vị cũng là bậc thanh niên mạnh mẽ, hơi nóng còn nhiều, nhiệt huyết đó mà... y như lão, y như hồi lão còn trẻ cà! Ối, mặc kệ, trời đông tuyết giá gì cũng thay kệ, lão vẫn nhảy ùm xuống nước như thường, ai có ngờ bây giờ lại bết quá như thế này?
Lão nói huyên thuyên, nhưng cái hay của lão là tuyệt nhiên, lão không hề đá động đến chiếc áo, Nghĩa là lão không hề nói tiếng cám ơn, bởi nếu nói như thế thì lại... dính đến cái áo mà đính tới thì không lẽ không trả lại?
Chỉ cần bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ để thấy cái lão già này nhiều thủ đoạn.
Lý Đức Uy nói mà không ngó lão :
- Phải rồi, sống giữa vùng Bạch Sơn Hắc Thủy, giữa vùng quanh năm tuyết phủ, lạnh riết rồi quen có sợ gì giá rét :
Lão già áo rách đao tròn xoe :
- Ủa... chú em, chú em từ Bạch Sơn Hắc Thủy đến đây sao? Thảo nào...
Lý Đức Uy vẫn không ngó lão :
- Không, tôi không phải đến từ Bạch Sơn Hắc Thủy, nhưng tôi biết có người từ Bạch Sơn Hắc Thủy đến. Người ấy không chính không tà, không thiện không ác, tốt thì cũng chẳng tốt đến đâu. Xấu thì cũng không xấu đến tận cùng, ông ta có cái hay độc đáo, nhưng vẫn cứ làm cho người ta chửi cái dở ngoài mặt của mình, ông ấy không tham nhưng vẫn hay thích người khác.
Lão già đôi mắt hơi sụp xuống :
- Chú em muốn nói...
Lý Đức Uy chận ngang :
- “Cùng Thần” Mông Bất Danh.
Lão già gằn miệng như cười mà cũng như khinh bỉ :
- Hay! lựa cái hiệu cũng hay mà chọn cái tên cũng khá. Không chừng là “triệu” cả đấy nghe.
Lý Đức Uy mỉm cười :
- Nhưng làm gì có “cùng”, ông ta chỉ làm bộ nghèo chơi đó thôi. Người khác thì không biết chớ còn tôi thì tôi biết quá nhiều, ông ta giàu đâu có thua gì Tổ Tài Thần, thế mà cứ làm như khố rách, thêm chuyện là cứ hay khoái lấy đồ của kẻ khác, cái gì mà dính vào tay ông ta rồi thì đừng có mong gì trở cho ra. Đó cũng là cái tật.
Lão già nhướng mắt, nhưng rồi lại sụp xuống ngay.
- Như vậy thì tại lão ta “nghiền” cái chuyện làm cho người ta tưởng lão khó chơi là cái chắc.
Lý Đức Uy nói :
- Tôi thật chẳng biết nói ông ta như thế nào cho đúng. Nhưng nói chung là mỗi người có một cách sống khác nhau, có người có tính hay khoe, người có tiền hay giấu, có người giàu có muôn hộ mà có cái tật hay thích của người ta, thấy người ta có cái gì thì muốn lấy cho được, nhưng cái lão ấy được một cái là chẳng thà giựt, chẳng thà trộm, chớ không làm một chuyện tồi bại để được kẻ khác trả công. Mà không biết tại sao có tiền để làm chi, già rồi cũng không dám mặc một cái áo lành?
Lão già áo rách chớp chớp mắt :
- Chú em... chú em nghe ai nói thế?
Lý Đức Uy lắc đầu :
- Chuyện đó thì không thể nói, nhưng tôi biết chắc rằng giữa khoảng Bạch Sơn Hắc Thủy, tài sản của ông ta giấu không biết bao nhiêu mà kể. Tôi không nói là vì lão ấy kỳ cục lắm, ghét ai là người đó tàn mạt luôn.
Lão già nhìn Lý Đức Uy trân trối, lão cứ nhìn một lúc như nhìn quái vật rồi nói :
- Chú em, chú em tên gì thế? Ở đâu làm giống gì?
Lý Đức Uy đáp :
- Tôi họ Lý, tên là Đức Uy, không có nghề không có chỗ ở nhất định, tôi cũng không biết tôi đang làm gì, phân tích cho thật kỹ thì có thể nói là kẻ hay xía chuyện của thiên hạ...
Lão già áo rách sáng mắt lên và gật gật đầu :
- Hèn gì mà tam canh bán dạ, lại đi cùng khắp chỗ... Chú em nè, đã gặp nhau đây thì cứ kể như cũng có duyên, hổng biết tại sao vừa liếc vào mặt chú em là ta có cảm tình ngay.
Lý Đức Uy mỉm cười :
- Hết sức cảm ơn.
Lão già áo rách nhướng nhướng mắt :
- Đừng có nói với ta cái giọng đó, trong đời ta ghét nhứt cái giọng chửi cha đó nghe.
Lý Đức Uy cười :
- Lão gia ghét cái đó, nhưng chắc lão gia cũng biết thiên hạ còn ghét những cái khác nhiều nữa kia...
Lão già mở tròn đôi mắt như giận dữ, nhưng rồi lão cười xòa :
- Chú em, nói nghe được đó. Trong đời ta, tuy nghèo tuy bần tiện, nhưng kể như lần thứ nhất được nghe có người nói trước mặt ta một câu nghe được đó.
Lý Đức Uy hỏi lại :
- Tôi là người thứ nhứt?
Lão già gật gật :
- Chớ sao, mười kẻ mạt là hết chín kẻ cứng đầu, thế nhưng chắc chú em này còn cứng đầu hơn ta một mực, chính vì thế mà ta thích chú em đó.
Lý Đức Uy nói :
- Thì vẫn phải nói thêm một tiếng là cảm ơn hết sức.
Lão già áo rách khoát khoát tay :
- Được được... ta không thích người khác nói cái giọng ấy, nhưng ta lại thích cái giọng ấy của chú em này... hay lắm “tương phùng hà tất tằng tương thức”, hễ như mình gặp nhau mà đã thích nhau, và ta có cái tật cứ hễ gặp người nào thích là phải làm một chuyện gì coi được. Hay lắm, chú em cần gì nào?
Lý Đức Uy nhìn thẳng vào mặt lão :
- Lão gia bảo sẽ cho tôi một chuyện hay?
Lão già áo rách gật gật :
- Chớ sao? Thiệt mà, đời ta, cứ hễ thích thú chuyện gì thì như vậy đó. Ai gạt ngươi chi.
Lý Đức Uy cười :
- Đâu dám nói thế. Nhưng người ta bảo rằng già càng gian hoạt, cứ như lão Cùng Thần Mông bất danh mà nói thì lão khi lạnh khi nóng, khi nói vầy, lúc nói khác, mới vừa nói với người ta chuyện gì đó rồi lại cấp tốc chối phăng, trong một cái nháy mắt, không biết ông ta trở mặt đến bao nhiêu lần... mới nói nói cười cười đây thế mà coi chừng lão dám nói không hề quen biết lắm nghe.
Lão già áo rách nhướng nhướng :
- Chà, xem chừng chú em mày rành cái lão Mông Bất Danh đó nhiều quá ha!
Lý Đức Uy nói :
- Đâu phải chỉ một mình lão ấy, bất cứ một nhân vật nào danh tiếng trong thiên hạ hiện nay tôi cũng đều biết cả mà.
Lão già áo rách càng nhướng lung hơn nữa :
- Ủa, quả như vậy thật sao?
Lý Đức Uy đáp :
- Thật chớ, không tin ông cứ thử xem.
Lão già áo rách làm liền :
- Chú em đã biết các hướng đông, tây, nam, bắc, đều có một nhân vật danh lừng, nhưng chú em có biết cái nhân vật ở hướng nam ấy bây giờ đâu không hé?
Lý Đức Uy đáp :
- Tự nhiên là biết chớ sao không, vị “Đạo sĩ” ấy bây giờ đang điều động một đạo quân của ông ta lượn quanh vùng phụ cận Trường An này chớ đâu.
Lão già mở tròn đôi mắt :
- Chú em nói thật chớ?
Lý Đức Uy đáp :
- Lời nói vốn là của tôi, còn chuyện tin hay không là do ông chớ.
Đôi mắt tròn xoe của lão già áo rách đảo vòng vòng :
- Chú em nè, chú em có biết hắn đến Trường An làm gì không?
Lý Đức Uy đáp :
- Mục đích hắn đến đây cũng giống y như Hải Hoàng của Cúc Hoa đảo và Cùng Thần Mông Bất Danh chớ không khác một chút nào.
Lão già áo rách trố mắt :
- Sao? Hải Hoàng và Cùng Thần cũng đến rồi à?
Lý Đức Uy đáp :
- Hải Hoàng đến sớm nhứt, Cùng Thần thì hơi trễ hơn, nhưng cũng đã tới cả rồi.
Lão già hấp háy mắt :
- Người bạn, hình như người bạn biết hơi nhiều đó nghe.
Lý Đức Uy hỏi :
- Sao? Bây giờ ông đã tin chưa?
Lão già áo rách lắc đầu :
- Cũng chưa biết chừng, ông bạn nói vậy hay vậy, chờ chừng nào chính mắt thấy rồi hẳn tin chớ. Con người của ta là như thế. Trước mặt có một con ngựa, người ta bảo đó là ngựa trắng, nhìn một bên thấy quả là trắng, nhưng cũng đợi xem luôn phía bên kia, bao giờ trắng hết thì ta mới gật đầu là trắng. Vậy cho chắc ăn.
Lý Đức Uy hỏi :
- Nhưng ít nhứt ông cũng phải tin rằng Cùng Thần Mông Bất Danh đã đến rồi chớ?
Lão già chợt ấp úng ngang :
- À... cái đó... cái đó thì... ông bạn nè, ta nghe đói quá, kiếm cái gì ăn nghe. Nếu muốn nói chuyện thêm với ta thì người bạn cứ ở đây đợi một chút đi, ta sẽ trở lại liền.
Lão nói chưa dứt là đã đứng lên.
Lý Đức Uy đưa tay :
- Khoan.
Lão già áo rách hỏi :
- Sao? Muốn gì nữa đó bạn?
Lý Đức Uy nói :
- Bây giờ hết lạnh rồi thì xin cho cái áo lạnh chớ.
Lão già nhướng nhướng :
- Sao? Cái áo này của ông bạn à? Bậy quá sao nãy giờ không nói? “Cùng” thì cùng chớ đâu lại đoạt luôn cái áo của bạn xem sao cho được!
Lão quăng cái áo lại và bỏ đi.
Lý Đức Uy lại đưa tay :
- Khoan.
Lão già trừng mắt :
- Ông bạn, áo đã trả lại rồi còn gì nữa?
Lý Đức Uy cười :
- Hồi nãy, ông có hứa rồi, ông bảo sẽ cho tôi một cái hay, có phải thế không nè?
Lão già áo rách chớp chớp mắt :
- Ủa, có hứa như thế sao hè? Vậy mà sao quên bẵng đi cà?
Lý Đức Uy nói lửng lơ :
- Bằng lòng hay không bằng lòng là tuỳ ông chớ tôi không ép, ép làm chi, phải không?
Lão già đứng tần ngần :
- Người bạn nè bây giờ người bạn muốn giúp cái gì đây?
Lý Đức Uy nói :
- Ông ở đâu thì đi về đó, nhưng muốn ở lại Trường An này cũng được, chỉ có điều cần nên nhớ rằng dầu trường hợp nào ông cũng vẫn là bá tánh của nhà Đại minh nghe.
Lão già áo rách hơi đổi sắc, nhưng rồi lão toét miệng cười :
- Người bạn nè, vừa rồi người bạn chỉ hơi kha khá, bây giờ mới thật là khá đó...
Ngưng một giây, mặt lão già chỉnh lại, lão nói như đã hạ quyết tâm :
- Chuyện đến thế này, một già một trẻ của mình thôi thì cứ nói toạt móng heo đi nghe. Người bạn đã biết rõ lão là Cùng Thần Mông Bất Danh rồi, có phải thế không?
Lý Đức Uy đáp :
- Muốn nói như thế cũng được mà nếu không muốn thì cũng không dám ép.
Lão già Cùng Thần Mông Bất Danh hừ hừ :
- Kể ra thì người bạn cũng to gan, vừa rồi người bạn đã “chỉ thẳng vào mặt thầy chùa để chửi cha thằng trọc” thế nhưng ta đâu có chửi lại tiếng nào? Như vậy đã chẳng đủ sao?
Lý Đức Uy nói :
- Tôi đã biết ông là Cùng Thần Mông Bất Danh, tôi lại biết rõ mục đích của ông đến Trường An, thế nhưng tôi vẫn không động đến ông một cái, như vậy chưa đủ hay sao?
Cùng Thần Mông Bất Danh tròn xoe đôi mắt :
- Động đến ta? Chà, nói nghe lớn lối dữ he? Người bạn, có bị loạn óc hay chưa vậy?
Lý Đức Uy đáp :
- Không, tôi đang tỉnh khô đây mà.
Mông Bất Danh nhìn sững vào mặt Lý Đức Uy và lão bỗng cười sằng sặc :
- Thật à? Bạn muốn động đến ta? Khá, quả thật là khá. Người bạn nếu quả thật muốn thì...
Vừa nói lão vừa chỉ vào mặt của Lý Đức Uy...
Nhanh hơn một mực, Lý Đức Uy đưa tay đánh lên vai lão, chỉ dằn lên một cái rồi buông xuống ngay, hắn nói :
- Có thể động được không?
Lão Mông Bất Danh nhăn nhăn cái mặt y như khỉ ăn phải ớt, nhưng thình lình, lão lật nghiêng bàn tay tấp ngược vào hông bên phải của Lý Đức Uy...
Vẫn đứng yên một chỗ, nhưng Lý Đức Uy thót bụng về phía sau đồng thời ngay ngón tay trỏ điểm nhanh vào lòng bàn tay của lão...
Mông Bất Danh thụt tay lại y như thấy cái thóc của con rắn độc, hai hàm răng lão khua nhẹ như rung :
- À... người bạn, năm nay bao nhiêu tuổi vậy?
Lý Đức Uy đáp :
- Hơn hai mươi tuổi.
Mông Bất Danh không nhướng mày như lúc nãy mà cau lại :
- Đệ tử của môn phái nào vậy he?
Lý Đức Uy nói :
- Cái đó thì ông cũng không cần biết làm chi, chỉ nên cho hay rằng có bằng lòng giúp không thì thôi.
Mông Bất Danh trầm trầm bộ mặt :
- Người bạn, ta không thể bằng lòng được đâu, người bạn đã biết ta thì chắc cũng biết rằng ta không bao giờ lìa khỏi Bạch Sơn Hắc Thủy, mà một khi ta đã vào đây rồi thì không thể trở về với hai bàn tay trắng :
Lý Đức Uy đáp :
- Nếu như vậy thì tôi cũng xin báo trước, cứ mang cái danh Cùng Thần của ông ra để mà đánh cá đi, tôi bảo đảm ông sẽ thua sạch túi mà ăn bằng hai hàm răng trắng đó.
Mông Bất Danh nói :
- Người bạn, ta vẫn cần thử rồi sẽ tính sau.
Lý Đức Uy nói :
- Vậy thì ông cứ đi đi.
Mông Bất Danh vụt hỏi :
- Người bạn nè, hình như người bạn làm việc cho ai đó phải không?
Lý Đức Uy lắc đầu :
- Không, ông đã lầm rồi, tôi chỉ vì giang sơn nhà Minh, tôi chỉ là một bá tánh của nhà Minh.
Mông Bất Danh nhíu mày :
- Nếu vậy thì tại sao...
Lý Đức Uy chận nói :
- Không có gì lạ cả, “quốc gia hưng vong, thất phủ hữu trách” thế thôi.
Mông Bất Danh lại nhìn sững Lý Đức Uy một hồi rồi nói :
- Người bạn, như ta đã nói, ta rất ít tin người lắm nhưng lần này thì thử tin người bạn một lần trong đời ta đây là lần thứ nhất tin người đấy nghe chưa?
Rồi lão vụt cười :
- Như thế này xem có được không? Ngươi đã thích xía vào chuyện thiên hạ, ta tuy không được gì, nhưng ta chỉ có thể chỉ cho một chuyện.
Lão chỉ chỉ vào vách tường :
- Nhảy qua vòng tường đó, từ bên trái đi qua bên phải đến cây cột thứ ba, dưới đó có một con miệng hang, từ miệng hang đó đi vào gặp một cái hầm rộng, dưới hầm có “chuyện thiên hạ” mà nhứt định người bạn rất thích “xía vô”. Đi đi, ta không đưa rước gì cả, có duyên chắc còn gặp lại.
Dứt tiếng, là lão tung mình lên, trong bóng tối mờ mờ, trông lão y như một vệt khói...