Cô Gái Mãn Châu

Chương 21: Đi vào máu cũng theo chàng




Nghệ Thường như nghe thấy một vấn đề trọng đại, sắc diện nàng thật khẩn trương.

La Hán làm thinh.

Ngồi im hồi lâu như để trấn tĩnh, Nghệ Thường nói từng tiếng một :

- La Hán, tại làm sao anh lại giao thiệp với bọn gian tế Mãn Châu, anh đã biết rõ ràng họ là gian tế Mãn Châu, thế sao...

La Hán chận ngang :

- Phải, tôi biết họ là gian tế Mãn Châu, trước khi đến đây, lúc còn ở Hồi Hồi bảo là tôi đã biết.

Nghệ Thường cau mặt :

- Thế sao anh còn làm việc cho họ? Tại sao anh đi giết người cho họ? Anh phải biết những người họ muốn giết đều là bậc trung nghĩa, nếu không là thượng tướng lương tài của nhà Đại Minh chúng ta, thì họ cũng là hạng kỳ nhân liệt sĩ...

La Hán đáp :

- Tôi biết.

Nghệ Thường trố mắt :

- Anh biết?

La Hán thản nhiên :

- Đúng như Nghệ Thường đã nói, đó là chuyện tất nhiên.

Nghệ Thường kéo vai hắn quay mặt lại :

- La Hán, những người tầm thường cũng không thể giết một cách hồ đồ như thế huống chi đối với phần tử trung nghĩa của triều ca. Anh phải biết triều đình nhà Đại Minh chúng ta đang lâm cảnh nội loạn ngoại xâm, đang lâm vào cuộc diện lung lay hơn bao giờ hết, một phần tử trung trinh nghĩa khí rất quan hệ đến sự tồn vong của đất nước, anh làm sao lại chịu trở thành thiên cổ tội nhân?

Khóe miệng của La Hán giật giật liên hồi, chứng tỏ lòng hắn đang ray rứt :

- Tôi biết, Nghệ Thường, nhưng tôi bây giờ không thể làm chủ được tôi, không biết phải làm sao hơn được.

Nghệ Thường cắn răng, nàng như chực rơi nước mắt, nàng nói :

- La Hán, tại làm sao? Tại làm sao anh phải làm như thế? Tại sao ... tại sao?

La Hán đờ đẫn lắc đầu :

- Thông cảm cho tôi, dung thứ cho tôi, Nghệ Thường, tôi không thể nói, nếu tôi nói ra, tôi sẽ là kẻ thực ngôn bội tín, nếu tôi mà thực ngôn bội tín thì hậu quả sẽ không sao lường được.

Nghệ Thường trố mắt :

- Thực ngôn bội tín? Anh sợ thực ngôn bội tín với bọn gian tế Mãn Châu? La Hán, họ là kẻ ngoại xâm, anh biết không?

La Hán vẫn lờ đờ :

- Tôi biết Nghệ Thường, cái gì tôi cũng biết, tôi không dám nói khoe khoang, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt nên về chuyện nội loạn ngoại xâm, về chuyện đối với kẻ thù của dân của nước, tôi chắc biết hơn Nghệ Thường... tôi cũng không ngu, không si, thì chẳng lẽ chuyện lợi hại trước mắt như thế cũng chẳng biết hay sao?

Nghệ Thường đâm tức ngang :

- Anh đã biết như thế... anh dã biết như thế là tội thì tại sao anh lại còn cố phạm?

La Hán nhìn thẳng vào mặt nàng :

- Nghệ Thường, tôi đã chẳng nói rồi sao? Tôi không thể làm chủ được tôi, tôi không làm sao hơn được.

Nghệ Thường mở tròn đôi mắt :

- Tại làm sao? Ai đã đặt thanh đao kề vào cổ anh?

Nghệ Thường run rẩy đôi môi :

- Nếu họ mang một trăm thanh đao bén kề vào cổ tôi thì, Nghệ Thường có tin tôi không, Bạch La Hán này từ nhỏ đã không hề sợ chết.

Bằng tất cả cảnh giác trước vẻ thâm trầm của La Hán, Nghệ Thường xuống giọng :

- La Hán. Họ đã kề thanh đao vào cổ của ai? họ đã uy hiếp ai?

Đôi môi của La Hán càng run hơn nữa, thật lâu, hắn nói :

- Không ai cả... Nghệ Thường, đừng hỏi nữa... tại vì tôi tình nguyện, tôi tình nguyện làm việc đó.

Một dòng máu tươi ọe ra khóe miệng, La Hán vẫn ngồi trong dáng cách đờ đẫn như tượng gỗ.

Nghệ Thường đâm hoảng, nàng lấy khăn tay chận máu cho hắn và nàng bật khóc.

Một tay ôm vai hắn, một tay chận máu nơi miệng hắn, Nghệ Thường tức tưởi :

- Đừng anh, La Hán đừng làm em sợ. Anh đừng làm em đau lòng. Em biết anh không khi nào tự nguyện, họ bức anh...

Đôi mắt của La Hán cũng hơi đẫm ướt, hắn không bao giờ khóc cho hắn, hắn chảy nước mắt vì nàng :

- Nghệ Thường, đừng buồn. Không ai bức anh cả.

Nghệ Thường lặng thinh.

Nàng biết vấn đề nghiêm trọng.

Thật lâu, nàng hỏi :

- La Hán, em hỏi nghe, nếu phải chọn giữa em và chuyện giết người, anh sẽ chọn phần nào?

La Hán cười thê thảm.

- Nghệ Thường, nếu em bảo anh phải chọn thì Nghệ Thường, em hãy tha thứ cho anh, anh chỉ có thể chọn giết người này.

Nghệ Thường lặng thinh.

Nàng biết rõ ràng rồi.

Một con người đến cái mức phải bỏ người yêu nhất đời của mình thì quả là một chuyện vạn bất đắc dĩ.

La Hán tuy mới gặp nàng, tuy mới lộ tình với nàng, nhưng nàng biết sự chung tình của hắn đối với nàng trên đời này chắc chắn không làm sao tìm được một người thứ hai như thế. Nhưng bây giờ hắn thẳng thắn cắn răng đứt ruột để nói ra câu đó, nghiến răng chịu mất mối tình không bao giờ tìm lại được như thế, đủ nói lên chuyện “bất đắc dĩ” của hắn đã đến mức nào rồi.

Nhưng nàng vẫn tức tối, chuyện “bất đắc dĩ” của La Hán là chuyện gì?

Nàng đã gần nát óc nhưng vẫn nghĩ không ra.

Nàng thở dài sườn sượt, nàng ngồi im lặng không nói thêm nửa tiếng.

Nàng còn nói gì được nữa? Mà cũng không cần nói nữa.

Nàng biết, chuyện đã đến tầm quan trọng mà chính nàng, khả năng của nàng không làm sao góp sức, chuyện giết chóc này, chuyện khủng khiếp này, tài sức của nàng, sự thông minh của nàng, nhiệt tình của nàng không làm sao hóa giải.

- Có vị Bạch lão đệ ở đây không?

La Hán nhướng mắt :

- Có đây.

Tiếng bước chân trờ tới và dừng lại trước cửa phòng :

- Bạch lão đệ, xin cho vào.

La Hán lạnh lùng :

- Cửa không gài, cứ vào.

Cánh cửa hé ra, một người trung niên ăn vận chải chuốc trong chiếc áo gấm màu xanh bước vào.

Hắn là một con người hơi cao ốm, mắt nhỏ mày dài, diện mạo cũng khá thanh tú, chỉ có điều khoản giữa đôi mà hơi u ám và có mấy dường nhăn nhó, bộc lộ dáng sắc thâm trầm, nham hiểm...

Người trung niên áo gấm bước vào, nụ cười he hé trong vành môi mỏng dính :

- Hân hạnh, đã nghe danh Bạch lão đệ lâu nay mới được diện kiến...

Hắn kéo ghế ngồi chớ không chờ mời và cười cười nói tiếp :

- Anh em, anh em.... mời thỉnh cũng thế thôi, khách sáo làm chi, phải không?

Hắn đưa mắt đảo vào mặt La Hán và Nghệ Thường và lại cười cười :

- Bạch lão đệ đường xa gian khổ, nhưng thật thì chắc cũng hông đến nỗi quạnh hiu...

Hắn cười khà khà, giọng cười để “lấy lòng” nghe đến phát mọc ốc cho những người tự trọng.

La Hán vẫn ngồi như tượng gỗ, hắn hỏi :

- Là đầu não của Mãn Châu tại Trường An đây phải không?

Người trung niên áo gấm lại cười :

- Không dám, “đầu não” thì thật không dám nhận, huynh đệ chỉ tạm thời lãnh trách nhiệm điều động thế thôi.

La Hán vẫn lạnh băng băng :

- Có chuyện thì cứ nói ngay đi.

Gã trung niên áo gấm cứ cười :

- Bạch lão đệ không đến thì thôi. Bạch lão đệ đã đến đây rồi thì còn chuyện gì khác nữa đâu...

La Hán nói :

- Như thế là được rồi, ở đâu? Nói đi.

Gã trung niên áo gấm nói :

- Có chi đâu mà gấp, huynh đệ đến đây đâu phải để thúc hối chi Bạch lão đệ. Huynh đệ còn phải có đôi chén tẩy trần cho Bạch lão đệ nữa mà.

La Hán nói :

- Cám ơn, nhưng không cần. Các người biết hắn ở đâu thì cứ nói là đủ.

Gã trung niên áo gấm lắc đầu :

- Đâu phải như thế... Bạch lão đệ đường xa mệt mỏi...

La Hán chận ngang :

- Đó là chuyện của ta, không cần các vị phải lo bao giờ?

Gã trung niên áo gấm đáp :

- Tối nay. Được không?

La Hán đáp :

- Được, tối nay.

Gã trung niên áo gấm tỏ vẻ lo lắng :

- Nhưng, binh mỏi tướng mệt là chuyện...

La Hán lại chận :

- Đã bảo là chuyện của ta, có thể ta không phải là đối thủ của người đó nhưng ta giao thủ cấp người đó cho các ngươi là xong chớ?

Gã trung niên áo gấm cười :

- Bạch lão đệ đã nói như thế, đã gấp như thế thì huynh đệ cũng không dám nói thêm và thật thì cũng mong như thế, tối nay thì tối nay...

Hắn đứng lên cười hỏi :

- Bây giờ chẳng hay Bạch lão đệ có rảnh chăng?

La Hán nói :

- Muốn lúc nào là rảnh lúc đó, đã nói đêm nay thì đêm nay rảnh.

Gã trung niên gật đầu :

- Tốt tốt... vậy bây giờ chúng ta đi, huynh đệ xin dẫn đường.

Hắn quay bước trở ra.

La Hán dọm đứng lên, nhưng Nghệ Thường đã nói nhanh :

- La Hán, chuyện vô cùng trọng đại, cần nên suy nghĩ cho chính chắn.

La Hán không do dự :

- Nghệ Thường, trước khi lìa khỏi Hồi Hồi bảo, anh đã nghĩ rồi, không phải chỉ năm lần bảy lượt mà đã nghĩ tận tường.

Dứt tiếng là hắn bước nhanh ra cửa.

Nghệ Thường lật đật bước theo.

Thấy nàng đi theo, La Hán dừng chân lại :

- Nghệ Thường, em cũng đi nữa sao?

Nghệ Thường nói bằng một giọng rắn rỏi :

- Em sẽ vĩnh viễn bên anh, cho dầu anh đến phương nào, cho dầu anh làm chuyện chi, em cũng không thể lìa anh nữa bước.

La Hán nhìn sâu vào mắt nàng :

- Nghệ Thường, nhớ rằng anh đang đi giết người.

Nghệ Thường gật đầu :

- Em biết, Bạch Liên giáo giết người còn nhiều hơn nữa.

Trầm ngâm một chút La Hán gật đầu :

- Được rồi.

Hắn đưa tay nắm lấy tay nàng và bước luôn ra cửa.

Đang đứng đợi bên ngoài, thấy La Hán dắt tay Nghệ Thường, tên trung niên áo gấm cười cười :

- Sao? Bạch lão đệ, cô bạn của lão đệ cũng đi nữa sao?

La Hán lạnh lùng :

- Dẫn đường.

Gã trung niên áo gấm nhướng nhướng mày :

- Bạch lão đệ, chắc lão đệ cũng biết mình không phải đi dạo chớ?

Nghệ Thường điềm đạm :

- Các hạ yên lòng, tôi thấy máu không ít hơn các hạ đâu.

Gã trung niên áo gấm cười :

- Có thể bạn của Bạch lão đệ mà..

* * * * *

Bất cứ nơi nào trong Trường An thành cũng đều náo nhiệt.

Nhưng náo nhiệt hơn hết có lẽ là tửu lâu.

Nói về tửu lâu là phải kể trước nhứt “Trường An đệ nhất lâu”.

Đó là một tửu lâu kiến trúc hai từng, hào hoa khí phái, chỉ cần nhìn lên tấm bảng đồng chữ nổi với bốn ngọn đèn lồng thật lớn bên ngoài, chỉ cần nhìn ngựa xe hàng ngang hàng dọc trước cổng là có thể hiểu được sự náo nhiệt nó đến mức nào rồi.

Tên trung niên áo gấm đang nói chuyện với hai tên thanh niên áo gấm khác tại thang lầu.

Nhìn vào tòa tửu lâu, nghe thấy tiếng cười nói ồn ào pha lẫn mùi thức ăn mùi rượu, Nghệ Thường lo âu hỏi nhỏ :

- Ở đây phải không?

La Hán gật đầu :

- Có lẽ.

Nghệ Thường nói nhỏ :

- La Hán, nơi đây đâu có tiện...

La Hán nói :

- Giết người được thì chỗ nào lại không được, khi chuyện xảy ra, thiên hạ đâu còn ở đó mà ồn ào.

Tên trung niên áo gấm bước lại cười :

- Bạch lão đệ, nơi đây. Tên ấy đang ngồi uống rượu trên lầu, hắn không thể ngờ rằng cái chết đã hỏi thăm.

Vẫn một thái độ lạnh ngắt từ đầu đến cuối. La Hán nói :

- Dẫn lên.

Tên trung niên áo gấm do dự :

- Bạch lão đệ, vẫn phải đưa lên sao?

- Không chỉ làm sao ta biết người nào?

Tên trung niên áo gấm gật gật :

- Bạch lão đệ nói phải, nhưng... nhưng...

La Hán cười khinh khỉnh :

- Sợ thấy máu phải không?

Tên trung niên áo gấm cười hì hì :

- Đâu có... đâu có, Bạch lão đệ thấy bọn này hành sự có chỗ nào sợ máu đâu.

La Hán hất mặt :

- Dẫn đường.

Như thu hết can đảm dồn lên tận óc, tên trung niên áo gấm quay mặt bước lên.

Chợt có một tên trung niên áo gấm chạy xuống nói nhỏ :

- Lão gia hắn đã chuồn rồi.

Tên trung niên áo gấm sửng sốt :

- Chuồn bao giờ? Các ngươi đã trông chừng làm sao hắn lại chuồn? Chuồn bao giờ? Ở đâu?

Tên thanh niên đáp :

- Thuộc hạ không thấy, không biết bao giờ...

Tên trung niên áo gấm giận dữ đưa tay lên định tát, nhưng không hiểu tại sao lại buông xuống cười gằn :

- Giỏi quá, các ngươi làm việc giỏi quá.

Gã thanh niên hơi run :

- Lão gia, hắn chuồn nhưng có để lại mảnh giấy...

Tên trung niên áo gấm chụp lấy mảnh giấy liếc qua và biến sắc, nhưng rồi hắn cười lạt :

- Được, nó giỏi, nhưng trốn ngày nay chớ làm sao trốn được ngày mai...

Như đã quá quen với lối thay đổi bộ mặt, hắn trao mảnh giấy cho La Hán cười cười :

- Bạch lão đệ, xem có tức chết người không?

La Hán vẫn lạnh băng, hắn tiếp lấy mảnh giấy, thấy nét chữ thật đáng gọi là “rồng bay phượng múa”.

“Vô cớ làm mất vui thực khách, tội đáng xuống a tỳ.

Các hạ là cao nhân, cương trực, thuần lương, võ công tuyệt thế hiềm vì bọn Mãn tặc mà hành động, chuyện bất trí đó khiến cho người chắc lưỡi.

Không phải là đối thủ của ta, nghĩ vì chuyện bất đắc dĩ, thương vì nhân tài, ta không đụng các hạ, không chạm các hạ, các hạ không làm sao được.

Nhắn với La Hán, vì mình vì bạn, nghĩ thật kỹ, sẽ làm.” Dưới thơ ký một chữ “Lý”.

Thật vắn tắt, thật đầy đủ.

Chỉ cấn liếc qua, Nghệ Thường biết ngay vị họ “Lý” này là ai rồi.

Tim nàng đập mạnh.

Nàng vì La Hán mà khánh hạnh, nghĩ đến Lý ân nhân mà cảm kích, nghĩ đến mình mà vui mừng.

La Hán cười lạt :

- Giỏi, lanh mắt, nhanh chân, nhiều cơ trí.

Tên trung niên áo gấm nói :

- Bạch lão đệ đang lúc phong mang bộc lộ, khí phách tràn đầy hắn sợ, hắn chờ cho uy phong giảm xuống rồi hắn mới ra mặt giao tranh hắn khôn.

À, cái lão này bắt chước lẽ quá, có lẽ lão chuyện hùa theo giọng chủ nhân nên quen, mới đọc thơ mà lão dùng tiếng ngắt ngang đứt khoản.

Nghệ Thường bắt cười thầm.

La Hán đáp :

- Ta biết.

Hai bàn tay hắn xoa vào nhau, mảnh giấy biến thành phấn trắng.

Hắn phủi tay, bụi giấy bay tan.

Tên trung niên áo gấm giật da mặt, lão ta ngầm sợ nội lực của La Hán.

Lão bước tới cười mơn :

- Bạch lão đệ, cứ theo lời lẽ trong thơ, hình như hắn có quen.

La Hán làm thinh, mặt hắn lạnh lùng.

Nhưng nếu nhìn kỹ vào mắt hắn sẽ thấy ngay nét kinh nghi.

Vì chính hắn cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra như thế.

Tên trung niên áo gấm lại cười :

- Thôi thế này, Bạch lão đệ, hắn đã trốn rồi, cũng được, vì đường xa, Bạch lão đệ cũng cần có thì giờ...

- Không!

Từ kẽ răng cắn lại của La Hán bật ra một tiếng khô khan :

- Các ngươi phải kiếm hắn cho ta, càng sớm càng tốt, ngay đêm nay là tốt nhất.

Tên trung niên áo gấm sững sờ :

Nghệ Thường lên tiếng :

- La Hán, hãy về rồi tính, để cho họ đi tìm. Người họ Lý vốn là đại địch của họ, tự nhiên họ sẽ nóng muốn tìm hơn.

Gã thanh niên cười theo :

- Vâng vâng, vị tiểu thơ đây nói đúng, tên tiểu tử ấy vốn là đại địch của chúng tôi, ý muốn diệt hắn nhứt định không ai nóng hơn chúng tôi. Xin Bạch lão đệ đừng nên đợi ở ngoài đường, xin cứ về khách điếm chỉ cần thấy bóng hắn là chúng tôi sẽ cấp tốc báo ngay.

La Hán không nói, hắn kéo tay Nghệ Thường đi thẳng ra ngoài.

Tên trung niên áo gấm đúng nhìn theo, mắt hắn trân trân, miệng hắn lầm bẩm :

- Mẹ họ, y như ở trong quan tài mới chui ra, mặt nói cứ nặng đăm đăm. Mẹ họ, thứ a tỳ địa ngục...

Hắn nói lầm thầm, như tự nói với mình, nhưng gã thanh niên thuộc hạ đi sau lên tiếng :

- Cũng chẳng trách gì, trong lòng hắn đương bấn loạn...

Tên Trung niên hừ hừ :

- Mẹ họ, hắn bấn loạn bộ người ta...

Nhưng hắn bỗng rùng mình, hắn chợt nhận ra giọng nói vừa rồi không phải...

Hắn không cần nhìn lại, hắn co giò...

Nhưng hắn không chạy được, vai hắn bị giữ cứng và tiếp theo có tiếng cười :

- Khá lắm, kể ra thì ngươi cũng bén nhạy, nhưng trước mặt ta thì chạy làm sao được?

Chỉ nghe năm ngón tay trên vai hắn hơi co lại, toàn thên hắn tê rần, tiếp theo là đau điếng hắn cảm nghe như xương cối gãy lìa, hắn rên một tiếng và cong người lại.

Người bên sau lại nói :

- Quay mình lại, chúng mình nói chuyện chơi.

Hắn ngoan ngoãn quay mình và hắn phát run...

Họ Lý.

Họ Lý áo trắng sừng sững trước mặt hắn, bên cạnh là tên thanh niên thuộc hạ của hắn, nhưng tên này đứng như tượng gỗ.

Tên trung niên áo gấm lấp bấp, ý như trong cổ hắn có cụt gì chận nghẹn :

- Lý... lý...

Họ Lý cười :

- Ta tên là Lý Đức Uy, các hạ đã có quen mà.

Tên trung niên áo gấm run bần bật :

- Lý... Lý gia.

Lý Đức Uy cười :

- Không dám, các hạ hơi đề cao tôi rồi đó. Xích vào trong nói chuyện chút được chăng?

Tên trung niên áo gấm hoảng hồn :

- Lý gia... có điều chi nói... ở đây cũng được mà...

Lý Đức Uy nhướng nhướng cao mày :

- Các hạ đừng ỷ y ở đây có đông người, trừ phi ta không muốn giết các hạ, chớ một khi ta muốn giết thì chỗ nào cũng thế thôi. Đi, đừng để ta buồn, ta không hài lòng là “Mãn Châu” mất cả thể diện đó.

Tên trung niên áo gấm lại ngoan ngoãn đi theo.

Hắn không sợ Mãn Châu mất thể diện, hắn chỉ lo mất mạng của hắn thôi.

Phía trước của Trường An đệ nhất lâu náo nhiệt bao nhiêu thì phía sau lặng lẽ bấy nhiêu.

Ngõ hẻm phía sau là ngõ hẻm chết.

Bất cứ nơi nào chắc cũng giống như thế này, phía trước hoa đăng rực rỡ thì phía sau cống rãnh tối tăm, phía trước sực nức hương thơm thì phía sau mùi hôi nồng nặc, phía trước lụa là gấm vóc mặt phấn môi son thì phía sau từng đàn chuột ghẻ lở sần sùi...

Lý Đức Uy dẫn Tên trung niên áo gấm đi ra phía sau “khiêm tốn” ấy.

Buông bàn tay đang bóp trên vai tên trung niên áo gấm, Lý Đức Uy cười :

- Mất lòng trước được lòng sau, tại hạ xin nói trước nghe, tại hạ không có sợ các hạ chạy, nếu các hạ có đủ bản lãnh chạy khỏi thì cứ tự do, nhưng nếu vạn nhất mà các hạ bị trở lại thì tại hạ xin cặp giò trước đó.

Tái mặt rồi, nhưng vốn là con người bất cứ trường hợp nào cũng có thể cười để “cầu tài”, tên trung niên ngẩng mặt cười hì hì :

- Đâu dám, Lý gia, có chuyện chi xin Lý gia cứ nói mà.

Lý Đức Uy vỗ vỗ vai hắn cười cười :

- Vậy mới phải chớ. Xin được kết giao với bạn đó.

Hơi ngưng một chút. Lý Đức Uy thấp giọng :

- Nè bạn tôi hỏi nghe, gã họ Bạch đó bị các vị uy hiếp bằng cách nào thế?

Tên trung niên áo gấm sững sờ :

- Cái đó... thì...

Lý Đức Uy nói tỉnh khô :

- Không sao, nói hay không nói là tùy ở bạn, tôi không dám ép.

Tên trung niên áo gấm nói ngay :

- Lý gia, cái đó thật tình tôi không biết.

Lý Đức Uy gật gật đầu :

- Bạn không biết thì tôi phải đi tìm người khác. Thôi, bạn ở đây chờ nghe.

Hắn dợm bước đi, nhưng trước khi bước, hắn đưa tay lên...

Tên trung niên áo gấm hoảng hốt :

- Khoan khoan... Lý gia, chúng tôi chỉ biết rằng chúng tôi có giữ của hắn một con tin.

Lý Đức Uy mỉm cười :

- Như thế có phải là bạn nhau không? Kẻ mày râu, kẻ đại trượng phu về sau nên thẳng thắn một chút nghe, đi đi.

Tên trung niên áo gấm lại sửng sốt :

- Lý gia cho... tôi đi?

Lý Đức Uy lắc đầu :

- Tôi không bao giờ muốn tiêu diệt sinh mạng của các vị, bởi vì đó không phải là thượng sách. Nếu quả thật tôi muốn giết các vị thì, tại Trường An thành này, không một người nào của các vị có thể tiến vào. Đi đi.

Y như tử tội được nghe ân xá, tên trung niên áo gấm không dám nói một tiếng tạ ơn, hắn khom mình lui một cái mất hút ngoài đầu hẻm...

Lý Đức Uy cau mặt lầm thầm :

- Thật là hiểm ác, thảo nào hắn lại không như thế...

Trầm ngâm một chút, Lý Đức Uy bước nhanh ra khỏi hẻm.