Cô Gái Của Sếp

Chương 6




Hằng cúi gằm xuống, tay ôm lấy đầu, một lúc sau thì cô khóc, vai run lên bần bật. Rồi Hằng khóc hẳn thành tiếng. Tôi lúng túng không biết làm gì, tôi cũng không thể làm bờ vai cho cô khóc được, mà ai biết cô khóc thật hay giả. Đơ ra một lúc thì tôi lấy hai tay giữ lấy hai vai Hằng. Đây là lần đầu tiên tôi chạm vào cô gái của sếp.

Khoảng thời gian đó như kéo dài vô tận. Rồi Hằng vừa khóc vừa nói, mếu máo và giàn giụa:

- Tôi không ngờ là người ta vẫn nhận ra tôi. Tôi cứ mong sẽ không còn ai nhớ đến con Nhi nữa, tôi cứ nghĩ là sẽ được làm lại từ đầu.

- Làm sao mà em chắc được những người khách của em sẽ không nhận ra em, bao nhiêu người...

- Tôi không có tiếp nhiều người - Hằng cắt lời tôi, bức xúc - tôi chỉ tiếp có năm người thôi. Bao nhiêu lâu rồi, sao người ta nhớ được.

- Đời mà em, không có gì chắc chắn.

- Tôi chỉ làm đĩ mấy tháng, cũng chỉ tiếp có năm người, tôi cũng đã bỏ làm từ hồi đó đến giờ.

Hằng nín dần. Rồi cô đứng dậy, vào nhà vệ sinh. Tôi ngồi lại cho thoải mái, rót nước uống. Mãi một lúc sau, Hằng mới bước ra. Khi nghe tiếng mở chốt cửa, bỗng dưng trong đầu tôi hiện lên hình ảnh Hằng mặc bộ bikini. Dĩ nhiên chỉ là trong tưởng tượng của tôi thôi, chứ Hằng vẫn áo váy chỉnh tề, ngồi xuống nhìn tôi. Cô ngượng ngùng:

- Em xin lỗi.

- Không có gì em, em nói tiếp đi, nếu em còn chuyện muốn nói với anh.

- Hồi em học năm hai, em làm gái. Em tiếp đến người thứ năm thì em không làm nữa, em không còn thiếu tiền, em cũng không muốn số người đàn ông kiểu đó quá một bàn tay.

- Năm hai, tức là hai năm trước?

- Dạ. Thực ra em đã biến mình thành gái từ hồi năm nhất rồi.

Hằng nhìn qua cửa sổ, dù cửa sổ bị rèm che hết. Cô kể:

“Khi còn ở quê, em quyết tâm phải vào Sài Gòn học đại học, để có thể lo cho ba mẹ và đứa em. Lên lớp 12, em nhắm sức của em không đủ đậu vào trường lớn, chỉ đủ khả năng thi vào trường H. Nhưng nếu em học trường đó thì ba mẹ em không đủ sức lo cho em ăn học. Rồi tự dưng em nghĩ đến việc tự mình lo cho mình. Em quyết tâm vào học trường đó. Em hỏi mấy anh chị vào Sài Gòn làm thêm cái gì thì có nhiều tiền. Một người nói em cao ráo, có thể làm tiếp thị, làm cái đó được hơn đi dạy kèm, với lại em biết em không có khả năng dạy kèm.

Em nói dối ba mẹ trường đó có hệ công lập, học phí như trường bình thường. Ba mẹ em chỉ biết làm ruộng, đâu biết gì. Em vào Sài Gòn thi một mình, rồi em đậu trường đó. Em giấu giấy báo học phí, chỉ đưa cho ba mẹ tờ giấy báo trúng tuyển. Rồi em xin vào sớm để tìm chỗ trọ. Em lại một mình vào Sài Gòn. Em nói là trường đòi đóng học phí cả năm học là hơn 2,4 triệu, xin thêm tiền ăn ở mấy tháng đầu. Ba mẹ em lo ngược xuôi đưa cho em gần 8 triệu, em đi xe đò vào Sài Gòn, tìm được chỗ ở tạm, đóng tiền nhà xong tiền còn lại vừa đủ để đóng học phí học kỳ đầu tiên, và dư được một chút.

Em tìm được chỗ ở tạm, rồi em đi tìm việc làm ngay, tìm việc tiếp thị. Em đi đến mấy siêu thị, ngồi xem mấy chị tiếp thị làm. Xem cả ngày, em đoán được công việc, rồi em đợi xem ai là người quản lý của mấy chị. Rồi em chạy theo chị quản lý, em năn nỉ xin làm. Chị đó nói cho chị số, khi nào cần chị sẽ gọi. Em không có số điện thoại nên nói ngày nào em cũng sẽ đợi ở siêu thị này, chị có việc nhớ cho em làm.

Chờ được vài ngày thì em hết sạch tiền, phải tiêu vào tiền để dành đóng học phí. Chị quản lý đó thấy em tội, ngày nào cũng chầu chực ở siêu thị nên thương em, nhận em vào làm. Em làm tiếp thị ở đó chỉ đủ tiền ăn mỗi ngày, có dư cũng chỉ hai chục ngàn, Đến nhập học, đóng học phí xong em lại không còn tiền. Thời gian đầu là vậy, làm tiếp thị ở siêu thị hay trung tâm điện máy không đủ trả tiền ăn và tiền nhà, tiền xe buýt, tháng nào cũng thiếu một chút. Em mượn chị này một ít, chị kia một ít, các chị thấy thương nên cũng không đòi.

Rồi em nghĩ, làm thế này thì tiền đâu đóng học phí học kỳ sau. Em cũng thấy một cơ hội cho mình, đó là làm tiếp thị nhưng ở cấp cao hơn. Em lại lân la làm quen với những chị tiếp thị mặc đồ đẹp, chỉ đứng làm kiểng chứ không phải chào hàng, rao hàng như tụi em. Rồi một anh sup công ty PG xin cho em. Em bắt đầu làm PG, được nhiều tiền hơn, làm cũng đỡ cực hơn, mỗi tháng cũng để dành được nhiều hơn một chút”.

Lần đầu tiên nghe cave kể chuyện, hóa ra cũng thấy tội thật. Tôi cảm thấy đồng cảm sâu sắc với Hằng, thời sinh viên tôi may mắn có gia đình ở bên, nhưng cũng đã chứng kiến vài đứa bạn khổ sở lo toan, mà trường tôi là trường công lập chứ không phải dân lập như trường H. Nếu như Hằng kể thật, thì ý chí của cô quả thật gấp hàng chục lần tôi. Tôi mà như Hằng chắc tôi không theo nổi.

“Trong công ty PG này, em gần như là trẻ nhất. Anh sup thương em, cũng hay nói chuyện với em. Rồi em cũng có cảm tình với ảnh. Đến kỳ đóng học phí học kỳ hai, em còn thiếu hơn 3 triệu. Em rối quá, đành mượn tiền ảnh. Số tiền đó với em là lớn lắm, vậy mà ảnh rút ví ra đưa cho em ngay 4 triệu, nói ráng làm từ từ trả ảnh.

Cầm tiền về, em cất cẩn thận, vậy mà tối hôm đó một chị ở trọ chung ăn cắp hết tiền của em. Chị đó ăn cắp cả laptop, tiền và điện thoại của một chị khác. Sáng hôm sau hai chị em ngồi ôm nhau khóc, rồi chị kia đi tìm chị ăn cắp, còn em cứ ngồi khóc. Rồi em lại qua gặp anh sup, em quỳ xuống xin anh ấy cho em mượn tiền đóng học phí, lần này là 7 triệu. Anh sup nói em về phòng trọ đi, hôm sau qua gặp anh. Em về phòng trọ, cứ nằm trên giường, cảm giác như không còn chút sức lực nào, dù cả ngày không ăn uống. Đến tối, chị về, nói là chị ăn cắp không lên lớp nữa, chắc bỏ học luôn. Em nghĩ chị đó chắc vào đường cùng thật rồi, bỏ cả việc học, bỏ cả tương lai. Em thề với mình là em phải học cho ra trường, học cho giỏi, và em không được nghèo, không được đi vào đường cùng như chị ăn cắp đó. Em cũng muốn được ở một mình, không chung chạ với ai.

Đêm hôm đó em không ngủ nổi. Sáng hôm sau, em đến gặp anh sup. Anh đưa cho em một phong bì, nói em cẩn thận. Em mệt đến độ chỉ biết nói cảm ơn anh, rồi thất thểu đi về. Anh sup hỏi em mệt lắm hả, thì em lăn ra xỉu. Anh sup đưa em vào bệnh viện, rồi ngồi chăm cho em cả ngày. Ngày hôm sau, anh sup chở em đi đóng học phí, khi mở phong bì ra em mới thấy anh ấy đưa cho em 10 triệu.

Những ngày sau đó, anh sup đưa đón em, bắt em ăn đủ bữa, rồi uống sữa. Lần đầu tiên em ăn món ngon, món lạ ngày này qua ngày khác. Rồi có thêm nhưng hôm anh ấy chở em đi ngắm Sài Gòn, rồi đi ra ngoại thành. Em như sống một cuộc sống khác, không phải cuộc sống khổ sở gần nửa năm đầu ở Sài Gòn. Và em yêu anh ấy”.

Hằng thấy tôi mỉm cười. Cô chua chát hỏi:

- Anh nghe thấy cũng lãng mạn đúng không?

- Ừm.

- Nhưng mà đời đâu có đẹp như vậy.

Tôi không biết nói gì. Tôi nhìn Hằng, cô gái trong câu chuyện Hằng kể quả thật quá khổ cực.

“Anh ấy ngỏ lời yêu em, em nhận lời. Nụ hôn đầu tiên của em đã dành cho anh ấy. Ngay tối hôm đó, trong quán cà phê, anh ấy đã thọc tay vào áo, vào quần em. Rồi lần gặp sau đó, anh ấy muốn em vào khách sạn. Em không chịu, thì anh ấy nói anh ấy yêu em, anh ấy sẵn sàng làm tất cả vì em, lo lắng cho em, sao em lại không cho anh ấy. Rồi em chịu. Một buổi chiều, em trở thành đàn bà. Lần đầu tiên của em không hề như em mơ tưởng, mà đau kinh khủng, đau suốt mấy ngày.

Em yêu anh ấy, em biết ơn anh ấy, anh ấy vừa là người yêu, vừa là ông chủ, vừa là ân nhân của em. Anh ấy thuê một căn phòng cho em ở riêng, mua điện thoại cho em, rồi cho em cái laptop cũ của anh ấy. Thế nhưng căn phòng riêng và điện thoại cũng là để anh ấy thoải mái làm tình với em. Anh ấy cũng chỉ cho em làm tình thế nào để hai người cùng thích. Rồi em nhận ra em chỉ như một người tình của anh ấy. Tụi em gặp nhau là làm tình, là sờ soạng, là dùng tay, dùng miệng.

Cuối năm học, em tập trung học bài và thi, ít đi làm lại, và không dành thời gian cho anh ấy. Vừa thi xong là em về quê hơn nửa tháng, rồi lại vào Sài Gòn để làm. Về quê, em ngại nên ít gọi điện thoại hay nhắn tin cho anh ấy. Vào lại Sài Gòn, anh ấy hững hờ đón em. Và rồi em biết, anh ấy đã có bạn gái mới. Em như phát điên lên khi biết anh ấy đã cặp kè với con nhỏ đó từ lúc em còn chưa về quê. Em cãi nhau với anh ấy, anh ấy chửi em là “đồ con đĩ”. Em bị sốc, và em sốc hơn khi em nhận ra anh ấy nói đúng. Em chẳng khác nào con đĩ. Em vẫn chưa trả lại anh ấy 14 triệu em mượn dù đã hơn nửa năm. Em để cho anh ấy chu cấp hơn nửa năm nay. Em dùng điện thoại của anh ấy mua, máy tính của anh ấy cho. Ngay cả căn phòng em ở một mình thoải mái thế này cũng là do anh ấy trả tiền thuê, tiền điện nước thì có tháng em trả, có tháng anh ấy trả. Nửa năm nay, em đi làm ít hơn, nhưng nhờ được anh ấy lo nên em vẫn để dành vừa đủ tiền đóng học phí học kỳ thứ ba.

Mấy tuần sau đó, em đi làm, vẫn gặp anh ấy nhưng cứ thấp thỏm lo anh ấy đòi nợ, đòi điện thoại. Em vẫn sống một mình trong phòng, vì em đã quen sống thoải mái, không muốn chung chạ với ai. Rồi em nói với anh ấy chưa có tiền trả món nợ 14 triệu, em sẽ ráng làm để trả. Anh ấy cười và nói rất tàn nhẫn: “Khi anh cho em mượn, anh cũng nghĩ không cần em trả. Anh cho em đó, coi như anh mua trinh của em. Dù sao cũng cảm ơn em vì những ngày đó”. Em tát anh ấy một cái thật mạnh, rồi chạy về nhà”.