Cô Em Gái Tuổi Teen Của Tôi

Chương 4: Con buồn nôn quá, đừng cản con




Dịch giả: Lãng Nhân Môn

Hứa Ngôn không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày mình ngồi nghe ba mình kể câu chuyện luân lý cẩu huyết thế này.

Ăn lẩu xong, Hứa Vọng Hải chở Hứa Ngôn về. Trong xe, hai cha con đều không nói lời nào. Hiển nhiên là họ đang chuẩn bị tinh thần cho những lời tiếp theo.

Sau khi về đến nhà, Hứa Vọng Hải kéo Hứa Ngôn ngồi xuống salon. Hai cha con ngồi đối diện nhau.

Lại thêm vài giây lấy tinh thần, câu chuyện bắt đầu.

- Có một giáo viên thể dục cấp hai, dù không tính là giáo viên ưu tú nhưng cũng coi như không tồi. Dù không được học sinh kính yêu nhưng ít nhất cũng không làm chúng nó ghét. Có một ngày, trong tiết thể dục, một nữ sinh bị trật mắt cá chân, giáo viên kia liền cõng học sinh đến phòng y tế. Sau khi tan học, nữ sinh không tiện đi lại nên giáo viên thể dục liền đưa cô bé về nhà. Nhưng trên đường, biểu hiện của nữ sinh khá kỳ lạ, dường như cô bé đang rất kháng cự. Mà thân là giáo viên, không thể bỏ mặc học sinh của mình được, kết quả là tới nhà nữ sinh, giáo viên thể dục mới biết người kia không có cha mẹ, ở nhà chỉ còn bà nội kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai.

Hứa Ngôn nhếch miệng:

- Nghe như phim tám giờ ấy.

Hứa Vọng Hải tiếp tục:

- Giáo viên thể dục biết được hoàn cảnh khó khăn của nữ sinh, muốn xin nhà trường một khoản trợ cấp giúp cho cô bé nhưng cô bé kiên quyết không đồng ý. Con gái dậy thì mà, tự ái cao lắm, cô bé thà ăn uống khổ sở cũng nhất định không để các bạn biết về gia cảnh mình. Giáo viên kia không chịu nổi chuyện đó, vậy nên để lại chút tiền cho nữ sinh.

Hứa Ngôn nói:

- Con đoán được cốt truyện đằng sau rồi đấy.

- Đứng ngắt lời, ngoan ngoãn nghe ba kể hết đã.

Hứa Vọng Hải vỗ đầu con trai, kể tiếp:

- Về sau, nữ sinh kia thường tìm giáo viên thể dục để xin trợ giúp hoặc tâm sự, sau đó giáo viên cũng biết được hoàn cảnh của cô bé. Khi cô còn rất nhỏ, bố cô bắt đầu ham mê cờ bạc, mẹ cô không chịu nổi nên bỏ về nhà ngoại. Về sau, bố cô bé thiếu nợ đánh bạc nên bị đánh tàn phế, vết thương xấu dần rồi chết. Cuối cùng, chỉ còn bà nội sống cùng cô. Sau nhiều lần tâm sự, trải qua nhiều khuyên bảo và an ủi, nữ sinh kia cũng dần thoải mái hơn, không còn u buồn như trước, cũng càng lúc càng xinh đẹp, sau đó, sau đó...

Hứa Vọng Hải lắp bắp, sau khi yên lặng một lát, ông mới nói về phần khó mở lời nhất:

- Lúc đầu ấy, sau khi tốt nghiệp trung học, cô gái kia cũng không gặp lại giáo viên thể dục nữa, chỉ có ngày lễ tết thì gửi quà đến thôi. Nhưng về sau, cũng là ngày nữ sinh kia thi đại học xong, cô chạy đến nhà giáo viên thể dục. Đêm hôm đó vợ của người giáo viên đi công tác, trong nhà chỉ có hai người họ. Sau đó, xảy ra vài chuyện.

- Yêu thương ôm ấp à?

Hứa Ngôn không nhịn được:

- Ông bô ơi, ba chắc chắn là nam chính trong tiểu thuyết YY!

- Tiểu thuyết YY là gì?

- Ba đừng có tranh thủ đánh trống lảng, ba bỏ qua chỗ nên tả kỹ nhất rồi đấy.

Hứa Vọng Hải lắc đầu:

- Không có gì để tả kỹ cả.

- Thôi được rồi, chỗ này giảm bớt ba ngàn chữ. Sau đó thì sao?

- Đêm ấy, à không, là mấy ngày sau, nữ sinh kia liền biến mất khỏi cuộc sống của người giáo viên. Chuyện giữa họ không hề lộ ra. Về sau, vợ của người giáo viên kia bỏ nhà ra đi. Vài năm nữa trôi qua, giáo viên thể dục lại tìm được cô học sinh năm xưa, bây giờ ông ấy mới nhận ra đoạn duyên phận năm xưa đã khiến cô hạ sinh một bé gái đáng yêu.

Hứa Vọng Hải che mặt, cúi đầu thở dài:

- Đúng, ba chính là giáo viên thể dục đó.

- Quả nhiên rất cẩu huyết.

Hứa Ngôn lầm bầm.

Hứa Vọng Hải ngẩng lên nhìn con trai, chẳng biết nói gì cho phải.

Hai cha con nhìn nhau, yên lặng.

Một lúc lâu sau, Hứa Ngôn mới khó khăn lên tiếng:

- Người kia... Năm đó người kia bỏ đi, không phải vì phát hiện ba ngoại tình chứ hả?

- Điểm ấy thì ba dám thề đấy. Bức thư để lại cũng toàn giọng điệu áy náy. Người kia nói mình không cam tâm sống cuộc đời bình thường, muốn ra ngoài cố gắng một lần xem sao. Ba nhớ là con có đọc thư rồi mà?

Hứa Ngôn gật đầu:

- Đúng thế, nhưng con chẳng nhớ. Ừm, nói thế thôi, con không có bất kỳ ý kiến gì về chuyện kết hôn của ba cả. Dù sao sau khi bị bỏ rơi, vượt qua cuộc sống độc thân nhiều năm như vậy, cuối cùng ba cũng tìm lại được hậu cung năm xưa, đây quả là cốt truyện khiến người ta cảm động rơi lệ. Cho nên cứ thỏa thích hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc đi.

- Bây giờ trẻ con đều lớn sớm thế à?

Nghe thấy con trai nhấn mạnh vào bốn chữ ‘cuộc sống hạnh phúc’, Hứa Vọng Hải lập tức hiểu ý cậu.

- Thôi đi! Tình thầy trò, ngoại tình, chưa kết hôn mà đã có con.

Hứa Ngôn trừng mắt nhìn ba mình:

- Ông bô, xin nhận lấy đầu gối con đi!

- Ôi, được rồi, con có muốn gọi ba là cặn bã thì ba cũng nhận.

- Không, con thà gọi ba là kẻ thắng cuộc trong đời.

Hứa Vọng Hải lắc đầu:

- Con trai, ba biết quan hệ nam nữ trong tiểu thuyết con thường đọc rất hỗn loạn, nhưng đó không phải chuyện tốt lành gì. Ví dụ như ba đi, giờ ba cảm thấy rất áy náy, rất xấu hổ.

- Ha.

Hứa Ngôn cười lạnh:

- Ba cho là con khen mình hay thế nào? Có cần con nâng cả hoành phi, bên trên viết ‘châm chọc’ thật to không? Con nói là ý ‘kẻ dâm loạn’, chữ dâm có ba chấm thủy ấy!

Lại yên lặng một lúc.

Quan sát sắc mặt con trai, Hứa Vọng Hải cảm thấy nó không có vấn đề gì thật, ít ra nó không có bất kỳ bất mãn gì với thành viên mới của gia đình, vậy là ông nói:

- Vậy ngày kia là hai người họ tới ở rồi, con không có ý kiến gì chứ?

- Ý kiến... Thật ra là có.

Hứa Ngôn trầm ngâm.

Hứa Vọng Hải run lên:

- Gì thế?

- Di động con tắm trong đĩa dầu rồi, bao giờ ba mua cái mới cho con? Hay là ba đổi điện thoại cũng được, cái Iphone này thải cho con là xong, con không có yêu cầu gì cao đâu.

- À.

Hứa Vọng Hải thở phào:

- Chuyện này thì không được.

- Di động con teo thật rồi đấy!

- Đương nhiên, ngâm mình tắm rửa trong đĩa dầu luôn rồi mà.

- Nghĩa là không mua cái mới cho con hả?

- Dù gì con cũng chỉ dùng điện thoại đọc tiểu thuyết, ảnh hưởng học tập lắm. Không dùng nữa cũng được.

- Ba chắc không?

Hứa Ngôn chọn cách uy hiếp:

- Đừng trách con không nhắc ba đấy, không có di động thì ba không thể giở chiêu ‘liên hoàn call đoạt mệnh’ đâu. Về sau, tan học con đi chơi với bạn gái, ba cũng đừng mong xen vào.

- Con lớp mười một rồi, cũng phải biết kiềm chế. Huống chi...

Hứa Vọng Hải chậm rãi nói:

- Quên bảo con, em gái con sắp chuyển đến trường con rồi, về sau tan học thì hai đứa cùng về. Cho nên con cảm thấy mình có cơ hội này nọ với bạn gái không?

- Không thể! Nó mới mười bốn mà, làm sao học cấp ba được?

- Nhảy lớp, còn nhảy hẳn hai lớp.

Hứa Ngôn rên rỉ:

- Cái đậu má! Không thể! Công dân trong xã hội hiện đại mà thiếu di động được ư? Ba bảo con phải liên lạc với người khác thế nào?

- Học sinh lớp mười một thì học đi, có cái gì phải liên lạc? Mà con chưa trưởng thành, không tính là công dân được.

Hứa Vọng Hải bước tới bên cạnh con trai, vỗ bờ vai nó rồi nói rất chân thành:

- Yên tâm, chờ con thi đại học xong, trở thành người trưởng thành thực sự thì ba sẽ mua Iphone cho.

Hứa Ngôn ngẩng đầu, trừng mắt nhìn, khuôn mặt đầy vẻ ‘Ba thật là ác độc’, nhịn một lúc rồi mới thốt lên một câu:

- Mai con có hẹn với bạn cùng lớp, có hoạt động đấy, không có di động thì con không biết liên lạc kiểu gì.

- Vậy hả?

Thấy ba mình có vẻ thả lỏng hơn, Hứa Ngôn vội vàng chớp lấy thời cơ:

- Thật đấy, học sinh bọn con cũng có rất nhiều việc phải trao đổi mà. Nếu không có di động thì bất tiện lắm! Ba xem, như hoạt động ngày mai này, sẽ có một đám bạn cùng lớp tụ tập, không có thành phần bất hảo nào cả, thuần khiết không ô nhiễm nhé. Cho nên mới nói nếu không có di động thì những hoạt động như thế con không thể tham gia được, con sẽ bị cô lập với tất cả các bạn!

- Con nói cũng có lý.

Nói xong, Hứa Vọng Hải vào phòng ngủ, lục tung một hồi.

Hứa Ngôn tràn đầy hy vọng, sau đó, cậu thấy ba mình cầm một chiếc Nokia cục gạch ấn phím ra.

Không lên mạng được, không đọc tiểu thuyết được, chỉ có thể gọi điện thoại và nhắn tin. Ừ, mẹ nó, lại còn màn hình đen trắng nữa.

Hứa Ngôn run rẩy vươn tay, đón chiếc Nokia già nua từ tay ba mình.

- Nhớ năm đó con còn bé lắm, bà mẹ nhẫn tâm của con đã bỏ rơi ba con mình mà đi mất. Vì nuôi lớn con mà ba không chỉ bận việc trên trường mà còn nhận thêm hai công việc làm thêm ở ngoài nữa. Chiếc Nokia này đã cùng ba vượt qua những ngày tháng gian nan nhất. Đã nhiều năm thế rồi, ba đổi mấy chiếc điện thoại nhưng vẫn giữ nó lại. Khi nãy ba thử rồi, nó không chỉ không hỏng mà còn đáng tin cậy hệt như năm xưa ấy. Con trai, nhất định phải đối xử với nó thật tốt, phải học tập tinh thần phấn đấu vượt qua gian khổ của nó. Chịu khổ phía trước, hưởng lạc phía sau.

- ...Ba, con hiểu rồi, quả nhiên là con còn quá non.