Thời tiết đã nóng lên.
Ăn xong cơm chiều Lý thị và Lưu thị thu dọn chén bát sau đó người một nhà ngồi vây quanh, không ai có ý định đi nghỉ ngơi.
Đào Tam gia nhồi thuốc lá vào tẩu thuốc và chậm rãi hút vài hơi mới nói: “Đã bận cả ngày rồi mà sao không đi nghỉ ngơi đi.”
Tam Bảo đáp: “Ông nội, mới ăn cơm xong nên bụng vẫn no, phải tiêu cơm một chút mới ngủ được chứ!”
“Vậy nhân lúc tiêu cơm không làm gì ta cũng nói chút chuyện!” Đào Tam gia nói, “Quần áo cho bọn nhỏ mang đi thì ta không nói nữa, người làm mẹ như các ngươi hiểu rõ nhất.
Nhưng đừng mang nhiều, chỉ cần 2,3 bộ quần áo sạch sẽ là được, nếu trời lạnh cần thêm quần áo thì ta có thể mang cho bọn hắn lúc đi chợ.” Đào Tam gia nói xong lại quay qua Lý thị nói: “Lão thái bà, bọn nhỏ chỉ cần cầm mấy chục văn tiền là được, phần khác ta sẽ giao cho Vương Thuận quản lý thay, tụi nó cần thì có thể tới đó lấy.”
Lý thị lập tức đáp: “Ta đã sớm nghĩ tới rồi, không cần ông phải nói!”
Đào Tam gia vẫn tiếp tục: “Mấy thế hệ nhà chúng ta đều là nông dân canh giữ đồng ruộng sống qua ngày, chưa từng có ai ra ngoài làm buôn bán.
Vì thế người làm ăn cần có bộ dạng thế nào ta cũng không biết rõ.
Thiên hạ to lớn, muôn hình muôn vẻ, loại người nào cũng có.
Mười mấy tuổi ta đã lên trấn trên làm công cho tiệm tạp hóa, từ dọn hàng, đưa hàng, quét tước, chạy chân, việc gì cũng đến tay.
Mệt thì đương nhiên mệt, nhưng trong lòng vẫn vui vẻ, bởi vì một ngày trôi qua không phí phạm.
Ta nhớ rõ khi đó một ngày có bao nhiêu là người tới tiệm, chưởng quầy khéo léo đưa đẩy thế nào, lúc đón rước đều cười tủm tỉm không bao giờ cáu.
Đương nhiên, ta nói khéo đưa đẩy cũng không phải nói chưởng quầy có tâm tư không thành thật, ngược lại, nếu muốn làm ăn lâu dài thì phải ngay thẳng, kẻ đầu cơ trục lợi, hãm hại lừa gạt thì không thể lâu dài đâu.”
“Thế sao ông nội lại về Đào gia thôn?” Tam Bảo hỏi.
“Ta nhớ rõ khi đó có hai năm hạn hán liên tục, cực kỳ nghiêm trọng, sau đó lại có phản loạn, lòng người khắp nơi đều lo sợ, việc làm ăn của tiệm tạp hóa cũng không duy trì được nữa.
Chưởng quầy đóng cửa trốn tai ương, còn ta trở về Đào gia thôn.
Khi đó cụ của mấy đứa đang bệnh nặng nằm liệt giường, trong nhà sớm đã tiêu hết tiền.
Sau khi cụ qua đời không lâu thì mấy người ông trẻ của mấy đứa cũng chết đói.
Trong thôn có biết bao nhiêu người phải ra ngoài chạy nạn.
Nghe nói bọn họ gặp phải phỉ binh, chẳng còn bao nhiêu người sống sót.
Sau đó những người ấy cũng chẳng trở về.” Đào Tam gia hút một hơi thuốc và lại thở hắt ra mới nói tiếp: “Sau đó hạn hán đi qua, phản loạn được dẹp yên, người của Đào gia thôn còn chưa tới một nửa.
May mắn thôn chúng ta không có phỉ binh đi qua, nghe nói những nơi chúng đi qua người sống sót còn ít hơn.”
Lý thị nói: “Đều là chuyện xa xưa rồi còn nói làm gì nữa? Hiện tại thế đạo thái bình, trong nhà có lương thực tồn kho thì có gì phải lo lắng.”
Đào Tam gia cười nói: “Đúng vậy, những người năm đó may mắn còn sống sót hiện tại cũng đã con cháu đầy nhà.
Ngày kia hai đứa nhỏ cũng bắt đầu bước lên con đường ông nội từng đi, làm chuyện ông nội từng làm.”
Tam Bảo reo lên: “Ông nội, qua hai năm nữa cháu cũng muốn đi con đường của mình!”
“Được, có chí khí!” Đào Tam gia khen hắn.
Lý thị lại không vui, “Người khác đều canh giữ ở trong nhà mà sống an ổn, sao nhà ta lại thế này, một đám đều muốn ra ngoài.
Cánh còn chưa cứng đâu mà đã muốn bay.”
Nữu Nữu cười nói: “Bà nội, cháu không đi đâu hết, cháu ở nhà giữ nhà!”
Lý thị lau nước mắt nói: “Không uổng công bà thương Nữu Nữu, chỉ có con là đau lòng cho bà còn mấy thằng ranh này đúng là lòng dạ sắt đá!”
Đại Bảo và Nhị Bảo khó chịu nhìn Lý thị, Đào Tam gia không nhìn nổi nên lập tức càm ràm, “Lại nữa rồi, lại nữa rồi!”
Nữu Nữu vội đưa khăn tay cho Lý thị lau nước mắt.
“Còn vài lời ta quên không nói, lúc ra ngoài đừng dùng nhũ danh nữa, trên gia phả đã sớm viết đại danh của mấy đứa.
Nhiều năm qua trong nhà vẫn luôn gọi Đại Bảo và Nhị Bảo nhưng từ ngày mai trở đi mọi người sẽ gọi đại danh của hai đứa, như thế cho nó quen đi!” Đào Tam gia nói.
Đám Đại Bảo lập tức gật đầu, dù ít khi gọi đại danh nhưng không phải tụi nó không biết tên mình là gì bởi vì lúc ở học đường tiên sinh đều gọi đại danh.
Ấy vậy mà trong nhà lại có người không biết gì, đó chính là Nữu Nữu.
Cũng không thể trách nàng, một là nàng chưa từng tới học đường, hai là những người nàng tiếp xúc hàng ngày đều gọi nhũ danh, có ai gọi đại danh của mấy đứa đâu nên đương nhiên nàng không biết.
Nữu Nữu tò mò hỏi Đại Bảo: “Còn có đại danh nữa sao, thế nào mà muội không biết nhỉ? Mọi người tên là gì? Mau nói cho muội biết đi!”
Đại Bảo cười nói: “Đại danh của ta là Đào Vĩnh Kỳ, Nhị Bảo là Đào Vĩnh Lân, Tam Bảo là Đào Vĩnh Thụy, Tứ Bảo là Đào Vĩnh Hổ, ha ha, còn muội là Đào Tử!”
Nữu Nữu chớp mắt to nghiêm túc nhớ kỹ, sau đó nàng ‘a a’ kêu lên và bất mãn nói với Đào Tam gia: “Ông nội thật bất công, các ca ca đều có chữ Vĩnh trong tên sao con không có!”
Lý thị cười nói: “Cô nương gia muốn tên để làm gì, sau này trưởng thành gả chồng thì con sẽ theo họ chồng.
Còn ca ca con được đặt tên dựa theo sắp xếp trong tộc.”
Nữu Nữu buồn bực nhéo đầu ngón tay oán giận: “Hừ! Các ca ca đều có tên dễ nghe, nhà người khác cũng toàn là Đào Hoa, Đào Diệp, Đào Liên, Đào Hồng, nghe hay hơn Đào Tử bao nhiêu.
Đến con nhóc hay khóc nhè nhà Trường Phương thẩm cũng tên là Đào Nguyệt, hừ hừ, ông nội quả thực bất công.”
Đám Đại Bảo lại xúm vào an ủi em gái, tụi nó đều nói cái tên Đào Tử thực là dễ nghe, người khác đều là hoa với nụ, so với quả đào thì kém hơn nhiều.
Thậm chí Đại Bảo còn đi xa tới độ nghĩ bừa một câu chuyện về tiên nữ trong quả đào để kể khiến cho Nữu Nữu cảm thấy cực kỳ mỹ mãn.
Trương thị âm thầm nhắc nhở chính mình phải nghĩ một cái tên thật hay cho đứa con gái trong bụng, chứ không thể để Đào Tam gia đặt cho con bé cái tên quái dị nào đó.
Lưu thị cười mắng: “Làm gì có tiểu tiên nữ nào ngốc thế này!”
Trương thị không cho là đúng: “Đại tẩu, Nữu Nữu mới không ngốc đâu! Chẳng qua con bé ngây thơ thôi!”
Thế là hai chị em dâu lại bắt đầu bàn chuyện dạy dỗ con gái ra sao.
Trường Phú và Trường Quý thì nói chuyện với mấy đứa con trai, Đào Tam gia cũng gật đầu, thi thoảng sẽ chen miệng: “Ra cửa thì phải cẩn thận cảnh giác, miệng phải giữ kín, không nên hỏi thì đừng hỏi.
Ngày thường phải chăm chỉ, trong mắt lúc nào cũng phải tìm việc để làm, tay chân nhanh nhẹn một chút.”
Đại Bảo và Nhị Bảo vừa nghe vừa gật đầu, Tam Bảo và Tứ Bảo cũng dán lên nghe.
Việc cần nói đã nói xong, người một nhà lại chia ra nghỉ ngơi.
Tam Bảo ôm chặt lấy anh trai mà ngủ, Đại Bảo nóng quá đá hắn ra nhưng hắn vẫn mặt dày phải ôm anh trai mới chịu ngủ.
Cuối cùng Đại Bảo cũng mặc kệ hắn, trong lòng biết hắn luyến tiếc mình.
Sáng sớm hôm sau người một nhà vẫn đi cắt lúa mạch theo lệ thường.
Vì có nhiều người nên việc xong nhanh, tới giữa trưa toàn bộ lúa mạch đã được mang về nhà.
(Hãy đọc thử truyện Thiên Kiều của trang Rừng Hổ Phách) Sau cơm trưa lại phải đập lúa, Đại Bảo và Nhị Bảo chạy trước chạy sau giúp đỡ bó rơm, đảo hạt lúa.
Lý thị đau lòng hai đứa nên không cho hỗ trợ nhưng hai tên kia bướng bỉnh không chịu nghỉ ngơi.
Đào Tam gia buông cái liên giá trong tay và đi tới uống nước, thuận tiện nói với vợ: “Tụi nó hỗ trợ chút việc thì kệ đi, bà đừng có lằng nhằng.”
Lý thị đành phải đặt sự chú ý lên cơm chiều.
Bà gọi Lưu thị cùng tới bếp hỗ trợ, vừa chưng vừa rán, bận tới tận tối, đồ ăn đặt đầy cả bàn dọa cho Đào Tam gia nhảy dựng mắng lão thái bà không biết quản lý gia đình.
Lúc sau ông rót một bầu rượu, lần này ông cũng rót cho Đại Bảo và Nhị Bảo mỗi đứa một chén nhỏ và nói: “Ông nội vẫn giữ câu nói cũ, trước khi làm bất kỳ việc gì đều phải nghĩ kỹ rồi hẵng làm.
Hai đứa cũng trưởng thành rồi, phải gánh vác trách nhiệm!”
Tam Bảo cũng bưng cái chén nhao nhao đòi uống rượu khiến Lý thị cáu tịch thu cái chén luôn.
Chuyện cần nói thì nói xong rồi, Lý thị, Lưu thị và Trương thị cũng đã chấp nhận chuyện bọn nhỏ sắp rời nhà.
Lúc này trên bàn cơm bọn họ không khóc nữa, chỉ càng thêm ân cần gắp đồ ăn khiến bát Đại Bảo và Nhị Bảo đầy có ngọn.
Tam Bảo hét to “bất công” sau đó cũng duỗi đũa tự gắp đồ ăn vào bát mình thành ngọn núi nhỏ.
Ăn cơm xong Lý thị lại kiểm tra hành trang của Đại Bảo và Nhị Bảo một lần, lại lấy ra một lượng bạc đưa cho Đào Tam gia để ông gửi ở chỗ Vương Thuận.
Đào Tam gia thấy thế thì nói: “Không cần nhiều như vậy, đưa 500 văn là được, bọn nhỏ cũng có tiền công.”
Lý thị khăng khăng muốn đưa từng ấy tiền thế là bị Đào Tam gia trêu ghẹo: “Sao bỗng nhiên bà xa hoa thế, trước kia một xu bà cũng hận không thể bẻ làm đôi mà tiêu thế mà mấy hôm nay nào chưng nào rán, thật sự kỳ cục.
Bà có còn quản được gia đình không đó!”
Lý thị hận nghiến răng liếc Đào Tam gia một cái, “Mau đi ngủ đi, ngày mai còn phải dậy sớm đó.
Từ mai trở đi ông muốn bát dính tí mỡ cũng đừng hòng nhé!”
Đào Tam gia cười cười rồi cởi áo đi ngủ.
Ngày hôm sau canh năm cả nhà thức dậy, trừ Đào Tam gia mọi người đều mang đôi mắt gấu trúc vì cả đêm trằn trọc.
Lý thị làm chút rượu nếp than với trứng gà, lại tự mình bó hai giường chăn đệm, bao quần áo của Đại Bảo và Nhị Bảo xong mới nước mắt lưng tròng nhìn theo ba ông cháu đi ra cửa.
Mấy phụ nhân trong nhà đều lau nước mắt, Trường Phú và Trường Quý cũng không chịu nổi nên lấy cớ đi ngủ nướng để về phòng.
Tam Bảo và Tứ Bảo cũng la hét buồn ngủ quá, một đêm không ngủ ngon và cũng về phòng ngủ tiếp.