Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 61: 61: Ngày Mồng Tám Tháng Chạp





Mỗi năm vào tháng chạp thì ngày giết heo đều là ngày bận nhất.

Phải nấu chảy mỡ heo, làm thịt muối, đúc lạp xưởng, toàn là việc tỉ mẩn, mọi người trong nhà đều được huy động.
Nấu chảy mỡ heo xong sẽ phải làm lạp xưởng, còn phải phơi bì heo.
Trước khi làm lạp xưởng thịt được băm nhỏ.

Lý thị bỏ gia vị vào cối giã thành bột, lại thêm hoa tiêu, bột ớt, đường, muối, rượu, và tỏi quấy chung với thịt và chậm rãi ướp.
Lưu thị không chịu nổi mùi ruột heo nên việc rửa ruột do Trương thị làm.

Mẹ chồng nàng dâu ngồi trên ghế nhỏ cẩn thận rửa sạch đống ruột già.

Lưu thị đi nhà bếp xử lý da heo, sau đó cắt nhỏ bỏ lên cái sàng mang ra phơi nắng là có thể hầm với đồ ăn.
Thịt ướp đủ vị, ruột cũng đã làm xong, Lý thị tìm một cái ống trúc nhỏ chuyên dụng tròng lên một đầu ruột sau đó chậm rãi nhét thịt vào.

Lưu thị và Trương thị phối hợp chậm rãi vuốt thịt kia xuống, được một đoạn lại dùng dây nhỏ buộc vào.

Nếu chỗ nào có hơi thì Lưu thị sẽ dùng kim đâm cho hơi kia xì ra.
Lạp xưởng được làm xong thì giống như con rắn quấn nhiều vòng trên cái sàng.

Lý thị buộc dây thừng vào đống lạp xưởng và cầm lên treo ở gậy trúc hong.
Từ khi làm thịt heo đám nhỏ sẽ có thêm một công việc cực kỳ quan trọng đó là canh giữ trong viện không cho chim chóc tới phá đám.

Bởi vì mỗi ngày lạp xưởng đều được treo trong viện phơi khiến đám chim theo mùi bay tới mổ.
Đây là chuyện người lớn quyết không cho phép xảy ra, bọn nhỏ càng không thể dung thứ.


Ngày ngày tụi nó đều chỉ có thể trông mong nhìn lạp xưởng và ngửi ngửi mùi thì dựa vào cái gì đám có cánh kia lại dám đoạt? Bọn nhỏ cầm gậy trúc buộc vải đỏ, mỗi ngày đều giữ vững vị trí của mình, chỉ cần có một con chim hó hé bay tới là tụi nó sẽ múa may gậy xông tới quát thét đuổi đi.
Cuộc chiến bảo vệ lạp xưởng bắt đầu.
Ngay sau đó chính là cuộc chiến bảo vệ thịt khô.
Đến mùng 8 tháng chạp hôm nay thì thịt khô ướp mấy ngày đã ngấm đủ gia vị.

Lý thị lấy thịt từ lu, dùng dây thừng xuyên qua treo một phần trên cây trúc phơi nắng để làm thịt khô.

Còn một phần dùng móc sắt treo lên rồi đốt củi của cây bách và chậm rãi hun khói.
Sau khi lấy thịt khô ra thì vẫn còn non nửa lu nước ướp thịt nhưng Lý thị không đổ đi mà bỏ đậu phụ vào ngâm.
Lúc này vừa đúng tiết mồng tám tháng chạp, theo tập tục sẽ phải nấu cháo lạp bát.
Cháo này chính là một nồi cháo hầm bà lằng, nó phải thể hiện được một chữ loạn.
Lý thị chọn một đoạn xương cột sống và một miếng thịt nhỏ mang đi rửa sạch, lại bưng chậu tới kho lúa lựa đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành, đậu Hà Lan, đậu tằm, đậu đũa, đậu phộng.

Chỉ cần trong nhà có đậu gì là bà ta sẽ nhặt lấy một ít, lại thêm gạo nếp, gạo trắng, cao lương, ngô.

Sau đó bà sẽ trộn chung mọi thứ lên nấu lẫn với nhau.

Lý thị rửa nguyên liệu xong sẽ bỏ vào nồi, lại bỏ thêm xương băm và thịt thái hạt lựu vào rồi đun bằng lửa nhỏ.
Lý thị lại xuống ruộng hái chút củ cải đỏ, rửa thêm ít khoai lang đỏ rồi thái hạt lựu bỏ vào nồi.

Nồi cháo lạp bát sôi ùng ục một canh giờ, một đống nguyên liệu được nấu mềm nát ra quyện vào nhau thành một nồi cháo đặc thật to.

Cháo có màu đỏ, trắng, vàng, xanh, tỏa mùi đậu, có cả mùi thịt thơm.


Gạo nếp dính, khoai lang đỏ sền sệt, củ cải hơi ngọt, thêm chút muối vào nữa là hoàn mỹ.
Cả một nồi cháo lạp bát lung tung các vị được bưng lên.

Người lớn trẻ nhỏ đều không có ai kén ăn, huống chi nguyên liệu nấu cháo phong phú như thế nên ai cũng ăn hăng hái.
Đào Tam gia cực thích ăn cháo Lạp bát, có cảm giác đây là thành quả một năm vất vả của mình.

Đũa vừa ngoáy lên đã thấy nào đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ! Năm nay mấy loại đậu này thu hoạch không tồi! Lại ngoáy một cái, à, đậu phộng, ngô, cao lương, tốt, quá tốt! Năm nay mấy cái này cũng được mùa, sang năm tiếp tục trồng! Ngoáy một cái nữa, hô hô! Xương cốt và thịt mỡ béo ngậy! Năm nay ba con heo đều béo, sang năm tốt nhất là nuôi bốn con! Tiếp tục ngoáy, khoai lang đỏ, gạo nếp, gạo trắng, ha ha! Năm nay làm chuẩn bị phòng hạn trước nên lúa thu hoạch không tồi! Đào Tam gia mỹ mãn ăn cháo lạp bát, trong lòng nghĩ đến tràn đầy phong phú.

Ai biết bọn nhỏ lại không cho ai yên mà bắt đầu gây sự.
“Ông nội, sao cháo lạp bát lại có nhiều đậu thế, còn có khoai lang đỏ, củ cải với cao lương nữa?” Đại Bảo hỏi.
“Còn có ngô nữa! Vì sao?” Đây là Nhị Bảo.
“Còn có xương với thịt! Vì sao?” Đây là Tam Bảo hỏi.
“Trong bát của cháu còn có đậu phộng! Vì sao thế?” Tứ Bảo cũng tới tham gia.
Đào Tam gia tức thổi râu: “Năm trước ăn cháo lạp bát ta đã nói rồi, năm kia cũng nói, năm trước đó cũng nói.

Tụi bây chỉ ăn cơm không nhớ cái gì đúng không? Sao năm nào cũng hỏi thế!”
Đại bảo cười hì hì nói: “Ông nội, cháu nhớ mà, chẳng qua cháu hỏi giúp Tam Bảo, Tứ Bảo và Nữu Nữu thôi.

Mấy đứa còn nhỏ nên không nhỡ rõ!”
Nhị Bảo cũng nói: “Đúng vậy, ông nội, năm trước nữa Nữu Nữu mới sinh đó! Tam Bảo và Tứ Bảo cũng còn nhỏ.”
Đào Tam gia bất đắc dĩ nói: “Vậy Đại Bảo và Nhị Bảo giảng cho các em đi, đây là truyền thừa, hiểu không?!”
Tam Bảo nháy đôi mắt nói: “Cháu muốn nghe ông nội kể cơ! Có phải không Tứ Bảo?”

Tứ Bảo lập tức gật đầu, Nữu Nữu thì vẫn tập trung chọn đậu ăn, căn bản mặc kệ mấy thằng anh!
Đào Tam gia đặt đũa xuống và nói: “Ông nói ngắn gọn thôi, cháo lạp bát được nấu bằng cách trộn chung ngũ cốc hoa màu.

Đây là cách nông dân cảm tạ thần linh và tổ tông phù hộ, ban ân đồng thời cầu cho năm sau mưa thuận gió hòa, ngũ cốc được mùa.

Chúng ta cũng muốn nhắc nhở con cháu phải biết quý trọng lương thực, mỗi một hạt thóc hạt gạo đều phải trả giá bằng lao động gian khổ.

Mấy đứa nhìn đi.” Đào Tam gia phối hợp lời nói bằng cách ngoáy cái đũa một chút, “Đậu đỏ, đậu xanh và đậu nành này là ông bà nội và cha mẹ mấy đứa phải vất vả gieo trồng, tưới nước, thu hoạch.

Ngô, cao lương, khoai lang đỏ cũng là chúng ta chống đỡ hạn hán và lũ lụt trồng được.

Còn thịt heo này có công lao ngày ngày đi cắt rau ngổ của mấy đứa.

Lương thực trong bát này dù là cái gì đều phải trả giá bằng vất vả.

Ăn cháo lạp bát là ăn hoa màu, là truyền thừa tinh thần lao động làm giàu!”
Blah blah, blah blah, Đào Tam gia ‘nói ngắn gọn’ một đống, mấy cái bảo bất đắc dĩ chớp mắt chăm chú nghe ông nội nói, cũng không dám ăn cơm.

Lý thị nhìn thấy hết nhưng vẫn giả bộ không biết.

Mấy thằng nhóc thối, phải trị cho chúng nó một trận thì tụi nó mới nhớ được!
Vợ chồng Trường Phú và Trường Quý cũng cười trộm và tiếp tục ăn hết bát này tới bát khác.

Nữu Nữu là thông minh nhất, chọn xong đậu trong bát cô nàng đẩy phần còn lại cho mẹ.

Lưu thị cũng không chê mà đổ bát cháo thừa của con vào bát mình sau đó lại múc cho đứa nhỏ một muôi cháo khác để nàng tiếp tục chọn hạt đậu ăn.
Đào Tam gia vẫn tiếp tục giảng giải, Tam Bảo không nhịn được lấy lòng nói: “Ông nội, cháo nguội hết rồi kìa!”
Đào Tam gia cười trộm trong lòng nhưng vẫn không thể hiện ra ngoài và tiếp tục nói.

Tam Bảo vô lực bò ra bàn, Tứ Bảo lập tức lên tiếng: “Cháu đi tiểu!” sau đó chuồn ra ngoài.

Đại Bảo và Nhị Bảo đáng thương vẫn phải giả vờ nghiêm túc nghe ông nội nói.
Đào Tam gia thấy cũng hòm hòm rồi thế là lặng lẽ cười thầm, miệng lại nghiêm trang hỏi: “Mấy đứa đã nhỡ kỹ chưa?!”
“Nhớ kỹ!” Mấy đứa trăm miệng một lời đáp.
“Vậy tiếp tục ăn đi!” Cháo trong bát của Đào Tam gia đã nguội thế nên Lý thị lại múc cho ông thêm chút cháo nóng, trộn lên là vừa ấm.

Đào Tam gia há to miệng ăn thật lực, mấy cái bảo cũng không kém, ăn hết bát này tới bát kia tới khi bụng đều tròn vo.
Người một nhà đều ăn quá no nên sau cơm trưa tất cả đều nghỉ ngơi tiêu cơm.
Nghỉ đủ rồi bọn họ lại bắt đầu bận việc.

Đào Tam gia giúp đỡ Lý thị mang chút đậu nành ra ngâm, sau một đêm là có thể làm đậu phụ.
Đương nhiên việc xay đậu sẽ do nam nhân làm, dù sao tháng chạp không có việc gì nên sức lực cả người không có đất dụng võ.

Lúc này xay đậu nành coi như làm nóng người vì thế cối xay chạy băng băng.

Lý thị cười mắng Trường Quý: “Ai u, thằng quỷ, mày chậm một chút đi, nương nhìn mà chóng hết cả mặt.”
Trương thị cười và tiến lên nhéo Trường Quý mắng: “Nhiều sức quá không có chỗ dùng hả?”
Trường Quý cười hề hề và chậm lại, cứ thế đẩy một lát hắn vẫn không thấy mệt nhưng lại cảm thấy choáng đầu nên đổi cho Trường Phú.
Bọn nhỏ cũng tới thử đẩy nhưng đáng tiếc lùn quá, đẩy quá mệt nên lại thôi.
Xay xong đậu nành bọn họ thu được hai thùng sữa đậu, việc còn lại là của nữ nhân.

Lý thị mang theo con dâu vội vàng làm đậu phụ trong bếp, đương nhiên các thao tác chính vẫn là bà tự mình ra tay làm.
Lúc hai mẻ đậu phụ được ra lò Lý thị dùng dao cắt đậu phụ thành miếng nhỏ vuông vức sau đó bỏ vào lu thịt muối để ngâm ba ngày.

Muối trong đó chậm rãi ngấm vào đậu phụ tươi, sau đó bọn họ vớt đậu phụ lên bỏ trên giá sắt rồi dùng trấu đốt lên lấy khói hun..