Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 187: 187: Con Cháu Mãn Đường





Tam Bảo và Tứ Bảo mang theo bọn nhỏ chơi trò diều hâu quắp gà con thế là Trường Phú và Trường Quý phải thay thế giúp ngắm xem câu đối đã chỉnh tề chưa.

Hai nhà cũ mới đều dán đầy câu đối, sau đó Ân Tu Trúc lại viết thêm một ít rồi cùng mang tới dán ở Ân gia và Phan gia.

Tuy bữa cơm đoàn viên ngày trừ tịch ăn ở Đào gia nhưng nhà mình vẫn phải có câu đối xuân mới tốt.
Đào Tam gia đã lớn tuổi nên không thích nhúc nhích mà chỉ nằm trên ghế phơi nắng.

Phan chưởng quầy ít hơn ông 8 tuổi cũng ngồi bên cạnh hút thuốc tán gẫu.

Ông ấy nhìn Đào gia con cháu mãn đường thì cực kỳ hâm mộ, trong lòng nghĩ thầm: Kiếm nhiều bạc cũng có ích gì? Bạc không tiêu được thì gọi gì là bạc, cứ nằm ở đó lạnh băng, đâu thể bằng con cháu đầy nhà thế này được!
Phan chưởng quầy vẫn luôn dõi theo Bân Bân.

Đứa nhỏ này lớn lên quá giống người nhà họ Phan, lão nhị Duệ Duệ lại có bộ dáng người nhà họ Đào, lão tam Kỳ Kỳ lại là con gái, nhìn cũng giống người nhà họ Đào nhiều hơn.

Phan chưởng quầy hoàn toàn bị cháu ngoại câu hồn, mấy năm nay ông ở hẳn tại Đào gia thôn, mỗi ngày đều có thể thấy Bân Bân.

Cuộc sống của ông ấy cũng dần trở nên ngập tràn hy vọng, những bệnh tật tích từ thời trẻ cũng khỏi nhiều.
Đào Tam gia đương nhiên hiểu rõ tâm tư của Phan chưởng quầy, nhưng nói thế nào thì đây cũng là chắt trai của ông, có được nhiều người yêu thương thì ông càng mừng, chỉ cần đừng nuông chiều dạy hư đứa nhỏ là được.
Trong sân toàn là tiếng cười khiến ba đứa chắt trai của nhà Đại Tần thị ở đối diện cũng chạy sang gọi Bánh Trôi: “Bánh Trôi ca ca, cho bọn đệ chơi với!”
Bánh Trôi là đứa nhỏ khiêm tốn lại hiểu lễ nên hắn nhanh chóng dừng lại để đồng bọn mới tiến vào.

Đội ngũ gà con lại càng lớn mạnh, gà mẹ Tứ Bảo cũng không dám quay quá nhanh.

Hậu quả là mấy con gà ở sau chót bị diều hâu Tam Bảo bắt mất.

Đám gà con còn lại thét chói tai ôm lấy tay chân Tứ Bảo khiến hắn càng khó di chuyển.

Tam Bảo cười như trộm mà nhổ từng con gà con từ người Tứ Bảo xuống.


Nhưng mà lúc nhổ tới thằng con ruột Quân Quân nhà mình thì Tam Bảo lại thấy đứa nhỏ mắt to ướt dầm dề nhìn hắn sau đó khẩn cầu: “Cha, đừng bắt con! Đừng bắt con!” Lòng Tam Bảo nhũn ra, sau đó hắn buông tha cho con mình mà nhổ hai đứa con nhà Tứ Bảo xuống sau đó kiêu ngạo cười to mà đi.

Hai thằng nhóc con duỗi tay về phía Tứ Bảo kêu la: “Cha, mau cứu con! Tam bá bắt con đi rồi!”
Tứ Bảo đành phải dùng con trai và con gái của Tam Bảo làm lợi thế đi đổi con nhà mình về.
Con gái nhỏ của Tứ Bảo còn bé nên đang được Đào thị bế! Mà Đào thị người cũng như tên, quả là nhiều con nhiều phúc.

Nàng thành thân bảy năm đã có ba thằng nhóc, Ân Tu Trúc mừng tới độ không nhịn được nhìn về phương bắc cảm thán với người nhà đã qua đời.
Hiện tại Đào thị cũng cảm nhận được tâm tình mong ngóng con gái của nhị thẩm Trương thị ngày trước.

Mỗi lần về nhà mẹ đẻ nàng sẽ ôm lấy mấy đứa con gái của anh mình không bỏ.

Đặc biệt là con gái út của Tứ ca, vừa mới hai tuổi, đúng là thời điểm đáng yêu nhất.

Chỉ cần trêu một chút là đứa nhỏ sẽ cười lộ mấy cái răng hạt gạo rồi gọi đại cô cô không ngừng! Còn ba thằng nhóc nhà nàng thì căn bản chẳng cần nàng nhọc lòng.

Bánh Trôi đã bảy tuổi nên hoàn toàn có thể quản lý được hai đứa em.

Ở nhà có chồng nàng dạy tụi nhỏ viết chữ đọc sách, còn nàng chỉ cần làm đồ ăn và quán xuyến việc nhà là ổn.
Hiện giờ tiểu Ngọc Nhi cũng đã 15, trổ mã thướt tha động lòng người, mặt mày càng nhìn càng đáng yêu.

Đã có người tới cửa cầu hôn nhưng Trương thị thương con gái, muốn giữ ở nhà thêm vài năm rồi chậm rãi chọn một đứa con rể thật tốt.
Ngũ Bảo đã thi đỗ Đồng Sinh, là người ưu tú nhất trong đám học sinh đông đảo của Đào Trường Hiền.

Dù sao đây cũng chỉ là tộc học của một vùng nông thôn, tiên sinh dạy học cũng chỉ là Đồng Sinh, học sinh cũng toàn là con cháu nhà nông.

Bọn họ chỉ muốn biết vài chữ, chủ yếu là tập trung giúp đỡ gia đình và kiếm tiền.

Hiện tại có một Đồng Sinh đã là cực kỳ ưu tú, làng trên xóm dưới nhà ai có con gái cũng đang nhìn về phía này, ai cũng muốn nhanh tay trước.


Hiện tại Đào Tam gia có rất nhiều chắt nên cũng chẳng có mong đợi gì nữa và đương nhiên ông cũng chẳng nóng nảy với hôn sự của Ngũ Bảo.

Ông để mặc hắn ở nhà chuyên tâm đọc sách, tranh thủ thi được Tú Tài giúp quang tông diệu tổ.
Năm quả đào ngày nào còn nho nhỏ ngây ngô, rồi thêm hai quả nữa là bảy.

Trong đó có năm quả đã như dưa chín rụng cuống, rơi xuống đất mọc rễ nảy mầm mọc lên từng cái cây với cành lá xum xuê.

Hiện tại Đại Bảo đã có hai đứa con trai và một đứa con gái, Nhị Bảo có một trai một gái, Tam Bảo cũng thế, Tứ Bảo thì khá hơn, cũng là hai trai một gái.

Nữu Nữu gả đến Ân gia cũng đã sinh ba đứa con trai.

Giờ chỉ còn Tiểu Ngọc Nhi và Ngũ Bảo, đúng là quả lớn sẽ rụng, rồi sẽ nảy mầm mọc rễ che chở một mảnh thiên địa.
Cơm trưa lễ trừ tịch đã sắp xong thế là Đào Tam gia mang theo con cháu cùng chắt trai ra nghĩa địa tế tổ.

Lúc về nhà phòng ăn đã bày ba bàn tiệc rượu, các nam nhân ngồi một bàn, nữ nhân phải mang theo con nhỏ thì ngồi hai bàn.
Đào Tam gia thấy người nhà đều ngồi đông đủ thì bưng chén rượu tổng kết một năm.

Mọi người đều giơ chén, chạm ly rồi từng người uống theo tửu lượng của bản thân.

Ai có tửu lượng tốt thì uống nhiều, tửu lượng không tốt uống ít, không uống được thì lấy trà thay rượu.

Bọn nhỏ lại càng không phải nói, chỉ có thể uống nước sôi để nguội.

Đào Tam gia đã lớn tuổi nên chỉ uống một chén, Lý thị cũng không dám uống nhiều.

Hiện tại bà cũng đã lớn tuổi nên chỉ bưng chén trà cho đủ số.
Đào Tam gia cầm đũa lên nói: “Ăn thôi, đừng khách sáo!”

Vì thế người một nhà lập tức sôi nổi cầm đũa ăn uống vui vẻ.

Bọn nhỏ tuy hiếu đông nhưng vẫn rất ngoan ngoãn, đứa lớn có thể tự mình gắp đồ ăn, đứa nhỏ thì cần mẹ gắp cho.
Ăn xong bữa cơm này các nữ nhân đi thu dọn rồi vội làm sủi cảo, nam nhân thì chơi cờ hoặc đánh bài, bọn nhỏ thì chạy quanh sân chơi.
Hôm nay trừ tịch ánh mặt trời thật tốt, cực kỳ ấm áp.

Đào Tam gia tiếp tục cùng Phan chưởng quầy nói chuyện phiếm, ba đứa chắt trai nhà Đại Tần thị cơm nước xong lại lẻn sang đây chơi, ở trong sân trước toàn là trẻ con vui đùa ầm ĩ.
Từ sau khi Đào Trường Diệu tiếp nhận chức vụ tộc trưởng thì trong tộc mỗi năm lại khôi phục liên hoan đêm giao thừa.

Hiện giờ người đi gõ la thông báo cho từng nhà không phải Đào Vĩnh Thịnh nữa mà đổi thành con hắn Đào Thanh Thiện.

Lứa này của Đào gia thôn lấy một chữ Thanh làm tên chung, tất cả nam tử cùng lứa đều có một chữ Thanh ấy.
Lý thị chuẩn bị đồ ăn và rượu cho liên hoan.

Lúc này ngoài Đào Tam gia, Trường Phú và Trường Quý thì Đại Bảo, Nhị Bảo, Tam Bảo và Tứ Bảo cũng phải đi.

Bọn họ đều đã thành niên, không thể thoái thác các hoạt động chung được.

Lý thị cố ý để Đại Bảo mua một bộ chén uống rượu siêu nhỏ ở trấn trên chuyên dùng để ứng phó trong dịp này.
Ân Tu Trúc và Phan chưởng quầy đều là người khác họ, tuy cũng ở Đào gia thôn nhưng vẫn không có tư cách tham gia hoạt động kiểu này.

Sau khi ăn cơm chiều Lý thị gói hai cái sàng đầy sủi cảo để từng người mang về nhà mình.
Ân gia không hề quạnh quẽ, hai vợ chồng cùng ba đứa con, một con chó và một con mèo, tám con ngỗng, một con heo, một đôi thỏ xám và 10 con gà quả là náo nhiệt.

Ngày thường gà bay chó sủa cực kỳ ầm ĩ, cũng vui vẻ chứ không hề vắng vẻ.

Tới đêm trừ tịch cũng thế, ba đứa nhỏ đều tề tựu ở chính phòng, bởi vì trong đó có đốt giường đất nên cực kỳ ấm áp dễ chịu.

Chó mèo cũng chui vào đó, từng con cuộn ở trên mặt đất.

Đào thị mang điểm tâm, kẹo, hạt dưa và đậu phộng đã sớm chuẩn bị ra sau đó ngồi xuống cạnh chồng.

Người một nhà cười nói đợi tới giờ Tý là lấy sủi cảo mang từ nhà mẹ đẻ tới để nấu ăn.


Sau đó bọn họ rửa mặt sạch sẽ rồi về phòng ngủ.
Nhà Phan chưởng quầy ở cửa thôn thì quạnh quẽ hơn nhiều.

Phan thị không thể cùng cha mẹ gác đêm nên phái Bân Bân qua cùng ông bà ngoại thức trông giao thừa.

Phan chưởng quầy đã sớm chuẩn bị các loại thức ăn, còn có thỏi bạc trắng bóng để mừng tuổi đứa nhỏ.

Bân Bân cũng là đứa nhỏ ngoan, không bị đồ ăn ngon và tiền tài mê hoặc, hắn vẫn nhiệt tình ngồi đó với ông bà ngoại đợi giao thừa.

Hắn thiện lương giống cha hắn, không nỡ nhìn ông bà ngoại cô độc không nơi nương tựa.

Tới giờ Tý ba người cũng ăn sủi cảo rồi hắn ngủ một đêm ở Phan gia, tới sáng sớm hôm sau ăn cơm sáng xong hắn mới về Đào gia.
Tuy Phan chưởng quầy thương đứa cháu cả này nhất nhưng ông cũng rất quan tâm tới Duệ Duệ và Kỳ Kỳ, hai đứa con thứ hai và thứ ba mà Phan thị sinh.

Năm trước Phan chưởng quầy muốn mời thợ may tốt nhất ở trấn trên may bộ đồ mới cho mấy đứa chắt trai của nhà họ Đào nhưng bị Phan thị khuyên can.

Nàng nói nếu còn như thế thì người nhà họ Đào cũng không thoải mái ở chung với ông vì thế Phan chưởng quầy đành phải thôi.
Nam nhân của Đào gia đi liên hoan về tới nhà thì cả người đều là mùi rượu nhưng không say.

Nữ nhân vội mang nước ấm tới cho bọn họ rửa mặt, lại pha trà nóng để mọi người ngồi vây quanh phòng khách.

Đứa nhỏ còn bé thì đã rúc trong ngực mẹ ngủ, lúc này bị cha và đám thúc bá đánh thức thế là tụi nó tức khắc tỉnh hẳn.

Cả đám giãy giụa đứng dậy xuống đất cùng các anh chị chơi đùa.
Lý thị cười và kể chuyện vui hồi nhỏ của Tam Bảo cùng Tứ Bảo cho bọn hắn nghe, đặc biệt là chuyện tụi nó nhất định phải đánh nhau một trận vào đêm trừ tịch.
Hai thằng nhóc nhà Tứ Bảo đều cao và khỏe hơn Quân Quân nhà Tam Bảo.

Lúc này nghe cụ kể thế ba thằng nhóc đều dán tới bên cạnh Lý thị và đồng thanh đảm bảo: “Cụ, bọn cháu sẽ không đánh nhau!”
Lý thị cười vui vẻ ôm ba thằng chắt trai bảo bối vào lòng và nói: “Ngoan quá! Ngoan quá! Đúng là mấy đứa hiểu chuyện, đừng có học cha mấy đứa là được!”
Quân quân gật đầu sau đó mách luôn: “Cụ ơi, lúc trưa cha cháu và tứ thúc còn đánh nhau ở sân trước, còn coi bọn cháu như gà con mà bắt rồi ném tới ném lui!”
Lý thị tức khắc ném cho Tam Bảo biết bao nhiêu là ánh mắt hình viên đạn.
Tam Bảo thì chiều con, bị con trai mách cũng không tức mà chỉ cười hưởng thụ..