Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 182: 182: Tập Tranh Vẽ Con Thú Cho Nhi Đồng





Vợ Đại Bảo vừa về thì cả nhà Đào Tam gia lập tức tràn ngập tiếng cười, đặc biệt là Đào Tam gia.

Tâm tình ông ấy rõ ràng tốt hơn nhiều, cũng không nhắc mãi Đại Bảo với vợ nữa.

Hiện giờ ông chỉ chờ chắt trai sinh ra nữa thôi.

Mà việc càng khiến người ta vui sướng chính là vợ Nhị Bảo cũng có thai, tâm tình vừa thoải mái một cái là tin vui đã tới.

Đào Tam gia và Lý thị vui không khép được miệng, đồ ăn trong nhà cũng phân làm hai nồi.

Phan thị và tiểu Lý thị có thai thì thức ăn đương nhiên được làm cẩn thận, gạo trắng, mỳ và rau dưa đa dạng trong vườn đều được dùng để tẩm bổ cho các nàng.

Còn đồ ăn của người nhà thì kém hơn nhiều, vẫn chủ yếu ăn độn.
Hiện giờ Đại Bảo và Nhị Bảo coi như viên mãn, chỉ có Tam Bảo là buồn bực không vui, cũng không thích vui đùa như trước kia.
Ân thị vốn mang tính tình của đứa nhỏ nhưng gần đây cũng nhận ra tâm tình chồng không thích hợp.

Sau khi hỏi han Tam Bảo mới thổ lộ nỗi lòng, hóa ra là về chuyện sinh con.

Tam Bảo cố chấp cho rằng bản thân có vấn đề nên trong lòng hơi tự ti.
Ân thị khuyên nhủ: “Tướng công, chàng đừng nghĩ nhiều, đây là do ta, chẳng liên quan gì tới chàng cả.

Nhị ca cũng nói ta mang thể hàn, lúc này điều trị cũng đã đỡ hơn nhiều, chỉ cần uống thêm vài thang thuốc nữa, lại tiếp tục ăn uống cẩn thận thì hẳn sẽ nhanh có thai thôi.”
Tam Bảo vẫn còn lấn cấn, cuối cùng vẫn là Nhị Bảo kiên nhẫn nói chuyện với hắn mới giải tỏa được khúc mắc này.

Cuối tháng ba Lưu thị chuyển hẳn tới Ân gia ở.

Lý thị cũng cách ngày là lại lên núi thăm cháu gái.

Bà mụ đỡ đẻ vẫn là Trần thị trong thôn nhưng Ân Tu Trúc vẫn không yên tâm và muốn lên trấn trên tìm một người có kinh nghiệm.

Lý thị cũng đồng ý vì dù sao Trần thị cũng lớn tuổi rồi.

Vì thế Ân Tu Trúc cưỡi ngựa lên trấn trên tìm Phan chưởng quầy hỏi thăm một phen rồi tìm một bà mụ có danh tiếng và kinh nghiệm.

Hai bên hẹn thời gian, lại giao tiền sau đó hắn mới về Đào gia thôn.
Bụng Đào thị lúc này đã rất to nhưng nàng lại không khẩn trương tí nào, cứ cười hì hì lấy quần áo của đứa nhỏ ra cho Lý thị và Lưu thị xem.

Lý thị vẫn muốn thêu thỏi vàng trên cái yếm nên tiếc nuối nói: “Cũng do ta già rồi không còn làm được việc nữa, nếu không ta sẽ thêu mấy thỏi vàng trên cái yếm cho chắt trai của ta mặc.”
Lưu thị cười nói: “Nương, chuyện này để bọn nhỏ tự làm đi, các nàng đều có thời gian mà.”
Đào thị hì hì cười và lấy ra một cái yếm thêu thỏi vàng nói: “Bà nội xem đây là cái gì?”
“Ai u, là thỏi vàng!” Lý thị cầm lấy cái yếm Đào thị đưa và cẩn thận sờ: “Hầy, vẫn là thỏi vàng đẹp nhất, sao không thêu nhiều một chút?”
Đào thị nói: “Bà nội, yếm cháu làm nhiều lắm rồi, đều mang hình thêu khác nhau.” Nói xong nàng chỉ vào một cái yếm màu xanh thêu con chuồn chuồn màu hồng ở bên cạnh và hỏi: “Bà nội, cái này đẹp không?”
Lý thị vẫn cầm cái yếm thêu thỏi vàng mãi không buông.

Một tay kia bà cầm lấy cái yếm có con chuồn chuồn và khen: “Ha ha, cái con chuồn chuồn màu hồng này thêu giống thật, vợ Trường Phú nhìn xem, tay nghề thêu của Nữu Nữu càng ngày càng tốt hơn rồi!” Nói xong bà lại đưa cái yếm cho Lưu thị.
Lưu thị cười và đón lấy cẩn thận nhìn một lát mới gật đầu nói: “Đúng là thêu tốt hơn trước kia nhiều, có thể thấy nàng cũng nghiêm túc.”
Đào thị lại lấy cái yếm thêu con ếch xanh với lá sen, con bướm nhỏ và cây linh lan, con bọ rùa trên quả dưa xanh, châu chấu và ngọn cỏ cho Lý thị và Lưu thị xem sau đó đắc ý nói: “Đẹp không?! Đều là kiểu dáng mà trẻ con thích!”
Lý thị tấm tắc khen: “Ai u, đúng là sống động, sao hiện tại Nữu Nữu thêu tốt vậy nhỉ?”

Đào thị đắc ý nói: “Hi hi, là chồng cháu vẽ đồ án sau đó cháu thêu theo!”
Lưu thị cười nói: “Tu Trúc đúng là đứa nhỏ khéo tay, không những viết chữ đẹp mà vẽ cũng không tồi!”
Đào thị chu miệng làm nũng: “Nương, sao ngài không khen con thêu tốt mà cứ phải khen chồng con vẽ tốt thế!”
Lưu thị chọc chọc trán con gái mà mắng: “Được, con thêu cũng tốt! Thật là không biết xấu hổ, chỉ thích nghe khen!”
Lý thị thực sự thích mấy cái yếm này nên nói với Đào thị: “Đồ án này cháu có giữ không? Để ta mang về cho chị dâu cháu, để các nàng cũng thêu như thế.”
Đào thị gật đầu và đứng dậy muốn đi lấy lại bị Lưu thị giữ chặt nói: “Con để ở đâu để ta đi lấy cho!”
Đào thị chỉ vào cái tủ đối diện thế là Lưu thị mang tới một quyển sách nhỏ.

Trong đó là tranh vẽ thú vật của Ân Tu Trúc, ngoài đồ án trên yếm còn có bao nhiêu là chim chóc, cá và động vật sống động.

Lưu thị vừa nhìn thấy đã vui vẻ: “Con rể vẽ tốt thật đó, nương, ngài nhìn xem!” Nói xong bà đưa quyển tranh cho Lý thị.

Bà ấy bị tật lão thị, phải giơ cuốn sách ra xa mới nhìn rõ.

Nhìn được rồi bà cũng khen không dứt, sau đó còn muốn mang cuốn sách cho mấy cô cháu dâu xem.
Trưa ngày hôm sau bà mụ ở trấn trên đúng hẹn tới Đào gia thôn.

Đây là lần đầu tiên bà đi xa như thế để đỡ đẻ, coi như nể mặt số tiền đã nhận.

Tới cửa thôn hỏi thăm thì người ta chỉ tới sườn núi ở thôn tây thế là bà ấy cảm tạ và đi qua.

Từ lúc bước lên thềm đá sạch sẽ ngăn nắp bà ta đã tấm tắc khen, tới nơi nhìn ngôi nhà ngói sáng ngời sạch sẽ kia bà ta lại cảm thán mãi.
Có người tới chơi thế là tiểu Hoàng Hoàng lập tức kêu gâu gâu gâu khiến bà mụ sợ quá không dám động, cứ đứng ở cửa gọi.

Mấy ngày nay Ân Tu Trúc đều ở nhà, cũng không lên trấn thăm mấy mẫu ruộng của mình.

Vừa nghe có động tĩnh hắn đã vội chạy ra, Lưu thị cũng đã tới thế là hai người mời bà mụ vào, trải qua một hồi chiêu đãi thì để bà ấy tới phòng phía tây ở.
Mọi thứ đã chuẩn bị xong, chỉ thiếu gió đông.
Chờ khi gió đông thật sự tới thì Đào thị mới biết cái gì là đau đớn, nàng gào tên chồng mình, nghe nó thê thảm như sinh ly tử biệt đến nơi.
Ân Tu Trúc gấp tới độ chạy vội ra cửa gọi với xuống nhà Đào Tam gia ở chân núi.

Lý thị cũng là người có kinh nghiệm phong phú nên vội sai Tam Bảo tới đầu thôn đông mời Trần thị, ba cô cháu dâu vội vã muốn đi thăm lại bị bà ngăn cản.

Bà chỉ mang theo Nhị Bảo và Trương thị ra ngoài.

Đại Tần thị cũng theo tới, nói là nghe thấy động tĩnh ở sườn núi nên cũng muốn tới hỗ trợ.
Vì thế ba nữ nhân và một vị lang trung cùng lên núi.

Ân Tu Trúc đã bị Lưu thị sai đi đun nước, nhưng ở trong bếp hắn cũng nghe được tiếng Đào thị la hét.

Hắn đau lòng trút giận lên đám củi lửa, cả đám nhanh chóng bị tách ra, nước trong nồi cũng nhanh chóng bốc hơi lăn tăn.
Tiểu Ngọc Nhi và Ngũ Bảo theo đuôi mấy người Lý thị, người lớn đều bận nên chẳng ai quản tụi nó.

Hai đứa ngồi xổm ngoài phòng nghe Đào thị gào thảm thiết thì đau lòng muốn chết.

Tiểu Ngọc Nhi khóc ròng nói: “Đại tỷ tỷ đau như thế, Ngũ Bảo, đệ mau ngẫm xem có biện pháp nào không!”
Ngũ Bảo đỏ mắt không nghĩ ra cách gì, nửa ngày mới nói: “Hừ, đệ sẽ đi tìm anh rể lý luận!” Nói xong hắn hùng dũng oai vệ, khí phách hiên ngang đi tìm Ân Tu Trúc.
Trần thị cũng nhanh chóng tham gia hàng ngũ đỡ đẻ.

Tam Bảo sợ Tiểu Ngọc Nhi để lại bóng ma nên kéo con bé tới một góc sân và nói: “Muội đứng xa một chút, ngồi đó chỉ tổ vướng tay chân thôi!”
Tiểu Ngọc Nhi lôi kéo tay Tam Bảo, mắt đỏ như con thỏ thế là hắn lại phải an ủi em gái một lát.
Ân Tu Trúc bưng nước ấm tới, phía sau là Ngũ Bảo với bộ dạng tức giận, hẳn là lý luận không thành công nên không cam lòng! Ân Tu Trúc muốn nhân cơ hội đưa nước để vào phòng nhưng bị Lưu thị ngăn cản.


Bà đón lấy chậu nước sau đó nhốt mọi người bên ngoài.
Tiếng thét trong phòng càng lớn hơn, Ân Tu Trúc cũng càng thêm đau lòng mà hô lên: “Nữu Nữu! Ta ở đây! Nàng đừng sợ!”
Sau lưng Ân Tu Trúc là Ngũ Bảo đang oán giận: “Đều tại huynh đại tỷ tỷ mới đau như thế!”
Ân Tu Trúc duỗi tay giả vờ muốn kéo búi tóc của Ngũ Bảo và cười nói: “Nhóc con biết nhiều quá nhỉ!”
Ngũ Bảo nghiêng đầu muốn né tránh bàn tay to của hắn nhưng vì người nhỏ quá nên búi tóc vẫn bị tên kia xoa nắn.
Tứ Bảo cũng đi tới hỏi han tình huống sau đó lại xuống núi hội báo với Đào Tam gia và mọi người.

Nhị Bảo thì bày trận địa sẵn sàng đón quân địch, biểu tình nghiêm túc.

Tam Bảo đi qua nói: “Nhị ca, có phải huynh đang nghĩ tới nhị tẩu hay không?!”
Nhị Bảo gật đầu nói: “Sinh sản đương nhiên là đau, người thường không thể đoán biết được.

Việc này giống như bước qua quỷ môn quan, không ít nữ nhân vì thế mà chết oan.”
Mặt Tam Bảo tối sầm lại: “Nhị ca, huynh đừng có dọa người, thân thể Nữu Nữu nhà ta rất tốt!”
Ân Tu Trúc cũng nhìn Nhị Bảo với ánh mắt lo lắng thế là tên kia cười cười nói: “Ta chỉ nói sự thật thôi, nhưng lang trung như ta vẫn rất tin tưởng Nữu Nữu!”
Nhị Bảo vừa nói xong thì trong phòng lập tức truyền đến một tiếng trẻ con khóc nỉ non.

Ân Tu Trúc, Nhị Bảo và Tam Bảo đều thở dài nhẹ nhõm một hơi.
Lúc này Lưu thị thì bưng một chậu máu loãng ra, Ân Tu Trúc thấy thế thì mặt biến sắc, vội hỏi: “Nương, Nữu Nữu sao rồi?”
Lưu thị cười nói: “Mẹ tròn con vuông!”
Nhị Bảo và Tam Bảo đều vui vẻ, vội vàng chúc mừng Ân Tu Trúc.

Bản thân Ân Tu Trúc thì muốn vào nhà thăm vợ nhưng lại bị Lưu thị ngăn ở ngoài nói là chờ thu dọn xong hẵng vào vì thế hắn đành phải kiên nhẫn chờ.

Sau một lát Lưu thị mới đi ra gọi hắn và Nhị Bảo đi vào còn Tam Bảo, Tiểu Ngọc Nhi và Ngũ Bảo thì vẫn bị bắt chờ ở ngoài.