Chuyện Thời Hồn Nhiên

Chương 30




Nhìn thấy bà Lưu nằm trên giường, nghe mùi rượu trắng còn sót lại trong phòng, Lâm Lam lắc đầu. Cô quay vào bếp hâm nóng canh giải rượu.

Khi Lâm Lam bưng bát canh vào, bà Lưu đã tỉnh, người say rượu khát nước, Lâm Lam rót một ly nước đun sôi để nguội cho bà.

Bà Lưu uống hết cốc nước đầy, nhìn đứa con gái thứ hai, rất nhiều lời muốn hỏi dâng lên miệng nhưng bà còn chưa kịp nói ra thì đã bị bát canh giải rượu của con bê đến làm cảm động. Rốt cuộc vẫn là đứa con thứ hai mà bà yêu thương nhất, còn biết quan tâm đến mẹ.

Lâm Lam lót chiếc gối sau đầu bà Lưu, múc muỗng canh giải rượu đút cho bà.

Một muỗng canh giải rượu từ từ sưởi ấm trái tim không gì lay chuyển được của bà Lưu. Bà nhìn đứa con gái ở cạnh, lòng dịu lại. Có lẽ bà nên thử đứng dưới góc độ con gái, tìm hiểu lý do thực sự khiến con muốn con chọn thôi học chứ không phải kiên quyết chống đối, nổi giận, thậm chí lấy cái chết ra ép bức con.

“Lam Lam, con ăn sáng chưa?”

Lâm Lam: “Ăn ở nhà bạn rồi.”

Bà Lưu gật đầu, dùng ánh mắt điều tra hỏi con.

“Lam Lam à, bây giờ con đã là cô gái lớn, có nhiều chuyện đã có suy nghĩ riêng bản thân. Lúc trước thái độ của mẹ quá kích động, không thể nghiêm túc nghe ý nghĩ chân thật trong lòng con.”

Lâm Lam nhất thời ngây ngẩn cả người khi nghe những lời này, ngẩng lên nhìn mẹ, đút muỗng canh giải rượu cuối cùng vào miệng bà: “Con vào bếp rửa bát trước, mẹ cứ nằm nghỉ ngơi thêm.”

“Bát cứ để đó, không cần rửa vội.” bà Lưu nắm tay con, “Nói mẹ nghe rốt cuộc là vì sao con lại bỏ học? Nói thật mẹ sẽ không trách con.”

Lâm Lam không muốn nói, “Không phải đã nói với mẹ rồi sao, con không muốn tiếp tục học, thấy hơi mệt mỏi.”

Bà Lưu không tin cái lý do quá chiếu lệ này, bà vuốt v e mu bàn tay con gái, nói thấm thía: “Mẹ với con giống nhau ở điểm học rất giỏi, nhưng mà nhà ngoại hồi đó quá nghèo, ông bà ngoại không nuôi nổi ba đứa con cùng đi học, mẹ phải bỏ học về nhà, tìm một công việc tạm ở trại gà. Khi đó mỗi tháng có thể tiết kiệm được mấy chục đồng, lập tức biến thành một nửa trụ cột trong nhà. Hai dì với cậu đều do mẹ hỗ trợ chu cấp học phí mới học xong đại học. Mẹ thường nghĩ, nếu khi đó trong nhà giàu hơn một chút, giá nào mẹ cũng phải học tiếp.”

Đây là lần đầu tiên Lâm Lam nghe mẹ kể về thời trẻ của mình, trong mắt cô, bà Lưu Xảo Ca là một phụ nữ nông thôn thích chơi mạt chược, tính tình tùy tiện, hấp tấp, không ngờ bà còn có câu chuyện xưa như thế. Cô không kiềm được, hỏi: “Vậy tại sao lại là mẹ bỏ học?”

Bà Lưu cười khổ: “Vì mẹ không muốn khiến ông bà ngoại khó xử, lúc đó dì con đã học cấp 3, cho các dì nghỉ học thì mất trắng mười mấy năm học hành; còn cậu con là con trai duy nhất trong nhà, chắc chắn không thể bỏ học; mẹ là con thứ, tuy rằng thành tích học tập không tồi nhưng mới học cấp 2, bỏ học thì tổn thất không quá lớn. Hơn nữa mẹ thích trò chuyện, mối quan hệ với mọi người rất tốt, ông ngoại con cảm thấy tính cách mẹ ở bên ngoài chăm chỉ làm việc thì tương đối ổn.”

Lâm Lam yên lặng gãi gãi tay bà Lưu, “Lúc ấy mẹ rất muốn đi học sao?”

“Đương nhiên muốn. Hồi đó cơ hội đi học không nhiều, sinh viên đại học có giá hơn bây giờ nhiều, cơ bản chỉ cần tốt nghiệp đại học là đất nước có thể phân công công việc, cuộc sống cả đời không cần quá lo. Nếu mẹ tiếp tục học nói không chừng cũng có thể đậu đại học, có một công việc chính thức.” Bà Lưu lại mỉm cười, nói: “Nhưng mà nếu thật sự mẹ học đại học, có thể sẽ không gặp ba con, cũng sẽ không có ba chị em con, bây giờ ngẫm lại, tất cả đều do ông trời an bài.”

Sau một hồi im lặng, Lâm Lam cuối cùng cũng nói ra những lời trong lòng mình. Cô nói: “Con lựa chọn thôi học là không muốn ba mệt như vậy, con hy vọng ông có thể trở về, hy vọng người một nhà chúng ta có thể đoàn tụ.”

Từ rất lâu trước kia, Lâm Lam cực kỳ hy vọng ba có thể ở bên cạnh mình, nhưng cô cũng giống như Lâm Lỗi, rất ít bày tỏ cảm xúc trong lòng. Vì để ba yên tâm làm việc bên ngoài, trước giờ cô chỉ nói chuyện tốt, không nói chuyện xấu. Rõ ràng nhớ ba đến khóc mà vẫn mạnh miệng nói mình không nhớ, rõ ràng cực kỳ hâm mộ bạn học khác có ba mẹ đồng hành bên cạnh, lại vẫn giả vờ kiên cường nói mình mọi việc đều tốt.

Nếu việc bỏ học của cô có thể đổi lấy sự đoàn tụ của gia đình, đây không phải là một lựa chọn sao? Cô không có lý tưởng hoài bão gì vĩ đại, chỉ hy vọng gia đình ở bên nhau, sống cuộc sống bình dị, đồng hành, nương tựa vào nhau, như vậy đủ rồi. Thậm chí Lâm Lam đã lên kế hoạch riêng cho tương lai, sau khi thôi học cô sẽ tìm một công việc dạy kèm, từ từ tích cóp tiền, sau này mở một tiệm cơm nhỏ trong huyện thành, ba có tài nghệ nấu ăn sẽ về làm cố vấn.

Bà Lưu nghe câu trả lời như vậy thì lòng buồn vô cùng, bà ôm chặt con gái, nửa khóc nửa dỗ: “Lam Lam, con đừng nghĩ vậy, ba mẹ vất vả như thế này chính là vì để các con có thể yên tâm học hành. Nếu con bỏ học, ba con sẽ phát điên mất.”

Lâm Lam dựa vào lòng mẹ, cảm xúc mà cô kiềm nén bấy lâu nay trào ra, cô vừa khóc vừa nói: “Nhưng mà con không muốn ba đi làm xa như vậy. Mẹ không biết chứ, lần trước lúc ba đi, Nhị Lỗi ở trên lầu khóc cả đêm…”

Bà Lưu hoàn toàn thấu hiểu nỗi lòng các cô con gái, chính bà sao lại không nhớ chồng? Một người phụ nữ quanh năm xoay sở lo liệu sinh hoạt trong nhà, không khác gì góa phụ, đó cũng là lý do vì sao bà thích vùi mình trong chỗ chơi mạt chược, ở đó đông người, náo nhiệt, mọi người tâm sự, nói nói cười cười, thời gian cô độc sẽ trôi qua.

Mọi người đều cho rằng Lưu Xảo Ca là người qua loa tùy ý, đao thương bất nhập, là người có lòng dạ rộng lớn hơn cả Hoàng Hà. Nhưng dưới vẻ bề ngoài ấy, bà cũng chỉ là một người vợ nhớ chồng, là người mẹ lo lắng cho con, cũng là một người phụ nữ yếu đuối nhát gan. Cái gọi là mạnh mẽ chẳng qua vì cuộc sống mà phải mặc vào chiếc áo giáp, chống chọi với mưa gió bên ngoài.

Ngày đó đang học tiết Ngữ văn, cô Đổng Mẫn đột nhiên nhìn ra cửa, sau đó dừng lại bên cạnh Lâm Lỗi: “Lỗi Lỗi, em ra ngoài đi.”

Nhị Lỗi không hiểu ra sao, đi ra ngoài, nhìn thấy bà Lưu dẫn theo chị hai Lâm Lam đứng bên ngoài cửa lớp.

Bà Lưu dịu dàng nói: “Mau đi thu dọn cặp sách, xe chờ bên ngoài kìa.”

“Xe?”

“Không có thời gian giải thích nhiều, con cứ đi thu dọn đi, lát nữa lên xe mẹ sẽ nói.”

Lâm Lỗi đeo cặp đi theo mẹ và chị hai lên xe tải của ba Vi Vi. Thời tiết ảm đạm nhưng tâm trạng bà Lưu rất tốt, bà nói: “Nhị Lỗi, bây giờ chúng ta xuất phát đi thăm ba con.”

Lâm Lỗi sửng sốt trợn to mắt: “Bây giờ?” Cô còn đang đi học, bà Lưu không phải nói đùa chứ?

Lâm Lam nhướng mày: “Đúng đó, vui không?”

Lâm Lỗi: “Nhưng mà em còn phải đi học mà, làm sao đây? Với lại tại sao tự nhiên chúng ta lại đi thăm ba?”

Bà Lưu: “Mẹ đã xin phép giáo viên chủ nhiệm cho con nghỉ mấy ngày. Lần này chúng ta qua chỗ ba ở mấy ngày chơi cho thỏa. Đúng lúc chị cả con đang thực tập ở đó, chúng ta xem như cả nhà đi du lịch.”

Lâm Lỗi mất vài phút mới tiêu hóa được tin tức bất ngờ này, mặt dần lộ ra vẻ hưng phấn: “Tuyệt quá, vậy con có thể gặp lại Tiểu Hoa.”

Lâm Lam: “Tiểu Hoa là ai?”

Lâm Lỗi: “Là con mèo hoang, trước kia em đến chỗ ba nhận nuôi…”

Bà Lưu: “Mẹ nghe nói điểm tâm ở Quảng Đông rất ngon, đến lúc đó dẫn tụi con đi ăn thử. Rồi mua cho Nhị Lỗi mấy cái váy hoa để mặc, suốt ngày mặc đồ y như con trai, khó coi quá, ai không biết còn tưởng mẹ là mẹ kế chứ.”

“Không cần!” Lâm Lỗi cực lực phản đối, từ nhỏ đến lớn cô không mặc váy, càng không chạm vào những thứ con gái yêu thích. Quần áo cô thích vô cùng đơn giản, cũng không thích để tóc dài.

Lâm Lam nói đỡ cho em: “Mẹ không biết ấy, đây là phong cách trung tính, nam nữ đều mặc được, bây giờ người trẻ ăn mặc phổ biến như thế.”

Bà Lưu: “Cái gì trung tính? Trên đời ngoài đàn ông và phụ nữ chẳng lẽ còn có giới tính thứ ba? Đúng là khoảng cách thế hệ với các con ngày càng lớn.”

Lâm Lỗi nghe mẹ nói, tai hơi đỏ lên, cô đón từng làn gió mát lạnh thổi đến, hít một hơi thật sâu sự tự do không dễ có này.

Thời tiết cuối tháng 5 rất đẹp, gió thổi sóng lúa, ve sầu kêu râm ran, ba mẹ con trên đường đi cười cười nói nói, đây là lần đầu tiên sau khoảng thời gian dài. Lần đầu tiên, bà Lưu dẫn theo hai đứa con gái xa nhà; lần đầu tiên, bà Lưu đến Quảng Đông cách xa nghìn dặm thăm chồng đang làm việc; lần đầu tiên gia đình họ đoàn tụ với nhau ngoài thời gian Tết âm lịch.